Nước Nhật mua cả thế giới

II. Nước Nhật muốn thống trị thế giới?



Không có sự kiêu ngạo thông minh.

Céline, Cuộc hành trình qua đêm.

Những người có suy nghĩ độc lập quan tâm đến vấn đề này đang tự đặt câu hỏi: nước Nhật muốn gì và sẽ làm gì bằng sức mạnh mới của họ? Trước tầm hoạt động rộng lớn của Nhật Bản trên thế giới, người ta không thể không đặt vấn đề này một cách nghiêm túc. Cuộc tranh luận về vấn đề này có ý nghĩa sống còn. Câu trả lời có thỏa đáng và sẵn sàng hay không tùy thuộc vào việc xác định nhanh hay chậm chiến lược của phương Tây. Những năm sắp tới sẽ là những năm quyết định. Dù vì nguyên do nào, dù với chiến lược nào, thế giới cũng sẽ biến đổi một cách căn bản. Nếu phương Tây chọn hạ sách là lùi về cố thủ, chúng ta sẽ thấy xuất hiện những cực mới, một bên là châu Á với Nhật Bản đứng đầu, một bên là sự suy thoái đã quá rõ của nước Mỹ. Chính sách cô lập và bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp lâu dài. Nếu thế giới phương Tây dùng biện pháp chiến tranh nhằm loại trừ sự cạnh tranh của Nhật Bản thì chắc rằng hành tinh chúng ta sẽ trở lại thời đại hoang dã. Song nếu phương Tây chọn con đường hòa nhập với phương Đông, có thể thế giới ngày mai sẽ là thế giới hài hòa và thanh bình.

Để thử làm sáng tỏ ít nhiều cuộc tranh luận khó khăn đó, tôi nghĩ điều quan trọng là phỏng vấn những diễn viên và khán giả của vở vũ kịch hấp dẫn này và tập hợp một số ý kiến của họ. Cũng không có gì phải ngạc nhiên khi thấy những lời tuyên bố của họ rất khác nhau, dù họ là người Âu hay người Nhật. Người Âu thì biểu lộ một sự bất an sâu sắc, đôi khi là mối lo âu, nếu như không phải là một sự ác cảm ra mặt. Còn người Nhật thì trầm tĩnh hơn, tự tin đôi khi cao đạo, nhưng không kiêu căng. Chính vì thế cuộc tranh luận còn lâu mới kết thúc, bởi đôi bên còn cách biệt sâu sắc, cả ở phương Đông và cả ở phương Tây. Nhưng có điều khích lệ cả từ hai phía là ngôn ngữ quanh co đã được thay thế bằng những bài diễn văn thẳng thắn hơn. Những dấu hiệu đó cho thấy một bên là mối quan tâm của giới trí thức Nhật Bản về sự hội nhập của nước họ vào thế giới và một bên là mối quan tâm của phương Tây về một đối sách trước những thách đố đang hình thành.

Nước Nhật, kẻ thù số một?

“Người Nhật là những kẻ giết người?” Đó là dòng tít đậm trên trang bìa tờ Le Nouvel Economiste số ra ngày 12/1/1990 cùng ảnh một võ sĩ đạo Nhật dáng ngạo nghễ. Tờ báo viết: Để khống chế thị trường, Nhật Bản “tìm diệt kẻ thù bằng cách bao vây, siết chặt và bóp nghẹt.” Vẫn theo tờ báo “đằng sau vẻ lịch sự tuyệt vời và những lời lẽ thân thiện thì người Nhật đang thực sự là những kẻ giết người.” Tờ Le Nouvel Economiste không ngần ngại nói về tính “hai mặt” của Nhật Bản, rằng Nhật Bản đã đặt ở châu Âu “một đội quân thứ năm”. “Nhật Bản: đất nước làm người ta sợ hãi”, tờ Le Point quả quyết như vậy trong số ra ngày 18/12/1989 và viết: “Một vai trò lãnh đạo ngày càng được khẳng định, ngày càng đè nặng, ngày càng có tính yêu sách, đang làm lo sợ những người hùng của chiến thắng năm 1945 mà cho đến nay vẫn còn mơ màng trong những dáng vẻ của hiện trạng.”

Khi Thủ tướng Nhật đến thăm chính thức nước Pháp đầu năm 1990, một số báo chí Pháp đã chụp lấy cơ hội này để điểm lại mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Tờ Le quotidien de Paris đã nói trắng ra rằng: “Ông Toshiki Kaifu không phải đi du lịch (…). Đơn giản là ông ta đến để làm ăn, nghĩa là đi sắm hàng trong cái châu Âu già cỗi này. Ai cũng biết, nhưng chẳng ai chịu tin vào điều đó. Tuy nhiên, mọi việc đã rõ cả: Bắt đầu từ năm nay, nước Nhật tung ra một cuộc tiến công tài chính, thương mại, công nghệ vào châu Âu (…). Người Nhật chẳng hề xót thương gì. Điều đó thì đã rõ, chính xác và đầy đủ. Nếu người Nhật đạt được mục tiêu này, thì đến những năm 90 cứ 10 người châu Âu sẽ có 3 người làm việc trong các xí nghiệp do người Nhật kiểm soát. Cứ hai chiếc xe hơi thì một chiếc mang nhãn hiệu Nhật Bản, và hơn 1/3 những nhà sáng tạo châu Âu sẽ biến mất (…). Điều đáng lo ngại là ngoài một vài nhà công nghiệp sáng suốt hoặc có liên quan còn không ai ở châu Âu thật sự ý thức được tầm quan trọng của tiến công này.”

Đối với Alain Gomez, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hãng Thomson, “Người Nhật thắng vì họ lường gạt”[83]. “Thị trường Nhật là thị trường hoàn toàn đóng kín” và “Người tiêu dùng Nhật Bản đã tài trợ cho cuộc chiến tranh ngoài nước Nhật bằng cả nền công nghiệp”, bởi họ “không mua một máy thu hình, một máy ghi âm hay một đĩa compact với giá ngang với người mua ở Pháp và người Mỹ mua ở Mỹ.” Theo Alain Gomez, “Người lao động Nhật tài trợ cho chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản bằng cách chấp nhận điều kiện làm việc và hệ thống xã hội mà với chúng ta (châu Âu) không thể nào chấp nhận được.” Ông nói thêm: vấn đề đặt ra là “liệu vì sự lường gạt này, chúng ta có chấp nhận để cho bản thân hệ thống xã hội của chúng ta, lối sống của chúng ta bị xóa bỏ hay không.” Trên tờ Le Point ra ngày 18/12/1989, ông ta còn đi xa hơn: “Đã đến lúc phải báo động. Cỗ máy nghiền của Nhật Bản đang quay với một tốc độ ngày càng tăng. Người ta đã có kinh nghiệm là chủ nghĩa bành trướng đế quốc thường đi song song với bước tiến trong công nghiệp. Thắng lợi lại đẻ ra thắng lợi. Đến một lúc nào đó sự rút lui trở thành một cuộc tháo chạy thảm hại không kịp hối. Chúng ta không còn xa cái ngày đó đâu.”

[83] Tuyên bố trên đài truyền hình TIF (Pháp) ngày 24/11/1989.

Phải chăng Alain Gomez là người theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chống Nhật Bản?. “Chống bọn lường gạt thì đúng hơn. Châu Âu không thể tồn tại nếu không có hàng rào quan thuế.” Trên tờ báo Le Figaro Magazine ngày 13/4/1990, bản thân Alain Gomez lại nhấn mạnh: Cần ra lệnh động viên mọi lực lượng toàn châu Âu. “Những hãng lớn của Đông Nam Á đang thống trị thế giới, họ ra vẻ phỉnh phờ, thật ra họ đang tiến hành một cuộc chiến tranh thật sự, song giống như những cuộc chiến tranh ngày xưa, bọn cướp giả làm thương nhân, chỉ kéo cờ đen vào phút chót, lúc chúng bắt đầu nổ súng. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn không thể bào chữa cho sự ngây thơ của những thương nhân tốt bụng hàng đầu của châu Âu.”

Và ông ta thêm: “Các nguồn sinh lực của Nhật Bản đã được huy động toàn bộ để chinh phục thị trường nước ngoài.” Chính vì vậy, vấn đề không phải là buông xuôi tay, mà phải tiếp tục tái cấu trúc lại việc sản xuất, cải tiến và tìm kiếm các hình thức hợp tác liên xí nghiệp.

Theo Michel Charzat, nghị sĩ Paris và ủy viên thư ký Đảng Xã hội, phụ trách công nghiệp và khu vực công cộng: “Đã đến lúc phát động một chiến lược phản công của châu Âu một cách thẳng thừng, không quanh co, đối mặt với cuộc tiến công của Nhật Bản”[84]. Ngay như Bộ trưởng công nghiệp Pháp, Roger Fauroux dù ít có tâm lý sợ Nhật cũng đã tuyên bố ngày 26/2/1990 rằng đối mặt với chiến lược của Nhật Bản thì “việc cả thế giới đứng lên chống lại cũng là chuyện bình thường.” Ông nhấn mạnh: vấn đề không phải là giữa nước Pháp và nước Nhật, mà là giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới.” Theo Roger Fauroux “Nền kinh tế của Nhật Bản đã trở thành một hiểm họa đối với phần còn lại của thế giới.”

[84] Phát biểu ngày 17/2/1990 tại Hội nghị của giới công nhân ngành xe hơi châu Âu.

Những tuyên bố của Jacques Calvet, chủ tịch hãng xe hơi PSA có ảnh hưởng trong giới kinh doanh. Chính ông cũng lên giọng cứng rắn. Trên trang nhất báo Le Monde, ông ta tuyên bố: “Châu Âu là pháo đài cát”. “Thế giới hiện nay như đang chia thành ba khu vực kinh tế riêng biệt: hai khu vực đã là những pháo đài vững chắc, đó là thế giới Bắc Mỹ và thế giới Nhật Bản, khu vực thứ ba là châu Âu, vừa ủy mị vừa hơi ngây thơ, chỉ nghĩ đến việc bù đắp sự chậm trễ của mình bằng cách thiết lập cũng một thực thể kinh tế vững chắc như của Bắc Mỹ và Nhật Bản.”

Theo ông, sự thách đố của Nhật Bản có luật chơi rất rõ ràng: “Người Nhật hơn bất kì ai khác, hiểu rằng nều mậu dịch quốc tế giống như một trận quyền anh mà luật chơi là ra đòn và không bao giờ nhận đòn.”

Trong lĩnh vực xe hơi, cuộc chiến đấu đặc biệt là không cân sức: “Năm 1988, thị trường chung châu Âu (CEE) nhập 1.212.000 xe Nhật; trong cùng thời gian đó. Nhật Bản chỉ nhập 111.500 xe của châu Âu.”

Ông ta nói tiếp: “Nhật Bản, một nước tự do mậu dịch, lại nhập của cả thế giới một số xe ít hơn cả số lượng họ xuất sang nội nước Pháp, vốn là một nước được ‘bảo hộ’ với một quota hạn chế việc nhập xe Nhật.”

Jacques Calvet cho rằng các loại xí nghiệp phi địa phương hóa của các xí nghiệp Nhật Bản nằm ở giữa châu Âu chính là hiểm họa đối với các nhà chế tạo châu Âu. “Nếu trong thập kỷ tới 1.500.000 xe hơi Nhật được chế tạo ở châu Âu theo mức đầu tư đã được công bố, thì điều đó theo logic ‘toán học’ là một trong sáu nhà chế tạo xe hơi của châu Âu sẽ tiêu vong (Fiat, Volkswagen, PSA, Ford châu Âu, Opel-Vauxhall hay Renault).”

Chủ hãng Peugeot lại lập luận: Người Nhật đến châu Âu không tạo thêm công ăn việc làm. Ngược lại, họ tạo ra sự thất nghiệp. Điều mà Jacques Calvet yêu cầu là sự hòa hợp châu Âu chứ không phải là sự tự do-mậu dịch không cân xứng với Nhật Bản. Cho nên, châu Âu phải áp dụng chế độ hạn ngạch trong việc nhập xe Nhật vào CEE bao gồm trước hết là xe từ Nhật Bản và cả xe chế tạo ở các xí nghiệp của Nhật Bản tại châu Âu. Những hạn ngạch này phải được duy trì trong một thời gian chuyển tiếp ít nhất là 10 năm, đủ cho nền công nghiệp xe hơi của châu Âu có thể tổ chức lại và có sức đề kháng. Và ông ta kết luận: “Không nên bối rối, chúng ta mạnh, chúng ta chủ trương sự cạnh tranh và chúng ta thực hiện điều đó hàng ngày. Nhưng sẽ là tự sát nếu mở rộng sự cạnh tranh với những nhà doanh nghiệp mà bản thân họ không muốn có cạnh tranh, vì họ có nền văn hóa riêng của họ. Đối với họ, cần nhân danh những nguyên tắc của chúng ta.”

Jacques Delors, chủ tịch cộng đồng châu Âu cũng không còn giữ nổi sự dè dặt. Trong cuộc tranh luận trên tạp chí Alternatives Economiques vào đầu tháng 10/1990, ông đã cho rằng châu Âu đã thất thế khi đối mặt với Nhật Bản vì sự chia rẽ giữa các nước trong khối CEE vốn không có một đối sách chung trước sự cạnh tranh của Nhật Bản. Bằng lập luận đanh thép của một luật sư, ông nói thêm: “Đối với người Nhật, cần phải biết tấn công, trong giới hạn sự lịch sự cho phép. Không có cách nào khác.” Một số quan chức trong bộ công nghiệp và thương mại quốc tế Nhật Bản (MITI) đang theo đuổi “cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đằng sau bàn giấy của họ” và “áp đặt một hình thức thống trị ở châu Âu mà chúng ta phải đối đầu.”

Edith Cresson: Nước Nhật đang làm bá chủ

Cuộc phỏng vấn bà Edith Cresson diễn ra tại phòng làm việc của bà trên đại lộ Raymond-Poincaré ở Paris, lúc đó bà còn là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu. Bà tiếp tôi rất nhiệt tình. Nước Nhật là một đề tài bà say mê. Cuộc đấu tranh hàng ngày của bà rất dũng cảm và đáng kính phục: Huy động toàn châu Âu hợp nhất để chống lại áp lực của nền công nghiệp Nhật Bản. Về điều đó, bà không hề sợ bị quấy rầy. Với sự ủng hộ ngầm của tổng thống F.Mitterrand – ông không bao giờ nhắc nhở bà phải “trở lại trật tự”, bởi bà rất gần gũi với F.Mitterrand trên bình diện chính trị – bà không ngần ngại bày tỏ công khai những điều mà nhiều người khác có thể e ngại, chỉ dám suy nghĩ thầm kín. Ngày 10/1/1990, bà tuyên bố:

“Rõ ràng là giờ đây Nhật Bản là một đối thủ không tuân theo luật chơi và đang nuôi quyết tâm thống trị thế giới. Thật ngây thơ và mù quáng nếu không ý thức được điều đó.”[85]

[85] Trả lời phỏng vấn báo La Tribune de I’expansion (Diễn đàn khuếch trương kinh tế).

Ngày 30/4/1990, bà dự định thành lập ở Pháp một “Bộ chỉ huy tối cao của cuộc chiến tranh kinh tế” để đối đầu với sự chiến tranh của Nhật Bản và Hoa Kỳ[86]. Ngày 8/7/1990, chỉ vài ngày trước chuyến viếng thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Pháp, bà đã khuyến cáo Michel Rocard không được “hạ mình” trước người Nhật và tuyên bố rằng đối mặt với mối hiểm họa Nhật Bản ngày càng tăng: “Tôi cho rằng chúng ta đã bước đến gần thảm họa quốc gia ở một số ngành công nghiệp và chúng ta đã “buông xuôi hai tay rồi”[87]. Sự rời bỏ chính quyền của bà, coi như một sự từ chức, đã được thông báo ngày 2/10/1990. Hôm sau, bà tuyên bố trên đài phát thanh rằng bà muốn từ chức là vì bà có cảm giác “nói vào khoảng không”.

[86] Le Club de la presse (Câu lạc bộ báo chí), Europe 1.

[87] Trả lời phỏng vấn tờ Journal du dimanche

Ngồi trước “người đàn bà sắt” của nước Pháp (danh hiệu đó chắc chắn không phải để vui lòng bà), tôi trao lại cho bà bản sao những cuộc trao đổi của tôi ở Nhật Bản. Edith Cresson rõ ràng rất vui khi biết rằng cũng có những người Nhật chia sẻ quan điểm của bà. Gương mặt bà bỗng rạng rỡ một nụ cười thông cảm và bà rời bàn giấy đến ngồi cạnh tôi. Ở Nhật Bản những tuyên bố của bà gây chấn động lớn. Ở châu Âu, hành động của bà là nhằm thống nhất châu Âu vào năm 1992. Song liệu bà có được châu Âu lắng nghe hay không?

“Ồ, có chứ, tôi tin như thế. Hơn nữa tôi đã nhận được nhiều thư, không chỉ ở Pháp, mà từ nhiều nước ở châu Âu, có cả những người đã tiếp xúc, quan hệ làm ăn với người Nhật. Tôi tin rằng những điều tôi phát biểu phản ánh điều nhiều người đã nghĩ đến mà không nói ra, ít nhất là theo những gì họ đã viết cho tôi. Tôi luôn ngạc nhiên thấy rằng người ta không nói ra điều mình suy nghĩ, nhất là khi họ giữ những trọng trách trong chính trường. Trong lĩnh vực chính trị, đương nhiên người ta không thể nói hết những điều người ta suy nghĩ. Nhưng tôi cho rằng cần phải bày tỏ quan điểm trên những vấn đề trọng đại, nếu những lời nói đó không gây ra những tác động cho chính sách đối nội, không làm cho thất cử. Tôi không thể hiểu tại sao những nhà chính trị có trách nhiệm lại không lên tiếng báo động chính phủ họ. Tôi nghĩ họ được trả lương vì nhiệm vụ đó và đó là vai trò của họ.”

Tôi hỏi bà Bộ trưởng liệu những đồng sự của bà có chia sẻ ý kiến của bà về mối đe dọa của Nhật Bản không?

“Có những nước vấn đề ấy không được đặt ra. Ví dụ như Irlande mà mãi gần đây còn giữ chức chủ tịch Cộng đồng châu Âu. Vấn đề Nhật Bản đối với họ hầu như không đặt ra. Càng có nhiều xe Nhật đến Irlande, càng cạnh tranh thì giá càng hạ; đối với giới trung lưu Irlande, như vậy tốt hơn. Họ không nhìn xa hơn. Tôi nói với họ ‘Khi các ông có thêm hàng trăm ngàn người thất nghiệp trong Cộng đồng châu Âu thì chúng tôi có thể sẽ giảm mức đóng góp cho quỹ cứu trợ của Cộng đồng châu Âu dành cho những vùng khó khăn của Irlande.’ Thế nhưng đó là một khía cạnh của vấn đề mà họ không hề nghĩ đến. Người khác thì nghĩ đến điều đó ngay. Và cũng có người có tư duy chính trị. Tôi lấy ví dụ như người Hy Lạp, nền kinh tế Hy Lạp giống Irlande, là không có công nghiệp xe hơi. Nhưng người Hy Lạp là những nhà chính trị; họ chia sẻ quan điểm của tôi trong cộng đồng Âu châu. Còn người Anh, người ta đã biết đến lập trường của họ, họ cũng không có công nghiệp xe hơi, họ đang cố xây dựng công nghiệp đó. Ngoài ra tôi cũng khẳng định những ý kiến phản đối của người Anh nhấn mạnh đến việc: tất cả lợi nhuận đều được chuyển về Tokyo. Như vậy, một số nơi đã có ý thức. Người Đức, bao giờ cũng vậy, quan điểm của họ hàm hồ hơn. Những nhà chế tạo Đức rất sợ sự xâm nhập của Nhật Bản; họ phát biểu điều đó trong những cuộc gặp riêng, còn chính phủ của họ thì cứ nói chẳng có gì phải sợ hãi. Thói thường xưa này ở Đức vẫn nói: ‘Chúng tôi không sợ gì cả vì chúng tôi mạnh hơn và không gì có thể cưỡng lại chúng tôi.’ Đó là một lập luận hơi phi lý, vì khi khó khăn xảy đến thì có thể đã quá chậm. Tuy nhiên, như vẫn thường xảy ra ở châu Âu. chúng tôi cũng đã có được một thỏa thuận tổng quát về một lập trường phù hợp trong vấn đề xe hơi. Và đặc biệt giới chức trách Đức cũng đã cảm thấy mối đe dọa thực sự đang tồn tại. Tôi cho rằng cảm giác đó đã được chia sẻ kha khá.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.