Nước Nhật mua cả thế giới

II – Phần 5



Johnson Chalmers: Nước Mỹ, thuộc địa của Nhật Bản?

Có một hiện tượng mà bề ngoài rất lạ, nhưng thường lặp lại ở Nhật Bản: mỗi lần có một nhân vật nước ngoài nào chỉ trích hệ thống Nhật Bản, thì hầu như chắc chắn nhân vật đó sẽ được mời đến thăm Tokyo. Chính vì thế, bà Edith Cresson đã nhiều lần được chính phủ Nhật mời đến thăm. Bà Bộ trưởng Pháp nghĩ rằng một chuyến đi như vậy không có gì cấp bách. Karel Van Wolferen là khách mời của tổ chức “Nhà Nhật Bản” vào mùa xuân năm 1990. Nhiều người khác đã đến thăm Tokyo. Bằng cách đó, nhà chức trách Nhật hi vọng xóa được cái họ gọi là sự “hiểu lầm.” Một trong những chiến thuật thường dùng ở Tokyo là nói rằng nước Nhật bị hiểu không đúng ở nước ngoài. Cho nên, nếu như người nước ngoài chưa hiểu rõ sự việc, có cần giải thích ồn ào không? Nhật Bản thường tìm giải pháp “làm thân”. Một phương thức thuần túy Á Châu: không nên nói giữa đình làng, mà hãy dàn xếp trong gia đình, ở chỗ kín đáo. Một giải pháp nữa là mua chuộc những kẻ gièm pha.

Nhưng Johnson Chalmers không phải là người dễ bị bịt miệng. Mùa xuân năm 1990, ông đã trình bày những luận điểm chủ yếu trong những phê phán của ông nơi câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Tokyo. Dưới đây là những trích đoạn có ý nghĩa nhất. Đáng chú ý là ông dành những lời công kích cay độc nhất cho chính nước Mỹ. Ông đặc biệt lấy làm tiếc về việc Mỹ đã không có một đường lối chiến lược về công nghiệp, và ông phản ứng quyết liệt chống lại sự ngây thơ về ý thức của Mỹ trong cái ông gọi là chủ nghĩa tự do buông thả[92].

[92] Phát biểu ngày 28/3/1990.

“Chắc đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đất nước (Mỹ) đang sắp bị xâm lược, mà trước đây chính nước đó đã phải trả giá đắt để bảo vệ kẻ đang xâm lược mình hôm nay. Đó là một tình thế không bình thường, chứa đầy căng thẳng, hiểm nguy và phản trắc. Nếu nước Mỹ không khắc phục được sự thâm thủng trong trao đổi mậu dịch Mỹ-Nhật mối quan hệ đối tác theo nghĩa chung của từ ấy, thì nước Mỹ sẽ không thể sống còn. Sự thâm thủng mậu dịch đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ, chủ nghĩa dân tộc trong công nghệ, sức mạnh tài chánh của Nhật Bản, nguồn vốn dài hạn chủ yếu của thế giới hiện nay, là nguồn bù đắp cho tình trạng thâm thủng ngân sách và mậu dịch Mỹ: tất cả những điều đó đang làm gia tăng khả năng nổ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ. Những vấn đề đó không hề đứng riêng rẽ, mà tạo thành một bộ phận của quá trình chuyển biến đang lay động những cấu trúc căn bản nhất của các quan hệ quốc tế.”

Xin một ví dụ cụ thể?

“Nếu ông đi trên con đường liên bang 75 giữa Chio và Kentucky, ông chắc sẽ có ấn tượng ngay là vùng ấy đã bị xâm lược. Hình như chính sách đầu tư của Nhật Bản đã vượt khỏi mọi kiểm soát. Các khoản đầu tư của Nhật Bản nếu không được chế ngự và không gặp sự đối trọng thì sẽ dẫn đến đối kháng với Mỹ chứ không phải lệ thuộc Mỹ.”

Sự sụt giá đồng đô la đối với đồng yên đã khiến cho Nhật Bản đầu từ ồ ạt ra nước ngoài. Johnson Chalmers nói tiếp:

“Mọi thanh niên đi du lịch Honolulu bây giờ đều cảm thấy bị buộc mua ít nhất một căn hộ, còn không là một khách sạn do giá cả ở đó rẻ mạt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Hawai. Hơn nữa, có nhận xét rằng người Hà Lan, người Anh, người Canada nắm giữ nền kinh tế Mỹ nhiều hơn người Nhật. Điều đó rất đúng. Nhưng vấn đề ở đây là thiếu sự đối trọng giữa Mỹ và Nhật. Tôi có thể mở một thương vụ ở Amsterdam ngay ngày mai, cũng như ở Canada hay nơi nào khác, nhưng tôi không thể mở ở Nhật Bản.”

Chalmers nói rõ thêm:

“Điều đó có nghĩa là anh sẽ phải đụng đầu với một cuộc cách mạng xã hội, nếu như chúng ta mua được nhanh và mua được nhiều số tài sản mà người Nhật thích gọi là những chiến tích của họ. Nếu như điều này lại diễn ra ở Nhật Bản…”

Theo giáo sư Chalmers, trong vòng 20 năm đầu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đường lối Hoa Kì đối với Nhật dựa trên một nguyên tắc căn bản là: nước Nhật đem lại cho Mỹ một lợi thế chiến lược lớn và một lợi thế kinh tế nhỏ. Chính trên căn bản đó mà Hoa Kì mở cửa thị trường của mình cho xuất khẩu của Nhật Bản, bảo trợ cho Nhật Bản gia nhập những tổ chức quốc tế lớn như GATT[93] và OCDE[94], tiến hành chuyển giao công nghệ không hạn chế cho Nhật Bản với giá tượng trưng và cho phép Nhật Bản đóng cửa thị trường của mình lâu hơn bất cứ nước đồng minh nào khác ở phương Tây. Đến năm 1987, có ba nhân tố làm người Mỹ phải sáng mắt ra về sự bội nghĩa của Nhật Bản: hãng Toshiba bí mật xuất sang Liên Xô những máy công cụ tối tân dùng cho nhu cầu quân sự, không hề được Mỹ đồng ý; Nhật Bản từ chối tham gia theo nghĩa vụ vào các nỗ lực chung của các nước đồng minh, để giữ cho nguồn dầu hỏa ở vùng Vịnh không bị tắc nghẽn trong cuộc chiến tranh Iran-Irak, trong lúc chính Nhật Bản là nước công nghiệp phụ thuộc nhiều nhất vào dầu hỏa của Trung Đông; cuối cùng là việc Nhật Bản từ chối mua chiến đấu cơ Mỹ và sự nài nỉ của Mỹ để cùng với Mỹ thiết kế một loại chiến đấu cơ khác, chiếc FSX.

[93] GATT: chữ viết tắt của General Agreement on Tariffs and Trade (Hiệp định tổng quát về thuế quan và mậu dịch). Hiệp định được ký năm 1947 ở Genève, là cơ sở cho các hiệp định thương mại quốc tế.

[94] OCDE: chữ viết tắt của Organisation de Coopération et de Développement Economique (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế)

Chiến tranh lạnh chấm dứt và sự tan vỡ của khối các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới có đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản không?

“Phe tư bản chủ nghĩa có thể đã thắng thế, nhưng trong thế trận này, đó chỉ là bằng chứng về sự ưu việt của kinh tế Mỹ so với kinh tế Liên Xô mà thôi. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt hẳn rồi, nhưng nước Nhật xem ra đã chiến thắng. Có thể là vì Nhật không bao giờ tuân theo luật chơi mà Mỹ và Liên Xô đã đặt ra.”

Chalmers nói thêm:

“Khi Mỹ nhìn lại phía sau, nước đang đuổi theo Mỹ không phải là một cường quốc quân sự như Liên Xô, mà là Nhật Bản một quốc gia buôn bán (…). Nếu người ta đánh giá Nhật Bản là anh chàng khổng lồ về kinh tế và anh lùn về chính trị, theo như chữ dùng của nguyên bộ trưởng Tài chánh Nhật-Miyazawa, thì Mỹ đúng là anh khổng lồ về quân sự và anh lùn về kinh tế.”

Làm gì bây giờ? Mỹ cần tăng sức ép nhằm buộc Nhật Bản tăng viện trợ kinh tế cho thế giới thứ ba, mà không gắn điều đó với việc mua sản phẩm của Nhật Bản. Làm như vậy là để Nhật gánh thêm phần trách nhiệm quan trọng đối với chi phí của việc lực lượng Mỹ trú đóng trên đất Nhật, để Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào nỗ lực của các tổ chức quốc tế duy trì hòa bình, để Nhật Bản tiếp nhận nhiều hơn những người tị nạn đến từ các nước khó khăn, và cuối cùng để Nhật Bản mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm của nước ngoài. Tóm lại, nước Nhật phải gánh trách nhiệm của họ trên chính trường quốc tế, tương ứng với khả năng kinh tế tài chính của họ. Về phần mình, nước Mỹ cũng phải giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không nên rút hẳn khỏi khu vực này. Giáo sư Chalmers nói thêm:

“Nhiều nước trong khối ASEAN (Thái Lan, Malaisie, Singapour, Philippines, Indonésie, Brunei) rất hoan nghênh sự có mặt của Mỹ và xem đó là điều kiện để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào Nhật Bản.”

Còn đối với Trung Quốc, những nhà chiến lược Hoa Kỳ nào còn tiếp tục mơ màng sử dụng con bài Trung Quốc để chống Nhật Bản thì họ sẽ bị lừa. Họ hi vọng cặp đôi Trung-Mỹ có thể chống lại sức mạnh của Nhật, nhưng họ đã tính lầm một cách nghiêm trọng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tương lai.

Nước Nhật có giết chết nước Mỹ hay không?

Giáo sư Chalmers cho rằng đó là câu hỏi cần nhanh chóng tìm câu trả lời:

“Nước Nhật cần quyết định điều phải làm khi sức mạnh bá chủ là nước Mỹ bắt đầu suy yếu. Họ có cần giúp cho bá quyền đó tiếp tục hay không? Hay họ sẽ xóa bỏ và từ bỏ nó cùng với gánh nặng trách nhiệm của nó? Họ sẽ từ chối điều nào trong hai điều trên và chờ đợi kẻ đối tác nào khác quyết định để tiếp tục cuộc du hành miễn phí với phí tổn của kẻ khác? Tôi có cảm giác ở Nhật Bản có những tập đoàn chính trị quan trọng tài trợ cho một quan điểm chính trị có câu trả lời tích cực đối với một trong ba câu hỏi trên.”

Thế giới tài chính và kinh doanh Nhật tiếp tục yểm trợ Mỹ bằng cách mua vô số cổ phiếu của Ngân khố Mỹ, bất kể nguy cơ thiệt hại nếu đồng đô la mất giá. Về phía mình, chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản dự đoán Hoa Kỳ đang trở thành một quốc gia lười nhác, và như vậy, tốt nhất là Nhật Bản tiếp tục cuộc hành trình một mình. Trong các giới này có chủ tịch hãng Sony, Akio Morita và chính trị gia cánh hữu, Shutaro Ishihara, tác giả cuốn sách Nước Nhật có thể nói “Không”. Còn đối với những nông gia Nhật, những tiểu thương và những nhà thầu xây dựng, hoạt động của họ tách biệt sự cạnh tranh quốc tế và họ thích sống dựa và cộng đồng quốc tế. Số này khá đông ở Nhật; tiếng nói của họ trong bầu cử là rất nặng ký. Điều đó minh chứng rằng không thể chờ Nhật sớm tự nguyện thỏa thuận về vai trò của họ trên thế giới, về quan hệ của họ với Hoa Kỳ. Chính vì thế, gây sức ép là cần thiết.

Nước Nhật bị đặt trước ba đường lối đối ngoại khác nhau. Một là đường lối của Bộ Ngoại giao Nhật gọi là Gaimusho, chủ trương tăng cường lực lượng quốc phòng và viện trợ kinh tế. Nước Nhật đã trở thành một cường quốc quân sự. Chi phí quốc phòng của Nhật Bản tiếp tục tăng lên. Trong kế hoạch 5 năm sẽ kết thúc vào năm 1991, Cục phòng vệ Nhật Bản sẽ chi tiêu tương đương 75 tỷ đô la (360 tỷ franc theo tỷ giá năm 1985). Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, ngân sách quốc phòng Nhật Bản do Cục phòng vệ dự toán là tương đương 175 tỷ đô la (860 tỷ franc theo tỷ giá 1990). Cần ghi nhận rằng số tiền kỷ lục này được chi tiêu trong lĩnh vực quân sự, vào lúc mà ngân sách quốc phòng của các nước phát triển đã khựng lại hoặc giảm sút. Nước Nhật sẽ dùng sức mạnh quân sự ấy vào việc gì? Chalmers nhấn mạnh rằng, với sự nổi lên của các tiểu quốc ở châu Á nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nước Nhật cho rằng cần phải có được một khả năng quân sự riêng để có thể ứng phó với những vấn đề sẽ đặt ra trong tương lai. Nhưng lý do đúng nhất là Nhật Bản phải chuẩn bị để tự đảm đương nền quốc phòng của họ, lúc mà cây dù quân sự của Hoa Kỳ không còn nữa. Chẳng hạn những nhà chiến lược Nhật Bản phải hình dung phương thức bảo vệ nguồn nguyên liệu dầu hỏa của họ như thế nào?

Đường lối đối ngoại thứ hai là của MITI, căn cứ vào việc hình thành một khối kinh tế châu Á, trong đó đồng yên sẽ là đồng tiền chủ đạo, tương ứng với sự hình thành khu vực tự do mậu dịch Mỹ-Canada-Mehico, và cộng đồng kinh tế châu Âu. Chúng ta đã thấy tại châu Á đã bùng nổ những phản ứng mạnh mẽ đối với một dự kiến như vậy bởi ám ảnh khủng khiếp về chủ nghĩa đế quốc Nhật còn sống động trong ký ức. Bởi vậy, giới cầm quyền Nhật Bản tỏ ra rất thận trọng trong hướng này. Nhưng như Chalmers lưu ý, người Nhật đã bắt đầu nghiên cứu để tìm hiểu khả năng hình thành một khối kinh tế do Nhật Bản điều khiển, trong trường hợp cần thiết.

Đường lối đối ngoại thứ ba, con đẻ của Bộ Tài chính, là làm sao nền kinh tế Nhật và Mỹ trở thành tương thuộc nhau đến mức không bên nào dám quyết định cắt đứt mối quan hệ đó mà lại không phải trả một cái giá khủng khiếp. Chúng ta sẽ thấy nhiều quan chức kinh tế của Nhật Bản tiếp tục tán thành công thức an toàn, nghĩa là duy trì trục Washington-Tokyo hơn là lao vào bất kì một cuộc phiêu lưu nào khác. Nhưng liệu nước Mỹ có sẵn sàng không?

Nước Nhật có thể nói “Không”

Nếu gọi là để kích động tâm lý chiến tranh ở Mỹ và đầu độc thêm mối quan hệ đang gay cấn giữa Washington và Tokyo, thì có lẽ không ai đã làm tốt hơn Akio Morita và Shintaro Ishihara. Cuốn sách nhỏ dày 160 trang với tựa tiếng Nhật là No to Ieru Nippon: Shin Nichi-Bei Kankei no Kaado, dịch là: Nước Nhật có thể nói “Không”: Lá bài mới trong quan hệ Mỹ-Nhật. Cuốn sách đã gây chấn động lớn ở Nhật. Nhà xuất bản Kobunsha hài lòng: hơn một triệu ấn bản đã được bán sạch. Nhưng họ không có ý định dịch ra tiếng Anh. Lý do: tài liệu này chỉ để tiêu thụ trong nước Nhật, không phải cho độc giả nước ngoài. Nhưng Lầu Năm Góc đã nhanh chóng cho dịch ra tiếng Anh và cuốn sách đã gây hoang mang trong giới kinh doanh và chính trị Hoa Kỳ. Cuốn sách nói gì vậy?

Shintaro Ishihara là một nghị sĩ cực hữu, theo lập trường dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Ông ta hô hào các công dân Nhật hãy ý thức về sức mạnh của nước Nhật và cần dứt bỏ mặc cảm. Ông nói nước Mỹ đã bắt đầu suy thoái không cách gì tránh khỏi. Đối với nước Nhật, cúi đầu chiều theo các đòi hỏi của họ là điều không thể chấp nhận được nữa. Nếu chính phủ Mỹ đi quá xa, thì Nhật Bản rất có thể sẽ quay sang Liên Xô. Vả lại, Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác, vì họ lệ thuộc vào ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản để đảm bảo cho các tên lửa của họ đạt được độ chính xác cao. Sự cân bằng chiến lược Mỹ-Xô sẽ đi đến đâu nếu Nhật Bản từ chối bán cho Mỹ những tổ hợp điện tử, mà giao chúng cho Liên Xô? Người Mỹ đã có thái độ phân biệt chủng tộc khi giao tiếp với người Nhật, và người Nhật phải luôn nhớ điều đó khi đối xử với họ. Luận cứ chứng minh cho lời kết tội này là gì? Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, người Mỹ đã bỏ loại bom thường vào những mục tiêu dân sự ở Đức, nhưng họ lại dành bom nguyên tử cho nước Nhật. Họ làm như vậy vì một lẽ duy nhất là họ cư xử theo kiểu phân biệt chủng tộc. Cho nên những giả định về quan hệ Mỹ-Nhật bắt nguồn từ những định kiến phân biệt chủng tộc sâu sắc của Mỹ.

Mặt khác, theo Ishihara, người Mỹ cần phải nhìn thẳng vào sự thật: trung tâm sức mạnh thế giới đã chuyển từ Tây sang Đông, sang châu Á. Sự cáo chung của thế kỷ XX đánh dấu sự cáo chung kỷ nguyên thống trị của người da trắng. Từ đó rút ra kết luận: ở buổi bình minh của kỷ nguyên mới này, người Nhật phải thức tỉnh và thoát ra khỏi trạng thái tê dại về tinh thần. Họ cần nói rõ cho người Mỹ hiểu rằng Nhật Bản không cần đến sự bảo hộ quân sự của Mỹ nữa, và nước Nhật phải đảm nhận lấy vai trò trung tâm tại châu Á bằng cách xây dựng những quan hệ hài hòa. Thật vậy: lịch sử sẽ chứng minh nòi giống Nhật Bản có phải là nòi giống thượng đẳng hay không.

Akio Morita tuy ít khiêu khích hơn trong lời lẽ công kích của mình, nhưng cũng không tiếc lời phê phán cay độc mà thường rất đúng đối với Mỹ. Ông nói, những nhà doanh nghiệp Mỹ không phải là những chủ nhân xứng đáng với danh hiệu ấy. Những ông chủ người Nhật biết tiên liệu và chuẩn bị tình thế trước 10 năm, còn những ông chủ Mỹ chỉ có thể dự đoán tình huống của 10 phút sắp tới. Họ có thu nhập lớn, sống xa hoa, cờ bạc và đùa giỡn với tiền vốn của công ty mà không hề quan tâm đến sự phát triển dài hạn của cơ sở mình, cũng như số phận của công nhân. Thích có lợi nhuận dễ dàng, họ không ngần ngại sa thải công nhân khi không cần đến nữa. Cách quản lý như vậy dẫn nước Mỹ đến chỗ hủy diệt. Và sự chênh lệch giàu nghèo hiện không thể chịu đựng nổi, 1 % dân Mỹ chiếm giữ 36 % của cải quốc gia.

Ông chủ hãng Sony giải thích rằng trong một chuyến thăm Hoa Kỳ, một đồng nghiệp người Mỹ của ông đã mời ông đến nhà nghỉ mát mùa hè của anh ta để chơi golf. Là người hay phê phán nước Nhật, nhưng ông chủ Mỹ này lại sử dụng các câu lạc bộ chơi golf Nhật Bản. Ngôi nhà ông đầy ắp sản phẩm Nhật: mô tô trượt tuyết kawasaki, một chiếc tàu có động cơ Nhật, một máy thu hình Sony và nhiều đồ vật hiệu Nhật khác. Làm sao người Mỹ có thể chờ đợi người tiêu dùng Nhật Bản mua sản phẩm của Mỹ nếu chính họ lại chỉ dùng hàng Nhật? Song theo Morita: tình hình kinh tế Mỹ đang làm cả thế giới quan tâm. Bởi vì sự phá sản của nền kinh tế Mỹ sẽ kéo theo cả một thảm họa cho hành tinh. Để tránh điều đó, đã đến lúc người Nhật phải có dũng cảm cần thiết để nói với người Mỹ những điều cần nói. Cho dù đối với Nhật Bản điều này có khó, vì trái với tập tục Khổng-Mạnh, nhưng nước Nhật phải học nói rõ tiếng “không” khi cần thiết.

Từ khi được xuất bản, cuốn sách đó trở thành vũ khí để Mỹ gây sức ép mạnh mẽ đối với Nhật Bản nhằm “kéo nó về với lẽ phải.” Người Mỹ nói, các ý nghĩ thầm kín và những mong muốn của người Nhật giờ đây đã được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Những gì họ chưa dám nói công khai, bây giờ đã được viết lên giấy trắng mực đen rồi. Nhận thức rõ những tác động của cuốn sách, Morita đã lùi một bước: ông phủ nhận những trang viết của ông trong bản dịch chính thức tiếng Anh là do một nhà xuất bản Mỹ mua lại. Mặt khác, ông né tránh mọi công kích công khai. Khi tôi đề nghị được gặp ông ở Tokyo, ông đòi tôi đưa trước một loạt câu hỏi. Tôi đã thật thà trình bày tất cả những câu hỏi mà thực lòng tôi muốn đặt ra với ông, tất cả xoay quanh khát vọng muốn thống trị thế giới của nước Nhật. Cuộc phỏng vấn đã bị từ chối. Tùy viên báo chí của ông cho sứ quán Pháp ở Tokyo biết rằng những câu hỏi đó không liên quan gì đến những hoạt động của hãng Sony, câu trả lời là thoái thác. Khi nói chuyện trên điện thoại, ông này giải thích cho tôi rằng Akio Morita không phải là “một Nhật Bản đại nhân”. Bằng một giọng nói lịch sự nhưng kiên quyết, ông nói thêm: “Ông Morita không quan tâm đến chính trị – ông ấy là một nhà kinh doanh.”

Người Nhật trả lời

Để hiểu một tình hình từ trong bản chất, phải hiểu tất cả các trạng thái của nó. Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Nước Nhật đương đại cũng vậy. Nước Nhật có muốn thống trị thế giới không? Một số người cho đó là điều tất nhiên. Một số khác lại cho đó là một ý nghĩ quái gở. Không thể có ý kiến, càng không thể đưa ra phán đoán nếu không hiểu người Nhật nói gì về vấn đề đó. Chính vì thế, tôi nhất thiết phải hỏi ý kiến một số nhân vật Nhật Bản đang hoặc đã giữ một số trọng trách trong giới kinh tế, tài chính, thương mại, chính trị và xã hội của bàn cờ Nhật Bản. Mẫu chọn chắc là khó tiêu biểu… Hơn 20 nhân vật, dẫu hiện đang là những diễn viên hàng đầu ở Nhật Bản cũng không thể nói thay cho 120 triệu người Nhật. Được chắt lọc trong thời gian tôi sống ở Nhật, mẫu chọn này cũng không thể có giá trị phổ biến. Một cách khiêm tốn, nó chỉ có thể trình bày một mảng ý khiến phản ảnh quan điểm hoặc của chính phủ, hoặc của xã hội Nhật. Bằng thứ ngôn ngữ khi thì bình dân, khi thì ứng khẩu bất ngờ, đôi khi lại biểu lộ sự kinh ngạc hoặc giận dữ, nhưng nói chung đều là những phát biểu bình tĩnh: những dòng dưới đây chỉ có tham vọng duy nhất là dành diễn đàn cho người Nhật để – nếu có thể – làm rõ thêm một thực tế đang khiến cả thế giới lưu tâm đặt vấn đề.

Kato Shuichi: nước Nhật là đứa con hoang đàng

Kato Shuichi, giáo sư đại học Tokyo, giám đốc Thư viện quốc gia Tokyo – một nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản. Là một trí thức cánh tả uyên bác và có nhiều ảnh hưởng, ông là một trong số các giáo sư đại học của Nhật Bản đã đi chu du thế giới nhiều nhất. Thường được các trường đại học nổi tiếng mời, ông đã bao lần thuyết trình về đề tài nước Nhật đương đại. Cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra bằng tiếng Pháp. Có thể dùng cả tiếng Anh. Kato Shuichi không phải một trường hợp ngoại lệ: tôi đã gặp nhiều nhà lãnh đạo, kể cả giám đốc xí nghiệp, công ty nói thạo tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Đó là bằng chứng về sự quan tâm thực sự đối với nền văn hóa phương Tây. Và đồng thời cũng là bài học cho chính những người phương Tây chúng ta. Ai trong số những nhà chính trị phương Tây nói thông thạo tiếng Nhật hoặc tiếng Hoa? Đó là chưa kể đến thứ tiếng Anh dùi đục nơi những nhà lãnh đạo của chúng ta.

Câu hỏi đầu tiên của tôi là: Nước Nhật có biết mình đang đi về đâu không?

Kato Shuichi trả lời:

“Từ sau chiến tranh thế giời lần thứ hai, lịch sử nước Nhật là một chuỗi những phản ứng, đôi khi khá tế nhị, khá linh hoạt, khá khôn khéo, đôi khi không đủ. Lịch sử từ sau chiến tranh đến nay là một chuỗi những phản ứng của nước Nhật đối với những nước sự kiện do những nước khác gây ra. Tôi tin rằng đồng bào tôi đã nhận thức được là nước Nhật thiếu hẳn sáng kiến. Bởi vậy, họ cố tìm ra một ý nghĩa, một chiều hướng nào đó. Nhưng tiến trình ấy không đi đến đâu. Tôi tin rằng cho đến bây giờ, chưa hề có một phương án toàn cầu nào để xác định vai trò quốc tế của nước Nhật.”

Những phải nghĩ thế nào về ý kiến khẳng định: “nước Nhật muốn thống trị thế giới?”

“Sai hoàn toàn. Bao giờ cũng thế, người ta lại gán những ý tưởng của phương Tây cho nước Nhật. Hơn nữa, đây lại chính là điều người Châu Âu có thể làm nếu họ có được những điều kiện như nước Nhật. Nếu nước Pháp là một cường quốc tài chính và công nghệ như nước Nhật bây giờ, người ta sẽ thấy là nước Pháp sẽ cho tiến hành soạn thảo nhứng phương án công khai hoặc bí mật. Với một sức mạnh như vậy, chắc rằng người Pháp sẽ lao vào việc xây dựng những phương án vĩ đại mang tính toàn cầu. Nhưng não trạng của người Nhật lại khác.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.