Nước Nhật mua cả thế giới

IV – Phần 2



Diện tích nhà ở tính theo hộ gia đình ở Nhật và phương Tây

 

Diện tích (m2)

Năm

Nhật Bản

 

86,2

1983

Riêng Tokyo

58,2

1983

Pháp

77,1

1979

Thụy Điển

98,5

1983

Hoa Kỳ

134,8

1984

CHLB Đức

98,8

1981

Nguồn: Bộ xây dựng Nhật Bản, 1985

Những đô thị khổng lồ

Thành tích nổi bật khác của Nhật: chỉ riêng vùng Tokyo và ngoại ô, xét về mặt kinh tế, đã mạnh hơn toàn bộ nước Ý hoặc nước Anh! Toàn bộ của cải do vùng Tokyo sản xuất ra (với tổng cộng 32 triệu dân) đã đạt 793,5 tỷ đô la (3.967,5 tỷ franc) trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3/1988. Trong cùng thời gian, PNB của Y đạt 755,9 tỷ đô la và của Anh đạt 675,3 tỷ đô la. Những con số đó cũng cho thấy sự tập trung ngày càng gia tăng của những cục công nghiệp và dịch vụ Nhật Bản trong khu vực quanh thủ đô Tokyo. Phần đóng góp của riêng vùng Tokyo vào toàn bộ PNB của Nhật Bản là 31 % trong tài khóa 1987-1988 so với 28,6 % vào năm 1980 (21). Hệ luận tất yếu của sự gia tăng mạnh mẽ khu vực đệ tam đẳng ở Nhật: sự phát triển đáng kinh ngạc của diện tích dùng làm văn phòng. Bốn khu phố trung tâm Tokyo có diện tích văn phòng làm việc tính theo mét vuông lớn nhất thế giới, vượt cả thành phố New York và khu Manhattan nổi tiếng từ cuối năm 1988. Chiyoda, Shinjuku, Minato và Chuo có 3.188 hecta văn phòng, vượt Manhattan 10 %.

[21] Nghiên cứu của ngân hàng tín dụng dài hạn, 1/6/1990.

Kỷ lục trong các kỷ lục: Nhật Bản hiện đang xây dựng một tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, 296 mét, 70 tầng, ở Yokohama. Tòa nhà, gồm 600 phòng khách sạn và 48 tầng làm văn phòng, sẽ xây dựng xong vào năm 1993. Tòa nhà mới này cao hơn 50 mét so với nhà chọc trời cao nhất hiện có ở Nhật là Sunshine Building, cao 240 mét, ở Ikebukuro, phía Tây-Bắc Tokyo. Một dự án khó tin khác đã được các kĩ sư Nhật Bản thảo ra: đó là dự án giao cho tập đoàn kinh doanh bất động sản Taisei xây dựng một nhà chọc trời hình kim tự tháp cao hơn cả núi Phú Sĩ! Tòa nhà chọc trời này được đặt tên là “X-seed 4000”, sẽ có 800 tầng và cao 4.000 mét, tức là hơn ngọn núi Phú Sĩ 220 mét. Quả nấm bê tông khổng lồ này sẽ có đường kính đáy là 6 km. Việc xây dựng phải mất 30 năm và phí tổn sơ khởi 150.000 tỷ yên, tức 5.400 tỷ franc. Từ 500.000 đến 700.000 người có thể ở trong tòa nhà này. Trên đỉnh, dự định đặt một đài quan sát không gian và một sân vận động thể thao mùa đông. Taisei đã bỏ xa các đối thủ cạnh tranh là Takenaka Corp và Obayaishi Corp: dự án của hai tổ hợp này “chỉ” là những tòa nhà 196 tầng, cáo 1.000 mét, và 500 tầng, cao 2.000 mét. Trong khi chờ đợi, chưa có tòa nhà nào vượt kỷ lục thế giới hiện nay là Tháp Sears ở Chicago, cao 440 mét, 110 tầng.

Những nguồn của cải to lớn

Một dấu chỉ của thời đại đang đổi thay: những người giàu nhất thế giới không còn là người Mỹ hay các tiểu vương vùng vịnh mà là người Nhật. Theo tạp chí Mỹ Forbes, người có tài sản riêng lớn nhất hành tinh năm 1990, liên tiếp trong bốn năm liền, là nhà kinh doanh bất động sản người Nhật, Yoshiaki Tsutsumi. Tài sản của ông ta ước tính 16 tỷ đô la, bao gồm bất động sản (trạm trượt tuyết, sân golf, khách sạn) và các công ty đường sắt. Xếp hạng hai là một nhà kinh doanh bất động sản người Nhật khác, Taikichiro Mori, mà tài sản ước tính 14,6 tỷ đô la. Đúng là Mỹ, với 99 nhà tỷ phú, vẫn còn nắm số lượng lớn nhất các gia đình tỷ phú trên thế giới. Nhưng tình hình đang thay đổi, bởi vì 40 trong số 271 nhà tỷ phú theo danh sách của Forbes là người Nhật, trong khi mới cách đây 10 năm còn chưa có người Nhật nào. Bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ Fortune có hơi khác. Năm 1990, tạp chí này xếp hạng 1 là quốc vương Brunei (một lõm đất nhỏ nhưng giàu, trên đảo Bornéo) với tài sản 25 tỷ đô la (100 tỷ franc). Sự khác biệt ấy là do Forbes không đưa vào bảng xếp hạng của mình các nguyên thủ quốc gia và các hoàng gia, vì sự giàu có của họ là do kế thừa hơn là do nỗ lực thực sự của chính bản thân.

Tuy vậy, không nên để các con số ấy đánh lừa vì các ông chủ Nhật Bản không phải là những ông chủ được trả lương cao nhất thế giới. Còn xa mới được vậy. Thu nhập trung bình hàng năm của một tổng giám đốc một công ty lớn của Nhật, kể cả tiền thưởng, là 17,58 triệu yên (632.480 franc). Thu nhập của một chủ tịch công ty không quá 32,50 triệu yên (1.165.000 franc). So với đồng lương đế vương của các ông chủ Mỹ thì còn thua xa (22).

[22] Enquête de I’ Institut privé de I’ administration japonaise du Travail, 20 novembre, 1990

Cả của cải trong két của chính phủ cũng vào loại to lớn nhất thế giới. Về dự trữ ngoại tệ, Nhật luân phiên chiếm hạng nhất cùng với Mỹ và hòn đảo nhỏ Đài Loan nằm đối mặt với lục địa Trung Hoa. Thường Nhật Bản có số dự trữ ngoại tệ khoảng 70-100 tỷ đô la (350-500 tỷ franc). Biến thiên phần lớn là do ngân hàng Nhật Bản (ngân hàng trung ương) can thiệp để giữ giá đồng yên so với đồng đô la. Nếu đồng yên hạ giá quá mức và đồng đô la lên giá quá cao, ngân hàng bán đô la ra thị trường hối đoái, làm hạ tỉ giá. Ngày 1/2/1991, dự trữ của Nhật về vàng, ngoại tệ và quyền rút tiền đặc biệt từ Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) là 77,5 tỷ đô la. Tháng 4/1989, Nhật đã đạt mức dự trữ lịch sử với 100,36 tỷ đô la (…)

Về tài chính và bất động sản trên thị trường nội địa, tích sản của người Nhật (gộp chung cả các công ty và các nhân) đã tăng 12 % vào năm 1988, đạt đến 5.993.000 tỷ yên (48.800 tỷ đô la). Trong tổng số đó, tích sản bằng cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác lên đến 3.226.000 tỷ yên (25.200 tỷ đô la), tăng 15,3 %[23]. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng vào thời kì ấy, do giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt, thị trường hối đoái Tokyo đã trở thành thị trường số một thế giới về tích lũy vốn. Từ mùa đông 1989-1990, “quả bong bóng đầu cơ”, như người ta thường gọi ở Tokyo, đã nổ tung: chỉ trong năm 1990, giá các chứng khoán đã giảm mạnh gần 40 % và thị trường Kabuto-Cho đã trở lại vị trí thứ hai sau Wall Street. Tích sản của Nhật đã giảm với tỉ lệ tương đương.

[23] Thống kê của cục kế hoạch hóa kinh tế Nhật Bản.

Khi các tài sản trở thành khổng lồ

Hãy nói thêm một chút về tài sản, với những tài sản khổng lồ đến mức khó tin, huyễn hoặc của 10 ngân hàng lớn nhất của Nhật. Có cần phải nhắc lại không? Những ngân hàng Nhật này cũng là những ngân hàng lớn nhất thế giới, vượt xa các ngân hàng khác. Toàn bộ tích sản của 10 ngân hàng ấy, nghĩa là đất đai, nhà cửa, chứng phiểu và tích lũy lên tới con số khổng lồ 3.281 tỷ đô la. Trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/1990, tăng 20 % so với năm trước (tính theo đồng yên). Số tiền đó đủ để xóa sạch nợ nần của các nước thế giới thứ ba! Dù cho có xảy ra điều đó đi nữa, thì các ngân hàng Nhật Bản vẫn còn khoản dư thoải mái, vì nợ của thế giới thứ ba tính đến cuối năm 1989 là 1.322 tỷ đô la.

Ngân hàng số một của Nhật là Dai-Ichi Kangyo. Tích sản của nó cho đến ngày 31/3/1990 là 421 tỷ đô la (66.591 tỷ yên). Những ngân hàng khác theo thứ tự nhỏ dần là: Mitsui-Taiyo-Kobe (401 tỷ đô la), Sumitomo (397 tỷ đô la), Fuji (392 tỷ đô la), Mitsubishi (384 tỷ đô la), Sanwa (373 tỷ đô la), Industrial Bank of Japan (276 tỷ đô la), Tokai (244 tỷ đô la), Ngân hàng Tokyo (201 tỷ đô la) và cuối cùng là ngân hàng tín dụng dài hạn Nhật Bản (192 tỷ đô la). Do sự chênh lệch không mấy quan trọng giữa các khoản vay và cho vay vì lãi xuất ở Nhật tăng và cũng vì giá chứng khoán sụt giảm ở thị trường chứng khoán Tokyo, các ngân hàng kể trên đã loan báo khoản lãi dự kiến cho tài khóa 1990-1991 giảm. Chẳng hạn, Dai-Ichi Kangyo ghi nhận tiền lãi giảm 26,1 % với 115 tỷ yên; Mitsui giảm 22,3 % với 90 tỷ yên; Fuji giảm 32 % với 100 tỷ yên và Sanwa giảm 12,2 % với 130 tỷ yên.

Nhưng, dù cho có khủng hoảng vùng Vịnh và suy yếu thị trường chứng khoán hay không, các ngân hàng Nhật vẫn không ngừng tăng cường sức mạnh, đến mức mà người ta có thể tự hỏi rằng sắp tới, phải chăng những người đi vay sẽ dần dần chỉ còn một nguồn duy nhất để chọn lựa. Năm 1989, lần đầu tiên Nhật đã qua mặt Anh trên thị trường cho vay thế giới. Các ngân hàng Nhật đã cho vay 20,6 % trong tổng số tín dụng, so với 20,5 % của các ngân hàng Anh và 10 % của các ngân hàng Mỹ. Mọi thứ độc quyền đều nguy hiểm. Tình hình cũng sẽ như vậy nếu các sợi dây tài chính chủ yếu của thế giới rơi vào tay Nhật Bản. Trở thành người cho vay số 1 của thế giới, Nhật Bản có được một sức mạnh chính trị đáng ngại, tuy chưa rõ ràng. Dù sao, bằng cách cho vay hoặc không cho vay, Nhật Bản có thể làm một nước khác sống sót hoặc chết chìm. Các ngân hàng Nhật do đó ngày càng có khả năng ra những mệnh lệnh chính trị cho một chính phủ đang gặp khó khăn.

Đó là trường hợp của Niu-Dilân vào ngày 7/11/1989, khi Kunji Miyazaki, chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Nhật Bản, loan báo rằng từ nay các ngân hàng Nhật sẽ tẩy chay mọi yêu cầu vay tiền trên thị trường quốc tế của Niu-Dilân chừng nào mà nước này chưa “trả lời thỏa đáng” các yêu cầu của Nhật. Nhật Bản đòi chính phủ Niu-Dilân phải tài trợ để cứu ngân hàng kinh doanh chính trong nước là Development Finance Corporation đang phá sản và nợ các ngân hàng Nhật 800 triệu đô la. Không có sự giúp đỡ tài chính của Nhật, chính phủ Niu-Dilân như bị bóp cổ họng và cuối cùng đã phải tuân theo.

Vẫn nói về của cải, tích sản của các công ty bảo hiểm và các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật cũng hết sức dồi dào, đến mức khiến cho tập đoàn lớn nhất của phương Tây cũng xanh mặt. Các tập đoàn của Nhật thì đầy ắp tiền. Các tập đoàn của phương Tây thì nợ nần. Công ty bảo hiểm nhân mạng lớn nhất thế giới là một công ty Nhật: Nippon Life. Tích sản của 10 hãng hàng đầu của Nhật vào ngày 31/3/1990, thời điểm kết thúc tài khóa 1989-1990 ở Nhật là 83.233 tỷ yên, tức khoảng 555 tỷ đô la. Cần phải nói rõ thêm là trị giá các tích sản đó đã tăng trung bình 45 % trong một năm. Những lý do giải thích cho thành tích ngoại hạng đó là: nỗ lực đa dạng hóa các xí nghiệp Nhật, cũng như chính sách hung hãn nhằm sáp nhập và mua lại các xí nghiệp khác, nhất là ở nước ngoài. Các hãng chế tạo xe hơi Nhật thì đeo đuổi chiến lược thiết lập ồ ạt các nhà máy sản xuất mới ở nước ngoài.

Tập đoàn số một của Nhật Bản là công ty giao dịch Mitsubishi Corp với tích sản lên tới 11.678 tỷ yên (77,85 tỷ đô la)[24]. Mitsubishi Corp thực tế là một vương quốc tài chính mà người ta hầu như không thể đo lường được sức mạnh thực sự, do nó có vô số chi nhánh khắp thế giới, phức tạp và khó nắm bắt. Công ty chứng khoán lớn nhất thế giới cũng là một công ty Nhật: công ty Nomura nổi tiếng và đáng sợ. Tiền lãi của nó tăng nhanh với 218,7 tỷ yên (1,4 tỷ đô la) năm 1989, con số kỷ lục trong lịch sử của nó. Ba công ty chứng khoán lớn của Nhật còn lại là Daiwa, Nikko và Yamaichi. Cả ba, trong cùng một thời gian trên, đã thu về số tiền lãi kỷ lục theo thứ tự là 146,02 tỷ yên (960 triệu đô la); 120,14 tỷ yên (760,3 triệu đô la) và 98,04 tỷ yên (644 triệu đô la). Còn 18 công ty thương mại lớn của Nhật thì đã tăng 20,2 % trị giá các hợp đồng xuất khẩu năm 1990, so với năm 1989.

[24] Nihon Keizai Shimbun, 6/8/1990

Từ mùa xuân năm 1990, những đám mây đen đã xuất hiện ở chân trời. Với giá cổ phiếu thường xuyên sụt ở thị trường chứng khoán Tokyo, hàng trăm tỷ đô la đã “bốc hơi”. Tài sản của các tập đoàn lớn, các ngân hàng và các công ty chứng khoán vì thế đã sụt giảm đáng kể. Tài khóa 1990-1991, bốn công ty chứng khoán lớn nhất dự kiến mức sụt giảm tiền lãi trước khi nộp thuế mạnh nhất kể từ 1974. Một trong những hậu quả của sự sụt giảm ấy là người Nhật tham gia ít hơn vào sự tái tài trợ Ngân khố Mỹ vào tháng 11/1990. Trái phiếu của ngân khố Mỹ mà người Nhật mua chỉ chiếm 20 % tổng số, trong khi những năm trước đó họ đã mua đến 40 % tổng số trái phiếu. Tình hình cũng diễn ra tương tự với việc tái tài trợ ngân khố Mỹ vào tháng 2/1991. Tuy vậy, sẽ sai lầm nếu cho rẳng sự sụp đổ của chứng khoán ở Kabuto-Cho là một thảm kịch kinh tế đối với Nhật. Ngược lại, sự “điều chỉnh” này, trong mức độ mà nó không gây ra một sự phá sản vượt quá giới hạn chịu đựng, lại được Tokyo xem như là một biện pháp lành mạnh hóa nền tài chính sau những năm thả sức đầu cơ và kiếm tiền dễ dãi.

Mức sống và sự thuần nhất xã hội

Đừng quên rằng những tài sản mà chúng ta đang nói tới không thuộc về những người Nhật bình thường. Lại càng không thuộc về nhân viên của các đại công ty, những “salary-men” khiêm tốn. Còn về tiền lương, ngay cả chủ nhân của những xí nghiệp làm ăn giỏi nhất và giàu nhất cũng không được trả lương quá cao, khác với ở Mỹ. Mặc dù vậy, mức sống của người Nhật đã nâng cao nhiều nhờ thành tựu kinh tế của nước họ. Chẳng hạn, từ 1947 đến 1984, tiền lương đã tăng 156 lần tính theo giá trị tuyệt đối và 10 lần theo giá trị thực tế (có tính đến lạm phát). Tiền thưởng cuối năm do các xí nghiệp lớn và chính quyền trả, vượt xa lương tháng 13 của chúng ta. Với khu vực tư nhân, tiền thưởng trung bình đã lên tới kỷ lục 680.000 yên (24.480 franc) cho mỗi nhân viên (mùa đông 1989-1990). Những gia đình Nhật không có ít nhất là một máy giặt, một tủ lạnh, một TV màu và điện thoại (ở thành phố) từ nay chỉ còn là ngoại lệ.

Ở Nhật, vẫn có những cách biệt xã hội nhưng rõ ràng là ít đập vào mắt hơn ở phương Tây. Đặc quyền của người giàu là một thực tế. Sự cách biệt về của cải giữa người Nhật bình thường và gia đình của các nhà công nghiệp lớn là một sự cách biệt khổng lồ. Nhưng những đặc quyền ấy hiếm khi quá đáng và nhất là hầu như không bao giờ được phô trương. Những nhà tỷ phú lớn giải trí trong những câu lạc bộ kín đáo, che đậy khỏi cặp mắt hạng bình dân. Ở Nhật có một giới quý tộc tài chính sống đế vương mà hầu như người ta không biết gì và cũng rất ít người có thể nghi ngờ. Nhưng những gia đình trung bình quả thực không còn gì để than phiền về số phận và hầu như chín trên mười người Nhật đã là những “quý ông”. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 84,5 % người Nhật tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu. Chỉ có 8,8 % cho rằng mình là thành viên đầy đủ của tầng lớp kém may mắn hơn và 0,5 % cho rằng mình thuộc tầng lớp bị thiệt thòi nhất[25]. Không nói tới những nước thuộc thế giới thứ ba, sự thuần nhất xã hội của nước Nhật trái ngược với hố phân chia người giàu và người nghèo ở các nước công nghiệp khác, chẳng hạn ở Mỹ và Anh, nơi mà cái hố phân chia ấy ngày càng lớn. Chẳng hạn ở Mỹ, thu nhập năm 1990 của 2,5 triệu người giàu hầu như bằng thu nhập của cả 100 triệu người ở những nấc thang cuối cùng[26]. Ở Anh, chính sách của Margaret Thatcher đã có lợi cho người giàu hơn là cho người nghèo, bởi vì tỷ lệ những gia đình có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân quốc gia đã tăng gần gấp đôi, từ 8 % lên 14 % trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1987[27].

[25] Điều tra của văn phòng thủ tướng Nhật về đời sống quốc gia, tháng 10/1989

[26] Trung tâm nghiên cứu về các ưu tiên và chính sách ngân sách (Washington). Số liệu công bố ngày 24/7/1990.

[27] Số liệu của bộ xã hội Anh, công bố ngày 24/7/1990

Theo các thăm dò chính thức ở Nhật, 63,1 % người Nhật được hỏi đã tuyên bố “hoàn toàn hài lòng” hoặc “không hoàn toàn nhưng khá hài lòng” về cuộc sống hiện tại. Tuy vậy, cũng còn 35,9 % khẳng định “bất mãn” hoặc “cực kì bất mãn” về cuộc sống của họ. Để cho công bằng, cần nhắc lại rằng tỷ lệ những người “hài lòng” đã không hề tiến triển từ sau chiến tranh đến nay. Tỷ lệ ấy là 60 % vào năm 1958, rồi sụt xuống 50,4 % vào lúc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1975, rồi lại lên đến đỉnh cao 70,6 % vào năm 1985. Cần thêm rằng, hiện tại 54,6 % người Nhật thú nhận rằng họ có điều “lo lắng” và thường “lo âu” trong cuộc sống thường ngày, trong khi 43,3 % khẳng định họ không gặp phải điều ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.