Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 1



Ở lưng chừng cuộc đời thực sống, quanh ta phủ xuống một tấm màn u sầu tăm tối, nó được diễn tả bằng bao lời lẽ nhạo báng và buồn thiu, ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.

GUY DEBORD

Hai cửa vào quán, nàng luôn luôn chọn cửa hẹp hơn, được mệnh danh là cánh cửa của bóng tối. Lúc nào nàng cũng chọn cái bàn ở cuối căn phòng nhỏ. Hồi đầu, nàng không nói chuyện với ai, rồi nàng làm quen với đám khách hay lai vãng quán cà phê Le Condé, phần lớn ở vào khoảng từ mười chín đến hai mươi lăm tuổi, cùng độ tuổi chúng tôi. Thỉnh thoảng nàng ngồi ở bàn họ nhưng, đa phần nàng trung thành với chỗ của mình, tận trong góc.

Nàng không đến đều đặn vào một giờ nhất định. Bạn thấy nàng ngồi đó rất sớm vào buổi sáng. Hoặc giả, nàng xuất hiện quãng nửa đêm và ở lại cho tới giờ đóng cửa. Đó là quán cà phê đóng cửa muộn nhất trong khu phố, cùng Le Bouquet và La Pergola, cũng là quán có khách khứa kỳ cục nhất. Sau này khi nhiều thời gian đã trôi qua, tôi tự hỏi chẳng biết có phải chỉ sự hiện diện của nàng thôi đã khiến nơi này và những con người này trở nên kỳ lạ như thế, cứ như thể nàng tẩm mùi hương của mình lên hết thảy mọi người nơi đây.

Giả sử bạn bị bịt mắt dẫn tới đó, bạn được đặt ngồi ở một cái bàn, rồi băng bịt mắt được gỡ ra và trong vài phút bạn phải trả lời câu hỏi: Anh đang ở khu nào của Paris? Hẳn bạn chỉ cần nhìn những người xung quanh, nghe họ nói chuyện là có thể đoán ra ngay: quanh giao lộ Odéon, nơi tôi mường tượng cứ trời mưa là luôn luôn ảm đạm như thế này.

Từng có hôm một tay nhiếp ảnh gia bước vào quán Le Condé. Dáng dấp gã không có gì chỏi lên so với khách khứa trong quán. Cùng độ tuổi, cùng lối ăn vận hững hờ. Gã mang một cái áo vest quá dài so với thân hình, quần vải thô và đôi giày nhà binh to tướng. Gã chụp rất nhiều ảnh những người năng lui tới quán Le Condé. Cả gã cũng trở thành khách quen ở đây và, với những người khác, cứ như thể gã đang chụp những bức ảnh gia đình vậy. Rất lâu sau này, chúng xuất hiện trong một quyển sách ảnh chụp Paris, ở dòng ghi chú chỉ có tên riêng hoặc biệt hiệu của từng người khách. Và nàng xuất hiện trên nhiều bức ảnh. Nàng nhạy sáng hơn những người khác, như người ta hay nói trong điện ảnh. Trong số mọi người, nàng được để ý trước hết. Phía dưới trang sách, ở các ghi chú ảnh, nàng được định danh dưới cái tên “Louki’’. “Từ trái qua phải: Zacharias, Louki, Tarzan, Jean-Michel, Fred và Ali Cherif…” “Phía trước, ngồi ở quầy bar: Louki. Phía sau cô, Annet, Don Carlos, Mireille, Adamov và bác sĩ Vala”. Nàng ngồi rất thẳng, trong khi những người khác mang đủ dáng điệu buông thả, chẳng hạn anh chàng mang tên Fred ngủ áp đầu vào thanh gá tường bọc vải giả da và, trông rất rõ, anh ta đã không cạo râu từ nhiều ngày. Phải nói cho rõ điều này: nàng được đặt cái tên Louki kể từ khi bắt đầu hay tới Le Condé. Tôi có ở đó, vào cái buổi tối nàng bước vào quán quãng nửa đêm, lúc ấy chỉ còn lại Tarzan, Fred, Zacharias và Mireille, ngồi cùng bàn với nhau. Tarzan là người hét lên: “Này, Louki kìa…” Thoạt tiên nàng có vẻ hoảng hốt, rồi nàng mỉm cười. Zacharias đứng dậy và, bằng một cái giọng trịnh trọng vờ vĩnh: “Đêm nay, tôi đặt tên cho cô. Kể từ nay, tên cô là Louki”. Giờ giấc trôi đi, khi mỗi người trong số họ đều đã gọi nàng là Louki, tôi nghĩ nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì được mang cái tên mới này. Đúng, nhẹ nhõm. Quả vậy, càng suy nghĩ, tôi càng thấy rõ lại ấn tượng ban đầu của mình: nàng tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thể muốn chạy trốn điều gì đó, đào thoát khỏi một mối nguy. Ý nghĩ ấy đã vụt đến với tôi lúc thấy nàng một mình, tận trong góc phòng, ở cái nơi chẳng một ai buồn để ý đến nàng. Và khi hòa vào với những người khác, nàng cũng không thu hút sự chú ý. Nàng im lìm và e dè, chỉ để tâm lắng nghe. Và thậm chí tôi còn từng tự nhủ rằng để được an toàn hơn nàng thích các nhóm ầm ĩ, “những kẻ lắm mồm”, nếu không như vậy thì hẳn nàng đã không gần như lúc nào cũng ngồi ở bàn của Zacharias, bàn của Jean-Michel, bàn của Fred, bàn của Tarzan và bàn của La Houpa…

Bên họ, nàng tan lẫn vào trong khung cảnh, nàng chỉ còn là một nhân vật vặt vãnh vô danh tính, thuộc hạng những người mà trong các ghi chú ảnh người ta vẫn để là: “Không rõ tên” hoặc, đơn giản hơn, “X”. Phải, hồi đầu, tại Le Condé, tôi không bao giờ thấy nàng ngồi riêng với một ai. Và rồi, chẳng có gì bất tiện khi một trong những kẻ lắm mồm bâng quơ gọi nàng là Louki bởi đó không phải tên thật của nàng.

Thế nhưng, nếu quan sát nàng thật kỹ, người ta sẽ thấy một số chi tiết khiến nàng khác những người còn lại. Nàng rất chăm chút sự ăn vận của mình, theo một lối không hề quen thuộc với khách khứa của Le Condé. Một tối, ở bàn của Tarzan, Ali Cherif và La Houpa, nàng châm một điếu thuốc và tôi sửng sốt trước vẻ thanh tú của hai bàn tay nàng. Và nhất là, những móng tay của nàng óng ánh. Chúng phủ một lớp sơn bóng không màu. Chi tiết này rất dễ có vẻ quá mức nhỏ nhặt. Thế nên ta hãy nghiêm trang hơn. Để làm được như vậy thì cần miêu tả các khách quen của quán Le Condé cụ thể một chút. Họ ở độ tuổi từ mười chín đến hai mươi lăm, trừ một số người như Babilée, Adamov hay bác sĩ Vala đã xấp xỉ tuổi năm mươi, nhưng người ta quên bẵng mất tuổi của họ. Babilée, Adamov và bác sĩ Vala chung thủy với tuổi trẻ của họ, chung thủy với cái mà ta có thể gọi bằng cái tên đẹp thật du dương và cũ kỹ, “bohème”. Tôi tìm từ “bohème” trong từ điển: Người sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai. Đó là một định nghĩa rất thích hợp với những người năng lui tới Le Condé. Một số người như Tarzan, Jean-Michel và Fred nói rằng từ nhỏ họ từng nhiều lần gặp chuyện lôi thôi với cảnh sát còn La Houpa đã trốn khỏi nhà trừng giới Bon-Pasteur năm mười sáu tuổi. Nhưng ta đang ở tả ngạn sông Seine và phần lớn những người kia sống dưới bóng văn chương nghệ thuật. Cả tôi, hồi ấy tôi cũng đang đi học. Tôi không dám nói cho họ điều đó và cũng không thực sự hòa mình vào nhóm của họ.

Tôi từng cảm thấy rất rõ rằng nàng khác những người còn lại. Nàng từ đâu đến trước khi được đặt cho cái tên ấy? Thường thì, khách quen của quán Le Condé cầm một quyển sách trên tay, quyển sách đó họ hờ hững đặc lên mặt bàn, bìa sách ố vết rượu vang. Les Chants de Maldoror, Les Illuminations, Les Barricades mystérieuses [1]. Nhưng hồi đầu, chẳng bao giờ nàng cầm theo gì. Và rồi, hẳn nàng muốn làm như những người khác và thế là một hôm, ở Le Condé, tôi bắt gặp nàng một mình, đang đọc sách. Kể từ đó, quyển sách không rời khỏi nàng nữa. Nàng đặt nó sao cho thật dễ thấy trên mặt bàn khi ngồi cùng Adamov và những người khác, như thể quyển sách ấy là cuốn hộ chiếu hay thẻ cư trú hợp thức hóa cho sự hiện diện của nàng bên cạnh họ. Nhưng chẳng ai để ý đến nó, cả Adamov, Babilée, Tarzan lẫn La Houpa. Đó là một quyển sách khổ bỏ túi, bìa đã cũ bẩn, thuộc loại sách cũ người ta vẫn mua trên các bờ kè ngoài sông và có nhan để in cỡ lớn màu đỏ: Những chân trời đã mất. Thời ấy, nó không gợi cho tôi điều gì. Lẽ ra tôi phải hỏi nàng về chủ đề cuốn sách, nhưng tôi lại ngu ngốc mà tự nhủ rằng Những chân trời đã mất với nàng chỉ là một thứ phụ liệu và nàng làm ra vẻ đọc nó đặng hòa nhịp với đám khách ở Le Condé. Đám khách này, một người qua đường từ bên ngoài liếc nhìn vào – thậm chí gí trán vào cửa kính một lúc mà nhìn – hẳn sẽ coi chỉ đơn giản là một đám khách sinh viên. Nhưng người đó sẽ mau chóng thay đổi ý kiến khi thấy lượng rượu mà bọn họ nốc ở bàn của Tarzan, Mireille, Fred và La Houpa. Tại các quán cà phê êm ả của khu Latin, hẳn chẳng bao giờ người ta uống tợn như vậy. Dĩ nhiên, vào những giờ hoang vu của buổi chiều, quán Le Condé có thể khiến người ta lầm tưởng. Nhưng trời càng trở sang tối, nó càng trở thành điểm hẹn của thứ mà một triết gia nhiều xúc cảm từng gọi là “tuổi trẻ lạc lối” [2]. Tại sao lại là quán cà phê này chứ không phải một quán khác? Là do bà chủ, một Bà Chadly, người như thể không ngạc nhiên vì bất kỳ điều gì và thậm chí còn thể hiện chút khoan dung với khách của mình. Nhiều năm sau này, khi mà các phố trong khu chỉ còn giăng giăng nối hàng những ô kính cửa hiệu bán đồ xa xỉ và một tiệm đồ da đã chiếm chỗ của quán Le Condé, tôi gặp Bà Chadly bên kia bờ sông Seine, trên dốc phố Blanche. Bà không nhận ra tôi ngay. Chúng tôi bước đi cạnh nhau một lúc lâu mà tán chuyện về Le Condé.

Chồng bà, một người Algérie, đã mua lại cơ ngơi hồi sau chiến tranh. Bà còn nhớ tên tất cả chúng tôi. Bà thường tự hỏi chúng tôi ra sao rồi, nhưng bà không mấy khi tự tạo ảo tưởng cho mình. Bà đã biết, ngay từ đầu, rằng mọi chuyện rồi sẽ xoay chuyển tệ hại với chúng tôi. Những con chó lạc [3], bà bảo tôi thế. Và lúc chia tay nhau trước hiệu bán thuốc trên quảng trường Blanche, bà dõi thẳng vào mắt tôi mà nói: “Tôi ấy mà, người tôi thích nhất là Louki.”

[1] Tên các tập thơ rất nổi tiếng, của Lautréamont, Rimbaud và Maurice Blanchard.

[2] Nhan đề cuốn sách này, Dans le café de la jeunesse perdue, rút từ một bộ phim khởi chiếu năm 1981 của triết gia Guy Debord (yếu nhân của phong trào “Quốc tế Tinh thế chủ nghĩa” – Internationale Situationniste), khá mơ hồ vì cùng một lúc tính từ “perdu” được hiểu theo hai nghĩa: “đã mất” và “lạc đường”. Tuy nghĩa thứ hai được chọn cho nhan đề tiếng Việt vì đúng với tinh thần cuốn sách hơn, nhưng độc giả cũng cần lưu ý rằng tác phẩm đậm màu tiếc nuối quá vãng.

[3] Ở đây tác giả cũng dùng tính từ “perdu” như ở nhan đề. “Chó” cũng là một chi tiết quan trọng, gợi nhớ đến tác phẩm Un Pedigree của Modiano, xuất bản không lâu trước cuốn sách này; trong đó Modiano viết rất nhiều về cuộc đời mình và tự coi mình như một “con chó”.

Khi ở bàn của Tarzan, Fred và La Houpa, nàng có uống nhiều như họ không, hay nàng chỉ làm ra vẻ mình có uống, cốt để họ không phật ý? Dù có thế nào thì nàng cũng kiên cường trụ vững trước rượu, với dáng người thật thẳng, những cử chỉ chậm rãi và duyên dáng, nụ cười lãng đãng mơ hồ. Ở quầy thì dễ uống bịp hơn. Bạn chỉ cần tận dụng giây lát thiếu chú ý của đám bạn bè say khướt mà đổ cốc rượu của mình xuống bồn rửa. Nhưng ở đó, tại một cái bàn trong quán Le Condé, thì khó hơn nhiều. Họ bắt bạn theo họ trong những chầu uống. Trong chuyện này, họ tỏ ra nhạy cảm cực độ và sẽ coi bạn là không xứng đáng với nhóm nếu bạn không theo được cho tới cùng cái mà họ gọi là những “chuyến lãng du” của họ. Về phần những thứ chất độc hại khác, tôi từng nghĩ mình hiểu mặc dù không chắc lắm rằng Louki có sử dụng, cùng một số thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, không gì trong cái nhìn và thái độ của nàng để người ta đoán được rằng nàng đang đến thăm các thiên đường nhân tạo [4].

[4] Tác giả sử dụng nhan đề một tập sách rất nổi tiếng của Baudelaire.

Tôi thường tự hỏi có phải một chỗ quen biết của nàng từng nói cho nàng về Le Condé trước khi nàng đặt chân tới đây lần đầu tiên. Hay ai đó hẹn gặp nàng ở đây rồi không đến. Vậy là, chắc hẳn nàng ngồi lì nơi đây, ngày này qua ngày khác, tối này qua tối khác, tại bàn của mình, mà hy vọng gặp lại người đó tại cái nơi vốn dĩ là điểm mốc duy nhất giữa nàng và người lạ kia. Không còn cách nào khác để gặp người ấy. Không có địa chỉ. Cũng không có số điện thoại. Chỉ một cái tên. Nhưng cũng có thể nàng đã tình cờ mà tới đây, giống như tôi. Nàng đang ở trong khu phố và nàng muốn tránh mưa. Tôi vẫn luôn luôn tin rằng một số địa điểm là những thỏi nam châm và bạn bị hút về phía chúng nếu đang bước đi ở quanh đó. Và chuyện ấy xảy ra theo cách thức không thể nhận biết, thậm chí bạn còn chẳng ngờ tới. Chỉ cần một đường phố thoải dốc, một vỉa hè nắng lùa hoặc một vỉa hè ẩn trong râm mát. Hoặc giả một trận mưa rào. Và điều đó dẫn bạn tới đây, đúng cái điểm bạn phải đến. Tôi thấy như thể Le Condé, bởi địa điểm của nó, sở hữu cái lực từ trường ấy và nếu thực hiện một phép tính xác suất thì kết quả hẳn sẽ xác nhận cho điều này: trong vòng một chu vi nhất định, ta không thể tránh khỏi việc trôi dạt [5] về phía nó. Về chuyện đó thì tôi cũng có đôi chút hiểu biết.

[5] Đây là một khái niệm quan trọng trong triết lý của Guy Debord.

Một thành viên của nhóm, Bowing, chúng tôi hay gọi là “Thuyền Trưởng”, đã bắt tay vào một công việc được những người khác tán thưởng. Từ gần ba năm anh ghi lại tên những người khách của quán Le Condé, theo những lần họ đến, lần nào cũng đi kèm ngày giờ chính xác. Anh giao cho hai người bạn của mình làm cùng công việc ấy tại quán Le Bouquet và quán La Pergola, những nơi mở cửa suốt đêm. Thật không may, ở hai quán cà phê kia, không phải lúc nào khách cũng chịu nói tên. Trong thâm tâm, Bowing tìm cách cứu khỏi quên lãng những con bướm bay thoáng chốc quanh một ngọn đèn. Anh mơ, anh nói vậy, đến một hệ thống sổ sách thật lớn ghi rõ tên khách mọi quán cà phê của Paris từ trăm năm nay, với ghi chú về lúc họ đến và lúc họ đi. Anh bị ám ảnh bởi cái mà anh gọi là “những điểm cố định”.

Trong dòng chảy miên viễn những phụ nữ, đàn ông, trẻ con, và chó, tất tật diễu qua rồi rốt cuộc tan biến dọc các phố, ta những muốn lưu giữ một khuôn mặt, đôi khi. Phải rồi, theo Bowing, giữa chốn phồn hoa đô hội cần phải tìm ra vài điểm cố định. Trước khi ra nước ngoài, anh đã đưa cho tôi quyển vở ghi chép cặn kẽ về khách khứa của quán Le Condé, từng ngày một, trong vòng ba năm. Nàng chỉ xuất hiện trong đó dưới cái tên đi mượn, Louki, và nàng được nêu tên lần đầu vào một ngày 23 tháng Giêng. Mùa đông năm ấy đặc biệt khắc nghiệt, khiến cho một số trong chúng tôi cả ngày không rời Le Condé để tránh lạnh. Thuyền Trưởng cũng chép lại địa chỉ của chúng tôi thế nên ta có thể hình dung được chặng đường quen thuộc dẫn mỗi người chúng tôi tới quán Le Condé. Đó cũng là một cách, với Bowing, thiết lập những điểm cố định. Anh không ghi ngay địa chỉ của nàng. Mãi tới một ngày 18 tháng Ba ta mới đọc được dòng này: “14 giờ. Louki, 16, phố Fermat, quận XIV”. Nhưng ngày 5 tháng Chín cùng năm, nàng đã đổi địa chỉ: “23h40. Louki, 8, phố Cels, quận XIV”. Tôi cho rằng Bowing vạch ra trên những tấm bản đồ Paris cỡ lớn chặng đường tới Le Condé của chúng tôi và Thuyền Trưởng đã dùng bút bi nhiều màu mực để làm việc này. Có thể anh muốn biết chúng tôi có cơ may giáp mặt nhau trước cả khi đến đích hay không.

Thì đấy, tôi còn nhớ một hôm đã gặp Louki tại một khu phố mà tôi không quen thuộc, tôi đến đó để chăm một người anh em họ xa của bố mẹ tôi. Khi ra khỏi nhà ông, tôi đi về phía bến tàu điện ngầm Porte-Maillot, và chúng tôi đã giáp mặt ngay ở đoạn đầu đại lộ Grande-Armée. Tôi nhìn vào mặt nàng và nàng cũng nhìn tôi chằm chằm bằng ánh mắt lo lắng, như thể tôi đã bắt chợt nàng trong một tình huống khó xử. Tôi chìa tay cho nàng: “Chúng ta đã gặp nhau ở quán Le Condé”, tôi nói với nàng, và đột nhiên tôi thấy dường như quán cà phê ấy nằm ở tận cùng thế giới. Nàng nở một nụ cười gượng gạo: “À vâng… ở quán Le Condé…” Lúc ấy là không lâu sau khi nàng xuất hiện lần đầu tiên ở đó. Nàng vẫn còn chưa hòa mình vào với những người khác và Zacharias còn chưa đặt cho nàng cái tên Louki. “Quán cà phê lạ lùng, nhỉ, Le Condé ấy…” Nàng gật đầu đồng ý với tôi. Chúng tôi đi cùng nhau vài bước rồi nàng bảo nàng sống ở gần đây, nhưng nàng không hề thích khu phố này. Thật là ngốc, ngày hôm ấy lẽ ra tôi đã có thể biết tên thật của nàng. Rồi chúng tôi chia tay nhau ở cửa ô Maillot, trước lối xuống bến tàu điện ngầm, và tôi nhìn nàng đi xa dần về phía Neuilly và rừng Boulogne, bước chân mỗi lúc một chậm, như để cho ai đó cơ hội níu giữ nàng. Tôi nghĩ nàng sẽ không quay trở lại quán Le Condé nữa và hẳn sẽ không bao giờ tôi có tin tức về nàng. Hẳn nàng sẽ biến đi vào trong cái mà Bowing gọi là “sự vô danh của thành phố lớn”, anh tự nhận mình chiến đấu chống lại nó, bằng cách ghi đầy những cái tên vào quyển vở của mình. Một quyển vở Clairefontaine bìa đỏ láng nhựa dày một trăm chín mươi hai trang. Nói cho ngay, điều ấy chẳng giúp ích được nhiều. Giở quyển vở ra, ngoài những tên tuổi và địa chỉ thoáng qua, ta không biết được gì về tất cả những người ấy, cũng như về tôi. Chắc hẳn Thuyền Trưởng cho rằng nêu tên và “cố định hóa” chúng tôi ở đâu đó đã là một việc lớn lao rồi. Phần còn lại… Ở quán Le Condé, chúng tôi không bao giờ hỏi nhau về nguồn gốc xuất thân. Chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi không có quá khứ để hé lộ, chúng tôi sống ở thì hiện tại. Ngay những người khách già hơn, Adamov, Babilée hay bác sĩ Vala cũng không bao giờ nói gì ám chỉ tới quá khứ của họ. Họ chỉ ở đó, giữa chúng tôi, mà thôi. Mãi đến giờ, sau ngần ấy thời gian, tôi mới cảm thấy một nỗi tiếc nuối: tôi những muốn Bowing cụ thể hơn trong quyển vở của anh, muốn anh dành cho mỗi người một đoạn tiểu sử ngắn. Anh có thật lòng tin rằng một cái tên và một địa chỉ là đủ, sau này, để lần lại một sợi dây đời? Và nhất là vỏn vẹn một cái tên không phải tên thật? “Louki. Thứ Hai 12 tháng Hai, 23 giờ.” “Louki. 28 tháng Tư, 14 giờ.” Anh cũng chép rõ chỗ mà những người khách ngồi ở quanh bàn, mỗi ngày. Thỉnh thoảng, thậm chí còn không có cả họ lẫn tên. Ba lần liền, trong tháng Sáu năm ấy, anh viết: “Louki cùng người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng.” Anh đã không hỏi tên người đó, hoặc giả người đó từ chối trả lời. Có vẻ như người này không phải khách quen của quán. Người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng đã biến mất vĩnh viễn vào những phố phường Paris, và Bowing đã chỉ cố định được cái bóng của người đó trong vòng vài giây. Và rồi cũng có những điểm không chính xác trong quyển vở của anh. Rốt cuộc tôi đã thiết lập được các điểm quy chiếu giúp tôi xác nhận việc nàng đã không đến quán Le Condé lần đầu tiên vào tháng Giêng như Bowing làm người khác tưởng đâu là thế. Trước ngày hôm ấy một thời gian tôi đã có một kỷ niệm về nàng. Chỉ từ khi những người khác đặc cho nàng cái tên Louki thì Thuyền Trưởng mới bắt đầu nêu tên nàng, và tôi cho rằng cho đến lúc ấy anh đã không hề để ý tới sự hiện diện của nàng. Thậm chí nàng còn không có được một ghi chú mơ hồ theo kiểu “14 giờ. Một cô gái tóc nâu mắt xanh lục,” giống như người đàn ông tóc nâu mặc áo vest da hoẵng.

Nàng xuất hiện vào tháng Mười năm trước đó. Tôi phát hiện được trong quyển vở của Thuyền Trưởng một điểm mốc: “15 tháng Mười. 21 giờ. Sinh nhật Zacharias. Ở bàn của anh ta: Annet, Don Carlos, Mireille, La Houpa, Fred, Adamov”. Tôi còn nhớ rất rõ bữa ấy. Nàng ngồi cùng bàn với họ. Tại sao Bowing lại không nảy sinh tò mò mà hỏi tên nàng? Những lời chứng thật mong manh và mâu thuẫn với nhau, nhưng tôi chắc rằng nàng có mặt tối hôm ấy. Mọi điều khiến nàng trở nên vô hình trong mắt Bowing đều tác động mạnh lên tôi. Sự rụt rè của nàng, những cử chỉ chậm rãi của nàng, nụ cười của nàng, và nhất là sự im lặng của nàng. Nàng ngồi cạnh Adamov. Có lẽ chính vì ông mà nàng đã đến quán Le Condé. Tôi vẫn thường xuyên gặp Adamov quanh quẩn Odéon, và xa hơn, trong khu phố Saint-Julien-le-Pauvre. Lần nào cũng thấy ông bước đi, bàn tay đặt lên vai một cô gái trẻ.

Một người mù nhờ cậy người khác dẫn đường. Thế nhưng ông lại có vẻ thấy mọi thứ, bằng cái nhìn kiểu con chó bi thảm của mình. Và hình như mỗi lần lại là một cô gái khác dẫn đường cho ông. Hoặc nữ y tá. Tại sao lại không thể là nàng? Và đúng thế, đêm hôm đó, nàng ra khỏi Le Condé cùng Adamov. Tôi thấy họ xuôi phố vắng về phía Odéon, Adamov đặt tay trên vai nàng và máy móc bước đi. Trông như thể nàng sợ đi quá nhanh, và đôi khi nàng dừng lại một thoáng, như để ông lấy hơi. Tại giao lộ Odéon, Adamov bắt tay nàng vẻ hơi trịnh trọng, rồi nàng trôi tuột xuống miệng bến tàu điện ngầm. Ông lấy lại bước đi người mộng du trực chỉ hướng Saint-André-des-Arts. Còn nàng? Phải, nàng bắt đầu năng tới quán Le Condé vào mùa thu. Và hẳn đó không phải là vì tình cờ. Với tôi, mùa thu chưa bao giờ là một mùa buồn. Những lá rụng và những ngày mỗi lúc một ngắn thêm với tôi chưa bao giờ gợi lên kết cục của một điều gì đó mà đúng hơn là một sự chờ đợi ở tương lai. Trong không khí có luồng điện, ở Paris này, vào các buổi chiều tháng Mười khi bóng tối bắt đầu buông. Ngay cả khi trời mưa. Tôi không bị chán chường vào giờ ấy, cũng không có cảm giác về sự đào thoát của thời gian. Tôi thấy như mọi điều đều là khả dĩ. Năm bắt đầu vào tháng Mười. Đó là mùa tựu trường và tôi tin đó chính là mùa của những dự đồ. Thế nên, nếu quả thật nàng tới quán Le Condé vào tháng Mười, thì đó là bởi nàng đã đoạn tuyệt với cả một phần đời và nàng muốn làm cái việc người ta vẫn gọi tên trong những cuốn tiểu thuyết: LỘT XÁC. Vả lại, có một dấu hiệu chứng tỏ cho tôi thấy rằng hẳn mình đã không nhầm. Ở quán Le Condé, người ta cho nàng một cái tên mới. Và Zacharias, ngày hôm ấy, thậm chí còn nói đến lễ rửa tội. Một sự sinh ra lần thứ hai, theo cách nào đó.

Về phần người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng, thật không may, ông ta không bao giờ xuất hiện trên các bức ảnh chụp ở Le Condé. Thật tiếc. Thường thì rốt cuộc người ta xác định được ai đó nhờ một bức ảnh. Người ta đăng nó trên một tờ báo đồng thời kêu gọi nhân chứng. Liệu đó có phải một thành viên của nhóm mà Bowing không quen biết và anh đã lười hỏi tên?

Tối qua, tôi chăm chú lật giở tất cả các trang của quyển vở. “Louki cùng người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng.” Và tôi nhận ra, kinh ngạc vô chừng, rằng không phải mãi đến tháng Sáu Thuyền Trưởng mới nêu tên người lạ mặt này. Ở phía dưới một trang, anh vội vã nguệch ngoạc: “24 tháng Năm. Louki cùng người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng”. Và ta lại thấy cùng ghi chú này hai lần vào tháng Tư. Tôi đã hỏi Bowing tại sao, mỗi lần có gì liên quan đến nàng, là anh lại dùng bút chì màu xanh gạch dưới tên, như thể để phân biệt nàng với những người khác. Không, không phải anh làm việc ấy. Một hôm anh đang ngồi ở quầy bar ghi chép khách khứa có mặt trong phòng vào quyển vở thì một người đàn ông đứng cạnh bắt chợt anh trong lúc anh làm việc ấy: một người trạc tứ tuần có quen biết bác sĩ Vala. Ông ta có giọng nói rất êm ái và hút những điếu thuốc lá loại nhẹ. Bowing cảm thấy tin cậy ông ta và nói vài lời về cái mà anh gọi là Quyển Sách vàng. Người kia tỏ vẻ quan tâm. Ông ta là “nhà xuất bản sách nghệ thuật”. À có, ông ta có biết người trước đó một quãng thời gian đã chụp những bức ảnh tại quán Le Condé. Ông ta tự nhận mình sắp xuất bản một quyển sách ảnh về chủ đề này, nhan đề có thể sẽ là: Một quán cà phê ở Paris. Liệu anh có thể tốt bụng cho ông ta mượn quyển vở của anh cho đến ngày hôm sau không, hẳn nó có thể giúp ông ta chọn lựa những lời chú thích ảnh? Ngày hôm sau, ông ta mang trả quyển vở cho Bowing và không bao giờ xuất hiện ở Le Condé nữa. Thuyền Trưởng thấy rất kinh ngạc vì tên của Louki lần nào cũng được gạch dưới bằng bút chì màu xanh. Anh đã muốn biết thêm về chuyện này bằng cách đặt cho bác sĩ Vala vài câu hỏi liên quan tới tay nhà xuất bản sách nghệ thuật đó. Vala rất ngạc nhiên. “A, tay ấy bảo hắn xuất bản sách nghệ thuật à?” Ông biết ông ta theo kiểu hời hợt, vì vẫn thường xuyên gặp trên phố Saint-Benoît chỗ quán La Malène và tại quầy bar quán Le Montana nơi thậm chí ông còn từng nhiều lần chơi trò 421 [6] với ông ta. Ông ta hay lui tới khu phố này từ lâu rồi. Tên ông ta à? Caisley. Cơ hồ Vala có chút bực bội khi nói tới ông ta. Và khi Bowing ám chỉ tới quyển vở của mình và những nét bút chì màu xanh gạch bên dưới tên Louki, một thoáng lo lắng hiện ra trong cái nhìn của bác sĩ. Chỉ trong chốc lát. Rồi ông mỉm cười. “Hẳn là tay ấy quan tâm tới con bé… Con bé xinh xẻo thế cơ mà…

Nhưng cái ý tưởng viết hết những cái tên đó vào quyển vở của anh thì kỳ cục quá thể… Anh làm tôi thấy thích đấy, anh và nhóm của anh và các trải nghiệm đặc lý [7] của các anh…” Ông trộn lẫn tất cả vào với nhau, đặc lý, duy tự [8], viết tự động, các siêu ký hiệu [9] và mọi trải nghiệm mà những khách nhiều chất văn chương nhất của quán Le Condé, như Bowing, Jean-Michel, Fred, Babilée, Larronde hay Adamov, vẫn hay làm. “Và rồi thật nguy hiểm khi làm thế”, bác sĩ Vala nói thêm, giọng trầm xuống. “Có thể gọi quyển vở của anh là sổ cái của cảnh sát hay bản kê khai của một sở cẩm. Cứ như thể tất cả chúng ta bị tóm trong một cuộc càn quét ấy…”

[6] Trò chơi gieo ba quân xúc xắc, trong đó kết hợp “vua” là khi được một quân 4, một quân 2 và một quân 1.

[7] Dịch từ “pataphysique”, khái niệm và phong trào nghệ thuật với yếu nhân là nhà văn Alfred Jarry (1873-1907) và tập hợp những nhà văn nổi tiếng như Boris Vian hay Eugène lonesco; phong trào này chú trọng vào khái niệm ‘các giải pháp đặc thù’.

[8] Dịch từ “lettrisme”, tên một phong trào nghệ thuật tiền phong do Isidore Isou (1925-2007) lập ra; Isou là người Rumani, năm 1945 ông sang Pháp và lập ra phong trào “duy tự”, đặc biệt chú trọng vào tính nhạc của chữ và quan tâm đến khía cạnh âm, nhất là tượng thanh, của từ.

[9] Dịch từ “métagraphie”, một kỹ thuật của phong trào “duy tự”, chỉ sự khai thác mọi loại ký hiệu như chữ cái, chữ tượng hình… trong giao tiếp và thực hành nghệ thuật. Khái niệm này do Isidore Isou đưa ra nhưng chủ yếu được thực hành ở giai đoạn sau ở nhóm ly khai, trong đó có Guy Debord.

Bowing phản đối, thử trình bày với ông lý thuyết về các điểm cố định của anh, nhưng kể từ ngày hôm ấy Thuyền Trưởng bắt đầu có cảm giác Vala nghi ngại anh và thậm chí còn muốn tránh mặt anh.

Cái tay Caisley đó đã không chỉ làm một việc là gạch dưới tên Louki. Lần nào mà có thêm “người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng” thì sẽ có hai nét gạch bút chì xanh. Toàn bộ chuyện này đã làm rối trí Bowing dữ dội và những ngày tiếp theo đó anh đã lang thang trên phố Saint-Benoît với hy vọng gặp trúng được cái kẻ tự xưng là nhà xuất bản sách nghệ thuật ấy, ở quán La Malène hoặc quán Le Montana, đặng đòi ông ta giải thích. Anh đã không bao giờ tìm lại được ông ta. Bản thân anh một thời gian sau phải rời nước Pháp và để lại cho tôi quyển vở, như thể anh muốn tôi tiếp tục cuộc tìm kiếm của anh. Nhưng giờ thì đã quá muộn. Và rồi nếu cả giai đoạn ấy có đôi khi trở nên sống động trong ký ức tôi, thì cũng chính bởi những câu hỏi không có lời đáp.

Vào những giờ trống trải của ngày, lúc từ chỗ làm về, và thường là trong nỗi cô đơn những tối Chủ nhật, một chi tiết quay trở lại với tôi. Vận lấy toàn bộ sự chú tâm, tôi tìm cách tập hợp những chi tiết khác rồi viết chúng vào cuối quyển vở của Bowing, trên các trang vẫn còn để trắng. Cả tôi nữa, tôi khởi sự tìm kiếm những điểm cố định. Đó là một việc làm cho qua thời gian, giống những người khác chơi ô chữ hoặc chơi trò réussite [10]. Những tên và ngày tháng trong quyển vở của Bowing giúp tôi rất nhiều, thỉnh thoảng chúng gợi lại một sự kiện cụ thể, một buổi chiều mưa hoặc một buổi chiều nắng, tôi vẫn luôn luôn rất nhạy cảm với các mùa. Một tối nọ, Louki bước vào quán Le Condé, tóc ướt lướt thướt vì một trận mưa rào hay đúng hơn là vì những cơn mưa không dứt của tháng Mười một hoặc đầu mùa xuân. Bà Chadly đang đứng sau quầy bar ngày hôm ấy. Bà đã lên tầng trên, về căn hộ nhỏ xíu của bà, để tìm một cái khăn tắm. Như quyển vở chỉ ra, tối đó ngồi cùng bàn có Zacharias, Annet, Don Carlos, Mireille, La Houpa, Fred và Maurice Raphaël. Zacharias cầm lấy cái khăn lau tóc cho Louki rồi buộc túm nó lại theo kiểu turban quanh đầu nàng. Nàng ngồi xuống bàn họ, họ rót cho nàng một cốc grog, và nàng ở lại rất khuya với họ, cái turban buộc trên đầu. Ra khỏi Le Condé, quãng hai giờ sáng, trời vẫn mưa. Chúng tôi đứng ở chỗ tường hõm lối vào và Louki vẫn mang cái turban. Bà Chadly đã tắt đèn phòng và đi ngủ. Bà mở cửa sổ ở lưng chừng tầng trệt và tầng trên, bảo chúng tôi lên nhà bà mà trú mưa. Nhưng Maurice Raphaël nói với bà, vẻ rất hào hoa: “Không phải nghĩ đến chuyện ấy đâu, thưa bà… Chúng tôi phải để cho bà ngủ chứ…” Đó là một anh chàng đẹp trai tóc nâu, hơn tuổi chúng tôi, một khách quen nhẵn mặt của Le Condé được Zacharias đặt cho biệt hiệu “Báo Gấm” căn cứ vào cách đi đứng của anh và những động tác của loài miêu ở anh. Như Adamov và Larronde, anh đã cho in nhiều cuốn sách, nhưng chúng tôi không bao giờ nói chuyện về chúng. Một tấm màn bí ẩn bay lơ lửng quanh người đàn ông này và thậm chí chúng tôi còn nghĩ anh có nhiều dây mơ rễ má với Giới Tội Phạm. Mưa đã nặng hạt hơn hẳn, một trận mưa đổi mùa, nhưng không có gì nghiêm trọng với những người khác, vì họ sống ngay trong khu phố. Chẳng mấy chốc, chỉ còn lại Louki, Maurice Raphaël và tôi dưới cổng. “Tôi chở các bạn về nhé?” Maurice Raphaël đề nghị. Chúng tôi chạy dưới mưa, xuống đến cuối đường, nơi anh đỗ xe, một chiếc Ford cũ màu đen. Louki ngồi cạnh anh, còn tôi, ở băng ghế sau. “Tôi thả ai xuống trước đây?” Maurice Raphaël hỏi. Louki nói tên phố nhà nàng, nói rõ thêm rằng nó nằm quá nghĩa trang Montparnasse. “Thế thì cô sống ở vùng rìa”, anh nói. Và tôi tin cả hai chúng tôi đều không hiểu “ở vùng rìa” nghĩa là sao. Tôi bảo anh thả tôi xuống sau khi hết hàng rào vườn Luxembourg, ở góc phố Val-de-Grâce. Tôi không muốn anh biết chính xác tôi sống ở đâu vì sợ anh sẽ đặt cho tôi những câu hỏi.

[10] Trò chơi một mình xếp các quân bài theo trật tự quy định, còn có tên gọi khác khá phổ biến ở Việt Nam là “solitaire”.

Tôi bắt tay Louki và Maurice Raphaël, bụng bảo dạ rằng cả hai đều không biết tên tôi. Tôi là một người khách rất kín đáo của quán Le Condé và tôi hơi tách biệt một chút, chỉ làm một việc là lắng nghe mọi người khác. Với tôi như thế là đủ. Tôi cảm thấy thoải mái khi ở cùng họ. Với tôi quán Le Condé là một chốn trú ẩn khỏi mọi thứ gì mà tôi mường tượng là u ám của cuộc đời. Hẳn rồi sẽ có một phần con người tôi – cái phần tốt đẹp nhất – tới một ngày tôi buộc phải để lại nơi đó.

“Cậu thật khôn ngoan khi chọn sống ở khu Val-de-Grâce”, Maurice Raphaël bảo tôi.

Anh mỉm cười với tôi và tôi thấy như thể nụ cười ấy biểu lộ vừa sự quý mến vừa sự mỉa mai.

“Hẹn sớm gặp lại nhé”, Louki nói.

Tôi ra khỏi xe, đợi cho nó biến mất về phía Port-Royal, để rồi đi ngược lại con đường. Trên thực tế, tôi không hoàn toàn sống trong khu Val-de-Grâce, mà lui xuống dưới một chút, trong tòa nhà số 85 trên đại lộ Saint-Michel, nơi, nhờ phép màu, tôi đã tìm được một căn phòng ngay khi tới Paris. Cửa sổ nhìn thẳng sang mặt tiền đen sẫm của trường tôi. Đêm hôm đó, tôi không thể rời mắt khỏi cái mặt tiền kỳ vĩ ấy cùng cầu thang đá lớn của lối vào. Họ sẽ nghĩ gì nếu biết gần như ngày nào tôi cũng đi qua cái cầu thang đó, nếu biết tôi là sinh viên Trường Mỏ? Zacharias, La Houpa, Ali Cherif hay Don Carlos có biết chính xác Trường Mỏ nghĩa là gì không? Tôi phải giữ cho kín bí mật của mình nếu không rất có thể họ sẽ chế nhạo hoặc nghi ngại tôi. Với Adamov, Larronde hay Maurice Raphaël, Trường Mỏ nói lên điều gì? Không gì hết, hẳn vậy. Hẳn họ sẽ khuyên tôi đừng lui tới cái chốn đó nữa. Tôi bỏ thật nhiều thời gian đến quán Le Condé chính là bởi tôi muốn người ta cho tôi cái lời khuyên ấy, một lần cho tất cả. Hẳn Louki và Maurice Raphaël đã đến được phía bên kia nghĩa trang Montpamasse, cái vùng mà anh gọi là “vùng rìa”. Còn tôi, tôi trì mình trong bóng tối, đứng đó trước cửa sổ mà chiêm ngưỡng cái mặt tiền đen sẫm của tòa nhà. Có thể so sánh nó với nhà ga hoang phế của một thành phố hàng tỉnh. Trên các bức tường của tòa nhà kế bên, tôi từng trông thấy dấu những vết đạn, như thể người ta từng xử bắn ai đó ở đây. Tôi trầm giọng nhắc đi nhắc lại hai cái từ với tôi mỗi lúc một trở nên kỳ quái hơn này: TRƯỜNG MỎ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.