Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 2



Tôi đã gặp may vì chàng thanh niên đó ngồi cạnh bàn tôi ở quán Le Condé và chúng tôi khởi sự trò chuyện với nhau một cách hết sức tự nhiên. Đó là lần đầu tiên tôi tới quán và tôi đáng tuổi bố anh ta. Quyển vở anh ta dùng để chép tên những người khách của quán Le Condé, hết ngày này qua ngày khác, hết đêm này qua đêm khác, từ ba năm, làm công việc của tôi dễ dàng hơn hẳn. Tôi thấy tiếc vì đã giấu anh ta lý do chính xác khiến tôi muốn xem cái tài liệu mà anh ta vui lòng cho tôi mượn. Nhưng tôi có nói dối anh ta không khi bảo mình là nhà xuất bản sách nghệ thuật?

Tôi nhận thấy rằng anh ta tin lời tôi. Đó chính là lợi thế của việc hơn người khác những hai mươi tuổi: họ không biết gì về quá khứ của bạn. Và ngay cả khi họ đặt cho bạn vài câu hỏi lơ đãng về đời bạn cho đến thời điểm ấy, thì bạn vẫn có thể ngụy tạo ra toàn bộ. Một cuộc đời mới. Họ sẽ chẳng đi kiểm tra đâu. Bạn càng kể về nó, cái cuộc đời trong tưởng tượng đó, thì những bụm lớn không khí tươi mát càng lướt ngang qua cái chốn kín bưng khiến bạn ngạt thở suốt bấy lâu nay. Một cửa sổ chợt bật mở, những chớp cửa va đập vì gió lộng của không trung. Lại một lần nữa bạn thấy ở trước mặt mình có tương lai.

Nhà xuất bản sách nghệ thuật. Điều ấy vụt hiện ra trong óc tôi mà không cần suy nghĩ. Cách đây hơn hai mươi năm người ta có hỏi tôi định làm gì, hẳn tôi cũng đã ấp úng mà rằng: nhà xuất bản sách nghệ thuật. Và thế là, ngày hôm nay tôi đã nói điều đó. Chưa gì thay đổi hết cả. Tất cả những năm đã trôi qua kia đã bị tiêu hủy.

Trừ mỗi việc tôi đã không hoàn toàn gạt phăng đi quá khứ. Vẫn còn lại một số chứng nhân, một số người còn sống sót trong số những người từng là đương thời với ta. Một tối, tại quán Le Montana, tôi hỏi tuổi của bác sĩ Vala. Chúng tôi sinh cùng năm. Và rồi tôi nhắc cho ông rằng xưa kia chúng tôi đã gặp nhau, ở cùng quán bar này, lúc khu phố vẫn còn lấp lánh toàn bộ ánh sáng rực rỡ của nó. Vả lại, tôi thấy dường như mình đã gặp ông rất lâu từ trước, ở những khu phố khác của Paris, bên hữu ngạn. Thậm chí tôi còn chắc chắn về điều đó. Vala, giọng khô khốc, gọi một cốc Vittel, chặn ngang lời tôi vào đúng khi tôi thiếu điều đã gợi lại những kỷ niệm tệ hại. Tôi bèn im bặt. Chúng tôi sống nhờ một số khoảng thinh lặng. Chúng tôi biết nhiều điều về nhau. Vậy nên chúng tôi tìm cách tránh mặt nhau. Tốt nhất, lẽ dĩ nhiên, là hoàn toàn khuất mắt nhau.

Sự trùng hợp thật kỳ cục… Chiều nay tôi lại gặp trúng Vala, khi lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa quán Le Condé. Ông ngồi ở một cái bàn trong góc cùng hai hay ba thanh niên. Ông ném về phía tôi một cái nhìn lo ngại của người đang sống yên lành bỗng thấy một bóng ma. Tôi mỉm cười với ông. Tôi bắt tay ông mà không nói năng gì. Tôi cảm nhận được rằng bất kỳ lời nào mình thốt ra cũng có khả năng khiến ông thấy bất tiện đối với những người bạn mới. Ông có vẻ nhẹ nhõm vì sự im lặng và sự kín đáo của tôi, khi tôi ngồi xuống cái ghế băng bọc vải giả da ở đầu kia phòng. Từ đó, tôi có thể quan sát ông mà ông không nhìn thấy. Ông thấp giọng nói chuyện với họ, nghiêng người về phía họ. Có phải ông ngại tôi nghe thấy lời ông? Thế là, để giết thời gian, tôi tưởng tượng ra mọi câu mình có thể nói bằng cái giọng vờ vịt xã giao hẳn sẽ làm những giọt mồ hôi rịn ra trên trán ông. “Ông vẫn làm bác sĩ quân y đấy chứ?” Và sau một quãng im lặng: “Nói xem nào, ông vẫn làm ở ke Louis-Blériot đấy chứ? Trừ khi ông vẫn giữ phòng khám trên phố Moscou… Và cái lần ở Fresnes hồi lâu rồi ấy, tôi hy vọng nó không để lại những hậu quả nặng nề…” Thiếu điều thì tôi đã phá lên cười, một mình, trong góc của tôi. Người ta không già đi. Với những năm tháng trôi qua, nhiều người và nhiều thứ rốt cuộc trở nên hài hước và nực cười đến mức bạn ném vào họ và vào chúng một cái nhìn trẻ con.

***

Cái lần đầu tiên ấy, tôi nán lại lâu ở quán Le Condé để đợi. Cô ta không tới. Phải kiên nhẫn thôi. Hẳn sẽ là một ngày khác. Tôi quan sát khách khứa. Phần lớn chưa quá tuổi hai mươi lăm và một tiểu thuyết gia thế kỷ XIX hẳn sẽ dùng cụm từ “bohème sinh viên” nếu muốn miêu tả họ. Nhưng rất ít người trong số họ, theo tôi, ghi tên theo học ở Sorbonne hay Trường Mỏ. Tôi phải thú nhận rằng quan sát từ thật gần như thế này tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của họ.

Hai người đàn ông bước vào, cách nhau một quãng rất ngắn. Adamov và cái tay tóc nâu có lối bước đi uyển chuyển từng in vài quyển sách, ký tên Maurice Raphaël. Tôi có biết mặt Adamov. Xưa kia, gần như ngày nào ông cũng ở quán Old Navy và người ta không sao quên nổi ánh nhìn của ông. Tôi tin mình từng giúp ông một việc nhằm hợp thức hóa tình trạng của ông, thời tôi vẫn còn vài liên hệ với bên an ninh. Về phần mình, Maurice Raphaël cũng là một khách quen của các quán trong khu. Người ta bảo anh ta gặp nhiều rắc rối dạo sau chiến tranh dưới một cái tên khác. Thời ấy, tôi làm việc cho Blémant. Cả hai người bọn họ đến chống cùi chỏ lên mặt quầy. Maurice Raphaël đứng, rất thẳng, còn Adamov thì đu người ngồi lên một cái ghế cao, mặt nhăn nhúm vẻ đau đớn. Ông không để ý tôi có ở đó. Vả lại, liệu khuôn mặt tôi có gợi lên một điều gì đó cho ông hay không? Ba thanh niên, trong đó có một cô gái tóc vàng mặc một cái áo gió đã bạc phếch và quàng khăn, đến chỗ họ bên quầy. Maurice Raphaël chìa cho họ một bao thuốc lá và nhìn họ với một nụ cười thích thú. Adamov thì tỏ ra ít thân thiết hơn. Căn cứ vào cái nhìn căng thẳng của ông thì có thể nói rằng ông có phần khiếp sợ trước họ.

Tôi có hai bức ảnh chụp bằng máy tự động cái cô nàng Jacqueline Delanque ấy ở trong túi áo… Thời tôi còn làm việc cho Blémant, ông ta vẫn luôn luôn kinh ngạc trước việc tôi dễ dàng nhận ra bất kỳ ai. Tôi chỉ cần gặp thoáng qua một lần duy nhất khuôn mặt nào đó là nó in khắc trong ký ức tôi, và Blémant cứ trêu tôi suốt về cái tài nhận ra ngay tắp lự một ai đó từ xa, cho dù chỉ nhìn nghiêng một góc ba phần tư hoặc thậm chí là nhìn từ sau lưng. Vậy nên tôi không thấy có chút lo lắng nào. Khi cô ta bước chân vào quán Le Condé, tôi sẽ biết ngay rằng đó là cô ta.

Bác sĩ Vala quay đầu về hướng quầy, và ánh mắt chúng tôi giao nhau. Bàn tay ông phác một cử chỉ thân ái. Đột nhiên tôi những muốn đi tới bàn ông mà nói với ông rằng tôi có một câu hỏi rất riêng tư muốn đặt cho ông. Tôi sẽ kéo ông ra xa rồi chìa cho ông xem hai bức ảnh chụp bằng máy tự động: “Anh có biết cô ca không?” Thực sự, với tôi sẽ là rất hữu ích nếu biết được thêm một chút về cô gái này nhờ vào một trong những người khách của quán Le Condé.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.