Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 3



Ngay khi biết được địa chỉ khách sạn của cô ta, tôi liền đến tận nơi. Tôi chọn quãng thời gian trống trải của buổi chiều. Sẽ có nhiều cơ may cô ta không có ở đó hơn. Ít nhất thì tôi hy vọng là vậy. Nhờ thế tôi sẽ có thể đặt vài câu hỏi về cô ta ở chỗ tiếp tân. Đó là một ngày thu đầy nắng và tôi quyết định đi bộ. Tôi xuất phát từ phía các ke sông và chậm rãi tiến sâu vào vùng đất liền. Phố Cherche-Midi, mặt trời chiếu vào mắt tôi. Tôi bước vào quán Le Chien qui fume, gọi một ly cognac. Tôi lo lắng. Tôi nhìn đại lộ Maine đằng sau ô kính. Tôi sẽ phải đi trên vỉa hè bên trái để đến được đích. Không có lý do nào để phải lo lắng. Càng đi trên đại lộ, tôi càng trở nên bình tĩnh hơn. Tôi gần như chắc chắn rằng cô ta không có ở đó, vả lại lần này tôi cũng sẽ không vào trong khách sạn để đặt các câu hỏi. Tôi sẽ lượn lờ xung quanh, như khi người ta muốn định vị một cái gì đó. Tôi còn đầy thời gian. Tôi đã được trả tiền để làm vậy.

Tới phố Cels, tôi quyết định phải làm sao biết cho thật rõ. Đó là một phố yên tĩnh và xám xịt, gợi lên trong tâm trí tôi không phải một ngôi làng hay một khu ngoại ô, mà là những vùng bí ẩn mà người ta gọi là “vùng sâu vùng xa”. Tôi tiến thẳng về phía bàn tiếp tân khách sạn. Không có ai. Tôi đợi chừng mười phút, nuôi hy vọng cô ta không xuất hiện. Một cánh cửa mở ra, một phụ nữ tóc nâu cắt ngắn, vận đồ đen, đi đến bàn tiếp tân. Tôi cất giọng cố sao thật dễ chịu:

“Tôi muốn hỏi về Jacqueline Delanque.”

Tôi nghĩ ở đây cô ta đăng ký phòng bằng tên hồi con gái.

Bà ta mỉm cười với tôi và nhấc cái phong bì từ một ngăn để đồ đằng sau lưng.

“Ông là ông Roland phải không?”

Tay ấy là ai? Tôi mơ hồ gật đầu phứa. Bà ta chìa cho tôi cái phong bì ở trên ghi dòng chữ bằng mực xanh: Gửi Roland. Phong bì không dán. Trên một tờ giấy rộng bản, tôi đọc được:

Rolandy, đến tìm em sau 5 giờ ở chỗ quán Le Condé nhé. Nếu không thì gọi điện cho em ở số AUTEUIL 15-28 và để lại tin nhắn.

Ký tên Louki. Có phải tên gọi tắt của Jacqueline không?

Tôi gập tờ giấy lại, nhét vào phong bì rồi trả cho người phụ nữ tóc nâu.

“Xin lỗi… Nhầm mất rồi… Không phải gửi cho tôi đâu.”

Bà ta không hề thảng thốt, chỉ để lại bức thư vào trong ngăn bằng một động tác máy móc.

“Jacqueline Delanque ở đây lâu chưa?”

Bà ta ngần ngừ mộc lúc rồi trả lời bằng giọng êm ái:

“Từ khoảng một tháng nay.”

“Một mình à?”

“Vâng.”

Tôi cảm thấy bà ta thờ ơ và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi. Cái nhìn của bà ta lên tôi trông vô cùng mệt mỏi.

“Xin cám ơn bà”, tôi nói với bà ta.

“Không có gì.”

Tôi không muốn nán lại lâu hơn. Cái tay Roland kia có thể đến bất cứ lúc nào. Tôi quay ra đại lộ Maine và đi ngược lại hướng lúc nãy. Ở quán Le Chien qui fume tôi lại gọi một ly cognac. Trong danh bạ, tôi tìm địa chỉ quán Le Condé. Nó nằm ở khu Odéon. Mới bốn giờ, tôi còn chút thời gian trước mặt. Vậy nên, tôi gọi điện tới số AUTEUIL 15-28. Một giọng khô khốc khiến tôi nghĩ đến cái đồng hồ biết nói: “Đây là xưởng ô tô La Fontaine…

Tôi có thể giúp gì cho quý khách?” Tôi hỏi Jacqueline Delanque. “Cô ấy đi vắng một lúc… Có nhắn lại gì không?” Tôi đã chực bỏ máy, nhưng rồi cố trả lời: “Không, không nhắn gì cả. Cám ơn.”

Muốn hiểu người khác hơn thì trước hết cần phải xác định càng chính xác càng tốt các lộ trình của họ. Tôi nhỏ giọng tự nhắc đi nhắc lại: “Khách sạn phố Cels. Xưởng sửa chữa ô tô La Fontaine. Quán cà phê Le Condé. Louki”. Và rồi, cái phần của Neuilly nằm giữa rừng Boulogne và sông Seine, nơi cái tay kia đã hẹn gặp tôi để nói chuyện về người vợ của hắn, cái cô Jacqueline Choureau, nhũ danh Delanque.

***

Tôi đã quên ai khuyên hắn liên hệ với tôi. Có quan trọng gì đâu. Hẳn là hắn đã tìm được địa chỉ của tôi trong danh bạ. Tôi lên tàu điện ngầm sớm hơn hẳn so với giờ hẹn. Không phải đổi tàu. Tôi xuống bến Sablons và đi bộ gần nửa tiếng quanh đó. Tôi vẫn giữ thói quen trinh sát địa điểm trước chứ không ngay lập tức xông tới tiếp cận đối tượng. Xưa kia, Blémant hay trách tôi vì điều đó và nêu nhận xét là tôi làm mất nhiều thời gian. Hãy nhảy xuống nước, ông ta bảo tôi, thay vì cứ lượn vòng vòng trên bờ bể bơi. Còn tôi thì nghĩ ngược hẳn lại. Không được có cử chỉ quá đột ngột, mà phải thụ động và chậm rãi, thì dần dần bạn mới để cho tinh thần nơi chốn thấm vào trong người mình được.

Trong không khí, bồng bềnh mùi vị mùa thu và nông thôn. Tôi đi theo đại lộ chạy dọc Jardin d’Acclimatation, nhưng là ở mé bên trái, mé có rừng và lối cưỡi ngựa, và tôi những muốn đây chỉ đơn thuần là một cuộc đi dạo.

Cái cay Jean-Pierre Choureau đã gọi điện thoại cho tôi để hẹn gặp bằng một giọng đều đều không ngữ điệu. Hắn chỉ để cho tôi hiểu rằng chuyện là về vợ hắn. Trên đường đi về phía nhà hắn, tôi thấy hắn cũng đang đi bộ giống như tôi trên lối cưỡi ngựa, ngang qua khu vui chơi của Jardin d’Acclimatation. Hắn bao tuổi? Âm sắc giọng nói của hắn tôi thấy thật trẻ trung, nhưng giọng nói vẫn hay lừa mị người ta.

Hắn đang lôi kéo tôi vào tấn thảm kịch hay địa ngục hôn nhân nào đây? Tôi thấy nỗi nản lòng dâng lên, và không còn thật chắc chắn là mình muốn đến chỗ hẹn nữa. Tôi đi xuyên qua Rừng về hướng đầm Saint-James và cái hồ nhỏ nơi tụ tập những người ưa trượt pa tanh vào mùa đông. Tôi là người dạo chơi duy nhất và có cảm giác mình đang ở rất xa Paris, đâu đó trong vùng Sologne. Thêm một lần, tôi lại vượt qua được nỗi nản lòng. Một sự tò mò mơ hồ mang tính chất nghề nghiệp làm tôi bỏ dở cuộc dạo chơi ngang rừng quay trở về ven rìa khu Neuilly. Vùng Sologne. Neuilly. Tôi hình dung những buổi chiều mưa đằng đẵng mà cặp vợ chồng Choureau ấy từng có ở Neuilly. Và ở đó tại Sologne, ta nghe tiếng tù và đi săn, vào lúc hoàng hôn. Vợ hắn có cưỡi ngựa như nữ chiến binh Amazon hay không? Tôi phá lên cười lúc nhớ tới lời nhận xét của Blémant: “Anh ấy mà, Caisley, anh dấn tới quá nhanh. Lẽ ra anh phải đi viết tiểu thuyết thì mới phải”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.