Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 9



Tôi thích dạo bộ ngược Champs-Élysées vào một buổi tối mùa xuân. Giờ đây đại lộ ấy không còn thực sự tồn tại, nhưng, đêm đến, nó vẫn còn tạo ảo giác. Có lẽ trên Champs-Élysées anh sẽ nghe tiếng em gọi tên anh… Ngày em bán cái áo khoác lông thú và viên ngọc lục bảo tròn trịa, anh còn chừng hai nghìn franc từ số tiền Béraud-Bedoin trả cho anh. Ta thật giàu. Tương lai thuộc về ta. Tối ấy, em đã lòng lành đến với anh ở khu Étoile. Đó là mùa hè, đúng cái mùa hè ta ở trên các ke sông cùng Đầu Lâu và anh thấy hai người tiến về phía anh. Ta tới quán ăn ở góc phố François Đệ Nhất giao với phố Marbeuf. Người ta đã bày những cái bàn ra ngoài vỉa hè. Trời vẫn còn sáng. Không có người qua lại và ta nghe thầm thì những giọng nói và tiếng ồn những bước chân. Quãng mười giờ, khi chúng ta đi xuôi Champs-Élysées, anh tự hỏi không biết có bao giờ trời chịu tối không hay đó lại chẳng phải là một đêm trắng như ở Nga và các nước phương Bắc. Ta bước đi vô định, ta có cả đêm ở trước mặt. Vẫn còn lại những ráng mặt trời trên các vòm tường phố Rivoli. Đây là đầu hè, ta sẽ sớm đi khỏi. Đi đâu? Ta còn chưa biết được. Có lẽ là Majorque hoặc Mexico. Có lẽ là London hay Rome. Những nơi chốn không còn chút quan trọng nào nữa, chúng lẫn lộn hết vào với nhau. Đích duy nhất chuyến đi của chúng ta, đó là đi VÀO TÂM MÙA HÈ, nơi thời gian dừng lại và nơi những cây kim đồng hồ lúc nào cũng chỉ cùng một giờ: giữa trưa.

Ở Palais-Royai, bóng tối đã buông. Chúng tôi dừng lại một lúc ở hiên quán Ruc-Univers trước khi tiếp tục bước đi. Một con chó đi theo chúng tôi dọc phố Rivoli cho tới Saint-Paul. Rồi nó vào trong nhà thờ. Chúng tôi không cảm thấy mệt chút nào, và Louki bảo tôi rằng cô có thể bước đi thế này cả đêm. Chúng tôi đi qua một vùng trung tính ngay trước khi đến Arsenal, vài phố vắng hoe đến mức người ta phải tự hỏi liệu có người sống ở đó hay không. Ở tầng hai một tòa nhà, chúng tôi thấy có hai cửa sổ mở rộng sáng đèn. Chúng tôi ngồi xuống một cái ghế băng, đối diện đó, và chúng tôi không sao tự ngăn mình nhìn những cửa sổ ấy. Ngọn đèn cổ chụp màu đỏ, ở tận trong góc, tỏa ra thứ ánh sáng sượng đục đó. Ta nhìn thấy một tấm gương khung mạ vàng treo trên bức tường bên trái. Những bức tường khác thì trống trơn. Tôi rình một bóng hình hẳn sẽ lướt qua đằng sau cửa sổ, nhưng không, không có ai cả, có vẻ như vậy, trong cái căn phòng mà ta không biết được nó là phòng khách hay một phòng ngủ.

“Chắc ta phải bấm chuông cửa thôi,” Louki nói với tôi. “Em chắc có ai đó đang đợi chúng ta.”

Cái ghế băng nằm giữa một dải phân cách tạo thành từ chỗ giao của hai phố. Nhiều năm sau này, tôi ngồi trên một chiếc taxi đi dọc bến Arsenal, về phía các ke sông. Tôi bảo tài xế dừng lại. Tôi muốn tìm lại cái ghế băng và tòa nhà. Tôi hy vọng hai cửa sổ tầng trên vẫn còn sáng, sau chừng ấy thời gian. Nhưng thiếu điều thì tôi đã lạc lối trên mấy phố nhỏ đâm vào các bức tường của doanh trại Célestins. Đêm hôm ấy, tôi đã bảo cô rằng không việc gì phải bấm chuông cửa. Sẽ không có ai. Với lại chúng tôi đang thoải mái ở đây, trên ghế băng. Thậm chí tôi còn nghe tiếng một vòi nước chảy ở đâu đó.

“Anh chắc không?” Louki hỏi. “Em chẳng nghe thấy gì cả…”

Chính hai chúng tôi đang sống trong căn hộ trước mặt kia. Chúng tôi đã quên tắt đèn. Và chúng tôi đã để mất chìa khóa. Con chó lúc nãy hẳn đang đợi chúng tôi. Nó ngủ trong phòng ngủ của chúng tôi và sẽ ở đó chờ chúng tôi cho đến tận cùng thời gian.

Sau đó, chúng tôi bước đi về phía Bắc và, để không bị trôi dạt quá nhiều, chúng tôi tự ấn định một cái đích: quảng trường République, nhưng chúng tôi không chắc là đang theo đúng hướng. Quan trọng gì đâu, chúng tôi vẫn luôn luôn có thể lấy tàu điện ngầm quay trở lại phố Argentine nếu có bị lạc. Louki nói với tôi rằng cô từng thường xuyên ở khu phố này, thời cô còn nhỏ. Người bạn trai của mẹ cô, Guy Lavigne, có một xưởng sửa chữa ô tô quanh đây. Đúng, về phía quảng trường République. Chúng tôi dừng lại trước mỗi xưởng, nhưng không lần nào là đúng cái xưởng ấy. Cô không còn tìm lại được đường nữa. Lần tới khi đến Auteuil thăm cái ông Guy Lavigne đó, cô sẽ phải hỏi địa chỉ chính xác xưởng ô tô cũ của ông trước khi cả ông ta nữa, ông ta cũng biến mất. Nhìn qua thì vẻ như chẳng có gì nhưng việc ấy lại rất quan trọng. Nếu không, rốt cuộc ta sẽ không còn lại nổi một điểm nào để định vị trong đời. Cô nhớ rằng mẹ cô và Guy Lavigne từng dẫn cô đến hội chợ Trône sau lễ Phục sinh, ngày thứ Bảy. Họ đã đi bộ tới đó theo một đại lộ lớn bất tận rất giống đại lộ mà chúng tôi đang đi đây. Hẳn chính là nó. Nhưng thế thì chúng tôi lại rời xa khỏi quảng trường République. Những thứ Bảy ấy cô cùng mẹ và Guy Lavigne đi tới tận rìa rừng Vincennes.

Đã gần nửa đêm, và hẳn sẽ thật kỳ cục nếu hai chúng tôi lại đứng trước hàng rào sắt của vườn bách thú. Hẳn chúng tôi có thể nhìn thấy những con voi trong bóng tối nhờ nhợ. Nhưng đó, trước chúng tôi, mở ra một quãng trống sáng sủa ngay chính giữa là một bức tượng. Quảng trường République. Càng lại gần, tiếng nhạc càng nghe rõ hơn. Một vũ hội chăng? Tôi hỏi Louki hôm nay có phải là ngày 14 tháng Bảy không. Cô không biết gì hơn tôi. Từ lâu nay, với chúng tôi những ngày và những đêm đã lẫn lộn hết vào với nhau. Tiếng nhạc vẳng ra từ một quán cà phê, ngay gần góc đại lộ giao với phố Grand-Prieuré. Vài người khách ngồi ở ngoài hiên.

Đã quá muộn để lấy chuyến tàu điện ngầm cuối cùng. Ngay sau quán cà phê là một khách sạn để cửa mở. Mộc bóng đèn trần chiếu sáng một cầu thang rất dốc với các bậc bằng gỗ màu đen. Thậm chí người gác đêm còn không cả hỏi tên chúng tôi. Anh ta chỉ đơn giản là cho chúng tôi biết số một phòng trên tầng. “Kể từ giờ, có lẽ chúng ta sẽ sống được ở đây”, tôi nói với Louki.

Một cái giường đơn nhưng không quá chật với chúng tôi. Không ri đô lẫn chớp cửa sổ. Chúng tôi để cửa sổ mở hé bởi trời nóng. Bên dưới, tiếng nhạc đã tắt, và chúng tôi nghe thấy những tràng cười. Cô thì thầm vào tai tôi:

“Anh nói đúng. Hẳn ta phải ở lại đây mãi.”

Tôi nghĩ chúng tôi đang ở xa Paris, tại một cảng nhỏ của Địa Trung Hải. Sáng nào vào cùng giờ chúng tôi cũng đi theo con đường qua các bãi biển. Tôi còn nhớ được địa chỉ của khách sạn: 2, phố Grand-Prieuré. Khách sạn Hivernia. Trong suốt tất cả những năm u tối tiếp theo, thỉnh thoảng người ta hỏi địa chỉ hoặc số điện thoại của tôi, tôi đều nói: “Anh chỉ cần gửi đến khách sạn Hivernia, 2, phố Grand-Prieuré. Người ta sẽ chuyển tới cho tôi.” Tôi sẽ phải đi tìm tất cả những bức thư ấy, chúng đợi tôi từ lâu lắm rồi và vẫn chưa được hồi đáp. Em có lý, lẽ ra chúng ta nên ở lại đó mãi mãi.

Tôi còn gặp lại Guy de Vere một lần cuối cùng nữa, nhiều năm sau này. Trên cái phố dốc xuôi về phía Odéon, một chiếc ô tô dừng lại cạnh tôi và tôi nghe tiếng ai đó gọi mình bằng tên cũ. Tôi nhận ra giọng nói trước khi quay đầu sang. Ông thò đầu ra khỏi cửa xe đã hạ kính. Ông mỉm cười với tôi. Ông không hề thay đổi. Trừ việc tóc ngắn đi một chút.

Đó là tháng Bảy, năm giờ chiều. Trời nóng. Hai chúng tôi ngồi trên ca pô chiếc xe để nói chuyện. Tôi không dám nói với ông rằng chúng tôi đang ở cách quán Le Condé có vài mét, nơi có cánh cửa Louki luôn luôn dùng để đi vào, cửa của bóng tối. Nhưng không còn cánh cửa nữa. Phía bên này, giờ đây có một ô kính bày những túi xách làm bằng da ca sấu, những đôi bốt, và cả một cái yên cương cùng roi ngựa. Cửa hiệu mang tên Au Prince de Gondé. Chuyên bán đồ da.

“Thế nào hả Roland, anh sao rồi?”

Vẫn là cái giọng thật trong ấy, cái giọng dẫn dụ chúng tôi đi vào các văn bản bí hiểm nhất những lúc ông đọc cho chúng tôi nghe. Tôi cảm động thấy ông còn nhớ mình, nhớ tên tôi thời đó. Ngần ấy người từng dự những cuộc họp, ở quảng trường Lowendal… Một số chỉ tới một lần, vì tò mò, những người khác thì rất chuyên cần. Louki thuộc vào nhóm người thứ hai. Và tôi cũng vậy. Thế nhưng, Guy de Vere không hề tìm kiếm đồ đệ. Ông hoàn toàn không tự coi mình là một bậc thầy về tư duy và từ chối tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào lên người khác. Tự họ đến với ông, mà ông không hề mời mọc. Đôi khi, người ta đoán ra được rằng ông thích ở một mình mà mơ mộng hơn, nhưng ông không thể làm gì để từ chối họ, và nhất là từ chối giúp để họ tự nhìn mình rõ hơn.

“Thế còn anh, anh quay lại Paris à?”

De Vere mỉm cười và nhìn tôi vẻ châm chọc.

“Anh vẫn y như thế, Roland ạ… Anh trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác…”

Cả điều ấy nữa ông cũng không quên. Ông vẫn thường trêu tôi về chuyện đó. Ông bảo tôi rằng nếu mà là đấu sĩ quyền Anh, hẳn tôi sẽ là bậc thầy về đòn gió.

“Tôi không ở Paris từ lâu lắm rổi, Roland… Giờ tôi sống bên Mexico… Tôi sẽ đưa anh địa chỉ nhé…”

Cái ngày đến tận nơi kiểm tra xem có thực là có dây thường xuân ở tầng trệt tòa nhà cũ của ông hay không, tôi đã hỏi người gác cổng, phòng trường hợp bà biết địa chỉ mới của Guy de Vere. Bà chỉ nói: “Đi không để lại địa chỉ.” Tôi kể cho ông cuộc hành hương tới quảng trường Lowendal ấy.

“Anh đúng là hết thuốc chữa, Roland ạ, với câu chuyện dây thường xuân đó… Tôi đã quen biết anh từ khi anh còn rất trẻ, có phải không? Hồi ấy anh bao nhiêu tuổi?”

“Hai mươi.”

“Thế mà ngay khi anh còn ở cái tuổi đó, với tôi tựa như anh đã lên đường đi tìm nhánh dây thường xuân bị mất ấy rồi. Tôi có nhầm không?”

Ánh mắt ông không rời khỏi tôi và quanh ông bao phủ một cái bóng buồn bã. Có lẽ chúng tôi đã nghĩ đến cùng một điều, nhưng tôi không dám nói ra cái tên Louki.

“Lạ thật đấy,” tôi nói với ông. “Vào cái thời những cuộc họp của chúng ta, tôi vẫn thường xuyên tới quán cà phê này, giờ thì nó không còn là quán cà phê nữa rồi.”

Và tôi chỉ cho ông, cách chỗ chúng tôi vài mét, cửa hiệu đồ da Au Prince de Condé.

“À đúng,” ông bảo tôi. “Paris đã thay đổi rất nhiều trong những năm vừa qua.”

Ông nhíu mày nhìn tôi, như thể muốn nhớ lại một kỷ niệm xưa cũ. “Anh vẫn nghiên cứu các vùng trung tính chứ?”
Câu hỏi xuất hiện thật đột ngột, đến nỗi tôi không hiểu ngay ông đang muốn ám chỉ điều gì.

“Khá là thú vị đấy, những gì anh viết về các vùng trung tính…”

Chúa ơi, trí nhớ thật xuất chúng… Tôi đã quên mình từng đưa ông đọc văn bản ấy. Một tối nọ, sau một trong những cuộc họp của chúng tôi tại nhà ông, Louki và tôi đã nán lại cuối cùng. Tôi hỏi ông có cuốn sách nào viết về Quy hồi Vĩnh cửu hay không. Chúng tôi đang ở trong phòng làm việc của ông và ông đưa mắt nhìn mấy cái tủ sách của mình. Rốt cuộc ông tìm thấy một tác phẩm có bìa màu trắng đen: Nietzsche: Triết lý Quy hồi Vĩnh cửu của cùng một thứ, mà ông cho tôi mượn và tôi đã hết sức chăm chú đọc những ngày tiếp theo đó. Trong túi áo vest của tôi là mấy tờ giấy đánh máy chữ về các vùng trung tính. Tôi những muốn đưa ông đọc để biết ý kiến của ông, nhưng ngần ngừ. Mãi đến trước khi đi khỏi, ngoài thềm nhà, tôi mới quyết định được, bằng một động tác đột ngột, chìa cho ông cái phong bì trong đó tôi để mấy tờ giấy kia – mà không nói với ông một lời.

“Anh cũng từng rất quan tâm đến thiên văn học,” ông nói. “Đặc biệt là vật chất tối…”

Chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng ông lại nhớ được điều đó. Xét cho cùng, ông vẫn luôn rất chú ý đến người khác, nhưng ngay lúc ấy thì người ta không hề nhận ra.

“Thật là tệ,” tôi nói với ông, “vì tối nay không có một cuộc họp ở quảng trường Lowendal, như trước đây ấy…”

Ông có vẻ kinh ngạc trước những lời của tôi. Ông mỉm cười với tôi. “Vẫn luôn luôn là nỗi ám ảnh của anh với Quy hồi Vĩnh cửu…”
Giờ đây chúng tôi bước đi loanh quanh trên vỉa hè và, lần nào cũng vậy, bước chân lại đưa chúng tôi trở lại trước cửa hiệu đồ da Au Prince de Condé.

“Anh còn nhớ cái buổi tối bị mất điện ở nhà anh và rồi chúng ta đã nói chuyện trong bóng tối không?” tôi hỏi ông.

“Không.”

“Tôi sẽ thú nhận với anh một điều. Thiếu chút nữa tôi đã phá lên cười như điên, tối hôm ấy.”

“Lẽ ra anh nên tự buông thả,” ông nói với tôi, giọng trách cứ. “Cười là thứ dễ liên thông. Đáng ra tất cả chúng ta đã có thể cười trong bóng tối.”

Ông nhìn đồng hồ đeo tay.

“Tôi sắp phải để anh lại đây. Tôi phải chuẩn bị hành lý. Ngày mai tối đi rồi. Và thậm chí tôi còn chẳng có thời gian để hỏi bây giờ anh đang làm gì nữa.”

Ông rút từ túi trong áo vest của mình ra một quyển sổ và xé một trang.

“Tôi cho anh địa chỉ của tôi bên Mexico. Thực sự là anh phải đến gặp tôi đấy.”

Đột nhiên giọng ông trở nên khẩn thiết, như thể ông muốn lôi kéo tôi đi theo ông và cứu tôi thoát khỏi chính tôi. Và khỏi hiện tại.

“Thêm nữa, ở đó tôi vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc họp. Đến đi. Tôi trông chờ anh đấy.”

Ông chìa tờ giấy cho tôi.

“Có cả số điện thoại của tôi đây. Lần này, chúng ta không được để mất dấu nhau đâu đấy nhé.”

Ngồi trên xe rồi, ông còn thò đầu một lần nữa ra khỏi ô cửa đã hạ kính xuống.

“Nói cho tôi đi… Tôi vẫn thường nghĩ đến Louki… Tôi vẫn không hiểu được là tại sao…”

Ông cảm động. Ông, người luôn luôn nói năng không chút do dự và với cách thức rõ ràng đến thế, ông đang phải lựa lời.

“Thật là ngốc, điều mà tôi nói với anh đây… Chẳng có gì để hiểu cả… Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy… Và chính vì thế mà ta yêu người ấy… Phải không hả, Roland?…”

Đột nhiên ông nổ máy, hẳn là để cắt ngang cơn xúc cảm của mình. Và cơn xúc cảm của tôi nữa. Ông chỉ kịp nói với tôi:

“Hẹn sớm gặp lại nhé, Roland.”

Tôi còn lại một mình trước cửa hiệu đồ da Au Prince de Condé. Tôi gí trán vào cửa kính để tìm xem liệu có còn tàn tích gì sót lại của quán cà phê hay không: một mảng tường, cánh cửa cuối phòng dẫn tới máy điện thoại treo tường, cầu thang xoáy trôn ốc dẫn lên căn hộ của Bà Chadly. Không gì cả. Mọi thứ đều nhẵn và căng như một mảnh vải màu cam. Và trong khu phố mọi thứ đều như vậy. Ít nhất thì ta cũng không có nguy cơ gặp phải những bóng ma. Bản thân những bóng ma cũng đã chết. Không có gì phải e ngại khi ra khỏi bến tàu điện ngầm Mabillon. Không còn quán La Pergola và cũng không còn Mocellini đằng sau ô cửa kính nữa.

Tôi bước đi bằng bước chân nhẹ nhàng như thể đã tới một thành phố xa lạ một tối tháng Bảy. Tôi khởi sự huýt sáo theo điệu một bài hát Mexico. Nhưng sự vô tư lự giả dối này không kéo dài lâu. Tôi đang đi dọc hàng rào vườn Luxembourg thì điệp khúc bài Ay Jalisco no te rajes tắt ngấm trên môi. Một tấm áp phích dán ở thân một cái cây lớn trong hàng cây phủ tán che cho chúng ta đến tận cổng vào đằng phố Saint-Michel. “Cái cây này nguy hiểm. Nó sẽ sớm bị chặt. Nó sẽ được thay thế ngay mùa đông năm nay.” Suốt một lúc, tôi cứ nghĩ mình đang ở trong một giấc mơ tồi tệ. Tôi đứng đó, tê liệt, mà đọc đi đọc lại bản án tử hình này. Một người bộ hành đi tới nói với tôi: “Ông không được khỏe phải không thưa ông?” rồi anh ta đi khỏi, hẳn là thấy thất vọng trước cái nhìn đăm đăm của tôi. Trong cái thế giới này, nơi mỗi lúc tôi lại càng hay có cảm giác mình là một kẻ sống sót, người ta cũng chặt đầu cả cây cối… Tôi tiếp tục bước đi, cố sức nghĩ đến điều gì khác, nhưng thật khổ. Tôi không sao quên nổi tấm áp phích ấy cùng cái cây bị kết án tử. Tôi tự hỏi chẳng biết bộ mặt các thành viên tòa án và bộ mặt viên đao phủ trông ra sao. Tôi trấn tĩnh lại. Để tự cổ vũ mình, tôi hình dung ra Guy de Vere bước đi bên cạnh và nhắc đi nhắc lại với tôi bằng cái giọng êm ái của ông: “… Nhưng mà không, Roland ạ, đó chỉ là một giấc mơ tồi tệ… người ta không chặt đầu cây cối đâu…”

Tôi đi qua cổng vào của vườn và theo phần đại lộ dẫn sang Port-Royal. Một tối, cùng Louki, chúng tôi đã đưa về đây một anh chàng trạc tuổi chúng tôi mà chúng tôi làm quen ở quán Le Condé. Anh ta đã chỉ cho chúng tôi, bên tay phải, tòa nhà Trường Mỏ, vừa chỉ vừa tuyên bố với chúng tôi bằng giọng rất buồn bã, như thể lời thú nhận ấy đè nặng lên anh ta, rằng anh ta là sinh viên trường đó.

“Các bạn có nghĩ tôi nên ở lại đó không?”

Tôi cảm thấy anh ta rình chờ một sự khích lệ từ chúng tôi để giúp anh ta thực hiện được hành động quyết định. Tôi nói với anh ta: “Không, bạn ơi, đừng ở lại đó… Hãy cao chạy xa bay…”

Anh ta quay sang Louki. Anh ta đợi ý kiến của cả cô nữa. Cô giải thích với anh ta rằng kể từ khi bị trường trung học Jules-Ferry từ chối, cô rất ngờ vực các trường. Tôi nghĩ điều này đã hoàn thành công cuộc thuyết phục anh ta. Hôm sau, ở quán Le Condé, anh ta bảo với chúng tôi rằng đối với anh ta Trường Mỏ đã kết thúc rồi.

Thường xuyên, cô và tôi đi trên con đường này để về khách sạn của cô. Đó là đường vòng, nhưng chúng tôi có thói quen đi bộ. Mà nó có thực sự là một đường vòng? Nhưng mà không, nghĩ cho thật kỹ, đó là một đường thẳng, tôi thấy như thể là vậy, dẫn về phía nội địa. Ban đêm, dọc đại lộ Denfert-Rochereau, chúng tôi ở trong mộc thành phố tỉnh lẻ, bởi sự im lìm và tất cả những chốn tôn giáo với các cánh cổng cứ thế nối tiếp nhau. Hôm mới đây, tôi đi bộ theo phố trồng cây đoạn hai bên cùng những bức tường cao ngăn đôi nghĩa trang Montparnasse. Đó cũng là đường về khách sạn của cô. Tôi nhớ là cô thích tránh nó, chính vì vậy mà chúng tôi đi qua Denfert-Rochereau. Nhưng quãng thời gian cuối, chúng tôi không còn sợ gì nữa và thấy rằng cái phố cắt qua nghĩa trang này không phải không chứa đựng một vẻ duyên dáng nào đó, vào buổi đêm dưới vòm cây lá. Không một chiếc ô tô nào chạy qua vào giờ ấy và chưa bao giờ chúng tôi bắt gặp một ai. Tôi đã quên ghi nó vào danh sách các vùng trung tính. Đúng hơn thì nó là một đường biên giới. Đến cuối phố, chúng tôi bước vào một vùng đất nơi chúng tôi tách biệt được khỏi mọi thứ. Tuần trước, tôi bước đi ở đó không phải ban đêm mà là lúc cuối chiều. Anh đã không quay lại phố ấy kể từ khi chúng ta cùng nhau đi ở đó hoặc khi anh đến chỗ em ở khách sạn. Trong thoáng chốc anh có ảo tưởng là đi quá nghĩa trang anh sẽ gặp lại em. Ở đó, sẽ là Quy hồi Vĩnh cửu. Cùng một động tác như trước đây để lấy chìa khóa phòng em ở chỗ tiếp tân. Cùng cái cầu thang rất dốc. Cùng cánh cửa màu trắng với số phòng: 11. Cùng sự chờ đợi. Và rồi cùng cặp môi, cùng thứ mùi và cùng làn tóc xổ tung.

Tôi còn nghe tiếng de Vere nói với tôi về Louki:

“Tôi vẫn không hiểu được là tại sao… Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy…”

Bí ẩn nào? Tôi vẫn tin chúng tôi giống nhau, bởi chúng tôi thường xuyên có những giao truyền ý nghĩ. Chúng tôi ở trên cùng tần số sóng. Sinh cùng năm và cùng tháng. Thế nhưng, vẫn phải tin là có một khác biệt giữa chúng tôi.

Không, cả tôi nữa tôi cũng không sao hiểu nổi… Nhất là khi tôi nhớ lại những tuần cuối. Tháng Mười một, ngày ngắn lại, những cơn mưa mùa thu, nhưng dường như không gì trong tất tật những thứ ấy làm suy sút tinh thần chúng tôi. Thậm chí chúng tôi còn lên các kế hoạch đi du lịch. Và rồi, ở quán Le Condé ngự trị một bầu không khí vui tươi. Tôi chẳng còn nhớ ai đã giới thiệu vào đám khách quen cái tay Bob Storms tự nhận mình là thi sĩ và đạo diễn người Anvers ấy. Có thể là Adamov chăng? Hay Maurice Raphaël? Anh ta đã làm chúng tôi cười rất nhiều, cái tay Bob Storms đó. Anh ta thích Louki và thích tôi. Anh ta muốn cả hai chúng tôi đến nghỉ hè trong ngôi nhà rộng lớn của anh ta ở đảo Mojorque. Có vẻ như anh ta không hề phải lo lắng chuyện vật chất. Người ta bảo anh ta sưu tầm tranh… Người ta nói bao nhiêu điều… Và rồi tới một ngày mọi người biến mất và ta nhận ra mình chẳng biết chút gì về họ, ngay cả lai lịch thực của họ cũng không.

Tại sao bóng dáng to lớn của Bob Storms lại quay trở lại mạnh mẽ đến thế trong ký ức tôi? Trong những giờ khắc buồn nhất đời, thường xuyên có một nốt nhạc nghịch nhĩ thoáng qua, một hình thù tên hề Flamand, một Bob Storms đi qua, hẳn đó là thứ có thể xua đuổi bất hạnh. Anh ta đứng ở chỗ quầy, cứ như thể những cái ghế gỗ chực sụp xuống dưới sức nặng của anh ta. Anh ta cao lớn đến nỗi không còn trông thấy sự vạm vỡ của anh ta nữa. Lúc nào cũng mặc cái áo nhung dài màu đen tương phản hẳn với bộ râu và mái tóc hung. Và mang áo choàng cùng màu. Cái buổi tối chúng tôi để ý thấy sự có mặt của anh ta lần đầu tiên, anh ta tiến thẳng đến bàn chúng tôi, nhìn thẳng vào Louki và tôi. Rồi anh ta mỉm cười và thì thầm, đầu nghiêng hẳn về phía chúng tôi: “Thưa những người đồng hành của các ngày xấu trời, tôi chúc các bạn một đêm tốt lành.” Khi biết tôi thuộc rất nhiều thơ, anh ta muốn tỉ thí với tôi. Người nào đọc được câu cuối cùng sẽ là người chiến thắng. Anh ta đọc cho tôi nghe một câu, tôi phải đọc cho anh ta một câu khác, và cứ thế tiếp diễn. Cuộc thi diễn ra rất lâu. Tôi chẳng có chút sở đắc nào cho việc này. Tôi là một dạng người mù chữ, không hiểu biết, nhưng lại rất thuộc thơ, giống như những người chơi được mọi bản nhạc bằng piano mà không hề biết ký xướng âm. Bob Storms có lợi thế so với tôi: anh ta còn biết toàn bộ tổng thể thơ ca tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Flamand. Đứng ở quầy, anh ta tung về phía tôi với vẻ đầy thách thức:

I hear the Shadowy Horses, their long manes a-shake hoặc:
Como todos los muertos que se olvidan En un montón de perros apagados hoặc nữa:

De burgemeester heeft ons iets misdaan,

Wij leerden, door zijn schuld, het leven haten.

Anh ta làm tôi thấy hơi mệt nhưng đó là một tay rất vững, hơn chúng tôi rất nhiều tuổi. Tôi những muốn anh ta kể cho tôi nghe về những cuộc đời trước đây của mình. Anh ta luôn luôn trả lời nước đôi cho các câu hỏi của tôi. Khi cảm thấy mình thu hút quá nhiều sự tò mò, đột nhiên sự sôi nổi của anh ta tan biến như thể anh ta có điều gì đó phải che giấu hoặc giả anh ta muốn làm rối tung những đầu mối. Anh ta không trả lời và cuối cùng phá vỡ sự im lặng bằng cách phá lên cười.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.