OAN TRÁI

CHƯƠNG 4



Calgary nói, vẻ cảm kích:
– Xin cảm ơn ngài đã vui lòng tiếp tôi, ngài Marshall.
– Ồ, không có gì – Vị luật sư nói.
– Như ngài đã thấy, tôi đã đến Tụ điểm Ánh sáng và gặp gia đình Jacko.
– Chính vậy.
– Ngài biết chuyến đi của tôi?
– Đúng vậy, tiến sĩ Calgary ạ.
– Có thể ngài không hiểu lý do tôi quay lại gặp ngài… Ngài thấy đấy, mọi chuyện không như tôi đã nghĩ.
– Đúng thế, đúng thế đấy – Giọng ông khô khan và bình thản như thường lệ, nhưng lại chứa đựng một sắc thái khích lệ đối với Calgary.
– Tôi nghĩ, thưa ngài, đây chính là điểm kết thúc một cách sống của một gia đình. Tôi đã chuẩn bị để chịu một sự phẩn uất nào đó từ phía họ. Vì vụ án có thể xem là do ý Chúa nên theo quan điểm của họ, cả gia đình có thể được tha thứ. Quả thực tôi đã hy vọng là gia đình sẽ đón tiếp tôi với lòng biết ơn vì tôi đến để minh oan cho Jacko. Nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn khác hẳn.
– Tôi hiểu.
– Ngài Marshall, hình như ngài đã hy vọng một điều gì đó sẽ xảy ra? Tôi vẫn nhớ là cách cư xử của ngài đã khiến tôi lúng túng khi tôi đến gặp ngài lần đầu. Ngài thấy trước rằng, tôi sẽ phải đối đầu với điều gì ư?
– Ngài chưa kể cho tôi hay, tiến sĩ Calgary ạ, chuyện gì đã xảy ra cơ mà.
Arthur Calgary kéo ghế về phía trước
– Tôi cho rằng tôi đã chấm dứt một giai đoạn, một cách ứng xử nào đó, đã mang đến một kết cục hoàn toàn khác cho một chương đã được viết xong từ lâu. Nhưng tôi buộc phải cảm thấy rằng, thay cho sự kết thúc một câu chuyện cũ, tôi đã phải khởi đầu một câu chuyện mới nhất rồi. Một câu chuyện hoàn toàn mới. Ngài có cho rằng tôi đa nghi, đúng không?
Marshall chậm rãi gật đầu:
– Có thể nói như vậy. Tôi phải thừa nhận với ngài rằng, tôi có ý nghĩ là ngài đã không nhận thấy tất cả những hậu quả kéo theo đó. Nhưng việc ngài không định liệu được mọi chuyện cũng có lý do tự nhiên của nó, khi ngài chỉ có các văn bản chính thức của tòa án mà thôi.
– Đúng vậy, tôi đã hiểu rõ điều ngài nói – Anh cao giọng khi tiếp tục một cách sôi nổi – Đó không phải là sự giải tỏa nỗi đau khổ mà họ đã từng phải chịu, mà đó là sự thấu hiểu, là sự kinh sợ những gì có thể đến với họ. Có đúng vậy không?
Marshall thận trọng:
– Tôi cho rằng ngài hoàn toàn đúng. Cần lưu ý ngài rằng, tôi không nói về hiểu biết riêng của tôi đâu.
– Nếu vậy thì tôi không thể bình thản quay về với công việc của tôi, không thể thỏa mãn với những gì tôi đã làm được nữa. Tôi còn dính líu với họ. Và tôi có thể làm được một việc gì đó cho họ. Tôi không thể phủi tay được.
Vị luật sư hắng giọng:
– Dường như đó là một quan điểm kỳ lạ, tiến sĩ Calgary ạ.
– Tôi không nghĩ vậy, hoàn toàn không. Người ta phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và không chỉ có vậy mà còn phải chịu trách nhiệm cả về hậu quả của hành động đó nữa. Hai năm trước tôi đã cho một thanh niên đi nhờ xe. Và nay tôi thấy rằng tôi không thể đứng ngoài cuộc được.
Luật sư vẫn lắc đầu.
– Được thôi – Calgary nóng lòng nói – Ngài hãy cho đó là một hành động kỳ lạ, nếu ngài muốn. Nhưng lương tâm tôi vẫn bị dính líu. Ước muốn duy nhất của tôi là mang lại lời giải đáp đúng cho một vấn đề tôi không thể lẩn tránh. Nhưng dường như tôi đã mang đến một cái gì không hay ho lắm cho một số người nào đó. Và đến tận lúc này, tôi vẫn chưa hiểu lý do một cách rõ ràng.
– Ngài không hiểu lý do – Marshall chậm rãi nói – vì trong những mười tám tháng, ngài không có mối liên hệ nào với cuộc sống thực tế đang diễn ra. Ngài không đọc báo, có thể ngài không có điều kiện đọc báo, nhưng ngài không thể không nghe đài. Mọi chuyện đều rất bình thường, tiến sĩ Calgary ạ. Vụ án được công bố rộng rãi. Ai cũng biết. Và bây giờ bài toán sẽ là, nếu Jacko không gây án (theo ý ngài), thì ai đã gây án? Chúng ta sẽ phải quay lại với mớ bòng bong của vụ án. Vụ án đã xảy ra trong khoảng từ 7 giờ đến 7 giờ 30 vào một buổi tối tháng mười một tại một ngôi nhà, khi người phụ nữ đáng kính đó đang sống giữa gia đình, người thân. Ngôi nhà được bảo vệ một cách chắc chắn và nếu có ai đột nhập vào, thì người đó hoặc được bà Argyle đích thân ra mở cửa, hoặc có chìa khóa riêng. Nói cách khác, đó phải là một người quen. Giống như vụ Borden ở Mỹ khi ông bà Borden bị chém chết bằng rìu vào một buổi sáng thứ hai. Không ai trong nhà nghe thấy một tiếng động nào, không ai nhìn thấy bất cứ một người nào lảng vảng quanh nhà. Qua đó, ngài có thể thấy, tiến sĩ Calgary ạ, tại sao cả gia đình lại có vẻ không tin câu chuyện của ngài.
Calgary chậm rãi:
– Có phải ngài định nói, sẽ tốt hơn cho gia đình nếu đúng là Jacko Argyle phạm tội?
– Hoàn toàn chính xác. Nếu tôi có thể nói thì thế này, Jack Argyle chính là đáp số lý tưởng cho vụ án chẳng thú vị gì trong gia đình. Anh ta đã từng là một đứa trẻ có vấn đề, là một chú bé mắc nhiều khuyết điểm, rồi là một thanh niên có tính cách ưa bạo lực. Gia đình có thể tha thứ và đã tha thứ cho anh ta. Họ có thể thông cảm, thương xót anh ta. Họ có thể nói với nhau và nói với mọi người rằng, đó không phải là lỗi lầm của anh ta, rằng các nhà tâm lý học có thể giải thích được vụ án. Vâng, rất phù hợp.
– Và bây giờ…
– Bây giờ tình thế rất là khó khăn, cực kỳ khó khăn. Thậm chí tới mức báo động.
Calgary tỏ ra khôn khéo:
– Ngài cũng không chờ đợi câu chuyện của tôi?
– Tôi buộc phải thừa nhận điều đó. Đúng, tôi buộc phải thừa nhận rằng tôi cũng bị choáng. Một vụ án đã kết thúc một cách mỹ mãn – vâng, tôi sẽ tiếp tục dùng từ mỹ mãn -nay sẽ phải mang ra xem xét lại.
– Một cách chính thức? Tôi muốn nói là, theo quan điểm của cảnh sát, vụ án sẽ được xét lại?
– Không còn nghi ngờ gì nữa. Khi Jack Argyle bị xem là phạm tội vì có các chứng cứ chống lại anh ta (các quan tòa chỉ mất 15 phút để đưa ra các chứng cứ này thôi), theo quan điểm của cảnh sát, vụ án sẽ được xem xét lại.
– Và cảnh sát sẽ lại điều tra?
– Chắc chắn vậy – Marshall trầm ngâm xoa cằm – Tất nhiên sau hai năm rồi, sẽ khó có những đường nét rõ ràng của một vụ án, cho dù cảnh sát có thể gặt hái được một kết quả nào đó… Tôi không tin lắm. Họ có thể biết kẻ giết người. Họ có thể có nhiều bằng chứng để xây dựng một giả thuyết khôn ngoan về việc ai phạm tội. Nhưng chẳng dễ dàng thu được các chứng cứ cụ thể đâu.
– Tôi cũng nghĩ như ngài…Và đó cũng là ý nghĩ của cô ấy.
Vị luật sư lạnh lùng:
– Ngài nói đến ai vậy?
– Hester Argyle.
– Ồ, phải, cô Hester trẻ trung – ông tò mò – Cô ấy nói gì với ngài?
– Cô ấy nói về sự vô tội. Cô ấy nói vấn đề không phải ở chỗ ai gây án, vấn đề là sự vô tội. Bây giờ tôi hiểu cô ấy ám chỉ gì…
Marshall sắc sảo nhìn anh:
– Tôi nghĩ, có thể ngài đã hiểu.
– Tôi hiểu cô ấy nói điều ngài vừa nói. Gia đình sẽ rơi vào tình cảnh bị nghi ngờ…
Marshall ngắt lời anh:
– Gia đình chưa từng bị nghi ngờ, chính Jack Argyle bị nghi ngờ trước tiên.
Calgary vẫn tiếp tục:
– Gia đình sẽ bị nghi ngờ, và có thể bị nghi ngờ mãi mãi. Nếu một người trong gia đình phạm tội, có thể họ không biết chính xác đó là ai. Họ sẽ nhìn nhau và băn khoăn…Vâng, đó là điều tệ hại nhất. Họ sẽ không biết…
Im lặng. Marshall nhìn Calgary vẻ không khích lệ nhưng vẫn không nói gì.
– Khủng khiếp quá… thưa ngài – Calgary nói, vẻ xúc động hiện rõ trên khuôn mặt gầy nhạy cảm của anh – Đúng thế, rất khủng khiếp… Năm này qua năm khác rình mò nhau, băn khoăn day dứt. Quan hệ của gia đình với xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Tình yêu tan vỡ, chân lý bị vùi dập…
Marshall hắng giọng:
– Ngài không quá bi thảm hóa vấn đề đấy chứ?
– Không, tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ, xin thứ lỗi, tôi thấy vấn đề rõ ràng hơn ngài. Tôi có thể hình dung thực chất của vấn đề.
Lại im lặng.
Calgary tiếp tục:
– Vấn đề là thế này: người vô tội bị kết án… Đáng ra là không thể như thế được. Đó chính là lý do tôi không thể đứng ngoài cuộc. Tôi không thể bỏ đi và nói: “Tôi đã làm một việc đúng, tôi đã làm một điều có thể làm, tôi đã phục vụ công lý”. Vì ngài cũng thấy là, việc tôi làm chẳng phục vụ được gì cho công lý. Tội ác không bị trừng phạt, người vô tội không thoát được bóng đen của sự hiểu lầm.
– Tôi nghĩ ngài đã tự làm một mình đấy, tiến sĩ Calgary ạ. Điều ngài vừa nói có một cơ sở sự thật nào đó, không nghi ngờ gì nữa; nhưng tôi không thể thấy rằng, ngài có thể làm được gì bây giờ?
– Đúng vậy, tôi khó có thể làm được một việc có ích nào đó, nhưng tôi phải cố gắng. Đó chính là lý do khiến tôi đến gặp ngài. Tôi muốn… tôi nghĩ tôi có quyền được biết… bức tranh toàn cảnh của vụ án.
– Ồ, không có gì phải giấu diếm đâu – Giọng Marshall đã lanh lợi hơn – Tôi có thể cung cấp cho ngài mọi thông tin cần thiết. Tất nhiên chỉ là các sự kiện thôi. Hơn các sự kiện thì tôi chịu. Tôi chưa bao giờ có quan hệ thân thiết với gia đình ấy. Hãng của chúng tôi đã làm việc với bà Argyle vài năm. Chúng tôi thực hiện các di chúc cho bà. Tôi biết cả hai ông bà, cả bầu không khí ở Tụ điểm ánh sáng cùng đặc điểm và tính khí của từng người. Thật ra thì tôi cũng chỉ biết qua bà Argyle mà thôi.
– Tôi hiểu ngài, nhưng cho phép tôi được bắt đầu từ một điểm xuất phát cụ thể. Tôi biết bọn trẻ không phải là con đẻ của bà ấy. Chúng được nhặt về nuôi.
– Đúng vậy, bà Argyle chính là Rachel Konstam, con gái duy nhất của ông Rudolph Konstam, một người rất giàu có. Mẹ bà là người Mỹ và cũng giàu có. Rudolph Konstam là một người nhân hậu và đã dạy dỗ con gái theo những chuẩn mực của mình. Ông bà qua đời trong một vụ tai nạn máy bay và Rachel liền hiến rất nhiều tiền bạc được thừa kế cho các tổ chức từ thiện, như chúng ta vẫn gọi một cách không chính xác. Bà đã cho xây dựng nhiều nhà từ thiện. Công việc đang tiến hành thì bà gặp Leo Argyle, giảng viên trường Oxford, một người rất quan tâm tới các cải cách kinh tế và xã hội. Muốn hiểu bà Argyle, ngài cần chú ý rằng, bi kịch lớn nhất đời bà là bà không có khả năng sinh nở. Như đã từng xảy ra với nhiều phụ nữ khác, điều này quả đã phủ bóng đen xuống cuộc đời bà. Sau khi đã chạy chữa đủ cách, bà phải chấp nhận thực tế đau xót đó. Và bà đã phải tìm kiếm một giải pháp nhằm giảm nhẹ nỗi bất hạnh của mình. Đầu tiên, bà nhận nuôi một đứa trẻ ở khu ổ chuột New York, đó là cô Durrant. Bà dành tất cả tình cảm của mình cho trẻ em. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, bà làm việc ở Bộ Y tế với tư cách là một nhà bảo mẫu thời chiến và mua ngôi nhà mà ngài đã viếng thăm, tức Tụ điểm ánh sáng.
– Tụ điểm rắn.
– Đúng vậy, tôi tin đó là cái tên đầu tiên. Và bây giờ, dường như nó phù hợp hơn cái tên Tụ điểm ánh sáng mà bà đã chọn. Năm 1940, bà nuôi chừng 12 đến 16 đứa trẻ, phần lớn không còn gia đình hay không được chăm sóc đầy đủ. Bọn trẻ đã được chăm sóc tốt, được sống trong một ngôi nhà sang trọng. Tôi đã nói với bà rằng, bọn trẻ sẽ gặp khó khăn khi chiến tranh chấm dứt, khi chúng phải từ biệt bà để về nhà của chúng. Bà không để ý đến lời khuyên của tôi. Bà hoàn toàn quên mình vì bọn trẻ và cuối cùng là có kế hoạch giữ vài đứa trẻ mồ côi hay nghèo nhất lại. Mary nay đã lấy Philip Durrant; Michael hiện làm việc ở Drymouth; Tina – đứa con hoang; Hester và cuối cùng là Jacko. Chúng lớn lên và coi ông bà như bố mẹ đẻ. Chúng được chăm sóc và giáo dục tốt nhờ những đồng tiền của bà. Nhưng theo tôi, người ta nên xa lánh nơi mọi thứ đều thừa thãi. Nếu không, người ta sẽ mạo hiểm hành động theo những sở thích riêng. Jack – hay Jacko như mọi người thường vẫn gọi – luôn không vừa ý. Cậu ta ăn cắp tiền ở trường và bị đuổi học. Năm đầu tiên ở đại học, cậu ta đã dính vào chuyện bê bối. Cậu ta suýt vào tù hai lần, cậu ta không chịu nghe lời ai. Ngài có thể tìm hiểu kỹ sau. Hai lần, ông bà Argyle đều tha thứ tội biển thủ cho cậu ta. Hai lần, mọi người đã dồn tiền cho cậu ấy lập nghiệp. Và cả hai lần, công ty kinh doanh của cậu đều bị phá sản. Sau khi cậu ta chết, một khoản trợ cấp đã được dành để trả cho người vợ góa của cậu ta.
Calgary ngạc nhiên vươn người về phía trước:
– Người vợ góa? Không ai nói với tôi rằng anh ta đã lập gia đình!
– Bạn thân mến, bạn thân mến – Vị luật sư cáu kỉnh bẻ ngón tay kêu lắc cắc – Tôi sơ xuất quá. Tôi quên là ngài không đọc báo. Tôi có thể nói rằng, không một ai trong gia đình biết việc này cả. Sau khi anh ta bị bắt, vợ anh ta bất ngờ xuất hiện ở Tụ điểm ánh sáng với một sự đau khổ khôn cùng (vì cái gì vậy?). Ông Argyle đã đối xử tốt với cô ấy. Cô ta vốn là gái nhảy ở hiệu khiêu vũ Drymouth. Sở dĩ tôi quên kể về cô ta vì cô ta đã tái giá ít lâu sau Jacko chết. Chồng cô ấy là thợ điện ở Drymouth, tôi nghĩ vậy.
– Tôi cần gặp cô ấy – Calgary nói, anh bổ sung – cô ta chính là người đầu tiên tôi cần gặp.
– Tất nhiên rồi. Tôi sẽ đưa địa chỉ cho ngài. Tôi không hiểu tại sao lại không lưu ý ngài việc này ngay từ đầu.
Calgary im lặng.
– Cô ấy là, đúng vậy, một yếu tố không đáng kể – Vị luật sư nói, vẻ hối hận – ngay cả báo chí cũng không bàn tán đến cô ấy nhiều. Cô ấy không bao giờ vào thăm hay biểu hiện một sự quan tâm nào đối với chồng.
Calgary chìm đắm trong suy tư. Rồi anh nói:
– Ngài có thể cho tôi biết chính xác là ai đã có mặt trong ngôi nhà buổi tối hôm bà Argyle bị giết hại không?
Marshall nhìn anh như chăm chú hơn:
– Leo Argyle và cô gái trẻ nhất Hester. Mary Durrant và người chồng tàn tật của cô cũng có mặt. Người chồng vừa được ra viện. Có cả Kirsten Lindstrom mà ngài đã gặp. Bà ta là người Thụy Điển, được đào tạo thành y tá và là người giúp việc của bà Argyle từ thời chiến tranh. Michael và Tina thì vắng mặt. Michael bán xe hơi ở Drymouth và Tina là nhân viên thư viện ở Redmyn, cô cô có một căn hộ ở đó.
Marshall dừng lại trước khi tiếp tục kể.
– Có cả Vaughan, thư ký của Leo. Cô ta đã về nhà trước khi người ta phát hiện ra vụ giết người.
– Tôi đã gặp cô ta. Cô ta có vẻ rất quan tâm đến ông Argyle.
– Đúng, đúng vậy. Tôi cho rằng chúng ta sắp được chứng kiến một cuộc hứa hôn.
– Ra thế!
– Ông ấy rất cô đơn sau khi vợ chết – Vị luật sư nói, vẻ không tin tưởng vào những lời mình nói lắm.
– Chính thế – Calgary nói và anh hỏi tiếp – Động cơ nào vậy, thưa ngài?
– Ngài tiến sĩ thân mến của tôi ơi, thực sự là tôi không thể có ý kiến gì ở đây được.
– Tôi nghĩ là ngài có thể có ý kiến, khi ngài tự cho rằng các sự kiện còn mơ hồ.
– Không hề có khoản trợ cấp trực tiếp nào cho bất kỳ ai. Bà Argyle có nhiều bản di chúc riêng biệt, một phương thức đang được áp dụng phổ biến. Các di chúc này không hề bỏ sót một người con nào. Các di chúc được ủy quyền cho ba người: tôi, ông Argyle và một luật sư người Mỹ, cậu họ xa của bà Argyle. Một số tiền rất lớn được ủy quyền cho ba chúng tôi sử dụng và chúng tôi sẽ trợ cấp cho người nào cần đến tiền nhất.
– Còn ông Argyle? Liệu ông ấy có được lợi gì từ cái chết của vợ không?
– Chắc là không. Phần chủ yếu của gia tài, như tôi đã nói, nằm ở các di chúc. Bà ấy đã dành cho ông một phần gia tài và phần này được để ngoài các di chúc kể trên.
– Còn bà Lindstrom?
– Bà Argyle trả lương cho bà ta hậu hĩnh – Marshall cáu kỉnh bổ sung – Động cơ ư? Đối với tôi, dường như không có cả khái niệm ấy ở đây nữa cơ. Không dính dáng đến chuyện tiền nong đâu.
– Thế còn lĩnh vực tình cảm? Liệu có một sự va chạm đặc biệt nào không?
– Tôi e rằng tôi không thể giúp ngài được gì. Tôi không để ý đến cuộc sống riêng của họ.
– Vậy thì ai có thể gây án?
Marshall cân nhắc trong chốc lát. Rồi ông hầu như miễn cưỡng nói:
– Ngài có thể gặp một bác sĩ ở vùng này, bác sĩ MacMaster, hình như tên ông ấy như vậy. Ông ấy đã nghỉ hưu nhưng vẫn sống cạnh Tụ điểm ánh sáng. Ông ấy đã từng phục vụ ở những bệnh viện thời chiến. Chắc ông ấy biết rõ cuộc sống ở đó. Chưa chắc ngài đã thuyết phục được ông ta. Nhưng nếu ông ta thích thì ông ta có thể giúp ngài. Xin ngài thứ lỗi vì tôi nói điều này, phải chăng ngài cho rằng, ngài có thể đạt được một kết quả mà cảnh sát đã không đạt được?
– Tôi không biết, có lẽ là không. Nhưng tôi biết rõ điều này: tôi cần cố gắng. Đúng vậy, tôi cần phải cố gắng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.