OAN TRÁI

CHƯƠNG 5



Đôi lông mày của vị cảnh sát trưởng rướn lên chậm chạp trong một cố gắng tuyệt vọng nhằm chạm được tới mái tóc xám của ông. Ông ngẩng đầu lên nhìn trần nhà rồi lại cúi xuống chồng tài liệu trên bàn.
– Không thể diễn tả được! – Ông nói.
Chàng thanh niên phụ tá có nhiệm vụ là luôn sẵn sàng phụ họa với ông cảnh sát trưởng nói:
– Đúng vậy, thưa ngài!
– Một vụ rắc rối quá – thiếu tá Finney lẩm bẩm. Ông gõ gõ các ngón tay xuống bàn – Ông Huish đã tới chưa?
– Rồi ạ, ông sĩ quan đến được năm phút rồi ạ.
– Tốt, anh mời ông ấy vào nhé.
Ông sĩ quan cảnh sát Huish có vóc dáng cao, vẻ buồn buồn. Dáng dấp rầu rĩ của ông nặng nề đến mức không ai có thể tin rằng ông là cuộc sống và là linh hồn của lũ trẻ nhà ông, ông có thể đùa cợt vè nhét xu vào tai để trêu chúng.
Ông cảnh sát trưởng nói:
– Chào anh Huish, chúng ta đã vớ được một mớ bòng bong rồi. Anh nghĩ sao?
Vị sĩ quan cảnh sát thở khó nhọc và ngồi xuống chiếc ghế mà người thủ trưởng vừa chỉ:
– Dường như hai năm trước chúng ta đã mắc sai lầm. Người đàn ông này, tên anh ta là gì ấy nhỉ?
Ông cảnh sát trưởng lật tài liệu:
– Calory, không phải, Calgary. Loại người mà người ta vẫn gọi là giáo sư. Có thể ông ta đãng trí? Ông ta luôn mơ hồ về thời gian và mọi chuyện khác?
Dường như có một vẻ mong muốn ẩn hiện trong giọng nói của ông, nhưng Huish đã không đáp ứng. Anh nói:
– Tôi hiểu đó là một nhà khoa học.
– Vậy anh cho rằng chúng ta phải thừa nhận câu chuyện khó tin của ông ta sao?
– Ồ, ngài Reginald, dường như đã được thừa nhận rồi. Và tôi không thể nghĩ rằng, ông ấy lại bỏ qua một chi tiết nào đó.
– Đó là những lời dành cho vị Chánh ủy viên công tố.
– Đúng vậy – Finney nói vẻ không hài lòng – nếu ông Chánh ủy viên công tố đã bị thuyết phục, tôi nghĩ rằng chúng ta nên chấp nhận. Có nghĩa là phải điều tra lại. Anh có mang theo hồ sơ cũ như tôi yêu cầu không?
– Tôi có mang theo, thưa ông.
Người sĩ quan đặt tài liệu lên bàn.
– Anh đã nghiên cứu lại? – Ông cảnh sát trưởng hỏi.
– Tôi đã xem lại tối qua. Tôi còn nhớ rõ vụ này. Nói cho cùng, vụ án xảy ra cũng chưa lâu la gì lắm
– Vậy thì, anh Huish, chúng ta cần xem xét từ đâu?
– Từ đầu, thưa ông. Có vấn đề rắc rối là, như ngài đã biết, lúc xử án không ai ngoài Jacko bị nghi ngờ cả.
– Đúng vậy. Dường như đó là một vụ hết sức rõ ràng. Đừng nghĩ là tôi có ý bới móc chuyện cũ nhé, anh Huish ạ. Tôi luôn ủng hộ anh trăm phần trăm.
– Không thể nghĩ khác được – Huish trầm ngâm – Điện thoại gọi đến báo là Argyle bị giết. Thông tin về việc dọa nạt mẹ và những dấu tay của anh ta trên chiếc gậy chọc lò. Rồi số tiền nữa. Chúng ta bắt giữ ngay lập tức và và số tiền bị mất nằm trong túi anh ta.
– Lúc đó anh có ấn tượng như thế nào về anh ta?
– Rất xấu – Huish suy tính – Quá tự phụ và cho rằng mình có lý. Với chứng cứ vắng mặt trong thời gian gây án, anh ta luôn tự phụ. Anh ta nghĩ là bản thân mình đủ khôn ngoan mà. Anh ta cho rằng điều mình làm là hoàn hảo, không ai khám phá được. Anh ta đã xử sự hoàn toàn sai lầm.
– Đúng vậy, mọi việc đã chứng tỏ điều đó. Nhưng ngay lập tức anh nghĩ là anh ta giết người à?
Người sĩ quan cân nhắc:
– Đó không phải là chuyện có thể tin ngay được. Tôi có thể nói rằng, anh ta là loại người rất dễ đi đến kết cục như vậy. Giống như Harmon năm 1938. Những kỷ lục xấu của anh này như ăn cắp xe đạp, lừa đảo lấy tiền, lừa gạt phụ nữ có tuổi, và cuối cùng là dùng acid để dọa nạt, anh ta đã cưỡng ép một phụ nữ nhiều lần. Tôi đã cho rằng Jack Argyle chính là loại người như vậy.
– Nhưng hình như ta đã sai lầm – Vị cảnh sát trưởng chậm chạp nói.
– Đúng là chúng ta đã sai lầm. Và anh ta đã chết. Đó là điều đáng buồn. Tôi xin ông lưu ý rằng, anh ta là một thanh niên hư hỏng. Có thể anh ta không giết người, đúng là không giết người như ta đã thấy, nhưng anh ta rất hư hỏng.
– Tiếp tục đi, ông bạn – Finney cáu kỉnh – Ai giết bà ta? Tối qua anh đã xem xét toàn bộ vụ án, như anh vừa nói. Một người nào đó đã giết chết bà ta. Người phụ nữ đó không thể tự đánh vào gáy mình một cú đòn chí mạng như thế bằng chiếc gậy chọc lò được. Người khác đánh. Vậy là ai?
Huish thở dài và dựa lưng vào thành ghế.
– Tôi lo rằng chưa chắc chúng ta tìm được thủ phạm.
– Khó thế cơ à?
– Rất khó. Vì vụ án đã xảy ra lâu rồi và ta có quá ít chứng cứ. Tôi giả định rằng, không thể hy vọng vào những bằng chứng đầy đủ và trực tiếp được.
– Lúc đó trong nhà có ai? Ai đang ở cạnh bà ta?
– Không thể biết được. Có thể đó là một người trong nhà, cũng có thể là một người mà bà ta vừa đón vào. Họ luôn khóa cửa cẩn thận. Chấn song đặc biệt ở cửa sổ, dây xích và khóa đặc biệt ở cửa ra vào. Hai năm trước họ bị mất trộm nên nay họ rất cảnh giác. Vấn đề là ở chỗ, thưa ông, chúng ta đã không tra xét tỉ mỉ lúc vụ án mới xảy ra. Lúc đó chứng cứ chống lại Jacko là đầy đủ. Tất nhiên là bây giờ ai cũng có thể thấy rằng, kẻ giết người đã nắm vững và lợi dụng được cơ hội.
– Nắm được cơ hội là chàng trai đã ở đó, đã cãi nhau và dọa nạt mẹ?
– Đúng vậy. Người đó chỉ còn việc là lẻn vào phòng nhặt thanh sắt chọc lò với đôi tay xỏ găng, tới bên bàn bà Argyle đang viết và đánh vào đầu bà.
Thiếu tá Finney buột ra một từ thông thường:
– Tại sao?
Huish chậm rãi gật đầu:
– Đúng vậy thưa ông, đó chính là bí mật mà ta cần khám phá. Có lẽ đó là việc khó khăn nhất. Chúng ta chưa biết động cơ của kẻ giết người.
– Có lẽ vậy – vị cảnh sát trưởng nói -Giống như các phụ nữ có tiền khác, bà ta đã cố gắng tránh cái chết. Bản di chúc có ủy nhiệm đã được chuẩn bị, bọn trẻ đều được chia tiền bạc nếu chẳng may bà chết. Bà là người đáng kính trọng và đã cung cấp tài chính cho lũ trẻ suốt đời. Sự giáo dục tốt, những khoản tiền lớn để lập nghiệp, những khoản trợ cấp hậu lĩnh cho tất cả. Tình thương, lòng tốt, sự rộng lượng.
– Đúng vậy, dường như không hề có lý do để loại bỏ bà. Tất nhiên…
– Gì vậy, anh Huish?
– Ông Argyle, tôi xin ông lưu ý, đang nghĩ đến việc lập gia đình. Ông ấy định cưới cô Gwenda Vaughan, thư ký của ông ấy nhiều năm nay.
– Nếu thế – Thiếu tá Finney trầm ngâm – tôi cho rằng có động cơ ấy. Lúc đó chúng ta chưa biết chuyện này. Cô ta đã làm việc cho ông Argyle trong nhiều năm, như anh đã nói. Ta có thể nghĩ rằng, giữa họ với nhau đã có một điều gì đó lúc xảy ra vụ án đó được không?
– Tôi khá nghi ngờ giả thuyết đó. Một chuyện như vậy sẽ lan rộng rất nhanh trong vùng. Theo tôi, chưa chắc ông đã phỏng đoán chính xác. Lúc đó, bà Argyle không hề phải bận tâm tìm hiểu hay tức giận vì chuyện gì của ông ấy cả.
– Anh nói đúng. Nhưng việc ông ta muốn tục huyền chẳng được hay ho cho lắm.
– Cô ta còn trẻ và hấp dẫn. Tôi không thể nói rằng cô ta đẹp lộng lẫy, nhưng quả thật là cô ấy rất ưa nhìn và có một phong thái rất quyến rũ.
– Hình như cô ta đã phục vụ cho ông ấy khá lâu rồi. Những nữ thư ký như thế luôn có những thiên tình ái mùi mẫn với ông chủ của họ.
– Thế là chúng ta đã có thể tìm ra một động cơ cho người này – Huish nói – Còn người phụ nữ Thụy Điển nữa. Thực sự là bà ta không cảm mến bà Argyle nhiều như bà ta vẫn chứng tỏ với mọi người. Hình như đã có sự khinh bỉ thực hay giả tưởng giữa hai người. Nhưng bà ta không được lợi lộc gì với cái chết của bà Argyle vì đã được trả công hậu hĩnh. Bà ta, dường như vậy, là người đáng yêu, rất dễ xúc động chứ không phải hạng người mà người ta có thể cho rằng, sẵn sàng giáng thanh sắt vào đầu người khác mà không hề run tay! Nhưng liệu ta có dám chắc không? Hãy nhớ vụ Lizzie Boden.
– Không thể. Thế không hề có câu hỏi nào về một sự đột nhập từ bên ngoài vào ư?
– Không hề có chút dấu vết nào. Ngăn kéo đựng tiền bị kéo ra. Người ta đã cố tạo ra sự lộn xộn trong phòng để chứng tỏ là có kẻ trộm đã đột nhập vào, nhưng đó hoàn toàn là do bàn tay của một người không thạo việc. Lúc bấy giờ chúng ta đã cho rằng chính Jacko đã nghĩ ra chuyện đó.
Vị cảnh sát trưởng nói:
– Một điều kỳ lạ đối với tôi là số tiền.
– Đúng vậy, rất khó hiểu. Một đồng 4 bảng thu được ở Jacko chính là đồng tiền mà nhà băng mới trao cho bà Argyle lúc sáng. “Bà Phệ”, đó là cái tên được viết ở tờ bạc này. Anh ta nói rằng chính bà Argyle đưa cho anh ta, nhưng ông Argyle và Gwenda đều khẳng định là bà Argyle vào thư viện lúc 7 giờ kém 15 và kể với họ chuyện Jacko vòi tiền. Bà nói minh bạch rằng bà đã từ chối.
Tất nhiên là với những chi tiết ta vừa biết, có thể ông Argyle và người thư ký đã nói dối.
– Đó cũng là một khả năng. Và hình như… – Người sĩ quan dừng lại.
– Gì vậy, anh Huish? – Finney cổ vũ.
– Hãy giả thiết rằng một người nào đó, ta tạm gọi là X, nghe được cuộc cãi cọ và những lời đe dọa của Jacko. Hãy cho rằng chính lúc đó, nhân vật còn giấu mặt kia phát hiện thấy cơ hội hành động. Người này cầm lấy tiền, chạy theo anh thanh niên và nói rằng bà mẹ cho tiền. Rồi ung dung lựa chọn đường đi nước bước, sử dụng thanh chọc lò mà Jacko đã dùng để dọa dẫm mẹ một cách cẩn thận để không làm mất đi các dấu tay sẵn có…
Vị cảnh sát trưởng giận dữ:
– Nhưng những giả thiết ấy không phù hợp với những hiểu biết của tôi về gia đình này. Ngoài ông Argyle, Gwenda Vaughan, Hester Argyle và bà Lindstrom, còn có ai trong nhà lúc đó nữa?
– Người con gái lớn Mary Durrant và chồng cô ta.
– Anh ta tàn tật à? Loại bỏ đi. Còn Mary Durrant thì sao?
– Cô ta đúng là một hình mẫu của lòng từ thiện thưa ông. Ông không thể hình dung thấy cảnh cô ấy nổi giận hay, đúng vậy, hay giết người đâu.
– Còn những người phục vụ?
– Họ làm công nhật và đã ra về từ lúc 6 giờ.
– Tôi muốn biết rõ hơn về diễn biến thời gian.
Người sĩ quan đưa hồ sơ cho thủ trưởng của mình.
– Hmm…Phải, tôi đã rõ. Bảy giờ kém 15 bà Argyle vào thư viện kể cho chồng nghe về Jacko. Gwenda Vaughan có mặt ở đó. Lúc 7 giờ, cô ta ra về. Hester Argyle còn nhìn thấy mẹ lúc 7 giờ kém vài phút. Sau đó không ai thấy bà nữa cho đến tận 7 giờ 30 phút lúc bà Lindstrom phát hiện ra xác bà Argyle. Từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút có thể có nhiều chuyện xảy ra. Hester có thể giết mẹ. Gwenda Vaughan có thể giết bà sau lúc rời thư viện và trước lúc ra về. Bà Lindstrom có thể giết bà chủ lúc bà ta “phát hiện” ra xác chết. Leo Argyle ngồi một mình trong thư viện từ 7 giờ 10. Ông ta có thể xuống phòng vợ và giết bà trong khoảng thời gian 20 phút đó. Mary Durrant cũng có thể xuống nhà giết mẹ. Và… – Finney trầm ngâm – Và bà Argyle có thể mở cửa cho một người nào đó vào. Lúc trước chúng ta đã nghĩ đó chính là Jacko Argyle. Ông Leo Argyle đã khai, nếu anh chưa quên, là ông nghe thấy tiếng chuông, tiếng mở và tiếng đóng cửa. Nhưng ông rõ vào lúc nào. Chúng ta đã cho rằng đó là lúc Jacko quay trở lại và giết bà.
– Anh ta không cần gọi cữa vì có chìa khóa riêng, mọi người trong gia đình đều có.
– Hình như còn một người con trai nữa thì phải.
– Đúng vậy, Michael. Buôn bán xe hơi ở Drymouth.
– Anh thử tìm hiểu xem buổi tối hôm đó anh ta làm gì?
– Sau hai năm trời? Liệu có ai nhớ được không?
– Hình như anh ta đang có công chuyện lúc xảy ra vụ án?
– Anh ta đang chạy thử xe cho khách hàng. Không có cơ sở gì để nghi ngờ anh ta, nhưng anh ta cũng có chìa khóa riêng và có thể đã phóng xe về giết mẹ.
Vị cảnh sát trưởng thở dài:
– Tôi không rõ anh cần làm gì bây giờ, anh Huish ạ. Liệu chúng ta có thể tìm được gì ở đây không?
– Tôi cũng rất muốn biết ai giết bà ấy. Theo hiểu biết của tôi, bà là người phụ nữ tuyệt vời. Bà đã làm được nhiều việc cho mọi người, cho những đứa trẻ bất hạnh. Bà là người lẽ ra không thể bị giết hại như vậy. Đúng thế đấy, tôi rất muốn biết. Ngay cả trong trường hợp chúng ta không thể có những chứng cớ được ông Chánh ủy viên công tố chấp thuận, tôi vẫn muốn biết.
– Thôi được, tôi chúc anh mọi sự tốt lành, anh Huish ạ. Lúc này ta chưa có đủ những thông tin cần thiết, nhưng đừng có nản lòng nếu anh không tìm ra một phương sách nào. Dấu vết mờ nhạt quá. Đúng vậy, quá mờ nhạt mất rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.