Phải Trái Đúng Sai

CHƯƠNG 7: TRANH CÃI VỀ CHÍNH SÁCH CHỐNG KỲ THỊ



Cheryl Hopwood không xuất thân trong gia đình giàu có. Được một người mẹ đơn thân nuôi dưỡng, cô phấn đấu tốt nghiệp trung học, cao đẳng cộng đồng và Đại học bang California ở Sacramento. Sau đó cô chuyển tới tiểu bang Texas và nộp đơn vào Khoa Luật Đại học Texas – khoa luật tốt nhất tiểu bang và là một trong những khoa luật hàng đầu cả nước. Mặc dù có điểm trung bình là 3,8, làm khá tốt bài thi vào trường luật (có điểm so sánh[27] là 83)), nhưng Hopwood không trúng tuyển.
Cô gái da trắng Hopwood suy nghĩ mình trượt thật không công bằng. Một số thí sinh có điểm trung bình, điểm thi thấp hơn cô vẫn trúng tuyển chỉ vì họ là người Mỹ gốc Phi hay gốc Mexico. Nhà trường có chính sách chống kỳ thị ưu tiên cho các thí sinh nhóm thiểu số. Trên thực tế, tất cả thí sinh nhóm thiểu số có điểm thi xấp xỉ điểm thi của Hopwood đều trúng tuyển.
Hopwood kiện vụ này lên tòa án liên bang vì cho rằng mình bị phân biệt đối xử. Trường đại học phản bác rằng một phần sứ mệnh của khoa là tăng sự đa dạng về chủng tộc và dân tộc trong ngành luật ở Texas, không chỉ trong các công ty luật, mà còn ở các cơ quan lập pháp và tòa án tiểu bang. Michael Sharlot, trưởng Khoa Luật nói: “Luật pháp trong xã hội dân sự cực kỳ phụ thuộc vào việc xã hội sẵn sàng chấp nhận phán xét của tòa án. Sẽ khó đạt được điều đó hơn khi tất cả các nhóm chưa có đại diện trong các cơ quan thực thi công lý”. Ở tiểu bang Texas, người Mỹ gốc Phi và gốc Mexico chiếm tới 40% dân số, nhưng tỷ lệ làm việc trong ngành luật của nhóm này thấp hơn rất nhiều. Khi Hopwood nộp đơn, Khoa Luật Đại học Texas áp dụng chính sách tuyển sinh chống kỳ thị với mục tiêu có khoảng 15% lượng trúng tuyển là người nhóm thiểu số. Để đạt mục tiêu này, Đại học Texas đặt điểm chuẩn cho thí sinh nhóm thiểu số thấp hơn điểm chuẩn cho nhóm không phải thiểu số. Nhân viên trường đại học tranh luận: tất cả các sinh viên nhóm thiểu số trúng tuyển nói chung đủ khả năng làm việc, và hầu như sau khi tốt nghiệp, họ đều vượt qua kỳ thi vào luật sư đoàn. Nhưng đó chỉ là lời an ủi nhỏ với Hopwood, cô vẫn tin mình bị đối xử không công bằng, và lẽ ra phải trúng tuyển.
Vụ Hopwood kiện chính sách chống kỳ thị không phải vụ kiện đầu tiên kiểu thế, và cũng sẽ chẳng phải vụ cuối cùng. Trong hơn ba thập kỷ qua, tòa án đã vật lộn với các vấn đề hóc búa về mặt đạo lý và pháp lý mà chính sách chống kỳ thị đặt ra. Năm 1978, trong vụ Bakke, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ủng hộ (với tỷ lệ sít sao) chính sách tuyển sinh này tại Khoa Y, Đại học California tại Davis. Trong năm 2003, một phán quyết sít sao của Tòa án Tối cao cho phép sử dụng chủng tộc là một yếu tố xét tuyển trong vụ việc liên quan đến Khoa Luật, Đại học Michigan. Trong khi đó gần đây cử tri ở các tiểu bang California, Washington và Michigan kiến nghị bỏ phiếu chống việc tru đãi chủng tộc trong giáo dục và việc làm. Câu hỏi với tòa án là liệu chính sách chống kỳ thị trong tuyển dụng và tuyển sinh có vi phạm điều khoản bảo vệ quyền bình đẳng của hiến pháp Hoa Kỳ hay không? Nhưng chúng ta hãy để hiến pháp sang một bên để tập trung vào vấn đề đạo đức: Có bất công không khi đưa yếu tố chủng tộc và dân tộc vào quá trình tuyển dụng hay tuyển sinh?
Để trả lời, trước tiên cùng xem xét ba lý do ủng hộ chính sách chống kỳ thị chủng tộc và dân tộc: sửa chữa sự thiên lệch trong các bài thi chuẩn, bồi thường cho sai lầm trong quá khứ và thúc đẩy tính đa dạng.
Khắc phục sự thiên vị trong các bài kiểm tra
Một nguyên nhân để xét thêm yếu tố chủng tộc và dân tộc là để sửa chữa những yếu tố thiên vị khả dĩ trong các bài kiểm tra. Từ lâu khả năng dự báo mức độ thành công trong học tập và nghề nghiệp của bài kiểm tra SAT[28] và các dạng bài kiểm tra khác đã bị tranh cãi. Trong năm 1951, một ứng viên cho chương trình tiến sĩ tại Khoa Tôn giáo, Đại học Boston có điểm GRE[29] rất thường. Chàng thanh niên Martin Luther King, người sau này trở thành một trong những diễn giả vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đạt điểm dưới trung bình trong phần thi từ vựng. May mắn thay, ông đã trúng tuyển.
Một số nghiên cứu cho thấy nói chung trong các bài kiểm tra chuẩn hóa, sinh viên da đen và gốc Tây Ban Nha có điểm thấp hơn sinh viên da trắng, kể cả khi đã hiệu chỉnh bài thi cho phù hợp với giai tầng kinh tế. Nhưng bất kể nguyên nhân gây ra chênh lệch điểm kiểm tra, việc sử dụng bài kiểm tra tiêu chuẩn để dự báo mức độ thành công trong học thuật đòi hỏi phải xem xét điểm số này cùng với nền tảng gia đình, xã hội, văn hóa, và giáo dục của thí sinh. Một bài SAT 700 điểm của một học sinh học trường công nghèo ở khu South Bronx có ý nghĩa nhiều hơn so vài bài thi có cùng điểm số của một học sinh nhà giàu học ở trường tốt trong khu thượng lưu Upper East Side Manhattan. Tuy nhiên, việc xét điểm thi cùng với nền tảng chủng tộc, dân tộc và kinh tế của sinh viên không thách thức quan niệm trường cao đẳng và đại học nên nhận những sinh viên hứa hẹn nhất về mặt học thuật; đơn giản đây chỉ là một cố gắng xác định tiềm năng học thuật của cá nhân chính xác hơn.
Cuộc tranh luận về chống kỳ thị chủ yếu trên hai cơ sở sau: lập luận bù đắp và lập luận về sự đa dạng.
Bù đắp những sai lầm trong quá khứ
Lập luận bù đắp coi chính sách chống kỳ thị là phương thuốc cho những sai lầm trong quá khứ. Theo đó, sinh viên thiểu số cần được ưu tiên để bù đắp cho sự phân biệt đối xử trong quá khứ khiến giờ đây họ bị bất lợi một cách bất công. Lập luận này coi trúng tuyển như một lợi ích cho người nhận và tìm cách phân phối lợi ích này sao cho có thể bù đắp được sự bất công trong quá khứ và những ảnh hưởng dai dẳng của nó.
Nhưng lý lẽ bù đắp bị những người phê bình phản bác như sau: những người hưởng lợi không nhất thiết là những người đã từng chịu khổ đau, và những người trả tiền bù đắp ít khi là người chịu trách nhiệm về sai lầm cần được sửa chữa. Nhiều đối tượng hưởng lợi từ chính sách chống kỳ thị là sinh viên thiểu số nhưng ở tầng lớp trung lưu, không phải chịu hoàn cảnh đau khổ như thanh niên người Mỹ gốc Phi và gốc Latin sống tại khu ổ chuột. Tại sao một sinh viên người Mỹ gốc Phi sống ở khu ngoại ô giàu có Houston lại được ưu đãi hơn cô gái Cheryl Hopwood, người có lẽ thật sự khó khăn hơn về kinh tế?
Nếu trọng tâm là để giúp người bất lợi, các nhà phê bình cho rằng chính sách chống kỳ thị cần phải dựa trên tầng lớp, không phải chủng tộc. Và nếu ưu tiên chủng tộc được dùng để bù đắp cho sự bất công của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc trong quá khứ, làm sao có thể công bằng khi bắt những người như Hopwood, vốn chẳng liên quan gì đến sự bất công trong quá khứ ấy, phải gánh chịu?
Liệu lý lẽ bù đắp cho chính sách chống kỳ thị có thể phản bác lại ý kiến này hay không phụ thuộc vào khái niệm trách nhiệm tập thể phức tạp: về mặt đạo đức, chúng ta có trách nhiệm sửa chữa những sai lầm do thế hệ đi trước gây ra không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết thêm về cách phát sinh nghĩa vụ đạo đức. Chúng ta gánh vác nghĩa vụ chỉ với tư cách cá nhân hay phải gánh một vài nghĩa vụ với tư cách là thành viên các cộng đồng với những đặc tính lịch sử? Vì chúng ta sẽ đến với câu hỏi này trong phần sau cuốn sách, giờ hãy tạm đặt nó sang một bên và chuyển sang lý lẽ đa dạng.
Thúc đẩy sự đa dạng
Với lý lẽ đa dạng, chính sách chống kỳ thị không phụ thuộc vào khái niệm trách nhiệm tập thể gây tranh cãi. Và cũng không phụ thuộc vào việc chứng minh bản thân các sinh viên thiểu số được ưu tiên trong tuyển sinh đã bị phân biệt đối xử hay bị bất lợi. Trúng tuyển không được coi như phần thưởng cho người nhận mà là phương tiện nhằm đạt tới một mục đích xứng đáng về mặt xã hội.
Cơ sở về sự đa dạng là một lý lẽ nhân danh lợi ích chung – lợi ích chung của chính trường học và của cả xã hội. Đầu tiên, trường đại học mong muốn có được một cộng đồng sinh viên pha trộn nhiều chủng tộc bởi vì điều này cho phép sinh viên học hỏi từ nhau nhiều hơn so với khi tất cả sinh viên có cùng nền tảng. Do việc chỉ nhận sinh viên từ một vùng của đất nước sẽ làm giới hạn tiềm năng trí tuệ và văn hóa, nên đây là lý lẽ thứ nhất ủng hộ tính đa dạng về dân tộc, chủng tộc, và giai tầng. Thứ hai, lý lẽ đa dạng cho rằng việc giúp nhóm thiểu số bị bất lợi đảm nhận vị trí lãnh đạo trong những lĩnh vực công và ngành nghề sẽ thúc đẩy mục tiêu dân sự của trường dại học và đóng góp cho lợi ích chung.
Đa dạng là một trong những lý lẽ thường xuyên được các trường cao đẳng, đại học đưa ra, Khi phải đối mặt với vụ kiện của Hopwood, trường Khoa Luật Đại học Texas trích dẫn mục tiêu dân sự mà chính sách chống kỳ thị của khoa nhắm tới. Khoa Luật có một sứ mệnh là nâng cao sự đa dạng trong nghề luật ở Texas và cho phép người Mỹ gốc Phi và gốc Latin đảm nhận vai trò lãnh đạo trong chính quyền và giới luật gia. Ông cho biết nhờ biện pháp này, chương trình chống kỳ thị của khoa đã thành công: “Chúng tôi thấy sinh viên nhóm thiểu số tốt nghiệp từ khoa chúng tôi trở thành các quan chức được bầu, làm việc tại các công ty luật hàng đầu, trở thành nghị sỹ tiểu bang hay quan tòa liên bang. Trong phạm vi nào đó, người nhóm thiểu số làm việc trong các cơ quan quan trọng ở Texas thường là sinh viên cũ của chúng tôi”.
Khi Tòa án Tối cao Mỹ xử vụ Bakke, Đại học Harvard gửi một bản tóm tắt thân-hữu-của-tòa[30] bảo vệ chính sách chống kỳ thị trên quan điểm giáo dục. Nó nói rằng điểm trung bình và điểm thi đầu vào không bao giờ là tiêu chuẩn xét tuyển duy nhất. “Nếu thành tích học tập xuất sắc là tiêu chí duy nhất hoặc tiêu chí chiếm ưu thế, Đại học Harvard sẽ mất đi rất nhiều sức sống và trí tuệ xuất sắc… Vì thế chất lượng của các hoạt động giáo dục dành cho tất cả sinh viên sẽ giảm sút”. Trong quá khứ, đa dạng có nghĩa là “sinh viên đến từ California, New York và Massachusetts; thị dân và nông dân; nghệ sĩ violin, họa sĩ và cầu thủ bóng đá, nhà sinh học, sử gia và người nghiên cứu văn học cổ điển; người môi giới chứng khoán, các học giả và các chính trị gia tương lai”. Bây giờ, trường đại học cũng quan tâm đến sự đa dạng về chủng tộc và dân tộc.
Một cậu nông dân từ Idaho có thể mang tới Harvard điều gì đó mà một người Boston không thể đem đến. Tương tự, một sinh viên da đen có thể mang đến một điều gì đó mà sinh viên da trắng không thể mang đến. Chất lượng hoạt động giáo dục của tất cả các sinh viên ở Đại học Harvard phụ thuộc một phần vào những khác biệt trong nền tảng và vẻ bề ngoài của các sinh viên.
Các phản bác nhằm vào lý lẽ đa dạng đưa ra hai kiểu phản đối – một mang tính thực tế, một mang tính nguyên tắc. Phản đối mang tính thực tế nghi ngờ hiệu quả của chính sách chống kỳ thị. Việc ưu tiên theo chủng tộc sẽ không mang đến một xã hội đa nguyên hơn hay giảm thành kiến và bất bình đẳng mà hủy hoại lòng tự trọng của sinh viên nhóm thiểu số, làm gia tăng ý thức nhạy cảm về chủng tộc ở nhiều phía, làm căng thẳng mâu thuẫn chủng tộc, và khơi gợi nỗi oán giận trong những nhóm da trắng thiểu số cảm thấy họ cũng phải được ưu đãi. Phản đối kiểu này không cho rằng chính sách chống kỳ thị là bất công, mà cho rằng chính sách này lợi bất cập hại hoặc khó đạt mục tiêu.
Ưu tiên chủng tộc có vi phạm quyền?
Phản đối mang tính nguyên tắc cho rằng: mặc dù mục tiêu lớp học đa dạng hay một xã hội công bằng hơn là vô cùng tốt đẹp và chính sách, chống kỳ thị có thể rất thành công trong việc đạt được mục tiêu này, nhưng sử dụng chủng tộc hay dân tộc là yếu tế trong xét tuyển là không công bằng. Lý do: làm điều đó đã vi phạm quyền của những thí sinh như Cheryl Hopwood, những người bị đặt vào thế bất lợi trong cạnh tranh không do lỗi của bản thân.
Với thuyết vị lợi, phản đối này không có nhiều trọng lượng. Điều này phụ thuộc vào lợi ích về giáo dục và xã hội do chính sách này tạo ra có lớn hơn sự thất vọng do bị trượt của Hopwood và những thí sinh da trắng có điểm mấp mé điểm chuẩn không. Tuy nhiên, nhiều người đề xuất chính sách chống kỳ thị không theo thuyết vị lợi; họ là những người theo chủ nghĩa tự do dân chủ kiểu Kant hoặc kiểu Rawls vốn tin rằng ngay cả mục tiêu đáng thèm muốn cũng không thể bỏ qua quyền của cá nhân. Đối với họ, nếu việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh vi phạm quyền của Hopwood, thì làm như thế là bất công.
Ronald Divorkin, triết gia pháp lý hướng quyền, diễn giải phản đối này bằng cách lập luận coi việc sử dụng chủng tộc trong chính sách.chống kỳ thị không vi phạm quyền của bất cứ ai. Ông hỏi, Hopwood bị từ chối quyền gì? Có lẽ cô tin rằng mọi người có quyền không bị phán xét theo những yếu tố như chủng tộc – thứ mà họ không thể kiểm soát được. Nhưng hầu hết các tiêu chí tuyển sinh đại học truyền thống đều liên quan đến các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Không phải lỗi của tôi nếu tôi đến từ Massachusetts chứ không phải từ Idaho, hay rằng tôi là một người chơi bóng đá tệ hại, hoặc tôi không thể hát đúng giai điệu. Cũng không phải lỗi của tôi nếu tôi thiếu khả năng làm tốt bài thi SAT.
Có lẽ quyền bị đe dọa ở đây là quyền được đánh giá chỉ theo tiêu chí điểm thi – không xét có đá bóng tốt không, hoặc đến từ Idaho, hoặc đã tham gia tình nguyện trong bếp ăn cộng đồng không. Trên quan điểm này, nếu điểm trung bình, điểm thi và các kết quả học tập khác của tôi trong nhóm thí sinh đầu, thì tôi xứng đáng trúng tuyển. Nói cách khác tôi xứng đáng để được xét tuyển chỉ theo thành tích học tập của tôi.
Nhưng như Dworkin chỉ ra, không có quyền nào như thế. Một số trường đại học có thể nhận sinh viên hoàn toàn trên cơ sở thành tích học tập, nhưng hầu hết tà không. Các trường đại học xác định sứ mệnh theo những cách khác nhau. Dworkin lập luận không thí sinh nào có quyền cho rằng trường đại học phải xác định sứ mệnh của mình và thiết kế chính sách tuyển sinh theo cách đánh giá cao một tập hợp phẩm chất cụ thể nào đó – có thể là khả năng học tập, kỹ năng thể thao hoặc bất cứ điều gì khác. Khi trường đại học đã xác định sứ mệnh và thiết lập tiêu chuẩn tuyển sinh, bạn có kỳ vọng chính đáng để được trúng tuyển chừng nào bạn đáp ứng những tiêu chuẩn tốt hơn so với thí sinh khác.
Những người nằm trong nhóm ứng viên hàng đầu – xét theo thành tích học tập, tính đa dạng về dân tộc và địa lý, năng lực thể thao, các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng… – và như vậy họ được phép trúng tuyển, và sẽ không công bằng nếu đánh trượt họ. Nhưng không ai có quyền được xét tuyển theo tập hợp cụ thể các tiêu chí định trước.
Ở đây có một suy nghĩ sâu sắc phản bác lý lẽ đa dạng của chính sách chống kỳ thị: Trúng tuyển không phải vinh dự được trao cho ưu điểm hoặc giá trị nào đó. Về mặt đạo đức, cả sinh viên có điểm thi cao hay sinh viên từ nhóm thiểu số kém thế đều không xứng đáng trúng tuyển. Sự trúng tuyển của cô là chính đáng chừng nào điều này hướng tới mục đích xã hội mà trường đại học hướng tới; không phải vì tưởng thưởng cho sinh viên vì các ưu điểm hoặc giá trị được xác định một cách độc lập của cô. Ý của Dworkin là công bằng trong tuyển sinh không phải là vấn đề khen thưởng cho ưu điểm hay giá trị; chúng ta có thể biết được, đâu là cách tuyển sinh công bằng chỉ khi trường đại học xác định được sứ mệnh của mình. Sứ mệnh chứ không phải những thứ khác xác định các giá trị thích hợp. Lập luận của Dworkin về công bằng trong tuyển sinh đại học tương đồng với lập luận của Rawls về công bằng trong phân phối thu nhập: Đó không phải là vấn đề xứng đáng về mặt đạo đức.
Phân biệt chủng tộc và hạn ngạch bài Do Thái
Có phải điều này có nghĩa là trường cao đẳng, đại học được tự do xác định sứ mệnh của mình tùy thích, và bất kỳ chính sách tuyển sinh nào tuân theo sứ mệnh đó là công bằng? Nếu vậy thì các đại học phân biệt chủng tộc ở các bang miền Nam nước Mỹ cách dây không lâu thì sao? Khi điều đó xảy ra, Khoa Luật Đại học Texas nằm ở trung tâm của một vụ kiện vi phạm hiến pháp. Năm 1946, khi còn trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, khoa này không tuyển Heman Marion Sweatt với lý do khoa không tuyển người da đen. Quyết định này đã dẫn đến vụ kiện mang tính bước ngoặt ở Tòa án Tối cao, vụ Sweatt chống Painter (1950), một cú đòn vào tệ phân biệt chủng tộc trong giáo dục đại học.
Nhưng nếu cách kiểm nghiệm duy nhất tính công bằng của một chính sách tuyển sinh là xem nó có phù hợp với sứ mệnh của trường hay không, vậy thì lý lẽ Khoa luật Đại học Texas trình bày lúc đó đâu có gì sai? Sứ mệnh của khoa này là đào tạo luật sư cho các công ty luật Texas. Vì công ty luật Texas không thuê người da đen, nên khoa luật kết luận mình không cần tuyển người da đen.
Bạn có thể phản bác: Khoa Luật Đại học Texas là trường công, do đó cách lựa chọn sứ mệnh bị hạn chế hơn so với các đại học tư. Điều chắc chắn đúng là các vụ kiện đình đám liên quan đến chính sách chống kỳ thị tại đại học đều dính dáng đến các trường đại học công lập: Đại học California tai Davis (vụ Bakke), Đại học Texas (vụ Hopwood) và Đại học Michigan (vụ Grutter). Nhưng vì chúng tà đang cố gắng xác định xem yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh công bằng hay bất công – chứ không xét tính hợp pháp của nó – nên sụ khác biệt giữa trường công và trường tư không mang tính quyết định.
Các hiệp hội tư nhân cũng như tổ chức công có thể bị chỉ trích vì sự bất công. Hãy nhớ lại những cuộc biểu tình ngồi tại quầy ăn trưa phản đối kỳ thị chủng tộc ở các bang miền Nam khi còn phân biệt chủng tộc. Quầy ăn trưa là của tư nhân, nhưng hành động kỳ thị chủng tộc là bất công. (Trong thực tế, Đạo luật Dân Quyền ban hành năm 1964 quy định hành động phân biệt đối xử như thế là bất hợp pháp).
Hoặc xét một số đại học trong Liên đoàn Ivy[31] chính thức hay không chính thức áp đụng chính sách hạn ngạch bài Do Thái trong những năm 1920 và 1930. Phải chăng những hạn ngạch này chấp nhận được về mặt đạo đức chỉ đơn giản bởi vì đây là các trường đại học tư, không phải công lập? Năm 1922, chủ tịch Đại học Harvard, A. Lawrence Lowell, nhân danh việc muốn làm giảm tinh thần bài Do Thái đã đưa ra quy định người Do Thái chỉ được chiếm tối đa 12% lượng trúng tuyển, ông nói “cảm giác bài Do Thái trong sinh viên đang tăng và nó tăng theo số lượng người Do Thái”.
Trong những năm 1930, giám đốc tuyển sinh của Dartmouth đã viết cho các cựu sinh viên – những người than phiền về số lượng người Do Thái ngày càng tăng trong khuôn viên trường: “Tôi vui mừng khi bạn có ý kiến về vấn đề Do Thái. Tôi sẽ đau lòng khôn xiết nếu số lượng người Do Thái trúng tuyển lớn hơn hơn 5% hay 6% trong khóa 1938”. Trong năm 1945, chủ tịch Dartmouth giới hạn lượng người Do Thái nhập học bằng cách viện dẫn tới sứ mệnh của trường: “Dartmouth là trường Cơ đốc giáo, dành cho việc truyền bá Cơ đốc giáo đến các sinh viên”.
Nếu theo lý lẽ đa dạng của chính sách chống kỳ thị, giả sử trường đại học có thể thiết lập bất kỳ tiêu chí tuyển sinh nào hướng tới sứ mệnh đã xác định của mình, thì có thể lên án chính sách phân biệt chủng tộc và hạn ngạch bài Do Thái không? Liệu có sự phân biệt mang tính nguyên tắc trong việc sử dụng yếu tố chủng tộc để từ chối người thiểu số trong các tiểu bang phân biệt chủng tộc miền Nam ngày trước và việc ưu tiên nhận người thiểu số trong chính sách chống kỳ thị ngày nay? Câu trả lời rõ ràng nhất là trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, Khoa luật Đại học Texas sử dụng chủng tộc như một dấu hiệu hạ đẳng, trong khi ngày nay ưu tiên chủng tộc không xúc phạm hay kỳ thị ai. Hopwood xem việc từ chối không công bằng, nhưng cô không thể cho rằng điều này thể hiện sự thù hận và khinh thường.
Đó là câu trả lời của Dworkin. Trong thời kỳ phân biệt, từ chối theo chủng tộc phụ thuộc vào “ý tưởng ti tiện rằng một chủng tộc cao quý hơn một chủng tộc khác”, trong khi chính sách chống kỳ thị không liên quan gì đến thành kiến trên. Chỉ đơn giản khẳng định rằng: với tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự đa dạng trong các ngành nghề trọng điểm, da đen hoặc gốc Mỹ Latin “là một đặc điểm có lợi về mặt xã hội”.
Ứng viên bị trượt Hopwood không thể vừa lòng với sự khác biệt này, nhưng điều này không có ảnh hưởng đạo đức nhất định. Khoa Luật không nói Hopwood kém hơn sinh viên nhóm thiểu số trúng tuyển (không phải cô) xứng đáng có lợi thế mà cô không có. Đơn giản có thể nói rằng đa dạng chủng tộc và dân tộc trong lớp học và phòng xử án phục vụ mục đích giáo dục của khoa. Và trừ khi việc theo đuổi những mục đích đó vi phạm quyền của những người đánh mất cơ hội theo một cách nào đó, còn không thì ứng viên thất vọng không thể tuyên bố một cách hợp lý rằng họ đã bị đối xử bất công.
Chống kỳ thị cho người da trắng?
Dưới đây là một thử nghiệm cho lý lẽ đa dạng: đôi khi có thể biện minh cho việc ưu đãi chủng tộc đối với người da trắng được không? Ta hãy xem xét vụ Starrett City. Khu chung cư phức hợp ở Brooklyn, New York này chứa được hai mươi ngàn cư dân, là dự án nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình do liên bang tài trợ lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nó khai trương vào giữa những năm 1970 với mục tiêu trở thành cộng đồng đa chủng tộc. Mục tiêu này đạt được thông qua việc sử dụng biện pháp “kiểm soát phòng trống” vốn tìm cách cân bằng cơ cấu dân tộc và chủng tộc trong toàn cộng đồng, hạn chế dân số gốc Phi và gốc Mỹ Latin vào khoảng 40%. Nói ngắn gọn, nó sử dụng một hệ thống hạn ngạch. Hạn ngạch không dựa trên thành kiến hoặc sự khinh thường, mà dựa trên học thuyết “điểm bùng phát” [32] chủng tộc theo kinh nghiệm rút ra từ các khu ngoại ô. Người quản lý dự án muốn tránh các điểm bùng phát đã gây ra “sự rút chạy của người da trắng” trong khu chung cư và làm suy yếu tính đa dạng. Bằng cách duy trì cân bằng chủng lộc và dân tộc, họ hy vọng duy trì sự ổn định, đa dạng về chủng tộc trong khu chung cư.
Chính sách này khá tốt. Cộng đồng trở hên được ưa chuộng, nhiều gia đình muốn di chuyển vào, và Starrett City phải lập một danh mục chờ. Một phần do hệ thống hạn ngạch, giao ít căn hộ cho người gốc Phi hơn so với người da trắng, các gia đình da đen phải chờ đợi lâu hơn các gia đình da trắng. Đến giữa những năm 1980, một gia đình da trắng phải chờ 3-4 tháng để nhận căn hộ, trong khi một gia đình da đen phải chờ tới tận hai năm.
Ở đây, rõ ràng hệ thống hạn ngạch ưu tiên ứng viên da trắng – không vì thành kiến chủng tộc mà vì mục đích duy trì cộng đồng hỗn hợp. Một số ứng viên da đen thấy chính sách có ý thức chủng tộc này không công bằng, và kiện vì bị phân biệt đối xử. Tổ chức NAACP[33], ủng hộ việc chống kỳ thị trong các vụ việc khác, đại diện cho họ. Cuối cùng, hai bên đi đến một dàn xếp trong đó Starrett City giữ lại hệ thống hạn ngạch, nhưng yêu cầu tiểu bang mở rộng khả năng tiếp cận các dự án nhà ở cho nhóm thiểu số.
Liệu cách phân phối căn hộ có ý thức về mặt chủng tộc có bất công không? Không, nếu bạn chấp nhận lý lẽ đa dạng của chính sách chống kỳ thị. Đa dạng về chủng tộc và dân tộc có vai trò khác nhau trong dự án nhà ở và tuyển sinh đại học, và thứ bị đe dọa không giống nhau. Nhưng từ quan điểm công bằng, hai trường hợp này cùng tiến thoái với nhau. Nếu đa dạng đem lại lợi ích chung, và nếu không có ai bị phân biệt đối xử vì lòng căm thù và khinh miệt, thì ưu tiên chủng tộc không vi phạm quyền của bất kỳ ai. Sao lại không? Bởi vì theo quan điểm xứng đáng về mặt đạo đức của Rawls, không ai xứng đáng để được xét vào ở trong một căn hộ hay có được một chỗ ngồi trong giảng đường dựa trên giá trị được xác định độc lập của người đó. Điều có thể được coi là giá trị chỉ được xác định khi cơ quan quản lý nhà hay giới chức trường đại học xác định sứ mệnh của mình.
Có thể tách công lý khỏi sự xứng đáng về mặt đạo đức không?
Mặc dù hấp dẫn về mặt đạo đức nhưng việc không lấy sự xứng đáng về đạo đức làm cơ sở cho công lý phân phối vẫn gây cảm giác lo lắng. Hấp dẫn vì làm suy yếu giả định tự mãn, quen thuộc trong xã hội nhân tài rằng thành công là chiếc vương miện của giá trị, rằng người giàu được vậy là vì họ xứng đáng hơn người nghèo. Như Rawls nhắc chúng ta, “không ai xứng đáng vì năng lực trời cho của mình hay phần thưởng do có vị thế khởi đầu thuận lợi trong xã hội”. Cũng không thể tự kể công do được sống trong một xã hội tình cờ đánh giá cao thế mạnh của chúng ta. Đó là thước đo sự may mắn chứ không phải giá trị của chúng ta.
Điều còn băn khoăn trong việc tách công lý khỏi sự xứng đáng về mặt đạo đức là ở chỗ nó không dễ diễn tả. Niềm tin rằng công việc và cơ hội là phần thưởng cho những người xứng đáng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, có lẽ tại Hoa Kỳ còn sâu đậm hơn các xã hội khác. Các chính trị gia không ngừng tuyên bố rằng những người “làm việc chăm chỉ và chơi đúng luật” xứng đáng được thăng tiến, và động viên những người thực hiện giấc mơ Mỹ hãy coi thành công như sự phản ánh các giá trị của mình. Trong hoàn cảnh tốt nhất, niềm tin này thành một sự may mắn về nhiều mặt. Nhưng sự khăng khăng suy nghĩ này trở thành một chướng ngại vật để đoàn kết xã hội; càng coi thành công là của riêng, do chính mình tạo ra, chúng ta càng có ít trách nhiệm với những người rơi lại phía sau.
Có thể chính niềm tin sắt đá – rằng thành công nên được xem là phần thưởng cho giá trị – đơn giản chỉ là một sai lầm, một sự huyễn hoặc mà chúng ta nên cố gắng phá bỏ. Luận điểm của Rawls về tính ngẫu nhiên đạo đức của vận may khiến cho nó bị ngờ vực nhiều hơn. Tuy nhiên trên khía cạnh chính trị hay triết học, không thể tách Lập luận về công lý ra khỏi các cuộc tranh luận về sự xứng đáng một cách dứt khoát như Rawls và Dworkin đề nghị. Hãy để tôi cố gắng giải thích lý do tại sao.
Trước tiên, công lý thường có khía cạnh tôn vinh. Cuộc tranh luận về công lý phân phối không chỉ xem ai được gì mà còn xem những phẩm chất, giá trị nào xứng đáng được vinh danh và tưởng thưởng. Thứ hai, ý tưởng giá trị chỉ phát sinh khi các tổ chức xã hội xác định được sứ mệnh của mình gặp một rắc rối: các tổ chức xã hội nổi bật nhất trong các cuộc tranh luận về công lý – trường học, đại học, ngành nghề, cơ quan chính quyền – không được tự do xác định sứ mệnh của mình một cách tùy thích. Các tổ chức này được xác định, ít nhất một phần nào đó, bởi các mục tiêu tốt đẹp khác biệt họ hướng tới. Trong khi tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tranh cãi về sứ mệnh của một trường luật, của quân đội hay của một dàn nhạc, nó lại không phù hợp với tất cả các trường hợp. Một số mục tiêu tốt đẹp nhất định thích hợp với các tổ chức xã hội nhất định, và bỏ qua những mục tiêu này khi phân phối có thể là một kiểu tha hóa.
Ta có thể thấy cách công lý nhập nhằng với tôn vinh bằng cách nhớ lại trường hợp Hopwood. Giả sử Dworkin đúng khi cho rằng sự xứng đáng về mặt đạo đức chẳng liên quan gì đến ai trúng tuyển. Dưới đây là bức thư từ chối của Khoa Luật lẽ ra nên gửi đến Hopwood;
Kính thưa cô Hopwood,
Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng đơn xin nhập học của cô đã bị từ chối, xin hãy hiểu rằng chúng tôi không có ý làm cô buồn vì quyết định này. Chúng tôi không coi thường cô. Trên thực tế, chúng tôi thậm chí không xem cô ít xứng đáng hơn những người đã trúng tuyển. Cô không có lỗi khi tình cờ ở trong một xã hội không cần những phẩm chất của cô. Những người trúng tuyển không xứng đáng với vị trí đó, cũng không đáng được tưởng thưởng cho các yếu tố dẫn đến việc trúng tuyển của họ. Chúng tôi chỉ sử dụng họ – và cô – như một công cụ cho mục đích xã hội rộng lớn hơn.
Chúng tôi biết cô sẽ thấy tin này thật đáng thất vọng. Nhưng sự thất vọng của cô không nên được phóng đại bởi ý nghĩ sự từ chối theo cách nào đó phản ảnh giá trị nội tại của cô. Chúng tôi thông cảm rằng thật tệ là tình cờ cô đã không có những đặc điểm mà xã hội tình cờ cần khi cô nộp đơn dự tuyển. Chúc cô may mắn trong lần sau.
Trân trọng kính chào…
Và đây là thư chấp nhận, không còn ý nghĩa tôn vinh, mà một khoa luật trung thực về mặt triết lý nên gửi những người trúng tuyển:
Kính gửi người trúng tuyển,
Chúng tôi vui mừng thông báo rằng đơn xin nhập học của bạn đã được chấp nhận. Điều này chỉ ra rằng bạn tình cờ có những đặc điểm mà hiện tại xã hội cần, vì vậy chúng tôi đề xuất khai thác giá trị quý giá của bạn bằng cách nhận bạn vào học ở Khoa Luật.
Chúc mừng bạn, không phải vì bạn xứng đáng do có những phẩm chất dẫn đến việc trúng tuyển – bạn không xứng đáng; mà chỉ vì người chiến thắng trong một cuộc bốc thăm may rủi đáng được chúc mừng. Bạn may mắn có các đặc điểm phù hợp. Nếu bạn chấp nhận vào khoa chúng tôi, bạn cuối cùng sẽ được hưởng các lợi ích đi kèm. Vì thế, bạn có thể ăn mừng.
Bạn, hoặc nhiều khả năng là phụ huynh của bạn, có thể muốn ăn mừng vì sự trúng tuyển này phản ánh, nếu không phải thiên tư của bạn, thì ít nhất vì bạn đã nỗ lực không ngừng trau dồi khả năng của mình.
Nhưng quan điểm cho rằng bạn xứng đáng vì những giá trị cần thiết để có thể nỗ lực cũng có vấn đề không kém, vì giá trị này của bạn phụ thuộc vào hoàn cảnh may mắn mà bạn không thể tự kể công. Khái niệm xứng đáng không áp dụng ở đây.
Dù sao chúng tôi cũng mong muốn diện kiến bạn trong mùa thu tới.
Trân trọng kính chào…
Những lá thư như thế có thể làm giảm nỗi thất vọng của những người bị từ chối, và kiềm chế sự ngạo mạn của những người trúng tuyển. Vậy tại sao các trường tiếp tục gửi (và các ứng viên vẫn hy vọng) những lá thư tràn ngập lời lẽ chúc mừng, ca ngợi? Có lẽ bởi vì các trường đại học không thể hoàn toàn từ bỏ ý tưởng rằng vai trò của mình không chỉ hướng tới một vài mục tiêu nhất định mà còn để vinh danh và tưởng thưởng một số giá trị nhất định.
Tại sao không bán đấu giá tuyển sinh đại học?
Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi thứ hai về việc liệu trường cao đẳng và dại học có thể xác định sứ mệnh của mình tùy thích không. Đặt vấn đề ưu tiên dân tộc và chủng tộc sang một bên và xem xét một chính sách chống kỳ thị gây tranh cãi – cuộc tranh luận về “ưu đãi hậu duệ”. Nhiều trường ưu tiên cho con em cựu học sinh khi xét tuyển. Một lý do để làm việc đó là dần dần xây dựng cộng đồng và tinh thần của trường. Một hy vọng khác là các cựu sinh viên biết ơn sẽ hỗ trợ tài chính cho trường cũ một cách hào phóng.
Để cô lập lý do tài chính, xem xét điều các trường đại học gọi là “tuyển sinh vì sự phát triển” – ưu tiên các thí sinh không phải con em cựu sinh viên nhưng có gia đình giàu có, có thể đóng góp cho nhà trường một khoản tiền lớn. Nhiều trường đại học tuyển những sinh viên như thế ngay cả khi điểm tốt nghiệp và điểm thi vào của họ không cao – và nếu bình thường sẽ không trúng tuyển. Để đẩy ý tưởng này đến cực điểm, tưởng tượng một trường đại học quyết định bán đấu giá 10% số lượng tuyển sinh cho ai trả nhiều nhất.
Liệu hệ thống này có công bằng không? Nếu bạn tin rằng giá trị chỉ đơn giản là khả năng đóng góp, theo cách này hay cách khác, hỗ trợ trường đại học thực hiện sứ mệnh, câu trả lời là có. Dù sứ mệnh có là gì đi nữa, tất cả các trương đại học cần tiền để đạt được mục tiêu.
Bằng định nghĩa mở rộng của Dworkin về giá trị đáng được thưởng, một sinh viên xứng đáng được nhận vào trường vì món quà là một thư viện mới trị giá 10 triệu đô la – việc trúng tuyển này phục vụ cho lợi ích chung của nhà trường. Sinh viên – được nuôi dưỡng trong trại mồ côi -bị từ chối có thể phàn nàn rằng họ không được đối xử công bằng. Nhưng trả lời của Dworkin trong vụ Hopwood cũng có thể áp dụng cho họ. Công bằng chỉ đòi hỏi là không ai bị từ chối vì thành kiến và khinh thường, và rằng ứng viên được đánh giá theo các tiêu chí liên quan đến sứ mệnh mà trường đại học đặt ra cho bản thân. Trong trường hợp này, những điều kiện được thỏa mãn. Các sinh viên bị mất cơ hội không phải là nạn nhân của các thành kiến, mà chỉ không may mắn có được phụ huynh sẵn sàng tặng trường một thư viện mới.
Nhưng tiêu chuẩn này quá yếu. Nó vẫn có vẻ không công bằng khi các bậc cha mẹ giàu có có thể mua một suất học ở Liên đoàn Ivy cho con. Nhưng sự bất công nằm ở đâu? Nó không phải là thực tế ứng viên từ các gia đình nghèo hoặc tầng lớp trung lưu bị đặt vào thế bất lợi ngoài tầm kiểm soát của họ. Như Dworkin chỉ ra, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của họ là những yếu tố hợp pháp trong tuyển sinh.
Có lẽ cách đấu giá trên gây thương tổn cho tính liêm chính của trường đại học hơn cho cơ hội của các ứng viên. Bán vị trí cho người trả giá cao nhất phù hợp với một buổi nghe nhạc hoặc một sự kiện thể thao hơn với một cơ sở giáo dục. Cách phân bổ công bằng việc tiếp cận một mục tiêu tốt đẹp có thể có liên quan tới bản chất của điều tốt đẹp đó, với mục tiêu của nó. Các cuộc tranh luận chính sách chống kỳ thị phản ánh các quan niệm đối nghịch về việc đại học có mục đích gì: họ cần phải theo đuổi mục tiêu xuất sắc về học thuật đến mức độ nào, mục tiêu dân sự đến mức độ nào, và làm thế nào cân bằng được các mục tiêu này? Mặc dù giáo dục đại học còn có mục tiêu tốt đẹp là chuẩn bị cho sinh viên một nghề nghiệp thành công, mục đích chính không phải là thương mại. Vì thế đem bán giáo dục như thế chỉ đơn thuần là một món hàng tiêu dùng là một kiểu tha hóa.
Vậy thì, mục tiêu của trường đại học là gì? Harvard không phải là Wal-Mart, hoặc thậm chí Bloomingdales[34]. Mục tiêu không phải là để tối đa hóa doanh thu, mà để phục vụ lợi ích chung thông qua giảng dạy và nghiên cứu. Đúng là giảng dạy và nghiên cứu rất tốn kém, và đại học dành nhiều nỗ lực để gây quỹ. Nhưng khi mục tiêu kiếm tiền chi phối việc tuyển sinh, trường đại học đã lạc khỏi sứ mạng giáo dục và dân sự – lý do chính để trường đại học tồn tại.
Ý kiến cho rằng bất công trong phân bổ khả năng trúng tuyển vào trường đại học có liên quan tới những mục tiêu tốt đẹp mà trường đại học theo đuổi giải thích lý do tại sao bán suất trúng tuyển là bất công. Nó cũng giải thích lý do tại sao thật khó tách bạch vấn đề công lý và quyền với vấn đề tồn vinh và giá trị. Các trường đại học trao bằng danh dự để tôn vinh những người đã thể hiện các giá trị mà trường đại học mong muốn thúc đẩy. Tuy nhiên, theo khía cạnh nào đó, mỗi bằng đại học được trao đều là bằng danh dự.
Ràng buộc cuộc tranh luận về công lý với các lý lẽ về tôn vinh, giá trị, và ý nghĩa của những mục tiêu tốt đẹp có vẻ là một công thức dẫn đến sự bất đồng vô vọng. Mọi người có quan niệm khác nhau về tôn vinh và giá trị. Sứ mệnh đúng đắn của các tổ chức xã hội – cho dù là trường đại học, tập đoàn, quân đội, ngành nghề, hoặc cộng đồng chính trị nói chung – còn gây tranh cãi và khổ sở. Vì vậy thật hấp dẫn nếu tìm được một cơ sở cho công lý và quyền không dính dáng đến những tranh cãi đó.
Nhiều triết lý chính trị hiện đại cố gắng chỉ để làm điều đó. Như chúng ta thấy, triết lý của Kant và Rawls là những nỗ lực táo bạo để tìm một cơ sở cho công lý và quyền trung lập giữa các quan điểm về lối sống tốt đẹp cạnh tranh nhau. Bây giờ là lúc để xem dự án của họ thành công đến đâu.
Chú thích:
[27] Percendle: điểm so sánh hay điểm mức độ, là số phần trăm những người thấp điếm hơn người đó. Percentile của Hopwood trong trường hợp này là 83 có nghĩa là 83% số thí sinh trong kỳ thi này có điểm thấp hơn hoặc bằng Hopwood.
[28] Scholastic Aptitude Test – bài thi chuẩn hóa được sử dụng trong tuyển sinh đại học ở Mỹ.
[29] Graduate Record Examination – bài thi chuẩn hóa được sử dụng trong tuyển sinh sau đại học ở Mỹ.
[30] friend-of-the-court brief: quan điểm (thường dưới dạng các văn bản toát yếu ngắn) của một (hoặc nhóm) người, không phải là một bên trong một vụ kiện, đưa ra những ý kiến về việc nên quyết định vụ kiện như thế nào.
[31] Ivy League – nhóm 8 trường đại học (Đại học Brown, Colombia, Cornell, Dartmouth, Havard, Priceton, Pennsylvania và Yale) ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ có triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo đứng hàng đầu nước Mỹ
[32] Trong một cộng đồng, khi tỷ lệ người da đen dưới 40%, tỷ lệ này có xu hướng ổn định. Nhưng khi tỷ lệ này chạm ngưỡng 40%, nhiều người da trắng bỏ đi và tỷ lệ người da đen tăng lên, và xu hướng này không thể kìm hãm được.
[33] National Association for the Advancement of Colored People – tổ chức dân quyền của người Mỹ gốc Phi.
[34] Các hệ thống siêu thị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.