Phi hồ ngoại truyện

58. Viên Tử Y tường thuật chuyện xưa



Viên Tử Y hỏi:

– Đang lúc nửa đêm các vị còn đi đâu? Đại ca không thấy chiều trời biến đổi sắp mưa lớn rồi ư?

Nàng vừa dứt lời trời đổ mưa rào. Những hạt mưa lớn bằng hạt đậu trút xuống.

Hồ Phỉ tức giận đáp:

– Dù có phải ngủ nơi đầu đường xó chợ cũng còn hơn trú mưa tại dưới thềm nhà của tên gian tặc.

Chàng nói rồi không nghoảnh đầu lại rảo bước ra cửa. Trình Linh Tố lẽo đẽo theo sau.

Bỗng nghe Viên Tử Y ở phía sau hằn học hỏi:

– Phúc công tử là tên gian tặc, chết cũng đáng kiếp. Ta hận mình chẳng được chính tay mình đâm hắn mấy đao.

Hồ Phỉ nghe nói bỗng dừng bước, quay lại tức giận hỏi:

– Bây giờ cô nương lại nói mấy điều mát mẻ nhỉ?

Viên Tử Y đáp:

– Trong lòng tiểu muội còn oán hận Phụng Thiên Nam gấp trăm lần đại ca.

Nàng dừng lại một chút nghiến răng nói tiếp:

– Đại ca bất quá mới căm hờn hắn trong mấy tháng còn tiểu muội oán hận hắn suốt đời.

Mấy tiếng sau cùng âm thanh càng lộ vẻ nghẹn ngào.

Hồ Phỉ nghe nàng ra giọng bi thiết thực chứ không có ý trá ngụy, rất lấy làm kì hỏi:

– Đã vậy tại hạ giết hắn tam phen tứ thứ mà lần nào cô nương cũng giải cứu?

Viên Tử Y đáp:

– Chỉ có ba lần chứ không phải tam phen tứ thứ.

Hổ Phỉ nói:

– Phải rồi. Cô nương nói đúng. Tại sao cô lại cứu hắn?

Hai người đang nói chuyện, mưa rào như từng chậu nước đổ xuống khiến cả ba người áo quần ướt đẫm.

Viên Tử Y hỏi:

– Chẳng lẽ đại ca bắt tiểu muội đứng giữa trời mưa để giải thích tỉ mỉ chăng? Đại ca không sợ mưa nhưng lệnh muội tử, con người yếu ớt thế kia chẳng lẽ cũng không sợ?

Hồ Phỉ đáp:

– Được rồi. Chúng ta vào nhà nói chuyện.

Ba người liền vào thư phòng.

Tên thư đồng thắp đèn nến, bưng trà thơm lại rồi rón rén lui ra.

Trong căn phòng này cách trần thiết rất thanh nhã. Vách bên Đông đóng hai giá sách, đặt đầy đồ thư.

Xung quanh phòng đều có cửa sổ. Bóng trúc xanh lấp loáng, lại sực nứt mùi hoa thơm.

Trên tường mé Nam có treo một bức hoạ nữ sĩ đồ của Đổng Kì Xương, một bức đối viết lối hành thư của Chúc Chi Sơn, hai câu thơ của Bạch Lạc Thiên.

Hồng lạp chúc di khiêu diệp khởi.

Từ sa sam động thác chi lai.

Hồ Phỉ trong lòng mải ngẫm nghĩ về mấy câu nói kì quái của Viên Tử Y nên chẳng để tâm gì đến thư họa.

Trình Linh Tố lẩm nhẩm đọc hai câu đối, mắt ngó tới cây hồng chú trên bàn lại nhìn tấm áo Tử La mặc trên mình Viên Tử Y, bụng bảo dạ:

– Hai câu đối này là để tả cảnh bày ra trước mắt. Ta trà trộn vào đây chẳng thành ý nghĩa gì.

Cả ba người đều lẳng lặng không ai nói nửa lời. Mỗi người đều có tâm sự riêng.

Ngoài cửa sổ những hạt mưa vẫn đập xuống lá trúc lộp độp. Nhựa nến từ từ chảy xuống.

Trình Linh Tố cầm chiếc đũa bạc nhỏ bên cây đèn để gạt ngọn nến.

Trong nhà yên lặng như tờ.

Hồ Phỉ phiêu bạt giang hồ từ thuở nhỏ. Nay chàng bầu bạn với hai thiếu nữ diễm lệ, ngồi tựa chốn thư trai là lần thứ nhất trong đời chàng.

Sau một lúc lâu, Viên Tử Y nhìn những hạt mưa rơi ngoài cửa sổ, thủng thẳng lên tiếng:

– Mười chín năm trước cũng dưới trận mưa rào, lúc đêm khuya, tại Phật Sơn trấn tỉnh Quảng Đông, một người thiếu phụ đáng thương ôm một đứa con gái nhỏ đội mưa chạy trên đường.

Nàng thở dài nói tiếp:

– Thiếu phụ kia không biết đi về phương nào vì bị người ta đuổi không còn đường mà chạy. Bao nhiêu thân nhân của thiếu phụ đều bị người giết chết cả rồi. Thiếu phụ đã bị người ta ô nhục không chịu nổi. Nếu trong bụng không ôm một đứa tiểu hài nhi thì đã nhảy xuống sông tự tử rồi.

Nàng nghẹn ngào nói tiếp:

– Thiếu phụ họ Viên tên là Ngân Hoa. Cái tên nghe có vẻ quê mùa vì bà vốn là một cô gái ở chốn hương thôn khá đẹp. Tuy nước da ngăm ngăm đen nhưng mày thanh mắt sáng, dung nhan tươi tắn. Những tử đệ thanh niên ở trấn Phật Sơn đặt cho bà cái ngoại hiệu là Hắc Mẫu Đơn.

Bà sinh trưởng ở một gia đình chài lưới. Mỗi buổi sáng sớm bà gánh cá vào bán trong trấn Phật Sơn.

Môt hôm nhà đại tài chủ Phụng Thiên Nam làm rượu mời khách. Thế là trời nổi gió mưa bất trắc, người gặp họa phúc khôn lường. Vị đại cô nương đẹp như bông hoa tươi bị Phụng Thiên Nam ngó thấy. Trong nhà thê thiếp đầy đàn lão vẫn chưa thỏa mãn còn cưỡng bách ô nhục nàng.

Ngờ đâu cuộc nghiệp duyên này làm cho nàng mang thai. Phụ thân nàng đến lý luận lại bị ác nhân đánh đập. Lão ôm mối căm hờn về nhà bị bệnh liệt giường mấy tháng rồi qua đời.

Các bậc chú bác của Ngân Hoa lại bảo nàng đã làm chết phụ thân, không cho nàng mặc hiếu phục cũng không cho phục lạy trước quan tài. Họ còn bảo bỏ nàng vào lồng heo quẳng xuống sông.

Ngân Hoa bỏ trốn khỏi trấn Phật Sơn ngay đêm hôm ấy. Sau nàng sinh được đứa hài nhi. Hai mẹ con không có kế gì để sinh sống liền về thị trấn xin ăn. Những người ở thị trấn thương xót nàng đều chu cấp, ai cũng xì xầm bàn tán Phụng lão gia là con người ác liệt làm hại đời nàng. Chỉ vì sợ thế lực rất lớn của lão không ai dám nói thẳng vào mặt.

Trong bọn hàng cá ở thị trấn có một người thường nói chuyện với Ngân Hoa, lòng y ngấm ngầm thương yêu nàng. Y liền nhờ người mối lái lấy nàng làm vợ, đồng thời nhìn nhận cả đứa con của nàng làm con mình.

Ngân Hoa mừng quá. Sau mười mấy ngày, hai người làm lễ bái đường thành thân.

Ngờ đâu một tên thủ hạ của Phụng lão gia biết việc này liền mách lão.

Phụng lão gia nổi giận đùng đùng hỏi:

– Tên hàng cá nào lớn mật như vậy? Hắn dám lấy cả người đàn bà đã qua tay ta?

Lão liền phái mười mấy tên đồ đệ đến nhà hàng cá kia. Lúc này trong nhà đang có khách ngồi uống rượu mừng. Bọn thủ hạ đuổi khách ra về lại đập phá đồ đạc tan tành. Chúng còn đuổi người hàng cá ra khỏi trấn Phật Sơn không cho trở về nữa.

Hồ Phỉ nghe tới đây đập tay xuống bàn đánh “binh” một tiếng. Ngọn nến trên bàn bị chấn động suýt tắt. Chàng quát lớn:

– Tên gian tặc này độc ác đến thế là cùng!

Viên Tử Y liếc mắt ngó chàng, mặt đầy ngấn lệ nhìn ra ngoài cửa sổ.

Nàng nhẹ buông tiếng thở dài kể tiếp:

– Ngân Hoa đã thay đổi mặc áo tân nương liền ôm con gái rượt theo ra ngoài trấn Phật Sơn.

Đêm hôm ấy trời mưa tầm tã, hai mẹ con toàn thân ướt đẫm. Ngân Hoa chạy dưới trời mưa, thỉnh thoảng trượt chân té xuống.

Nàng chạy được chừng hơn mười dặm thấy trên đường lớn có người nằm dưới đất. Nàng tưởng là hán tử say rượu, vì lòng hảo tâm muốn đỡ hắn dậy.

Ngờ đâu nàng cúi xuống nhìn thấy người này mặt đầy những máu chết từ lâu rồi và chính là anh hàng cá đã cùng nàng bái đường thành thân. Nguyên Phụng lão gia sai người chờ ở ngoài thị trấn để giết y.

Ngân Hoa lòng đau như cắt, không muốn sống nữa. Nàng lấy tay móc đất thành cái huyệt chôn vùi trượug phu rồi toan nhảy xuống sông tự tử nhưng đứa con nhỏ trong lòng bật tiếng khóc rất đáng thương, nàng chẳng thể nhẫn tâm làm chết đứa con của mình sinh ra. Nếu nàng đứng nguyên chỗ hay đặt nó xuống bên đường giữa lúc trời mưa này thì nó cũng không sống được.

Ngân Hoa suy đi nghĩ lại, đoạn nàng nghiến răng bồng đứa nhỏ chạy về phía trước định bụng hãy nuôi cho nó khôn lớn rồi sẽ liệu.

Trình Linh Tố nghe tới đây không khỏi ngậm ngùi sa lệ. Cô thấy Viên Tử Y dừng lại không nói nữa liền hỏi:

– Viên tỉ tỉ! Về sau câu chuyện này ra làm sao?

Viên Tử Y lấy khăn lau nước mắt, mỉm cười đáp:

– Cô đã kêu ta bằng tỉ tỉ thì nên lấy thuốc giải cho ta uống được không?

Trình Linh Tố sắc mặt lợt lạt bỗng đỏ lên khẽ nói:

– Té ra tỉ tỉ đã biết rồi.

Cô rót được chung trà rồi dùng móng tay búng ra một chút thuốc màu vàng lợt bỏ vào trong chung trà.

Viên Tử Y nói:

– Trình gia muội tử lòng dạ rất tốt, đã chuẩn bị sẵn thuốc giải trong móng tay, thật là thần không hay quỷ không biết.

Nàng nói rồi bưng chung trà lên uống một hơi cạn sạch.

Trình Linh Tố nói:

– Thứ thuốc độc mà tỉ tỉ trúng phải bữa trước không phải là thuốc độc trí mạng. Có điều nó khiến cho tỉ tỉ mắc bệnh mấy tháng để khi Hồ đại ca giết Phụng Thiên Nam, tỉ tỉ chẳng thể ra tay cứu hắn được.

Viên Tử Y cười mát hỏi:

– Ta đã biết là trúng phải độc thủ của cô rồi nhưng cô hạ độc bằng cách nào thủy chung ta không nghĩ ra được. Sau khi tiến vào nhà ta không uống một hớp nước hay ăn một chút điểm tâm.

Hồ Phỉ nghe hai người đối thoại, trong lòng kinh hãi nghĩ thầm:

– Té ra Viên cô nương đã tận tâm đề phòng mà cũng mắc tay nhị muội.

Lại nghe Trình Linh Tố hỏi:

– Lúc Hồ đại ca đấu với tỉ tỉ ở ngoài tường, tiểu muội đã liệng một đơn đao cho đại ca. Có phải thế không? Trên thanh đơn đao này có một lớp độc phấn rất mỏng. Cây nhuyễn tiên của tỉ tỉ lúc chiến đấu bị dính độc phấn rồi dây vào tay tỉ tỉ. Chờ lát nữa phải đem đơn đao và nhuyễn tiên rửa vào chậu nước trong.

Viên Tử y và Hồ Phỉ nhìn nhau nghĩ bụng:

– Cách hạ độc vi diệu như vậy thật khiến người ta chẳng thể đề phòng cho xiết được.

Trình Linh Tố đứng lên khép nép thi lễ nói:

– Viên tỉ tỉ! Tiểu muội xin lỗi tỉ tỉ. Thực tình tiểu muội không biết bên trong còn những điều ngoắt ngoéo như vậy.

Viên Tử Y đứng lên đáp lễ nói:

– Muội muội bất tất phải khách khí. Họ Hồ muội muội động thủ còn lưu tình chưa hạ độc chết người.

Hai người nhìn nhau mà cười rồi lại nhìn xuống.

Hồ Phỉ ngập ngừng hỏi:

– Nếu vậy thì ra Phụng Thiên Nam là… là…

Viên Tử Y đáp:

– Đúng rồi. Ngân Hoa là má má của tiểu muội còn Phụng Thiên Nam là gia phụ. Tuy lão đưa mẹ con tiểu muội vào tình trạng thảm hại như vậy nhưng sư phụ dạy rằng “Con người không cha mẹ làm sao có mình được?”

Lúc tiểu muội bái biệt sư phụ để xuống Trung Nguyên, gia sư có dặn: “Phụ thân ngươi làm ác đã nhiều, kiếp này y tất bị thảm bại. Ngươi cứu mạng y ba lần cho hết mối tình phụ tử. Sau đó y đi đằng y, ngươi đi đằng ngươi, không liên can gì đến nhau nữa.” Hồ đại ca! Ở miếu Bắc Đế trấn Phật Sơn, tiểu muội đã cứu lão một lần. Đêm hôm ấy lại cứu lão lần thứ hai ở tòa phá miếu Đêm nay giải cứu lão lần chót. Về sau nếu còn chạm trán, tiểu muội cũng hạ sát lão để báo cừu tuyết hận cho người mẹ đau khổ đã quá cố.

Dứt lời nét mặt nghiêm trong, khóe mắt đầy vẻ phẫn nộ.

Trình Linh Tố hỏi:

– Lệnh đường cũng qua đời rồi ư?

Viên Tử Y đáp:

– Gia mẫu trốn ra khỏi trấn Phật Sơn đi ngược về phía Bắc ăn xin. Gia mẫu cho là rời khỏi trấn Phật Sơn xa chừng nào hay chừng ấy vĩnh viễn khỏi nhìn thấy mặt Phụng lão gia, vĩnh viễn không phải nghe đến tên ác lão nữa.

Nàng dừng lại một chút rồi tiếp:

– Gia mẫu trải qua mấy tháng trên bước đường lưu lạc, sau làm tôi tới nhà họ Thang ở phủ Nam Xương, tỉnh Giang Tây…

Hồ Phỉ “ủa” lên một tiếng ngắt lời:

– Thang gia ở phủ Nam Xương tỉnh Giang Tây có mối liên can gì với Thang đại hiệp ở vùng thất tỉnh không?

Viên Tử Y nghe nói đến Thang đại hiệp ở vùng thất tỉnh, nàng máy môi đáp:

– Gia mẫu chết ở phủ Thang… Thang đại hiệp. Sau khi gia mẫu qua đời được ba ngày, gia sư liền đón tiểu muội đưa tới Hồi Cương cho tới nay đã mười tám tuổi mới xuống Trung Nguyên.

Hồ Phỉ hỏi:

– Không hiểu tôn sư danh hiệu là gì? Viên cô nương hiểu biết được võ công các nhà các phái thì tôn sư tất là một bậc kì nhân hiếm có trên đời. Cả đến Miêu đại hiệp mang ngoại hiệu là Đả Biến Thiên Hạ Vô Địch Thủ bản lãnh cũng không được đến thế.

Viên Tử Y đáp:

– Danh húy của gia sư tạm thời chưa thể nói cho Hồ đại ca hay vì chưa được lão nhân gia ưng thuận. Xin đại ca lượng thứ cho.

Nàng dừng lại một chút rồi tiếp:

– Và danh tự của tiểu muội cũng không phải là tên thật. Chẳng bao lâu nữa Hồ đại ca và Trình muội tử sẽ rõ. Còn như vị Miêu đại hiệp nào đó thì khi tiểu muội ở Hồi Cương cũng đã nghe danh. Tại Hồng Hoa Hội, Vô Trần đạo trưởng không chịu phục định tới Trung Nguyên để tỉ thí với lão nhưng Triệu Bán Sơn tam thúc…

Nàng nói tới hai chữ “Tam thúc” nhìn Hồ Phỉ toét miệng cười ra điều bảo chàng:

– Đã cho đại ca chiếm phần tiện nghi rồi đó.

Nàng nói tiếp:

– Triệu Bán Sơn biết rõ gốc ngọn đã nói Miêu đại hiệp dùng cái ngoại hiệu này chẳng phải là khoe khoang thái quá mà vì chỗ đau lòng khác. Tiểu muội nghe nói vì lão muốn trả thù cha mà cố ý khiêu khích một tay cao thủ ẩn cư ở Liêu Đông đến kiếm lão. Về sau trên chốn giang hồ người ta đồn đại lão trả được thù cha rồi đã mấy lần tuyên bố không dám dùng danh hiệu kia nữa.

Lão nói “Ngoại hiệu đếch gì mà Đả Biến Thiên Hạ Vô Địch Thủ nghe chẳng lọt tai chút nào. Võ công của đại hiệp Hồ Nhất Đao so với ta còn cao cường hơn nhiều.”

Hồ Phỉ run lên nói:

– Miêu Nhân Phượng quả đã nói câu này ư?

Viên Tử Y đáp:

– Dĩ nhiên không phải chính tiểu muội được nghe lão nói mà là Triệu… Triệu Bán Sơn thốt ra.

Nàng dừng lại một chút rồi kể tiếp:

– Vô Trần đạo trưởng nghe thuyết này phấn khởi hùng tâm lại muốn đến tỉ thí với Hồ Nhất Đao nhưng sau không tìm được Hồ đại hiệp nên đành chịu bỏ.

Viên Tử Y hít một hơi chân khí nói tiếp:

– Năm trước Triệu Bán Sơn xuống Trung Nguyên gặp Hồ đại ca. Lão nhân gia trở về Hồ Cương ca ngợi đại ca anh hùng không hết lời. Nhưng khi ấy tiểu muội còn nhỏ tuổi, bọn họ nói gì cũng không hiểu. Lần này tiểu muội đông du, Văn tứ thẩm bảo tiểu muội cưỡi con ngưa trắng của mụ mà đi. Mụ cũng dặn nếu gặp chàng thiếu niên hào kiệt họ Hồ thì tặng con ngựa này cho chàng.

Hồ Phỉ lấy làm kì hỏi:

– Vị Văn tứ thẩm nào đó là ai? Lão nhân gia chưa từng quen biết tại hạ sao lại vui lòng tặng ngựa?

Viên Tử Y đáp:

– Văn tứ thẩm ngày trước là một nhân vật danh vọng rất lớn trên chốn giang hồ. Mụ là vợ của Bôn Lôi Thủ Văn Thái Lai tứ thúc. Mụ tên gọi Lạc Băng, người ta kêu bằng Uyên Ương Đao.

Nàng kể tới đây dừng lại. Hồ Phỉ nóng lòng nghe liền thúc giục nàng kể tiếp.

Viên Tử Y nói:

– Văn tứ thẩm nghe Triệu Bán Sơn thuật chuyện đại ca phá nhà thiết sảnh ở Thương Gia Bảo, lại nghe nói đại ca thích con ngựa trắng này, tứ thẩm liền oán trách y nói: “Tam ca! Đã có nhân vật như vậy sao tam ca không tặng ngựa cho chàng? Chẳng lẽ tam ca kết bạn với người thiếu niên anh hùng mà Lạc Băng này lại không kết giao được ư?”

Hồ Phỉ nghe xong mới biết rõ ngày ấy Viên Tử Y để thiếp lại trong khách điếm nói “Ngựa trả về cho chủ cũ” là vì thế.

Chàng sinh lòng cảm kích Lạc Băng, tự nhủ:

– Con bảo mã này ngàn vàng khó kiếm. Văn tứ thẩm nào đó cách xa muôn dặm chỉ nghe người ca ngợi đã đem vật sở ái tặng cho mình thật là tình cao nghĩa cả. Ta thật khó mà báo đáp được.

Chàng nói:

– Chắc Triệu tam ca vẫn bình yên. Sau khi xong mọi việc ở đây, tại hạ muốn đến Hồi Cương một chuyến, một là để bái phỏng Triệu tam ca, hai là bái kiến các vị anh hùng tiền bối.

Viên Tử Y đáp:

– Cái đó không cần. Bọn họ sắp đến đây cả.

Hồ Phỉ không nhịn được đứng phắt dậy. Chàng ngứa lòng ngứa dạ cơ hồ không chịu nổi.

Trình Linh Tố hiểu ý chàng liền nói:

– Tiểu muội đi lấy rượu cho đại ca.

Cô ra khỏi phòng dặn thư đồng đưa vào bảy, tám bình rượu.

Hồ Phỉ uống hết hai bình. Chàng nghĩ tới chẳng bao lâu nữa được cùng cách anh hùng tương kiến, nổi lòng hào khí, hỏi ngay:

– Bao giờ bọn Triệu tam ca sẽ tới đây?

Viên Tử Y trịnh trọng đáp:

– Hồ đại ca! Còn bốn ngày nữa là tiết Trung Thu và cũng là ngày đại hội các chưởng môn nhân trong thiên hạ. Phúc đại soái đã triệu tập cuộc đại hội này. Y làm đến chức Thái Tử Thái Bảo, Bình Bộ Thượng Thư, cai quản đại thần ở nội vụ phủ, nắm quyền binh mã cả nước. Những vị Hoàng thân quốc thích cũng thuộc quyền cai quản của y. Không hiểu sao y lại muốn kết giao với hào khách giang hồ?

Hồ Phỉ đáp:

– Tại hạ cũng đang suy nghĩ về vụ này. Chắc là hắn định quăng mẻ lưới quét hết anh hùng hảo hán trong thiên hạ cho Thanh Đình thu dụng cũng như dùng khoa cử công danh để lung lạc văn sĩ.

Viên Tử Y nói:

– Đúng rồi! Ngày trước Đường Thái Tông thấy sĩ kéo nhau đến trường thi đã nói một câu: “Bao nhiêu anh hùng thiên hạ đều chui vào trong ‘đó’ của ta”

Nàng lại hỏi:

– Phúc đại soái mở cuộc đại hội này dĩ nhiên cũng dùng công danh lợi lộc để nhử anh hùng thiên hạ. Nhưng hắn còn cái đau khác mà người ngoài không thể biết được. Phúc đại soái còn mời cả bọn Triệu Bán Sơn, Văn tứ thúc, Vô Trần đạo trưởng. Đại ca có biết vụ này không?

Hồ Phỉ vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, ngửa cổ lên uống cạn một bát rượu lớn rồi đáp:

– Thú quá! Thú quá! Tại hạ chưa được nghe qua. Vô Trần đạo trưởng, Văn tứ gia anh hùng như vậy thật khiến cho người ta phải khâm phục.

Viên Tử Y toét miệng cười nói:

– Cổ nhân dùng sách vở để hãm rượu. Đại ca lại lấy công việc khoan khoái của anh hùng hào kiệt mà nhắm rượu. Nếu nói hành vi của bọn Văn tứ thúc thì đại ca cuống cả ngàn chung cũng không biết say nhưng khiến cho đại ca nằm li bì ba ngày.

Hồ Phỉ rót rượu ra bát nói:

– Xin cô nương nói đi.

Viên Tử Y đáp:

– Vụ này khá dài không thể một lúc mà kể hết được. Đại khái bọn Văn tứ thúc biết rằng Phúc đại soái được đức Càn Long sủng ái nên mới bắt hắn để bức bách Hoàng đế trùng tu chùa Thiếu Lâm ở Phúc Kiến và hứa lời không gia hại Văn tứ thúc cùng bạn hữu của y ở rải rác các tỉnh mới buông tha hắn.

Lời chú của tác giả: Phúc Khang An là con tư sinh của Càn Long hoàng đế Muốn biết rõ các chi tiết về vụ Triệu Bán Sơn, Văn Thái Lai cùng các vị anh hùng bắt Phúc An Khang xin coi pho Thư Kiếm Ân Cừu Lục.

Hồ Phỉ vỗ đùi nói:

– Phúc An Khang bị cái nhục lớn đó nên chiêu tập các chưởng môn các nhà các phái võ lâm trong thiên hạ chắc là để quyết một trân sống mái với bọn Văn tứ gia phải không?

Viên Tử Y đáp:

– Đúng thế. Vụ này đại ca đoán được quá nửa. Cuối mùa đông đầu mùa thu năm nay, Phúc Khang An tiên liệu bọn Văn tứ thúc về đến Bắc Kinh nên triệu tập những hảo thủ võ lâm các nơi về trước. Mười năm qua sau khi bị đau khổ nhục nhã hắn mới biết binh mã thủ hạ của mình tuy nhiều nhưng không đủ để đối địch với hào kiệt võ lâm.

Hồ Phỉ vỗ tay cười nói:

– Cô nương đoạt chức chưởng môn của chín nhà té ra là để làm oai với bọn người đầu hàng hắn.

Viên Tử Y lại nói:

– Gia sư có mối giao tình rất sâu xa với bọn Văn tứ thúc. Còn tiểu muội chuyến này trở về Trung Nguyên là vì việc riêng của mình. Tiểu muội đến trấn Phật Sơn ở Quảng Đông trước tiên để coi xem Phụng lão gia là nhân vật thế nào? Không ngờ lại gặp cơ duyên cứu mạng lão ba lần mà còn dò hỏi được tin tức về cuộc đại hội chưởng môn nhân trong thiên hạ. Công việc chưa xong tiểu muội chẳng thể trở về Hồi Cương báo tin. Thế rồi chẳng sợ Hồ đại ca chê cười từ Nam lên Bắc tiểu muội đã gây náo loạn khiến Phúc Khang An biết rằng cuộc đại hội chưởng môn của hắn chưa chắc đã ăn thua gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.