Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 3 – Phần 2



Himmenxtôt đang có vẻ khoái chí. Hắn hát. Hắn đi qua chỗ chúng tôi, chẳng nghi ngờ gì cả. Chúng tôi cầm cái khăn trải giường, chúng tôi chồm ra, nhẹ nhàng, từ đằng sau, chụp cái khăn lên đầu Himmenxtôt, rồi túm chặt lấy phía dưới, thành thử hắn y như chui vào một cái bị trắng và không thể nào giơ tay lên được. Tiếng hát tắt.

Một lát sau, Hai Vethut chạy đến. Nó giơ tay gạt chúng tôi ra, giành lấy phần đầu tiên. Với vẻ khoái trá không thể tưởng tượng được, nó lấy kiểu đứng, vung cánh tay lên như cột tín hiệu, rồi quai bàn tay to như cái xẻng xúc than vào cái bị trắng một cú, tưởng đến bò cũng phải chết. Himmenxtôt chao người đi ngã văng ra đến năm thước và rống lên.

Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này. Chúng tôi đã mang theo một cái gối. Hai ngồi xổm, đặt cái gối lên đầu gối, rồi ghì đầu Himmenxtôt vào đấy. Những tiếng rống của Himmenxtôt tắt đi ngay. Thỉnh thoảng Hai cho hắn thở một tị, thế là những âm thanh khàn khàn hổn hển nổi lên, thay thế cho cái tiếng thét oai vệ sang sảng lúc này đã lịm đi dưới cái gối…

Jađơn bèn cởi dây đeo quần của Himmenxtôt rồi tụt quần hắn xuống. Đồng thời mồm nó cắn chặt một cái roi da. Rồi nó đứng dậy và bắt đầu hành sự.

Thật là một bức tranh tuyệt tác. Himmenxtôt nằm dài trên mặt đất; Hai cúi xuống, ghì chặt đầu hắn vào gối; mặt hắn nhăn nhó một cách quái quỷ, mồm há hốc ra vì khoái quá rồi cái quần đùi kẻ sọc giãy giụa, cùng với đôi chân bắt chéo chữ X, cứ mỗi nhát roi, lại biểu diễn những động tác rất độc đáo bên trong cái quần bị tụt xuống. Còn phía trên thì Jađơn không biết mỏi, cứ đánh như bổ củi. Sau chúng tôi phải lôi nó ra để chúng tôi cũng dự phần nữa chứ.

Cuối cùng Hai dựng Himmenxtôt dậy và trình diễn một kiểu đặc biệt, để kết thúc. Nó giơ bàn tay phải lên thật cao, tưởng chừng muốn tóm lấy một ngôi sao, chuẩn bị đánh một cái tát nảy đom đóm.

Himmenxtôt ngã khuỵu xuống. Hai lại dựng hắn dậy, lại lấy thế, dùng tay trái, bợp cho một cái nữa, không chê vào đâu được. Himmenxtôt rống lên và cắm đầu chạy miết. Cái mông kẻ sọc kiểu phu trạm của nó lấp lóe dưới ánh trăng.

Chúng tôi biến ngay tức khắc, Hai còn quay lại một lần nữa, nói giọng chua chát, thỏa mãn và hơi khó hiểu: “Sự trả thù chẳng qua là cái vòng lẩn quẩn…” Đúng ra Himmenxtôt nên bằng lòng mới phải, vì cái lí thuyết của hắn về sự người này phải giáo dục người kia đã mang lại những kết quả mà chính hắn được hưởng. Chúng tôi đã trở nên những môn đồ thông thái của hắn.

Không bao giờ hắn biết được người hắn đã phải mang ơn. Có điều là hắn được lãi cái khăn trải giường, vì mấy giờ sau, chúng tôi quay lại tìm thì không thấy nó nữa.

Chiến công tối hôm đó làm sáng hôm sau, chúng tôi lên đường có vẻ hùng dũng hơn. Chả thế mà một lão già đã gọi chúng tôi bằng một giọng rất cảm động là “tuổi trẻ anh hùng.”

Chúng tôi bị điều lên tiền tuyến, làm công sự.

Khi bóng tối vừa tỏa xuống, thì những chiếc xe vận tải bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi trèo lên xe.

Buổi chiều nóng hầm hập, bóng hoàng hôn như một tấm màn che khiến chúng tôi cảm thấy dễ chịu.

Nhờ thế chúng tôi gần gũi nhau hơn, cả đến anh chàng Jađơn bủn xỉn cũng tặng tôi một điếu thuốc lá và đánh diêm cho tôi.

Chúng tôi đứng chen chúc nhau, chật chội, chẳng ai ngồi được. Thật ra chúng tôi chẳng quen được thoải mái như vậy, lần đầu tiên, Muynlơ có vẻ phởn, nó đi đôi ủng mới.

Động cơ nổ giòn, xe chạy rầm rầm. Đường xấu, đầy những ổ gà. Không được phép bật đèn, chúng tôi bị xốc tưởng chừng ngã lộn nhào ra ngoài xe. Nhưng cái đó không làm chúng tôi lo quá đáng. Có gì xảy đến cho chúng tôi được? Gãy một tay còn hơn bị một lỗ thủng ở bụng. Nhiều người lại mong muốn cái dịp may hiếm có ấy để đảo về nhà một chuyến. Bên cạnh chúng tôi, một đoàn xe dài chở vũ khí chạy vội vã và luôn luôn vượt chúng tôi. Chúng tôi ném sang họ những lời đùa cợt và họ cũng trả lời.

Chúng tôi thấy một bức tường của một ngôi nhà cách xa đường. Đột nhiên, tôi vểnh tai lên. Có phải một sự nhầm lẫn không? Một lần nữa, tôi nghe rõ ràng tiếng ngỗng kêu càng cạc. Tôi nhìn Catdinxki, anh ta cũng nhìn trả lại ngay. Chúng tôi hiểu nhau quá.

– Cát, mình nghe tiếng một ông khách của cái chảo bọn mình đấy…

Anh ta gật gù và nói:

– Được thôi! Để lúc về. Tớ biết chỗ rồi.

Dĩ nhiên Cát biết đủ mọi chỗ. Chắc rằng bất kì dấu chân ngỗng nào trong vòng hai chục cây số anh ta cũng đều biết cả.

Đoàn xe đến những vị trí pháo binh. Các ụ pháo đều ngụy trang cành lá để che mắt tụi phi công.

Quang cảnh giống như ngày hội Tiết mao(l) của quân đội. Những vòm cây đó có vẻ vui mắt và hiền lành biết bao nếu kẻ trú ngụ không phải là những khẩu đại bác.

Không khí nặng trĩu khói súng và sương mù.

Người ta cảm thấy vị đắng của thuốc súng trên đầu lưỡi. Những viên đạn khởi hành nổ rung cả xe chúng tôi, tiếng vọng lan xa ầm ầm. Mọi vật đều nghiêng ngả. Nét mặt chúng tôi tự nhiên biến sắc.

Tất nhiên, chúng tôi không lên tới những chiến hào của tuyến thứ nhất, mà chỉ đến khu vực làm công sự thôi, nhưng trên mỗi gương mặt chúng tôi, người ta có thể đọc được những ý nghĩ: “Đây là mặt trận, chúng mình đã vào khu vực mặt trận.”

Tuy vậy, không phải là một sự khiếp sợ. Khi đã lên tuyến thứ nhất nhiều lần như bọn tôi, thì người ta đâm lì ra. Chỉ có bọn tân binh mới hốt. Cát dẫn dụ cho họ: “Quả 305 đấy. Cứ nghe tiếng nổ lúc bắn đi thì biết. Các cậu nghe nó rơi xuống ngay bây giờ đấy?” Những tiếng nổ ù tai của những “quả đến” không lọt được đến tận đây. Nó bị lẫn trong muôn nghìn tiếng ồn ào của mặt trận. Cát lắng tai rồi nói: “Đêm nay là giã nhau kịch liệt đấy.”

Chúng tôi đều lắng nghe. Mặt trận đang rung chuyển. Cốp nói quân nhà Tôm(2) bắn đấy. Nghe rõ tiếng bắn. Đó là pháo binh của quân Anh bố trí ở bên phải khu vực chúng tôi. Chúng nã sớm hơn lệ thường một giờ. Phía chúng tôi bao giờ cũng đúng mười giờ mới bắn.

– Chúng nó làm sao thết? – Muynlơ kêu lên.

– Chắc đồng hồ chúng nó nhanh.

– Thì đã bảo sắp giã nhau kịch liệt mà. Tớ cảm thấy rõ rệt như vậy. – Cát vừa nói vừa rụt cổ lại.

Cạnh chúng tôi, ba quả đại bác bắn đi, gầm lên. Tia lửa xuyên chéo qua đám sương mù, trọng pháo gầm gừ quát tháo, chúng tôi rùng mình và lấy làm sung sướng là sáng sớm mai lại được trở về lán trú quân.

Nét mặt chúng tôi không tái cũng không đỏ hơn lúc thường, cũng không căng thẳng, cũng không bình thản hơn, nhưng lại khác hẳn. Chúng tôi cảm thấy một luồng điện chạy trong mạch máu. Đó không phải chỉ là một cách nói. Đó là một sự thật. Đây là một mặt trận, chính cái ý thức đang ở mặt trận bật lên luồng điện ấy. Khi những quả đại bác đầu tiên rít lên, khi những viên đạn bắn đi xé không khí, thì đột nhiên trong mạch máu chúng tôi, nhen lên một sự chờ đợi ấm ức, một kiểu giữ miếng, một sự nhức nhối mãnh liệt nhất của cơ thể, một sự tinh tế đặc biệt của giác quan. Con người đột nhiên sẵn sàng hành động.

Nhiều lúc, tôi tưởng như không khí bị xô đẩy và rung động đã chồm lên chúng tôi với đôi cánh im lặng. Tôi lại có cảm tưởng rằng chính trận địa lóe ra một luồng điện, đang kích động trong tôi những sợi dây thần kinh mới lạ.

Lần nào cũng vậy. Khi ra đi chúng tôi chỉ là những anh lính tầm thường, nhăn nhó hoặc hớn hở.

Nhưng khi đến những vị trí pháo binh đầu tiên, thì mỗi tiếng chúng tôi nói ra, lại có một giọng khác hẳn… Khi Cát đứng trước dãy lán cho quân về nghỉ mà nói: “Sắp giã nhau kịch liệt”, thì đó chỉ là ý kiến riêng của anh ta, thế thôi, nhưng ở đây, khi anh ta nói thế, thì câu nói có cả sự sắc bén của một lưỡi lê dưới ánh trăng. Nó xuyên qua tư tưởng chúng tôi một cách mãnh liệt; câu nói ấy gần gũi chúng tôi hơn và khêu gợi trong tiềm thức chúng tôi một ý nghĩ thầm kín: “Phải chăng cái sinh mệnh quý báu nhất và thầm kín nhất của chúng tôi đang rung lên, đang chồm lên để tự vệ.”

Đối với tôi mặt trận là một cơn lốc quái gở. Khi còn ở xa trung tâm, trong dòng nước phẳng lặng, người ta đã cảm thấy cái sức hút nó lôi kéo anh, thong thả, không thoát khỏi, không cưỡng nổi. Nhưng có những lực lượng phòng thủ, từ mặt đất, từ không trung đến với chúng tôi, nhất là từ đất. Đất, đất đối với người lính quan trọng hơn đối với bất cứ người nào. Khi người lính ghì lấy đất thật lâu, thật mạnh, khi người lính vục sâu mặt mình, chân tay mình xuống đất, trong những giờ phút khủng khiếp chết người của lửa đạn, thì lúc ấy đất là người bạn duy nhất, là người anh em, là bà mẹ của anh ta. Sự khiếp sợ và những tiếng kêu la rền rĩ của anh ta nổi lên trong im lặng, trong nơi ẩn náu: đất đón lấy chúng và lại để anh ta chạy, sống thêm mười giây khác, rồi đất lại ôm lấy anh ta và có khi là ôm vĩnh viễn.

Ôi đất! Đất! Đất! Ôi đất! Với những chỗ nhấp nhô của đất, với những lỗ, những hang hốc, nơi người ta có thể nằm dán xuống và ngồi nép mình, ôi đất! Trong những giờ phút quằn quại kinh khủng trong những cơn tàn phá như thác đổ sóng trào, trong tiếng gầm rống chết chóc của muôn ngàn tiếng nổ, chính đất đã mang đến cho chúng tôi cái dòng nước ngược của cuộc đời được cứu thoát. Giữa những lúc đang đảo điên cuồng loạn thì cuộc sống tơi bời của chúng tôi gặp được một nguồn khí lực hồi sinh chuyển từ đất đến tay chúng tôi: nhờ đó, sau khi thoát chết, chúng tôi đã sục sạo trong lòng đất và tràn ngập niềm hạnh phúc âm thầm và hồi hộp được sống sót trong phút này, chúng tôi đã cắn vào đất đến ngập cả đôi môi…

Nghe tiếng gầm đầu tiên của trọng pháo, một phần con người chúng tôi như đột nhiên bị kéo lùi lại hàng ngũ ngàn năm về trước. Đó là bản năng của con vật thức dậy trong chúng tôi, dẫn dắt và che chở chúng tôi. Nó không có ý thức, nó nhanh hơn, vững hơn lương tri sáng suốt rất nhiều, không ai cắt nghĩa được hiện tượng ấy. Này đây, người ta đang đi chẳng nghĩ gì, thình lình người ta nằm rạp xuống một hố đất, trong khi trên đầu, những mảnh đạn đại bác tóe ra, thế mà không tài nào nhớ được là mình đã nghe thấy tiếng đạn đến và nghĩ đến chuyện lao mình xuống đất. Nếu có chờ đợi để làm cái việc ấy, thì bây giờ người ta chỉ còn là một đống thịt vương vãi tứ tung. Chính cái yếu tố khác ấy, cái giác quan tinh tế ấy đã hất người ta xuống đất và không hiểu sao đã cứu người ta thoát chết. Nếu không thế thì từ lâu, từ miền Flăngđrơ đến núi Vô giơ, chẳng một người nào còn sống sót. Khi ra đi, chúng tôi chỉ là những anh lính tầm thường, nhăn nhó hoặc hớn hở, nhưng khi chúng tôi đến địa đầu mặt trận, chúng tôi trở nên những thứ nửa người nửa ngợm.

Chúng tôi tiến vào một khu rừng nhỏ. Chúng tôi đi qua những “khẩu đại bác đậu hầm.” Chúng tôi xuống xe ở phía sau khu rừng. Đoàn xe trở về; tờ mờ sáng mai, chúng sẽ lộn lại đón bọn tôi.

Sương mù và khói đại bác phủ đầy cánh đồng cỏ, ngập đến tận ngực. Phía trên, mặt tráng chiếu sáng.

Trên đường, quân lính đi rầm rập; những chiếc mũ sắt lóe dưới ánh trăng những tia sáng đục. Đầu người và mũi súng nhô lên khỏi lớp sương mù bàng bạc, đầu người lắc lư và mũi súng lập lòe.

Xa hơn một chút, không còn sương mù nữa, ở đó đầu người kéo dài thành những cái bóng trọn vẹn: những bộ quân phục, những cái quần, những đôi ủng lòi ra khỏi sương mù như khỏi một cái ao sữa. Họ đi thành hàng. Hàng người tiến thẳng về phía trước.

Bóng người lẫn vào nhau, cả khối giống như một cái nêm; người ta không nhận ra người nữa; đó chỉ là một cái nêm màu tối sầm, thong thả tiến đến và kì dị hơn lại thêm những đầu người, những khẩu súng như bơi ra khỏi cái ao sương mù. Một hàng người, nhưng không phải là những con người.

Những khẩu đại bác hạng nhẹ và những cỗ xe chở đạn chạy trên một con đường xuyên ngang. Lưng ngựa lấp loáng dưới ánh trăng, động tác của chúng thật đẹp mắt, đầu chúng vươn cao, mắt như nẩy lửa.

Những khẩu đại bác và những cỗ xe lướt trên cái nền mờ nhạt của bức vẽ đêm trăng, những lính kị mã đội mũ sắt, có vẻ như những kị sĩ thời xưa; về một mặt nào đó thật là đẹp và xúc cảm.

Chúng tôi đến khu vực công binh. Tốp này vác những cọc sắt nhọn và cong, tốp kia xốc những thanh sắt xuyên qua những cuộn dây thép gai, rồi vác đi.

Những của ấy thật cồng kềnh và nặng nề.

Mặt đất lúc này đầy những vết nứt toác.

Từ đầu hàng người ta chuyền xuống: “Coi chừng! Bên trái có hố đại bác sâu đấy!…” Mắt chúng tôi căng ra để nhìn cho rõ; đôi chân và chiếc gậy dò dẫm mặt đường trước khi đón lấy sức nặng của toàn thân. Bất thình lình hàng người dừng lại. Chút nữa thì vấp phải dây thép gai của người đằng trước, thế là lại có tiếng văng tục.

Mấy chiếc xe vận tải bị đại bác phá hủy chắn ngang đường, lệnh mới: “Tắt thuốc lá và tẩu đi.” Chúng tôi đã đến sát các chiến hào.

Trong lúc ấy bốn bề tối om. Chúng tôi lượn quanh một cánh rừng nhỏ, và kìa. trước mặt chúng tôi là hỏa tuyến thứ nhất.

Một luồng sáng đỏ nhạt và mờ ảo chạy suốt phía chân trời. Luồng ánh sáng ấy luôn luôn chuyển động, bị những ánh chớp lóe ra từ trọng pháo xuyên qua.

Những pháo hiệu như những quả cầu đỏ rực, lấp lánh ánh bạc, vọt lên trên tất cả, nổ tung ra rồi rơi xuống thành một trận mưa ngàn vạn ngôi sao xanh, đỏ, trắng. Pháo hiệu của quân Pháp bay vút lên, mở ra trong không trung chiếc dù lụa rồi từ từ rơi xuống đất. Chúng sáng như ban ngày, ánh sáng của chúng chiếu đến tận chỗ chúng tôi và chúng tôi nhìn thấy rõ bóng chúng tôi trên mặt đất. Chúng bay là là mấy phút rồi mới tắt. Tiếp luôn đó, những loại pháo hiệu khác, vọt lên khắp nơi, rồi thỉnh thoảng lại có những chiếc màu xanh, màu đỏ, màu lơ.

– Đểu thật, – Cát nói.

Cơn bão táp của trọng pháo mỗi lúc một dữ dội, đến nỗi nó trở thành một tiếng gầm thét duy nhất, ù tai, rồi sau nó lại tách ra thành từng loạt kế tiếp nhau. Từng tràng súng máy khô khan, nổ giòn giã trên đầu chúng tôi. Không khí tràn ngập những đợt xô đẩy vô hình những tiếng rống, những tiếng rít, những tiếng rì rào, đó là những quả đại bác cỡ nhỏ.

Nhưng thỉnh thoảng, xuyên qua màn đêm, nổi lên giọng trầm hùng của những thùng than, những đạn của pháo binh hạng nặng, lao xuống tít đằng xa phía sau chúng tôi. Giọng chúng khàn khàn, xa vời, gào lên như bầy hươu động cỡn. Luồng đạn của chúng vượt lên trên hẳn những tiếng gầm rít của đại bác hạng nhẹ.

Đèn chiếu bắt đầu sục sạo bầu trời tối đen.

Những tia sáng kéo dài, giống như những cái thước kẻ khổng lồ hình búp sợi. Đây, một luồng sáng dừng hẳn lại và chỉ hơi rung rinh tí chút. Lập tức một luồng khác bắt chéo vào; người ta thấy giữa hai luồng ấy, một con bọ đen đang cố tẩu thoát: chiếc máy bay. Đường bay của nó trở nên loạng choạng, nó bị quáng mắt và nó lảo đảo.

Chúng tôi đóng thật chắc những cọc sắt thành từng khoảng đều nhau. Bao giờ cũng có hai người giữ cái trục, còn những người khác thì rải dây thép gai, cái thứ dây ghê người với đám gai góc dài nhọn, cái nọ xen vào cái kia. Tôi không thạo công việc này, nên bị rách nát cả bàn tay.

Sau vài giờ chúng tôi xong việc. Nhưng còn lâu ô tô mới đến. Phần đông bọn tôi nằm lăn ra đất và đánh luôn một giấc. Tôi cũng định bụng ngủ. Lạnh quá. Chúng tôi nhận ra là mình đang ở gần vùng bể và cứ bị thức giấc luôn vì lạnh.

Nhưng cuối cùng tôi cũng ngủ thực sự. Đột nhiên tôi chồm dậy, không biết mình đang ở đâu nữa, tôi nhìn thấy sao, tôi nhìn thấy hỏa pháo và trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác như mình đang ngủ trong một khu vườn, giữa lúc có hội. Tôi cũng chẳng biết lúc ấy là sáng hay là chiều nữa. Tôi nằm trong chiếc nôi xanh nhợt của buổi hoàng hôn và chờ đợi những lời ngọt ngào tất nhiên sẽ đến, những lời êm dịu và ấm lòng, có phải tôi khóc không? Tôi đưa tay lên mắt, lạ quá, tôi là một đứa trẻ hay sao? Chỉ có làn da mềm mại. Cái đó chỉ thoáng qua trong giây lát rồi tôi nhận thấy bóng dáng Catdinxki. Anh lính già đang ngồi thanh thản, mồm ngậm cái tẩu, dĩ nhiên là tẩu có nắp. Khi thấy tôi thức giấc anh ta bảo: “Cậu vừa giật mình đấy. Đó chỉ là tiếng rít của một cái pháo hiệu rơi xuống bụi rậm thôi.”

Tôi nhỏm dậy, tôi cảm thấy cô đơn một cách lạ lùng. Có Cát ngồi đó, thật là tốt quá. Anh ta trầm ngâm nhìn về phía trận địa và nói: “Một cảnh pháo hoa tuyệt đẹp, chỉ tiếc rằng nó nguy hiểm quá thôi.”

Một quả đại bác rơi xuống phía sau chúng tôi. Bọn tân binh sợ run lên. Vài phút sau lại một quả nữa nổ. Lần này gần chúng tôi hơn. Cát vỗ cái tẩu: “Sắp kịch liệt đây.” Thế là bắt đầu. Chúng tôi đánh bài chuồn, ra sức bò thật nhanh. Quả tiếp theo rơi ngay giữa bọn chúng tôi. Vài tiếng kêu nổi lên. Phía chân trời vọt lên những quả pháo xanh. Bùn tóe lên rất cao. Mảnh đạn kêu vo vo. Người ta nghe thấy tiếng mảnh đạn quật xuống đất rào rào một lúc khá lâu sau khi viên đạn nổ.

Một cậu lính mới tóc vàng hoe, khiếp đảm nằm dài cạnh bọn tôi. Cu cậu gục mặt vào lòng bàn tay, cái mũ văng ra một nơi, tôi nhặt mũ và định đặt lên đầu cậu ta. Cậu ta ngước mắt lên, đẩy cái mũ ra, rồi cứ thế rúc đầu vào nách tôi áp đầu vào ngực tôi y như một đứa trẻ con. Đôi vai gầy của cu cậu run bắn lên. Đôi vai giống hệt vai Kemơrich trước đây.

Tôi cứ mặc hắn, nhưng muốn cho cái mũ sắt cũng có tí chút tác dụng tôi bèn đặt nó lên mông đít cu cậu không phải để đùa, vì đó là chỗ nhô lên cao nhất của người hắn. Đành rằng ở đó có một tảng thịt đầy nhưng bị đạn vào đó thì đau khiếp lắm. Hơn nữa ở bệnh viện lại phải nằm sấp hàng tháng liền, rồi sau thường bị thọt. Một quả đại bác đâu đó rơi xuống giữa đám đông.

Tiếng kêu thét nổi lên giữa những tiếng nổ liên tiếp. Cuối cùng yên tĩnh trở lại. Trận pháo kích đã chuyển sang mục tiêu xa hơn và bây giờ nó nhằm những vị trí hậu bị cuối cùng. Chúng tôi đưa mắt nhìn quanh. Những pháo hiệu màu đỏ lấp lánh trên nền trời. Chắc hẳn sắp có một đợt xuất kích.

Bên phía chúng tôi mọi vật đều im lặng. Tôi nhỏm dậy vỗ vai anh lính trẻ: “Xong rồi, chú lỏi, may đấy nhé.” Cu cậu nhìn quanh ngơ ngác. Tôi nói cốt cho hắn yên tâm: “Rồi cậu cũng sẽ quen thôi.” Hắn trông thấy cái mũ sắt liền chụp lên đầu. Dần dần hắn hoàn hồn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.