Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 3 – Phần 3



Đột nhiên cu cậu đỏ mặt, dáng điệu bối rối. Hắn cẩn thận đưa bàn tay ra đằng sau, và nhìn tôi một cách đau đớn. Tôi hiểu ngay: bệnh “đau bụng súng.” Thật ra không phải vì thế mà tôi đặt cái mũ vào đít hắn, nhưng tôi vẫn an ủi hắn: “Chẳng việc gì mà xấu hổ cả, khối thằng to hơn cậu, ra trận lần đầu còn bĩnh ra đầy quần cơ. Chạy đến sau bụi cây kia, rồi cởi quần ra. Hiểu chưa?…” Hắn chạy đi. Sự yên tĩnh càng tăng thêm, nhưng những tiếng gào rú vẫn không dứt. Tôi hỏi An be:

– Cái gì thế?

– Ở đằng kia, mấy đơn vị bị giã tơi bời.

Những tiếng kêu gào vẫn tiếp tục. Người không tài nào kêu gào khủng khiếp đến thế được. Cát bảo: “Ngựa bị thương đấy!”

Tôi chưa bao giờ nghe ngựa kêu rên nên khó mà tin được. Thật là tất cả sự khốn khổ trên đời. Đó là kiếp sinh linh bị giày xéo, một nỗi đau đớn man rợ, khủng khiếp đang gào thét. Chúng tôi tái mặt đi. Đêtơrich chồm lên: “Mẹ kiếp! Kết liễu chúng đi thôi chứ!” Nó là nông dân, nó hiểu biết về ngựa. Điều đó quan hệ mật thiết đến nó. Thế rồi như được sắp đặt từ trước, trận pháo kích lúc này hình như ngừng hẳn. Tiếng kêu gào của những con vật lại càng rõ hơn. Giữa cảnh vật màu trắng bạc rất yên tĩnh này, không hiểu cái tiếng kêu kia từ phía nào vọng đến nữa; sự vật thật vô hình, ma quái. Khắp nơi, giữa vòm trời và mặt đất, những tiếng kêu gào ấy lan rộng ra mênh mông. Đêtơrich chồm lên, điên cuồng: “Mẹ kiếp! Kết liễu chúng đi Kết liễu chúng đi thôi chứ! Mẹ kiếp!”

Họ còn phải đi nhặt người đã chứ! – Cát nói.

Chúng tôi đứng cả dậy, đi tìm chỗ phát ra tiếng kêu ấy. Nếu chúng tôi trông thấy những con vật thì còn khả dĩ chịu đựng được hơn. May có một cái ống nhòm. Chúng tôi thấy một đám mây đen y tá với những cái cáng và những khối lớn màu sẫm đang cử động. Đó là những con ngựa bị thương. Nhưng chúng không nằm đó tất cả. Vài con còn tiếp tục chạy nước kiệu, quỵ xuống rồi lại chạy. Một con bị toạc bụng ra, ruột gan lòng thòng dọc đường. Đêtơrinh nâng súng lên, nhằm bắn, Cát trông thấy, gạt mũi súng đi.

– Mày điên à?

– Đêtơrinh run lên và vất khẩu súng xuống đất.

Chúng tôi ngồi xuống, bịt tai lại, những những tiếng kêu rống ấy, những tiếng gào thét tuyệt vọng ấy, những tiếng rên rỉ ấy vẫn cứ văng vẳng đến, thâm nhập vào mọi vật.

Có thể nói rằng chúng tôi có khả năng chịu đựng được nhiều thứ, nhưng lúc này, mồ hôi chúng tôi đầm đìa. Chúng tôi muốn đứng dậy và chạy đi, bất kì đi đâu miễn là không phải nghe tiếng kêu rên ấy nữa.

Vậy mà, không phải là những con người, đó chỉ là những con ngựa. Một lần nữa, những cái cáng lại tách ra khỏi đám đen. Rồi mấy tiếng súng nổ. Những cái khối to lớn ấy lảo đảo và nằm bẹp xuống. Thế là xong. Nhưng chưa hết. Người ta không thể lại gần những con vật bị thương đang kinh hoảng chạy lồng lên: miệng há hốc, kêu gào đau đớn. Một bóng đen quỳ xuống. Một phát súng: một con ngựa ngã vật ra, rồi một con nữa. Con cuối cùng đứng, dựng trên hai vó trước và xoay tròn như ngựa gỗ chạy vòng. Nó đứng xuống nhưng vẫn xoay vòng tròn trên hai vó trước đã cứng đờ; chắc hẳn mông nó đã bị thương nứt toác. Người lính chạy đến phía nó và bắn một phát.

Cái khối to lớn quỵ xuống chậm chạp, khốn khổ.

Chúng tôi buông tay ra khỏi tai. Những tiếng kêu đã im bặt. Chỉ còn tiếng thở dốc hấp hối bay lượn trên không trung. Rồi chỉ còn những pháo hiệu, tiếng trái phá nổ và những vì sao, và điều ấy làm cho chúng tôi gần như ngạc nhiên.

Đêtơrinh vừa đi đi lại lại vừa lảm nhảm: “Không hiểu những con vật ấy đau đớn đến thế nào.” Rồi nó trở lại vấn đề. Giọng nó cảm động gần như nghiêm trang, lúc nó nói. “Này, súc vật mà phải đi đánh trận, thì thật là điều kinh tởm nhất trên đời!”

Chúng tôi quay trở về hậu tuyến, đã đến lúc trở về đoàn xe vận tải. Nền trời đã sáng hơn một chút.

Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, gió mát và lạnh nữa, và cái thời gian nhợt nhạt nhuộm lên mặt chúng tôi một màu tro.

Chúng tôi vừa bước vừa dò dẫm, người nọ nối người kia, đi xuyên qua khu chiến hào và những hố đại bác, chúng tôi lại về đến khu vực sương mù.

Catdinxki có vẻ lo lắng. Đó là triệu chứng chẳng lành:

– Cát, cậu sao thế – Cốp hỏi.

– Tớ muốn chúng mình trở về nhà.

“Về nhà” có nghĩa là “Về lán trú quân.”

– Cát, rồi sẽ về chứ sao.

Anh ta đang bị kích thích.

– Mình không biết, mình không biết.

Chúng tôi đến những dãy giao thông hào rồi tới cánh đồng cỏ. Cánh rừng con đã ở trước mặt. Ở đây, chúng tôi biết rõ từng tấc đất. Này đây là nghĩa địa của lạp binh, nhấp nhô mộ đá và thập tự đen.

Giữa lúc ấy, chúng tôi chợt nghe một tiếng rít phía sau, nó to dần và trở thành một tiếng gầm mãnh liệt như tiếng sấm. Chúng tôi rạp xuống; một trăm thước phía trước chúng tôi, lửa tóe ra như một đám mây. Một phút sau, một phần của khu rừng từ từ bốc lên không trung. Đó là quả đại bác thứ hai vừa rơi xuống, ba bốn cây bị bật văng đi, gãy vụn từng khúc. Những viên đạn tiếp theo đã dồn dập như tiếng nắp nồi hơi, hỏa lực rất ác liệt.

– Nấp đi! Nấp đi! – Một người gào lên.

Đồng cỏ phẳng lì, khu rừng thì nguy hiểm quá không còn chỗ nấp nào khác ngoài những ngôi mồ trong nghĩa địa. Chúng tôi chạy vào đó, loạng choạng trong bóng tối. Đứa nào đứa nấy đính bệt xuống một mô đất như một bãi đờm.

Còn kịp. Bóng đêm lồng lộn. Cả một trận bão táp sôi sục. Những bóng tối đen hơn cả. Đêm tối lao xuống chúng tôi, điên cuồng, chẳng khác gì những cái bướu khổng lồ, rồi vượt qua chỗ chúng tôi. Lửa từ những quả nổ bốc cháy rừng rực trên nghĩa địa. Không đâu có lối thoát. Qua ánh sáng của lửa đạn, tôi liếc nhìn phía đồng cỏ. Cả một vùng biển động; những ngọn lửa trái phá vọt lên như những vòi nước. Không ai có tài gì vượt qua được.

Khu rừng biến mất, nó bị tan tành từng mảnh, bị nghiền nát, bị tiêu tan. Chúng tôi bắt buộc cứ phải ở lại đây, trong khu nghĩa địa.

Phía trước chúng tôi, mặt đất nứt toác. Đất tảng rào rào như mưa. Tôi cảm thấy bị lay chuyển, cánh tay áo của tôi đã bị mảnh đạn xé rách. Tôi nắm chặt bàn tay lại, không thấy đau. Nhưng vẫn không yên tâm, vì những vết thương sau một lúc mới thấy đau.

Tôi sờ lên cánh tay, nó bị xây xát, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bỗng đầu tôi bị quật một cái mạnh đến nỗi tri giác tối sầm cả lại. Một ý nghĩ lóe ra trong óc “Không được ngất.” Tôi cảm thấy bị ngụp trong tối tăm mù mịt, nhưng lại hồi tỉnh được ngay. Một mảnh trái phá đã quật vào mũ tôi, nhưng nó nổ từ xa quá, nên chẳng đủ sức xuyên qua mũ. Tôi vuốt đất đã lấp kín cả mắt. Phía trước tôi, một cái lỗ há hốc. Tôi nhìn thấy nó, tuy rất là khó khăn. Không mấy khi đại bác lại cứ rơi liên tiếp xuống một hố. Cho nên tôi định bụng xuống đó. Tôi nhảy một cái, nằm xoài xuống đấy. Tôi nằm bẹp dí xuống đất như một con cá ra khỏi nước. Nhưng lại có tiếng rít. Tôi vội co rúm người lại, tìm cách nấp tránh. Tôi cảm thấy một vật gì phía bên trái, tôi nép người vào đó, nó lún xuống.

Tôi rên rỉ, mặt đất toác ra, không khí bị ép, gầm rống bên tai tôi. Tôi trườn lên trên vật ấy, nó không cưỡng lại. Tôi lấy nó phủ lên người; ra là gỗ và vải, một chỗ trú một chỗ trú thảm hại chống những mảnh đạn đang quật rào rào xuống chung quanh tôi.

Tôi mở mắt, ngón tay tôi đang nắm chặt một cái tay áo, một cánh tay người, một người bị thương chăng? Tôi nói hết sức to với hắn; không có trả lời, một người chết. Bàn tay tôi thục sâu vào hơn nữa, vớ phải những mảnh ván… lúc này tôi mới nhớ ra là chúng tôi đang ở khu nghĩa địa.

Nhưng lựu đạn đã mạnh hơn tất cả. Nó tiêu huỷ mọi giác quan; tôi càng chúi sâu hơn nữa xuống dưới chiếc quan tài, tôi cần phải nấp tránh, dù nó chứa đựng cả thần chết đi nữa.

Trước mặt tôi, cái hố đại bác há hốc. Tôi nhìn nó trừng trừng, khác nào đang tóm chặt lấy nó. Thế nào cũng phải lao xuống đấy một cái mới được. Nhưng có một vật gì đập vào mặt tôi, một bàn tay túm lấy vai tôi. Thằng chết tỉnh dậy chăng? Bàn tay lắc lắc người tôi. Tôi quay đầu lại và trong một giây lóe sáng, tôi nhìn thấy khuôn mặt Catdinxki. Anh ta há mồm thật to như hét lên câu gì đó… Tôi chẳng nghe thấy gì cả; anh ta lay tôi, anh ta lại sát tôi. Trong một giây phút tạm lắng, tôi nghe thấy tiếng anh ta: “Hơi ngạt, hơi ngạt, hơi ngạt. Đeo vào!” Tôi vớ lấy hộp mặt nạ; có một người nằm gần tôi, tôi chỉ còn nghĩ một điều: làm sao cho hắn cũng biết mới được “hơi ngạt, hỏi ngạ… ạt…” Tôi gọi hắn, tôi trườn về phía hắn, tôi giơ cái hộp mặt nạ về phía hắn; hắn chẳng nhận thấy gì cả. Một lần nữa, lại một lần nữa, hắn chỉ nghĩ đến chuyện co rúm người lại. Đó là một tân binh. Tôi nhìn một cách thất vọng về phía Cát, anh ta đã đeo mặt nạ, tôi cũng rút nhanh cái áo của tôi ra, chiếc mũ bay xuống đất và cái mặt nạ ấp vào mặt tôi. Tôi đến bên gã tân binh. Hộp mặt nạ của hắn ngay cạnh đó. Tôi chụp lấy cái mặt nạ, đặt lên đầu hắn. Hắn cầm lấy, tôi để hắn đó, và bất thình lình tôi chồm lên, lao thẳng vào cái hố hình phễu.

Tiếng kêu ù tai của những quả đại bác mang hơi ngạt chen lẫn tiếng kêu răng rắc của những quả đạn nổ. Một hồi chuông vang lên giữa những tiếng nổ.

Những tiếng thanh la và tiếng đập trên kim khí, báo hiệu khắp nơi có hơi ngạt, hơi ngạt, hơi ngạ… ạt…

Đằng sau tôi, có tiếng ầm ầm như cái gì đổ sụp, một lần, hai lần. Tôi lau mắt kính mặt nạ để khỏi bị ám hơi nước của hơi thở. Cát, Cốp và một người nữa nằm kia. Thần kinh bốn đứa chúng tôi đang bị vô cùng căng thẳng, chúng tôi đang giữ miệng, chúng tôi cố thở càng ít càng hay. Những phút đầu tiên đeo mặt nạ quyết định cái sống hay cái chết, vấn đề là mặt nạ có kín hay không.

Tôi nhớ lại những hình ảnh rùng rợn của bệnh viện: những người bị trúng hơi ngạt, ngày nọ qua ngày kia, khạc ra từng miếng phổi cháy bỏng…

Tôi thở rất thận trọng, mồm áp vào cái lót. Giờ đây lớp hơi ngạt đã xuống đến mặt đất và chui vào các kẽ đất. Như một con sứa khổng lồ và mềm nhũn, nó trườn vào cái hố đại bác của chúng tôi, tràn ngập tất cả các ngóc ngách. Tôi đẩy Cát. Nên ra khỏi đây và nằm lên phía trên thì tốt hơn là nằm chỗ hơi ngạt tụ lại. Nhưng không sao ra được vì một trận mưa đại bác nữa lại trút xuống. Chúng tôi tưởng không phải là đạn đại bác gầm thét nữa mà chính là mặt đất đang nổi cơn cuồng loạn. Một vật gì đen ngòm lao xuống người tôi, kêu răng rắc. Nó rơi sát cạnh chúng tôi: một chiếc quan tài bị hất tung lên trời..

Tôi thấy Cát né người và tôi cũng làm theo anh ta. Chiếc quan tài đổ ụp xuống cánh tay duỗi của người lính thứ tư nằm cùng hố với chúng tôi. Hắn định dùng tay kia tháo mặt nạ ra. Cốp kịp thời ngăn chặn, vặn quặt cổ tay hắn lại sau lưng và giữ thật chặt. Cát và tôi cố gỡ cánh tay bị thương của hắn ra. Cái nắp quan tài đã bị bật và chẻ ra. Chúng tôi có thể nhấc nó ra dễ dàng. Chúng tôi lôi cái xác chết ra, nó rơi phịch xuống đất như một cái bao tải; rồi chúng tôi cố nhích cái phần dưới của chiếc quan tài. May sao người bị thương đã ngất đi và An be có thể giúp chúng tôi một tay. Chẳng cần phải gượng nhẹ nữa, chúng tôi lấy những cái xẻng làm đòn, ra sức bẩy, kì cho cái quan tài phải bật ra cùng với tiếng thở phào của chúng tôi. Trời rạng sáng hơn. Cát lấy một mảnh nắp quan tài, đặt dưới cánh tay dập gãy, rồi chúng tôi quấn nó lại bằng tất cả những cuộn băng của chúng tôi. Trong lúc này, chưa có thể làm gì hơn được. Đầu tôi kêu ù ù vo vo dưới cái mặt nạ. Có lẽ đầu óc đến vỡ tung ra mất. Phổi rất ngột ngạt, nó phải thở đi thở lại cái thứ không khí nóng bỏng đã thải ra. Mạch máu hai bên thái dương căng lên. Tôi tưởng bị chết ngạt đến nơi…

Một ánh sáng mờ đục rọi đến chỗ chúng tôi, gió đang quét khu nghĩa địa. Tôi nhổm lên khỏi bờ hố đại bác. Trong cảnh chạng vạng nhá nhem, một cái cẳng bị đứt rời nằm vật ngay trước mặt tôi. Chiếc ủng còn nguyên vẹn. Tôi thoáng nhìn thấy tất cả những cái đó một cách rất rõ ràng. Nhưng bây giờ, trước mặt tôi độ hai ba thước, có người nhỏm dậy. Tôi lau đôi mắt kính, chúng lại mờ đặc hơi nước ngay, vì tôi thở mạnh quá. Tôi nhìn trừng trừng, người này không đeo mặt nạ nữa. Tôi đợi thêm vài giây, hắn ta vẫn đứng nguyên. Hắn nhìn chung quanh như tìm vật gì rồi hắn đi một hai bước; gió đã thổi tan hơi ngạt, không khí đã sạch rồi. Lúc ấy, tôi cũng giật mạnh cái mặt nạ ra, thở dốc lên một tiếng và ngã quỵ xuống đất. Không khí như một dòng nước lạnh, chảy tràn trề trong tôi, đôi mắt như muốn lồi ra khỏi đầu.

Cái luồng gió mát rượi ấy đã tràn ngập cả người tôi và làm mờ cả mắt tôi. Trận pháo kích đã ngừng, tôi quay người lại phía hố đại bác và ra hiệu cho những người khác. Họ ra khỏi, hố và lấy bộ mặt nạ ra. Chúng tôi dìu người bị thương, một người đỡ cánh tay băng bó của hắn. Cứ thế chúng tôi chạy thật nhanh, nhưng không phải không loạng choạng. Khu nghĩa địa chỉ còn là một bãi hoang tàn.

Quan tài và xác chết vương vãi tứ tung. Chẳng khác gì người chết bị giết một lần thứ hai. Nhưng mỗi xác chết bị tan ra từng mảnh như vậy đã cứu sống một mạng người trong bọn tôi. Hàng rào nghĩa địa bị phá trụi… Đường sắt dã chiến chạy sát qua bị tóe lên, dựng đứng lên trời, uốn thành hình cánh cung. Phía trước chúng tôi, có người nằm sóng sượt… Chúng tôi dừng lại; riêng Cốp vẫn tiếp tục đi với người bị thương. Người nằm ở đất là một tân binh. Hông hắn đẫm máu đã đông cục.

Hắn kiệt lực quá, tôi đã tháo cái biđông đựng nước chè có pha rượu rum. Nhưng Cát ngăn lại và cúi xuống người lính: “Cậu bị thương ở đâu?” Mắt hắn động đậy. Hắn mệt quá, không trả lời được.

Chúng tôi thận trọng cởi quần hắn ra. Hắn rên lên.

“Bình tĩnh, bình tĩnh, không việc gì đâu…” Nếu hắn bị thương ở bụng thì không nên cho uống. Hắn không nôn mửa, như thế là triệu chứng tốt. Chúng tôi lột trần hông hắn ra. Cả một đống thịt bầy nhầy với những mảnh xương gãy vụn. Khớp xương bị trúng đạn, anh chàng này chả bao giờ hòng đi lại được nữa. Tay ướt xoa thái dương hắn và cho hắn uống. Đôi mắt hắn sáng lên. Lúc ấy chúng tôi mới lại thấy tay hắn cũng bị chảy máu. Với hai cuộn băng, Cát cố gắng buột kín vết thương lại. Tôi tìm vải quấn tất cả chung quanh, nhưng cũng không quấn chật quá. Chúng tôi không có gì nữa. Tôi bèn tụt quần gã bị thương ra, định lấy một mảnh quần đùi của hắn làm băng quấn. Nhưng hắn không có quần đùi; khi nhìn kĩ hắn, té ra anh chàng tóc vàng hoe ban nãy. Trong lúc ấy, Cát lục được mấy cuộn băng trong túi một người lính đã chết, chúng tôi thận trọng băng vết thương. Tôi bảo gã trẻ tuổi đang nhìn tôi không chớp: “Chúng tớ đi lùng một cái cáng đây.”

Hắn liền mở miệng và lẩm bẩm: “Các anh ở đây.” Cát nói: “Chúng tớ lại ngay bây giờ, để chúng tớ đi kiếm một cái cáng cho cậu chứ.”

Không biết hắn có hiểu không. Phía sau chúng tôi, hắn rên rỉ như một đứa trẻ: “Các anh đừng bỏ tôi.” Cát quay lại và thì thào: “Hay là cho một phát súng lục cho xong chuyện đi? Gã trẻ tuổi khó lòng chịu đựng được khi người ta khiêng hắn đi và nhiều nhất cũng chỉ thoi thóp được vài ngày nữa là cùng. Tất cả nỗi đau đớn từ lúc hắn bị thương cho tới giờ không thấm vào đâu với cái đau đớn từ giờ cho đến lúc hắn chết. Lúc này hắn còn đang bị tê dại và chưa cảm thấy gì. Chỉ một tiếng đồng hồ nữa, hắn sẽ thành một cái bọc gầm rống lên vì những nỗi đau đớn không thể chịu được. Những ngay sống sót của hắn sẽ chỉ là một hình phạt tàn nhẫn đối với hắn mà thôi… Để cho hắn sống thêm vài ngày nữa thì ích gì cho hắn?”

Tôi gật đầu tán thành.

– Phải đấy Cát ạ, ta lấy một khẩu súng lục.

– Đưa đây, – Anh ta nói và dừng lại.

Trông bộ dạng, tôi biết là anh ta đã quả quyết.

Chúng tôi nhìn chung quanh, nhưng không phải chỉ có mình chúng tôi. Trước mặt chúng tôi đang hình thành một cuộc tập hợp nho nhỏ. Những cái đầu nhô ra khỏi các hố đại bác và các ngôi mộ.

Chúng tôi đành đi tìm một cái cáng. – Cát lắc đầu. – Những thằng bé như thế… Những thằng bé thật ngây thơ đáng thương!…

Những thiệt hại của chúng tôi ít hơn chúng tôi dự đoán. Năm người chết và tám người bị thương.

Chẳng qua chỉ là một trận pháo kích bất chợt trong một thời gian ngắn. Hai người trong bọn chúng tôi bị chết, nằm dài trong một ngôi mộ tung nắp, chúng tôi chỉ còn việc lấp đất lên thôi. Chúng tôi lại đi. Im lặng, chúng tôi chạy hàng một, người nọ nối người kia. Những người bị thương đã được chở đến trạm cứu thương. Trời buổi sáng ảm đạm. Các y tá chạy đi chạy lại với những con số và những tấm phiếu; các thương binh rên rỉ. Trời bắt đầu mưa. Chừng một giờ sau, chúng tôi đến chỗ xe vận tải, chúng tôi trèo lên xe. Bây giờ thì rộng chỗ hơn lúc đi.

Mưa mỗi lúc một to hơn. Chúng tôi giở vải bạt ra đội lên đầu. Nước mưa rơi xuống loong boong như gõ trống. Quanh chúng tôi, mưa cứ tầm tã trút xuống. Xe lõm bõm lăn qua các hố trũng. Chúng tôi lắc lư bên nọ qua bên kia, ngủ chập chờn.

Hai người ngồi phía trước xe, cầm những cái gậy dài có chạc. Họ chú ý nhìn những quãng dây điện thoại võng xuống ngang mặt đường, thấp đến nỗi có thể hớt mất đầu bọn tôi đi. Hai người dùng cái chạc ở đầu gậy kịp thời nâng lên khỏi đầu chúng tôi. Chúng tôi nghe tiếng họ nhắc: “Chú ý! Dây đấy!” Và, ngủ gà ngủ gật, chúng tôi cúi xuống rồi chúng tôi lại ngẩng lên.

Xe lúc lắc đều đều. Tiếng nhắc đều đều và mưa rơi đều đều. Mưa rơi xuống đầu chúng tôi, xuống đầu những xác chết phía trước, xuống thân hình anh lính bé nhỏ bị vết thương quá to đối với cái hông của anh ta.

Mưa rơi xuống nấm mồ của Kemơrich, mưa rơi xuống tâm hồn chúng tôi.

Một quả đại bác nổ tung gần đâu đấy.

Chúng tôi giật mình. Mắt chúng tôi căng ra, những bàn tay đã sẵn sàng để nhảy ra khỏi xe và lao vào những cái hố cạnh đường…

Chẳng có gì xẩy ra nữa. Chỉ có tiếng nhắc đều đều vang lên: “Chú ý! Dây đấy!” Chúng tôi cúi xuống và lại ngủ gà ngủ gật. Cứ thế, suốt trên đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.