Phiêu lưu vào mỏ than Aberfoyle

CHƯƠNG 10



Tám ngày sau những sự kiện trên, nhiều bạn bè của kỹ sư James Starr đã rất lo lắng. Ông đã biến mất mà không để lại một manh mối nào giải thích về sự ra đi đột ngột này. Qua gia nhân, người ta được biết là ông đã xuống tàu thủy ở cảng Granton – pier và nhờ người thuyền trưởng của con tàu “Hoàng tử xứ Galles”, người ta biết thêm là ông đã rời tàu ở Stirling. Nhưng, kể từ lúc đó, không còn ai được thấy dấu vết của James Starr. Vì trong lá thư của Simon Ford, ông này có yêu cầu kỹ sư giữ kín mọi chuyện, cho nên ông kỹ sư đã không hề nói gì với ai về chuyến đi của mình.
Như vậy là ở Edimhourg, người ta chỉ còn nói đến một vấn đề duy nhất, đó là sự mất tích kỳ lạ của ông kỹ sư. W.Elphiston, chủ tịch của Tổ chức “Royal Institution” thông báo cho các đồng sự lá thư mà James Starr đã gửi cho ông, trong thư kỹ sư chỉ xin cáo lỗi về việc không thể đến dự buổi họp tới mà thôi.
Không một người bạn nào của ông kỹ sư lại nghĩ là ông đã đi về khu mỏ Aberfoyle. Tuy nhiên, vì ông đã rời tàu thúy ở cảng Stirling nên người ta tập trung sự tìm kiếm về hướng ấy.
Những cuộc tìm kiếm đã không dẫn đến một manh mối nào, không một ai có thể nhớ lại là mình đã gặp ông kỹ sư ở đâu đó. Duy chỉ có Jack Ryan là người đã trông thấy ông kỹ sư đi cùng Harry xuống giếng mỏ Yarow là có thể thỏa mãn lòng hiếu kỳ của quần chúng. Nhưng chàng trai vui tính này như ta đã biết, đang làm việc ở trang trại Melrose, cách xa quận Renfrew những sáu mươi cây số về hướng Tây nam, và vì thế anh chẳng hay gì về việc mọi người đang bận tâm đến sự mất tích của James Starr. Thế cho nên, tám ngày sau hôm viếng thăm bạn ở dưới mỏ, anh vẫn ca hát vui vẻ trong những đêm lễ hội ở Irvine. Tuy nhiên bản thân anh cũng có một mối lo khác mà ta sẽ nói tới sau.
James Starr được nhiều người rất kính trọng, không những trong thành phố nơi ông ở mà cả trên toàn xứ Scotland, đến nỗi không việc gì có liên quan đến ông mà người ta lại bỏ qua. Vì vậy, từ mấy ngày qua, trên những tờ báo lớn của Vương quốc, đều thấy đăng thông báo về kỹ sư James Starr, đặc điểm nhận dạng của ông, ngày giờ ông rời khỏi Edimbourg, và chỉ còn chuyện cuối cùng là chờ đợi.
Cũng vào thời điểm này, trong lúc mọi người lo cho số phận của kỹ sư James Starr thì một người khác, Harry, cũng đang là đề tài không kém sôi nổi. Chỉ có điều là số phận chàng thanh niên không làm cho nhiều người phải chú ý, nó chỉ gây lo lắng cho Jack Ryan, người bạn thân của anh.
Chúng ta cũng nên nhớ lại là trong lần gặp gỡ nhau ở giếng Yarow, Jack Ryan đã mời Harry đến dự lễ hội làng Irvine, tổ chức tám ngày sau đó. Harry đã nhận lời mời và hứa rằng sẽ tới dự. Từ trước đến giờ, Jack Ryan đánh giá bạn mình là người trọng lời hứa. Với anh ta thì đã hứa là phải thực hiện.
Thế nhưng lễ hội ở làng Irvine đã diễn ra không thiếu một tiết mục vui chơi nào, ca hát, nhảy múa và mọi cuộc vui chơi khác – chỉ thiếu Harry Ford.
Jack Ryan bắt đầu thấy giận bạn mình, bởi vì sự vắng mặt của Harry đã làm Ryan mất hết hứng thú thậm chí nó còn làm anh đang hát nửa chừng, bỗng quên mất lời ca. Chuyện này xảy ra với anh là lần đầu tiên trong đời.
Cũng cần phải nói thêm là những bài báo có liên quan đến James Starr chưa đến được tay Jack Ryan. Chàng trai tốt bụng này chỉ có duy nhất một mối bận tâm: đó là sự vắng mặt của Harry. Anh suy luận là chỉ có một sự việc thật nghiêm trọng xảy đến mới làm bạn anh quên lời hứa. Vì thế, ngay sau đêm lễ hội ở Irvine, anh đã dự định sẽ đáp xe lửa từ Glasgow để về hố Dochart; lẽ ra anh đã làm việc đó, nếu không có một tai nạn xảy đến với anh, một tai nạn suýt làm anh mất mạng.
Dưới đây là những gì đã xảy ra đêm 12 tháng Chạp. Thực ra thì sự việc này chỉ tăng thêm lòng mê tín của nhiều người ở Melrose.
Irvine là một thị trấn biển của quận Renfrew với khoảng bảy ngàn dân, tọa lạc trên một mỏm đất ở bờ biển xứ Scotland, ngay cửa vịnh Clyde. Bến cảng của nó là nơi khuất gió biển, được soi sáng bằng một ngọn hải đăng với cây đèn lửa rất lớn mà bất cứ thủy thủ có kinh nghiệm nào cũng đều biết.
Bất cứ một thành phố nào dù nhỏ hay lớn, miễn là nó có một lịch sử lâu dài, nhất là khi lâu đài của thành phố này trước kia thuộc dòng họ Robert Stuart, thì cái còn lại ngày hôm nay không phải chỉ là những phế tích hoang tàn. Đúng hơn là, mọi lâu đài đã bị bỏ hoang từ xưa đều có những thần linh ngự trị trong đó và đây là lòng tin phổ biến của đám lưu dân vùng Đất cao, và Đất thấp ở xứ Scotland này.
Phế tích xa xưa nhất và cũng nổi tiếng nhiều ma nhất của vùng duyên hải này, là lâu đài đổ nát, thuộc dòng họ Robert Stuart, lâu đài Dundonald. Vào thời kỳ đó, lâu đài Dundonald bị bỏ hoang toàn bộ. Nó tọa lạc trên một ngọn núi cao, cạnh bờ biển, cách thành phố chừng ba cây số và là nơi ẩn náu của đám ma quỷ vùng duyên hải. Ít có ai lai vãng đến khu phế tích này, ngoại trừ một số người ngoại quốc muốn tham quan nơi này, nhưng họ chỉ có thể đi một mình. Còn dân chúng ở Irvine thì không ai dám nhận dẫn đường cho họ, cho dù có được trả công cao. Sở dĩ như vậy là vì, trong vùng người ta truyền tụng nhau câu chuyện về “Các bà chúa lửa” ngự trị trong lâu đài.
Những kẻ mê tín nhất còn khẳng định là chính mắt họ đã thấy những nhân vật thần thánh kia. Dĩ nhiên, trong số đó có chàng thanh niên Jack Ryan của chúng ta.
Thực ra thì đôi khi cũng có những lưỡi lửa dài xuất hiện khi thì bên bờ tường đổ nát, khi thì trên đỉnh tháp, sừng sững bao quát cả lâu đài.
Những ngọn lửa đó có hình dạng người như lời đồn đại không? Chúng có xứng với cái tên “Các bà chúa lửa” mà dân vùng biển đã gán cho chúng không? Đây chắng qua chỉ là tưởng tượng của những đầu óc mê tín mà khoa học ngày nay đã giải thích rõ ràng.
Dù sao chăng nữa, “Các bà chúa lửa”, theo lời đồn đại của dân chúng trong vùng, vẫn thường về thăm lâu đài, và trong những đêm tối trời, họ còn nhảy múa những điệu vũ kỳ lạ. Jack Ryan dù nổi tiếng là táo bạo, cũng chưa khi nào dám mạo hiểm lên đó thổi kèn túi [1] để cùng vui chơi với các nữ thần.
– Một mình ông già Mick là cũng đủ! – Anh ta nói – Ông ta cũng chả cần đến tôi chơi cho cái ban nhạc ma quỷ đó!
Những chuyện về ma quỷ hiện hình như đã nói ở trên thường là những tiết mục bắt buộc được kể trong những đêm lễ hội. Và anh chàng Jack Ryan có cả một kho những chuyện ma như vậy và chàng có thể kể liên tục, chuyện không bao giờ cạn!
Trong cái đêm hội hè cuối cùng ấy, sau khi đã uống say sưa những ly rượu mạnh, rượu whisky, Jack Ryan lại thao thao bất tuyệt những câu chuyện ma quen thuộc, trong thích thú say sưa và cả trong nỗi hãi hùng của thính giả.
Buổi lễ hội đêm đó được tổ chức trong một kho lúa rộng rãi của trang trại Melrose, nằm gần bờ biển. Một đống lửa trại đốt bằng than cốc cháy đỏ rực trong một bếp kiềng ba chân lớn được đặt ngay giữa phòng.
Bên ngoài, mưa gió sụt sùi. Sương mù dày đặc phủ kín mặt, gió mùa Tây nam thổi mạnh từ ngoài khơi vào. Đêm tối mịt mùng, không một chút ánh sáng; đất, trời, biển, tất cả chìm trong bóng tối dày đặc. Đó là tất cả những gì đã làm cho việc cập cảng ở vịnh Irvine trở nên khó khăn, nếu như có con tàu nào liều lĩnh di chuyển trong gió bão mịt mùng.
Tuy nhiên, đêm đó, một vài thuyền đánh cá về muộn đã nhìn thấy một con tàu đang đi vào đất liền. Nếu như lúc đó mà trời đột nhiên sáng ra thì không phải ngạc nhiên mà là kinh hãi, khi người ta thấy một con tàu đang giương hết buồm lên mà chạy. Lối vào vịnh không có, chẳng còn chỗ ẩn nấp nào dành cho con tàu trong cái đám hốc đá lởm chởm trên bờ vịnh. Nếu con tàu bất cẩn kia cứ tiến tới thì làm sao tránh khỏi tai nạn?
Đêm hội sắp kết thúc với câu chuyện cuối cùng của Jack Ryan. Các thính giả của anh bị cuốn hút vào thế giới của những hồn ma, đang ở trong một trạng thái sẵn sàng tin vào các chuyện hoang đường.
Bỗng nhiên, bên ngoài vang lên những tiếng kêu cứu. Jack Ryan đột ngột dừng câu chuyện và tất cả mọi người chạy ra ngoài kho lúa.
Bóng đêm vẫn dày đặc. Từng đợt gió rít, mưa nặng hạt đang gào thét trên biển.
Có hai hay ba người đánh cá đang cúi lom khom bên một tàng đá để tránh gió, họ thất thanh kêu gào. Jack Ryan và các bạn vội chạy đến. Những tiếng kêu cứu đó không phải dành cho các người trong trại, mà là cho thủy thủ đoàn của một con tàu đang lao đầu vào chỗ chết.
Thực vậy, ở ngoài khơi, cách bờ khoảng vài trăm mét có một khối đen hiện ra. Đây là một con tàu mà ta nhận ra nhờ các đèn hiệu sáng trên mạn tàu, con tàu đó đang lao hết tốc độ về phía bờ biển.
– Một con tàu đang lâm nguy? – Jack Ryan kêu lên.
– Đúng thế, – Một ngư dân trả lời – và hiện giờ nó đang cố né tránh để khỏi đâm vào bờ nhưng không được nữa rồi.
– Hãy thắp đèn hiệu lên! – Có ai đó kêu lên.
– Đèn nào? – Người ngư dân hỏi lại – Mưa gió thế này làm sao thắp được đuốc lên!
Và trong lúc người ta đang trao đổi ý kiến thì những tiếng kêu mới lại vang lên. Nhưng làm sao nghe được họ nói gì giữa mưa bão này? Lúc này con tàu không còn cơ may nào để thoát nạn.
– Tại sao họ lại lái tàu như vậy nhỉ? – Có ai đó hỏi.
– Chắc họ muốn cập bờ? – Một người khác trả lời.
– Thuyền trưởng chắc không nhận ra ánh đèn của ngọn hải đăng Irvine? – Jack Ryan hỏi.
– Chắc là có chứ, – Một ngư dân nói – chỉ trừ khi ông ta nhận lầm ra…
Người dân chưa kịp dứt lời thì Jack Ryan đã thét lên hãi hùng. Không biết trên tàu có ai nghe thấy không? Dù sao cũng quá muộn để con tàu tránh được các tảng đá ngầm đã lờ mờ hiện ra.
Nhưng đấy không phải là tiếng kêu dành cho con tàu lâm nạn như mọi người nghĩ, Jack bây giờ đang đứng quay lưng ra biển, các bạn anh cũng vậy, tất cả đang chăm chú nhìn vào một nơi cách bờ biển chừng nửa dặm.
Nơi đấy là lâu đài Dundonald: một ngọn lửa dài đang quằn quại trong gió, ngay trên đỉnh tháp.
“Bà chúa lửa!” những người dân mê tín xứ Scotland cùng kêu lên hãi hùng.
Thật ra, ta cần phải có trí tưởng tượng phi thường mới thấy ánh lửa đó giống hình người được. Nó giống như một cây cờ hiện sáng rực, quằn quại trong gió bão, đôi lúc lại như muốn bốc lên cao khỏi ngọn tháp, có lúc như muốn tắt, nhưng sau đó lại bùng lên và dính vào ngọn tháp.
“Bà chúa lửa! Bà chúa lửa!” Mọi người đều kinh sợ thét lên.
Bây giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng. Con tàu kia bị mất phương hướng trong sương mù, đã lạc đường về. Khi trông thấy “Bà chúa lửa” trên đỉnh lâu đài Dundonald thì họ cho rằng đấy chính là hải đăng Irvine. Những người trên tàu tưởng rằng tàu đang tiến vào cửa vịnh, thực ra còn cách đó mười dặm về phía Bắc, và cứ thế nó đâm vào bờ.
Làm sao có thể cứu con tàu, nếu còn thời gian? Liệu còn kịp trèo lên lâu đài cổ để dập tắt ngọn lửa ma kia sao cho các thủy thủ của con tàu kia không nhầm nó với hải đăng Irvine!
Đã quá trễ. Một tiếng rắc khủng khiếp vang lên trong tiếng đổ vỡ ầm ầm.
Con tàu vừa va vào bờ ở phía lái. Các đèn hiệu tắt lịm. Nó bị lật nghiêng khi va vào những mỏm đá.
Và, đúng vào lúc đó, như một sự trùng lặp chỉ có thể quy cho ngẫu nhiên, ngọn lửa trên lâu đài biến mất, như thể nó bị gió bão lấy đi. Bầu trời, mặt biển và bờ đá đột ngột chìm vào trong bóng đêm dày đặc.
“Bà chúa lửa!” đó là tiếng thét sau cùng của Jack Ryan, ngay vào lúc hiện tượng siêu nhiên kia vụt biến đi mất tăm.
Nhưng lòng dũng cảm mà đám người mê tín xứ Scotland đã đánh mất, giờ đây đã được tìm thấy lại khi đối mặt với một tai nạn thực tế, bây giờ họ chỉ còn nghĩ tới cách cứu đồng loại. Thiên nhiên hung dữ không ngăn cản được họ. Với những cuộn thùng trong tay, họ lao vào ngọn sóng, cũng nhiệt tình như lúc tin vào bà chúa lửa để cứu lấy những kẻ bị nạn và tung ra những sợi dây thừng. May mắn thay họ đã thành công, duy chỉ có vài người, trong đó có Jack Ryan đã bị thương nặng vì va phải đá; nhưng cũng nhờ vậy mà viên thuyền trưởng và tám người trong thủy thủ đoàn của chiếc tàu đắm được cứu sống, hiện đang nằm trên kè đá.
Con tàu đó là tàu hai cột buồm, quốc tịch Na Uy, mang tên Motala, đang chở gỗ tới cảng Glasgow.
Sự thật đã rõ ràng. Người thuyền trưởng vì lầm tưởng ngọn lửa trên lâu đài là hải đăng Irvine, nên đã để tàu mình đi lạc hướng.
Giờ đây, chiếc Motala chỉ còn là đống gỗ vụn mà sóng biển đang ném chúng lên bờ đá.
Chú thích:
[1] Kèn túi hay còn gọi là kèn bị, một nhạc cụ rất xưa của người Scotland.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.