Phong thần diễn nghĩa

Hồi 21: Văn Vương khoe quan qua năm ải



Ðêm ấy Văn Vương ra khỏi Triều Ca dục ngựa thẳng tới một nước.

Bấy giờ quân coi trạm thấy Văn Vương đến tối không về liền vào báo tin với Bí Trọng.

Bí Trọng nghĩ thầm:

– Việc nầy tại mình bảo tấu, nếu xảy ra lôi thôi ắt mắc tội.

Liền vội vã đến nói với Vưu Hồn:

– Tại anh bảo tấu với Văn Vương Tây Bá. Nay Tây Bá mới dạo chợ hai ngày đã trốn mất, việc này là việc lớn chẳng phải chơi, nếu có bề gì hai ta làm sao tránh khỏi tội. Vả lại, phía Ðông, phía Nam đều có giặc, nếu thêm mũi giặc của Cơ Xương nữa binh tướng kéo qua anh em mình chết trước.

Vưu Hồn ngồi thừ ra một lúc rồi nói:

– Anh đừng lo, ngày mai chúng ta sẽ vào triều tâu cho vua hay và sai hai tướng đem binh đến bắt về, trị tội Văn Vương là xong.

Rạng ngày, vua Trụ đang ngự trên lầu, Bí Trọng vào tâu:

– Bệ hạ cho Văn Vương khoe quan hai bữa mới đi dạo có hai ngày, rồi lén trốn về không vào lạy tạ, ấy là thói vô lễ bất trung. Chúng tôi e sau nầy sanh chuyện nên phải vào tâu cùng bệ hạ.

Vua Trụ nổi giận mắng:

– Hai khanh thật lắm điều hồi trước hai khanh tâu Cơ Xương là trung liệt, trẫm mới tin lời, tha tù phong chức. Nay xảy ra việc này hai khanh còn tâu gì nữa? Có phải hai khanh muốn nói sao thì nói, muốn làm sao thì làm có phải vậy hay không?

Bị vua khiển trách, Vưu Hồn thất kinh quỳ tâu:

– Từ xưa đến nay lòng người khó lường lắm, trước mặt nói vầy sau lưng nói khác. Sanh con há dễ sanh lòng, vẽ cọp không thể vẽ ruột được. Biển khô còn thấy đáy, lòng người đến chết vẫn chưa tường. Vả lại Cơ Xương đi cũng chưa xa, xin bệ hạ sai Ông Phá Ðại và Lôi Khai theo bắt lại, chờ tội Cơ Xương rõ ràng mới giết đi cũng là điều lợi.

Vua Trụ y lời, liền sai hai tướng đem hai ngàn binh đuổi theo bắt Cơ Xương về trị tội.

Ông Phá Ðại và Lôi Khai đồng lãnh binh nơi dinh Võ Thành Vương, người ngựa kéo ra đi. Ðoàn quân đuổi theo như gió, oai phong lẫm liệt.

Ðêm ấy Văn Vương ra khỏi Triều Ca, qua sông Mạch Tân, đến sông Huỳnh Hà, mệt quá nên vừa đi vừa nghỉ lần hồi đến huyện Dao Trì xảy nghe đàng sau có tiếng quân la ó vang vậy, nhìn lại thấy bụi bay mù mịt. Văn Vương biết quân đuổi theo bắt mình, thế nào cũng không thoát tội được. Nếu về triều thì chắc chết mười phần, nên cố sức chạy mau lánh nạn. Khi ấy Văn Vương như chim lạc lối, như cọp sổ lồng giục ngựa chạy như bay, phút chốc đã thấy ải Lâm Ðồng trước mặt.

Bây giờ nói về ông Vân Trung Tử đang ngồi trong động đánh tay biết rõ mọi việc, thầm nhủ:

– Tây Bá đã mãn hạn rồi, còn bị tai ương một chút. Nay đúng kỳ giao ước, ta phải cho con xuống cứu cha.

Liền sai Kim Hà đồng tử gọi Lôi Chấn Tử vào dạy rằng:

– Nay cha ngươi mắc nạn, ngươi phải đi cứu cho mau.

Lôi Chấn Tử thưa:

– Thưa thầy, chẳng hay cha tôi là ai?

Vân Trung Tử thuật hết mọi chuyện cũ rồi nói.

– Cha nuôi ngươi đang mắc nạn tại ải Lâm Ðồng, ngươi ra nơi chân núi Hỗ, kiếm vài binh khí đem đây ta dạy ít miếng võ đặng xuống cứu cha.

Lôi Chấn Tử vâng lời đến núi Hỗ tìm chẳng thấy vật gì có thể làm vũ khí được, lại thường nghe nói đồ binh khí là gươm đao, hương, kích, chùy, gậy, roi, mà trong mấy món đó không biết phải dùng vật nào, tính trở về hỏi lại Vân Trung Tử.

Xảy đâu có một trận gió thơm ngát thổi đến, lại thấy nước suối trong vắt, tiếng reo rất trong lành. Nhìn theo phong cảnh rất đẹp mắt, bên rừng trồng cam mát rượi, tre mọc giáp vòng, chim kêu ríu rít trên cành, trái cây quằng nhánh, bông núi đầy rừng. Lôi Chấn Tử liền leo cành cây gần đó thấy hai trái hạnh đào chính mộng, vì tánh con nít thấy trái cây tươi thì mừng lắm Lôi Chấn Tử vội leo lên hái hai trái. Hơi thơm bát ngát, Lôi Chấn Tử nghĩ thầm:

– Thôi mình ăn một trái còn một trái kia đem về cho thầy.

Ai ngờ Lôi Chấn Tử vừa ăn xong thấy ngon miệng quá không sao để dành được liền cắn thêm một trái ăn nữa.

Nhưng Lôi Chấn Tử lại giật mình thầm nghĩ:

– Mình định trái nầy để dành đem về cho thầy, nhưng mình lại ăn nữa, hóa ra bất nghĩa. Thôi thì cứ ăn hết đi rồi về im lặng là xong.

Nghĩ như vậy Lôi Chấn Tử liền ăn hết hai trái Mộng đào.

Nhưng ăn vừa rồi Lôi Chấn Tử thấy trong lòng ngứa ngáy khó chịu, rồi bên sườn bên trái mọc ra một cái cánh quá dài. Lấy làm lạ, Lôi Chấn Tử hai tay cầm cái cánh, chắt lưởi than:

– Không xong! Không xong! Có khi mình hóa thiên lôi rồi chăng?

Lôi Chấn Tử muốn nhổ cánh quăng đi nhưng nhổ ra thì đau lắm, thử làm gan bứt được vài sợi lông, phút chốc sườn bên kia cũng mọc ra một cái cánh nữa. Lôi Chấn Tử xem thấy hồn vía rụng rời ngã lăn xuống đất.

Một lúc lâu, Lôi Chấn Tử tỉnh lại rờ sống mũi, thấy sống mũi cao quá, lông lá ra khỏi môi, hai mắt lòi ra khóe, mặt xanh lè, hai mắt đỏ hoe, mình dài hai trượng, lưng lớn mười vần, Lôi Chấn Tử không biết vụ gì mà lại biến hình biến tướng như vậy.

Bỗng thấy Kim Hà đồng tử chạy đến gọi lớn:

– Thầy dạy anh vô biểu.

Lôi Chấn Tử nói:

– Không hiểu gì mà thân thể tôi thế này?

Kim Hà đồng tử vừa cười vừa nói:

– Anh có phép thần thông biến hóa tôi làm sao biết được?

Lôi Chấn Tử than:

– Rồi bây giờ bình thù tợ yêu quái không dám ra mắt thầy.

Kim Hà đồng tử nói:

– Thầy cho đòi anh lập tức. Anh không về không được.

Lôi Chấn Tử không dám cãi lời, đi ít bước lại ngó cặp cánh của mình, trăm bề hổ thẹn. Lúc vào động, Lôi Chấn Tử không dám nhìn thầy.

Vân Trung Tử trông thấy vỗ tay cười lớn, nói:

– Lạ lắm! Lạ lắm!

Cười rồi chỉ mặt Lôi Chấn Tử mà ngâm một bài thơ như vầy:

Ăn hai hạnh đỏ sanh đôi cánh

Cầm một gậy vàng giúp đế vương

Quay khắp đất trời làm sóng gió

Biết nhiều phép tắc định âm dương

Mắt lồi sáng giới đôi tròng bạc

Tóc dựng phất phơ một sắc thường

Tướng tợ Lôi Công oai tợ sắc

Phò vua dụng nước dẹp nhà Thương.

Vân Trung Tử ngâm rồi dắt Lôi Chấn Tử ra vườn đào luyện phép và trao cho Lôi Chấn Tử một cây gậy vàng. Lôi Chấn Tử được truyền thụ, ra sức học hành, múa men như gió bão.

Chẳng bao lâu, các môn võ nghệ đều tinh thông, Vân Trung Tử lấy viết đề vào cặp cánh Lôi Chấn Tử một bên là chữ “phong”, một bên là “lôi”. Ðoạn niệm thần chú, hét lên một tiếng, tức thì Lôi Chấn Tử bay vụt lên nửa lừng trời như một con chim khồng lồ vậy.

Lôi Chấn Tử đảo qua đảo lại một lúc, xem chừng thú vị lắm. Khi đã thỏa mãn, Lôi Chấn Tử mới đáp xuống lạy thầy, thưa:

– Nhờ thầy truyền phép lại thế nào đệ tử cũng cứu được phụ thân.

Vân trung Tử nói:

– Ngươi mau đến ải Lâm Ðồng cứu cha ngươi là Tây Bá, song chẳng nên giết tuớng Trụ, cũng chẳng nên theo cha, hãy trở lại núi Chung Nam nầy học thêm phép tắc, ngày sau anh em sẽ họp mặt, cả nước phỉ nguyền.

Lôi Chấn Tử tuân lời thầy, cúi đầu tạ ơn, xách cây gậy đồng ra khỏi động, vỗ cánh bay lên không như sấm gió.

Bay một lúc, Lôi Chấn Tử gặp một hòn núi cao đón lại, liền xếp cánh đáp xuống, nhìn quanh quất thấy không có người, chắt lưỡi than:

– Mình vô ý quả không hỏi thăm thầy trước, bây giờ biết hình dạng cha mình thế nào mà tìm?

Vừa dứt lời thấy một người đội mũ mặc áo cỡi ngựa Kim chạy đến rất mau coi bộ hơ hãi lắm. Lôi Chấn Tử tự nhủ:

– Chắc cha mình mắc nạn nên chạy sấn sổ thế kia.

Nghĩ rồi liền lớn tiếng hỏi:

– Ai chạy dưới chân núi đó? Có phải là Tây Bá Hầu Cơ lão gia chăng?

Văn Vương nghe kêu tên liền dừng lại nhìn bốn phía không thấy ai lắc đầu than:

– Chắc mình đã tới số nên ma quỷ diễu cợt chăng tại sao nghe tiếng nói mà chẳng thấy người?

Nguyên Lôi Chấn Tử da mặt đã xanh, lại mặc đồ lục đứng trên hòn núi cao nên lộn với cây lá, phần thì Văn Vương chạy mệt chóa mắt không trông thấy rõ.

Lôi Chấn Tử thấy ông già dừng ngựa lại ngó dáo giác mà không nói gì rồi giục ngựa mà đi, liền kêu lớn:

– Ông có phải là Tây Bá Hầu Cơ Thiên Tuế đó chăng?

Tíếng hỏi vang trời như sấm dậy, bấy giờ Văn Vương mới ngó lên, thấy một người đứng trên chót núi tóc đỏ mặt xanh nanh dài miệng rộng, con mắt như lục lạc sáng tự hào quang, ngỡ là yêu tinh, thất kinh nghĩ thầm:

– Nếu quả là yêu tinh sao lại nói tiếng người? Mình đã đến nước này dầu có sợ cũng không được. Nó đã kêu, mình cứ thử lên núi xem thử thế nào?

Nghĩ rồi giục ngựa đến nửa chừng núi hỏi:

– Tướng quân là ai mà biết tôi vậy?

Lôi Chấn Tử liền bay xuống quỳ lạy và thưa:

– Xin vua cha rộng lượng tha tội bất hiếu cho con. Vì trẻ chậm chân nên cha nhọc sức.

Văn Vương nói:

– Tướng quân là ai đó, ta không biết mặt, sao Tướng quân xưng là con?

Lôi Chấn Tử tâu:

– Vua cha trước kia gặp con đặt tên là Lôi Chấn Tử…

Văn Vương sực nhớ lại, lấy làm lạ hỏi:

– Lúc cha gặp con tại đó thì giao cho Vân Trung Tử đem về núi Chung Nam. Nay mới bảy năm sao hình tướng con cao dường ấy.

Lôi Chấn Tử tâu:

– Bởi thầy con dạy phép lạ nên biến tướng cải hình, lại dạy con phải xuống đuổi tướng Trụ về mà cứu cha qua năm ải.

Văn.Vương nghe nói nghĩ thầm:

– Mình đã trốn chúa tội lỗi cửa triều đình, nay trời khiến con. Nhưng nếu để nó giết tướng thì mình lỗi đạo với vua, chi bằng lấy lời lành đặng khuyên nó đừng làm dữ.

Nghĩ rồi nói với Lôi Chấn Tử:

– Cha bội chúa trốn đi nên sai vua tướng bắt về, nếu con muốn cứu cha thì đừng giết tướng.

Lôi Chấn Tử tâu:

– Thầy con cũng có dặn như vậy, con sẽ khuyên chúng nó lui binh để đưa cha về nước mà thôi.

Xảy nghe tiếng chiêng trống vang trời, tướng binh rần rộ. Lôi Chấn Tử bèn vỗ cánh bay tới trước cầm gậy vàng, bộ tịch như thiên lôi chận đầu binh nạt lớn:

– Chúng bay đừng tới nữa.

Quân binh thấy Lôi Chấn Tử thất kinh chạy lùi lại báo với hai tướng:

– Có một ông thần dữ cản đường nên chúng tôi không dám đi nữa.

Ông Pháo Ðại và Lôi Khai nghe rõ đồng giục ngựa đến xem.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.