Phớt Lờ Tất Cả Bơ Đi Mà Sống

11. Càng tài giỏi, người ta càng ít cần đến những thứ hỗ trợ.



Tôi không ngạc nhiên chút nào khi gặp ai đó viết một kiệt tác lên mặt sau thực đơn nhà hàng. Nhưng tôi sẽ cực kỳ ngạc nhiên nếu gặp một người sử dụng cây bút Catier bằng bạc viết nên kiệt tác trên chiếc bàn viết cổ trong căn gác lộng gió giữa trung tâm London.

Abraham Lincoln viết Diễn văn Gettysburg trên một mảnh bàn bình thường mượn được từ người bạn ông đang ở nhờ.

Ernest Hemingway sử dụng một cây bút mực rất giản dị. Người khác thì đánh máy, nhưng phải đến mãi về sau.

Van Gogh hiếm khi dùng quá sáu loại màu trên bảng vẽ.

Tôi vẽ lên mặt sau tấm danh thiếp nhỏ xíu. Bất cứ cái gì.

Chẳng có mối liên hệ nào giữa sức sáng tạo và quyền sở hữu thiết bị cả. Chẳng.

Không. Không hề.

Trên thực tế, khi người nghệ sĩ dấn sâu hơn vào lĩnh vực của mình và trở nên thành công hơn, số lượng công cụ sẽ có xu hướng giảm xuống. Nàng biết điều gì là cần thiết cho mình. Dốc hết tâm trí vào công cụ chỉ tổ mất thời gian. Nàng mang trong mình một sứ mệnh. Nàng có một thời hạn phải hoàn thành. Nàng có một khách hàng giàu sụ đang ở sát ngay sau lưng. Điều cuối cùng nàng muốn là bỏ ra ba tuần để học cách sử dụng khoan cho dù chẳng cần phải làm vậy.

Công cụ tốt chỉ mang lại cho những kẻ loại hai thêm một cây cột nữa để nấp mà thôi.

Đấy là lý do tại sao lại có nhiều giám đốc nghệ thuật loại hai sử dụng máy tính Macintosh xịn đến vậy.

Đấy là lý do tại sao lại có nhiều người viết văn thuê sử dụng máy tính xách tay đời mới đến vậy.

Đấy là lý do tại sao lại có nhiều nhiếp ảnh gia nửa mùa sử dụng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại đến vậy.

Đấy là lý do tại sao lại có nhiều họa sĩ tầm thường sở hữu những phòng vẽ đắt tiền trong những khu dân cư thời thượng đến vậy.

Toàn một lũ nấp cột.

Cột chẳng giúp ích gì được cả, chúng chỉ cản đường họ mà thôi. Cây cột càng vững chắc thì tâm lý bạn càng phụ thuộc vào nó, và nó càng cản trở bạn nhiều hơn.

Điều này cũng có thể áp dụng cho kinh doanh.

Đấy là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp thất bại đến vậy dù họ sở hữu những khu văn phòng long lanh.

Đấy là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp thất bại đến vậy dù họ dốc cả gia sản vào những bộ cánh lịch thiệp và mua thẻ hội viên câu lạc bộ du thuyền đắt đỏ.

Một lần nữa, lại nấp cột.

Người thành đạt, nghệ sĩ cũng như không phải nghệ sĩ, rất giỏi trong việc phát hiện cột. Họ rất giỏi làm việc trong môi trường không có cột. Thậm chí quan trọng hơn, khi vừa phát hiện ra cây cột, họ cũng rất giỏi trong việc nhanh chóng loại bỏ nó.

Kiểm soát tốt các cây cột là một trong những phẩm chất quý giá nhất bạn có thể có được trên hành tinh này. Nếu bạn có, tôi ghen tị với bạn. Nếu không, tôi sẽ thấy thương hại bạn.

Chắc chắn rồi, chẳng có ai hoàn hảo ở trên đời. Chúng ta ai cũng có cây cột của riêng mình. Có vẻ như chúng ta cần đến chúng. Bạn sẽ chẳng bao giờ sống được nếu không có cột. Tôi cũng vậy.

Tất cả những gì chúng ta có thể làm là liên tục đặt câu hỏi “Đây có phải là một cây cột hay không?” đối với bất cứ khía cạnh nào trong công việc kinh doanh, trong nghề nghiệp, trong mục đích sống, rồi tiếp bước từ đó. Hỏi càng nhiều, chúng ta càng giỏi trong việc phát hiện cột, và đám cột càng nhanh chóng biến mất.

Hãy đặt câu hỏi. Liên tục hỏi. Hỏi đi hỏi lại. Ngừng hỏi là bạn toi rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.