Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào

CHƯƠNG 2: NHỮNG CUỘC TÌNH CHỈ CÓ SEX



Ôi, ta yêu anh ấy biết bao – nào anh có biết! Cả cuộc đời ta chỉ toàn tuyệt vọng, nhưng ta mặc kệ. Và khi anh ôm ta trong tay, cả thế giới bừng sáng…

– Người đàn ông của tôi

Vẻ tuyệt vọng toát lên qua dáng vẻ của người phụ nữ trẻ đang ngồi trước mặt tôi. Trên khuôn mặt xinh xắn của cô còn lại một số vết bầm đã ngả vàng – dấu vết của hành động nông nổi lái xe lao xuống vực cách đây một tháng.

– Báo chí đăng tin ầm ầm…- Cô bắt đầu bằng giọng chầm chậm, đau khổ. – …tường thuật mọi chi tiết với cả hình chiếc xe treo lủng lẳng… Thế mà anh ta chẳng hề liên lạc với tôi. – Cô hơi lên giọng, cho thấy một cơn giận vừa trào dâng để rồi lại chìm đắm trong nỗi đau buồn.

Đó là Trudi, người suýt mất mạng vì tình yêu. Nhưng giờ đây, khi ngồi trước mặt tôi, cô vẫn quay quắt với câu hỏi duy nhất: “Tại sao mình lại bị bỏ rơi?”.

– Tại sao chúng tôi luôn cảm thấy thật tuyệt vời, tràn đầy hưng phấn và gần gũi với nhau trong những cuộc ái ân đầy mãnh liệt, trong khi những điều còn lại thì tệ hại như thế? Tại sao chỉ có chuyện đó là ổn còn mọi vấn đề khác đều không đến đâu như vậy chứ? Và Trudi bắt đầu khóc, trông cô hệt như một đứa trẻ đang bị tổn thương.

– Tôi cứ nghĩ mình có thể khiến anh ấy yêu mình bằng cách hiến dâng cho anh ấy. Tôi đã cho anh ấy tất cả, tất cả những gì tôi có. – Trudi nhoài về trước, tay ôm lấy bụng và khẽ lắc lư người. – Thật đau khổ khi tất cả những gì tôi làm chỉ là đổ sông đổ biển!

Cô cứ co gập người lại và khóc một hồi lâu, chìm đắm trong cảm giác đau khổ vì tình yêu đã mất. Khi bình tĩnh nói chuyện trở lại, giọng của cô vẫn toát lên nỗi cay đắng không kìm nén được.

– Tất cả những gì tôi quan tâm là làm thế nào để Jim được hạnh phúc và giữ được anh ấy cho riêng mình. Tôi chẳng đòi hỏi bất kỳ điều gì ở Jim, ngoại trừ việc anh ấy phải ở bên cạnh tôi.

Chợt nhớ đến những gì Trudi đã kể về gia cảnh của cô, tôi nhẹ nhàng gợi chuyện:

– Có phải đó cũng là điều mẹ cô mong muốn ở cha cô không? Có phải bà chỉ mong ông dành thời gian cho bà?

Đột nhiên, Trudi ngồi thẳng lên ngay.

– Ôi trời, chị nói đúng quá! Tôi thật chẳng khác gì mẹ tôi, người mà tôi chẳng bao giờ muốn trở thành. Mẹ tôi suốt đời chỉ muốn tự tử để giải thoát cho chính mình. Ôi trời ơi! – Cô lặp lại và nhìn tôi, mắt đầm đìa rồi khẽ khàng nói: – Thật kinh khủng.

Trudi dừng lại và tôi bắt đầu nói:

– Nhiều khi chúng ta thấy mình hành xử y hệt như cha mẹ mình, dù luôn dặn lòng sẽ không bao giờ lặp lại vết xe đổ ấy. Đó là vì những hành động của họ vô tình trở thành hình mẫu trong ta.

– Nhưng tôi không hề tự tử để Jim quay lại với mình. – Trudi phản đối. – Chỉ là vì tôi không chịu đựng nổi cảm giác kinh khủng khi thấy mình thật vô dụng. – Đến đây, cô lại xuống giọng. – Có thể mẹ tôi cũng từng cảm thấy như thế. Tôi đoán nhiều người cũng có cùng cảm nhận đó khi cố níu giữ một người nhưng mà người ấy lại coi trọng những việc khác hơn.

Trudi đã cố gắng hết sức và cô đã dùng tình dục để cám dỗ người đàn ông mà mình yêu.

Trong lần trị liệu sau đó, khi nỗi đau của Trudi đã tạm nguôi ngoai theo thời gian, chúng tôi lại trao đổi về đề tài này.

– Lúc nào tôi cũng đáp ứng mọi nhu cầu tình dục của người yêu. –

Trudi thừa nhận với vẻ tự hào pha lẫn xấu hổ. – Nhiều đến mức hồi còn học phổ thông, tôi từng lo sợ mình mắc chứng cuồng dâm. Tất cả những gì tôi nghĩ trong đầu chỉ là các cuộc ái ân mà tôi và người yêu được tận hưởng trong các lần gặp gỡ. Lúc nào tôi cũng cố gắng thu xếp sao cho chúng tôi luôn có không gian riêng tư. Người ta nói rằng lúc nào nam giới cũng có nhu cầu đó. Nhưng tôi cảm thấy mình thậm chí còn ham muốn chuyện ấy hơn người yêu bởi vì tôi mới chính là người tạo điều kiện để chuyện đó diễn ra, chứ không phải là anh ấy.

Năm mười sáu tuổi, Trudi đã “khám phá tất cả” cùng người bạn phổ thông. Đó là một cầu thủ bóng đá vốn rất coi trọng chuyện luyện tập. Cậu ta tin rằng việc quan hệ tình dục quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của mình. Và khi cậu ta viện cớ không thể ở lại quá khuya, Trudi đã thu xếp để hai người gặp nhau vào buổi chiều khi cô trông trẻ thuê cho người khác. Cô tận dụng thời gian bọn trẻ ngủ để quyến rũ chàng trai ngay trên chiếc trường kỷ trong phòng khách. Mặc dù vậy, cuối cùng thì tất cả những nỗ lực đầy sáng tạo của cô hòng chuyển hóa đam mê bóng đá của anh chàng sang bản thân cô cũng không thành công. Và người yêu của cô đã chọn đi theo một chương trình học bổng đào tạo cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Sau một thời gian dài than khóc và nhiếc móc bản thân vì đã không thể giữ được người yêu bên cạnh, Trudi sẵn sàng thử lại lần nữa.

Đó là vào mùa hè trước khi vào đại học và Trudi vẫn còn ở nhà, ngôi nhà đang trên bờ vực của sự ly tán. Sau nhiều năm đe dọa, cuối cùng mẹ cô cũng đề cập đến việc ly hôn và tìm đến một luật sư nổi tiếng. Cuộc hôn nhân của cha mẹ Trudi là bức tranh đầy sóng gió. Cha cô là người nghiện việc trong khi người mẹ thì luôn tha thiết mong ông dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và hai cô con gái là Trudi và chị gái Beth. Đôi khi bà can thiệp đến mức thô bạo và còn tự hủy hoại bản thân để thúc ép ông. Vào những dịp hiếm hoi ông có mặt ở nhà, mẹ cô thường bóng gió cay độc, gọi đó là “địa ngục trần gian”.

– Quả thật, những lúc ấy tôi thấy nhà mình chẳng khác nào địa ngục trần gian. – Trudi nhớ lại. – Mười lần như một, các cuộc viếng thăm của cha đều biến thành những trận chiến lê thê, khủng khiếp mà mẹ tôi thì gào thét, kết tội ông không yêu thương con cái trong khi ông thì khăng khăng bảo mình đã làm việc quần quật cũng chỉ vì chúng tôi. Và dường như cuộc gặp gỡ nào của cha mẹ tôi cũng kết thúc bằng cảnh hai người hét vào mặt nhau. Cha thường bỏ ra khỏi nhà, đóng sầm cửa lại và la lớn: “Bởi vậy đừng hỏi tại sao tôi chẳng bao giờ muốn về cái nhà này!”. Nhưng cũng có những lúc mẹ tôi tỏ ra mềm mỏng hơn. Bà thôi khóc lóc, dọa dẫm ông về chuyện ly dị hoặc tự tử để phải đi bệnh viện. Những lúc đó, cha tôi cũng thay đổi đôi chút, ông về nhà sớm hơn và dành thời gian để chơi đùa với chúng tôi. Thế là mẹ nấu những món thật ngon mà theo tôi đoán là để dành cho cha vì ông đã về nhà sớm. – Trudi cau mày rồi nói tiếp. – Được chừng vài ba hôm thì cha tôi lại trễ hẹn và gọi điện về nhà. Giọng mẹ lạnh lùng trong điện thoại: “À, hiểu rồi! Vậy sao, thật ư?”. Và chẳng mấy chốc, bà bắt đầu tru tréo lên, văng ra những lời tục tĩu rồi dập mạnh điện thoại. Cả chị Beth và tôi đều đã ăn mặc chỉnh tề chờ cha về ăn tối. Chúng tôi đã chuẩn bị bàn ăn thật tinh tươm, đẹp mắt với hoa và nến theo ý của mẹ. Thế nhưng lúc ấy, mẹ hùng hổ đi quanh gian bếp, la lối, đập nồi rồi chửi rủa cha bằng những lời tồi tệ. Sau đó bà bình tĩnh trở lại, lạnh lùng bảo cả nhà sẽ ăn tối mà không có cha. Nhưng mà như thế còn tệ hơn cả việc mẹ la mắng, chửi rủa. Bà lấy thức ăn cho chị em tôi rồi lạnh lùng ăn mà không thèm nhìn chúng tôi lấy một cái. Hai chị em tôi đều im lặng, thậm chí không dám nói lời nào trong lúc ăn. Chúng tôi cứ nán lại đó, cố tìm cách làm cho mẹ nguôi ngoai nhưng thường thì chẳng làm được gì. Sau những bữa cơm như thế, tôi thường cảm thấy phát ốm và vào nửa đêm, tôi cảm thấy buồn nôn kinh khủng. Không khí như thế thì làm sao mà tiêu hóa thức ăn cho nổi!

– Đúng vậy! Và cô cũng không thể nào học được cách hành xử tích cực trong các mối quan hệ. – Tôi gật đầu tán thành và hỏi tiếp. – Thế lúc đó cô cảm thấy thế nào?

Trudi suy nghĩ giây lát rồi gật đầu như thể khẳng định thêm cho câu trả lời của mình:

– Ngay lúc đó thì tôi cảm thấy rất sợ hãi, nhưng phần lớn tôi lại cảm thấy cô đơn. Chẳng ai đoái hoài đến tôi, xem tôi đang làm gì, nghĩ gì. Chị tôi rất nhút nhát nên hầu như rất ít nói. Khi không học nhạc, chị ấy thường ở lỳ trong phòng. Theo tôi nghĩ, chị ấy chơi sáo chỉ vì muốn át tiếng cãi cọ của cha mẹ cũng như có lý do để không phải chứng kiến những cảnh đau lòng ấy. Còn về phần mình, tôi cũng cố không gây thêm phiền phức. Tôi yên lặng, giả vờ như không biết cha mẹ đang làm gì và giữ kín những suy nghĩ của mình. Ở trường, tôi cố gắng học thật giỏi. Dường như đó là lý do duy nhất để cha tôi chú ý đến tôi. Cha tôi thường bảo: “Nào, đưa cha xem bảng điểm!” và thế là chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau đôi chút. Cha tôi rất thích tôi đạt được thành tích cao, vì thế tôi luôn cố gắng học thật tốt.

Nói đến đây, Trudi xoa xoa chân mày, rồi với vẻ tư lự, cô tiếp tục:

– Ngoài ra, tôi còn cảm thấy một điều khác nữa, đó là mình rất buồn. Hình như lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn nhưng lại chẳng nói với ai. Nếu ai đó hỏi tôi cảm thấy thế nào, tôi sẽ trả lời là tôi bình thường, hoàn toàn bình thường. Vì nếu tôi nói là mình buồn, tôi cũng không biết phải giải thích vì sao. Làm sao tôi lại buồn được kia chứ? Tôi chẳng hề thiếu thốn hay chịu đựng điều gì cả. Tôi có tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Ý tôi nói là tôi chưa từng bị đói ăn, chưa từng cần điều gì mà cha mẹ không cho.

Rõ ràng, đến giây phút này, Trudi vẫn chưa hiểu nguyên nhân sâu xa của sự cô độc mà cô đã trải qua trong gia đình. Cô thiếu thốn tình yêu thương cùng sự quan tâm, dưỡng dục của cha mẹ. Trong khi người cha ít khi tiếp xúc với con cái thì người mẹ chỉ quan tâm đến cảm giác giận dữ, thất vọng về chồng. Điều đó đã khiến Trudi và chị gái luôn khao khát tình cảm.

Lẽ ra, khi lớn lên, Trudi sẽ chia sẻ với cha mẹ những chuyện thầm kín để được họ quan tâm, chỉ dạy. Thế nhưng, cha mẹ cô không thể đón nhận điều đó bởi họ quá bận với những cuộc chiến của mình! Vì thế, Trudi đã mang chính bản thân và tình yêu của mình (dưới hình thức tình dục) tặng cho người khác. Nhưng tiếc thay, đó lại là những người không mong muốn hoặc không thể đón nhận tình yêu cũng như sự dâng hiến của cô! Thế thì Trudi biết phải làm gì đây? Dường như chẳng có điều gì trong cuộc sống có thể bù đắp được sự thiếu thốn tình thương mà cô vốn đã gánh chịu.

Khi mâu thuẫn giữa cha mẹ Trudi lên đến đỉnh điểm và mấp mé bờ vực ly hôn thì chị gái của cô bỏ nhà đi theo thầy dạy nhạc. Cha mẹ của Trudi tạm ngưng cãi vã khi chứng kiến thực tế phũ phàng rằng cô con gái lớn của mình đã bỏ nhà theo một người đàn ông gấp đôi tuổi cô và thậm chí còn không nuôi nổi bản thân. Về phía Trudi, cô quen hết người này đến người khác và gần như đã ngủ với tất cả bọn họ. Tận sâu trong lòng mình, Trudi nghĩ nguyên nhân của mọi rắc rối trong gia đình đều do mẹ cô gây nên bởi bà đã xua đuổi cha bằng những lời dọa nạt và chì chiết. Trudi thề với lòng mình sẽ không bao giờ trở thành người phụ nữ như mẹ mà sẽ giành tình yêu của đàn ông bằng tình yêu thương, thấu hiểu và sự hiến dâng trọn vẹn. Và cô đã thử làm điều đó với anh bạn cầu thủ bóng đá của mình. Thế nhưng, mọi việc vẫn chẳng diễn ra như mong muốn của cô. Sau sự việc đó, Trudi kết luận rằng nguyên nhân không phải vì cách tiếp cận của mình sai mà chính là bởi cô chưa hiến dâng trọn vẹn. Và cô tiếp tục cố gắng, tiếp tục cho đi nhưng chẳng có anh chàng nào chịu ở lại với cô.

Sang học kỳ mới, Trudi gặp Jim, một người đàn ông đã có gia đình học cùng lớp tại trường đại học. Jim học khóa chuyên tu về luật để được thăng tiến trong ngành cảnh sát. Ba mươi tuổi, anh ta đã có vợ, hai con và sắp sửa có thêm đứa thứ ba. Qua câu chuyện trong một buổi chiều nọ, Jim bảo với Trudi rằng anh đã cưới vợ khi còn quá trẻ và giờ đang không hạnh phúc với vợ. Anh ta cảnh báo với cô, bằng giọng của bậc cha chú, rằng cô không nên sớm mắc vào cái bẫy hôn nhân vốn đầy trách nhiệm. Trudi cảm thấy rất tự hào vì được Jim thổ lộ những chuyện riêng tư như thế. Anh ta có vẻ tử tế, dễ bị tổn thương và dường như hơi cô độc. Jim còn bảo với Trudi rằng thật tuyệt vời khi được nói chuyện với cô vì anh chưa từng nói chuyện với ai nhiều như thế đồng thời rất mong được gặp lại cô. Trudi nhận lời ngay lập tức vì chưa bao giờ cô có dịp trò chuyện thân mật, sâu lắng với ai đến thế, dù hôm đó cô chỉ lắng nghe Jim nói mà thôi. Cuộc nói chuyện ấy đã hé mở cho cô thấy sự quan tâm mà bấy lâu cô hằng ao ước. Hai ngày sau, họ lại gặp nhau để trò chuyện nhưng lần này là trên một ngọn đồi phía sau khu nội trú của trường. Hôm đó Jim đã hôn cô trước khi họ quay về. Trong vòng một tuần, họ đã hẹn hò ba lần vào các buổi chiều cô đi học tại văn phòng của anh chàng cảnh sát này. Thế là cuộc sống của Trudi bắt đầu xoay quanh những khoảng thời gian hẹn hò bí mật ấy. Nhưng điều đáng nói là cô không chịu nhìn nhận ảnh hưởng của mối quan hệ này đối với bản thân cô. Trudi trốn học và lần đầu tiên trong đời, cô bỏ rơi sách vở. Cô nói dối bạn bè về lịch sinh hoạt thường ngày của mình và sau đó thì tránh mặt họ để không phải nói dối mãi. Trudi cắt đứt dần mọi hoạt động xã hội và chỉ quan tâm đến chuyện ở bên Jim bất cứ khi nào có thể hoặc nghĩ đến anh ta mỗi khi xa cách. Lúc nào cô cũng cố gắng sắp xếp để được ở bên anh ta lâu hơn.

Để đáp lại, Jim tỏ ra vô cùng quan tâm và chiều chuộng cô khi họ ở bên nhau. Anh ta chỉ nói những điều cô muốn nghe – rằng cô thật tuyệt vời, thật đặc biệt và cô đã mang đến cho anh ta cảm giác hạnh phúc hơn bao giờ hết. Những lời nói đó của Jim lại càng khiến Trudi nỗ lực gấp bội để làm anh ta say mê và vui lòng hơn. Lúc đầu, cô mua những bộ đồ lót đắt tiền để anh thích thú, rồi đến nước hoa và các tinh dầu. Nhưng sau đó, anh ta đã ngăn cô lại vì sợ bị vợ phát hiện ra mùi hương lạ. Không nản lòng, cô tiếp tục tìm đọc những loại sách hướng dẫn nghệ thuật phòng the và thử nghiệm những kiến thức mới với anh. Sự phấn khích của Jim càng khiến Trudi hào hứng. Chẳng có điều gì khiến Jim cảm thấy hứng thú bằng niềm đam mê khoái lạc mà Trudi đã khơi gợi ở anh ta. Thế là cô đã hưởng ứng một cách mạnh mẽ trước sự quyến rũ của Jim. Cô đã cung phụng mọi nhu cầu tình dục của Jim để đổi lấy cảm giác được yêu thương, quan tâm qua sự thỏa mãn của anh ta mà không hề nghĩ gì đến bản thân mình. Chính vì thế, anh ta càng thỏa mãn thì cô càng cảm thấy hài lòng. Cô cho rằng thời gian mình dành cho Jim đã mang đến cho cô sự thừa nhận về giá trị bản thân mà cô hằng khao khát. Những khi không ở bên Jim, Trudi chỉ nghĩ cách để quyến rũ anh nhiều hơn. Lâu dần, bạn bè Trudi cũng không còn rủ cô đi chơi chung nữa và cuộc sống cô trở nên khép kín, chỉ xoay quanh một nỗi ám ảnh duy nhất: làm cho Jim hạnh phúc hơn nữa. Mỗi lần họ gặp nhau, Trudi lại cảm thấy trào dâng niềm vui chiến thắng: chiến thắng sự tẻ nhạt trong quan hệ chăn gối của vợ chồng Jim lẫn chiến thắng sự thất bại trong cuộc hôn nhân của anh ta. Và cô tìm cách khiến anh ta hạnh phúc để cũng có được cảm giác tương tự. Cuối cùng thì tình yêu của cô cũng mang đến sự kỳ diệu cho cuộc đời ai đó. Và đó chính là điều mà Trudi vẫn hằng mong muốn. Cô không hề giống mẹ mình, người chỉ khiến đàn ông xa lánh vì quá đòi hỏi. Cô đang tạo dựng sự gắn bó vĩnh cửu dựa trên tình yêu và lòng vị tha. Cô tự hào vì không đòi hỏi gì nhiều ở Jim.

– Những lúc không có anh ấy, tôi cảm thấy rất cô đơn và thời gian cứ dài đăng đẵng. Mỗi tuần, chúng tôi chỉ gặp nhau có ba lần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu; mỗi lần khoảng hai tiếng đồng hồ. Còn lại thì anh ấy chẳng bao giờ liên lạc với tôi cả. Hễ mỗi lần gặp nhau là chúng tôi lại lao vào những cuộc ái ân nồng cháy. Nó tuyệt vời và nồng nàn đến đỗi chúng tôi nghĩ trên đời này khó có đôi nào hạnh phúc hơn mình. Nhưng rồi sau đó thì chúng tôi lại phải chia tay nhau. Những ngày giờ còn lại trong tuần, tôi cảm thấy rất cô đơn, trống trải. Tôi chẳng làm gì ngoài chuyện trông ngóng đến lúc được gặp lại Jim. Tôi gội đầu bằng loại dầu đặc biệt, chăm sóc móng tay và sống lơ đễnh cả tuần, chỉ nghĩ đến Jim. Nhưng tôi không nghĩ nhiều đến vợ con anh ta. Tôi tin rằng Jim đã bị gài bẫy hôn nhân khi còn quá trẻ, chưa biết mình muốn gì. Việc anh không hề có ý định từ bỏ gia đình, trốn tránh trách nhiệm làm chồng, làm cha lại càng khiến tôi yêu mến anh nhiều hơn.

“…Cũng như cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên anh ta” – có lẽ Trudi cũng định thừa nhận như thế nhưng không tiện nói ra. Cô không có khả năng duy trì những mối quan hệ tình cảm; vậy nên việc Jim đã có gia đình không khiến cô bận lòng. Chúng ta thường cảm thấy thoải mái trước những điều quen thuộc. Việc Jim tỏ ra xa cách và không hứa hẹn điều gì lại chính là những gì Trudi đã từng trải nghiệm và biết rõ từ bé qua cách đối xử của cha mẹ cô. Chính vì thế, cô dễ dàng chấp nhận và thoải mái chịu đựng điều đó.

Khi học kỳ hai sắp chấm dứt và mùa hè sắp đến, Trudi bèn hỏi Jim về tương lai mối quan hệ của cả hai. Nếu nhà trường đóng cửa thì cô cũng không có cớ để trốn học gặp anh. Jim nhíu mày và trả lời mơ hồ: “Anh cũng không biết nữa, để anh coi sao nhé!”. Chỉ cái nhíu mày đó cũng đủ khiến Trudi dừng lại bởi điều duy nhất khiến họ gắn bó với nhau chính là niềm hạnh phúc mà cô có thể mang lại cho Jim. Nếu anh ta không hạnh phúc thì mọi chuyện coi như chấm dứt. Cô không thể khiến anh phải đau khổ.

Năm học kết thúc mà Jim vẫn chưa nghĩ ra được điều gì. “Anh sẽ gọi cho em” – anh ta bảo với Trudi như thế. Và Trudi đã đợi. Cha của một người bạn đã đề nghị cô đến làm việc cho khu resort của ông vào mùa hè. Một số người bạn của cô đã đến đó làm và thúc giục cô nhận lời. Họ bảo với cô rằng làm việc ở đó rất vui vì cả ngày được ở bên bờ hồ. Thế nhưng Trudi đã từ chối vì sợ bỏ lỡ điện thoại của Jim. Và dù cô gần như không ra khỏi nhà suốt ba tuần lễ thì vẫn chẳng có cuộc điện thoại nào cho cô.

Một buổi chiều tháng Bảy nóng bức, Trudi xuống phố thơ thẩn mua sắm. Vừa bước ra khỏi một cửa hiệu, hãy còn nheo mắt vì cái nắng gay gắt bên ngoài, cô bỗng trông thấy Jim – rám nắng, tươi cười tay trong tay với một người phụ nữ có lẽ là vợ anh ta. Hai đứa trẻ, một trai một gái, lẽo đẽo theo sau họ và trên ngực Jim là một đứa bé sơ sinh nằm trong cái đai. Trudi đưa mắt nhìn Jim. Anh ta nhìn cô thật nhanh rồi quay đi, bước ngang qua cô cùng với vợ con của mình.

Không hiểu bằng cách nào đó, Trudi cũng chui được vào xe dù ngực cô đau đớn đến ngạt thở. Cô ngồi im trong xe, khóc nức nở và thở hổn hển mãi đến khi mặt trời đã lặn rất lâu. Trudi chậm chạp lái xe về trường, cho xe lên ngọn đồi cũ nơi họ đã từng dạo chơi và hôn nhau lần đầu tiên. Cô cứ lái mãi cho tới khi đến bên một bờ vực rồi lao thẳng xuống dưới thay vì phải cua xe.

Việc Trudi vẫn sống sót sau tai nạn quả là điều kỳ diệu. Sự thật đã khiến cô quá thất vọng. Nằm trên giường bệnh, cô thề sẽ cố gắng làm lại ngay khi được ra viện. Các bác sĩ đã thực hiện mọi cuộc điều trị, phỏng vấn tâm thần cũng như sử dụng các loại thuốc cần thiết với Trudi. Cha mẹ cô thay nhau đến bệnh viện để chăm sóc cho cô và không ngừng dạy bảo cô. Cha cô liên tục đưa ra những bài thuyết giảng nghiêm khắc về việc yêu quý bản thân (Trudi nhận thấy ông không ngừng liếc nhìn đồng hồ khi nói). Và ông thường kết thúc bằng câu nói sáo rỗng này: “Con thấy đó, cha mẹ yêu con biết bao nhiêu. Hãy hứa với cha là con sẽ không bao giờ lặp lại việc này?”. Thế là Trudi hứa vì trách nhiệm phải làm, cố nở một nụ cười mà trong lòng cứ lạnh giá. Tiếp theo là những cuộc viếng thăm của mẹ cô. Bà cứ đi tới đi lui trong phòng bệnh, khăng khăng tra hỏi: “Tại sao con lại có thể làm như thế với bản thân mình kia chứ? Tại sao con có thể làm thế đối với cha mẹ? Tại sao lại đến nông nỗi này kia chứ? Có phải con buồn cha mẹ không?”. Rồi bà ngồi xuống ghế dành cho khách thăm bệnh, kể lể về diễn tiến cuộc ly hôn. Thường thì sau những cuộc viếng thăm như thế, Trudi cảm thấy lòng mình quặn thắt suốt đêm.

Vào đêm cuối cùng Trudi ở lại bệnh viện, một người y tá đã im lặng ngồi bên cô và nhẹ nhàng gợi chuyện. Thế là cả câu chuyện được tuôn ra. Cuối cùng, người y tá đã bảo Trudi: “Chị biết em sẽ nghĩ đến chuyện thử lại một lần nữa. Tại sao không kia chứ, đúng không? Đêm nay và một tuần trước thì cũng chẳng có gì khác nhau cả. Nhưng trước khi làm như thế, chị muốn em gặp một người”. Và người y tá đó, vốn từng là khách hàng của tôi, đã giới thiệu tôi cho Trudi.

Từ đó, tôi và Trudi bắt đầu làm việc với nhau, cố gắng khắc phục nhu cầu cho nhiều hơn nhận cũng như cho đi với sự trống rỗng trong tâm hồn của cô. Hai năm sau đó, Trudi quen thêm một vài người đàn ông khác và đó chính là dịp để cô kiểm nghiệm lại cách mình đã sử dụng tình dục trong các mối quan hệ như thế nào. Một trong những bạn trai của cô là giáo sư giảng dạy ngay tại trường đại học cô đang theo học. Đó là một người nghiện việc cỡ như cha cô và ban đầu, Trudi cố công quyến rũ để anh ta quên đi công việc của mình. Tuy nhiên, lần này, cô cảm thấy thật sự chán nản khi phải tìm cách thay đổi người khác và cô quyết định bỏ cuộc năm tháng sau đó. Ban đầu, việc chinh phục thử thách này có vẻ khiến cô cảm thấy thú vị. Mỗi lần giành được sự quan tâm của anh ta vào ban đêm, Trudi cảm thấy giá trị bản thân mình được thừa nhận. Nhưng đến sáng hôm sau, cô lại cảm thấy lệ thuộc hơn vào người đàn ông kia bởi anh ta tỏ ra rất hờ hững. Trong một lần tư vấn điều trị, cô cho biết: “Tối qua, tôi đã khóc và bảo với David rằng anh ấy có ý nghĩa quan trọng đối với tôi biết bao. Và cũng như bao nhiêu lần khác, anh ấy trả lời rằng tôi phải hiểu cho anh ấy bởi anh ấy có nhiều việc quan trọng cần phải hoàn thành nơi công sở. Thế là tôi không thèm nghe nữa. Tôi đã nghe những lời đó quá nhiều lần rồi. Đột nhiên, tôi nhớ đến mối quan hệ của mình với anh bạn cầu thủ trước đây. Tôi đã hiến dâng mình cho David hệt như đã từng làm với người kia”.

Trudi cười buồn bã.

– Cô không thể tưởng tượng hết những gì tôi đã từng làm để được đàn ông chú ý đâu. Tôi đã trình diễn những màn thoát y điệu nghệ, thì thầm vào tai họ những lời yêu đương và làm đủ trò khêu gợi mà tôi biết. Thậm chí với cả những người đàn ông không hề thích tôi, tôi cũng cố gắng để được họ quan tâm. Với tôi, điều thú vị nhất khi ở bên David là cảm giác rằng mình hấp dẫn đến mức anh ta phải bỏ công việc để ở lại bên mình. Tôi không thích phải thừa nhận điều này nhưng quả thật, việc được ai đó quan tâm, bất kể là David hay Jim hay bất kỳ ai, cũng là một sự khích lệ lớn đối với tôi. Trong khi những mối quan hệ luôn khiến tôi cảm thấy tồi tệ thì tình dục lại mang đến cho tôi cảm giác nhẹ nhõm. Dường như trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, mọi rào cản đều tan biến và chúng tôi hoàn toàn gắn bó với nhau. Và tôi mong mỏi sự gần gũi đó hơn tất cả. Nhưng thật lòng tôi không muốn cứ hiến dâng mãi cho David. Tôi cảm thấy mình bị tổn thương quá nhiều!

Thế nhưng, David vẫn chưa phải là người đàn ông cuối cùng mà Trudi cố gắng chinh phục. Anh chàng tiếp theo của cô là một tay chơi chứng khoán trẻ tuổi đồng thời là một vận động viên ba môn thể thao phối hợp. Trudi cũng tỏ ra cạnh tranh không kém anh ta, nhưng không phải trong thể thao mà là trong tình trường, để giành lấy sự quan tâm của anh ta và cố dụ dỗ để anh ta quên đi các chương trình huấn luyện. Nhưng trong phần lớn những cuộc ân ái, anh ta thường tỏ ra mệt mỏi hoặc không hứng thú nên thời gian họ bên nhau không dài.

Một hôm, tại văn phòng tôi, khi Trudi kể lại một tình huống thất bại tương tự thì cô bỗng cười lớn.

– Nghĩ lại, tôi thấy chuyện này thật quá đáng!

Chẳng có ai lại như tôi, nỗ lực để được làm tình với một người không hề hứng thú với mình. – Cô cười lớn hơn nhưng ngay sau đó, cô nói một cách chắc chắn. – Tôi phải chấm dứt tình trạng này. Tôi sẽ không đi tìm nữa. Hình như lúc nào tôi cũng cảm thấy bị thu hút trước những người không thể mang đến cho mình điều gì cả, thậm chí còn không cần đến những gì tôi cho họ nữa.

Đó là một bước ngoặt quan trọng đối với Trudi. Cô đã biết yêu quý bản thân mình hơn qua quá trình tư vấn điều trị. Giờ đây, cô đã đánh giá được mức hy sinh cần thiết cho một mối quan hệ thay vì cứ nghĩ rằng mình chưa đáng yêu nên cần phải cố gắng nhiều hơn. Ý muốn sử dụng tình dục để tạo dựng mối quan hệ với một người đàn ông đã giảm thiểu. Hai năm sau khi kết thúc cuộc điều trị, Trudi đã hẹn hò với vài anh chàng nữa nhưng không hề ngủ với ai trong số họ.

– Giờ đây, mọi chuyện đã trở nên khác hẳn khi tôi nghĩ đến những vấn đề khác khi quyết định quen với một người đàn ông nào đó, chẳng hạn như liệu tôi có thích anh ta không, có đúng lúc không, anh ta có tử tế không… Đó là những điều mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đây. Ngày trước, lúc nào tôi cũng cố gắng hết sức để chiều lòng đối phương, để anh ta cảm thấy hạnh phúc và thừa nhận mình dễ thương. Cô biết không, sau lần hẹn hò đầu tiên, tôi không bao giờ tự hỏi liệu mình có muốn gặp lại anh ta hay không mà chỉ lo không biết anh ta có thích mình và có liên lạc với mình nữa không.

Khi Trudi kết thúc việc điều trị, cô đã không còn làm những điều đó nữa. Ngược lại, cô có thể dễ dàng nhận ra mối quan hệ nào không có tương lai, thậm chí ngay cả khi giữa hai người có lóe lên ngọn lửa tình cảm thì nó cũng có thể tàn lụi bởi thái độ tỉnh táo của cô. Cô không còn chìm đắm trong sự đau khổ và cảm giác bị chối bỏ nữa. Cô cần một người bạn đồng hành thật sự gắn bó với mình đồng thời chấm dứt những mối quan hệ không rõ ràng. Tuy thế, Trudi vẫn chưa thể cảm nhận được cuộc sống dễ chịu và gắn bó trong hiện tại. Trước đây, cô chưa từng được cảm nhận một tình cảm mà ngày nay mình đang trải nghiệm. Mặc dù luôn khát khao có được một sự gắn bó thật sự nhưng chưa bao giờ cô được tận hưởng điều đó. Việc cô luôn cảm thấy bị thu hút trước những người đàn ông không có ý định gắn bó nghiêm túc với cô cũng chẳng phải là ngẫu nhiên. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình chỉ có những trận chiến và hiệp ước thỏa thuận. Sau mỗi hiệp ước lại có thêm một trận chiến giữa cha mẹ cô. Sự đau khổ và căng thẳng luôn hiện diện trong gia đình cô và nếu có vơi đi thì cũng chỉ là tạm thời. Chưa bao giờ cô được trải nghiệm sự chia sẻ, gắn bó thân thiết hoặc yêu thương thật sự. Rút kinh nghiệm từ cách hành xử của mẹ, Trudi quan niệm về chuyện yêu đương là phải hiến dâng và cho đi vô điều kiện. Chỉ sau khi được tư vấn điều trị, Trudi mới biết rõ những điều nên và không nên làm. Đó là một sự tiến bộ lớn nhưng nó cũng chỉ đạt được một nửa thành công.

Nhiệm vụ tiếp theo của Trudi là học cách hòa hợp với những người đàn ông tử tế, ngay cả khi cô cảm thấy họ tẻ nhạt. Đây là điều thường thấy ở những phụ nữ yêu mù quáng. Họ thường cho rằng những người đàn ông tử tế thật tẻ nhạt bởi những người này không hào hoa, không nịnh đầm và không mang đến những bất ngờ thú vị. Khi mối quan hệ của cả hai được bắt đầu trong bầu không khí kém sôi nổi, hứng khởi, họ cảm thấy nó có vẻ kỳ quặc, không thoải mái, khó chịu… và nói chung là tẻ nhạt. Trudi không biết phải cư xử thế nào với người đàn ông tử tế, biết quan tâm và thật sự yêu mến cô. Cô cảm thấy không thoải mái trong mối quan hệ bình đẳng với nam giới bởi cô đã quá quen với những cảm giác níu kéo, đau khổ và đấu tranh không ngừng. Do đó, một mối quan hệ thiếu vắng những yếu tố trên lại trở nên bất ổn trong suy nghĩ của cô.

Những phụ nữ yêu mù quáng thường quen thuộc với các hành vi tiêu cực và sẽ cảm thấy thoải mái hơn với chúng thay vì với những điều ngược lại. Trừ khi Trudi học được cách sống hòa hợp với một người đàn ông biết quan tâm đến những sở thích của cô, coi trọng chúng thì cô mới có thể có được một mối quan hệ xứng đáng.

Khi còn chìm đắm trong những mối quan hệ thất bại, phụ nữ yêu mù quáng thường có những biểu hiện sau đây:

• Họ luôn tự hỏi: “Anh ta yêu mình (hoặc cần mình) ở mức độ nào?”, chứ không phải là: “Mình quan tâm đến anh ta ra sao?”.

• Hầu hết sự hưởng ứng của họ trong quan hệ chăn gối với người yêu đều xuất phát từ câu hỏi: “Làm thế nào để anh ấy yêu thương (hoặc cần) đến mình nhiều hơn?”.

• Với động cơ dâng hiến cho tất cả những ai cần đến mình, họ trở thành người có lối sống bừa bãi. Thế nhưng, mục đích của họ là làm hài lòng người khác chứ chẳng phải vì bản thân mình.

• Tình dục trở thành công cụ để họ lôi kéo hoặc thay đổi người yêu.

• Họ thường cảm thấy thích thú trước những mối quan hệ khó khăn. Họ quyến rũ đối tượng để đạt được mục đích của mình. Càng thất bại, họ càng cố gắng nhiều hơn.

• Họ nhầm lẫn giữa cảm giác lo lắng, sợ hãi và đau khổ với tình yêu và sự hưng phấn trong tình dục. Họ gọi cảm giác đau đớn trong lòng là “tình yêu”.

• Niềm vui và sự phấn khích của họ bắt nguồn từ cảm xúc của người đàn ông họ yêu thương. Họ không những không thể tự cảm nhận những điều tốt đẹp về mình mà cảm thấy bị đe dọa bởi chính những cảm xúc đó.

• Khi mối quan hệ thiếu vắng sự thách thức hay ít trắc trở, họ sẽ cảm thấy không yên. Họ không chú ý đến những anh chàng không khiến họ phải nỗ lực, phấn đấu bởi họ cho đó là tuýp người “tẻ nhạt”.

• Họ thường quan hệ với những người có ít kinh nghiệm về tình dục để luôn được đóng vai trò chủ động.

• Họ khát khao có được sự gần gũi về mặt thể xác nhưng vì lo sợ cảm giác được bảo bọc và chăm sóc nên họ chỉ cảm thấy thoải mái với tình trạng xa cách của những mối quan hệ căng thẳng. Khi người đàn ông có ý tiến xa hơn, sẵn lòng ở cạnh họ cả về mặt tình cảm lẫn thể xác thì họ lại bắt đầu cảm thấy lo sợ. Lúc đó, họ sẽ rút lui hoặc tìm cách xua đuổi người ấy.

Câu hỏi đầy xót xa của Trudi ngay buổi đầu gặp tôi: “Tại sao chúng tôi luôn cảm thấy thật tuyệt vời, tràn đầy hưng phấn và gần gũi với nhau trong những cuộc ái ân đầy mãnh liệt còn những điều còn lại thì tệ hại như thế? Tại sao chỉ có chuyện đó là ổn còn mọi vấn đề khác đều không đến đâu như vậy chứ?” là điều cần được quan tâm, xem xét kỹ lưỡng bởi những phụ nữ yêu mù quáng thường phải đối diện với tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ yêu đương không hạnh phúc mà vấn đề tình dục lại rất tuyệt vời. Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng tình dục chỉ thăng hoa trong một tình yêu đích thực; và ngược lại, tình dục không thể nào thỏa mãn trọn vẹn nếu tình yêu gặp trắc trở. Nhưng điều này không đúng với những phụ nữ yêu mù quáng. Xuất phát từ động cơ của họ, tình dục hoàn toàn có thể thăng hoa trong một mối quan hệ tệ hại.

Họ rất khó để giải thích cho gia đình và bạn bè hiểu vì sao một người không có gì đặc biệt, không được ai yêu mến lại có thể khiến họ say mê đến vậy. Chẳng ai có thể tin rằng họ đang chìm đắm trong giấc mơ màu hồng, rằng mình có thể giúp đối phương phát huy tất cả những mặt tích cực tiềm ẩn trong con người anh ta, chẳng hạn như tình yêu, sự quan tâm, tính chính trực và cao thượng. Họ tin rằng những đức tính này sẽ thăng hoa trong tình yêu ấm áp của họ. Những người phụ nữ yêu mù quáng thường tự nhủ rằng người đàn ông của mình chưa bao giờ được yêu thương thật sự, kể cả với cha mẹ, vợ hay bạn gái trước kia của anh ta. Họ cảm thấy người ấy bị tổn thương và sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm bù đắp cho anh ta. Nói một cách ví von, họ đảm nhận vai trò ngược lại với nàng công chúa ngủ trong rừng. Thay vì nằm trong rừng chờ hoàng tử đến đánh thức bằng nụ hôn tình yêu đích thực, họ muốn trở thành người phá bỏ lời nguyền, giải thoát cho người đàn ông của mình khỏi cuộc sống hiện tại mà trong mắt họ, đó chính là một nhà tù không hơn không kém. Họ chấp nhận sự hờ hững, vẻ nản chí, thái độ xa cách, cử chỉ bạo lực, gian dối hoặc nghiện ngập của anh ta và cho đó là hậu quả của sự thiếu thốn tình thương. Họ mang tình yêu của mình ra đối chọi với những lỗi lầm, thất bại và thậm chí cả bệnh tật của anh ta. Họ quyết tâm cứu rỗi anh ta bằng sức mạnh của tình yêu.

Và tình dục là một trong những phương thức hàng đầu để họ thể hiện tình yêu đối với người đàn ông kia. Mỗi cuộc ân ái là một nỗ lực của họ nhằm thay đổi người mình yêu. Qua từng nụ hôn, từng cái vuốt ve, họ muốn thể hiện sự ngưỡng mộ, yêu chiều của mình đối với người yêu cũng như tầm quan trọng của anh ta đối với bản thân mình. Họ tin rằng một khi đã bị chinh phục, anh ta sẽ biến đổi thành một người với đầy đủ những đức tính mà họ mong đợi.

Nói một cách nào đó, tình dục trong những mối quan hệ như thế này thường rất tốt đẹp vì chính bản thân người trong cuộc muốn như thế. Họ đầu tư công sức với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất. Và những gì được nhận về càng khiến họ cố gắng hơn nữa, tỏ ra yêu thương, chiều chuộng người kia hơn nữa. Ngoài ra, còn phải tính đến những yếu tố khác. Chẳng hạn, dù nhiều người nghĩ rằng tình dục không thể thăng hoa khi mối quan hệ giữa hai bên xấu đi, nhưng ta cũng nên nhớ rằng đỉnh cao của tình dục chính là để giải phóng sự căng thẳng cả về tinh thần và thể chất. Trong khi một số phụ nữ né tránh những cuộc ái ân với bạn đời vì cả hai đang xảy ra mâu thuẫn hay căng thẳng thì ngược lại, cũng có nhiều phụ nữ khác lại nhận thấy tác dụng giải tỏa căng thẳng tuyệt vời của tình dục, ít ra là trong thời điểm đó. Và đối với một phụ nữ không hạnh phúc hoặc chung sống với người không tương xứng, thì có thể tình dục chính là khía cạnh thỏa mãn nhất trong mối quan hệ của họ hoặc là con đường gắn kết họ hiệu quả nhất.

Trong thực tế, mức độ thỏa mãn tình dục ở người phụ nữ có liên quan trực tiếp đến mức độ bất mãn của cô đối với người bạn đời. Điều này cũng dễ hiểu. Có nhiều cặp đôi đạt được cảm giác thỏa mãn trong quan hệ gối chăn sau khi đã cãi vã nhau. Bởi sau trận chiến, mỗi người đều thể hiện vai trò tích cực để tình dục thăng hoa: một ra sức tận hưởng để giải tỏa căng thẳng và một thì tận tụy dâng hiến sao cho cả hai đều cảm thấy hạnh phúc nhằm thắt chặt thêm mối dây gắn kết giữa đôi bên. Do đó, thực tế cho thấy tình dục thăng hoa sau những va chạm trong cuộc sống có thể góp phần củng cố thêm mối quan hệ của cả hai. Lúc đó, có thể họ cho rằng: “Chúng mình gần gũi nhau đến thế kia mà; chúng mình còn yêu nhau lắm và vẫn mang lại hạnh phúc cho nhau đấy thôi. Chúng mình thật sự thuộc về nhau”.

Tình dục, khi được thỏa mãn cao độ, sẽ có khả năng tạo dựng mối dây gắn bó sâu sắc giữa hai con người. Đặc biệt, đối với những phụ nữ yêu mù quáng, tình yêu của họ càng gian truân, trắc trở thì tình dục của họ càng trở nên mãnh liệt và mức độ gắn bó của họ với đối phương cũng tăng lên. Ngược lại, khi quan hệ với một người bình thường, không đòi hỏi phải nỗ lực hay cố gắng nhiều, tình dục đối với họ bỗng giảm độ nồng nàn, say mê. Vì không cảm thấy hứng thú, hồi hộp thường xuyên đối với người đàn ông ấy cũng như tình dục lúc này chẳng dùng để chứng tỏ điều gì nên họ cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt trong mối quan hệ của cả hai. So với những mối quan hệ đầy bão tố mà họ từng biết, kiểu tình cảm êm đềm này càng khiến họ khẳng định niềm tin rằng “tình yêu đích thực” phải chứa đầy chông gai, thử thách, đau đớn và thăng trầm.

Nhân tiện, tôi cũng xin bàn về khái niệm tình yêu đích thực. Xưa nay, dù bản chất tình yêu vốn khó định nghĩa nhưng tôi xin thưa rằng đó là vì chúng ta đã cố kết hợp hai vấn đề của tình yêu thành một. Vì thế, càng nói về tình yêu, chúng ta càng cảm thấy mâu thuẫn khi nhận thấy hai mặt của nó đối lập nhau. Chúng ta bỏ cuộc trong tuyệt vọng, rối rắm và cho rằng tình yêu là một điều gì đó quá riêng tư, bí ẩn và không thể giải thích được nên cũng không thể giữ được.

Người Hy Lạp tỏ ra rất thông minh trong việc định nghĩa về tình yêu. Họ dùng hai từ “ái tình” và “yêu thương” để phân biệt rõ hai cảm nhận khác nhau mà ta thường gọi chung là tình yêu. “Ái tình” dùng để chỉ thứ tình yêu si mê, trong khi “yêu thương” để chỉ mối quan hệ gắn bó, ổn định, không hiện hữu sự đam mê giữa hai con người quan tâm sâu sắc đến nhau.

Sự tương phản giữa “ái tình” và “yêu thương” giúp chúng ta hiểu được tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi ta tìm kiếm sự hiện hữu của cả hai khía cạnh này ở cùng thời điểm trong mối quan hệ với ai đó. Cả “ái tình” và “yêu thương” đều có những vẻ đẹp, bản chất lẫn giá trị rất đặc biệt. Đó chính là lý do vì sao mỗi khía cạnh đều được cho là tình yêu đích thực.

Tuy nhiên, cả hai khía cạnh đều thiếu vắng một điều gì đó quan trọng, quý giá mà khía cạnh còn lại đang nắm giữ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem “ái tình” và “yêu thương” có những điểm gì đặc biệt:

Ái tình: Khía cạnh khát khao đến tột cùng được yêu một người khác biệt và bí ẩn. Mức độ sâu sắc của tình yêu được đo bằng mức ám ảnh mãnh liệt về hình bóng người ấy. Người trong cuộc dường như còn rất ít thời gian để nghĩ đến những thú vui, mục tiêu khác trong cuộc sống bởi họ tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho việc hồi tưởng những gì đã qua và tưởng tượng về những gì sắp đến. Thông thường, người trong cuộc nỗ lực hết sức để vượt qua mọi trở ngại. Chính vì thế, tình yêu đích thực thường gắn liền với đau thương. Một thước đo khác về độ sâu sắc trong tình yêu chính là lòng tận tụy, sẵn sàng gánh vác mọi khổ đau và khó nhọc vì tình yêu. Đi kèm với tình yêu đích thực là cảm giác phấn khích, ngây ngất, kịch tính, lo lắng, căng thẳng, bí ẩn và khát khao.

Yêu thương: Khía cạnh gắn bó mật thiết giữa hai con người có liên hệ sâu sắc với nhau. Họ cùng chia sẻ với nhau những giá trị, sở thích, mục tiêu và đón nhận những điểm khác biệt của nhau. Độ sâu sắc của tình yêu được đo bằng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Mối quan hệ giữa đôi bên mang đến cho họ cảm giác thoải mái, cởi mở, sáng tạo và tự tin hơn trong cuộc sống. Niềm vui hiện diện trong quá khứ, hiện tại và cả ở tương lai. Họ xem nhau như những người bạn thân thiết, gần gũi nhất trên đời. Một thước đo độ sâu sắc khác trong tình cảm của họ chính là thái độ sẵn lòng nhìn lại bản thân mình để phát triển tình cảm và mối quan hệ đôi bên. Đi kèm với tình yêu đích thực là cảm giác thanh bình, an toàn, thấu hiểu, đồng hành và thoải mái.

Người phụ nữ yêu mù quáng thường sở hữu tình yêu si mê, hay còn gọi là ái tình đối với người đàn ông không thể đáp ứng được nhu cầu tình cảm của họ. Thật ra, đấy mới chính là lý do khiến họ say mê người kia nhiều đến thế. Để duy trì được sự si mê đó, mối quan hệ giữa cả hai phải tồn tại những khó khăn, trắc trở để vượt qua. Si mê hiểu theo nghĩa đen chính là sự chịu đựng và thường thì sự chịu đựng càng lớn, niềm si mê càng sâu đậm. Cảm giác phấn khích mãnh liệt của mối tình si mê khác hẳn với cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng của mối quan hệ gắn bó, ổn định. Do đó, nếu nhận được những gì đã từng khát khao, người phụ nữ yêu mù quáng sẽ không còn sống trong cảnh chịu đựng nữa và do đó, niềm si mê của cô cũng tàn lụi theo. Có thể khi đó, cô sẽ nghĩ rằng mình đã hết yêu người kia.

Xã hội và những phương tiện thông tin đại chúng đã khiến ta cảm thấy rối rắm trước hai khái niệm tình yêu này. Chúng ta tin rằng ái tình sẽ mang đến cho mình mối quan hệ đích thực, thỏa mãn; niềm si mê đúng mực sẽ tạo nên mối quan hệ bền vững, khắng khít. Tất cả những mối quan hệ thất bại khởi đầu từ tình cảm si mê đều cho thấy niềm tin đó hoàn toàn sai lệch. Sự khát khao, chán nản và chịu đựng không thể tạo nên một mối quan hệ ổn định và dài lâu dù chúng chính là những yếu tố tạo nên một tình yêu đam mê. Những thú vui, sở thích và mục tiêu chung cũng như khả năng thể hiện một tình cảm sâu sắc chính là các yếu tố cần thiết để một mối quan hệ biến chuyển từ tình yêu si mê ban đầu sang sự gắn kết dài lâu. Tình yêu si mê vốn chứa đầy cảm giác phấn khích, chịu đựng và đau khổ nhưng vẫn tồn tại cảm giác thiếu thốn một điều gì đó. Đó chính là sự gắn bó, hứa hẹn – những yếu tố mang lại cho người trong cuộc cảm giác an toàn. Nếu những trở ngại đó được giải quyết và một sự gắn bó thật sự xuất hiện, cả hai sẽ nhìn nhau và thắc mắc rằng cảm giác đam mê đã đi về đâu? Họ cảm thấy an toàn, ấm cúng trong tình yêu của nhau nhưng đồng thời cũng cảm thấy đôi chút thất vọng khi ngọn lửa đam mê đã tàn lụi và họ không còn khao khát nhau như ban đầu.

Cái giá mà ta phải trả cho sự si mê chính là nỗi lo sợ và sự đau đớn – những điều vừa có tác dụng nuôi dưỡng vừa hủy hoại tình yêu si mê ấy. Cái giá mà chúng ta phải trả cho mối quan hệ gắn bó, ổn định thật sự chính là cảm giác tẻ nhạt và sự an toàn – những yếu tố vừa có tác dụng gắn kết vừa là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ trở nên khô cứng, thiếu sức sống.

Để duy trì sự phấn khích và thú vị trong mối quan hệ sau hôn nhân, cả hai cần tạo dựng mối quan hệ trên nền tảng của sự khám phá bất tận (chứ không phải sự đau khổ hay khát khao) mà nhà văn Anh D. H. Lawrence gọi là “những bí ẩn thú vị” giữa hai người. Theo Lawrence, tốt nhất là nên áp dụng điều này với một trong hai người, bởi niềm tin và sự chân thành của “yêu thương” phải được gắn liền với sự khuyến khích và tính dễ tổn thương của “si mê” để tạo nên tình yêu thật sự. Tôi từng được nghe một người cai rượu thành công nói về điều này rất giản dị và đáng yêu như sau: “Khi say, tôi ngủ với hàng tá phụ nữ và cơ bản là lần nào cũng như lần nào. Nhưng khi tỉnh táo, tôi chỉ ngủ với vợ mình và cảm giác lần nào cũng mới lạ”.

Cảm giác phấn khích, hào hứng thường xuất phát từ sự tò mò nhiều hơn là sự quen thuộc. Đa số chúng ta khi đã đạt đến giai đoạn gắn bó ổn định trong mối quan hệ thường chấp nhận cuộc sống thoải mái, bình lặng bởi ta sợ phải khám phá ra những điều sâu kín trong người bạn đời của mình cũng như thể hiện mọi ngóc ngách tâm hồn của mình. Vì thế, vô tình chúng ta đã né tránh và bỏ quên món quà quý giá nhất: tình yêu đích thực.

Đối với những phụ nữ yêu mù quáng, họ chỉ có thể đạt được tình yêu đích thực sau khi trở lại cuộc sống khỏe mạnh, cân bằng. Ở phần sau của cuốn sách này, chúng ta sẽ gặp lại Trudi và có dịp chứng kiến cô đối diện với thử thách này khi đã bình phục hoàn toàn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.