Phụ Nữ Yêu Như Thế Nào

CHƯƠNG 3: “NẾU EM CHỊU ĐỰNG ĐAU KHỔ VÌ ANH, ANH SẼ YÊU EM CHỨ?”



Tôi phải nhoài người ra phía trước mới đọc được bài thơ trên một bức tranh cũ, màu đã phai được đóng khung treo giữa những bức tranh bừa bộn trong phòng. Bài thơ như sau:

Mẹ yêu quý của con

Hỡi mẹ yêu quý!

Mỗi khi nghĩ về mẹ,

Con luôn muốn mình được hoàn hảo.

Sự thật là như thế.

Tất cả những điều tốt đẹp,

Cao quý và vĩ đại,

Đều từ mẹ mà nên,

Người đã có công dìu dắt con.

Lisa, một họa sĩ có thu nhập rất khiêm tốn sống trong căn phòng có đến phân nửa diện tích dùng làm xưởng vẽ. Cô chỉ về phía bức tranh và cười nhẹ:

– Nghe có vẻ hơi ủy mị đúng không?

Nhưng rồi những câu sau đó lại cho thấy nét đa cảm rõ rệt ở Lisa.

– Suýt nữa cô bạn thân của tôi đã quẳng nó vào sọt rác lúc dọn nhà. Cô ấy đã mua nó ở một cửa hàng rẻ tiền, chỉ để cho vui. Nhưng tôi thấy bài thơ cũng có phần đúng đấy chứ, phải không chị? – Lisa lại cười và buồn bã nói. – Vì yêu mẹ mà tôi luôn gặp phải những chuyện không hay trong mối quan hệ tình cảm với nam giới.

Nói đến đây, Lisa dừng lại trong chốc lát và trầm ngâm hồi tưởng. Cao ráo, với đôi mắt xanh mở to và mái tóc đen dài thẳng, Lisa là một cô gái đẹp. Cô ra hiệu bảo tôi ngồi xuống chiếc đệm may chần bông nơi góc phòng và mời tôi dùng trà. Trong lúc pha trà, cô chỉ im lặng.

Tôi biết đến hoàn cảnh của Lisa qua một người bạn. Lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu, Lisa vô tình trở thành một người đồng nghiện rượu, nghĩa là có cách hành xử sai lệch trong các quan hệ tình cảm do ảnh hưởng của việc chung sống này.

Người đồng nghiện thường gánh chịu những “di chứng” từ việc sống chung với người nghiên rượu như: lòng tự trọng thấp, khao khát thay đổi, kiểm soát người khác và sẵn sàng chịu đựng đau khổ. Trong thực tế, phần lớn vợ và con gái của những kẻ nghiện đều trở thành những phụ nữ yêu mù quáng.

Tôi đã được nghe kể về tuổi thơ luôn phải che chở, bảo bọc cho người mẹ nghiện rượu của Lisa. Chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách xử sự của cô đối với nam giới sau này. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi lắng nghe và chẳng bao lâu sau, cô đã kể rõ mọi chuyện.

Lisa là con giữa trong gia đình có ba người con. Chị gái cô là nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân vội vã của cha mẹ cô, còn đứa em trai cũng là một bất ngờ khác đối với họ sau khi sinh Lisa được tám năm bởi lúc đó mẹ cô vẫn còn nghiện rượu. Chỉ có cô là đứa con được sinh ra theo kế hoạch của cha mẹ.

– Lúc nào tôi cũng nghĩ mẹ là người hoàn hảo bởi vì bà luôn cần có tôi để tồn tại. Tôi biến bà trở thành người mẹ như tôi mong muốn và tự nhủ mình cũng sẽ trở thành một người như bà. Tôi đã sống một cuộc sống thật tuyệt vời! – Lisa lắc đầu rồi tiếp tục nói. – Tôi được sinh ra giữa lúc cha mẹ yêu nhau tha thiết nên tôi là đứa con được bà yêu thương nhất. Mặc dù bà luôn bảo rằng bà yêu tất cả các con như nhau, nhưng tôi vẫn biết mình có ý nghĩa đặc biệt đối với bà. Lúc nào mẹ con tôi cũng tranh thủ quanh quẩn bên nhau. Khi tôi còn bé, mẹ là người chăm sóc tôi nhưng rồi sau đó, tôi lại trở thành người chăm sóc cho bà.

Cha tôi lúc nào cũng kinh khủng. Ông đối xử với mẹ rất thô bạo và ham mê cờ bạc đến tán gia bại sản. Vốn là kỹ sư, cha tôi cũng kiếm được khá nhiều tiền, thế nhưng gia đình chúng tôi chẳng có được thứ gì quý giá và cứ phải dọn nhà liên tục. Bài thơ mà chị đọc khi nãy, thật ra là ước mơ của tôi nhiều hơn là sự thật. Cả đời tôi chỉ muốn mẹ mình trở thành con người được mô tả trong bài thơ đó, nhưng mẹ chẳng bao giờ gần gũi được với tôi vì lúc nào bà cũng nghiện ngập. Ngày nhỏ, tôi luôn dành cho mẹ tất cả tình yêu, lòng tận tụy và công sức của mình với hy vọng sẽ nhận lại những gì đã cho. – Lisa dừng lời, ánh mắt thoáng buồn. – Tôi đã nhận ra những điều đó qua quá trình điều trị và chị biết không, thật là đau đớn khi phải nhìn thẳng vào sự thật thay vì chỉ nhìn thấy ảo ảnh của những điều mình mong muốn như trước kia.

Mẹ con tôi rất gắn bó với nhau. Nhưng ngay từ khi còn rất nhỏ, từ lúc tôi bắt đầu nhớ được cho đến bây giờ, tôi luôn hành động như thể mình là mẹ của bà vậy. Tôi lo lắng cho bà và luôn tìm cách bảo vệ bà trước cha tôi. Tôi cố gắng làm mọi chuyện để mẹ vui lòng vì bà là tất cả những gì tôi có. Tôi biết mẹ cũng quan tâm đến tôi vì rất nhiều lần bà bảo tôi đến ngồi bên bà. Hai mẹ con tôi cứ ngồi như thế rất lâu, rúc vào nhau và hầu như không nói năng gì. Giờ đây nhìn lại, tôi nhận ra rằng hồi đó lúc nào tôi cũng lo lắng cho mẹ, sợ sẽ có chuyện kinh khủng xảy ra với bà – và tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được điều đó nếu tôi cẩn trọng. Đó là một cuộc sống không mấy dễ dàng nhưng quả thật tôi chẳng biết làm thế nào khác. Và nó đòi hỏi phải trả giá. Suốt giai đoạn thời niên thiếu, tôi đã phải gánh chịu nhiều nỗi khổ đau.

Lisa khẽ mỉm cười.

– Khi phải sống trong đau khổ, điều tôi lo lắng nhất là mình không thể chăm sóc cho mẹ tử tế. Chị thấy đó, có vẻ tôi là người rất chu đáo… và rất sợ phải bỏ rơi mẹ, dù chỉ là trong phút chốc. Cách duy nhất để tôi có thể rời xa mẹ là bám vào một ai đó. Lisa mang một khay trà sơn mài đen đỏ ra đặt xuống sàn nhà rồi tiếp tục câu chuyện.

– Năm mười chín tuổi, tôi cùng hai người bạn gái sang Mexico chơi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xa mẹ. Chúng tôi ở đó chơi ba tuần và trong tuần thứ hai, tôi đã gặp một anh chàng Mexico rất đẹp trai, nói tiếng Anh lưu loát lại rất ga lăng và quan tâm đến tôi. Đến tuần cuối cùng của kỳ nghỉ, ngày nào anh ta cũng đòi hỏi cưới tôi. Anh ta nói anh ta yêu tôi và không thể nào sống thiếu tôi. Có lẽ đó chính là lý do hoàn hảo khiến tôi bị thuyết phục. Điều đó có nghĩa là anh ta đang cần tôi. Ngoài ra, ở một chừng mực nào đó, tôi biết mình phải rời khỏi mẹ. Trong khi không khí ở nhà tôi đang rất nặng nề và đáng sợ thì người đàn ông này lại vẽ ra trước mắt tôi một bức tranh thật tuyệt vời. Gia đình anh ta giàu có. Bản thân anh ta là người có trình độ. Anh ta không làm gì cả, nhưng theo tôi đó là vì gia đình anh ta quá giàu nên không cần phải đi làm. Anh ta không thiếu tiền bạc nhưng lại cần tôi và chỉ hạnh phúc khi có tôi. Suy nghĩ ấy khiến tôi cảm thấy mình trở nên cực kỳ quan trọng và đáng giá.

– Thế là… – Lisa nói tiếp – tôi gọi điện cho mẹ và dùng những lời hoa mỹ để tả về anh chàng Mexico ấy. “Mẹ tin là con quyết định đúng!” – mẹ tôi trả lời thế. Nhưng lẽ ra bà không nên nói thế bởi quyết định lấy người đàn ông đó là một sai lầm của đời tôi!

Chị biết không, tôi chẳng hề biết cảm giác của mình sao nữa. Tôi không biết mình có yêu anh ta và liệu anh ta có phải là điều mình mong muốn hay không. Tôi chỉ biết một điều, đó là cuối cùng cũng có người nói yêu tôi. Tôi vốn rất ít hẹn hò trai gái nên chẳng hiểu nhiều về đàn ông. Lúc nào tôi cũng lu bu dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa. Tâm hồn tôi trống rỗng. Vậy nên những gì anh ta mang đến cho tôi thật quá sức tưởng tượng. Anh ta đã nói yêu tôi. Ròng rã bao nhiêu năm trời, tôi chỉ biết dành tình yêu thương cho người khác. Mãi đến giờ tôi mới được đón nhận điều mình khao khát. Tôi biết mình đã kiệt sức, trống rỗng và không còn khả năng để tiếp tục cho đi nữa.

Chúng tôi đã cưới nhau nhanh chóng, đến mức cha mẹ của anh ấy cũng không biết. Giờ nhìn lại đúng là không thể tưởng tượng được, nhưng khi đó tôi lại thấy anh ấy yêu tôi biết bao nhiêu, yêu đến mức có thể từ bỏ cha của mình để được đến với tôi. Tôi không nói được một chữ tiếng Tây Ban Nha, còn gia đình anh ấy tuy nói được tiếng Anh nhưng chẳng bao giờ dùng. Tôi hoàn toàn bị tách biệt và cô độc trong gia đình ấy. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng ngay từ những giây phút đầu tiên. Anh ấy thường bỏ tôi ở nhà một mình vào buổi tối. Những lúc đó, tôi chỉ biết quanh quẩn trong phòng mình và cuối cùng ngủ thiếp đi, bất kể anh ấy có về nhà hay không. Hồi còn ở nhà, tôi đã quen sống chịu đựng. Tôi nghĩ đó là cái giá mình phải trả để được sống với người nào đó yêu mình và chuyện này chẳng có gì là bất thường cả!

Anh ấy thường về nhà say khướt. Thật là kinh khủng! Thậm chí trên người anh ấy còn có cả mùi nước hoa phụ nữ nữa. Một đêm nọ, khi tôi ngủ được lúc lâu thì bỗng thức giấc vì có tiếng ồn ào. Mở mắt ra, tôi thấy anh ấy đang đứng ngắm nghía mình trước gương, trên người mặc chiếc áo ngủ của tôi và gần như say khướt. Khi tôi hỏi anh ấy đang làm gì thế thì anh ấy trả lời rằng: “Em thấy anh có đẹp không?”. Anh ta quay lại và tôi nhận ra anh đang tô son.

Cuối cùng thì sự việc cũng đổ bể. Tôi hiểu đến lúc mình phải chấm dứt tình cảnh đó. Từ trước tới nay, tôi chỉ toàn sống trong đau khổ nhưng lại cứ tin rằng đó là do lỗi của mình. Tôi cứ nghĩ rằng mình cần phải tỏ ra đáng yêu hơn để níu kéo chồng mình, để anh ta thuyết phục bố mẹ thừa nhận và yêu quý tôi… Tôi sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn, cũng giống như đã từng làm với mẹ. Nhưng lần này thì khác. Chuyện này hết sức rồ dại!

Tôi không có tiền và cũng không có cách gì để kiếm tiền. Vì thế, ngày hôm sau, tôi bảo với anh ta rằng nếu anh ta không đưa tôi về San Diego, tôi sẽ kể hết sự thật cho cha mẹ của anh ta biết. Tôi nói dối với anh ta rằng tôi đã gọi điện cho mẹ mình và bà đang đợi tôi trở về. Nếu anh ta đưa tôi về nhà, tôi sẽ không bao giờ làm phiền đến anh ta nữa. Hẳn chị cũng đoán được là anh ta sợ cha mẹ biết chuyện của mình đến thế nào. Anh ta lẳng lặng chở tôi đến biên giới, đưa tôi tiền đi xe buýt về nhà và thêm mười lăm đô-la bỏ túi. Thế là tôi về nhà một người bạn ở San Diego. Tôi ở đó cho đến khi tìm được việc làm và một phòng trọ ở chung với ba người khác. Kể từ đó, tôi bắt đầu cuộc sống tự do của mình.

Đến giờ, tôi vẫn không biết cảm xúc của mình ra sao nữa. Tôi hoàn toàn tê dại về mặt cảm xúc nhưng trong lòng vẫn luôn tồn tại tình thương yêu, lòng trắc ẩn – những thứ đem đến cho tôi rất nhiều rắc rối. Trong suốt ba, bốn năm sau đó, tôi dắt về nhà không biết bao nhiêu người đàn ông vì cảm thấy thương hại họ. Được cái là tôi may mắn nên cũng không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Hầu hết những người đàn ông đó đều nghiện rượu hoặc ma túy. Tôi gặp họ ở những buổi tiệc hoặc quán bar. Dường như tất cả họ đều cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của tôi nên tôi cứ lao vào họ như bị nam châm hút.

Việc Lisa luôn bị thu hút bởi những người đàn ông thuộc tuýp đó hoàn toàn phù hợp với mối liên hệ giữa cô và mẹ thời bé. Với cô, được yêu thương đồng nghĩa với việc cô phải giúp ích được cho ai đó. Đó là khái niệm gần nhất mà cô có thể hiểu được khi rút ra từ mối quan hệ mẹ con ngày trước. Vì thế, Lisa cho rằng người đàn ông nào cần đến cô thì có nghĩa là anh ta yêu cô. Người ấy không cần phải tỏ ra tử tế, tốt bụng, biết quan tâm, chăm sóc đến cô. Chỉ cần anh ta cần đến cô là đã gợi lên ở Lisa những cảm xúc thân quen và nhen nhóm ý muốn được quan tâm, chăm sóc cho anh ta ở cô.

Lisa tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.

– Cuộc đời tôi là một mớ hổ lốn, chẳng khác gì cuộc đời mẹ tôi. Khó mà nói được giữa hai chúng tôi, ai là người tệ hại hơn. Năm tôi hai mươi bốn tuổi thì mẹ tôi cũng bỏ được rượu chè và bắt đầu tỉnh táo. Tất nhiên, để làm được chuyện đó thật không dễ chút nào. Bà đã tự gọi đến A.A. và đề nghị được giúp đỡ. Người ta cử hai nhân viên đến nói chuyện với bà ngay chiều đó. Kể từ lúc ấy, mẹ tôi không còn nghiện rượu nữa.

Lisa mỉm cười nhẹ nhàng khi nghĩ đến lòng can đảm của mẹ mình.

– Chuyện đó hẳn phải khó khăn lắm vì mẹ tôi vốn là một phụ nữ đầy tự hào, tự hào đến mức không bao giờ phải gọi điện thoại cho ai để xin được giúp đỡ. Nhờ trời là tôi đã không phải chứng kiến cảnh đó. Lẽ ra tôi nên cố gắng thật nhiều để giúp bà cảm thấy dễ chịu hơn cũng như không phải nhờ đến sự giúp đỡ nào từ bên ngoài cả.

Mẹ tôi bắt đầu nghiện rượu nặng khi tôi lên chín. Đi học về là tôi thấy bà nằm ngay trên trường kỷ, với chai rượu bên cạnh và không còn biết trời đất gì nữa. Chị tôi thường nổi nóng với tôi và nói rằng tôi quá yêu mẹ nên không chịu nhìn nhận sự thật đó. Nhưng có lẽ cũng vì quá thương mẹ nên tôi đã làm ngơ trước những điều sai trái của bà.

Hai mẹ con tôi vô cùng thân thiết với nhau. Vì thế, khi tình cảm giữa mẹ và cha rạn nứt thì tôi muốn bù đắp cho sự mất mát đó của bà. Hạnh phúc của bà là điều quan trọng nhất đời tôi. Tôi có cảm giác mình phải bù đắp cho mẹ tất cả những mất mát, tổn thương mà cha đã gây ra cho bà. Và điều duy nhất mà tôi biết làm là tỏ ra ngoan ngoãn, sống cho thật tốt và tử tế. Thế là tôi cố gắng giải quyết mọi chuyện thật tốt. Tôi hỏi bà có cần giúp đỡ gì không. Tôi nấu nướng, giặt giũ mà không cần chờ bà yêu cầu. Tôi không đòi hỏi một thứ gì cho bản thân mình.

Thế nhưng, tất cả những cố gắng của tôi cũng chẳng ăn thua gì. Giờ đây, tôi nhận ra lúc đó cùng lúc mình đã gánh chịu hai vấn đề quá lớn: cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ tôi và tình trạng nghiện ngập ngày càng trầm trọng của mẹ. Tôi không thể thay đổi được tình thế đó nhưng lại không ngừng cố gắng và luôn tự trách mình mỗi khi thất bại.

Sự bất hạnh của mẹ đã khiến tôi đau lòng và tôi nhận ra rằng vẫn còn có chỗ để mình tự cải thiện bản thân, chẳng hạn như trong việc học. Chị biết đấy, tôi nào có học hành được cho tốt vì ngoài vô số áp lực trong gia đình, tôi còn phải cố gắng chăm sóc đứa em trai, nấu nướng và tìm một công việc gì đó làm để giúp đỡ gia đình. Tại trường, mỗi năm tôi chỉ đạt được một thành tích xuất sắc nào đó. Tôi lập kế hoạch học tập cẩn thận và cố gắng chứng tỏ để các giáo viên thấy mình không phải là đứa ngu ngốc. Nhưng phần lớn thời gian ở trường, tôi luôn bị các thầy cô la mắng vì cho rằng tôi thiếu cố gắng trong học tập. Họ nào có biết là tôi đã cố gắng như thế nào để mọi việc trong nhà được ổn thỏa! Nhưng sổ điểm của tôi chẳng khá hơn nên cha cứ la mắng còn mẹ thì khóc lóc. Tôi tự trách mình là kẻ kém cỏi nên lại càng cố gắng hơn gấp bội phần.

Trong những gia đình bất ổn như thế, khi có khó khăn gì đó không thể vượt qua được thì các thành viên sẽ chú tâm vào những vấn đề khác đơn giản hơn với hy vọng có thể giải quyết được chúng. Chính vì thế, cả gia đình Lisa và kể cả bản thân cô đã tập trung vào chuyện bài vở và điểm số của cô. Họ tin rằng nếu cô cải thiện được nó, mọi chuyện trong gia đình sẽ ổn thỏa.

Áp lực đè nặng lên vai Lisa. Cô không chỉ cố gắng giải quyết những vấn đề của cha mẹ, đảm nhận trách nhiệm của mẹ mà còn bị cho là nguyên nhân gây ra sự bất hạnh trong gia đình. Và vì có quá nhiều thứ phải làm, Lisa không thể hoàn thành được việc gì mặc dù đã cố gắng hết sức. Chính vì thế mà cô đã tự đánh giá thấp bản thân mình.

– Một lần, tôi gọi cho cô bạn thân nhất của mình và nói: “Cậu hãy làm ơn nghe tớ trút bầu tâm sự. Cậu có thể vừa đọc sách vừa nghe nếu muốn và không cần phải lắng nghe những gì tớ nói. Tớ chỉ cần có ai đó bên kia đầu dây thôi!”. Thậm chí, tôi cũng không dám nghĩ rằng mình xứng đáng được người khác lắng nghe và chia sẻ những khó khăn! Nhưng dĩ nhiên là lần đó, cô bạn tôi đã chăm chú lắng nghe. Cha của cô ấy là một người nghiện rượu đã cai thành công nhờ tổ chức A.A. Bản thân cô bạn đó cũng đã từng tham gia khóa huấn luyện Alateen chuyên giúp đỡ những người nghiện trẻ tuổi cai rượu. Có vẻ cô ấy đã áp dụng hiệu quả những gì mình được học qua cách lắng nghe tôi nói. Với tôi, mọi việc đều ổn thỏa và chỉ có một sai trái duy nhất, đó là cha tôi. Tôi thật sự ghét ông ấy. Lisa và tôi cùng nhâm nhi tách trà trong một lúc lâu, khi cô hồi tưởng lại những kỷ niệm cay đắng trong cuộc đời mình. Đến khi có thể tiếp tục câu chuyện, Lisa chỉ nói một cách đơn giản:

– Cha tôi bỏ đi năm tôi mười sáu tuổi. Trước đó, chị tôi cũng đã bỏ nhà đi. Chị ấy lớn hơn tôi ba tuổi và ngay khi vừa được mười tám tuổi, chị ấy đã tìm được một việc làm để được ra khỏi nhà. Cha tôi đi, bỏ lại mẹ tôi, tôi và thằng em trai. Chính từ lúc đó, tôi thấy mình có trách nhiệm bảo bọc và mang lại hạnh phúc cho cả mẹ tôi lẫn chăm sóc đứa em trai. Sau đó tôi đi Mexico, lấy chồng rồi ly dị và về nhà, tiếp tục luẩn quẩn trong mối quan hệ với vô số đàn ông suốt nhiều năm trời.

Khoảng năm tháng sau khi mẹ tôi tham dự khóa cai nghiện của tổ chức A.A, tôi đã gặp Gary. Lần đầu tiên đi chơi với nhau, anh ấy chẳng nói chẳng rằng. Chúng tôi lái xe vòng vòng cùng với cô bạn gái của tôi, người cũng quen Gary. Hôm đó anh ấy đang phê thuốc.

Gary thích tôi và tôi cũng thích anh ấy. Cả hai chúng tôi cùng chia sẻ điều đó với cô bạn chung và thế là chẳng bao lâu sau, anh ấy gọi điện cho tôi rồi đến thăm tôi. Tôi bảo anh ấy ngồi yên để tôi vẽ cho vui. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ là hôm đó, mình đã thấy thương anh ấy vô bờ. Cảm giác đó rất mạnh mẽ, đến mức tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế với một người đàn ông.

Hôm ấy Gary cũng ngồi im như tượng và nói năng rất chậm rãi. Tôi phải ngừng vẽ vì tay tôi bắt đầu run lên dữ dội. Tôi tì tập giấy vẽ vào gối để che giấu bàn tay run rẩy của mình.

Ngày nay, tôi nhận ra rằng sở dĩ mình run rẩy là vì tôi thấy mình như đang đối diện với hình ảnh của mẹ xưa kia. Cách anh ta nói chuyện y hệt như mẹ tôi khi bà đã say mềm sau một ngày chè chén: Kiểu nói ngắc ngứ, chọn từng lời từng chữ và gằn giọng thái quá. Lúc đó, lòng tôi trào dâng nỗi thương yêu từng dành cho mẹ lẫn cảm giác bị quyến rũ trước vẻ điển trai của Gary. Nhưng ngay lúc đó, tôi không hiểu vì sao mình lại cảm thấy như thế nên đã gọi đó là tình yêu.

Việc Lisa bị cuốn hút vào mối quan hệ với Gary chẳng bao lâu sau khi mẹ cô cai rượu chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Mối dây liên hệ giữa hai người phụ nữ đó luôn rất mật thiết. Dù không gặp nhau nhưng Lisa luôn nghĩ về mẹ như một trách nhiệm đầu tiên và sâu sắc nhất của mình. Khi nhận ra bà đang thay đổi dần nhờ cai rượu mà không cần đến sự giúp đỡ của mình, tận sâu trong lòng Lisa bắt đầu xuất hiện cảm giác lo lắng vì cảm thấy mình không còn cần thiết nữa đối với bà nữa. Vì thế, cô đã nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với một người nghiện khác. Sau cuộc hôn nhân đầu tiên, quan hệ với đàn ông đã trở thành một vấn đề tự nhiên đối với Lisa, cho đến khi mẹ cô trở lại thành người tỉnh táo. Cô muốn duy trì cảm giác “bình thường” như xưa bằng cách gắn bó với một người nghiện ngập.

Lisa đã kể cho tôi nghe về mối quan hệ kéo dài sáu năm với Gary. Anh ta gần như lập tức dọn đến nhà cô để ở. Ngay từ ngày đầu tiên, anh ta đã tuyên bố rõ rệt rằng nếu phải chọn giữa việc trả tiền nhà và mua ma túy, anh ta sẽ chọn cái thứ hai mà không cần phải suy nghĩ gì. Tuy thế, Lisa lại tin chắc rằng anh ta sẽ thay đổi, sẽ biết quý trọng những gì họ đã có với nhau và cố gắng giữ gìn chúng. Cô tin mình sẽ khiến cho anh ta yêu mình như ý.

Gary hầu như thất nghiệp và mỗi khi kiếm được ít tiền, anh ta chỉ dùng vào việc mua cần sa hoặc hasit. Lúc đầu, Lisa cũng tập hút theo Gary nhưng khi nhận ra nó ảnh hưởng đến việc kiếm tiền của mình thì cô dừng lại. Cô gánh trách nhiệm nuôi sống cả hai và đã đảm nhiệm chuyện này rất nghiêm túc. Cứ mỗi khi cô nghĩ đến chuyện đuổi Gary đi vì anh ta lấy cắp tiền trong ví của cô, tổ chức tiệc tùng chè chén ở nhà hoặc đi thâu đêm suốt sáng thì anh ta lại nấu nướng những món ăn ngon chờ cô đi làm về hoặc làm món cocktail đặc biệt để cả hai cùng thưởng thức. Thế là ý định của Lisa tan biến và cô tự nhủ rằng dù sao đi nữa thì anh ta cũng yêu mình thật lòng.

Những câu chuyện về tuổi thơ của Gary khiến Lisa động lòng thương cảm và cô tin rằng tình yêu của mình sẽ bù đắp cho anh ta những mất mát ấy. Cô cảm thấy mình không nên đổ lỗi, quy tội hay bắt Gary phải chịu trách nhiệm về cách hành xử của anh ta bởi cuộc đời của anh ta đã bị hủy hoại ngay từ bé. Lisa gần như quên hẳn tuổi thơ đau khổ của mình để dốc lòng chữa trị cho Gary.

Một lần, cả hai tranh cãi vì Lisa từ chối đưa cho Gary tấm séc mà cha cô đã gửi tặng nhân ngày sinh nhật. Thế là anh ta đã dùng dao đâm toạc tất cả các bức vẽ trong phòng.

– Tôi hết sức đau khổ và nghĩ rằng: “Đó là tại mình, lẽ ra mình không nên để anh ấy nổi giận như thế”. Lúc nào tôi cũng nhận phần lỗi về mình và cố gắng hàn gắn những điều không thể. Ngày hôm sau, trong khi Gary bỏ ra ngoài thì tôi dọn dẹp hậu quả của cuộc cãi nhau hôm trước, vừa khóc vừa vứt đi công sức mình đã vẽ suốt ba năm qua. Tôi vừa làm vừa bật tivi để khuây khỏa thì trông thấy cảnh phỏng vấn một người phụ nữ bị bạo hành. Người phụ nữ ấy kể về cuộc đời của mình cùng những cảnh kinh khủng mà mình đã phải chịu đựng. Chị ta nói: “Tôi không hề nghĩ tình cảnh của mình tệ hại đến thế vì tôi cảm thấy mình vẫn còn có thể chịu đựng được”.

Lisa lắc đầu chậm rãi, nói tiếp.

– Tôi cũng đang sống trong hoàn cảnh như thế và cũng cảm thấy mình vẫn còn chịu đựng được. Khi nghe người phụ nữ đó kể, tôi đã buột miệng nói lớn:

“Nhưng vẫn còn nhiều điều tốt đẹp khác xứng đáng với cô hơn điều tồi tệ mà cô đang chịu đựng!”. Và đột nhiên tôi cũng nhận ra vấn đề của mình và bắt đầu khóc nức nở. Tôi xứng đáng được hưởng nhiều điều khác tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ toàn thất vọng, tốn kém và đau đớn như thế này. Mỗi khi dẹp một bức tranh, tôi lại tự nhủ: “Mình sẽ không sống như thế này nữa!”.

Khi Gary về nhà, đồ đạc của anh ta đã được đóng gói và nằm ngoài cửa lớn. Lisa đã gọi cho vợ chồng người bạn gái thân nhất của mình đến. Hai người ấy đã giúp Lisa có đủ can đảm để đề nghị Gary ra đi.

– Vì có bạn bè tôi ở đó nên anh ta đã ra đi ngay lập tức. Nhưng sau đó, anh ta bắt đầu gọi điện và đe dọa tôi nhưng tôi vẫn kiên quyết không trả lời. Và cuối cùng thì anh ta cũng bỏ cuộc. Chị biết không, tôi đã không đơn độc trong suốt thời gian đó. Ngay chiều hôm đó, tôi đã gọi cho mẹ và kể cho bà nghe tất cả. Bà bảo tôi nên đến dự những buổi họp mặt của hội Al- Anon dành cho con cái của những người nghiện rượu. Và tôi đã nghe lời bà vì cảm thấy quá đau khổ.

Cũng giống như Alateen, Al-Anon là hội ái hữu dành cho người thân, bạn bè của những người nghiện rượu. Những cuộc họp mặt dành cho con cái của người nghiện rượu nhằm giúp chúng thoát khỏi tình trạng bị ảnh hưởng khi lớn lên trong gia đình bất ổn trước đây.

– Từ lúc đó, tôi bắt đầu thấu hiểu về bản thân mình. Gary đối với tôi cũng giống như rượu đối với mẹ tôi ngày xưa: anh ta là một chất nghiện mà tôi không thể thiếu. Trước đây, lúc nào tôi cũng sợ Gary bỏ rơi mình nên đã làm tất cả mọi thứ để anh ta vui, như những gì mình đã làm từ khi còn nhỏ: lao động cật lực, tỏ ra tử tế, không đòi hỏi gì cho bản thân và đảm nhận cả trách nhiệm của người khác. Vì đã quen sống hy sinh như thế nên tôi chưa từng thấy ai sống mà không nhờ cậy đến người khác hoặc phải chịu đựng đau khổ.

Sự gắn bó sâu sắc với mẹ cùng sự hy sinh to lớn đến quên mình của Lisa đã đẩy cô lâm vào những mối tình nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Ngay từ bé, cô đã có một quyết định quan trọng là sẽ tự mình giải quyết mọi khó khăn trong đời mẹ bằng sức mạnh của tình thương và lòng vị tha của bản thân. Quyết định đó nhanh chóng đi vào tiềm thức và không ngừng chi phối cuộc sống của cô. Lisa hoàn toàn không có thói quen chăm sóc và tự bảo vệ bản thân mà chỉ quan tâm đến người khác nên cô đã dấn vào những mối quan hệ tình cảm hứa hẹn cơ hội sửa đổi đối phương bằng tình yêu của mình. Và đúng như những gì diễn ra trong quá khứ, càng thất bại trong việc tìm kiếm tình yêu, cô lại càng cố gắng nhiều hơn.

Gary quả là sự kết hợp hoàn hảo những điều tệ hại nhất ở cha mẹ Lisa: nghiện ngập, lệ thuộc tình cảm và thô bạo. Mỉa mai thay, chính những điều đó lại khiến Lisa say mê anh ta. Nếu ngày bé, chúng ta được cha mẹ nuôi nấng trong tình yêu thương thì khi lớn lên, ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu trước những người mang đến cho ta cảm giác an toàn, ấm áp và tự trọng. Không chỉ thế, chúng ta còn có xu hướng tránh xa những người chỉ mang đến cho ta những cảm xúc tiêu cực về bản thân qua những lời phê bình hay hành động lôi kéo của họ.

Ngược lại, nếu ta được nuôi dạy trong sự ghét bỏ, chỉ trích, đè nén, lệ thuộc hoặc những bầu không khí sai lệch khác thì khi lớn lên, ta sẽ cảm thấy thân quen, “đúng mực” khi đối diện một người phảng phất những đặc tính hay hành vi đó. Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh những người tái hiện lại hình ảnh tiêu cực mà ta đã từng trải nghiệm trước đây, đồng thời có thể cảm thấy khó chịu khi ở bên cạnh những người tử tế, dịu dàng hoặc đúng mực. Cũng có thể là do luôn cố gắng thay đổi người khác để họ hạnh phúc hơn hoặc đạt được tình thương yêu, sự quan tâm nào đó, chúng ta cảm thấy thật tẻ nhạt khi sống bên cạnh những người bình thường, tử tế. Mức độ tẻ nhạt đó có thể dao động trong khoảng tương đối đến khó chịu mà hầu hết những người phụ nữ yêu mù quáng đều cảm thấy khi không còn được sống trong “địa phận tình cảm” quen thuộc của mình. Hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bất thường hoặc có cha mẹ nghiện rượu đều cảm thấy thích thú trước những người mang đến cho chúng rắc rối.

Lisa kể nốt đoạn kết câu chuyện của mình.

– Cuộc sống thanh bình và tĩnh lặng sau khi Gary ra đi khiến tôi cảm thấy vô cùng trống vắng. Tôi phải cố gắng hết sức mới không liên lạc với anh ta và quay lại cuộc sống cũ. Nhưng rồi tôi cũng dần quen với cuộc sống mới. Hiện giờ, tôi chẳng quen ai. Tôi biết mình vẫn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới và nếu làm lại bây giờ, rất có thể tôi lại tìm thấy một Gary thứ hai. Vì thế, tôi quyết định sửa đổi bản thân mình trước, thay vì cứ cố gắng thay đổi người khác.

Mối quan hệ giữa Lisa và Gary cũng giống như mối liên hệ giữa mẹ cô và rượu ngày trước. Cô sa vào hành trình hủy hoại bản thân mà không thể kiểm soát được. Cũng giống như mẹ cô không thể tự bỏ rượu, Lisa cũng dần nghiện Gary và không cách nào thoát khỏi mối quan hệ đó. Quả vậy, mẹ của cô đã lệ thuộc vào rượu, ma túy để tránh những nỗi đau khổ và tuyệt vọng sâu sắc trong cuộc sống. Những chất kích thích này một mặt giúp bà thoát khỏi cảm giác đau đớn, một mặt nó tác động lên hệ thần kinh của bà và sản sinh ra đúng những cảm xúc mà bà muốn né tránh.

Thế là cuối cùng, bà lại càng thêm đau khổ. Và cũng chính vì thế mà bà lại càng uống nhiều rượu hơn và sa vào nghiện ngập.

Lisa cũng cố tìm cách tránh khỏi những nỗi đau khổ và tuyệt vọng của mình. Cô đã phải chịu đựng sự phiền muộn sâu sắc trong lòng có căn nguyên từ tuổi thơ đau khổ. Đây là một nỗi buồn rất đặc trưng ở những trẻ sinh ra và lớn lên trong các gia đình bất ổn dưới nhiều hình thức khác nhau. Trẻ có những cách xử lý, hay nói đúng hơn là cách né tránh khác nhau tùy vào giới tính, thiên hướng và vai trò của chúng khi còn bé trong gia đình. Đến tuổi vị thành niên, rất nhiều cô gái trẻ như Lisa, sẽ biến nỗi buồn đã đến mức đỉnh điểm đó thành biểu hiện yêu mù quáng. Khi dấn thân vào các cuộc tình phức tạp nhưng đầy thú vị với những người đàn ông không tử tế, họ say sưa đắm chìm vào nỗi buồn gợi nhắc những cảm xúc xưa mà không hề hay biết.

Khi đó, người tình tàn nhẫn, hững hờ, gian dối hoặc mối tình đầy gian truân sẽ trở thành chất nghiện đối với những phụ nữ này. Người ấy giúp họ né tránh cảm xúc thực của mình, giống như rượu hay các chất kích thích thần kinh khác có khả năng mang lại cho người sử dụng cảm giác phiêu linh, thoát khỏi hiện tại, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Và tình trạng của Lisa sẽ không cải thiện được khi nhan nhản xung quanh là những bộ phim, vở kịch ca ngợi những tình yêu quên mình, thiếu chín chắn. Chúng ta thường nghe câu: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau”, hay tình yêu càng sâu đậm thì nỗi đau khổ càng lớn hoặc tình yêu là phải hy sinh. Chúng ta thừa nhận những điều này là bản chất tự nhiên của tình yêu và ca ngợi chúng mà không nghĩ đó chính là một biểu hiện tiêu cực.

Sở dĩ có rất ít ước lệ “tích cực” về tình yêu trong cuộc sống là vì hai lý do sau: thứ nhất, thật lòng mà nói, rất khó tìm thấy một mối quan hệ thật sự hạnh phúc, lành mạnh trong đời thường; và thứ hai, do cường độ cảm xúc trong những tình yêu lành mạnh thường nhẹ nhàng hơn so với diễn tiến đầy thăng trầm ở những mối quan hệ tiêu cực nên các loại hình nghệ thuật thường xoáy vào những tình huống này để khai thác. Có thể chúng ta quen thuộc và hài lòng với những mối quan hệ không lành mạnh đó là vì chúng thường xuất hiện trên các phương tiện báo đài, truyền thông giải trí nhiều hơn.

Mọi chuyện xảy ra đều có bối cảnh của nó, kể cả cách chúng ta yêu. Chúng ta cần nhận thức được những điều gì đã tác động đến quan niệm về tình yêu của mình. Cần ý thức phát triển hành vi cởi mở, chín chắn hơn trong quan hệ tình cảm thay vì chỉ làm theo những điều được trình chiếu trên phim ảnh để chứng tỏ một tình yêu sâu đậm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.