Phục Sinh

CHƯƠNG 101



Lúc chưa ra khỏi toa tàu, Nekhliudov đã thấy ở ngoài trước cửa ga có mấy cỗ xe ngựa sang trọng thắng ba hoặc bốn con ngựa béo tốt, cổ đeo nhạc lắc leng keng. Ra đứng trên sân ga ẩm ướt, đen sẫm vì đẫm nước mưa, chàng nhìn thấy ở trước mặt những toa hạng nhất, một đám đông, trong đó nổi bật lên một bà cao lớn, béo tốt, mình mặc áo mưa, đầu độ; mũ có điểm những chiếc lông chim quỷ giá, và một anh thanh niên cao lênh khênh, đôi chân leo khoeo, mình vận bộ quần áo đi đua xe đạp, tay dắt một con chó to béo, cổ đeo một chiếc cổ-dề loại đắt tiền.
Đứng sau lưng hai người là gia nhân đầy tớ có mang ô và áo tơi ngắn, và một anh xà-ích cũng ra đón. Ở tất cả bọn người ấy, từ người đàn bà to béo đến anh xà-ích tay giữ vạt áo dài đều tỏ cái vẻ thung dung, đĩnh đạc, giàu có phong lưu.
Lập tức có một đám người hiếu kỳ thấy giàu sang thì khúm núm, xun xoe vây quanh lấy họ; thầy xếp ga đội mũ lưỡi trai đỏ, anh lính sen-đầm, một cô gái gầy gò mặc bộ y phục Nga, cổ đeo chuỗi hạt thuỷ tinh (cứ mùa hè là cô ta có mặt khi tàu đến), một thầy ký giây thép nhà ga và đông hành khách, cả nam lẫn nữ.
Nekhliudov nhận ra anh thanh niên dắt chó là cậu học sinh trung học Korsagin: còn bà to béo là em gái bà công tước, gia đình nhà Korsagin sẽ đến ở nhờ ấp bà ta. Viên xa trưởng lon vàng lấp lánh, giầy bóng loá, mở cửa toa xe và cung kính giữ cánh cửa, trong khi đó thì Filip và một người phu mặc tạp dề trắng, thận trọng kiệu bà công tước mặt dài như mặt ngựa, ngồi trong chiếc ghế bành xuống. Hai chị em ôm lấy nhau hôn, người ta nghe thấy những cái tiếng Pháp trao đổi hỏi xem bà công tước sẽ đi xe mui trần hay xe mui kín; đoàn người tiến ra phía cửa ga, đi sau rốt là người nữ tỳ tóc uốn quăn từng món, mang mấy chiếc dù và cái túi bằng da.
Nekhliudov không muốn gặp mặt họ để khỏi phải chào chia tay một lần nữa. Chàng dừng lại, không ra vội cửa ga, chờ cho đám người đó đi hết. Bà công tước cùng với cậu con trai, cô Mitxi, ông bác sĩ và người nữ tỳ đi trước, còn lão công tước già cùng bà em vợ theo sau.
Nekhliudov đứng ở xa chỉ nghe lõm bõm thấy vài câu tiếng Pháp họ nói với nhau. Có một câu lão công tước nói, không hiểu vì sao-xưa nay vẫn thường xẩy ra như vậy – đã lọt vào ký ức chàng với cả âm thanh lẫn giọng nói:
– Ồ ông ta ở giới thượng lưu chân chính, giới thượng lưu chân chính! – Lão nói về một người nào đó, giọng sang sảng, tự đắc, và cùng bà em vợ ra khói ga; một anh nhân viên kiểm soát nhà ga và mấy người phu khuân vác kính cẩn đi theo.
Giữa lúc đó, từ một góc nhà ga, một toán thợ chân đi giầy cỏ, mình mặc áo da cừu: lưng đeo túi hành lý đi ra sân ga. Họ xăm xăm nhẹ nhàng đi tới toa xe đầu tiên và định lên tàu, nhưng liền bị người kiểm soát xe đuổi xuống. Họ vội vã xô đẩy nhau đi luôn đến toa thứ hai và sắp sửa leo lên, va cả bọc bị vào cạnh toa và thành cửa toa xe thì lúc đó một viên kiểm soát khác đứng ở cửa ga trông thấy, bèn quát mắng ầm lên. Mấy người đã vào trong toa rồi vội vã quay trở ra và họ vẫn xăm xăm nhẹ nhàng đi tới toa sau là toa có Nekhliudov. Viên kiểm soát định ngăn lại không cho lên. Họ đã đứng lại và sắp sửa đi xa nữa, nhưng Nekhliudov bảo cho họ biết toa còn chỗ có thể lên được. Họ nghe theo. Leo lên và Nekhliudov lên theo họ. Những người công nhân đã định dọn dẹp chỗ ngồi, nhưng cái ông đội mũ có huy hiệu và hai bà lớn kia lại coi việc những người công nhân nọ lên ngồi ở toa nầy là xúc phạm đến bản thân mình, bèn cương quyết phản đối và đuổi họ đi nơi khác. Tức thì cả toán thợ có độ hai mươi người, già có, trẻ có, mặt mũi người nào người nấy hốc hác mệt mỏi, da sạm nắng, lập tức lại dọc theo toa tầu đi tới chỗ khác va những bọc bị vào ghế, vào thành tầu vào cửa toa xe, họ rõ ràng cảm thấy như mình có lỗi, và sẵn sàng đi đến chân trời góc biển nào cũng được, ngồi xuống bất cứ chỗ nào thiên hạ bảo ngồi, dù là ngồi trên đám cọc.
– Lại còn đi đâu nữa hả, lũ quỷ sứ? Ngồi đấy! – Một viên kiểm soát đi ngược lại gặp họ, thét to.
– Đấy lại có chuyện! – bà trẻ nhất trong hai bà nọ nói, mụ ta tin chắc rằng cái tiếng Pháp mụ nói đúng giọng như vậy sẽ làm cho Nekhliudov phải chú ý, còn bà lớn đeo đầy vòng xuyến kia thì chỉ khịt mũi và nhăn mặt, nói một câu gì đó về cái thú vị được cùng đi tàu với bọn nông dân hôi hám.
Còn những người thợ, họ vui sướng, yên tâm như thoát khỏi một bước hiểm nghèo ghê gớm. Họ sửa soạn ngồi, hất mạnh để bỏ những túi hành lý trên vai xuống và luồn vào dưới gậm ghế.
Người làm vườn lúc nãy rời khỏi chỗ mình đến ngồi trước mặt Taratx nói chuyện với anh chàng Taratx nay đã về chỗ cũ, thành thử bên cạnh và trước mặt Taratx có ba chỗ bỏ không. Ba người công nhân liền ngồi vào đó.
Nhưng đến khi Nekhliudov lại gần, trông thấy bộ quần áo sang trọng của chàng, họ hết sức bối rối, định đứng dậy đi chỗ khác; Nekhliudov bảo họ cứ ngồi, còn chàng ngồi ghé xuống chỗ tựa tay chiếc ghế dài gần lối đi.
Trong bọn thợ có một người, tuổi trạc năm mươi cùng với một người trẻ hơn đưa mắt nhìn nhau, vẻ kinh ngạc, sợ hãi. Đáng lẽ ra cái ông nầy phải chửi mắng và đuổi họ đi theo đúng tính cách ông lớn của ông ta, thì đằng nầy lại nhường chỗ ngồi cho họ, điều đó khiến họ ngạc nhiên, họ ngại. Thậm chí, họ còn sợ cái đó sẽ gây cho họ điều chẳng lành nào đó. Tuy nhiên, khi thấy Nekhliudov nói chuyện rất bình thường với Taratx và chẳng có mưu mô thủ đoạn gì ở đó cả, thì họ yên tâm, họ bảo anh thợ trẻ nhất ngồi xuống cái túi hành lý của anh ta để cho Nekhliudov ngồi vào chỗ của chàng. Thoạt đầu, người công nhân có tuổi ngồi đối diện chàng khép nép thu mình, co đôi chân đi giầy cỏ lại để khỏi chạm vào ngài quý tộc, nhưng chỉ một lát sau ông lão chuyện trò với chàng và Taratx thân mật quá, thậm chí, gặp những chỗ ông lão muốn người ta đặc biệt chú ý, còn lấy tay đập cả vào đùi chàng. Ông lão kể về thân thế, và công việc mình làm ăn ở mỏ than bùn. Ông đã làm ở đó hai tháng rưỡi, bây giờ đem tiền công về nhà, được có mười “rúp”, vì một phần đã lĩnh và tiêu từ khi mới vào làm. Theo như lời ông lão thì bọn ông phải lội nước tới đầu gối và làm suốt từ lúc mặt trời mọc cho tới lúc mặt trời lặn, chỉ được nghỉ có hai tiếng đồng hồ để ăn trưa.
– Với những người không quen, dĩ nhiên là gay đấy, – ông lão nói, – nhưng một khi đã quen, và nếu được ăn kha khá một chút thôi thì cũng chẳng sao! Mới đầu ăn uống tồi lắm. Về sau người ta kêu ca dữ, thì có khá hơn và công việc làm cũng được nhẹ nhàng hơn.
Rồi ông lão kể rằng từ hai mươi tám năm nay, ông ra đi tìm việc làm như thế nào và gửi về nhà tất cả chỗ tiền kiếm được ra làm sao,mới đầu gửi cho bố, sau gửi cho anh cả và bây giờ thì gửi cho đứa cháu hiện nay đang quán xuyến công việc gia đình; cái số năm chục tới sáu chục đồng bạc kiếm được hàng năm, ông lão chỉ giữ lại cho mình có vài ba đồng vừa đủ tiền diêm thuốc vặt vãnh thôi. Ông lão mỉm cười bẽn lẽn nói thêm:
– Kể thì tôi cũng có cái hư hỏng, đôi khi mệt mỏi quá, tôi cũng uống ít rượu.
Ông lão còn kể chuyện các bà vợ trông nom nhà cửa ra sao khi những người chồng đi làm vắng nhà; và cả chuyện sáng nay, trước khi ông lão và các bạn lên đường, đã được người cai thầu thết nửa thùng rượu mạnh; một người trong bọn ông lão trước đây bị chết và một người đang ốm phải đưa về nhà. Người nầy ngồi ở một góc toa tầu: một cậu bé, mặt tái nhợt, môi tím lại. Rõ ràng, cậu ta bị bệnh sốt rét nó hành và còn đang làm khổ.
Nekhliudov đến bên cạnh, cậu bé nhìn chàng với con mắt quá đau đớn, quá nghiêm nghị cho nên chàng ngần ngại không muốn hỏi thăm nữa, sợ làm phiền nó, chàng khuyên ông già nên mua ký ninh cho nó uống. Chàng viết tên thuốc lên một mảnh giấy và định cho tiền mua thuốc, nhưng ông thợ già liền bảo là ông sẽ bỏ tiền của mình để mua.
– Chà, tôi đi tầu đã nhiều, nhưng bao giờ gặp được những người như ông nầy; chẳng những ông ta không đuổi mình đi mà lại còn nhường chỗ cho mình ngồi nữa chứ. Như thế có nghĩa là trong số các ông cũng có nhiều hạng lắm. – ông lão vừa nói vừa quay về phía Taratx.
“Phải, đây là một thế giới hoàn toàn mới, một thế giới khác hẳn” – Nekhliudov vừa nghĩ vừa nhìn những tay chân khẳng khiu gân guốc, những bộ quần áo vải to thô kệch may lấy, những bộ mặt sạm nắng, hiền lành, tuy mệt mỏi. Chàng cảm thấy bốn phía xung quanh mình đều là những con người hoàn toàn mới, họ có những mối lo âu chỉnh đáng, những niềm vui sướng, những nỗi nhọc nhằn của một cuộc sống chân chính, cần cù.
Đây mới thật là giới thượng lưu chân chính!
Nekhliudov vừa nghĩ vừa nhớ lại câu nói của lão công tước Korsagin, nhớ lại tất cả cuộc đời xa hoa, nhàn hạ của gia đình nhà Korsagin cùng với những thích thú nhỏ nhen, đê tiện của họ.
Và chàng cảm thấy niềm vui sướng của một người du khách đã khám phá ra được một thế giới mới, chưa từng biết, một thế giới tuyệt đẹp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.