Phục Sinh

CHƯƠNG 107



Nekhliudov đặc biệt rất yêu quý Krinxov, một thanh niên mắc bệnh lao phổi, bị án khổ sai và ở cùng nhóm với Katiusa. Chàng làm quen với Krinxov khi ở thị trấn Ekaterinburg và sai đó, dọc đường còn gặp gỡ và nói chuyện với anh ta vài lần. Một lần vào mùa hạ, Nekhliudov ở với anh cả ngày ở trạm nghỉ; trong khi chuyện trò, Krinxov đã kể cho chàng nghe câu chuyện về cuộc đời của mình và đầu đuôi anh đã đi theo cách mạng ra làm sao. Quãng đời anh trước khi bị tù, chẳng có gì nhiều để kể. Cha anh là một điền chủ giàu có ở miền Nam nước Nga; ông cụ đã qua đời khi anh còn bé. Anh là con một, mẹ anh chăm nom nuôi dạy anh. – ở trung học cũng như đại học, anh học rất nhẹ nhàng; thi tốt nghiệp, anh đỗ đầu về toán.
Họ định giữ anh ở lại trường và cho anh đi học nước ngoài. Nhưng anh còn chần chừ chưa nhận. Anh đã yêu một cô gái, anh định cưới vợ và về làm việc ở cơ quan hành chính tổng. Cả hai đàng anh cùng muốn, còn chưa biết quyết định chọn đàng nào. Giữa lúc đó, có mấy người bạn cùng là sinh viên đến quyên anh tiền, nói để làm một việc ích chung. Anh biết việc ích chung ấy là cách mạng, một việc lúc đó anh chẳng ưa thích gì, nhưng vì tình bạn và vì sĩ diện, không muốn để anh em cho rằng mình sợ, anh đã đưa tiền cho họ. Những người nhận tiền sai bị bắt với cả tờ giấy chứng nhận tiền do Krinxov cấp. Anh liền bị bắt, lúc đầu giam ở đồn cảnh sát, sai tống sang nhà lao.
– Ở nhà lao tôi bị giam, – Krinxov kể tiếp (anh đương ngồi trên chiếc giường cao, chống khuỷu tay lên đầu gối, ngực thóp lại, thỉnh thoảng đưa đôi mắt đẹp, thông minh, dịu hiền nhìn Nekhliudov, đôi mắt long lanh, bừng bừng sáng trong cơn sốt). – Việc coi giữ cũng không nghiêm ngặt lắm, không những chúng tôi có thể đi dạo ở hành lang, cùng nhau trò chuyện, chia nhau thức ăn và thuốc lá; và thậm chí, buổi tối chúng tôi còn hát đồng ca với nhau. Tôi khá tốt giọng. Phải, giả thử không có mẹ tôi – bà cụ đau đớn héo hon vì tôi thì kể ra ở tù, còn rất thú vị nữa là khác. Trong tù, tôi làm quen với anh Petrov nổi tiếng và với mấy người khác nữa (về sau, bị giam trong pháo đài, Petrov đã dùng mảnh thuỷ tinh rạch cổ tự sát).
Nhưng bấy giờ tôi vẳn chưa ngả theo cách mạng. Tôi còn làm quen với hai người bị giam ở khám bên cạnh. Họ cùng bị bắt, trong người mang những bản tuyên ngôn Ba Lan, và bị đưa ra toà xử vì tôi mưu trốn trên đường áp giải ra ga xe lửa. Một người tên là Lozinxki(1), người Ba Lan, còn người kia là Rozovxki(2), người Do Thái. Phải, Rozovxki còn ít tuổi lắm. Anh ta bảo là đã mười bảy tuổi, nhưng trông thì chỉ độ mười lăm. Người nhỏ nhắn, gầy, nhanh nhẹn, mắt đen láy và, như tất cả những người Do Thái khác, anh ta rất có nhiều khiếu về âm nhạc. Anh ta đang vỡ tiếng, nhưng hát rất hay. Phải, tôi đã trông thấy hai người sáng hôm họ bị đưa ra toà xừ. Đến chiều trở về họ nói là bị xử tử hình. Thật chẳng ai ngờ. Tội của họ không có gì là nặng, họ chỉ định trốn, không hề làm ai bị thương. Vả lại xử tử một đứa trẻ như Rozovxki thì còn trời đất nào nữa? Và tất cả chúng tôi đều cho là họ chỉ tuyên án thế để doạ hai người, chứ án ấy thế nào cũng bị bác. Lúc đầu chúng tôi còn xôn xao, nhưng về sai cũng yên dần, và cuộc sống lại trôi đi như trước. Phải, thế rồi một buổi chiều, người gác đến cửa phòng giam tôi và bí mật bảo cho tôi biết là đã có thợ mộc đến, họ đang dựng giá treo cổ. Thoạt đầu tôi không hiểu: “Thế là cái gì? Giá treo cổ nào?”. Nhưng người gác già rất đỗi bối rối nên nhìn lão, tôi hiểu ngay là để cho hai bạn của chúng tôi.
– Tôi muốn gõ vào tường báo cho các bạn tù biết tin nhưng lại sợ hai người nghe được. Các bạn tù cũng đều yên lặng.
Rõ ràng là mọi người đều đã biết. Ngoài hành lang và trong khám: chiều hôm ấy im lìm, lặng ngắt như chết.
Chúng tôi không gõ tường mà cũng không hát. Đến mười giờ, người gác lại đến và cho tôi biết tin là một tay đao phủ đã điều từ Moskva tới. Nói xong, lão ta đi. Tôi đang gọi lão lại thì bỗng thấy Rozovxki từ bên phòng của cậu ta gọi to sang bảo tôi: “Bên anh có chuyện gì thế? Anh gọi lão ta làm gì?” Tôi trả lời cho qua chuyện rằng lão ta đem cho tôi ít thuốc lá, nhưng chắc Rozovxki cũng đoán được nên hỏi lại tại sao hôm nay chúng tôi không hát, không gõ tường làm hiệu với nhau? Tôi không nhớ là tôi đã bảo gì cậu ta, chỉ biết là tôi lui nhanh vào để không phải nói chuyện với cậu ta nữa. Phải, thật là một đêm khủng khiếp. Suốt đêm, tôi lắng tai nghe từng tiếng động nhỏ. Bỗng nhiên, gần sáng, tôi nghe thấy mở cửa ở hành lang và có tiếng chân nhiều người đi. Tôi lại gần lỗ cửa phòng tôi. Trong hành lang có thắp một ngọn đèn.
Người đi đầu là viên giám ngục, một thằng to lớn, thường ngày ra vẻ hợm hĩnh và quyết đoán, nhưng bây giờ mặt nó tái mét, phờ phạc như hoảng hốt. Theo sau nó là thằng phó, mặt quằm quặm nhưng có vẻ quả quyết; và sau cùng là bọn lính gác. Chúng đi qua phòng tôi rồi dừng lại trước cửa phòng bên. Tôi nghe thấy tên phó giám ngục gọi bằng một giọng rất kỳ lạ: “Lozinxki, dậy mặc quần áo sạch vào!”. Phải. Rồi tôi nghe tiếng cửa rít lên. Chúng đi vào. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng chân Lozinxki đi ra phía bên kia hành lang. Tôi chỉ trông thấy tên giám ngục đứng đó, mặt xám ngắt, tay mân mê hết cài vào lại cởi ra một chiếc khuy áo, hai vai co nhún lại. Phái, rồi thình lình như sợ hãi cái gì, hắn đứng tránh sang một bên. Thì ra Lozinxki đi ngang qua mặt hắn, đến gần của phòng tôi ông phải biết, anh ta là một thanh niên đẹp trai, đẹp theo kiểu người Ba Lan, trán rộng, thẳng đứng: tóc vàng xoăn, óng như tơ, đôi mắt xanh thẳm rất đẹp. Thật là một thanh niên đang thời tươi trẻ, khỏe khoắn. Anh ta đứng lại trước lỗ mắt cáo phòng tôi nên tôi nhìn được rất rõ gương mặt anh ta lúc ấy; một bộ mặt ghê sợ, tiều tuỵ tái nhợt: “Krinxov, anh có thuốc lá không?”. Tôi định đưa, nhưng tên phó giám ngục như sợ để chậm đã vội lấy một điếu. Tên phó đánh diêm, anh hút thuốc, vẻ suy nghĩ.
Rồi như sực nhớ ra một điều gì, anh nói: “Thật là độc ác và bất công. Tôi không có tội gì cả. Tôi…”. Mắt tôi nhìn cứ dán vào cái cổ họng trắng trẻo của anh, bên trong như có cái gì run bật lên. Anh nghẹn lời. Đúng, lúc ấy tôi nghe thấy Rozovxki hét lên, giọng Do Thái the thé.
Lozinxki vứt điếu thuốc đi và bước qua cửa. Rồi Rozovxki tới trước mắt cáo phòng tôi. Khuôn mặt ngây thơ có đôi mắt đen ướt của anh, bây giờ đỏ lên và nhớp mồ hôi. Anh cũng mặc bộ quần áo sạch. Quần rộng quá, anh phải lấy hai tay kéo xốc lên, toàn thân anh run lẩy bẩy. Anh kề sát bộ mặt thảm thương gần lỗ của phòng tôi: “Anatoli Petrovich, có đúng là bác sĩ cho tôi thuốc ho phải không? Tôi ốm rồi, phải uống ít thuốc ho nữa”. Không ai trả lời, còn anh hết nhìn tôi lại nhìn tên giám ngục để hỏi. Câu nói như vậy nghĩa là thế nào, thật tôi không rõ. Phải.
Bỗng nhiên, tên phó giám ngục làm ra mặt nghiêm khắc quát lên, giọng the thé: “Nầy! Đùa gì thế? Đi đi!”. Rozovxki hẳn không hiểu được cái gì đang chờ đợi mình; anh vội vã đi gần như chạy trong hành lang, vượt lên trước mọi người. Bỗng anh đứng sững lại và tôi nghe thấy có tiếng chân và tiếng xôn xao, xô sát; anh hét lên và khóc nức nở, tiếng mỗi lúc một xa, rồi tiếng cửa hành lang khép lại và mọi vật lại chìm trong yên lặng. Phải, họ đã treo cổ cả hai người, họ lấy dây thừng thắt cho cả hai tắc thở.
Một người gác khác đã chứng kiến buổi hành hình kể lại là Lozinxki không chống cự; còn Rozovxki giãy giụa chống lại một hồi lâu, thành ra họ phải lôi anh lên giá treo, đút đầu anh vào thòng lọng. Phải. Người gác nầy là một anh chàng hơi ngớ ngẩn. Anh ta nói: “Ngài ạ, người ta cứ bảo tôi là trông khiếp lắm, nhưng thực ra cũng không có gì đáng khiếp cả. Khi hai người bị treo cổ, họ chỉ nhún vai có hai lần, như thế nầy thôi! – anh ta so vai, đưa lên đưa xuống. – Rồi người đao phủ rút thêm tí nữa, cho nút thòng lọng thít chặt lại, và thế là xong; người bị treo cứng đờ ra, chẳng còn cựa quậy gì nữa”.
Và Krinxov nhắc lại lời người gác: “Không có gì đáng khiếp cả” anh định mỉm cười, nhưng trái lại, anh đã oà lên khóc nức nở. Anh yên lặng một lúc lâu, hơi thở nặng nhọc, rồi nuốt những tiếng nức nở đương làm anh nghẹn ngào. Anh lấy lại bình tĩnh nói tiếp. “Từ đó, tôi theo cách mạng. Vâng”. Và anh nói thêm ít câu để kết thúc câu chuyện.
Anh vào đảng Ý Dân, và đứng đầu nhóm phá hoại có nhiệm vụ khủng bố chính phủ, để họ phải tự ý nhường quyền cho nhân dân. Để làm nhiệm vụ, anh đi Petersburg, Kiev, Odessa và ra cả nước ngoài; ở đâu anh cũng thành công. Về sau anh bị một người tâm phúc phản bội. Chúng bắt anh, đưa ra toà xử và sai hai năm bị giam, anh bị kết án tử hình, sai giảm xuống thành khổ sai chung thân. Ở tù anh mắc bệnh lao. Và trong điều kiện hiện nay, anh khó mà sống được vài tháng nữa. Anh biết thế, nhưng không hối tiếc gì và còn nói nếu anh được sống thêm một cuộc đời nữa thì anh lại sẽ cứ đi theo con đường anh đã đi: tiêu diệt cái chế độ hiện hành đã gây ra tất cả những điều anh đã nhìn thấy.
Được nghe câu chuyện của Krinxov và sống gần gũi thân cận với anh, Nekhliudov hiểu được nhiều điều mà trước kia anh không hiểu.
Chú thích:
(1) Meletei Platonovich (1855-1880) nhà cách mạng bị treo cổ ở Kiev.
(2) Iosif Isskovitch (1660-1880) nhà cách mạng bị treo cổ ở Kiev (Theo chú thích trong bản dịch Pháp văn của E. Becaux)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.