Phục Sinh

CHƯƠNG 108



Hôm tên sĩ quan áp giải có chuyện lôi thôi với tù nhân về đứa trẻ ở cổng trạm nghỉ thì Nekhliudov nghỉ đêm ở một quán cơm trọ trong làng. Vì dậy muộn, lại ngồi nán viết thư để khi đến thị xã lớn gần tới sẽ gửi bưu điện, thành ra chàng rời quán trọ trễ hơn mọi lần và không vượt được đoàn tù ở dọc đường như những lần trước; lần nầy, mãi đến nhá nhem tối, chàng mới tới cái làng ở gần trạm nghỉ của đoàn tù.
Chàng vào trọ trong một quán ăn, hong quần áo cho khô. Chủ quán là một người đàn bà goá, cổ trắng ngần, béo núc ních. Chàng uống trà trong một căn buồng sạch sẽ có treo nhiều tranh ảnh tượng Thánh. Dùng trà xong, chàng vội vàng đến khu trạm nghỉ hỏi viên sĩ quan để xin phép vào thăm tù nhân.
Ở sáu chặng nghỉ vừa qua, tuy rằng sĩ quan phụ trách thay đổi nhiều lần, nhưng không một người nào cho phép Nekhliudov vào trạm nghỉ, thành ra hơn một tuần nay chàng chưa gặp Katiusa. Sở dĩ họ khắt khe như vậy vì họ đang chờ đón một viên quan cao cấp phụ trách các trại giam sắp đi qua con đường nầy. Nay viên sĩ quan đó đã đi rồi, hắn không hề nhìn nhõi gì đến các trạm nghỉ, nên Nekhliudov hy vọng viên sĩ quan phụ trách đoàn tù sáng hôm nay sẽ cho phép chàng gặp tù nhân như trước kia.
Mụ chủ quán muốn cho Nekhliudov mượn một cỗ xe bốn bánh để đi đến trạm tù nghỉ ở bên kia làng, nhưng chàng lại thích đi bộ. Một anh làm công trẻ, vai to rộng như lực sĩ, chân đi đôi ủng to tướng mới đánh xi, nhận dẫn đường cho chàng. Trời sương mù mờ mịt tối đen đến nỗi anh dẫn đường chỉ đi trước có ba bước, Nekhliudov cũng không nhìn thấy trừ những khi có ánh sáng từ một cửa sổ nào đó chiếu ra – mà chỉ nghe thấy tiếng giầy anh ta giẫm lép nhép trên lớp bùn dày quánh.
Qua hết bãi đất rộng trước cửa nhà thờ và một phố dài có dãy cửa sổ sáng trưng, Nekhliudov theo người dẫn đường ra đến đầu làng, trời tối đen như mực. Nhưng chẳng mấy chốc qua bóng tối chàng đã nhận thấy cô những tia sáng leo lét trong sương mù. Đó là những ngọn đèn thắp quanh trạm nghỉ. Những vệt sáng đo đỏ, mỗi lúc một rõ hơn, rồi chàng nhìn thấy cả những cái cọc giậu cái bóng đen người lính gác đi đi lại lại, những cột quét sơn đen lẫn trắng và trạm canh.
Hai người tiến đến gần, người lính gác thét to câu hỏi thường lệ: “Ai đó!”. Khi nhận thấy là hai người lạ, anh ta tỏ ra rất nghiêm, không cho cả hai người được đứng đợi bên hàng rào. Nhưng anh làm công dẫn đường không vì thể mà lúng túng, rụt rè.
“Nầy sao chú hắc thế? – Anh ta nói. – Làm ơn mời ông quản ra đây bọn mình có tí việc, bọn mình đứng đợi”.
Người lính không trả lời, gọi to vào phía trong cửa và đứng yên nhìn anh làm công vai rộng đương lấy một cái que cạo bùn dính ở giầy Nekhliudov, dưới ánh đèn. Từ sau bức rào vọng ra tiếng ồn ào, có cả giọng đàn ông và đàn bà. Sau vài phút, có tiếng kẹt cửa mở, một viên quản khoác chiếc áo choàng trên vai từ trong bóng tối tiến ra phía ánh đến, và hỏi Nekhliudov muốn gì. Nekhliudov đứa tấm danh thiếp trong viết xin gặp có việc riêng và nhờ đưa cho viên sĩ quan. Người quản nầy không ngặt như người lính gác. Nhưng anh ta rất tò mò, cứ nhất định muốn biết Nekhliudov hỏi viên sĩ quan về việc gì, và chàng là ai. Rõ ràng hắn ta đã đánh hơi thấy một món có thể kiếm chác được và quyết không chịu bỏ lỡ cơ hội. Nekhliudov nói là chàng có việc riêng, sẽ không quên ơn và đề nghị chuyển hộ tấm thiếp cho viên sĩ quan.
Viên quản cầm giấy, gật đầu và quay lại.
Một lát sai cửa lại lạch cạch mở và thấy mấy người phụ nữ cắp rổ, cắp bị, cầm hộp đi ra; qua cửa, họ nói chuyện bô bô với nhau bằng tiếng địa phương Siberi.
Tất cả ăn mặc không phải theo lối thôn quê mà theo lối thành thị, có áo “măng tô”, áo lông khoác ngoài, đầu bịt khăn vuông, váy xắn cao. Vẻ tò mò, họ chăm chắm nhìn Nekhliudov và anh dẫn đường đứng dưới ánh đèn. Khi một người trong bọn nhận ra anh làm công vai rộng thì tỏ vẻ vui mừng, mắng yêu anh ta bằng tiếng Siberi:
– Ông mãnh! Đến đây làm trò gì thế? Sao ma quỷ nó chẳng bắt ông mãnh đi!
– Tớ dẫn đường cho ông nầy, – anh làm công trả lời. – Còn đằng ấy mang gì lại đây thế
– Sữa, và đến sáng lại mang sữa đến nữa.
– Thế họ không giữ lại ngủ đêm à?
– Cái anh phải gió nầy, chỉ nói nhảm, – người phụ nữ vừa cười vừa trả lời, – nầy, cùng về với bọn nầy đi.
Người dẫn đường nói câu gì đó làm cho không những mấy người phụ nữ mà cả người lính gác cũng bật cười. Song anh ta quay sang Nekhliudov và nói:
– Thưa ngài, ngài nhớ đường về một mình được chứ ạ? Ngài không lạc chứ?
– Tôi nhớ đường rồi, không sao.
Qua nhà thờ rồi, ngài đi đến cái nhà thứ hai ở bên phải sai cái nhà hai tầng là đúng. Mà nầy, ngài cầm cái gậy của tôi. – Anh ta nói và đưa cho Nekhliudov cái gậy đương cầm trong tay; chiếc gậy cao quá đầu anh ta. Rồi với đôi giầy to tướng, anh lội bùn, cùng mấy phụ nữ biến vào trong bóng tối.
Tiếng anh ta xen với tiếng mấy người phụ nữ còn đang vọng lại từ trong sương mù thì cửa lại lạch cạch mở và viên quản ra mời Nekhliudov đi theo vào gặp viên sĩ quan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.