Phục Sinh

CHƯƠNG 110



Nekhliudov cùng người lính đi ra, ngoài sân sáng lờ mờ dưới ánh đến đỏ quạch.
– Đi đâu đây? Một người lính gác gặp hỏi.
– Đến buồng riêng, số 5.
– Không đi đằng nầy được. Cửa đằng nầy khoá, anh phải đi vòng thềm đằng kia.
– Sao thế?
– Quan quản đã khoá rồi. Ngài đi vào trong làng.
Người lính dẫn Nekhliudov men đường ván gỗ đến một cái bậc tam cấp khác. Hãy còn đi ở ngoài sân, Nekhliudov đã nghe thấy tiếng người nói lao xao và tiếng ồn ào ở bên trong như một tổ ong; nhưng khi lại gần và cửa mở ra thì tiếng lao xao đó tăng lên, ầm ĩ, những tiếng gọi, tiếng chửi, tiếng cười. Thỉnh thoảng lại thấy tiếng xích lạch cạch và mùi nồng nặc hôi thối quen thuộc, mùi cứt với hắc ín, bốc lên sặc sụa.
Bao giờ cũng vậy, tiếng nói rì rầm lẫn với tiếng xích và cái mùi hôi thối kinh khủng kia hợp lại cũng tạo nên một cảm giác nặng nề gây cho Nekhliudov một thứ ghê tởm về tinh thẩn đến phát buồn nôn. Hai cảm giác đó xen lẫn vào nhau, kích thích lẫn nhau.
Bước qua ngưỡng cửa, cái đầu tiên mà Nekhliudov trông thấy là một người đàn bà ngồi trên mép miệng một cái thùng phân to thối hoăng và đứng trước mặt chị ta là một người đàn ông, chiếc mũ bánh đa đội lệch trên cái đầu hói. Họ đương nói chuyện gì đó. Thấy Nekhliudov vào người đàn ông nháy mắt, nói:
– Đến vua cũng chẳng nhịn được nữa là!
Còn người đàn bà buông vạt áo và cúi đầu nhìn xuống.
Từ cửa vào có một đường hành lang chạy thẳng, hai bên cửa đi vào các xà lim. Xà lim đầu là một gian dành cho tù không vợ con, sau cùng đến hai xà lim nhỏ dành riêng cho những tù chính trị. Căn nhà xây để chứa một trăm rưởi người, nhưng bây giờ phải chứa đến bốn trăm rưởi thành ra chật chội quá, tù nhân không thể ở cả trong phòng, phải ra đầy ngoài hành lang. Người ngồi, kẻ nằm trên sàn, kẻ mang ấm không đi lấy nước, người đem ấm đầy nước sôi về, trong số những người nầy có Taratx.
– Anh ta cố chạy theo kịp Nekhliudov và ân cần chào hỏi.
Bộ mặt hiền lành của anh khác đi, vì có những vết thâm tím ở mũi và dưới mắt.
– Đã xảy ra chuyện gì thế, anh? – Nekhliudov hỏi.
– Vâng, vừa xảy ra một chuyện, – Taratx trả lời, mỉm cười.
– Đúng rồi, bọn chúng nó chỉ có đánh nhau thôi, – người lính gác nói, vẻ khinh bỉ.
– Chỉ vì một con mụ đàn bà, – một người tù đi sau nói chêm vào. – Hắn vừa choảng nhau với thằng Fetlka chột mắt đấy.
– Thế còn cô Fedoxia thế nào?
– Khỏe mạnh như thường. Tôi đang đem nước cho cô ấy pha chè đây. – Taratx trả lời và đi vào xà lim các người có gia đình.
Nekhliudov nhìn qua cửa. Phòng đầy đàn ông, đàn bà, người trên phản, kẻ dưới gầm. Từ quần áo ướt bốc hơi, hơi bốc đẩy phòng. Tiếng đàn bà léo nhéo chuyện trò không ngớt.
Cửa thứ hai là cửa vào xà lim những tù không có gia đình. Trong nầy, người còn đông hơn; tận ngưỡng cửa, và cả ngoài hành lang cũng chật ních những người, quần áo ướt át họ đương ồn ào tíu tít chia nhau cái gì hoặc phân xử chuyện gì đó. Người lính cho Nekhliudov biết là người cai tù đang lấy tiền ăn của tù trả cho tên trùm cờ bạc số tiền, ghi nợ dưới hình thức phiếu cắt ở các con bài ra, mà những người tù vay nó, hoặc đánh bạc thua nó.
Trông thấy viên sĩ quan và nhà quý tộc, những người đứng gần đó lặng im và đưa mắt nhìn theo, đầy ác cảm.
Trong số những người nầy, Nekhliudov nhận ra có Fedoxi, người tù khổ sai quen biết. Anh nầy vẫn giữ luôn bên cạnh mình một anh thanh niên tiều tuỵ, da xanh bủng, mặt nề xị, lông mày rướn cao, và một gã vô lại nữa trông thật gớm ghiếc, mặt rỗ như tổ ông bầu lại không có mũi. Thằng nầy khét tiếng vì lần chạy trốn vào rừng hoang, nghe nói như nó đã giết và ăn thịt đứa bạn cùng trốn. Nó đang đứng ở lối đi, một chiếc áo ướt vắt trên vai; nó nhìn Nekhliudov một cách ngạo nghễ, hỗn xược và cử đứng ở giữa hành lang không tránh; Nekhliudov đi men vòng bên cạnh.
Tuy Nekhliudov đã quen với những cảnh tượng nầy, tuy ba tháng nay, chàng đã trông thấy bốn trăm người tù có trong các trường hợp khác nhau: gặp hôm trời nóng bức, lúc đi trong đám bụi mù do chân đeo xích làm tung lên, khi nghỉ ở dọc đường, khi ở trạm, hoặc vào những lúc ấm trời họ ở ngoài sân, nơi những cảnh dâm ô công khai đã diễn ra một cách ghê rợn, thế mà bất cứ lúc nào tiếp xúc với họ và thấy họ chăm chú nhìn mình như bây giờ, chàng đều thấy bị giầy vò, thấy hổ thẹn, thấy mình có tội với họ. Điều khổ tâm nhất là lẫn với sự hổ thẹn, thấy mình có tội, còn có thêm cả cảm giác ghê tởm và sợ hãi nữa, một cảm giác không sao lấn át đi được. Chàng vẫn biết là sống ở trong tình trạng nầy, họ không thể nào khác được. Nhưng dẫu sao chàng vẫn không thể nào không ghê tởm.
Khi tiến gần tới phòng giam tù chính trị, chàng còn nghe thấy có kẻ nói, giọng khàn khàn “Tụi ăn bám thì yên trí lắm”. “Những thằng quỉ sứ ấy thì lo gì. Ăn no phệ bụng còn ốm làm sao được?” Và đèo thêm là một câu chửi tục tĩu Có tiếng cười châm chọc, chế nhạo vang lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.