Phục Sinh

CHƯƠNG 119



Khi Nekhliudov theo Katiusa trở về buồng giam tù đàn ông, anh thấy ai nấy đều đang sửng sốt. Nabatov hay đi la cà, liên hệ với mọi người và nhận xét mọi sự, vừa mới đem về một tin làm mọi người kinh dị. Số là anh ta vừa mới tìm thấy trên một bức tường, một mảnh giấy có chữ viết của nhà cách mạng Petlin, bị án khổ sai, mà mọi người đều tưởng đã đến miền Kara(1) từ lâu rồi, nhưng nay bỗng nhiên hoá ra là anh ta vừa mới qua đây, đi theo đường nầy, và là một tù chính trị duy nhất lẫn trong đám tù thường phạm.
Mảnh giấy ghi: “Ngày 17 tháng tám, tôi bị giải đi một mình với tù thường phạm. Cùng bị giải đi với tôi có Nevrov, nhưng anh ta đã thắt cổ chết trong nhà giam điên ở Kazan. Tôi vẫn mạnh khỏe, tinh thần sảng khoái và hy vọng mọi sự sẽ tốt hơn”.
Mọi người bàn tán về hoàn cảnh của Petlin và lý do vì sao Nevrov tự tử. Chỉ có Krinxov ngồi lặng yên, vẻ tư lự đôi mắt long lanh nhìn chăm chắm phía trước mặt.
– Nhà tôi nói là khi còn bị giam ở pháo đài Petropalovxkaia, Nevrov đã nhìn thấy ma, – Ranxeva nói.
– Phải, anh ta là một thi sĩ, một người mơ mộng.
– Những con người đó không chịu được cực hình bị giam một mình, – Novotvorov nói. – Khi tôi bị giam riêng một chỗ, tôi không bao giờ để thả lỏng trí tưởng tượng, tôi phân bố thời gian một cách có hệ thống, nên bao giờ tôi cũng chịu đựng được rất cừ.
– Có gì mà không chịu được? Nhiều lần tôi bị bắt, tôi lại thấy rất vui, – Nabatov nói, giọng vui vẻ, anh ta có ý muốn làm tan cái không khí buồn tẻ của mọi người. – Trước kia sợ đủ mọi thứ: sợ bị bắt, sợ làm liên luỵ đến người khác, sợ làm hỏng công việc, đến khi bị bắt thì hết trách nhiệm, có thể nghỉ ngơi, chỉ còn ngồi đấy và hút thuốc.
– Anh biết rõ anh ta phải không? – Maria Paplovna hỏi, đưa mắt lo ngại nhìn vẻ mặt bỗng nhiên biến sắc, phờ phạc của Krinxov.
– Nevrov mà là con người mơ mộng ư? – Krinxov đột nhiên lên tiếng, mồm thở hổn hển như vừa mới gào to hay hát quá lâu. – Nevrov là một người ít có trên đời, như lời người canh cổng nhà tôi vẫn thường nói. Đúng… anh ta có một bản chất trong sáng như pha lê, nhìn thấu qua trông thấy rõ hết cả. Anh ta chẳng những không thể nói dối, mà ngay đến chỉ giả vờ thôi, cũng không làm được. Không phải anh ta chỉ nhạy cảm, mà còn như người ta bị lột da, có bao nhiêu dây thần kinh phơi cả ra ngoài.
– Phải, bản chất anh ta phong phú, phức tạp không giống như… nhưng thôi, nói đến làm gì? – Krinxov ngừng lại, rồi cau mày, bực bội nói tiếp.
– Chúng ta tranh luận về vấn đề phải giáo dục nhân dân trước rồi mới cải cách xã hội hay cải cách xã hội trước, rồi chúng ta tranh luận về cách thức đấu tranh: bằng hoà bình tuyên truyền hay bằng khủng bố! Chúng ta tranh luận, còn bọn chúng không tranh luận gì hết. Chúng nắm vững công việc của chúng rồi, chúng cần quái gì cái chuyện hàng chục, hàng trăm người bị chết, mà đâu có phải là những người thường! Trái lại cứ cho những người ưu tú nhất chết cả đi, đó là điều chúng đang mong muốn. Phải, Gerxen có nói là khi các đảng viên tháng Chạp(2) bị loại thì trình độ chung của xã hội tụt xuống sao được? Rồi sau chính Gerxen và các đồng chí của ông bị loại và nay, đến lượt những người như Nevrov…
– Chúng không thể tiêu diệt hết được, – Nabatov nói, giọng vui vẻ. – Bao giờ cũng còn đủ để truyền giống lại!
– Không, không còn nữa đâu, nếu chúng ta còn thương hại chúng nó, – Krinxov nói to hẳn lên và không chịu để ngắt lời. – Cho tôi điếu thuốc lá.
– Ồ, Anatoli, hút thuốc có hại đấy! – Maria Paplovna nói. – Đừng hút, anh ạ.
– Không, mặc tôi. – Anh cáu kỷnh nói rồi cứ châm lửa hút, nhưng bật ho ngay và ọe như muốn nôn mửa. Rồi khạc nhổ xong, anh nói tiếp.
– Từ trước tới giờ, chúng ta làm không đúng. Đừng lý luận nữa mà hãy đoàn kết tất cả lại, tiêu diệt chúng nó đi Thế đấy.
– Nhưng họ cũng là người, – Nekhliudov nói.
– Không. Chúng không phải là người: là người thì không ai có thể làm điều như chúng đang làm… Không. Thấy nói người ta vừa chế ra một thứ bom và những quả khí cầu gì đó. Phải, ta trèo lên những chiếc khí cầu đó và dội bom xuống đầu chúng, giết chúng như giết rận ấy, cho chúng tiệt giống đi mới thôi. Phải, vì… – Anh định nói tiếp nhưng mặt anh đỏ lên và ho nhiều hơn trước; một dòng máu bắn vọt từ trong miệng ra.
Nabatov chạy đi lấy ít tuyết. Maria Paplovna đem mấy giọt thuốc biệt thảo cho anh uống, nhưng anh lấy hai bàn tay gầy guộc, trắng nhợt đẩy ra, miệng anh thở hổn hển, mặt nhăn lại. Khi tuyết và nước lạnh đã làm anh dịu đi một chút, người ta đưa anh lên giường đi ngủ thì Nekhliudov chào từ biệt mọi người, cùng đi ra với viên quản vẫn đứng chờ chàng ở ngoài từ nãy.
Bây giờ đám tù thường phạm đã im lặng, phần lớn đã đi ngủ. Trong phòng, người nằm trên giường, kẻ dưới gậm và cả ở lối đi nữa, nhưng vẫn không đủ chỗ, có một số phải ra hành lang nằm, đầu gối lên các bọc hành lý, trùm áo choàng ướt lên người.
Tiếng ngáy, tiếng rên rỉ, tiếng nói mê lọt qua cửa để mở ra ngoài hành lang. Từng đống người mặc quần áo tù nằm ngổn ngang, chỉ còn vài người thức trong phòng dành cho những người không vợ; họ ngồi trong một góc dưới ánh một ngọn nến, khi thấy viên quản, họ tắt phụt đi; và một ông già trần truồng ngồi dưới ánh đèn ở hành lang đương lần bắt rận ở áo lót. Không khí hôi hám trong buồng tù chính trị như lại còn là trong sạch, so với không khí nồng nặc và khó thở ở đây. Ngọn đèn bốc khói lù mù như chiếu qua một màn sương mờ. Không khí thật khó thở. Khi đi dọc hành lang, nếu không muốn giẫm phải hay bị vướng vào chân người nằm thì phải nhìn cẩn thận xem chỗ nào trống mà đặt chân xuống. Có ba người, chắc là không tìm được chỗ nằm trong hành lang, phải nằm ngay lối cửa đi vào, cạnh cái thùng phân có kẽ nứt đang rỉ nước. Một người là ông già lẩn thẩn, Nekhliudov vẫn nhìn thấy ở dọc đường. Người thứ hai là một đứa con trai độ lên mười; nó nằm giữa hai người tù khác, bàn tay để dưới má, đầu ghếch lên chân một người.
Khi ra khỏi cửa, Nekhliudov dừng lại hít mạnh một hơi dài cho không khí lạnh vào căng lồng ngực.
Chú thích:
(1) Tên một con sông nhỏ, gần đó có nhiều mỏ vàng; chính phủ Nga hoàng đã đày tù chính trị đến đó để khai thác từ 1879 đến 1890. (Theo bản dịch Pháp văn của E Beaux).
(2) Chỉ nhóm cách mạng phát động cuộc khởi nghĩa quân sự nhằm lật đổ chính phủ Nga hoàng, vào tháng 12 năm 1825, lúc vua Nikolai lên ngôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.