Phục Sinh

CHƯƠNG 123



Khi xe lên hết dốc bờ, người đánh xe quay lại hỏi Nekhliudov.
– Ngài muốn đến khách sạn nào?
– Đến nhà nào tốt nhất?
Khách sạn “Người Siberi” thì hơn cả, nhưng khách sạn Dyukov cũng tốt.
– Đến đâu cũng được, tuỳ anh.
Người lái xe ngồi chếch sang một bên và cho xe chạy nhanh hơn. Thị trấn nầy cũng giống như tất cả những thị trấn khác cùng loại. Cùng một kiểu nhà có cửa gác xép cũng mái nhà xanh xanh, cũng một kiểu nhà thờ, cũng những cửa hàng nhỏ và ở phố chính, có cửa hàng lớn, cả đến cảnh binh cũng cùng một kiểu. Nhưng có điều là phần lớn nhà ở đây đều bằng gỗ, và đường phố không lát đá.
Khi đến gần một phố đông nhất, người lái hãm xe lại trước cửa một khách sạn, nhưng hết buồng nên lại phải đến một khách sạn khác. Lần nầy thì có buồng. Sau hai tháng đi đường, Nekhliudov lại thấy lại hoàn cảnh mà chàng đã quen sống trước kia, có đủ tiện nghi và tương đối sạch sẽ. Tuy căn buồng chàng thuê chỉ là một căn hạng xoàng, chẳng có gì là lộng lẫy, nhưng sau hai tháng đi xe ngựa trạm, ăn ngủ ở quán trọ nhà quê, ở những trạm nghỉ của tù, giờ đây, chàng thấy rất thoải mái dễ chịu. Việc thứ nhất cần làm là phải trừ hết rận chấy mà chàng không có lúc nào rũ hết được từ khi lui tới các trạm tù nghỉ. Cởi quần áo ra xong, là chàng đi tắm ngay, rồi thắng bộ quần áo kiểu tỉnh thành vào, sơ mi cổ cứng, quẩn ép nếp, áo lễ và áo choàng – để lại thăm viên tướng thống đốc khu. Người gác của khách sạn gọi một chiếc xe ngựa; lại một con ngựa Kirghiz béo khỏe kéo chiếc xe lắc lư đưa chàng đến một toà nhà tráng lệ; ngôi nhà có lính gác và một người cảnh binh canh giữ.
Trước và sau nhà có vườn; trong vườn giữa đám cây phong và bạch dương cành trơ trụi là những khóm tùng bách tươi tốt xanh um.
Tướng thống đốc không được mạnh và không tiếp khách, nhưng Nekhliudov nhờ người hầu cứ đưa danh thiếp vào, một lúc người ấy ra trả lời là quan thống đốc bằng lòng tiếp.
– Có lệnh mời ông vào, – người hầu nói.
Phòng đợi, người hầu, người cần vụ, cầu thang, phòng khách có mặt sàn bóng loáng, tất cả cũng giống y như ở Petersburg, tuy không được sạch sẽ bằng, nhưng oai vệ hơn. Người hầu dẫn Nekhliudov vào phòng làm việc.
Tướng thống đốc là một người béo phệ, da dẻ hồng hào, mũi to phổng như củ khoai tây, dưới cặp mắt thịt nổi u lên, trên trán và đầu hói nhẵn trơ trông nổi hẳn những hình khối tròn của chiếc sọ. Ông mặc kiểu Tarta bằng lụa, đương ngồi hút thuốc lá và uống trà; chén trà đặt trên đĩa bằng bạc.
– Xin chào ông bạn. Xin ông thứ lỗi cho cái lỗi mặc áo ngủ tiếp khách. Nhưng tôi nghĩ thế còn hơn là không tiếp – Tướng thống đốc vừa nói vừa đưa cổ áo trùm lên trên cái gáy béo núc ních có đến mấy nếp thịt ụ lên. – Tôi thấy trong người không được khỏe lắm nên không ra ngoài. Có việc gì đã đưa ông đến nơi xa xôi hẻo lánh nầy?
– Tôi đi theo một đoàn tù, trong số đó có một người quan hệ thân thiết với tôi, – Nekhliudov nói. – Tôi lại thăm quan lớn một phần vì người đó, một phần vì việc khác.
Tướng thống đốc hút một hơi thuốc nữa, và uống một ngụm trà, sau lão dụi điếu thuốc lá trong cái gạt tàn bằng đá xanh và chăm chú nghe Nekhliudov nói, đôi mắt béo húp long lanh nhìn chàng; lão chỉ ngắt lời Nekhliudov một lần để mời hút thuốc.
Viên tướng nầy thuộc vào hàng quân nhân có học thức; loại người trước đây tin tưởng là các quan niệm tự do và nhân đạo có thể điều hoà nghề nghiệp của họ được.
Nhưng vốn là người khôn ngoan và có lòng tốt, lão sớm thấy ngay không thể có sự thoả hiệp như vậy được. Để khỏi phải luôn luôn cảm thấy cái mâu thuẫn đó trong tâm tư, lão càng ngày càng buông mình đi sâu vào tính rượu chè – một thói quen đặc biệt phổ biến trong giới con nhà binh – nó ăn sâu quá cho nên sau ba mươi lăm năm phục vụ trong quân đội, lão đi đến một tình trạng mà bác sĩ gọi là “nghiện rượu”. Toàn thân lão sũng ra những rượu, lão uống bất cứ một thứ rượu gì cũng thấy say ngay. Rượu đã trở thành một nhu cầu tuyệt đối cần thiết đối với lão không có rượu lão không sống được, thành ra chiều nào lão cũng say mềm, nhưng vì đã quá quen nên lão cũng không hề đi lảo đảo hay nói lảm nhảm. Vả lại, nếu khi say lão có nói bậy nữa thì lời nói bậy đó do cái địa vị quan trọng đường đường một bậc thủ hiến của lão cũng được coi là những lời nói khôn.
Chỉ có vào buổi sáng – đúng lúc Nekhliudov lại thăm – là lúc mà giống một người bình thường, lão sáng suốt và có thể hiểu được những lời mà người ta nói với lão: và ta có thể áp dụng ít hay nhiều ở đây câu tục ngữ mà lão thích nhắc lại là “say mà sáng suốt lợi cả hai bề”. Cấp trên biết lão là người rượu chè, nhưng vì lão là người có học thức hơn những kẻ khác – tuy đã đến khi nghiện rượu thì học thức ấy không tiến hơn được nữa – lão lại can đảm, khôn khéo, oai vệ, thông minh và khi say cũng biết xử sự đúng mực, nên lão được bổ nhiệm và được phép giữ chức vụ quan trọng nầy.
Nekhliudov nói với lão rằng người mà chàng quan tâm đến là một người phụ nữ đã bị xử oan và đã có sớ khiếu oan dâng lên Hoàng đế rồi.
– Vậy thì sao?
– Ở Petersburg có hứa với tôi là nội trong tháng nầy sẽ tin cho tôi biết về số phận của người đàn bà đó và giấy tờ sẽ gửi về đây.
Viên tướng, mắt không rời Nekhliudov, đưa bàn tay ngắn chũn về phía bàn và bấm chuông. Lão vẫn yên lặng nghe, hít một hơi thuốc lá và ho rất to.
– Tôi muốn xin cho người đó được phép ở lại đây cho đến khi sớ khiếu oan được trả lời.
Người lính hầu cận bận quân phục đi vào.
– Hỏi xem bà Anna Vaxilievna đã dậy chưa, – tướng thống đốc bảo người hầu, – và đem một ít trà nữa lại đây.
Rồi quay lại Nekhliudov lão nói:
– Rồi sao nữa?
– Yêu cầu thứ hai là về một người tù chính trị cùng đi trong đoàn tù nầy.
– À là thế – tướng thống đốc nói, đầu gật gù một cách có ý nghĩa.
– Anh ta ốm nặng, sắp chết – và có lẽ phải nằm lại bệnh viện ở đây. Vì thế một nữ chính trị phạm muốn ở lại với anh ta.
– Người ấy có quan hệ gì với anh ta không?
– Không, nhưng nếu để được phép ở lại mà phải lấy anh ta thì cô ấy cũng sẵn sàng.
Viên tướng lặng lẽ nghe, đôi mắt long lanh nhìn chăm chú vào Nekhliudov cố ý làm cho chàng bối rối, miệng luôn luôn hút thuốc.
Khi Nekhliudov nói xong, lão cầm một quyển sách trên bàn, nhấm đầu ngón tay và giở rất nhanh tìm đoạn nói về hôn nhân.
– Cô ta bị án gì? – Lão ngước mắt lên khỏi quyển sách, hỏi.
– Cô ta ư! Bị xử án khổ sai.
– Bị án ấy thì dù có lấy hắn ta nữa, tình trạng cũng chẳng hơn gì.
– Nhưng mà…
– Xin lỗi! Ngay như nếu một người tự do lấy cô ta, thì cô ta cũng vẫn phải chịu tội cho đến mãn hạn như thường kia mà. Vấn đề là ở chỗ nầy, xem ai bị án nặng hơn, anh ta hay cô ta.
– Cả hai đều bị án khổ sai.
– Tốt lắm, thế là kẻ tám lạng người nửa cân. – Tướng thống đốc cười nói. – Anh làm sao, thì chị cũng vậy; nhưng có thể, cần làm gì để số phận anh ta được nhẹ nhàng hơn thì người ta sẽ làm; còn về phần cô ta, dù có lấy anh ta chăng nữa, cũng không thể ở lại được.
– Bà lớn đang dùng cà phê ạ! – Người hầu vào báo.
Viên tướng gật đầu và tiếp:
– Dẫu sao tôi cũng sẽ lưu tâm đến việc đó. Tên hai người là gì nhỉ? Ông biên vào đây.
Nekhliudov ghi tên hai người.
Khi Nekhliudov xin phép vào thăm người ốm sắp chết, viên thống đốc nói:
– Việc nầy tôi không thể nào cho phép được. Tất nhiên tôi không nghi ngờ gì ông, nhưng vì ông chú ý đến anh ta và những người khác, mà ông lại có tiền; mà ở đây có tiền thì muốn gì cũng được. Người ta bảo tôi: “Triệt cho hết nạn hối lộ. Nhưng tôi làm thế nào mà triệt được hết nạn hối lộ khi mà ai cũng ăn hối lộ? Mà càng là viên chức cấp dưới thì càng sẵn sàng ăn. Làm thế nào mà kiểm soát được người ở xa ngoài năm ngàn dặm? Khi ở xa như vậy mỗi viên chức là một ông vua con như tôi đây chẳng hạn. – Và lão cười. – Có lẽ trước đây ông vẫn được đến gặp gỡ thăm hỏi những người tù chính trị vì ông đút tiền và người ta để cho ông vào, phải không? – Lão nói và mỉm cười – Có phải thế không?
– Thưa đúng, có thế.
– Tôi biết là nhất định ông phải làm như thế. Ông thương hại một người tù chính trị và ông đến thăm người đó Người gác ngục hay người lính áp giải tù nhận tiền đút vì lương họ mỗi ngày có bốn mươi “kopeik” mà lại còn vợ con, họ không thể không ăn tiền được. Nếu tôi ở vào địa vị họ và ở vào địa vị ông tôi cũng làm như ông hay như họ đã làm. Nhưng ở địa vị tôi, thì tôi buộc phải tôn trọng luật pháp không sai một chữ, vì tôi cũng là người, nên có thể bị lòng trắc ẩn lôi cuốn vào chỗ sai lầm. Tôi là một viên chức thừa hành của chính phủ, được người ta tin trên một số điều kiện nào đó, nên tôi phải xứng đáng với lòng tin đó. Thôi công việc thế là xong. Bây giờ ông kể cho tôi nghe chuyện ở Chính quốc nào.
Và tướng thống đốc bắt đầu vừa hỏi chuyện vừa kể lại tỏ ra vừa muốn nghe lại vừa muốn tỏ cho khách biết địa vị quan trọng và lòng nhân ái của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.