Phục Sinh

CHƯƠNG 126



Tuy rằng lúc nầy một màu trắng tinh đã phủ cả lối vào lẫn mái nhà và các tường. cảnh tượng buồn thảm của nhà lao với người lính gác cùng ngọn đèn leo lét dưới vòm cổng, với những ánh sáng lờ mờ ở các cửa sổ mặt trước lại còn buồn thảm hơn cả buổi ban mai.
Viên giám ngục bệ vệ ra cửa đọc giấy phép của Nekhliudov và người Anh dưới ánh đèn, và nhún đôi vai lực lưỡng tỏ vẻ ngạc nhiên; nhưng tuân lệnh trên, hắn mời hai người theo vào. Hắn dẫn hai người đi qua sân, rồi qua một cái cửa bên phải, lên thang gác, vào văn phòng. Hắn mời hai người ngồi và hỏi có việc gì cần giúp.
Khi nghe Nekhliudov nói muốn gặp Maxlova ngay bây giờ, hắn bèn sai một người gác đi tìm, rồi hắn sửa soạn trả lời những câu hỏi của người Anh bắt đầu hỏi, Nekhliudov phiên dịch giúp.
Nhà tù làm để chứa bao nhiêu người? – Người Anh hỏi. Hiện nay số tù bị giam là bao nhiêu? Có bao nhiêu nam? Bao nhiêu nữ?… Trẻ con?… Bao nhiêu tù khổ sai? Bao nhiêu tù đi đày? Bao nhiêu người tự nguyện đi theo? Bao nhiêu người ốm? Nekhliudov dịch những lời của người Anh hỏi và viên giám ngục trả lời, nhưng không chú ý gì đến ý nghĩa của những câu nói đó, chàng thấy bối rối, một điều mà chàng không ngờ, khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ sắp đến. Chàng đương dịch dở một câu cho người Anh, thì nghe thấy có tiếng chân đi đến gần; cửa phòng mở và như những lần trước, một người gác đi vào, theo sau có Katiusa; khi trông thấy nàng đầu bịt khăn vuông, mặc chiếc áo choàng tù nhân thì chàng cảm thấy lòng thắt lại.
“Ta muốn sống, muốn có gia đình, có con cái. Ta muốn sống cuộc đời một con người”. Những ý nghĩ đó thoáng qua trong óc chàng khi Katiusa bước nhanh vào phòng, đôi mắt nhìn xuống.
Chàng đứng lên, đi vài bước lại gặp nàng; mặt nàng nom nghiêm nghị, không vui, vẫn vẻ mặt như khi nàng trách mắng chàng trước kia, gương mặt đỏ lên rồi tái đi, ngón tay nàng bứt rứt mân mê vạt áo, cặp mắt lúc nhìn chàng, lúc nhìn trở xuống.
– Cô đã biết tin cô được ân xá chưa? – Nekhliudov hỏi.
– Có người cai ngục đã cho tôi biết.
– Vậy khi nào công văn chính thức gửi đến đây thì cô có thể được ra, còn sau nầy sẽ ở đâu thì tuỳ ý cô. Chúng ta sẽ nghĩ…
– Tôi còn nghĩ cái gì nữa? – Nàng vội ngắt lời. – Anh Ivanonich Ximonxon đi đâu thì tôi đi đấy.
Tuy xúc động nhưng khi nói câu nầy, nàng vẫn ngước mắt lên nhìn chàng và nói nhanh, rành rọt như đã chuẩn bị sẵn tất cả những điều vừa nói.
Thực thế ư? – Nekhliudov nói.
– Đúng vậy, anh Dmitri Ivanovich ạ, nếu anh ấy muốn tôi chung sống với anh ấy, – nàng ngừng lại như sợ hãi và nói chữa, – nếu anh ấy muốn tôi sống gần anh ấy, thì tôi còn mong ước gì hơn nữa? Tôi phải cho đó là hạnh phúc chứ?… Tôi còn đòi hỏi gì?
Nekhliudov nghĩ: “Chỉ một trong hai điều: hoặc là nàng yêu Ximonxon và không thiết gì đến sự hy sinh của ta, hai là nàng vẫn yêu ta mà phải cự tuyệt ta chính là vì lợi ích của ta, nên nàng đã cương quyết cắt đứt đường về, ràng buộc số phận nàng với Ximonxon”. Chàng thấy thẹn thùng và cảm thấy mình đương đỏ mặt.
– Nếu cô yêu anh ấy…, – chàng nói.
– Yêu hay không yêu thì có nghĩa lý gì? Cái đó tôi không còn nghĩ đến nữa. Vả lại Vladimir Ivanovich là một người đặc biệt.
– Cố nhiên, – Nekhliudov nói. – Anh ấy là một người rất tốt và tôi nghĩ rằng…
Nhưng nàng đã ngắt lời chàng, có vẻ như sợ phải nghe một câu không cần thiết hay mình chưa nói hết lời.
– Không, anh Dmitri Ivanovich, anh phải tha lỗi cho tôi nếu tôi không làm theo ý anh – và nàng liếc mắt nhìn chàng với khóe mắt hiêng hiếng huyền bí – Sự thể phải như thế. Còn anh, anh cũng phải sống chứ? – Những lời nàng nói đúng y như lời chàng vừa mới nghĩ một lúc trước đây; nhưng bây giờ chàng không nghĩ thế nữa, điều chàng nghĩ và cảm thấy đã khác hẳn. Chàng không những thẹn thùng mà còn thấy tiếc thương tất cả những cái gì phải cùng mất theo với nàng.
– Tôi không ngờ thế nầy, – chàng nói.
– Anh sống ở đây và đau khổ làm gì? Anh đã đau khổ nhiều rồi, – nàng nói với một nụ cười kỳ lạ.
– Tôi không hề đau khổ, trái lại tôi lấy thế làm sung sướng và muốn tiếp tục giúp cô, nếu được.
– Chúng tôi, – khi nói hai tiếng “chúng tôi”, nàng ngước mắt nhìn Nekhliudov, – Chúng tôi không thấy thiếu gì hết. Anh đã giúp đỡ tôi nhiều rồi. Nếu không có anh… – nàng muốn nói điều gì nữa nhưng giọng nói bắt đầu run run.
– Dù sao, cô cũng đừng nên cảm ơn tôi, – Nekhliudov nói.
– Thôi, tính toán với nhau làm gì? Chúa sẽ soi xét cho chúng ta, – Maxlova nói, và nơi khóe mắt đen láy, long lanh mấy giọt lệ.
– Cô thật là tốt?
– Tôi mà tốt? – Nàng nói, giọng đầy nước mắt, nét mặt tươi lên với một nụ cười thê thảm.
Ông xong chưa? – người Anh hỏi.
– Tôi xong ngay bây giờ, – Nekhliudov trả lời, và hỏi thăm nàng về Krinxov.
Nàng trấn tĩnh lại và ôn tồn kể cho chàng nghe tất cả những điều nàng biết: dọc đường Krinxov yếu lắm, và lập tức đã được đưa ngay đi bệnh xá. Maria Paplovna hết sức lo lắng, chị xin phép đến trông nom săn sóc anh, nhưng không được.
– Thôi tôi đi nhé? – Nàng hỏi, vì thấy người Anh đang đợi.
– Tôi chưa chào chia tay với cô đâu, tôi sẽ còn gặp cô, Nekhliudov đưa tay ra nói.
– Anh tha lỗi cho, – nàng nói khe khẽ; cặp mắt hai người gặp nhau và trong khóe mắt kỳ lạ hơi hiêng hiếng, trong nụ cười thê thảm khi nàng nói mấy lời “Anh tha lỗi cho” chứ không phải “Thôi xin chia tay”, Nekhliudov thấy giữa hai lý do, đúng là lý do thử hai đã dẫn nàng đến quyết định nầy. Nàng vẫn yêu chàng và đã nghĩ là gắn bó thân thể mình với chàng, nàng sẽ làm hại đời chàng; còn đi với Ximonxon và để chàng được tự do. Và giờ đây, nàng vui mừng là đã làm được theo ý mình, nhưng nàng vẫn thấy đau đớn vì nỗi phải xa chàng.
Nàng nắm chặt tay chàng, vội vã quay đi và ra khỏi phòng. Nekhliudov nhìn về phía người Anh, sửa soạn đi theo, nhưng vì thấy người ấy đương ghi chép cái gì đó vào sổ tay, chàng không muốn làm ngắt quãng, nên ngồi xuống một chiếc ghế dài bằng gỗ đặt bên cạnh tường; bỗng nhiên chàng cảm thấy mệt mỏi lạ thường.
Chàng mệt không phải vì đêm qua mất ngủ hay vì đi đường vất vả, cũng không phải vì xúc cảm mà là vì thấy mệt mỏi ghê gớm về cuộc sống. Chàng ngả lưng trên chiếc ghế dài, nhắm mắt lại, và trong một lúc, ngủ thiếp đi một giấc nặng nề như chết.
– Nào bây giờ các ông có đi thăm nhà tù không? Viên giám ngục hỏi.
Nekhliudov tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình ngồi ở nơi nầy. Người Anh đã ghi chép xong và tỏ ý muốn đi thăm các xà lim. Nekhliudov, mệt mỏi, thờ thẫn đi theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.