Phục Sinh

CHƯƠNG 14



Nekhliuzov ghé thăm các cô, trước hết vì trại ấp của các bà ở ngay gần đường chàng tới trung đoàn, sau nữa là vì hai bà đã tha thiết mời chàng; nhưng cái chính là vì chàng muốn gặp lại Katiusa. Có lẽ đối với người thiếu nữ đó trong thâm tâm chàng đã có sẵn một chủ định xấu xa do bản năng thú vật không kỳm hãm được xúi giục nên.
Nhưng chàng không nhận thấy điều đó mà chỉ thấy rõ là chàng muốn trở về thăm lại nơi chàng đã sống êm vui, thăm các bà cô hơi lẩn thẩn nhưng dịu dàng, hiền hậu, bao giờ cũng yêu quý chàng, thăm lại Katiusa thuỳ mị, đáng yêu mà bấy lâu chàng vẫn giữ một kỷ niệm êm đềm.
Chàng tới ấp vào cuối tháng ba, hôm thứ sáu trước lễ Phục sinh, giữa mùa tuyết tan, trời mưa như trút, cho nên đến nhà thì chàng đã bị ướt sũng và rét cóng, nhưng chàng vẫn nhanh nhẹn, phấn khởi, tươi vui như thường thuở ấy, lúc nào Nekhliuzov chẳng như thế. “Liệu nàng có còn ở đây không?” chàng vừa nghĩ vừa bước vào cái sân cũ kỹ, quen thuộc, có tường gạch bao quanh, lúc nầy đầy tuyết từ trên mái nhà trút xuống. Chàng đã đinh ninh khi nghe thấy tiếng nhạc ngựa của chàng thì nàng sẽ chạy ra đón ở thềm cửa, nhưng khi đến nơi, chàng chỉ thấy ở cửa ngách có hai người đàn bà chân chất, váy xắn cao, xách mấy thùng nước đi ra, chắc là họ đang bận rửa sàn nhà. Ở cửa chính cũng không thấy bóng dáng Katiusa. Chỉ có người lão bộc là Tikhol ra đón; ông nầy đeo tạp dề, chắc cũng đang bận lau chùi gì đó. Bước vào nhà, chàng gặp cô Sofia Ivanovna; cô mặc áo dài lụa và đội mũ vải thường.
– Ồ cháu đã đến, – thật quý hoá! – Bà Sofia vừa hôn cháu vừa kêu lên. – Cô Maria hơi khó ở, cô thấy mệt từ lúc còn ở nhà thờ. Hai cô vừa đi chịu lễ về.
– Thưa cô, cháu xin có lời chúc mừng cô nhân ngày lễ, Nekhliuzov nói hôn tay bà cô. – Chết chửa, xin lỗi, cháu đã làm ướt cả cô.
– Đi về buồng cháu mà thay quần áo đi. Cháu ướt hết cả rồi. Ồ mà cháu đã có ria rồi kỳa?… Katiusa à! Katiusa! Pha cà phê cho anh đi! Mau lên!
– Vâng ạ! – Từ hành lang vọng lại một giọng êm tai, quen thuộc. Và tim chàng bỗng đập rộn ràng vui sướng.
“Nàng đây rồi!”. Thật khác nào như mặt trời ló ra khỏi đám mây. Nekhliuzov tươi tỉnh đi theo ông lão Tikhol về căn phòng chàng đã ở trước kia để thay quần áo.
Chàng rất muốn hỏi người bõ già mọi tin tức về Katiusa:
– Sức khỏe thế nào? Làm ăn ra sao? Sắp lấy chồng chưa?
Nhưng vì thấy ông lão vừa cung kính, vừa nghiêm nghị, cứ đòi cho bằng được chính mình đổ nước cho chàng rủa tay nên chàng không dám hé răng đành chỉ hỏi thăm loanh quanh về lũ cháu ông nầy, về con ngựa giống già Bratseva, về con chó giữ nhà Polkan năm ngoái đã hoá dại.
Chàng đang thay quần áo thì nghe có tiếng chân bước nhanh ngoài hành lang rồi có tiếng gõ cửa. Nekhliuzov nhận ra tiếng chân đi và cách gõ cửa ấy. Chỉ có nàng mới đi và gõ cửa như thế.
Chàng khoác vội lên người chiếc áo trùm ngoài ướt sũng, rồi bước lại gần cửa nói to: “Cứ vào!”.
Chính nàng, – Katiusa. Vẫn như ngày nào mà còn xinh đẹp hơn trước nữa. Vẫn cặp mặt đen láy ngước lên nhìn cặp mắt hơi hiêng hiếng, tươi tỉnh và ngây thơ. Vẫn chiếc tạp dề trắng muốt như trước kia. Các bà cô sai nàng mang đến cho chàng một bánh xà-phòng thơm với nguyên vừa bóc giấy, hai chiếc khăn mặt: một chiếc khăn bông và một chiếc khăn vải kiểu Nga. Từ bánh xà phòng vừa mới bóc mang hình chữ nổi, từ những chiếc khăn mới, đến Katiusa, mọi thứ đều tinh khiết nguyên vẹn, đáng yêu. Cặp môi đỏ mọng rắn chắc của cô gái lại vẫn chúm chím như ngày trước: cố nén một nụ cười hớn hở khi trông thấy chàng.
– Chào anh Dmitri Ivanovich, anh đã đến ạ. – nàng cố gắng mới thốt lên nổi câu chào, đôi má ửng hồng.
Chào em!… à, chào cô!… – Chàng không biết nên gọi “em” hay “cô” và cũng đỏ mặt lên như nàng. – Cô vẫn mạnh khỏe chứ?
– Ơn Chúa… Bà bảo đưa anh dùng thứ xà phòng hoa hồng anh vẫn thích, – nàng vừa nói vừa đặt bánh xà phòng lên bàn và vắt hai chiếc khăn lên tay ghế dựa.
– Cậu đã có đủ rồi cả mà? – Muốn giữ cho khách được tuỳ sở thích, lão Tikhol vừa nói vừa kiêu hãnh giơ tay chỏ vào một cái hộp lớn, nắp bằng bạc đã mở của Nekhliuzov; trong hộp đầy những lọ con bàn chải, hộp sáp nước hoa và đủ mọi đồ dùng rửa mặt.
– Cô thưa hộ tôi là tôi xin cảm ơn cô tôi nhé. Về đây, tôi thấy sung sướng vô cùng! – Nekhliuzov nói tiếp, cả tâm hồn chàng bỗng trở lại tươi sáng, êm dịu như xưa.
Katiusa không trả lời, chỉ mỉm cười rồi bước ra.
Các bà cô Nekhliuzov xưa nay vẫn quý cháu, lần nầy tiếp đón chàng còn thắm thiết hơn mọi lần. Dmitri đi trận mạc, nó có thể bị thương, bị chết! Nghĩ đến điều nầy, hai bà rất xúc động.
Lúc đầu, Nekhliuzov đã thu xếp để chỉ ở lại đúng hai mươi bốn tiếng đồng hồ thôi; nhưng khi chàng gặp mặt Katiusa thì chàng bằng lòng nán lại nhà các cô thêm hai ngày nữa để ăn lễ Phục Sinh; và vì trót hẹn với bạn là Sonbok sẽ gặp nhau ở Odessa, chàng bèn đánh điện cho bạn báo đến tìm chàng ở đây.
Thoạt mới gặp lại Katiusa, Nekhliuzov đã thấy trong lòng bừng dậy mối cảm tình xưa. Vẫn như cũ, chàng không thể giữ lòng khỏi bồi hồi mỗi khi nhìn thấy chiếc khăn tạp dề trắng của nàng, không thể không vui thích khi nghe giọng nói, tiếng cười, bước chân đi của nàng; không thể không xao xuyến khi nhìn vào đôi mắt của nàng, đen láy như những trái mận dại ướt, nhất là chàng không thể không bối rối, xôn xao khi thấy đôi má nàng bỗng ửng hồng lúc hai người gặp nhau. Chàng thấy mình yêu nhưng không giống như ngày trước, khi tình yêu còn là một điều bí ẩn đối với chàng, yêu nhưng không dám tự thú với lòng, hồi ấy chàng tin tưởng rằng trong đời chỉ có thể yêu một lần thôi. Bây giờ thì chàng biết rõ là mình yêu và lấy thế làm mừng; tuy vẫn còn tự dối lòng, song chàng cũng mơ hồ hiểu yêu là thế nào và nó sẽ đưa đến hậu quả gì.
Cũng như tất cả mọi người, trong Nekhliuzov có hai con người: con người tinh thần chỉ tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của mọi người khác và một thằng người thú vật chỉ biết có hạnh phúc riêng và vì hạnh phúc riêng của mình nó sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của tất cả mọi người khác trên đời. Trong giai đoạn vị kỷ điên loạn đó, – do cuộc sống ở Petersburg và cuộc đời quân nhân đem lại, – thì thằng người thú vật đã toàn thắng và bóp nghẹt con người tinh thần. Song khi gặp lại Katiusa và những cảm tình trong sáng xưa đối với nàng đã bừng dậy thì con người tinh thần trong chàng lại trỗi dậy và đòi quyền sống. Và một cuộc đấu tranh dai dẳng diễn ra trong tâm khảm chàng suốt hai ngày trước lễ Phục sinh, một cuộc đấu tranh mà chính chàng cũng không nhận thức được.
Trong thâm tâm, Nekhliuzov cũng biết đi là phải, nấn ná ở lại là vô lý; ở lại sẽ đưa đến những hậu quả chẳng tốt lành gì, song vì ham khoái lại, mải vui thú, chàng dập tắt tiếng nói của lương tâm và ở lại.
Chiều thứ bẩy trước hôm lễ Phục sinh, linh mục cùng thầy chấp sự và viên phụ lễ đến làm lễ cầu sớm: họ thuật lại nỗi vất vả dọc đường: xe trượt tuyết phải băng qua những vũng lầy trong suốt ba dặm từ nhà thờ đến đây.
Nekhliuzov dự suốt buổi lễ cùng với hai cô và tất cả gia nhân. Chàng say sưa nhìn Katiusa đứng kề gần cửa, bưng chiếc lư hương cho linh mục. Sau khi ôm hôn linh mục và hai cô ba lần theo tục cổ truyền chàng đã định đi ngủ thì nghe thấy ngoài hành lang bà Matrena Paplova người hầu phòng già của bà Maria Ivanova rục rịch sửa soạn cùng Katiusa đi nhà thờ dự lễ phát bánh thánh.
Chàng bèn nghĩ bụng: “Thế thì ta cũng đi”.
Đường xá quá xấu đến nỗi không thể đi đến nhà thờ bằng xe ngựa hay xe trượt tuyết được. Vì thế Nekhliuzov, tự nhiên như ở nhà mình, sai đóng yên con ngựa già vẫn gọi là con Bratseva; chàng không lên giường đi ngủ mà lại diện bộ quân phục choáng lộn, khoác chiếc áo trùm sĩ quan, rồi cưỡi con ngựa già béo, nặng nề, luôn luôn hí ẩm ĩ trong đêm tối, chàng băng qua bùn tuyết, đến nhà thờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.