Phục Sinh

CHƯƠNG 22



Khi các bị cáo đã tự bào chữa xong và khi cuộc thảo luận khá dài về hình thức các câu hỏi đã kết thúc, thì chánh án bắt đầu tóm tắt lại.
Trước khi đi vào trình bày vụ án, với giọng thân mật, hoà nhã, lão giảng rất dài dòng cho các bồi thẩm rằng cướp là cướp, mà trộm là trộm, rằng trộm cắp ở một chỗ có khoá là trộm cắp ở một chỗ có khoá, và trộm cắp ở một chỗ không có khoá là trộm cắp ở một chỗ không khoá.
Trong khi giải thích như vậy, lão đặc biệt nhìn Nekhliudov, dường như muốn chàng hiểu rõ những điều đó và mong cùng hiểu. Rồi khi lão cho rằng các bồi thẩm đã biết khá tường tận những chân lý quan trọng đó thì lão chuyển sang một loại chân lý khác. Lão giải thích rằng giết người là một hành động làm cho một người bị chết và như vậy thì đầu độc là một sự giết người. Khi thấy các bồi thẩm đã khá thấm nhuần chân lý đó thì lão giảng nghĩa cho họ rằng trường hợp mà trộm cắp và giết người kết hợp với nhau làm một thì người ta gọi là một vụ giết người có kèm cả trộm cắp.
Tuy lão rất muốn cho vụ án nầy xong sớm để lão còn đi gặp cô nhân tình người Thuỵ Sĩ hiện đang chờ lão, song vì thói quen nghề nghiệp đã làm cho lão một khi đã mở miệng nói là không sao dừng lại được, cho nên lão giảng dài dòng cho các bồi thẩm biết rằng họ có quyền tuyên bố những người đó có tội, tuyên bố họ vô tội nếu thấy họ không có tội; rằng, nếu thấy họ có tội ở điều nầy và không có tội ở điều khác thì các bồi thẩm có quyền tuyên bố họ có tội ở điều nầy và không có tội ở điều khác. Lão giải thích thêm rằng dù là quyền đó đã trao cho các bồi thẩm nhưng các bồi thẩm phải sử dụng nó cho hợp lý.
Lão đã định giảng cho họ rằng một câu trả lời khẳng định cho một câu hỏi đã đề ra thì nó được coi là trả lời cho toàn bộ câu hỏi ấy, và nếu họ không thừa nhận trả lời cho cả câu hỏi thì họ phải nêu rõ những điểm nào họ không thừa nhận. Song liếc nhìn đồng hồ thấy đã ba giờ kém năm phút, lão vội chuyển ngay sang việc trình bày vụ án.
– Những tình tiết của vụ án nầy là như sau đây, – lão mở đầu như vậy, rồi nhắc lại tất cả những điều mà các thầy cãi, phó chưởng lý và các nhân chứng đã nói đi nhắc lại nhiều lần.
Chánh án nói và bên cạnh lão, hai viên thẩm phán ngồi nghe, vẻ trầm ngâm, thỉnh thoảng lại liếc trộm đồng hồ; họ thấy bài nói rất hay, đúng là phải như thế, nhưng khí dài. Phó chưởng lý, các nhân viên toà án và tất cả mọi người trong phòng xử đều cùng một ý như vậy.
Chánh án tóm tắt xong. Mọi điều dường như đã được nói hết rồi. Nhưng lão không thể tự ý dứt bỏ quyền nói của lão được – lão vẫn thích thú nghe cái giọng oai nghiêm của mình và lão thấy cần phải nói thêm một đôi lời cho các bồi thẩm thấy tầm quan trọng về quyền hành của họ do pháp luật trao cho, họ phải chú ý và thận trọng như thế nào để sử dụng cái quyền ấy – sử dụng chứ không phải lạm dụng, – lão nhắc lại là họ đã tuyên thệ, họ là lương tâm của xã hội, và họ phải tuyệt đối giữ bí mật những điều thảo luận trong phòng họp v.v…
Từ lúc lão bắt đầu nói, Maxlova đã trố mắt nhìn lão như sợ bỏ lọt mất một lời nào, nên Nekhliudov có thể tha hồ ngắm nàng không lo gặp phải cặp mắt nàng nhìn lại.
Lúc đó, trong óc chàng đang xảy ra hiện tượng thường thấy mỗi khi ta gặp lại một khuôn mặt thân yêu đã lâu ngày không trông thấy; lúc đầu, ta còn lấy làm ngạc nhiên về những biến đổi bên ngoài đã xảy ra trong thời gian xa cách, rồi dần dẩn những sự đổi thay đó nhoà đi, nét mặt lại trở lại nguyên vẹn như ngày xưa, và lòng ta chỉ còn thấy hiện rõ lên cái cốt cách tinh thần, riêng biệt, độc nhất của người thân yêu đó mà thôi.
Trong tâm trí Nekhliudov chính đang có những biến diễn như vậy.
Đúng thế, mặc dầu khoác chiếc áo tù, mặc dầu vóc người bây giờ có đẫy đà hơn, bộ ngực có nở căng hơn, má cằm có phị ra, trên vầng trán và hai bên thái dương đã hơi có vết nhăn, mí mắt mòng mọng song chính là nàng đó, chính là Katiusa của cái đêm Chúa Phục sinh, đã ngây thơ ngước đôi mắt yêu đương, tươi cười, sung sướng: chứa chan sức sống lên nhìn chàng, – người mà nàng yêu quí. “Và sự tình cờ mới kỳ dị làm sao! Vụ nầy lại đem xử đúng vào phiên toà mà mình làm bồi thẩm. Mười năm nay chẳng gặp mặt, đến nay thì nàng lại ngồi trên ghế bị cáo? Rồi sẽ sao đây. Chỉ cầu cho mau chóng, mau chóng đi thôi!”
Song chàng vẫn cưỡng lại với nỗi hối hận đã bắt đầu day dứt trong lòng. Chàng nghĩ đây chỉ là một sự ngẫu nhiên, nó sẽ thoảng qua, không gây hỗn loạn gì cho cuộc đời mình. Chàng cảm thấy như ở trong tình thế một con chó hư nết đã bậy ra trong phòng, bị chủ tóm lấy gáy, dí mũi vào đống bẩn. Con chó kêu ăng ẳng, lùi lại, định thoát thân, lánh xa những hậu quả của việc đã làm và quên phứt nó đi, nhưng chủ nó cương quyết không tha.
Nekhliudov cũng thế chàng thấy rõ tất cả sự ghê tởm về điều mình đã làm và cảm thấy rõ cánh tay rắn chắc của ông chủ; nhưng chàng vẫn chưa nhận ra được hết tầm quan trọng việc mình đã làm, mà cũng chưa nhận ra ông chủ mình là ai. Chàng nhất định không chịu tin rằng sự việc nầy là do chàng gây ra, bàn tay vô hình, khắc nghiệt vẫn nắm chặt lấy chàng và chàng đã cảm thấy không sao trốn thoát.
Chàng cố gắng làm ra bộ mạnh bạo, chững chạc ngồi ở ghế thứ hai trên hàng đầu, vắt chân chữ ngũ và, theo thói quen, mân mê cặp mục kỳnh trong tay. Nhưng trong thâm tâm chàng đã thấy rõ tất cả sự độc ác đểu giả, đê tiện không những của riêng việc nầy mà của cả cuộc đời ăn không ngồi rồi, đồi truỵ, tàn nhẫn và hả hê suốt mười hai năm trời nay của mình. Và bức màn ghê gớm kia thực đã kỳ lạ trong suốt mười hai năm qua che kín mắt chàng, khiến chàng không nhìn thấy cả tội ác và cuộc sống chàng đã trải qua trong thời gian đó, giờ đây bắt đầu lay dộng khiến chàng đã hé nhìn thấp thoáng thấy được sự thật phía đằng sau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.