Piotr Geraximovich đã đoán rất đúng.
Ở phòng luận tội ra, chánh án liền lấy một tờ giấy ra đọc:
“Ngày 28 tháng tư, năm 188*…, phụng thừa chiếu chỉ của Hoàng đế, qua sự xét xử của toà Đại hình chiểu theo sự phán quyết của các ngài hội viên bồi thẩm căn cứ vào khoản 3 điều 771, khoản 3 điều 776 và điều 777 của luật Hình sự tố tụng, toà án tỉnh quyết định:
Tước hết công quyền của tên Ximon Kactinkin nông dân, 33 tuổi và thị Ekaterina Maxlova, dân nghèo thành thị, 27 tuổi, đầy đi tù khổ sai: Kactinkin 8 năm, Maxlova 4 năm, cả hai cùng phải chịu các hậu quả theo điều 28
Luật Hình.
“Trước hết mọi đặc quyền và công quyền của thị Efimia Boskova, dân nghèo thành thị, 43 tuổi và phạt thị 3 năm tù ngồi với mọi hậu quả theo điều 49 Luật Hình.
“Các bị cáo phải chia đều nhau chịu án phí vụ án nầy; trong trường hợp họ không nộp được thì án phí sẽ do Ngân khố chịu. Tang vật vụ án nầy sẽ được đem phát mại chiếc nhẫn sẽ được qui hoàn các chiếc lọ thuỷ tinh sẽ được đem tiêu huỷ”.
Kactinkin vẫn đứng im người rướn thắng hai tay duỗi theo đường khâu ống quần, ngón xòe ra bắp thịt, má vẫn không ngừng nhúc nhích, chuyển động. Boskova có vẻ hết sức bình tĩnh. Còn Maxlova thì nghe ong lời phán quyết bèn đỏ bừng mặt lên.
– Tôi không có tội gì cả, tôi không có tội! – Nàng bỗng thét lên, vang cả gian phòng. – Xử như thế là phạm tội với Chúa. Tôi không có tội. Tôi không định tâm giết người, tôi không nghĩ đến giết người. Tôi không nói sai không nói sai, – và gieo mình xuống chiếc ghế dài, nàng oà lên khóc nức nở.
Kactinkin và Boskova đã đi khỏi mà Maxlova vẫn còn ngồi khóc, tên hiến binh buộc phải cầm cánh tay áo nàng và khẽ lay.
– Không, không thể như thế được, Nekhliudov tự nhủ, chàng mất hẳn cái ý nghĩ xấu xa ban nãy, và tự mình cũng không hiểu để làm gì, chàng lật đật đi ra hành lang để nhìn nàng lần nữa. Ở cửa, cả một đám đông bồi thẩm và luật sư đang nhốn nháo, chen chúc đi ra, ai nấy đều có vẻ hài lòng vì phiên toà đã tan. Nekhliudov bị mắc nghẽn ở đấy mấy phút, nên lúc chàng ra đến hành lang thì nàng đi đã quá xa. Không để ý đến vẻ ngạc nhiên của mọi người đối với mình chàng hối hả đuổi theo Maxlova, vượt lên trước nàng và đứng lại. Nàng đã thôi khóc, chỉ chốc chốc mới nấc lên một tiếng, tay đưa góc khăn vuông lên lau khuôn mặt nổi hẳn từng vết đỏ ửng, nàng đi qua mặt chàng, nhưng không nhìn ngó gì xung quanh cả.
Chờ cho nàng đi khỏi. Nekhliudov vội vã quay lại tìm chánh án những lão đã đi rồi. Chàng chạy theo mãi đến buồng gác cổng mới đuổi kịp.
– Thưa quan chánh án. – Nekhliudov, vừa tiến đến cạnh lão vừa nói. Lão đã mặc xong chiếc măng-tô màu nhạt và đang đỡ lấy chiếc can cán bạc từ tay người gác cổng.
– Tôi muốn thừa chuyện với ngài về vụ án vừa rồi, có được không ạ? Tôi là bồi thẩm.
– Được, được có chuyện gì thế, công tước Nekhliudov? – Tôi rất hân hạnh, chúng ta đã từng gặp nhau, – chánh án vừa nói vừa bắt tay Nekhliudov, lão thích thú nhớ lại buổi tối hôm lão gặp Nekhliudov, hôm ấy lão đã khiêu vũ đẹp và vui hơn cả đám thanh niên. – Tôi có thể giúp ngài việc gì?
– Có sự lầm lẫn trong bản trả lời những câu hỏi về Maxlova. Thị không can tội đầu độc mà lại bị phạt tù khổ sai, – Nekhliudov nói, mặt buồn rười rượi.
– Chính là căn cứ theo những câu trả lời của các ngài mà toà phán quyết đấy thôi, – lão chánh án vừa nói vừa đi ra phía cửa, – tuy toà cũng thấy những câu trả lời đó không xác đáng.
Lão nhớ lại rằng ban nãy lão đã định giải thích cho các bồi thẩm thấy rằng khi họ trả lời: “Có tội” mà không phủ nhận ý định giết người thì tức là họ công nhận tội mưu sát, nhưng vì vội vã muốn cho xong chuyện, lão đã không giải thích như vậy.
– Vâng, chính thế, nhưng chẳng lẽ không chữa lại được sự lầm lỡ ấy hay sao?
– Tìm lý do xin phá án có khó gì? Cái nầy ông phải hỏi luật sư xem? – chánh án nói, lão đội chiếc mũ hơi lệch một chút tiếp tục tiến ra phía cửa.
– Nhưng việc nầy như vậy thật là kinh khủng!
– Công tước thấy đấy đối với Maxlova chi có một trong hai khả năng… – chánh án nói, tỏ thái độ hết sức lịch thiệp và hết sức muốn làm đẹp lòng Nekhliudov. Lão đưa tay sửa lại bộ râu dài dưới mang tai cho ra ngoài cổ áo “măng-tô”; đoạn, lão khẽ đỡ lấy khuỷu tay chàng lái về phía cửa và nói tiếp: – Công tước đi về chưa?
– Vâng. – Nekhliudov nói, rồi mặc vội áo ngoài, cùng đi ra.
Họ bước ra đường phố, ánh nắng rực rỡ, tươi vẫn tràn ngập khắp nơi, tiếng xe lăn trên đường lát đá kêu ầm ĩ khiến họ phải nói to.
– Công tước thấy không, trường hợp nầy thật là kỳ quặc; kỳ quặc ở chỗ đối với cô ấy cô Maxlova ấy, chỉ có một trong hai khả năng: hoặc là gần như trắng án, tức là tù ngồi, nhưng có thể chỉ tính vào thời hạn bị giam hay bị bắt thôi là đã mãn hạn rồi; hoặc là tù khổ sai chứ không có nửa chừng. Giá như các ngài ghi thêm: “Nhưng không có ý định giết người” thì cô ta đã được tha rồi.
– Để sót câu đó, thật tội tôi không thể tha thứ được, – Nekhliudov nói.
– Đấy, tất cả là ở đấy, lão chánh án mỉm cười nói và liếc nhìn đồng hồ.
Như đã hẹn, Klara chỉ chờ lão nhiều nhất là bốn mươi lăm phút nữa.
Bây giờ nếu muốn, công tước cứ đi hỏi một luật sư xem sao. Cần tìm một lý do gì đó đề xin phá án. Lý do thì sẵn lắm. Phố Dvorianxkaia, – lão trả lời người đánh xe, – ba mươi kopeik không bao giờ tôi trả hơn.
– Dạ xin mời quan lớn lên.
– Thôi, xin chào công tước. Nếu có việc gì cần đến tôi xin mời đến nhà Dvornikov, phố Dvorianxkaia, địa chỉ dễ nhớ thôi.
Lão cúi chào hết sức nhã nhặn rồi đi.