Phục Sinh

CHƯƠNG 26



Xin mời công tước vào ạ, cả nhà đang đợi, – anh chàng gác cổng béo ị nhà Korsagina,, thái độ rất lễ phép, vừa nói vừa mở rộng cánh cổng gỗ sồi quay rất êm trên những chiếc bản lề ăng-lê. – Cả nhà đang ăn và đã dặn chỉ có Ngài đến thì mới mời lên cùng dự tiệc thôi.
Người gác cổng lại bên thang gác và bấm chuông báo lên tầng trên.
– Có những ai? Nekhliudov vừa cởi áo ngoài vừa hỏi.
Có ông Koloxov và cậu Mikhail Xergeyevich, còn thì toàn người nhà cả, – người gác cổng trả lời.
Một anh đầy tớ đẹp trai, mặc áo chẽn, đi găng trắng đứng trên đầu thang gác nhìn xuống.
– Xin mời công tước lên ạ, – hắn nói. – Có lệnh mời Ngài ạ.
Nekhliudov lên thang gác, đi qua gian phòng choáng lộn, rộng thênh thang đã quen buộc, rồi vào phòng ăn.
Cả nhà, trừ bà chủ (phu nhân Sofia Vaxilievna) không bao giờ ra khỏi buồng, đã ngồi quanh bàn tiệc. Ông già Korsagina ngồi đầu bàn; bên trái lão là ông bác sĩ, bên phải là ông khách Ivan Ivanovich Koloxov – cựu thống lĩnh quý tộc, hiện là uỷ viên ban quản trị nhà ngân hàng và là một đồng chí cùng ở phái tự do với Korsagin. Tiếp theo về bên trái là Miss Redec – cô giáo tư gia dạy đứa em gái bé của Mitxi – và chính cả em bé bốn tuổi nầy nữa; đối diện hai người nầy, về bên phải là Petia – em trai Mitxi, con trai độc nhất của ông bà Korsagin, đang học lớp sáu trường trung học. Vì cậu mà cả gia đình đã nán lại ở thành phố, chờ kết quả kỳ thi của cậu. Rồi đến anh sinh viên kèm Petia ôn tập. Bên trái còn có Katerina Alekxeyevna – một cô gái ở vậy, chạc bốn mươi tuổi, tôn sùng chủ nghĩa Xlavơ; đối diện với bà nầy là Mikhail Xergeyevich, tức là Sisa Telegin, anh em con chú con bác với Mitxi; và cuối bàn là Mitxi, bên cạnh cô là một chỗ đã bày dao nĩa mà chưa có người.
– Kỳa! Quý hoá quá. Mời anh ngồi. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu vào món cá thôi, – lão Korsagin ngước nhìn Nekhliudov bằng cặp mắt đỏ ngầu tia máu nom như không có mí; lão vừa nói vừa gượng nhẹ nhai trệu trạo bằng hai hàm răng giả. – Xtepan! – Mồm đầy thức ăn, lão gọi và đưa mắt về phía bộ đao nĩa còn nguyên, ra hiệu cho người đầu bếp to lớn, bệ vệ.
Tuy Nekhliudov quen biết Korsagin và đã nhiều lần dự tiệc với lão, nhưng không hiểu sao, hôm nay, nom cái mặt đỏ gay, cặp môi đầy nhục cảm mút mát chùn chụt trên chiếc khăn ăn giắt trước áo ghi-lê, cái cổ núc ních những mỡ và nhất là toàn bộ cái thân hình béo ụ con nhà tướng được ăn đẫy ấy, Chàng thấy rất đỗi khó chịu. Chàng bất giác nhớ lại những chuyện đã nghe được về thói tàn bạo của con người nầy. Hồi còn giữ chức thủ hiến một tỉnh, lão không những đã cho đánh người mà còn treo cổ bao nhiêu người nữa. Có trời biết lão làm thế để làm gì, vì đã giàu có lại danh tiếng, lão có cần gì phải làm ra mẫn cán để tâng công đâu.
– Bẩm tướng công, có ngay đấy ạ, Xtepan nói và thò tay vào chiếc tủ buýt phê xếp đầy những chiếc bình bạc, lấy ra một chiếc môi lớn, hất đầu ra hiệu cho anh chàng đày tớ đẹp trai để râu dưới hai bên mang tai, anh nầy tức thì đến bên cạnh Mitxi, soát lại bộ dao nĩa còn nguyên đặt dưới chiếc khăn ăn hồ cứng đã gập rất khéo để hình huy hiệu in trên mặt khăn nhô hẳn lên.
Nekhliudov đi quanh bàn, bắt tay mọi người. Trừ lão Korsagin và mấy người đàn bà, ai nấy đều đứng dậy đáp lễ.
Hôm ấy, cái việc đi quanh bàn và bắt tay mọi người – những người mà phần lớn chàng chưa hề cùng nói chuyện bao giờ, – chàng thấy nó cực kỳ khó chịu và thật lố bịch.
Chàng xin lỗi về việc mình đến muộn và đã định ngồi xuống chiếc ghế bỏ trống ở cuối bàn giữa Mitxi và Katerina Alekxeyevna, song lão Korsagin ép chàng dù chưa uống rượu cũng hãy cứ sang ăn bên bàn có tôm hùm, trứng cá, pho-mát, cá mòi. Nekhliudov không ngờ mình đói đến thế, vừa làm một miếng bánh mì kèm pho mát thì không thể dừng được nữa, chàng ăn một cách nghiến ngấu ngon lành.
– Thế nào! Ông đã phá sập cả nền móng rồi chứ? – Koloxov dùng câu hỏi của một tờ báo bảo thủ đả kích chế độ bồi thẩm để nói mỉa? Tha bổng bọn thủ phạm, kết án người vô tội rồi chứ?
– Phá sập cả nền móng… phá sập cả nền móng… – lão công tước già vừa cười vừa nhắc lại; lão vốn tin tưởng vô biên vào trí thông minh và tầm uyên bác của người bạn đồng thời là đồng chí cùng phái tự do với mình.
Đánh liều bất lịch sự, Nekhliudov không trả lời Koloxov, chàng ngồi vào bàn, cúi đầu vào đĩa xúp đang bốc hơi, mồm cứ tiếp tục nhai.
– Xin để cho anh ấy ăn một chút đã, – Mitxi mím môi cười nói; cô ta dùng chữ “anh ấy” là để nói lên tình thân của mình với Nekhliudov.
Trong lúc đó Koloxov liến thoắng oang oang kể lại nội dung bài báo công kích chế độ bồi thẩm đã làm hắn ta phẫn nộ. Mikhail Xergeyevich, cháu hắn cũng phụ hoạ theo, kể lại nội dung một bài khác cũng trong tờ báo ấy.
Vẫn như mọi khi; Mitxi tỏ ra thanh lịch, cô mặc đẹp, nhưng đẹp một cách kín đáo.
– Chắc anh mệt lắm, và đói ngấu nữa, – chờ cho Nekhliudov nhai xong, cô ta hỏi.
– Không cũng thường thôi. Thế còn cô? Đi xem tranh chưa, – chàng hỏi.
– Chưa, chuyến đi xem triển lãm chúng em để lại một hôm khác. Chúng em đến đánh quần vợt ở nhà Xalamotovyi. Mister Krucxu quả là một cây vợt cừ.
Nekhliudov vẫn thường đến nhà nầy để giải trí; ở đây bao giờ cũng thấy dễ chịu. Chàng thấy dễ chịu, không phải chỉ vì nhà nầy có cái vẻ đài các, phong nhã khiến chàng cảm thấy khoan khoái mà còn vì ở đây có cái không khí vuốt ve chiều chuộng tâng bốc chàng một cách kín đáo Nhưng hôm nay, thật là kỳ lạ, cái gì trong nhà nầy cũng làm chàng khó chịu, từ anh gác cổng, chiếc thang gác rộng, những chậu hoa, mấy người đầy tớ, cách bày biện bàn ăn, cho đến cả Mitxi, con người mà hôm nay chàng thấy thật vô duyên và giả tạo. Chàng thấy ghét cái giọng tự phụ, tầm thường, theo phái tự do của Koloxov, ghét cái bộ mặt bò mộng tự đắc, đầy nhục cảm của lão Korsagin, ghét mấy cái câu tiếng Pháp của mụ Materina Alekxeyevna, con người theo chủ nghĩa Xlavơ, ghét cái vẻ mặt ngượng nghịu của cô giáo tư gia và cậu sinh viên phụ đạo và nhất là cái chữ “anh ấy” dùng để chỉ chàng… Nekhliudov vốn vẫn chưa dứt khoát giữa hai thái độ với Mitxi. Lúc thì chàng nhìn cô ta như qua cặp mắt lim dim hé mở, hay dưới ánh trăng hư ảo, thấy cái gì ở cô cũng tuyệt vời: một con người trong trắng, xinh tươi, thông minh, hồn hậu… Lúc thì đột nhiên, cô ta như hiện ra dưới ánh nắng gay gắt và chàng không thể không nhìn thấy những thiếu sót của cô. Chính hôm nay là ngày Nekhliudov nhìn cô dưới cái ánh nắng chói chang ấy. Hôm nay, chàng trông thấy tất cả những vết nhăn trên mặt cô ta, thấy rõ cái giả tạo nơi mái tóc uốn bồng, thấy khuỷu tay cô nhọn hoắt và nhất là chàng thấy cái móng tay cái cô bè bè giống móng ngón tay cái của ông bố một cách lạ lùng.
– Một trò chơi chán ngấy, – Koloxov nói về quần vợt, – thuở bé chúng mình chơi cầu láp ta (trò chơi ném cầu chuyền cho nhau – N.D.) còn thú bằng vạn ấy!
– Không, anh chưa biết đấy thôi. Hấp dẫn ghê gớm lắm chứ, – Mitxi phản đối.
Nekhliudov cảm thấy tiếng “ghê lắm” đã thốt ra không tự nhiên chút nào. Thế là bắt đầu cuộc tranh cãi lôi cuốn cả Mikhail Xergeyevich và Materina Alekxeyevna, chỉ có cô giáo với cậu sinh viên và mấy đứa trẻ là im lặng, vẻ buồn chán rõ trên nét mặt.
– Lúc nào cũng cãi nhau! – Lão Korsagin vừa nói vừa cất tiếng cười vang, lão rút khăn ăn ra khỏi chiếc ghilê, đẩy chiếc ghế kêu lạch cạch và đứng dậy; anh đày tớ lập tức đỡ ngay lấy chiếc ghế. Mọi người cũng đứng dậy theo, đến quanh chiếc bàn con trên để chậu rửa cốc tách và nước thơm nóng, rồi vừa súc miệng vừa tiếp tục câu chuyện nhạt như nước ốc.
– Có đúng thế không, anh? – Mitxi quay sang nói với Nekhliudov, cố lôi kéo chàng hưởng ứng ý kiến của mình; cô cho rằng không lúc nào tính nết của con người lại biểu lộ rõ bằng trong lúc chơi. Thấy mặt chàng lại có vẻ lầm lì như có ý không bằng lòng, cô đâm lo và muốn biết tại sao.
– Phải hay không, tôi cũng không rõ. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến cái đó cả, – Nekhliudov trả lời.
– Anh vào thăm mẹ chứ? – Mitxi hỏi.
– Vâng, vâng, – chàng vừa nói vừa rút một điếu thuốc lá, nhưng giọng nói như muốn bảo giá không vào thì vẫn hơn.
Mitxi lặng lẽ đưa mắt nhìn chàng như dò hỏi và chàng bỗng thấy ngượng. “Thật là mình đem gieo rắc buồn nản vào nhà người ta”, chàng nghĩ thế rồi cố làm ra vẻ lịch thiệp nói rằng mình rất vui sướng được đến thăm công tước phu nhân, nếu được phu nhân tiếp.
– Có chứ, có chứ, mẹ em sẽ rất mừng. Ở đấy, anh có thể cứ hút thuốc tự nhiên, Ivan Ivanovich ở trong ấy rồi đấy.
Bà chủ nhà – công tước phu nhân Sofia Vaxilievna là một người quanh năm nằm một chỗ. Đã bảy tám năm nay, bà vẫn nằm mà tiếp khách, mình vận toàn đồ đăng ten với những băng, dải, chung quanh toàn những nhung tơ vàng mạ, ngà voi, đồ đồng, sơn mài và hoa; bà chẳng đi đâu và như bà nói, chỉ tiếp “bạn thân” nghĩa là tất cả những người bà cho là xuất chúng về một mặt nào đó.
Nekhliudov được bà coi là ở trong số bạn thân ấy, chẳng những vì chàng vẫn được coi là một thanh niên thông minh và còn vì mẹ chàng trước kia là bạn thân của gia đình nầy, và bà đang mong muốn cho chàng kết duyên với Mitxi, con gái bà.
Buồng của công tước phu nhân Sofia Vaxilievna nối liền với một phòng khách lớn và một phòng khách nhỏ.
Qua phòng khách lớn đang dẫn Nekhliudov đi, Mitxi bỗng dừng phắt lại, đưa tay vịn vào lưng một chiếc ghế nhỏ thếp vàng, ngước mắt nhìn chàng.
Mitxi rất muốn lập gia đình và Nekhliudov là nơi rất xứng đáng. Hơn nữa, cô lại thích chàng, cô đã quen với ý nghĩ rằng chàng sẽ là của cô (không phải cô sẽ là của chàng) và thế là với mánh khóe mà chính cô cũng không ngờ đến, nhưng thật bền bỉ mánh khóe của những người loạn óc, – cô tiến tới mục đích của mình. Bây giờ, cô hỏi chuyện chàng là để gợi cho chàng ngỏ niềm tâm sự.
– Em thấy như anh vừa gặp chuyện gì ấy, – cô nói. – Chuyện gì thế?
Chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình ở toà án, chàng chau mày đỏ mặt:
– Vâng có, vừa có chuyện xảy ra cho tôi thật, – chàng không muốn nói dối, – một chuyện kỳ lạ, bất ngờ và hệ trọng.
– Chuyện gì cơ? Anh không thể nói là chuyện gì à?
– Chưa nói bây giờ được. Cô cho phép tôi tạm giữ kín chuyện nầy vì nó vừa mới xảy ra, mà tôi thì chưa kịp suy nghĩ cho chín, – chàng nói, mặt càng đỏ thêm.
– Em mà anh cũng không nói ư? – Thớ thịt trên mặt cô giật giật, cô đẩy chiếc ghế con cô đang tỳ tay.
– Không, tôi không thể nói được, – chàng đáp và cảm thấy đó cũng là lời thú nhận với chính mình rằng quả có một chuyện cực kỳ quan trọng vừa xảy đến.
– Thôi được, chúng mình đi đi.
Mitxi lắc đầu như muốn xua đuổi những ý nghĩ không cần thiết và rảo bước đi lên nhanh hơn mọi khi.
Chàng có cảm tưởng cô ta đang cố mím chặt môi để giữ cho nước mắt khỏi trào ra. Chàng bỗng thấy hổ thẹn và đau xót vì đã làm cho con người ấy buồn phiền, nhưng chàng biết rằng một chút mềm yếu cỏn con trong lúc nầy cũng có thể hại chàng, nghĩa là nó sẽ vĩnh viễn trói buộc đời chàng. Đó là điều hôm nay chàng sợ nhất.
Chàng lặng lẽ theo gót Mitxi đến phòng công tước phu nhân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.