Phục Sinh

CHƯƠNG 40



Không một ai trong buổi lễ, từ linh mục, giám ngục cho tới Maxlova, lại có ý nghĩ rằng chính đức chúa Jesus mà linh mục vẫn rít lên không biết bao nhiêu lần tên tuổi và ca ngợi bằng đủ mọi lời lạ lùng kỳ quái, lại cấm chính cái việc họ đáng làm ở đây. Không những chúa nghiêm cấm cái lối nói lảm nhảm, vô nghĩa và lối phù phép mê hoặc lên bánh và rượu của các thầy linh mục, mà Chúa còn cấm hết sức ngặt cái lối một số người nầy lại gọi một số người kia là thầy, cấm không được cầu nguyện ầm ĩ giữa nhà thờ và dạy rằng mỗi người phải cầu nguyện một mình vào lúc thanh vắng. Chúa cấm ngay cả việc xây dựng các nơi thờ cúng. Người nói, Người giáng sinh là để huỷ bỏ các đền thờ. Người dạy nơi để cầu nguyện không phải là các đền thờ mà là trong trái tim và trong sự thật. Hơn nữa, không những Chúa cấm xét xử giam cầm, hành hạ, xỉ nhục, trừng trị con người như ở đây người ta vẫn đang làm, mà Chúa còn cấm cả mọi lối dùng bạo lực đối với con người. Chúa còn nói rằng Người xuống cõi đời là để giải thoát cho những người cầm tù được sống tự do.
Mọi người có mặt ở đây, không có ai nghĩ rằng tất cả những việc họ nhân danh Chúa làm đó là một sự phỉ báng hết sức thô bạo, một sự chế giễu đối với chính ngay Chúa. Không một ai có mặt ở đây lại nghĩ rằng cây thánh giá mạ vàng, có phù điêu tráng men ở các đầu mà linh mục đưa ra cho mọi người hôn, lại chính là tượng trưng cho cái giá treo cổ, trên đó Chúa Cứu Thế đã bị hành hình chính vì Người đã cấm cái điều mà nhân danh Người họ đang làm ở đây. Không ai nghĩ các vị linh mục kia hình dung ăn bánh uống rượu là ăn thịt và uống máu Chúa Cứu Thế, thực sự họ đã phạm tội ăn thịt và uống máu Chúa, không phải do họ ăn bánh và uống rượu, mà ở chỗ họ không những đã cám dỗ những “con người nhỏ bé” nầy mà Đấng Cứu Thế đã coi là đồng nhất với bản thân Người, mà còn tước đoạt cả hạnh phúc cao quý nhất của họ phải chịu những nỗi đau đớn ê chề, che giấu không cho họ biết Tin Lành mà Chúa đã đem lại cho loài người.
Linh mục với lương tâm rất thanh thản tiến hành mọi việc lễ bái như thế vì từ thuở nhỏ ông vẫn được dạy rằng đó là niềm tin chân chính duy nhất mà xưa kia các thánh đã tin và ngày nay giáo hội và chính quyền đang tin. Ông không tin rằng bánh có thể hoá ra thịt và những lời kể lể lôi thôi kia đem được ích lợi gì cho linh hồn, ông cũng không tin là ông cũng đã ăn một miếng thịt Chúa thật, – điều đó, ông không thể tin được, nhưng ông tin rằng cần phải tin vào sự tín ngưỡng ấy; cái đã khiến ông ta thêm vững tin vào sự tín ngưỡng ấy là trong mười tám năm trời làm việc thờ cúng theo sự tín ngưỡng ấy, ông đã thu được hoa lợi đủ để nuôi sống gia đình, cho con trai vào trường trung học và con gái vào trường nhà dòng.
Thầy phụ lễ cũng tin như vậy và còn tin mãnh liệt hơn cả linh mục vì thầy đã hoàn toàn quên sạch cả mọi giáo lý của điều tín ngưỡng ấy, thầy chỉ biết rằng ban thánh thể lễ cầu nguyện cho người chết, lễ sáng sớm có ca khánh chúc, lễ có ca Tê Đê om thuần và lễ có ca Tê Đê om kèm cả xưng tụng Đức Mẹ, tất cả các loại lễ ấy đều có giá cả nhất định và những tín đồ Cơ đốc chân chính đều vui lòng trả. Cho nên thầy càng rống lên những câu “hãy thương xót, hãy thương xót”, hát và đọc những điều đã được quy định: coi việc mình làm là cần thiết, như những người khác yên tâm bán củi, bán bột, bán khoai. Những giám mục và cai ngục tuy chưa bao giờ biết, chưa bao giờ nghĩ đến cái giáo lý của sự tín ngưỡng đó, ngay đến cả ý nghĩa của các nghi lễ đó, song họ vẫn cứ tin rằng nhất định họ phải tin điều ấy, bởi vì các quan trên và bản thân nhà vua cũng tin điều ấy. Hơn nữa, dù chỉ lờ mờ thôi (vì họ không tự giải thích được ra sao), họ vẫn cảm thấy rằng niềm tin ấy bảo vệ cho chức nghiệp tàn bạo của họ. Nếu không có niềm tin ấy thì chẳng những họ thấy khó khăn mà có lẽ còn thấy không thể nào đem hết sức ra hành hạ người khác như bây giờ họ đang yên tâm làm, với lương tâm mảy may không bị cắn rứt. Viên giám mục là người bản chất tốt quá đến nỗi ông ta không thể nào sống được như ông ta đang sống dựa vào niềm tin ấy: Và vì thế ông ta đứng thẳng không nhúc nhích, chăm chỉ cúi đầu và làm dấu, cố gắng xúc động khi nghe hát bài “Các vị tiểu thiên sứ”. Đến khi bắt đầu làm phép cho các con trẻ nhỏ, ông ta bước lên phía trước tự mình lấy tay nhấc một em bé lên và ẵm nó cho người ta làm phép.
Trong bọn tù nhân chỉ có một số ít thấy rõ tất cả những trò lừa dối đang diễn ra đó và cười thầm trong bụng, còn đại đa số tin rằng có một sức mạnh huyền bí trong những bức tượng thánh mạ vàng, những cây nến, chiếc chén, chiếc áo lễ, cây thánh giá, những lời khó hiểu “Jesus rất hiền từ” và “hãy thương xót”: nhắc đi nhắc lại; họ tin rằng nhờ có sức mạnh huyền bí ấy, họ có thể kiếm được nhiều điều thuận lợi trong cả kiếp nầy lẫn kiếp sau. Mặc dù đa số trong bọn họ đã nhiều lần thử dùng đèn nến khấn vái mong kiếm lấy những thuận lợi cho cuộc đời đang sống mà vẫn không được, – những lời cầu nguyện đã không thành sự thật – nhưng người nào cũng vẫn tin rằng sự thất bại đó chỉ là ngẫu nhiên, và cái tổ chức nầy đã được bao nhiêu nhà thông thái và các đức giám mục hoan nghênh thì phải là một tổ chức rất quan trọng, rất cần thiết, nếu không phải cho kiếp nầy thì cho kiếp sau.
Maxlova cũng tin như vậy. Cũng như mọi người khác, trong buổi lễ nàng cảm thấy một cảm giác vừa thành kính vừa buồn nản. Lúc đầu, nàng đứng giữa đám đông, sau bức vách ngăn, và không nhìn thấy ai khác ngoài các bạn gái. Đến khi những nữ tù nhân tham gia buổi lễ tiến lên phía trước, nàng cùng Fedoxia cũng tiến lên.
Nàng nhìn thấy giám ngục và sau lưng ông ta, lọt vào giữa viên cai ngục, một người nông dân có chòm râu thưa nhạt, mớ tóc hung hung. Đó là chồng Fedoxia; đang đăm đăm nhìn vợ. Trong lúc bài hát ca ngợi Chúa được cử lên, Maxlova mải nhìn anh ta và thì thầm với Fedoxia nên nàng chỉ làm dấu và cúi đầu theo như mọi người mà thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.