Phục Sinh

CHƯƠNG 58



Nào, bây giờ thì mình xin sẵn sàng nghe cậu. Cậu hút thuốc không? Hãy gượm đã, ở đây ta không nên bừa bãi, – hắn nói và đi lấy một chiếc gạt tàn thuốc lá lại. – Nào, gì thế?
– Mình muốn nhờ cậu hai việc.
– Thế à?
Mặt Maxlenikov đổi ra buồn thiu và chán chường.
Tất cả những nét mừng rỡ của con chó con được chủ gãi tai cho đều biến mất. Tiếng nói ở ngoài phòng khách vọng vào. Một giọng đàn bà: “Không đời nào, không đời nào tôi tin” và một giọng đàn ông ở đầu đằng kia đang kể chuyện gì đó, cứ lắp đi lắp lại cái tên Bá tước phu nhân Voronzov và ông Vichto Apracxin; ở một phía khác, chỉ nghe thấy tiếng nói nhao nhao và tiếng cười.
Maxlenikov vừa nghe Nekhliudov nói, lại vừa lắng nghe cả chuyện bên phòng khách.
– Mình lại đến nói về người phụ nữ ấy, – Nekhliudov nói.
– Phải, bị xử tội oan. Mình biết, mình biết.
– Mình đề nghị chuyển cô ta sang làm hộ lý ở bệnh viện. Người ta bảo mình là có thể làm được.
Maxlenikov mím môi suy nghĩ:
– Chắc gì được – hắn nói. – Tuy vậy mình sẽ hỏi và mai sẽ điện cho cậu.
– Người ta bảo ở bệnh viện có nhiều bệnh nhân và đang cần người giúp việc.
– Được, được Thế nào mình cũng sẽ báo cho cậu biết.
– Cậu giúp cho nhé, – Nekhliudov nói.
Từ phòng khách đưa vào một tiếng cười rộ lên, thật tự nhiên của tất cả mọi người.
– Lại Vichto rồi, – Maxlenikov mỉm cười, nói. – Khi cao hứng hắn nói nhiều câu rất lý thú.
– Còn việc nữa, – Nekhliudov nói, – hiện giờ có một trăm ba mươi người bị giam trong nhà lao vì giấy thông hành của họ quá hạn. Họ phải ngồi tù một tháng rồi.
Và chàng kể rõ đầu đuôi câu chuyện.
– Sao cậu lại biết việc ấy? – Maxlenikov hỏi và nét mặt hắn bỗng hiện vẻ lo lắng, không hài lòng.
– Mình đến gặp một bị cáo thì họ quây lấy mình ở ngoài hành lang và yêu cầu…
– Cậu đến gặp bị cáo nào?
– Một nông dân bị truy tố oan và mình đã nhờ trạng sư cãi cho. Nhưng thôi, không nói chuyện ấy. Chẳng lẽ những người kia không phạm tội gì mà bỏ tù chỉ vì giấy thông hành của họ quá hạn và…
– Đó là việc của chưởng lý, – Maxlenikov bực tức ngắt lời Nekhliudov. – Đấy, cậu bảo toà án mẫn cán và công minh thế đấy. Nhiệm vụ của phó chưởng lý là đi thăm các nhà lao và xem việc giam giữ người có hợp pháp không. Họ chẳng cần làm gì cả, chỉ đánh bài.
– Thế cậu không có thể làm gì được à? – Nekhliudov buồn bã nói, chàng nhớ lại viên luật sư nói là tỉnh trưởng sẽ trút lỗi cho chưởng lý.
– Không, mình sẽ làm được chứ: Mình sẽ xét lại ngay.
“Đối với bà ta thì lại càng thảm hại hơn nữa. Bà ta thành cái bung sung cho mọi người hành hạ” – có tiếng một người đàn bà ở phòng khách vọng vào, rõ ràng là người nói hết sức thản nhiên đối với điều mình nói.
“Càng hay, tôi sẽ xét cả việc nầy” – bên kia phòng lại vang lên tiếng nói vui đùa của một người đàn ông và tiếng cười vui đùa của một người đàn bà, người nầy chắc từ chối không cho người đàn ông kia một vật gì đó.
“Không được, không đời nào” – tiếng người đàn bà nói.
– Được! Mình sẽ làm mọi việc cần thiết, – Maxlenikov nhắc lại. Hắn dụi tắt điếu thuốc lá cầm trong bàn tay trắng đeo chiếc nhẫn mặt ngọc – Thôi, bây giờ ta ra tiếp các bà…
– À nầy, còn việc nầy nữa, – chưa vào đến phòng khách, Nekhliudov dừng lại ở cửa nói. – Người ta bảo là hôm qua ở nhà lao có tù nhân bị phạt nhục hình, có đúng thế không?
Maxlenikov đỏ mặt lên.
– À cậu hỏi cả về chuyện ấy à? Thôi, ông bạn ơi, nhất định là không nên cho cậu vào nữa; việc gì cậu cũng nhúng vào. Đi, ta đi vào thôi, Annet đang gọi chúng mình đấy! – Hắn vừa nói vừa kéo tay chàng, lộ rõ vẻ xúc động như khi được một nhân vật quan trọng lưu ý tới, nhưng lúc nầy có khác là không phải vì mừng rỡ mà vì lo sợ.
Nekhliudov giằng tay ra. Chẳng chào, chẳng nói, vẻ mặt buồn rầu, chàng đi qua phòng khách, vào phòng lớn, qua mặt những người hầu săn đón ân cần, ra phòng ngoài rồi xuống đường.
– Anh ấy làm sao thế? Anh làm gì anh ta thế? – Annet hỏi chồng.
– Đó là kiểu Pháp đấy mà! – có một người nói.
– Sao lại kiểu Pháp, đó là kiểu Zoulou(1).
– Ồ, hắn ta xưa nay vẫn thế.
Có người đứng dậy đi ra, người khác đến, những lời bàn tán xôn xao tiếp tục: mọi người lấy chuyện Nekhliudov làm đề tài cho câu chuyện của họ buổi hôm đó được rôm rả.
Ngay hôm sau, Nekhliudov nhận được của Maxlenikov một bức thư viết trên giấy dày, bóng, có in huy hiệu và đóng dấu, nét chữ đẹp, rắn rỏi. Trong thư, hắn nói đã viết giấy cho bác sĩ về việc chuyển Maxlova sang bệnh viện và như vậy chắc là cậu sẽ mãn nguyện.
Cuối thư ghi: “người bạn đồng ngũ cũ thân yêu của cậu, và dưới chữ ký “Maxlenikov” có một nét ngoằng lớn rắn rỏi, rất hoa mỹ.
– Thằng khốn! – Nekhliudov không giữ được, buột miệng nói, vì chàng cảm thấy qua mấy tiếng “bạn đồng ngũ”, Maxlenikov tỏ ý tự hạ mình xuống với chàng. Như thế nghĩa là mặc dù đang giữ một chức vụ hết sức nhơ nhuốc, hắn vẫn tự coi mình là một con người rất quan trọng và cho rằng, bằng cách tự xưng là bạn đồng ngũ của chàng, nếu hắn không làm cho chàng vui lòng đẹp ý thì cũng là để tỏ cho chàng biết hắn không quá lên mặt với chức vị cao sang của hắn.
Chú thích:
(1) Zoulou: một dân tộc lạc hậu châu Phi (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.