Một trong những định kiến thông thường và phổ biến nhất là người ta thường cứ tin rằng mỗi người đều có một tính nết nhất định: nhân từ hay độc ác, thông minh hay ngu ngốc, kiên quyết hay nhu nhược v.v… Con người thực ra không thế. Chúng ta có thể nói về một người là người ấy thường hay nhân từ hơn là tàn ác, thường hay thông minh hơn là ngu ngốc, thường hay cương quyết hơn là nhu nhược và ngược trở lại. Nhưng thật là sai nếu chúng ta bảo người nầy là nhân từ hay thông minh, bảo người khác là tàn ác hay ngu ngốc. Vậy mà chúng ta vẫn thường chia người ta ra như thế đấy. Và như vậy thật là không đúng. Người ta như những con sông: nước sông nào cũng giống nhau và ở đâu cũng vẫn là nước ấy. Nhưng con sông nào cũng có chỗ hẹp, chỗ rộng, chỗ chảy xiết, chỗ lặng lờ, chỗ trong, chỗ đục, chỗ lạnh, chỗ ấm. Người ta cũng thế. Người nào cũng mang trong mình mầm mống của tất cả mọi tính nết của con người. Con người khi thì lộ ra tính tình nầy, khi thì lộ ra tính tình khác, nhiều lúc có vẻ không phải mình chút nào, nhưng thực ra vẫn là mình. Ở một số người, những sự thay đổi như thế thật là đột ngột. Nekhliudov thuộc loại người nầy. Nhưng sự thay đổi đó hoặc do nguyên nhân thể chất, hoặc vì nguyên nhân tinh thần, đã từng xảy ra trong con người chàng.
Giờ đây, một sự thay đổi như thế đang diễn ra.
Sau phiên toà và sau lần đầu tiên gặp mặt Katiusa, cái cảm giác hân hoan phấn khởi về sự đổi mới của con người mình đã biến đâu mất hẳn và thay vào đấy, sau lần gặp nhau vừa qua, là một nỗi sợ hãi, gần như một sự ghê tởm đối với nàng. Chàng đã quyết tâm là không bỏ nàng, không thay đổi ý định lấy nàng nếu nàng ưng thuận; nhưng chàng thấy điều đó thật là nặng nề và đau khổ.
Sau hôm gặp Maxlenikov, chàng lại đến nhà lao để gặp nàng.
Giám ngục cho phép gặp, nhưng không phải ở văn phòng hay ở phòng các luật sư, mà ở phòng thăm hỏi tù đàn bà. Mặt dù tốt bụng, ông ta đối với Nekhliudov đã có phần dè dặt hơn trước.
Chắc là câu chuyện giữa chàng với Maxlenikov đã đưa đến một chỉ thị là phải rất thận trọng đối với người khách vào thăm nầy.
– Có thể gặp được. – ông ta nói, – chỉ có điều là về vấn đề tiền nong thì xin ngài… Còn về việc chuyển tù nhân ấy sang bệnh viện thì theo như quan trên đã tư xuống, có thể chuyển được và bác sĩ đã đồng ý. Nhưng chính cô ta không muốn, cô ta bảo: “Tao cóc cần phải đi đổ chậu cho bọn ghẻ lở ấy?”. Thưa công tước, cái ngữ ấy xưa nay vẫn thế, – ông ta nói thêm.
Nekhliudov không trả lời và xin gặp. Viên giám ngục phái một cai ngục dẫn đi và Nekhliudov theo người nầy vào gian phòng thăm hỏi tù đàn bà vắng tanh.
Maxlova đã có ở đấy. Từ sau tấm lưới, nàng bước ra lặng lẽ, sượng sùng. Nàng lại gần Nekhliudov và mắt không nhìn chàng, nàng nói nhỏ:
– Thứ lỗi cho tôi, anh Dmitri Ivanovich. Hôm kia, tôi nói quá lời.
– Không phải tôi là người được thứ lỗi mà… – Nekhliudov nói.
– Nhưng dù sao cũng xin anh cứ bỏ mặc tôi, – nàng nói thêm và trong đôi mắt hiếng hơn hẳn mọi ngày nhìn chàng, Nekhliudov lại nhận thấy vẻ hầm hầm dữ tợn.
– Tại sao tôi lại phải bỏ mặc cô?
– Anh cứ mặc tôi.
– Sao lại thế
Nàng nhìn chàng, và chàng lại thấy vẻ dữ tợn kia trong khóe mắt.
– Thế nầy nhé, – nàng nói. – Anh cứ bỏ mặc tôi, tôi nói thật đấy. Tôi không chịu nổi đâu. Anh cứ để mặc xác tôi, nàng nói, đôi môi run lên rồi lặng im một lúc. – Thật đấy Thà tôi tự treo cổ chết quách đi còn hơn.
Trong lời cự tuyệt ấy, Nekhliudov cảm thấy có mối căm giận chàng và niềm uất hận không nguôi, đồng thời lại có một cái gì khác, đẹp đẽ và cao thượng. Việc nàng nhắc lại lời cự tuyệt đã nói, và lần nầy nói một cách hết sức bình tĩnh và cương quyết, đã quét sạch ngay tất cả mọi ý ngờ vực trong lòng Nekhliudov và đưa chàng trở lại tâm trạng nghiêm trang, phấn khởi, thương xót buổi đầu.
– Katiusa, trước anh đã nói sao thì nay anh vẫn giữ như thế, – chàng nói một giọng hết sức nghiêm túc. – Anh xin em lấy anh. Nếu em chưa muốn, mà bây giờ thì em chưa muốn đâu, anh cứ vẫn như trước, sẽ luôn luôn ở bên cạnh em, người ta dẫn em đi đâu anh sẽ đi đấy.
– Cái đó là việc của anh. Tôi không thêm một lời nào cả nàng nói và đôi môi run lên. Chàng cũng im lặng, cảm thấy mình không đủ sức nói.
– Bây giờ anh phải về quê, sau đó, anh sẽ đi Petersburg, – chàng trấn tĩnh lại và nói. – Anh sẽ lo việc cho em… cho chúng ta, và may ra sẽ được trắng án.
– Không trắng án cũng chẳng sao. Đáng đời tôi lắm rồi. Tôi không bị thế nầy thì cũng bị cách khác… – nàng nói và chàng thấy nàng phải cố gắng lắm mới ngăn được nước mắt.
– À thế nào, anh gặp Melsov rồi chứ? Nàng hỏi đột ngột để giấu nỗi xúc động. – Có thật là họ oan không?
– Tôi cho là thế.
– Bà cụ tốt thật, – nàng nói.
Chàng kể cho nàng nghe tất cả những gì đã được Melsov cho biết. Chàng quay hỏi xem nàng có cần gì không thì nàng trả lời là không cần gì cả.
Hai người lại im lặng.
– À còn việc sang bệnh viện, – nàng bỗng nói, sau khi đưa đôi mắt hiếng nhìn chàng. – Nếu anh muốn thì tôi sẽ sang và tôi cũng có thể không uống rượu nữa…
Nekhliudov lặng im nhìn vào mắt nàng. Đôi mát tươi hẳn lên như cười.
– Thế thì hay lắm, – chàng chỉ có thể nói được thế và từ biệt nàng.
“Đúng, đúng, nàng đã trở thành một người khác hẳn”. Nekhliudov nghĩ; sau những ngờ vực mấy ngày qua, bây giờ chàng cảm thấy một cảm giác hoàn toàn mới, một cảm giác chưa hề thấy bao giờ, đó là lòng tin vào sức mạnh vô địch của tình yêu.
Sau cuộc gặp mặt, Maxlova trở về cái xà lim hôi thối.
Nàng cởi bỏ áo tù và ngồi xuống chỗ của mình trên phản; đặt hai bàn tay lên đầu gối. Trong xà lim chỉ có chị lao phổi, người đàn bà quê ở Vladimir đang cho con bú, bà cụ Melsova, và chị gác barie xe lửa với hai đứa con. Ả con gái người phụ lễ nhà thờ, hôm qua người ta phát hiện là bị bệnh thần kinh, đã được đưa sang bệnh viện. Còn tất cả những người khác thì đang giặt quần áo. Bà cụ Melsova nằm ngủ trên phản, trẻ con chơi ngoài hành lang, ngay trước cửa để ngỏ. Mụ ẵm con quê ở Vladimir và chị gác barie xe lửa, đôi bàn tay thoăn thoắt không rời đan bí tất, bước lại gần Maxlova.
– Thế nào, gặp nhau rồi chứ? – Hai người hỏi.
Maxlova không trả lời, vẫn ngồi trên phản, đu đưa đôi bàn chân không tới đất.
– Sao mà buồn thế? – – Chị gác barie xe lửa nói. – Đừng buồn nản, đó là cái chính, Katiusa ạ! – Chị ta nói, mấy ngón tay vẫn đan thoăn thoắt.
Maxlova không trả lời.
– Họ đi giặt cả rồi. Người ta bảo hôm nay có nhiều quà bố thí lắm, – người đàn bà quê ở Vladimir nói.
– Finaska! – Chị gác barie xe lửa hét lên về phía cửa, thằng quái con, biến đâu mất rồi.
Rồi chị rút chiếc kim đan cắm vào cuốn sợi vào chiếc bí tất, chạy ra hành lang.
Vừa lúc đó, ở ngoài hành lang có tiếng chân bước và tiếng đàn bà nói. Rồi những người ở phòng nầy bước vào, họ đi giầy nhưng không bí tất, mỗi người mang một chiếc “kalasơ”, có vài người cầm hai chiếc, Fedoxia lại gần ngay bên Maxlova.
– Gì thế, có chuyện không hay, hử? – Fedoxia hỏi, đôi mắt bồ câu trong sáng trìu mến nhìn Maxlova. – Cái nầy để đến bữa trà, – và cô ta xếp bánh lên giá.
– Sao thế, hay là người ta lại đánh trống lảng, không định lấy nữa? – Bà Korableva nói.
– Không, vẫn định, nhưng tôi không nghe, – Maxlova nói. – Tôi đã bảo anh ta thế.
– Đồ ngốc! – Đồ ngốc! – bà Korableva nói, vẫn cái giọng khàn khàn.
– Chứ sao, nếu không sống chung được với nhau thì cưới làm gì? – Fedoxia nói.
– Thế thử hỏi chồng cô chả đi theo cô đấy ư? – Chị gác barie xe lửa nói.
– Gì kia, vợ chồng nhà tôi đã cưới nhau tử tế rồi, – Fedoxia nói. – Đằng nầy, không ở được với nhau thì cưới làm gì?
– Con ngốc? Làm gì à? Anh ta cưới nó thì tất làm cho nó cũng giàu có chứ.
– Anh ấy bảo: “Người ta dẫn em đi đâu thì anh sẽ theo đấy”. – Maxlova nói. – Đi thì đi, không đi thì không đi Tôi không cần. Bây giờ anh ấy đi Petersburg lo liệu. Ở đấy các ông cả bà lớn đều là họ hàng nhà anh ấy cả, – nàng nói tiếp, – nhưng dù sao tôi cũng không thấy cần đến anh ấy.
– Tất nhiên! – Bà Korableva bỗng tán thành, bà đang sắp xếp lại các thứ trong túi và chắc là nghĩ lan man sang chuyện khác. – Thế nào, ta nhấp nháp tí rượu chứ?
– Không, tôi không uống nữa, – Maxlova trả lời. – Bà và các chị cứ uống đi.