Phục Sinh

CHƯƠNG 66



Tiếng người nói ồn ào phát ra từ đám tập trung trong sân nhà viên trưởng thôn, nhưng khi Nekhliudov đến gần thì mọi người yên lặng một lúc, và cũng giống như ở Kuzminxkoie, họ lần lượt bỏ mũ ra chào. Nông dân ở vùng nầy cổ lỗ hơn nông dân ở Kuzminxkoie rất nhiều; đàn bà con gái tai đeo lông chim nõn còn đàn ông thì hầu hết đi giầy cỏ và mặc áo cánh hoặc áo lông kiểu Thổ Nhĩ Kỳ nhà may lấy; có cả một vài người đi chân đất; mình mặc có một chiếc áo cánh, họ đi làm đồng về, đến thẳng đây.
Nekhliudov cố nén xúc động; bắt đầu, chàng nói ngay cho họ biết ý định của chàng đem hiến cho mọi người tất cả ruộng đất của mình. Những người nông dân im lặng nghe chàng nói, vẻ mặt thản nhiên.
– Cái đó là dĩ nhiên! Đúng thế đấy! – Họ la lên.
Nekhliudov tiếp tục nói với họ về hoa lợi, về ruộng đất phải được chia đều cho tất cả mọi người; và vì thế, chàng xin nhượng lại tất cả ruộng đất của chàng cho họ lấy một số tiền do họ sẽ tự định lấy, số tiền đó sẽ bỏ vào một cái quỹ chung mà chỉ riêng họ được hưởng. Những lời tán thành và đồng ý tiếp tục vang lên, nhưng những bộ mặt nghiêm nghị của họ mỗi lúc càng trở nên nghiêm nghị. Những con mắt trước vẫn nhìn vào vị quý tộc thì bây giờ cũng nhìn xuống đất, tuồng như họ không nỡ làm cho chàng phải hổ thẹn, vì mưu mẹo của chàng họ đã biết tỏng cả rồi, chàng lừa bịp nổi ai đâu!
Nekhliudov nói lên ý kiến của chàng cũng khá rành mạch và nông dân lại là những người sáng ý. Nhưng họ không hiểu, không thể hiểu được chàng, cũng vì một lý do như với viên quản lý. Họ tin tuyệt đối rằng bản tính của con người ta ở đời là chạy theo tư lợi. Còn về địa chủ, thì kinh nghiệm truyền từ đời nầy sang đời khác đã dạy cho họ biết rằng chúng luôn luôn mưu lợi ích của chúng trên lưng nông dân. Vì thế nên họ nói rằng nếu ông chủ trang ấp có triệu tập họ lại để đề nghị với họ một cách dàn xếp mới nào đó thì cũng chỉ để lừa bịp họ bằng một mánh khóe khôn khéo hơn thôi.
Nào, thế thì các người định mức tô sẽ là bao nhiêu? – Nekhliudov hỏi.
– Chúng tôi làm sao có thể định mức tô được? Ruộng đất ở tay ngài, quyền hành ở cả ngài? – Có nhiều tiếng đáp lại trong đám đông.
– Không phải thế đâu. Các người sẽ được tuỳ tiện sử dụng số tiền đó vào những công việc cần thiết nhưng cho cả thôn xã kia mà.
– Không được đâu, thôn xã là một việc, và cái đó lại là một việc khác.
– Các người nên hiểu, – viên quản lý cũng theo Nekhliudov đến dự, y cười tìm cách giải thích, – Công tước muốn nhượng lại ruộng đất cho các người lấy một số tiền, nhưng số tiền đó sẽ trở về với các người dưới hình thức một công quỹ để tuỳ thôn xã sử dụng.
– Chúng tôi hiểu lắm chứ, – một ông già móm mém, vẻ mặt nghiêm nghị nói, mắt không ngước lên, – đại thể đây là một kiểu ngân hàng chứ gì, có điều chúng tôi sẽ phải trả đúng hạn. Chúng tôi không thích như vậy đâu. Đời chúng tôi thế nầy đã khổ cực lắm rồi. Bây giờ lại thế nữa thì đến nước đi ăn mày thôi.
– Tất cả những cái đó ích lợi gì? Cứ để nguyên như cũ, chúng tôi lại thích hơn, – những tiếng càu nhàu bất mãn, đến cả thô tục nữa, nổi lên.
Và họ càng từ chối quyết liệt khi Nekhliudov nói đến bản khế ước chàng định viết ra và bảo họ ký.
– Tại sao lại phải ký? Trước kia chúng tôi đã làm ăn như thế nào thì chúng tôi sẽ cứ làm ăn như vậy. Hà tất phải bày thêm chuyện, chúng tôi dốt nát biết gì.
– Chúng tôi không thể đồng ý bởi vì chúng tôi không quen việc như thế. Cứ để y nguyên như cũ? Chỉ cốt là đừng bắt chúng tôi phải tự xoay xoả lấy giống lúa thôi, – có nhiều tiếng nói to.
Như thế nghĩa là theo cách thức làm ăn hiện nay thì nông dân phải tự túc giống lúa, mà họ thì muốn chủ ấp từ nay trở đi phải cấp cho họ.
– Như vậy là các người từ chối. các người không muốn lấy ruộng đất? – Nekhliudov quay lại hỏi một anh chàng nông dân đứng tuổi, vẻ mặt hớn hở, quần áo rách rưới, chân đi đất, tay trái cầm thẳng đờ một mũ lưỡi trai rách, giống kiểu binh lính khi được lệnh trật mũ ra.
– Hoàn toàn đúng thế? – Con người nông dân chưa thoát khỏi ảnh hưởng mê muội của tập quán cũ nhà binh, trả lời.
– Vậy là các người có đủ ruộng đất rồi?
– Hoàn toàn không! – Người cựu binh trả lời với một vẻ cố làm ra hân hoan, tay cẩm chiếc mũ rách thận trọng giơ ra đứng trước mặt, dường như để tặng cho ai muốn dùng nó…
– Dù sao nữa, các người cũng hãy suy nghĩ về những điều tôi đã nói với các người. – Nekhliudov ngạc nhiên nói, và chàng nhắc lại những điều chàng đã đề xuất.
– Chúng tôi đã nghĩ cả rồi. Chúng tôi nói thế nào là làm đúng như vậy, – ông già móm làu nhàu nói.
– Tôi sẽ ở lại đây hết cả ngày mai. Nếu sau nầy, các người có thay đổi ý kiến thì báo cho tôi biết.
Nhưng những người nông dân không trả lời. Không khai thác ở họ được điều gì, Nekhliudov trở về văn phòng.
– Thưa Công tước, ngài thấy không? – Viên quản lý nói, lúc hai người về đến nhà – tôi đã thưa với ngài là ngài sẽ không thể đi đến một sự thoả thuận nào với họ đâu; nông dân họ bướng bỉnh lắm. Ở chỗ hội họp chỉ khăng khăng một mực chống lại và không có gì lay chuyển được họ. Chính vì vậy cái gì họ cũng sợ. Song cũng vẫn những người nông dân cái gì họ cũng không ưng thuận ấy dù là ông già tóc hoa râm hay là cái anh chàng tóc đen kia cũng vậy, họ đều là những con người hết sức tinh khôn. Giả sử có một người đến văn phòng, ta mời anh ta ngồi chơi uống trà, – viên quản lý cười nói, – rồi cùng chuyện vãn với anh ta, thì thật là một cái túi khôn. Một ông bộ trưởng thực thụ đấy? – Hắn thảo luận thật ra là về mọi vấn đề. Nhưng ở buổi họp, thì hắn lại là một người khác hẳn, cứ quanh đi quẩn lại có một câu thôi.
– Như vậy ta có thể gọi một vài người lanh lợi nhất đến đây không? Tôi sẽ giải thích tỉ mỉ công việc cho họ rõ.
Có thể được, – viên quản lý trả lời, miệng cười tươi tỉnh hơn.
 
o O o
 
– Thế nó có mưu mẹo không, hở cụ? – Người nông dân tóc đen có bộ râu rậm chẳng bao giờ chải, lên tiếng; anh lắc lư trên lưng con ngựa cái béo tốt đang bước đi đều đều Anh nói với ông cụ già cùng đi, ông cụ gầy còm, khoác chiếc áo lông rách, cưỡi ngựa đi bên cạnh, tiếng xích buộc ngựa leng keng nhịp theo.
Hai người dắt đàn ngựa đi ăn đêm, dọc theo con đường cái và lén lút cho ngựa vào ăn trong rừng của chủ trang ấp.
– “Tôi cho không các người ruộng đất, các người chỉ có ký thôi!”. Bọn chúng đã chẳng thường xỏ mũi bà con mình đó sao. Thôi, xin ông bạn đừng có đùa? Bây giờ chúng tớ cũng láu như “chú mình” rồi, – hắn nói thêm và cất tiếng gọi con ngựa đang lảng xa đàn: “Bé à? Bé à?”. Hắn vừa ghìm ngựa lại và ngoái nhìn về đằng sau gọi to. Nhưng con ngựa con không còn ở đằng sau, nó đã ở trong cánh đồng cỏ bên phải.
– Cụ xem con chó đẻ kia, nó đã quen mùi những cánh đồng cỏ của chủ trang ấp rồi? – Người nông dân có bộ râu không hề chải, nói tiếp, khi nghe tiếng thân cây me dại kêu lắc rắc dưới móng con ngựa con vừa phi và hí trong cánh đồng cỏ đẫm sương chiều, thoang thoảng mùi ao đầm thơm mát.
– Anh có nghe thấy tiếng lắc rắc không, gai rậm mọc tốt rồi đấy, đến ngày nghỉ lễ phải cho lũ đàn bà đi xáo cỏ mới được, – người nông dân gầy gò nói. – Không thì liềm hái sẽ cùn hỏng hết.
– Nó bảo “ký đi”, – anh chàng nông dân râu rậm tiếp tục chỉ trích những câu nói của chủ trang ấp; – ký đi, rồi nó sẽ nuốt tươi bọn mình cho mà xem.
– Đúng thế đấy! – ông già trả lời.
Rồi họ im lặng. Chỉ còn nghe thấy tiếng vó ngựa lốp bốp trên con đường đá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.