Phục Sinh

CHƯƠNG 67



Lúc trở về, Nekhliudov thấy ở trong văn phòng người ta đã sắp sẵn cho chàng một chiếc giường cao có mền đắp chân, một đôi gối, một chiếc khăn trải giường bằng lụa màu đỏ thẫm, có hình vẽ thêu thùa rất tinh vi, dày đặc, khiến cho chiếc khăn cứng lại hẳn: đây hẳn là lấy ở bộ chăn mền cưới của vợ viên quản lý. Anh chàng nầy mời Nekhliudov ăn thêm những thức ăn bữa trưa còn lại, nhưng chàng từ chối. Viên quản lý xin lỗi chàng về việc đón tiếp quá xềnh xoàng, rồi lui ra, để chàng ở lại một mình.
Sự cự tuyệt của nông dân không hề làm cho Nekhliudov nao lòng. Trái hẳn lại, chàng thấy yên tâm và vui sướng, dù rằng ở Kuzminxkoie chủ trương chàng đề ra đã được nông dân đón nhận và cảm ơn, còn ở đây chỉ thấy những nghi ngờ và thậm chí cả thù hằn nữa.
Căn buồng bẩn thỉu, không khí lại ngột ngạt khó thở. Nekhliudov ra sân, định ra vườn dạo chơi, nhưng chàng chợt nhớ tới cái đêm hôm ấy, nhớ đến cái cửa sổ nhà dưới, đến bậc tam cấp ở đằng sau nhà, chàng cảm thấy lòng nặng nề khi nhìn lại những nơi đã bị một hành động tội lỗi làm ô uế nầy. Chàng ngồi xuống bậc tam cấp và hít thở không khí ấm áp của ban đêm được mùi lá phong non thơm ngát, mắt đăm đăm nhìn khu vườn đang mờ tối hẳn, lắng nghe tiếng cối xay, tiếng những con hoạ mi xao xác và tiếng hót đều đều đơn điệu của một con chim nào đó trong bụi cây kề bên. Ở cửa sổ buồng viên quản lý ánh đèn vụt tắt; phía đông, từ sau nóc nhà ngang, mặt trăng lưỡi liềm nhô lên, sáng rực; những tia chớp loang loáng mỗi lúc một mau soi tỏ khu vườn hoang dại, hoa lá xum xuê và ngôi nhà đổ nát.
Bỗng có tiếng sấm nổ ầm ầm ở đằng xa và một đám mây đen sẫm che kín hết một phần ba bầu trời. Tiếng hoạ mi cùng các chim chóc khác im bặt, tiếng ngỗng kêu quang quác, inh ỏi, át cả tiếng nước ào ào ở cối xay, rồi phút chốc từ trong sân nhà viên quản lý, vang lên tiếng gà gáy sớm, như chúng vẫn thường gáy vào những đêm oi ả dông tố. Tục ngữ có câu: “Gà gáy trước, rước đêm vui”. Đối với Nekhliudov, thì quả đêm đó là một đêm sung sướng vô cùng, một đêm chứa chan hạnh phúc. Trí tưởng tượng làm sống lại trong lòng chàng những kỷ niệm của cái mùa hè tuyệt diệu đã qua kia, chàng sống, trẻ trung, trong trắng, trong khu vườn nầy và chàng cảm thấy, giờ đây mình vẫn như xưa, không phải chỉ như ở cái thời xa xôi đó, mà còn cả ở những giây phút đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Không những chàng nhớ lại, mà chàng còn cảm thấy mình đang như hồi mới là một thiếu niên mười bốn tuổi đầu, cầu nguyện Chúa vạch cho thấy chân lý; hoặc như hồi còn là một đứa con nít gục đầu trên gối mẹ khóc lúc chia tay, hứa suốt đời làm đứa con ngoan, không bao giờ để mẹ phải phiền lòng. Chàng cảm thấy mình như trước kia, khi cùng với bạn là Nikolenka Yecteniev quyết tâm thề sẽ mãi mãi dìu dắt nhau trên con đường làm điều thiện, hiến tất cả cuộc đời cho hạnh phúc của mọi người.
Bây giờ chàng nhớ lại ở Kuzminxkoie mình đã bị cám dỗ như thế nào, để rồi đâm ra luyến tiếc nhà cửa, rừng cây, trang trại và đất đai; và giờ đây, chàng tự hỏi: mình có tiếc không? Và chàng lấy làm lạ là tại sao lúc ấy mình lại có thể có ý nghĩ tiếc rẻ được.
Chàng nhớ lại tất cả những điều đã trông thấy ban ngày; người đàn bà với đàn con có chồng bị giam vì đã chặt ít cây trong khu rừng của chàng, và cái mụ Matrena ghê gớm nọ, mụ cho rằng, hoặc ít nhất mụ cũng đã nói rằng phận sự của những người phụ nữ ở tầng lớp mụ phải hiến thân cho các ông chủ, như những cô nhân ngãi, và coi đó là lẽ đương nhiên; chàng nhớ lại cách thức mụ xử đối với trẻ thơ, nhớ lại cái lối người ta gửi chúng đến nhà dục anh, nhớ tới cái thằng bé đội chiếc mũ thóp khâu bằng mụn giẻ rách, thằng bé khốn khổ, cằn cọc, héo hon, có nụ cười thương tâm và đang chết đói; nhớ tới những người đàn bà bụng mang dạ chửa, yếu đuối, mà người ta còn muốn bức phải lao động cho chàng, chỉ vì chị ta đã làm việc mệt lả nên không trông được con bò cái đói cỏ của mình.
Đến đây, chàng vụt nhớ tới nhà lao, những cái đầu cạo trọc, đến những phòng giam, những xiềng xích, mùi hôi thối và bên cạnh đó là cuộc sống xa hoa, dâm dật của chàng, đồng thời cũng là cuộc sống của những kẻ ở thành thị, ở thủ đô, cuộc sống như những ông chủ. Tất cả những điều đó đối với chàng thực đã rành rành, không còn ngờ vực gì nữa.
Vầng trăng bạc đã gần tròn vạnh nhô lên khỏi nóc nhà ngang. Những bóng đèn đổ dài trên sân, và mặt mái tôn của ngôi nhà đổ nát bỗng sáng loáng hẳn lên. Dường như không thể hững hờ được với ánh sáng tươi đẹp đó, con chim hoạ mi lại cất tiếng hót lýu lo và chép mỏ.
Nekhliudov nhớ lại khi ở Kuzminxkoie chàng đã suy nghĩ thế nào về cuộc đời mình, về cách giải quyết các vấn đề: tương lai sẽ làm gì và làm theo cách nào, chàng nhớ mình đã lúng túng, lẩn quẩn, không sao giải quyết được vì mỗi vấn đề đều có nhiều cách hiểu. Bây giờ cũng những vấn đề ấy, chàng lấy làm lạ rằng sao nó lại giản đơn đến thế chính là vì giờ đây, chàng không nghĩ tới những hậu quả có thể xảy đến cho mình, điều đó chàng không hề để ý, mà chỉ nghĩ đến bổn phận phải làm. Chàng ngạc nhiên thấy, nếu hỏi phải làm gì cho bản thân, thì chàng do dự không sao quyết định được, nhưng nếu là phải làm gì cho người khác thì chàng thấy rõ ngay, chẳng chút mơ hồ. Nhưng bây giờ không chút mơ hồ, chàng thấy là phải đem chia ruộng đất của mình cho nông dân, bởi vì giữ lấy nó là có tội. Và cũng chẳng chút mơ hồ, chàng thấy rằng mình không được rời bỏ Katiusa, phải tiếp tục giúp đỡ nàng, sẵn sàng chịu đựng tất cả để chuộc tội. Chàng thấy rõ về việc nầy phải nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận cho thấu đáo tất cả những điều xét xử và trừng phạt của toà án, trong đó, chàng cảm thấy mình đã nhìn ra một điều gì đó mà người khác không trông thấy. Kết quả sẽ ra sao, chàng không biết, nhưng có điều chắc chắn là chàng sẽ phải làm việc đó và làm nhiều việc khác nữa. Và niềm tin chắc ấy đã khiến cho lòng chàng tràn ngập niềm vui sướng.
Mây đen đã kéo phủ kín bầu trời, những tia chớp nháy đã nhường chỗ cho những làn chớp giật chói loà, soi rõ cả mảng sân và toà nhà hư nát, với những bậc thềm đã sụp đổ; trên đấu, sấm nổ ầm ầm. Chim chóc im bặt. Những tiếng lá cây rì rào nổi lên. Một làn gió nhẹ thoảng tới bậc thềm, chỗ Nekhliudov ngồi, vuốt ve mái tóc chàng. Một giọt nước rơi xuống, tiếp sau, là một giọt nữa, rồi đến những giọt khác lộp bộp rơi trên đám lá cây ngưu bàng, trên mái nhà, và cả không trung lòe sáng như bốc cháy. Vạn vật im phăng phắc. Nekhliudov không kịp đếm đến ba thì có một vật gì nổ tung ngay trên đầu chàng với một tiếng khủng khiếp, ầm ầm vang dội trong bầu trời mênh mông.
Nekhliudov trở vào nhà.
“Phải, phải! chàng nghĩ – công việc của một đời ta, tất cả công việc đó có ý nghĩa của nó ta không hiểu và không thể nào hiểu được. Vì sao lại có hai bà cô ta trên đời nầy? Tại sao Nikolenka Yecteniev lại chết đi còn ta thì sống? Tại sao lại có Katiusa? Và cái việc làm rồ dại của ta? Tại sao có cuộc chiến tranh ấy? Và tất cả cuộc sống phóng đãng điên rồ mà ta đã trải qua, tại sao? Hiểu được tất cả những điều đó, hiểu được tất cả việc làm của Chúa, ta hiểu sao nổi? Nhưng làm trọn cái ý Chúa đã khắc sâu vào tâm khảm ta, điều đó ta làm được và là điều ta biết chắc chắn. Và khi ta làm trọn được ý Chúa thì chắc chắn lòng ta sẽ yên tĩnh thảnh thơi”.
Lúc nầy, mưa như trút nước từ mái nhà đổ xuống, chảy ồng ộc vào trong chiếc thùng. Những tia chớp soi sáng mảnh sân và ngôi nhà thưa thớt dần. Nekhliudov về buồng, cởi quần áo, lên giường nằm, trong bụng vẫn sợ những con rệp nấp sau các tờ giấy rách dán trên tường.
“Ừ, cảm thấy mình không phải là ông chủ mà là người đày tớ chàng thấy thích thú với ý nghĩ đó. Điều chàng lo sợ không phải là không có lý. Ngọn nến vừa thổi tắt là lũ rệp xông tới đốt ngay.
“Phân phát ruộng đất, đi Siberi, rận rệp, bẩn thỉu và còn gì nữa? Nếu phải chịu đựng tất cả những cái đó ta cũng vui lòng”.
Nhưng mặc dầu với tất cả thiện ý, chàng vẫn không chịu nổi và phải ra ngồi bên cửa sổ bỏ ngỏ, ngắm nhìn mây trên trời lúc nầy đang cuốn đi xa và vành trăng lại mới ló lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.