Thành phố lần nầy gây cho Nekhliudov một ấn tượng đặc biệt khác thường, hoàn toàn mới lạ. Đến đó vào lúc chiều tối, đèn dọc đường đã sáng trưng, chàng đi xe từ ga về nhà. Khắp nhà sực nức mùi băng phiến. Agrafena Petrovna và Korney, cả hai đều mệt phờ và cáu gắt, thậm chí cãi nhau, về việc nên thu dọn quần áo đồ đạc như thế nào; xem ra thì các thức nầy chẳng có ích lợi gì khác ngoài việc đem chúng trải ra phơi rồi lại cất vào một xó.
Buồng của Nekhliudov không có ai ở, nhưng vì không được sắp đặt dọn dẹp, hòm xiểng lại để lủng củng ngổn ngang ở bên ngoài nên ra vào khó khăn. Rõ ràng là việc, chàng về đã làm trở ngại cho công việc đang tiến hành trong nhà nầy theo một quán tính kỳ lạ nào đó. Sau khi đã nhìn thấy cuộc đời khổ cực của nông dàn, chàng thấy tất cả những cái trò nầy – mà trước kia chàng đã tham gia – thật là đáng ghét, vì nó quá vô nghĩa đến nỗi chàng quyết định ngay ngày hôm sau sẽ đến khách sạn, để mặc bà Agrafena tiếp tục thu dọn theo ý bà ta cho đến khi chị ruột chàng tới quyết định giải pháp cuối cùng cho tất cả mọi công việc của mình.
Ngày hôm sau, Nekhliudov ra đi từ sáng sớm; chàng chọn lấy hai gian buồng tại một nhà trọ gặp trước nhất ở gần nhà lao – một căn nhà xoàng xĩnh không lấy gì làm sạch sẽ lắm và, sau khi bảo người nhà mang lại chỗ ở mới những đồ dùng chàng đã sắp sẵn, Nekhliudov đi đến nhà trạng sư.
Bên ngoài, trời lạnh. Sau mấy trận mưa và mấy cơn gió bão, tiếp đến những trận gió rét quen thuộc của mùa xuân. Trời rét như cắt, gió buốt thấu xương. Nekhliudov phong phanh trong chiếc áo choàng mỏng, thấy lạnh cứng, phát run lên, chàng không ngừng bước nhanh cho nóng người.
Hình ảnh những con người ở nông thôn dồn dập hiện ra trong trí óc chàng: đàn bà, trẻ con, các cụ già, tình trạng nghèo khổ mỏi mòn, giờ đây dường như chàng lại trông thấy lần đầu? – và nhất là hình ảnh thằng bé con còi cọc luôn luôn có nụ cười kỳ dị, vặn oặt đôi chân quắt queo, – bất giác chàng đem so sánh những cảnh ấy với cảnh tượng ở thành phố.
Đi qua trước cửa hàng thịt, hàng cá và các cửa hiệu bán quần áo may sẵn, chàng sửng sốt nhận thấy, – tưởng như chàng mới trông thấy lần đầu tiên – cái vẻ phè phỡn, no nê của vô số những chủ hiệu sạch sẽ, béo tốt, thật ở thôn quê không sao có được lấy một người như thế. Rõ ràng là những con người nầy tin tưởng chắc chắn rằng công sức họ đem ra để lừa bịp khách hàng không biết phẩm chất hàng hoá, không phải là một việc vô bổ, mà trái lại còn rất có ích. Cái vẻ no nê, phè phỡn đó, chàng còn thấy ở cả những gã xà ích mông đít lồng bàn, có hàng khuy áo dọc sau lưng, cả ở những anh gác cổng đội mũ lưỡi trai có đính kim tuyến, cả ở những chị hầu phòng tóc uốn xoăn, đeo tạp dề trắng và nhất là ở những tên đánh xe ngựa loại thượng hạng gáy cạo nhẵn trắng, ngả mình trên đệm xe, nhìn chòng chọc vào mặt khách qua đường với cái vẻ mặt khinh khỉnh, đểu cáng.
Bây giờ chàng không thể nhìn thấy trong tất cả những con người nầy những người nông dân đã mất hết ruộng đất và vì thế bị đẩy ra thành thị. Tuy nhiên, nếu có một vài người trong bọn họ đã biết lợi dụng những điều kiện sinh hoạt ở tỉnh thành mà trở nên những người như chủ họ, và vui sướng vì địa vị mình, thì ngược lại, có những người khác ra đây phải sống một cuộc đời còn khổ cực hơn ở nông thôn và do đó, đáng thương hơn. Chẳng hạn như những người thợ giầy kia, Nekhliudov trông thấy họ ngồi làm việc trước lỗ thông hơi một căn hầm, như những người đàn bà thợ giặt kia, gầy gò, xanh xao, đầu tóc bơ phờ, cánh tay khẳng khiu đế trần, họ là quần áo trước những khung cứa mở rộng, hơi nước xà phòng bốc lên tuôn ra cuồn cuộn; lại như hai gã thợ nhuộm mà chàng đã gặp, mình đeo tạp dề, chân đi dép không bít tất nhem nhuốc những thuốc nhuộm từ đầu đến chân, áo xắn lên tận khuỷu tay, mỗi người ôm một thùng thuốc nhuộm trong đôi cánh tay đen sạm, khẳng khiu, yếu đuối, miệng không ngừng chửi nhau. Trên mặt họ, hiện rõ vẻ buồn chán, bực dọc. Cũng vẻ mặt như thế, còn thấy ở những người đánh xe tải, mình đầy bụi bậm, mặt đen thủi, ngồi lúc lắc trên xe và ở những người đàn ông, đàn bà, mặt nề vì phù thũng, quần áo rách bươm, cùng con cái đứng ăn xin ở các góc phố. Cũng những vẻ mặt như thế còn thấy qua các cửa sổ một quán rượu Nekhliudov đi qua. Ở đó, giữa những chiếc bàn bẩn thỉu, trên để chai lọ và cốc uống trà, những anh hầu bàn hoạt bát, đeo tạp dề trắng đi đi lại lại, và quanh bàn là những con người đang hò hét, hát hỏng, mặt đờ đẫn, đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại. Một người như vậy ngồi ở gần cửa sổ, lông mày rướn lên, môi trề ra, nhìn đăm đăm trước mặt như cố nhớ lại một điều gì.
“Nhưng làm sao họ lại tụ tập tất cả trong cái thành phố nầy nhỉ?” – Nekhliudov tự hỏi mình và hít vào mũi mùi sơn hăng hắc lẫn với bụi bay theo gió lạnh.
Trong một phố kia, chàng gặp một đoàn xe tải chở đầy những thanh sắt; mặt đường gồ ghề khiến những thanh sắt va chạm vào nhau, phát ra những tiếng loảng xoảng ghê gớm, đinh tai nhức óc. Chàng rảo bước để vượt đoàn xe, bỗng qua tiếng sắt ầm ĩ chàng thoáng thấy có tiếng ai gọi mình. Chàng dừng lại và nhìn thấy cách trước mặt độ mấy bước, một quân nhân, mật mũi sáng bóng ria mép nhọn hoắt, ngồi trong một chiếc xe ngựa thượng hạng đang lấy tay thân mật vẫy chàng, miệng cười để lộ hàm răng trắng lạ lùng.
– Nekhliudov! Có phải cậu đấy không?
Cảm giác đầu tiên của Nekhliudov là vui thích.
– A! Sonbok, – chàng kêu lên, mừng rỡ, nhưng tức thì, chàng thấy ngay không có chút gì đáng để vui mừng với cuộc gặp gỡ nầy cả.
Đúng là gã Sonbok khi xưa đã đến nhà các cô chàng.
Từ lâu, Nekhliudov không gặp hắn, nhưng có nghe đồn, mặc dầu mang công mắc nợ, sau khi rời khỏi trung đoàn, hắn ở lại trong đội kỵ binh và cũng chẳng biết cách nào, hắn vẫn ở trong giới những kẻ giàu có. Nom cái vẻ phớn phở và mãn nguyện của hắn, có thể thấy tin đồn ấy là đúng.
– Gặp được cậu, thực may quá! Mình đang chẳng có ai quen biết ở đây. Nhưng nầy, cậu già đi nhiều rồi. – Hắn vừa bước xuống xe, vừa vươn vai vừa nói. – Mình chỉ nhận ra cậu ở dáng đi. Chúng mình ăn trưa với nhau nhé? Cậu có biết chỗ nào ăn kha khá không?
– Mình sợ không có thì giờ, – Nekhliudov trả lời, bụng nghĩ không biết làm cách gì để giã từ bạn mà không làm mất lòng hắn. – Nhưng cậu làm gì ở đây? – Chàng hỏi.
Mình đến có công việc, ông bạn ạ? Công việc giám hộ ấy mà. Vì mình bây giờ là chân giám hộ, mình quản lý tài sản cho gia đình nhà Xamanov. Cậu biết gia đình ấy chứ? Lão Xamanov triệu phú ấy mà. Lão ta giờ đầu óc hoá ra mụ mẫm, nhưng lão có năm vạn bốn nghìn mẫu đất – Sonbok nói với một vẻ hợm hĩnh đặc biệt, làm như là chính hắn gáy dựng nên cơ đồ mênh mông đó. – Trước kia, công việc bỏ đấy chẳng ai trông nom. Bọn nông dân chúng nó chiếm hết cả ruộng đất và không chịu nộp tô, đọng lại hơn tám vạn rúp tiền nợ. Trong một năm trời, mình làm đảo lộn hẳn cái tình trạng ấy và còn làm tăng mức thu hoạch lên bảy mươi phần trăm. Hừ! Cậu thấy thế nào? – Hắn kiêu hãnh hỏi.
Nekhliudov nhớ lại trước kia có nghe thấy người ta đồn chính vì đã phá tán hết cả gia tài, lại mang công mắc nợ không trả được, gã Sonbok nầy, sau nhờ có quan thầy đặc biệt nên đã được chọn là người quản lý tài sản cho một cự phú già. Bây giờ, hiển nhiên là hắn đang sống bằng cái nghề đó.
“Làm thế nào dứt được nó để đi mà không làm nó mất lòng”, Nekhliudov nghĩ ngợi, chàng vừa ngắm nghía cái mặt sáng bóng, phì nộn, có bộ ria xức dầu bóng nhẫy của bạn, và nghe hắn tán huyên thuyên về công việc hắn quản lý tài sản…
– Thế nào? Chúng ta đi ăn ở đâu bây giờ?
– Thật quả là mình không có thì giờ, – Nekhliudov vừa nói vừa nhìn chiếc đồng hồ đeo tay.
– Vậy thì thế nầy nhé chiều nay có đua ngựa, cậu đi chứ?
– Không, mình không đi.
– Có chứ. Mình không còn con ngựa nào cả, nhưng mình có ngựa của Grisa. Cậu nhớ không? Hắn có một tàu ngựa hay lắm. Vậy cậu đi nhé, chúng mình sẽ ăn bữa chiều với nhau.
– Mình cũng không thể ăn chiều với cậu được đâu! – Nekhliudov mỉm cười nói.
– Ồ có chuyện gì thế? Thế bây giờ cậu đi đâu? Sẵn xe đây cậu có muốn mình đưa cậu đi không?
– Mình đi đến nhà một luật sư ở ngay góc phố kia.
– À! Phải rồi, bây giờ cậu đang bận về mấy cái nhà lao có phải vậy không. Nghe nói cậu thành người đi minh oan cho lũ phạm nhân phải không” Gia đình Korsagin đã nói cho mình biết. – Sonbok vừa nói vừa cười. – Gia đình nhà ấy họ đi rồi. Nào có chuyện gì thế? Kể cho mình nghe với?
– Ừ ừ, đúng cả đấy nhưng giữa đường phố như thế nầy mình không thể kể cho cậu nghe được.
– Tất nhiên, tất nhiên, cậu thì bao giờ cũng vẫn là một con người khác thường. Thế có đi xem đua ngựa không?
– Không, mình không thể đi được, và cũng không muốn đi. Cậu đừng giận nhé.
– Mình mà giận cáu à? Thật là vớ vẩn. Nhà cậu ở đâu? – Hắn hỏi và bỗng nhiên mặt hẳn nghiêm lại, cặp mắt trở nên dăm đăm, đôi lông mày rướn lên. Rõ ràng hắn đang cố nhớ lại một điều gì và Nekhliudov nhìn thấy ở trên khuôn mặt hắn cũng cái vẻ đờ đẫn mà chàng đã thấy trên một người có đôi lông mày rướn cao và cặp môi trề ra, ngồi ở cửa sổ quán rượu: cái vẻ mặt đã khiến chàng lấy làm lạ.
– Hừ, lạnh quá nhỉ!
– Ừ ừ
– Những cái gói vẫn ở đấy chứ, anh? – Sonbok quay lại hỏi người xà ích.
– Thôi thế chào cậu vậy, gặp cậu mình rất mừng, rất mừng. – Hắn nói và, sau khi đã siết chặt tay Nekhliudov, hắn nhảy lên xe, lòng bàn tay rộng bản, đi găng da hươu màu trắng vẫn vẫy ra trước, khuôn mặt bóng loáng, miệng nở nụ cười quen thuộc, để lộ hàm răng cực kỳ trắng.
“Có thể nào ta cũng đã như thế?” – Nekhliudov vừa tự hỏi mình, vừa tiếp tục đi đến nhà luật sư. – Dù cho là không hoàn toàn giống như thế, thì ta cũng đã từng ước ao được như thế và mong sống một cuộc đời giống như thế.