Phục Sinh

CHƯƠNG 75



Nghĩ tới nụ cười trao đổi với Mariet, Nekhliudov lắc đầu:
“Chưa kịp ngoái cổ lại là đã sa ngay vào cuộc sống đó rồi”. Chàng nghĩ vậy, lòng cảm thấy bứt rứt không yên và hoài nghi, cái cảm giác vẫn đến mỗi lần chàng thấy cần cầu cạnh đến những người mình không quý trọng.
Sau khi đã tính toán đến đâu trước, đến đâu sau để tránh khỏi phải đi quanh trở lại vô ích, trước hết chàng tới Khu mật viện. Được vào Văn phòng, chàng thấy trong một gian vô cùng lộng lẫy, có rất đông viên chức người nào cũng cực kỳ hoà nhã, y phục cực kỳ tể chỉnh. Người ta cho chàng biết đơn kháng án của Maxlova đã chuyển tới và được đưa lên, để xét và báo cáo, ngay với chính viên khu mật Von là người mà chàng đã viết thư giới thiệu. Một người thư ký văn phòng nói với Nekhliudov:
– Vụ Maxlova ít có hy vọng được đưa ra phiên toà tuần nầy, trừ phi ngài có yêu cầu đặc biệt thì cũng có thể được đem ra xét vào thứ tư nầy.
Ở Văn phòng, trong khi chờ người ta cho biết thêm, Nekhliudov lại nghe mọi người ở đây bàn tán về cuộc đấu súng, những chi tiết về chàng thanh niên Kamenxky thiệt mạng. Lần đầu tiên chàng được nghe đầy đủ câu chuyện mà tất cả Petersburg đang quan tâm bàn tán. Câu chuyện xảy ra ở quán rượu nọ, có một đám sĩ quan đến ăn sò và nốc rượu như mọi ngày. Một gã trong bọn họ nói bóng gió châm chọc đến trung đoàn của Kamenxky.
Kamenxky mắng gã kia là đồ vu khống, và liền bị gã tát cho một cái. Ngày hôm sau, hai người đưa nhau đi đấu súng, và Kamenxky bị một viên đạn vào bụng, hai giờ sau thì chết. Kẻ sát nhân và những người làm chứng liền bị giam giữ, nhưng người ta nói, giam thì giam chỉ hai tuần lễ nữa bọn kia sẽ được thả ra.
Rời Văn phòng Khu mật viện, Nekhliudov đi đến Ban Khiếu tố để gặp một viên chức có thế lực, nam tước Vorobiev; nhà ông ta ở là một phòng tráng lệ trong một toà nhà của Nhà nước. Người gác cửa và người hầu xẵng giọng bảo Nekhliudov là không thể gặp Nam tước ngoài những ngày tiếp khách; hôm nay Nam tước bận vào bệ kiến Hoàng đế và ngày mai lại còn dâng biểu tường trình.
Nekhliudov đưa bức thư giới thiệu, rồi lên xe đi đến nhà viên Khu mật viện.
Nekhliudov đến vào lúc Von vừa ăn xong và được lão tiếp theo thói quen, để cho dễ tiêu hoá, lão vừa hút xì gà vừa đi đi lại trong phòng làm việc.
Vladimir Vaxilievich Von quả thực là một người rất mực thước. Lão đặt đức tính nầy lên trên hết và nhìn tất cả mọi người từ trên vị trí cao cả của mình. Lão không thể không hết sức coi trọng đức tính nọ, vì chính nhờ nó mà lão đã làm nên sự nghiệp huy hoàng hằng mơ ước; nghĩa là nhờ lấy được vợ giàu, lão đã vớ được một cái gia tài đem lại mỗi năm cho lão mười tám nghìn rúp lợi tức và nhờ công phu khó nhọc của bản thân, lão đã kiếm được chức Khu mật. Lão không những chỉ tự cho mình là người rất mực thước mà còn là một người chính trực hào hùng; lão hiểu chính trực đây là không ăn hối lộ của tư nhân.
Nhưng lão lại thấy chẳng có gì bất chính khi đi nài xin tất cả mọi thứ tiền phụ cấp đi đường, phụ cấp di chuyển, tiền thù lao của công quỹ và đem hết tài khuyển mã ra thực hiện bất cứ điều gì chính phủ yêu cầu ở lão để đền đáp lại. Tàn sát, giam cầm, đày ải hàng trăm người vô tội làm cho họ khuynh gia bại sản chỉ vì họ thiết tha gắn bó với dân tộc họ, với tôn giáo của ông cha họ, như lão đã làm trong thời gian giữ chức tỉnh trưởng một tỉnh trên đất nước Ba Lan, lão không những không coi việc làm đó là bất chính mà còn cho đó là một hành động cao thượng, anh dũng, một hành động yêu nước nữa, cũng như lão coi việc lão tước đoạt hết tài sản của người vợ rất yêu lão và cả của cô em vợ, là chẳng có gì là bất chính.
Trái lại, theo lão, đấy là phương pháp rất hợp lý để thu xếp công việc gia đình.
Gia đình Vladimir Vaxilievich gồm có vợ lão, một người nhu nhược, cô em vợ – gia tài cô nầy bị lão chiếm đoạt bằng cách bán hết điền sản của cô ta đi, lấy tiền gửi vào một ngân hàng đứng tên lão – và sau hết, là người con gái, một thiếu nữ dịu dàng, e lệ, xấu xí, sống một đời cô quạnh buồn nản: ít lâu nầy, để khuây khoả, cô thường đi dự những buổi họp đạo Tin lành ở nhà bà Alin và nhà nữ bá tước Katerina Ivanovna.
Con trai của Vladimir Vaxilievich là một thằng cũng hiền lành, mới mười lăm tuổi đã để râu và bắt đầu uống rượu, ăn chơi trác táng cho đến hai mươi tuổi thì bị bố đuổi đi vì học chẳng tốt nghiệp trường nào cả, lại chơi bời với bọn hư thân mất nết mắc nợ bừa bãi, làm tổn thương đến danh giá của bố. Lão đã một lần trả nợ cho nó hai trăm ba mươi rúp, rồi một lần thứ hai sáu trăm; lần nầy: lão báo trước cho nó đấy là lần cuối cùng và nếu nó cứ chứng nào tật ấy thì lão sẽ đuổi cổ nó ra khỏi nhà và sẽ từ nó, không bố con gì nữa. Không những nó không sửa mình, lại còn vay nợ thêm một nghìn rúp nữa và ngang nhiên bảo thẳng với bố rằng nó sống trong gia đình không khác nào như bị tù khổ sai. Thế là Vladimir Vaxilievich tuyên bố cho nó biết nó muốn đi đâu thì đi, nó không phải là con lão nữa. Từ đó, Vladimir Vaxilievich coi mình như không có con trai và cả nhà, không ai dám hé răng nói với lão về thằng con ấy nữa. Còn lão thì lão tin tưởng chắc chắn là mình đã thu xếp công việc gia đình một cách tốt đẹp nhất.
Khi Nekhliudov bước vào, Von dừng lại không đi bách bộ nữa, mỉm cười chào, một nụ cười hoà nhã đáng yêu.
Tuy có thoáng lẫn giễu cợt: đó là cách của lão vô tình biểu lộ cho ta đây là người mực thước và hơn đời. Lão đọc bức thư của Nekhliudov đưa cho lão.
– Xin mời ông ngồi và ông cho phép tôi được tiếp tục đi đi lại lại thế nầy! – lão vừa nói vừa thọc hai tay vào túi áo ngoài bước nhẹ nhàng mềm mại, theo những đường chéo nhau trong văn phòng lớn bài trí rất trang nghiêm – Tôi rất hân hạnh được biết ông: và được làm vui lòng bà tước Ivan Ivanovich, – lão nhả ra một làn khói thơm xanh và nói tiếp, rồi thận trọng cầm điếu xì gà ra tay để cho tàn thuốc còn nguyên.
Nekhliudov nói:
– Tôi chỉ đến xin ngài xét vụ nầy càng sớm càng hay để nếu bị cáo có phải đi Siberi, thì có thể đi cho sớm.
– Vâng, vâng, đáp những chuyến tàu đầu tiên đi Nizni, tôi biết. – Von nói, miệng mỉm một nụ cười hạ cố, bao giờ lão cũng biết ngay trước điều người ta muốn nói với lão.
– Bị cáo tên gì nhỉ?
Maxlova…
Von lại gần bàn liếc nhanh một tờ giấy để kẹp chung với nhiều giấy má khác trong một mảnh bìa.
– Đúng, đúng Maxlova. Được, tôi sẽ nói với các bạn đồng sự. Thứ tư tới, chúng tôi sẽ xét vụ nầy.
– Tôi có thể đánh điện báo cho trạng sư của tôi biết được không?
– A? Ông có thuê trạng sư? Để làm gì? Nếu ông muốn, sao lại không được?
– Nhưng lý lẽ để phá án có thể không đủ, – Nekhliudov nói, – Nhưng nghiên cứu qua hồ sơ cũng thấy rõ vì hiểu lầm mà người ta đã kết tội.
– Vâng, vâng, có thể là như vậy, nhưng việc của Khu mật viện không phải là thẩm xét thực chất vụ án, – Vladimir Vaxilievich vừa trả lời vừa chăm chú nhìn chỗ tàn thuốc. – Khu mật viện chỉ có trách nhiệm theo dõi xem người ta đã hiểu và thi hành luật pháp có đúng không thôi.
– Nhưng tôi nghĩ đây là một trường hợp đặc biệt.
– Tôi biết, tôi biết, tất cả mọi trường hợp đều đặc biệt. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm, thế thôi.
Cái tàn thuốc vẫn còn giữ nguyên, nhưng vết rạn đã làm nó lâm vào thế hiểm nguy.
– Ít khi ông tới Petersburg lắm nhỉ? – Von nói, vừa cố tìm cách cầm điều xì gà sao cho tàn thuốc khỏi rơi. Tuy nhiên cái tàn thuốc vẫn cứ nghiêng sang một bên, và Von, rất cẩn thận, đưa nó lại chỗ cái gạt để gạt nó rơi xuống và vụn ra. – Câu chuyện cậu Kamenxky thực là kinh khủng? – Lão nói – một thanh niên tuấn tú. Nhà con một. Nhất là tình cảnh của bà mẹ! – Lão nhắc lại từng lời những điều mà nhân dân Petersburg đang bàn tán về chuyện đó.
Sau khi chuyện trò qua loa về nữ bá tước Katerina Ivanovna và về việc bà say mê theo đạo mới, điều nầy lão chẳng chê trách mà cũng chẳng tán thành, song lão thấy hiển nhiên không cần thiết, và lão bấm chuông gọi người nhà.
Nekhliudov xin cáo từ.
– Nếu hôm nào ông thấy tiện, mời ông lại xơi cơm, – Von nói, đưa tay ra bắt, – vào thứ tư tới chẳng hạn. Hôm đó tôi sẽ trả lời ông dứt khoát.
Đã muộn, Nekhliudov lên xe trở về nhà bà dì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.