Phục Sinh

CHƯƠNG 77



Ngày hôm sau, Nekhliudov vừa mới mặc quần áo xong, sắp sửa xuống gác thì một người đày tớ mang lên cho chàng tấm thiếp của viên trạng sư ở Moskva. Ông ta đến Petersburg có việc riêng, và nhân thể sẽ dự cuộc thẩm xét vụ án Maxlova nếu vụ ấy được đưa ra xét trong những ngày sắp tới. Điện của Nekhliudov gửi đi lúc ông ta đã ở trên đường rồi nên không bắt được. Khi được Nekhliudov cho biết về ngày giờ ấn định của phiên toà và tên tuổi các viên Khu mật, ông ta mỉm cười.
– Đúng cả ba cái điển hình Khu mật; Vôn – một viên chức kiểu Petersburg; Xkorovonikov – nhà pháp luật học uyên bác và Bê – nhà pháp luật học thực dụng và do đó cũng là người linh hoạt nhất. Hy vọng của chúng ta phải đặt vào tay nầy hơn cả. Thế còn Ban Khiếu tố thì sao?
– Tôi đang tính đến nhà nam tước Vorobiev đây, vì hôm qua tôi chưa gặp ông ta.
– Ông có biết tại sao lại có danh hiệu “Nam tước” Vorobiev không? – Viên trạng sư hỏi để trả lời cái giọng nhấn mạnh hơi mỉa mai của Nekhliudov khi chàng đọc cái tước vị ngoại lai “Nam tước” gán ghép với một cái tên rất Nga – Chính đức Hoàng đế Pol đã phong cái tước vị đó cho ông nội ông ta trước kia, có lẽ ông nầy lúc ấy làm hầu phòng của ngài, để thưởng về công lao to lớn: “Hãy làm như ý trẫm muốn, hãy phong cho hắn làm Nam tước”. Và thế là từ đấy có Nam tước Vorobiev, con người rất hãnh diện với tước vị đó. Một tay cáo già có một không hai đấy.
– Chính tôi đang định đến nhà ông ta đây.
– Thế thì tốt lắm, chúng ta cùng đi. Tôi sẽ đưa ông đến.
Ra đến phòng tiền đình, lúc hai người sắp đi, người đày tớ đưa cho Nekhliudov một lá thư của Mariet:
“Để làm vui lòng ông, tôi đã hành động hoàn toàn trái ngược với những nguyên tắc tự mình đề ra, tôi đã nói với nhà tôi tha cho người phụ nữ được ông che chở. Như thế là người ấy có thể được thả ngay. Nhà tôi đã viết giấy cho ông tư lệnh. Vậy ông hãy đến thăm tôi một cách không vụ lợi nhé. Tôi đợi ông M.”
Ông thấy thế nào? – Nekhliudov nói với viên trạng sư Thật là kinh khủng! Một phụ nữ bị giam cầm cố bảy tháng trời nay, bây giờ té ra chẳng có tội tình gì. Và chỉ cần một tiếng thôi là chị ta được thả ra.
– Bao giờ mà chả thế. Song ít ra thì ông cũng đã đạt được điều mình muốn.
– Vâng, nhưng sự thành công làm cho tôi phải đau lòng. Ông thử nghĩ xem tình cảnh ở đó thế nào? Tại sao người ta lại bắt giam cô ta.
– Vâng, nhưng tốt hơn hết là chúng ta dừng đi sâu quá vào vấn đề ấy làm gì. Thôi, tôi đưa ông đi nhé! – Viên trạng sư nói khi hai người đã ra đến trước thềm; cỗ xe ngựa lộng lẫy viên trạng sư thuê, tiến sát lại bậc thềm.
– Ông định đến thăm nam tước Vorobiev phải không?
Viên trạng sư nói địa chỉ cho người xà ích biết, tức thì cặp tuấn mã chạy vun vút mang Nekhliudov đến trước cửa nhà nam tước Vorobiev. Lúc nầy lão có nhà. Trong gian phòng đầu tiên, một viên chức trẻ, mặc đồng phục, cổ dài ngoẵng như cổ bò, hầu lộ hẳn ra, bước đi nhẹ nhàng một cách khác thường đang tiếp hai người phụ nữ.
– Xin ngài cho biết quý danh là gì ạ? Anh viên chức trẻ tuổi, lộ hầu, bước đi thật nhẹ nhàng rời chỗ các bà, lại gần Nekhliudov, hỏi.
Nekhliudov nói tên.
– Nam tước vừa nhắc tới ngài. Xin ngài vui lòng đợi cho một chút. – Anh ta đi vào qua một lần cửa trong. Lúc ra, anh ta đưa một người đàn bà mặc tang phục khóc sướt mướt đi ra. Người đàn bà đưa những ngón tay dài, gầy guộc kéo cái mạng đã nhầu nát xuống mặt để che giấu hai hàng nước mắt.
– Xin mời ngài vào ạ, – anh viên chức trẻ tuổi quay lại phía Nekhliudov nói nhẹ nhàng bước lại cửa văn phòng, mở cửa và đứng dậy.
Bước vào phòng, Nekhliudov thấy ngay trước mặt mình một người đàn ông tấm thước, thân hình mập mạp, tóc cắt ngắn, mặc lễ phục, ngồi trong một chiếc ghế bành, trước mặt là một cái bàn giấy lớn, cặp mắt vui vẻ nhìn ra phía trước.
Trông thấy Nekhliudov, khuôn mặt hiền từ của lão với nước da đỏ thắm làm nổi bật hẳn đôi ria mép và chòm râu trắng xoá, sáng lên nụ cười thân ái.
– Rất sung sướng được gặp ông. Lệnh đường công tước phu nhân với chúng tôi là bạn cố hữu. Tôi biết ông từ lúc ông còn nhỏ và về sau nầy ông là sĩ quan. Nào, ông hãy ngồi xuống, và nói cho tôi biết xem tôi có thể giúp ông được việc gì. Phải, – ông ta vừa nói vừa gật gù cái đầu bạc trắng, tóc cắt ngắn, lắng nghe Nekhliudov kể chuyện của Fedoxia. – Ông cứ nói đi, tôi hiểu lắm. Phải, câu chuyện rất thương tâm. Ông đã đệ sớ xin ân xá chưa?
– Chúng tôi đã thảo rồi ạ. – Nekhliudov vừa nói vừa lấy ở trong túi ra lá sớ ân xá. – Song, chúng tôi muốn thưa trước với cụ, mong rằng việc nầy sẽ được đặc biệt chiếu cố đến cho.
– Ông đã làm rất đúng. Tôi nhất định sẽ đích thân tâu lại việc nầy.
Lão Nam tước vừa nói vừa cố làm cho bộ mặt vui tươi của lão cũng tỏ tình thương xót.
– Thương tâm lắm. Rõ ràng con bé còn trẻ người non dạ, thằng chồng nó ăn ở cục cằn, thô lỗ với nó nên nó ghét; nhưng lâu dần hai đứa lại thương yêu nhau… Được, tôi tâu rõ việc nầy.
– Bá tước Ivan Mikhailovich có nói là Bá tước cũng sẽ tâu xin với Hoàng hậu.
Chàng vừa thốt ra mấy tiếng đó thì vẻ mặt của Nam tước thay đổi ngay. Lão bảo.
– Thôi, ông hãy cứ đưa lá sớ cho Văn phòng, về phần tôi, tôi sẽ hết sức mình làm đến đâu thì làm.
Giữa lúc đó, anh thư ký trẻ tuổi bước vào, điệu bộ ra vẻ muốn phô trương cái dáng đi của mình.
– Bà lúc nãy yêu cầu được thưa với ngài một vài lời nữa ạ.
– Thế thì cho bà ấy vào… Nầy ông bạn thân, chúng tôi phải chứng kiến biết bao nhiêu là nước mắt. Ôi? Giá mà có thể lau sạch được tất cả: Sức được đến đâu thì làm đến đấy thôi.
Người đàn bà bước vào.
– Tôi đã quên không yêu cầu ngài hãy ngăn cấm không cho phép hắn đem con gái tôi đi, nếu không thì hắn…
– Vâng, thì tôi đã nói với bà rằng thế nào tôi cũng sẽ làm.
– Thưa nam tước, ngài hãy vì Chúa mà cứu vớt lấy một người mẹ.
Người đàn bà cầm lấy tay lão và hôn.
– Nhất định mọi việc sẽ đâu vào đấy.
Khi người đàn bà đi khỏi, Nekhliudov cũng đứng dậy cáo từ
– Chúng tôi sẽ gắng làm hết sức mình. Chúng tôi sẽ tự hỏi bộ Tư pháp. Sau khi họ trả lời, xem có thể được đến đâu, chúng tôi sẽ cố gắng làm đến đó.
Nekhliudov trở ra và đi qua Văn phòng. Cũng như ở Khu mật viện, ở đây, trong một căn phòng lộng lẫy chàng thấy một đám viên chức sang trọng, sạch sẽ, lịch thiệp, từ quần áo cho đến lời ăn tiếng nói thảy đều sang trọng, những con người đứng đắn, nghiêm trang.
Nekhliudov bất giác nghĩ: “Sao mà họ đông thế! Đông kinh khủng! Và trông họ mới béo tốt làm sao, người nào người nấy, áo quần, chân tay mới sạch sẽ làm sao! Giầy dép cứ bóng loáng lên! Ai đã làm ra tất cả những thứ nầy cho họ? Đời sống của họ sung sướng biết chừng nào, không những chỉ so với tù nhân ngay cả so với nông dân nữa!”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.