Phục Sinh

CHƯƠNG 83



Ra khỏi Khu mật viện, Nekhliudov và viên trạng sư cùng bước trên vỉa hè. Viên trạng sư bảo anh đánh xe cho xe đi theo, rồi kể với Nekhliudov câu chuyện về viên thủ trưởng một Vụ kia mà các quan Khu mật đã bàn tán với nhau. Ông ta cho chàng biết câu chuyện bị phát giác ra làm sao, vì sao mà nhẽ ra, chiểu theo luật pháp, nhân vật kia bị phạt tù khổ sai mà lại được cử đi giữ một chức thị trưởng ở Siberi. Kể xong câu chuyện với tất cả những chi tiết ghê tởm của nó, viên trạng sư còn đặc biệt thích thú kể thêm những mẩu chuyện về những nhân vật cao cấp đã bỏ túi khoản tiền đã quyên để xây dựng cái đài kỷ niệm vĩnh viễn bỏ dở mà lúc sáng hai người đi qua; chuyện cô nhân tình của một ngài nọ đã kiếm chác bao nhiêu triệu ở sở Giao dịch chứng khoán như thế nào; một ngài khác đã bán vợ và một ngài khác nữa đã mua lại như thế nào. Rồi ông ta lại bắt đầu một câu chuyện khác về những khóe lừa đảo,:và đủ các hành vi phạm pháp của bọn quan chức cao cấp, lại còn ngự trên những chiếc ghế chủ tịch ở nhiều cơ quan nhà nước. Những câu chuyện như vậy nhiều không sao kể xiết; nó khiến cho viên trạng sư rất thích thú và giúp, y chứng minh rằng những mánh khóe mà y, với cương vị một trạng sư, vẫn dùng để kiếm tiền là hoàn toàn chính đáng và trong sạch, so với những mánh khóe xoay tiền của các quan chức cao cấp ở Petersburg. Bởi vậy, y hết sức ngạc nhiên khi thấy Nekhliudov, không đợi y kể nốt câu chuyện cuối cùng về những phạm pháp của bọn quan chức, đã cáo từ và nhảy lên một chiếc xe ngựa về nhà.
Một nỗi buồn xâm chiếm Nekhliudov. Chàng buồn chủ yếu vì Khu mật viện bác bỏ lá đơn kháng án, xác nhận hình phạt vô 1ý đối với Maxlova vô tội, và cũng vì việc bác lá đơn nầy sẽ khiến cho chàng càng gặp khó khăn trong việc đem số phận mình gắn bó với số phận nàng. Nỗi buồn của chàng càng tăng thêm sau khi nghe viên trạng sư thuật lại một cách lý thú, những chuyện đồi bại ghê tởm đang lan tràn khắp nơi. Thêm vào đấy, chàng không thể nào quên được đôi mắt ác cảm, lạnh lùng, thù địch của Xelenin, đôi mắt xưa kia trìu mến, thân yêu, thật thà, ngay thẳng.
Khi chàng về đến nhà, người gác cổng trao lại chàng một bức thư và nói với vẻ dè bỉu là của một mụ nào đấy – đó là lời anh ta nói – đã viết tại vọng gác để đấy. Đấy là mấy dòng của bà cụ đẻ ra Suxtova. Trong thư, bà cụ nói đến để cảm ơn vị ân nhân đã cứu vớt con gái bà và yêu cầu còn khẩn khoản xin chàng đến gặp mẹ con bà tại nhà riêng, trên đảo Vaxili, đường 5. Bà nói rằng Vera Efemovna, xin chàng thế nào cũng đến; chàng đừng có ngại phải nghe quá nhiều những lời cảm tạ. Mẹ con bà sẽ không nói đến chuyện đó, mà chỉ lấy làm sung sướng được gặp chàng thôi. Nếu có thể được, liệu sáng mai chàng có thể đến được không?
Một lá thư khác, thư của người bạn cũ, tên là Bogatirev giữ chức sĩ quan hầu cận của Hoàng đế, Nekhliudov đã yêu cầu anh ta dâng hộ lên Hoàng đế lá sớ thỉnh cầu tự tay chàng thảo, nhân danh những tín đồ tông phái. Qua những hàng chữ rộng và chắc, Bogatirev cho chàng biết anh ta sẽ dâng lá sớ đến tận tay Nhà vua như đã hứa với chàng, nhưng anh ta lại nghĩ rằng, trước tiên, Nekhliudov nên đến thăm một nhân vật có nhiều thẩm quyền đối với vụ đó và nói với người ấy thì hơn.
Hãy còn bị cái ấn tượng xấu của mấy ngày gần đây ở Petersburg ám ảnh, Nekhliudov cảm thấy mình không có hy vọng đạt được kết quả gì. Những chương trình hành động của chàng phác ra ở Moskva giống hệt những ước mơ của tuổi niên thiếu, nó không khỏi tan vỡ khi va chạm với thực tế cuộc đời. Nhưng dẫu sao, còn đang ở Petersburg, chàng thấy mình có bổn phận phải thực hiện tất cả những điều mình đã dự định làm, nên quyết định ngày mai, sau khi đã tới thăm Bogatirev, sẽ đến gặp nhân vật có quyền sinh sát đối với vụ tín đồ tông phái.
Chàng rút lá sớ trong cặp ra và đang đọc lại thì một người hầu của bà Katerina Ivanovna, theo lệnh của nữ bá tước, vào mời chàng lên nhà dùng trà.
Nekhliudov trả lời chàng sẽ lên ngay và, xếp giấy má vào cặp xong, chàng lên phòng bà dì. Qua khung cửa sổ, chàng thoáng trông thấy đôi ngựa màu hồng của Mariet; chàng bỗng thấy sung sướng và vụt thấy muốn mỉm một nụ cười.
Mariet đội mũ, nhưng không mặc áo đen mà vận một chiếc áo dài sặc sỡ, màu sáng sủa, nàng ngồi gần chiếc ghế bành của nữ bá tước đang ngồi, tay cầm chén trà, miệng ríu rít nói huyên thuyên, cặp mắt đẹp mỉm cười long lanh.
Lúc Nekhliudov bước vào phòng, Mariet vừa nói một câu thật hài hước, một thứ hài hước không trang nhã – chỉ nghe kiểu cười là Nekhliudov hiểu – đến nỗi bà bá tước phúc hậu, có ria mép, phải cười rũ ra, cả cái thân hình to béo của bà rung lên, còn Mariet, vẻ đặc biệt ranh mãnh, khẽ nhếch mép cười, bộ mặt quả quyết và vui tươi nghiêng sang một bên, lặng lẽ ngó bà bá tước.
Qua vài lời loáng thoáng nghe thấy Nekhliudov biết hai người đang nói đến cái tin thứ nhì của Petersburg bấy giờ, câu chuyện viên thị trưởng mới của Siberi; và Mariet đã nói pha một câu thật buồn cười chính về chuyện đó, đến nỗi bá tước không tài nào nín được.
– Mày làm tao đến chết mất! – Bà bá tước vừa nói vừa ho sặc sụa.
Chào hai người xong, Nekhliudov ngồi xuống. Chàng chỉ vừa có ý mắng cái tính nông nổi của Mariet, thì cô ta đã nhận thấy cái vẻ nghiêm trang hơi khó chịu ở chàng và lập tức để làm vừa ý chàng (từ hôm gặp Nekhliudov là cô đã có ý muốn ấy) – không những chỉ thay đổi vẻ mặt mà cả tình cảm bên trong nữa. Cô ta liền tỏ ra nghiêm trang, vẻ không hài lòng với cuộc đời chính mình và như đang băn khoăn tìm kiếm, theo đuổi một cái gì. Không phải cô ta giả vờ làm như thế, mà thực tâm cô ta đã tạo nên cho mình một tâm trạng như tâm trạng của Nekhliudov lúc bấy giờ, tuy rằng dùng lời lẽ để nói tâm trạng đó thế nào thì cô ta không nói được.
Mariet hỏi thăm công việc của Nekhliudov kết quả ra sao. Chàng cho cô ta biết việc thất bại ở Khu mật vìện và chàng kể lại cả cuộc gặp gỡ Xelenin.
– Chà, một tâm hồn mới trong sạch làm sao Đúng là một trang “hiệp sĩ hiên ngang, chính trực”. Một tâm hồn thật là trong sạch. – Mariet và nữ Bá tước cùng nói một lúc, hai người dùng cái danh từ mà giới thượng lưu Petersburg vẫn dùng để nói về Xelenin.
– Vợ anh ta là người thế nào? – Nekhliudov hỏi.
– Chị ấy à? Tôi chẳng muốn nhận xét phê phán gì chị ấy đâu nhưng đúng ra là chị ấy không hiểu chồng. Có thể nào mà anh ta cũng bác đơn phá án? – Mariet hỏi, vẻ thương hại chân thành. – Đáng sợ thật! Tôi thương cô ta quá? – Cô thờ dài, nói tiếp.
Nekhliudov cau mày, và để câu chuyện sang hướng khác, chàng bắt đầu nói về Suxtova; nhờ có Mariet can thiệp, Suxtova bị giam giữ trông pháo đài đã được tha.
Chàng cảm ơn Mariet đã nói giúp và đang định nói với cô ta là cứ nghĩ đến nông nỗi người phụ nữ đó và cả gia đình đã đau khổ chỉ vì chẳng có một ai nhớ tới họ là đủ ghê rợn biết chừng nào; nhưng Mariet đã ngắt lời chàng và tỏ vẻ tức giận, nói:
– Anh đừng nhắc lại chuyện ấy nữa. Khi nhà tôi vừa mới bảo rằng người phụ nữ ấy có thể được tha, tức thì cái ý nghĩ nầy đã làm tôi hết sức kinh ngạc: tại sao bắt giam cô ta khi cô ta không có tội tình gì? Thật là ngang ngược, ngang ngược quá? – Nàng nói trước cái điều Nekhliudov đang muốn nói ra.
Nhận thấy Mariet đang làm duyên với cháu mình, nữ bá tước Katerina Ivanovna vui thích lắm. Khi hai người lặng im, không nói gì, nữ Bá tước bảo Nekhliudov:
– Dì bảo anh cái nầy. Tối mai anh lại đằng nhà cô Alin nhé. Ông Kizvete cũng sẽ có mặt ở đấy. Và cả cô nữa, cô cũng sẽ đến nhé. – Nữ bá tước quay lại nói với Mariet.
– Ông ta đã để ý đến anh đấy, – bà ta nói tiếp với Nekhliudov. Ông ta nói với dì rằng tất cả những điều mà anh đã nói với dì – chả dì có nhắc lại với ông ta – là một triệu chứng rất tốt, và có chắc chắn anh sẽ đạt tới chân lý của Chúa Cứu Thế. Thế nào anh cũng phải đến nhé! Cô cũng bảo anh ấy một tiếng, khuyên anh ấy đến, cô Mariet, và cả cô cũng đến nhé!
– Thưa nữ bá tước, một là con không có quyền khuyên nhủ công tước, – Mariet trả lời và đưa mắt nhìn Nekhliudov, cái nhìn gây nên giữa hai người một sự đồng tình hoàn toàn về thái độ đối với những lời nói của nữ Bá tước nói riêng, và với kinh Phúc âm, nói chung. – Hai là, bà cũng biết cho rằng con không thích lắm…
– Phải, bao giờ cô cũng đi ngược lại những người khác và chỉ làm theo ý mình thôi.
– Chỉ làm theo ý của con? Con tin y như một phụ nữ quê mùa, chất phác vậy. – Mariet mỉm cười, trả lời. – Vả lại ngày mai con bận đi xem kịch ở hí vìện Pháp…
– À anh đã xem cái cô… tên cô ta là gì nhỉ? – Nữ bá tước Katerina Ivanovna nói.
Mariet nói nhỏ tên nữ tài tử Pháp nổi tiếng.
– Thế nào anh cũng phải đi xem nhé, một nữ tài tử tuyệt vời đấy!
– Thưa dì, vậy đi xem ai trước ạ? Nhà truyền giáo hay nữ tài tử? – Nekhliudov mỉm cười hỏi.
– Thôi dì xin anh, đừng có bắt bẻ dì từng lời.
Nekhliudov nói:
– Cháu nghĩ trước tiên phải gặp nhà truyền giáo đã, nếu không, đến khi nghe giảng sẽ chẳng còn thấy gì là hay nữa.
Mariet nói:
– Không, tốt hơn là xem nữ tài tử trước, rồi sám hối sau.
– Thôi đi, các người đừng có giễu ta nữa. Nhà truyền giáo là nhà truyền giáo, còn kịch là kịch. Để cứu vớt linh hồn, chẳng cần phải tạo một bộ mặt chảy dài ra hàng thước và khóc sướt mướt làm gì. Cứ có đức tin là cuộc đời sẽ tươi vui ngay.
– Dì ạ! Dì giảng đạo còn hay hơn bất cứ nhà truyền giáo nào khác.
– À nầy, anh có biết… – Mariet nói sau một giây lát suy nghĩ, – thôi, mời anh mai đến gặp tôi ở khoang tôi ngồi trong nhà hát nhé.
– Tôi e rằng tôi sẽ không thể…
Câu chuyện bị ngừng lại vì một người hầu vào báo có khách: viên thư ký của hội cứu tế mà nữ Bá tước là chủ tịch.
– Ồ! Đây là con người chân chất nhất trần đời. Tôi ra ngoài nầy tiếp họ, một lát sẽ trở lại. Uống trà đi, Mariet! – nữ Bá tước vừa nói vừa bước đi nhanh thoăn thoắt.
Mariet rút chiếc bao tay, để lộ ra một bàn tay rắn chắc, mảnh dẻ, ngón tay vô danh đeo đầy nhẫn.
– Anh uống chứ! – Cô ta vừa hỏi Nekhliudov vừa cầm bình trà bằng bạc đặt trên chiếc bếp cồn để đun nước, ngón tay út choãi tách riêng hẳn ra, trông rất ngộ. Nét mặt cô ta lúc nầy trở nên rất nghiêm nghị và buồn rầu.
– Có những người tôi rất tôn trọng ý kiến. Nhưng mỗi khi nghĩ đến việc họ lầm con người tôi với địa vị tôi, bao giờ tôi cũng thấy khổ tâm vô cùng.
Khi nói đến những lời cuối nầy, cô ta như muốn khóc.
Tuy rằng những lời đó, xét cho kỹ, thì chẳng có nghĩa gì cả, hoặc hoạ chăng chỉ có một ý nghĩa rất mơ hồ, nhưng hình như đối với Nekhliudov nó lại mang ý nghĩa sâu sắc lạ lùng, lại rất tử tế, rất thành thực, nhất là chàng bị đôi mắt long lanh phụ họạ với lời nói của con người trẻ đẹp ăn vận sang trọng ấy lôi cuốn.
Chàng lặng lẽ ngắm nghía Mariet, ngắm nghía khuôn mặt nàng không rời mắt.
– Anh tưởng tôi không hiểu anh và những điều thấm kín trong lòng anh phải không? Những việc anh làm, mọi người đều biết cả. Cái trò giấu đầu hở đuôi ấy ai còn lạ? Tôi khâm phục và tán thành việc làm của anh.
– Thật ư, có gì đáng phục đâu, tôi làm đã được mấy ư?
– Không cần gì. Tôi hiểu tình cảm của anh và cũng hiểu cả cô ấy… – Cô ta bỏ dở dang câu đang nói khi nhận thấy chàng tỏ vẻ không bằng lòng. – Nhưng tôi cũng hiểu rằng khi nhìn thấy bao nhiêu nỗi đau đớn ê chề, tất cả những sự khủng khiếp trong nhà tù, – Mariet nói tiếp.
Mariet con người chỉ mong muốn có một điều là lôi cuốn chàng lại gần mình; dựa vào khiếu riêng rất thính của phụ nữ, cô ta đã đoán được cái gì là quan trọng, là quý giá đối với chàng.
– Anh muốn cứu giúp những ai đang chịu đau đớn ê chề vì kẻ khác gây nên, vì kẻ khác nhẫn tâm hãm hại. Tôi hiểu rằng vì thế người ta có thể hy sinh tính mệnh và tôi cũng sẵn sàng hy sinh cuộc đời của tôi vì những việc làm đó. Nhưng người ta ở đời đều có số cả…
Thế chị cũng không hài lòng về số phận của mình à.
– Tôi ấy à? – Nàng nói, như kinh ngạc về chàng lại có thể đặt một câu hỏi như vậy được. – Tôi, tôi phải hài lòng chứ và hiện nay tôi đang hài lòng. Nhưng lương tâm có lúc như một con sâu tỉnh dậy.
– Đừng có để cho nó lại ngủ thiếp đi mất, phải nghe thấy tiếng nói đó. – Nekhliudov nói, và thế là chàng đã sa hẳn vào bẫy.
Sau nầy, nhiều lúc Nekhliudov nhớ lại buổi trò chuyện hôm đó mà thấy làm thẹn; nhớ lại những lời Mariet nói, những lời cũng không giả dối lắm, mà chỉ là lựa cho hợp ý chàng, nhớ lại những nỗi khủng khiếp trong nhà giam và những cảm tưởng của mình về tình hình ở nông thôn.
Khi nữ Bá tước trở lại, thì hai người chuyện trò với nhau không phải chỉ như đôi bạn cũ mà là những đôi bạn rất thân, chỉ có họ hiểu nhau giữa đám người không hiểu họ.
Ho nói về sự bất công của chính quyền, về nỗi khổ của những người bất hạnh, về sự khốn cùng của dân chúng. Nhưng thực ra, bên dưới thanh âm của những lời nói, mắt họ không ngừng đưa hỏi lẫn nhau: “Mình có thể yêu được ta không?” và trả lời “có thể được” và dục tính, nép dưới những hình thức bất ngờ nhất và tươi thắm nhất, đã kéo hai người lại với nhau.
Bước ra về, Mariet hứa sẵn sàng giúp chàng tất cả những gì có thể được và yêu cầu chàng chiều hôm sau thế nào cũng tới khoang cô ta ngồi trong nhà hát, dù chỉ một lát thôi, vì cô cần nói chuyện với chàng điều quan trọng.
– Chả biết đến bao giờ em mới lại được gặp anh nhỉ? Cô ta thở dài và nói thêm, và thận trọng lồng lại chiếc bao tay vào bàn tay đeo đẩy nhẫn. – Vậy anh hãy nói đi: anh sẽ đến nhé.
Nekhliudov nhận lời.
Đêm đó, khi chỉ còn một mình ở trong phòng chàng nằm xuống, tắt nến và trằn trọc mãi mới ngủ được. Chàng nhớ đến Maxlova, đến quyết định của Khu mật vìện, đến việc chàng quyết định dù thế nào cũng sẽ theo nàng đi Siberi, đến việc chàng tự ý thủ tiêu quyền lợi về ruộng đất và như để đáp lại những ý nghĩ ấy, thình lình chàng thấy hiện lên khuôn mặt của Mariet, thấy tiếng thở dài và cặp mắt cô ta liếc nhìn khi nói với chàng: “Chả biết đến bao giờ em mới lại được gặp anh?”, thấy nụ cười của cô ta rõ mồn một, đến nỗi tưởng như nhìn thấy cô ta đứng trước mặt, và bất giác chàng cũng mỉm cười và tự hỏi: “Mình đi Siberi như thế liệu có đúng không?
Và những câu trả lời cho những câu hỏi nầy trong cảnh đêm trăng sáng của Petersburg, nhìn qua bức rèm cửa buông xuống nửa vời, còn thật mơ hồ. Tất cả đều rối tinh trong đầu óc chàng. Chàng nhớ lại tâm trạng cùng những ý nghĩ đó đã mất hết sức mạnh thuyết phục trước kia rồi.
Và nếu như tất cả những điều ấy chỉ là do mình bịa dặt và nếu như mình không đủ sức để sống như vậy, mình sẽ hối hận vì đã chọn con dường làm điều phải chàng tự nói với mình và không tìm được câu trả lời, Nekhliudov cảm thấy nỗi buồn và thất vọng từ lâu chàng không hể thấy, và chàng thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề, như trước kia sau những canh bạc thua đau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.