Phục Sinh

CHƯƠNG 88



Vừa tới Moskva, Nekhliudov đến ngay bệnh xá nhà tù để báo tin buồn cho Maxlova, tức là tin Khu mật viện đã y án; và cũng đã báo cho nàng biết trước để chuẩn bị lên đường đi Siberi.
Về lá sớ đệ lên Nhà vua để xin ân xá mà viên trạng sư đã thảo giúp và chàng mang cho nàng ký, Nekhliudov thấy hy vọng mong manh lắm và, có điều lạ, giờ đây chàng không mong đạt kết quả nữa. Chàng đã làm quen với ý nghĩ đi Siberi, với ý nghĩ sẽ sống giữa đám người tù đày và khổ sai. Và chàng cũng lúng túng không hình dung được cách thu xếp thế nào cuộc đời mình và cuộc đời Maxlova nếu nàng được tha. Chàng nhớ lại câu nói của nhà văn Mỹ Thorcau(1) ở nước Mỹ hồi đó còn chế độ nô lệ. Thoreau nói: “Ở một nước mà chế độ nô lệ được luật pháp che chở và bảo vệ thì nơi duy nhất thích hợp cho người công dân ngay thẳng là nhà tù”. Đấy cũng là ý nghĩ của Nekhliudov, nhất là sau chuyến đi Petersburg và sau khi chàng được mắt thấy tai nghe tất cả những điều ở đó.
“Phải, ở nước Nga, trong thời đại hiện nay, cái nơi duy nhất thích hợp với một con người ngay thẳng là nhà tù!”. Chàng nghĩ thế và thậm chí chàng còn cảm thấy thế nữa, khi đến gần nhà lao và đi vào phía bên trong.
Người gác bệnh xá nhận ra chàng, vội báo tin ngay cho chàng hay rằng Maxlova không còn ở đây nữa.
– Vậy cô ấy ở đâu?
– Trả về nhà giam rồi ạ.
– Tại sao người ta lại trả về?
– Cái giống nó thế đấy ạ, thưa Công tước – Người gác vừa nói: vừa mỉm một nụ cười khinh bỉ. – Cô nàng lăng nhăng với một viên y sĩ, và đã bị bác sĩ chủ nhiệm đuổi. Nekhliudov không ngờ Maxlova và đời sống tinh thần của nàng lại gần gũi với chàng đến như vậy. Nghe tin đó, chàng sững sờ. Chàng có cảm giác như đột nhiên được tin bị một tai hoạ lớn. Chàng đau lòng không sao kể xiết.
Cảm giác đầu tiên của chàng khi được tin nầy là xấu hổ. Trước hết, chàng tự thấy mình là lố bịch vì đã hào hứng phấn khởi tưởng tượng ra sự thay đổi trong tâm trạng Maxlova. Thì ra tất cả những lời từ chối sự hy sinh của chàng, tất cả những lời nàng thống trách chàng, tất cả những giọt nước mắt của nàng, đấy chỉ là – theo như chàng nghĩ – những mánh khóe của một phụ nữ sa đoạ, chỉ hòng lợi dụng chàng đến hết mực mà thôi. Bây giờ hình như chàng thấy rằng trong buổi gặp Maxlova lần trước, chàng đã nhận thấy ở nàng có những dấu hiệu của sự truỵ lạc không thể cứu vãn được và đến hôm nay thì rõ hẳn. Tất cả những ý nghĩ ấy lướt qua óc chàng trong lúc chàng đội mũ lên đầu theo bản năng và đi ra khỏi bệnh xá.
“Nhưng mà làm thế nào bây giờ? – Chàng tự hỏi.
Mình có còn bị buộc chặt vào với nàng không? Phải chăng nhờ có việc nầy mà mình thoát nợ, không phải bận tâm đến nàng nữa không?”.
Câu hỏi vừa đặt ra, chàng đã hiểu ngay rằng coi mình là thoát nạn và bỏ mặc nàng, thì không phải chàng trừng phạt nàng, như ý chàng muốn mà là trừng phạt chính mình vậy, nghĩ đến đó chàng thấy rùng mình ghê sợ.
“Không, việc đã xẩy ra không thay đổi được mà chỉ củng cố thêm quyết tâm của mình thêm vững. Nàng cứ việc làm theo lòng nàng muốn, nếu nàng muốn dan díu với viên y sĩ thì cứ dan díu, đấy là việc riêng của nàng… việc của mình là làm trọn vẹn những điều mà lương tâm đòi hỏi. – Chàng tự nghĩ. – Lương tâm đòi hỏi mình phải hy sinh tự do của mình để chuộc lại lỗi lầm của chính mình, và mình đã quyết định sẽ chung sống với nàng – mặc dù chỉ là hình thức – và mình sẽ đi theo nàng tới bất cứ đâu người ta sẽ đưa nàng đến; quyết định ấy không thay đổi”, – chàng cứng cỏi tự nhủ mình như vậy và quả quyết bước ra khỏi bệnh xá, đi về phía chiếc cổng khổng lồ của nhà tù.
Tới nơi, chàng yêu cầu người gác ngục trực nhật báo với viên giám ngục rằng chàng muốn gặp Maxlova.
Người gác vốn biết chàng nên lấy tình quen biết, anh ta cho chàng hay một tin quan trọng về nhà lao: viên đại uý đã xin thôi việc, viên giám ngục mới đến thay là người rất khe khắt.
– Bây giờ thì nghiêm ngặt lắm. Thật không may. Hiện nay, ông ấy có ở đây, để tôi vào báo ngay.
Viên giám ngục mới có ở trong nhà giam thật, y ra gặp Nekhliudov ngay. Y là người cao lớn, xương xương, gò má cao, cử chỉ chậm chạp và bẳn tính.
– Chỉ được phép đến thăm vào những ngày đã quy định và ở phòng nói chuyện, – y nói, mắt chẳng nhìn gì đến Nekhliudov.
– Nhưng tôi phải đưa cho người bị giam ký một lá sớ đệ lên Nhà vua xin ân xá.
– Ông có thể đưa đây cho tôi.
– Tôi cần gặp người bị giam. Trước đây tôi vẫn được phép.
– Trước đây khác, – viên giám ngục vừa nói vừa liếc mắt nhìn Nekhliudov rất nhanh.
– Tôi có giấy phép của ông tỉnh trưởng, – Nekhliudov nhấn mạnh và rút ví ra.
– Xin phép ông cho tôi xem – viên giám ngục nói, mắt vẫn không nhìn Nekhliudov, chỉ đưa những ngón tay dài, khô đét, trắng bệch, ngón tay trỏ đeo nhẫn vàng, ra cầm lấy mảnh giấy và đọc chậm chạp. – Xin ông quá bộ vào phòng giấy…
Lần nầy, phòng giấy vắng, không có ai. Viên giám ngục ngồi vào trước bàn và bắt đầu giở xem đống giấy má để ở đó, rõ ràng y có ý định đích thân cứ ở lì có mặt lúc hai người nói chuyện với nhau. Khi Nekhliudov hỏi y xem có thể gặp được nữ tù nhân chính trị Bogodukhovxkaia không, thì y trả lời cộc lốc là không được.
– “Không được phép thăm tù chính trị”, – y nói xong lại chúi mũi vào đống giấy má.
Mang bức thư gửi cho Vera Bogodukhovxkaia trong túi áo Nekhliudov cảm thấy mình là một kẻ phạm tội mà âm mưu hành động đã bị bại lộ và phá vỡ.
Khi Maxlova vào, viên giám ngục ngẩng đầu lên và, không nhìn ai trong hai người, chỉ nói cộc lốc: “Các người có thể nói chuyện”, rồi lại tiếp tục đọc các giấy tờ.
Cũng như trước kia, nàng lại mặc váy và áo choàng trắng, đầu bịt khăn. Lúc đến gần Nekhliudov, trông thấy vẻ mặt chàng lạnh nhạt, lầm lầm, nàng đỏ bừng mặt và, hai tay cuộn cuộn vạt áo choàng, nàng cúi nhìn xuống.
Thấy vẻ mặt bối rối đó của Maxlova chàng càng tin điều người gác bệnh xá là nói đúng.
Nekhliudov cũng đã muốn nói chuyện của lần trước, nhưng chàng không thể đưa tay ra bắt tay nàng như ý chàng muốn: bây giờ chàng thấy kinh tởm.
Bằng một giọng đều đều chàng nói, không nhìn và cũng không cẩm tay nàng:
– Tôi mang đến cho cô một tin chẳng lành: Khu mật viện đã bác đơn kháng án.
– Tôi đã biết thế từ trước, – nàng trả lời, giọng nghe rất lạ, như bị nghẹt thở.
Giá như trước kia thì Nekhliudov đã hỏi tại sao nàng nói thế, nhưng bây giờ chàng chỉ đứng nhìn nàng.
Thấy vậy, chẳng những chàng không động lòng thương, mà trái lại còn thấy tức giận nữa.
Viên giám ngục đứng dậy và đi đi lại lại trong phòng.
Mặc dầu kinh tởm, Nekhliudov lúc nầy thấy thương nàng, chàng thấy cần phải nói để nàng biết chàng lấy làm tiếc là Khu mật viện đã bác đơn kháng án.
– Cô đừng thất vọng, lá sớ đệ lên Nhà vua xin ân xá có thể có kết quả và hy vọng…
– Ồ không phải chuyện ấy đâu…, – nàng vừa nói vừa đưa đôi mắt ướt lệ hơi hiếng buồn rầu nhìn chàng.
– Nhưng có điều gì thế?
– Ông đã đến bệnh xá và chắc người ta đã nói với ông về tôi.
– Chà, có hề gì đâu? Đấy là việc của cô, – Nekhliudov chau mày lại, lạnh lùng trả lời.
Cái cảm giác đau buốt vì lòng tự ái bị xúc phạm đã dịu đi rồi, bây giờ lại bùng lên với một sức mạnh mới khi nghe nàng nhắc đến cái tên bệnh xá. “Mình, một trang nam nhi trong giới thượng lưu mà bất cứ thiếu nữ nào thuộc tầng lớp quý tộc cũng đều coi được sánh duyên với mình là một hạnh phúc, mình tự ý đề nghị xin lấy cô ta, vậy mà cô ta không chờ đợi được, lại đi dan díu với một viên y sĩ”, vừa nghĩ vậy chàng vừa căm giận nhìn nàng.
– Đây cô ký vào lá sớ thỉnh nguyện. – Vừa nói, chàng vừa rút ở trong túi ra một phong bì và đặt lên bàn. Lấy đầu khăn bịt tóc lau nước mắt, nàng ngồi xuống bên bàn và hỏi phải viết gì và viết vào chỗ nào.
Chàng chỉ chỗ cho nàng ký, còn nàng thì ngồi xuống vừa lấy tay trái kéo tay áo bên phải lên; đứng đằng sau, Nekhliudov lặng lẽ nhìn lưng Maxlova cúi xuống trên mặt bàn, đôi lúc rung lên vì những cơn nức nở nghẹn ngào. Trong tâm trí chàng, hai tình cảm tốt và xấu đấu tranh với nhau: lòng tự ái bị xúc phạm với lòng thương nàng đau khổ. Và cuối cùng lòng thương đã thắng. Chàng không nhớ tình cảm nào có trước, bắt đầu là lòng thương xót nàng hay bắt đầu là sự nhớ lại con người mình, cũng đúng là những hành vi mà chàng đang chê trách ở nàng.
Chỉ biết là đột nhiên cùng một lúc, chàng cảm thấy mình là kẻ có tội, và thấy thương nàng.
Ký xong, Maxlova chùi ngón tay giây mực vào vạt áo và đứng lên nhìn chàng.
– Dù kết quả ra sao, dù có thế nào đi nữa thì quyết tâm của tôi cũng không thay đổi! – Chàng nói.
Ý nghĩ mình đã tha thứ cho nàng làm chàng thêm thương mến nàng; chàng những muốn an ủi nàng.
– Tôi đã nói thế nào thì sẽ làm như thế. Người ta đem cô đi đâu, tôi cũng sẽ ở bên cô.
– Chẳng ích gì! – Nàng vội ngắt lời chàng, tuy vẻ mặt sáng hẳn lên.
– Cô hãy nghĩ đến tất cả những thứ có thể cần đến trong lúc đi đường.
– Tôi nghĩ chẳng có gì đặc biệt. Xin cảm ơn ông.
Viên giám ngục lại gần, Nekhliudov chẳng đợi y nói, cáo từ lui ra; chàng thấy lòng mình vui thanh thản, yên tĩnh, và thấy thương yêu tất cả mọi người, cảm giác trước đây chàng chưa hề thấy. Ý nghĩ không một hành vi nào của Maxlova lại có thể làm phai nhạt tình yêu của chàng khiến chàng phấn khởi và thấy mình bước lên tới một đỉnh cao, từ trước tới nay chưa hề vươn tới được.
“Mặc nàng dan díu với viên y sĩ, đấy là việc của nàng. Việc của mình là yêu nàng không phải vì mình mà là vì nàng, và vì Chúa”.
 
o O o
 
Chuyện dan díu với viên y sĩ đã làm cho Maxlova bị đuổi trả về nhà lao mà Nekhliudov đã tin là có, thật ra chỉ là thế nầy: theo lệnh người y tá trưởng, Maxlova đến phòng thuốc ở tận cuối hành lang kiếm trà bổ phổi; ở đấy nàng gặp tên y sĩ Uxtinov, một thằng cha cao lênh khênh; mặt sần sùi, đã từ lâu hắn vẫn chòng ghẹo nàng.
Để dứt thoát ra khỏi tay hắn, Maxlova đã đẩy mạnh hắn đến nỗi hắn va cả vào một cái giá, làm rơi vỡ mất hai chiếc lọ. Vừa hay lúc đó, bác sĩ chủ nhiệm đi qua ở ngoài hành lang. Nghe thấy tiếng thuỷ tinh đổ vỡ và trông thấy Maxlova mặt đỏ tía tai chạy ra, ông ta nghiêm nghị quát:
– Nầy, chị kia, nếu giở trò ra đây, tôi sẽ điều chị về sớm. Cái gì thế? – Ông gườm gườm nhìn tên y sĩ qua phía bên kia mục kỷnh hỏi.
Tên kia mỉm cười, bắt đầu bào chữa cho mình. Không để cho y nói hết, bác sĩ ngẩng đầu lên đến mức nhìn y qua mục kỷnh, và đi về phía các phòng. Ngay hôm đó, ông ta yêu cầu giám mục gửi sang cho một người hộ lý đứng đắn hơn để thay Maxlova. Đấy, cả câu chuyện “dan díu” của Maxlova với tên y sĩ chỉ có thế. Bị đuổi về với lý do là có chuyện tằng tịu với bọn đàn ông đã là một điều cực kỳ đau khổ cho Maxlova, vì từ lâu nàng đã thấy ghê tởm những quan hệ với nam giới và đặc biệt từ sau khi gặp lại Nekhliudov. Ý nghĩ bị mọi người – trong đó có cả tên y sĩ mặt sần sùi căn cứ vào quá khứ và hiện tại của nàng mà xét đoán, họ đều tự coi có quyền làm nhục nàng và lại lấy làm lạ khi bị nàng cự tuyệt, ý nghĩ đó khiến nàng thấy vô cùng tủi nhục, thương xót cho số phận mình và ứa hai hàng nước mắt. Giờ đây khi ra gặp Nekhliudov, nàng đã muốn minh oan với chàng về lời kết tội bất công kia mà chắc chàng đã nghe nói. Nhưng mới bắt đầu nói nàng đã cảm thấy chàng không tin mình và có biện bạch nỗi oan cũng chỉ cho chàng thêm nghi ngờ mà thôi; nước mắt dâng lên nghẹn cổ, nàng lặng thinh không nói.
Maxlova vẫn cứ tưởng và luôn luôn tự nhủ rằng nàng không tha thứ cho Nekhliudov và ghét chàng như nàng đã nói rõ trong buổi gặp mặt lẫn thứ hai. Nhưng thực ra nàng lại yêu chàng và yêu mãnh liệt, đến mức tình yêu đó đã thúc đẩy nàng làm tất cả những gì mà chàng muốn nàng làm: chừa hút thuốc, chừa uống rượu, không cười cợt làm duyên và đã phục vụ ở bệnh xá. Nàng làm những điều đó chỉ vì biết ý chàng muốn thế. Nếu như mỗi lần chàng năn nỉ nàng chấp nhận sự hy sinh của chàng, hãy lấy chàng mà nàng đã cương quyết từ chối thì đấy chỉ vì nàng ưa nhắc lại những lời kiêu hãnh nàng đã nói lần đầu tiên, mà cũng chủ yếu là vì nàng biết rằng cuộc hôn nhân đó sẽ chỉ làm cho chàng khổ sở mà thôi. Nàng một mực khăng khăng cương quyết từ chối không nhận sự hy sinh của chàng, nhưng nghĩ đến Nekhliudov lại khinh mình, tưởng mình vẫn như trước kia, không nhận thấy sự thay đổi đang biến diễn trong con người của mình, thì nàng thấy đau đớn xót xa. Điều chàng hiện nay có thể nghĩ rằng nàng đã làm một việc xấu xa ở bệnh xá còn làm nàng đau khổ hơn là cái tin nàng bị y án tù khổ sai.
Chú thích:
(1) Thoreau: nhà văn Mỹ (1817-1862)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.