Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Bí quyết để có khả năng sinh tồn mạnh mẽ



Barany là một cậu bé Do Thái 10 tuổi. Điều bất hạnh là khi còn nhỏ, cậu đã mắc căn bệnh lao xương, do không có tiền chữa trị, cuối cùng một khớp gối của cậu bị vôi hóa.

Một lần, cậu bé Barany muốn lấy con gấu bông đang treo trên tường xuống, nhưng cậu không thể với tới được. Bố cậu nhìn thấy vậy, không chủ động bước đến giúp đỡ, mà đứng bên cạnh cổ vũ cậu: “Con trai, bố tin con sẽ lấy xuống được, cố lên con!”.

Barany thấy bố cổ vũ như vậy càng cố gắng hơn. Nhưng 5 phút trôi qua, cậu vẫn không thể nào lấy con gấu bông xuống, vì chân của cậu không thể đứng như bình thường. Lúc này, bố đứng một bên bắt đầu hướng dẫn cậu: “Con trai, con đã cố gắng như vậy mà vẫn không lấy được gấu bông xuống, bố nghĩ con có thể thử dùng cái mắc phơi quần áo thử xem sao”.

Được sự nhắc nhở của bố, Barany thông minh dễ dàng dùng mắc phơi quần áo khều con gấu bông xuống.

Vào dịp sinh nhật lần thứ 15 của Barany, bố nói với cậu: “Con trai, mặc dù con bị liệt chân, nhưng bố mẹ chưa bao giờ coi con là một người tàn tật, cũng không chăm sóc con nhiều hơn những anh chị em khác. Vì bố mẹ biết rằng mình không thể chăm sóc con cả đời, chỉ có ý chí kiên cường và tinh thần độc lập, con mới tự tin vững bước trên đường đời sau này. Con trai, bố mẹ chỉ muốn nói với con rằng, bố mẹ rất yêu con, hy vọng con có thể hiểu”. Barany nghe xong cố gắng kìm nén những giọt nước mắt đang sắp trào ra để gật đầu với bố.

Barany mặc dù gặp khó khăn trong việc học hành, nhưng dựa vào ý chí nghị lực kiên cường nên đã không bỏ cuộc. Cuối cùng, Barany đã đạt được thành tựu to lớn trong Y học. Vào năm 1914, Barany được nhận giải Nobel về Y học và Sinh học.

Cách yêu thương của cha mẹ đối với Barany dường như hơi lạnh lùng tàn nhẫn, nhưng như vậy mới có thể rèn luyện cho Barany ý chí kiên cường. Trong mắt người Do Thái, ngoài trí tuệ ra, họ còn đặc biệt chú ý đến ý thức tự lập tự cường của con cái. Đối với một dân tộc sinh tồn trong khó khăn, gian khổ, ngoài trí tuệ cao siêu giúp họ giành được địa vị và điều kiện sống nhất định, nguyên nhân để họ có thể tồn tại đến ngày hôm nay còn là bởi phẩm chất kiên cường, ý chí bất khuất. Trong những năm tháng khó khăn đó, người Do Thái đã dựa vào tinh thần bất khuất, không chịu bỏ cuộc, từng bước vươn lên và đi tới ngày nay. Rất khó tưởng tượng, một người không có ý chí thì làm thế nào họ có thể vượt qua được những cơn đói khát trong hoàn cảnh đi tha phương cầu thực như người Do Thái phải chịu. Bởi vậy, khi giáo dục con cái, người Do Thái luôn đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng ý chí và khả năng tự lập cho trẻ.

Đối với bất cứ ai, nhụt chí cũng là một điểm yếu chí mạng. Nếu một học sinh không có ý chí thì thành tích học tập và quá trình trưởng thành của cậu ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ người có ý chí kiên cường, mới có thể khắc phục mọi khó khăn, kiên trì đến cùng và bước đến thành công. Vì thế, các bậc cha mẹ nên học tập người Do Thái, có ý thức bồi dưỡng ý chí kiên cường cho con, để con thực sự nắm được bí quyết sinh tồn mạnh mẽ.

❃ Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Dân tộc Do Thái lưu truyền một câu nói: “Chuyện nhỏ học sinh tồn, chuyện lớn rèn năng lực”. Cha mẹ Do Thái đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng khả năng kiên trì, bền bỉ cho con cái từ những việc nhỏ. Họ thường yêu cầu con có trách nhiệm với từng việc làm của mình, đặc biệt việc càng nhỏ càng phải chú ý. Bởi vì nếu một lần không làm xong bài tập, một tiết học không chuẩn bị sẽ khiến ý chí của trẻ bị giảm sút. Nếu trẻ thường xuyên bị nhụt chí, chắc chắn trẻ sẽ không thể kiên trì được đến cùng. Vì thế, khi bồi dưỡng ý chí cho trẻ, cha mẹ cần để con làm từng việc nhỏ, chỉ có hoàn thành được hết những việc nhỏ ấy sau này trẻ mới có thể làm được những việc lớn khác trong đời.

❃ Kiên quyết từ chối những yêu cầu không hợp lí của con

Trong cuộc sống, thường nhiều bậc cha mẹ không nhẫn tâm từ chối yêu cầu không hợp lí của trẻ và cho rằng đáp ứng những yêu cầu đó không có gì là xấu cả. Thực tế không như vậy, nghìn dặm đê vỡ bởi một tổ mối, một yêu cầu không hợp lí được đáp ứng có thể làm ý chí của trẻ kém dần đi. Trong gia đình người Do Thái, đa số các bậc cha mẹ đều không do dự từ chối những yêu cầu không hợp lí của con, dù con có kêu khóc cũng không chùn tay, đợi sau khi con bình tĩnh lại, cha mẹ mới nói rõ nguyên nhân, giảng giải cho con hiểu tại sao họ không đáp ứng yêu cầu đó của con.

❃ Giúp con đặt kế hoạch và mục tiêu học tập hợp lí, khoa học

Người Do Thái rất cẩn thận, tỉ mỉ, làm việc gì cũng luôn đặt kế hoạch trước. Đức tính đó bắt nguồn từ sự giáo dục ngay từ nhỏ. Khi trẻ đi học, cha mẹ chủ động tìm sách tham khảo cho con, giúp con đặt mục tiêu và kế hoạch học tập hợp lí, khoa học. Khi con từng bước hoàn thành những mục tiêu khác nhau, niềm vui của sự thành công càng tăng lên, từ đó, khả năng khắc phục khó khăn của trẻ cũng tăng theo.

❃ Để trẻ kiên trì làm một việc gì đó lâu dài

Không cần phải bàn cãi, kiên trì là phương pháp tốt nhất để tăng cường ý chí, nghị lực cho trẻ. Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ sẽ để trẻ kiên trì làm một hoặc nhiều việc từ nhỏ, ví dụ tập thể dục buổi sáng, viết nhật ký, dọn dẹp vệ sinh… Nếu trẻ có thể kiên trì trong ba tháng hoặc nửa năm, chắc chắn ý chí của trẻ sẽ được rèn luyện tốt. Đối với trẻ, hành động là sự chứng minh tốt nhất, muốn trẻ có ý chí kiên cường, cần để trẻ bắt đầu làm một việc gì đó.

Ngày nay, ở rất nhiều quốc gia, giáo dục cho trẻ khả năng chịu đựng thất bại trở thành một trong những bài học cần thiết. Đặc biệt là trong gia đình ở các nước phát triển, cha mẹ luôn coi trọng bồi dưỡng ý chí kiên cường và tinh thần chịu khó, chịu khổ cho con cái. Bởi lẽ, ở các nước phát triển trẻ khi sinh ra đã có đời sống vật chất đầy đủ lại luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ nên trẻ rất dễ trở nên lười biếng, ỷ lại, kém cỏi… Để trẻ thích nghi với xã hội hiện đại, cha mẹ cần làm tấm gương cho trẻ, cùng trẻ tạo nên bí quyết sinh tồn mạnh mẽ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.