Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Con yêu, kính trọng cha mẹ là vô cùng quan trọng



Aux hẹn với các bạn đi du xuân, chúng đã có kế hoạch đạp xe đến một chiếc hồ gần nhà để dã ngoại. Khi cậu về nhà lấy xe thì phát hiện cửa nhà kho chưa được mở, chìa khóa nhà kho do bố mẹ giữ. Vì thế, Aux đến phòng của bố mẹ, định mượn chìa khóa kho. Nhưng lúc này Aux lại thấy bố đang nằm ngủ trên giường, vì thế cậu nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng.

“Xin lỗi các cậu, tớ không thể tham gia dã ngoại được”. Aux nói với các bạn.

“Tại sao vậy? Vừa nãy không phải cậu đồng ý sao?”, các bạn cậu tranh nhau hỏi.

“Vì bố tớ đang ngủ, mà tớ cần lấy chìa khóa cửa nhà kho bố cầm mới có thể lấy xe ra được. Nhưng tớ không thể đánh thức bố dậy, như vậy sẽ làm phiền đến giấc ngủ của bố”. Aux giải thích với các bạn.

“Aux, cậu thật hiếu kính với bố”. Một cậu bạn khâm phục nói, rồi mọi người đều nhìn Aux với ánh mắt khen ngợi.

“Aux, không có xe cậu cũng có thể đi dã ngoại, tớ sẽ đèo cậu”. Một người bạn lớn nhất trong số đó lên tiếng. Do được sự giúp đỡ của các bạn, cuối cùng, Aux và các bạn đã có một chuyến du xuân thú vị.

Cậu bé Aux trong ví dụ trên mặc dù còn ít tuổi nhưng đã hiểu thế nào là kính trọng bố. Trong dân tộc Do Thái, người kính trọng cha mẹ sẽ được người khác yêu mến. Pháp luật Do Thái đã quy định rõ ràng: “Người trưởng thành cần cung cấp quần áo, thực phẩm, nơi ở…. cho song thân của mình, không được coi thường và bỏ rơi cha mẹ”. Trong gia đình Do Thái, trẻ cần tôn trọng người lớn, kể cả bố dượng hay mẹ kế của mình. Người Do Thái đặt ra tiêu chuẩn cơ bản và rõ ràng để giúp trẻ tôn trọng cha mẹ, quy định này phù hợp với trẻ em ở lứa tuổi khác nhau. Nội dung chủ yếu của tiêu chuẩn này là: “Con cái cần nói chuyện lễ phép với cha mẹ; Không làm trái ý cha mẹ; Tôn trọng không gian riêng tư của cha mẹ; Nghiêm chỉnh ngồi theo thứ tự khi ăn; Tôn trọng cha dượng mẹ kế”. Trong việc giáo dục con cái tôn trọng cha mẹ, người Do Thái chủ yếu có những biện pháp sau:

❃ Kịp thời điều chỉnh những lời nói, ngữ khí không đúng của trẻ

Lời nói, ngữ khí luôn kết hợp với nhau, nhưng khi trẻ không bằng lòng một việc gì đó, thường biểu đạt trực tiếp, hoặc dùng hành động lè lưỡi, cười nhạt, hoặc tức giận để bày tỏ… Ví dụ, trẻ thường có giọng điệu như: “Con ghét ăn cơm!”, “Con không muốn giúp mẹ làm việc nhà!”, “Con còn chưa chơi xong trò chơi này, mẹ đi đi”… Đối với những lời nói và ngữ khí không kính trọng như vậy, cha mẹ cần kịp thời điều chỉnh để rèn luyện cho trẻ thái độ hiếu kính.

Đương nhiên, muốn trẻ lập tức thay đổi là điều khó khăn. Vì thế, cha mẹ cần dần dần giúp trẻ thay đổi, dùng những lời nói đúng mực, lịch sự với trẻ. Từ góc độ tâm lí học cho thấy, cảm giác thường đi kèm với hành động. Nếu cha mẹ thường xuyên nói chuyện lịch sự với trẻ, dần dần trẻ cũng sẽ tự nhiên hình thành tâm lí tôn trọng và cảm kích cha mẹ.

❃ Bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt cho trẻ

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái thường xuyên bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt tốt cho trẻ, giúp trẻ cảm nhận được, trách nhiệm và lòng biết ơn, giúp trẻ ngày càng hiểu chuyện và lễ phép hơn. Ví dụ, khi mẹ lái xe đưa trẻ ra ngoài, trẻ sẽ nói: “Cảm ơn mẹ đã đưa con đi chơi”. Trước khi ăn cơm, trẻ đều biết cảm ơn mẹ: “Mẹ ơi, cảm ơn mẹ đã nấu bữa cơm ngon cho con ăn”. Khi trẻ lấy thứ gì đó trước mặt người lớn sẽ hỏi: “Con đi lấy nước đây, mẹ có uống không ạ?”. Dân tộc Do Thái luôn coi trọng việc giáo dục con cái, họ cho rằng những biểu hiện hàng ngày của trẻ chính là công cụ biểu đạt để nhận biết phẩm chất con người. Vì thế, muốn trẻ gặt hái được thành công, cha mẹ cần bồi dưỡng hành vi và cách diễn đạt cho trẻ từ nhỏ.

❃ Kiên nhẫn hóa giải mâu thuẫn của trẻ

Pháp luật Do Thái quy định: “Trẻ em không được cãi lại cha mẹ trước mặt người khác”. Điều này rất dễ hiểu, trẻ cãi lại cha mẹ là một thách thức với uy quyền của cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ chỉ coi trọng uy quyền, thể diện của mình và đưa ra quy định khiến trẻ không hiểu và miễn cưỡng thực hiện, sẽ không có hiệu quả với trẻ. Do vậy, cha mẹ Do Thái thường kiên nhẫn nói chuyện với trẻ, hóa giải những mâu thuẫn trong lòng trẻ, giúp cho tình cảm của cha mẹ và con cái luôn bền vững. Ví dụ, đã đến giờ đi ngủ hoặc đến giờ thức dậy nhưng trẻ lề mề, kéo dài thời gian, cha mẹ thường nghiêm túc thuyết phục con.

Nếu thấy trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh, cha mẹ chỉ biết cười cho qua hoặc không phản ứng, trẻ sẽ nắm bắt được điểm yếu của cha mẹ và như vậy sẽ không thể bồi dưỡng trẻ biết kính trọng cha mẹ.

Trong Kinh Thánh của người Do Thái có nói: “Kính trọng cha mẹ làm bạn hạnh phúc và trường thọ”. Người Do Thái đặc biệt coi trọng gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội, chỉ khi gia đình hòa thuận, cả dân tộc mới thịnh vượng và phát triển. Rất nhiều gia đình Do Thái, bao gồm gia đình có bố dượng, mẹ kế, nhưng trẻ luôn tôn trọng và yêu quý họ như bố mẹ ruột của mình. Sự coi trọng gia đình của người Do Thái giúp dân tộc họ có sức mạnh, sự đoàn kết và tình thương yêu, là nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc Do Thái luôn phát triển, lớn mạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.