Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Dù vật có tốt thế nào con cũng không ép buộc người khác



Cô bé Tina rất vui vì bố mới mua cho em một chú cún con. Từ nhỏ, Tina đã rất yêu quý các con vật nhỏ. Vì thế từ khi có chú cún này, em chủ động nhận trách nhiệm chăm sóc nó. Em còn đặt cho chú cún cái tên rất đáng yêu – Poker.

Hôm đó, Tina ăn cơm trưa xong và bắt đầu cho Poker ăn. Bữa trưa của Poker là món canh cá tươi do mẹ nấu, món canh cá có mùi vị thơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. “Chú mày nhất định sẽ thích ăn đấy”, Tina bưng bát canh đến trước mặt Poker nói với nó. Quả nhiên, Poker ngửi thấy mùi canh cá liền vội vàng ăn ngấu nghiến. Vừa ăn Poker vừa vẫy đuôi dường như muốn cảm ơn cô chủ nhỏ đã chuẩn bị bữa ăn ngon cho mình. Tina nhìn thấy bát canh cá sạch bong, trong lòng vô cùng vui sướng, vội vàng chạy vào bếp bưng nồi canh cá ra định cho Poker ăn tiếp. Poker đang nằm ve vẩy đuổi, hưởng thụ cảm giác thoải mái sau bữa ăn ngon, thì ngửi thấy mùi canh cá, nó cảnh giác lắc lư đầu, tìm nơi phát ra mùi vị đó. Khi Poker nhìn thấy Tina lại mang canh cá ra, Poker nằm im không nhúc nhích. Tina bưng nồi canh đến trước mặt Poker, nhưng nó chỉ đưa mắt nhìn, không muốn ăn nữa. Tina liền dúi đầu nó vào nồi canh, bắt nó ăn.

Buổi chiều, Tina thấy Poker cứ lăn qua lộn lại, rồi đột nhiên nôn ra đầy nhà. Hóa ra, vì buổi trưa Poker ăn quá nhiều, không thể chịu đựng được, nên nó mới nôn như vậy. Mẹ biết chuyện, nói với Tina: “Con xem, đồ ăn ngon bao nhiêu cũng cần ăn có giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó sẽ có kết quả ngược lại”. Tina xấu hổ cúi đầu không nói gì.

Cô bé Tina trong ví dụ trên ép chú chó của mình ăn thật nhiều đồ ngon, cuối cùng đã gây hại cho chú chó. Có thể thấy, dù vật có tốt thế nào cũng không nên bắt ép cho người khác, vì như vậy sẽ mang lại hậu quả không mong muốn.
Trong quá trình giao tiếp, người Do Thái rất coi trọng ý kiến của người khác, không áp đặt họ theo suy nghĩ của bản thân. Người Do Thái cho rằng, chỉ khi tôn trọng ý kiến của người khác, mới có thể được họ tôn trọng và đồng tình, từ đó mới có được tình bạn thật sự. Mặt khác, khi tôn trọng lựa chọn của người khác, mới có thể phát hiện ra hứng thú và sở trường của bản thân, giúp cho bản thân trưởng thành và phát triển. Edison rất giỏi sáng tạo, vì thế ông đã chọn nghề phát minh; Albert Einstein rất giỏi tư duy logic, vì thế ông chọn ngành vật lí. Có thể thấy tôn trọng sự chọn lựa của mỗi người để họ tự do thể hiện mới giúp họ phát huy được tiềm năng một cách tốt nhất.

Không áp đặt suy nghĩ của mình với người khác chính là sự tôn trọng họ. Nhiều bậc cha mẹ vì không thực hiện được lí tưởng của mình nên cảm thấy hối tiếc, họ cố gắng áp đặt lí tưởng đó cho con, hi vọng con có thể thực hiện được những việc mà bản thân chưa hoàn thành. Cách suy nghĩ như vậy của cha mẹ vô tình tước đi sở thích của trẻ, đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên, không tôn trọng ý nguyện của trẻ. Với cách giáo dục như vậy, con cái sẽ rất khó thành công. Cha mẹ Do Thái không bao giờ ép buộc con cái, họ luôn quan sát tỉ mỉ sở thích của con cái, kích thích hứng thú của con, giúp con phát triển sở trường từ đó có những lựa chọn thích hợp.

Trong học tập, cha mẹ Do Thái rất tôn trọng ý nguyện của con. Trong cuộc sống, họ cũng khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Cách làm này giúp trẻ biết tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu suy nghĩ của người khác.

Cha mẹ Do Thái dạy trẻ tôn trọng ý kiến của người khác thông qua hai phương diện: Học cách hiểu người khác khi giao tiếp và tôn trọng quyết định của họ.

❃ Hiểu người khác khi giao tiếp

Trong giao tiếp, nếu thiếu sự hiểu biết hoặc suy nghĩ sai lệch, chúng ta rất dễ mắc sai lầm, điều đó gây trở ngại cho việc giao tiếp. Giống như bé Tina trong ví dụ trên, cô bé vốn có ý tốt muốn chú chó của mình ăn nhiều, nhưng cuối cùng lại làm nó khó chịu và nôn ra. Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, trong cuộc sống cần học cách đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ vấn đề. Khi giao tiếp với người khác, cần thay đổi góc nhìn để suy nghĩ mới có thể hiểu được của người khác, như vậy mới có thể tôn trọng ý kiến của họ. Nếu làm được như vậy, những hiểu lầm, bất đồng trong giao tiếp sẽ được hóa giải, những bất mãn cá nhân sẽ chuyển thành sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau.

❃ Tôn trọng quyết định của người khác

Cha mẹ Do Thái dạy trẻ khi giao tiếp với người khác, cần tuân theo nguyên tắc “tôn trọng, không ép buộc”, ứng xử khéo léo, thân thiện với mọi người”. Như vậy, mới được người khác tôn trọng và xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện. Trong cuộc sống, khi quan điểm của trẻ và người khác, cha mẹ Do Thái dạy trẻ không nên nói năng gay gắt, mà cần học cách bình tĩnh chấp nhận quan điểm của người đó. Vì mỗi người đều có những điểm khác biệt về thái độ sống và cách nhìn nhận sự vật, do vậy, lựa chọn và quan điểm của mọi người không giống nhau là điều rất bình thường, trẻ cần học cách tôn trọng lựa chọn của người khác. Cha mẹ nói với trẻ, nếu ép buộc người khác làm theo ý mình thì sẽ vô tình cô lập bản thân hoặc gây phản cảm cho người khác, từ đó làm hỏng mối quan hệ giao tiếp. Vì thế cần học cách tôn trọng và chấp nhận ý kiến của người khác, hình thành thái độ khiêm tốn hài hòa, đó là điều không thể thiếu được trong giao tiếp.

Tôn trọng ý kiến và lựa chọn của người khác giúp trẻ cải thiện mối quan hệ, từ đó tạo mối quan hệ giao lưu gắn bó. Qua việc không ép buộc người khác làm theo ý mình, cha mẹ bồi dưỡng thái độ khoan dung và tính cách cởi mở cho trẻ, điều này có tác dụng lớn trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức và tính cách cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng thói quen biết tôn trọng người khác cho trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.