Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Lễ Vượt Qua, cùng nhau nhớ lại những năm tháng gian khổ nào!



Sắp đến Lễ Vượt Qua rồi, mẹ bận rộn quét dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn… Thấy mẹ đã làm xong bữa tối của ngày Lễ Vượt Qua, cô bé Sala tò mò hỏi: “Mẹ ơi, tại sao hàng năm chúng ta đều phải giết cừu hả mẹ?”.

“Ngày xưa, tổ tiên chúng ta khi còn ở Ai Cập đã chịu rất nhiều gian khổ. Yehovah vì muốn giúp tổ tiên chúng ta nên ông đã để Moses nói với chúng ta rằng, sau khi giết lũ cừu, hãy lấy máu tươi bôi lên cánh cửa như một dấu hiệu của người Do Thái”. Mẹ trịnh trọng nói.

Nghe mẹ giải thích như vậy, Sala vẫn tò mò hỏi: “Vậy tại sao chúng ta lại phải ăn bánh này ạ?”.

Mẹ cười nói: “Lúc đầu, tổ tiên chúng ta khi trốn khỏi Ai Cập, thời gian gấp gáp, không kịp chuẩn bị lương khô và bánh lên men, nên chỉ kịp mang theo một số loại bánh này trên đường đi. Bây giờ, để tưởng nhớ đến tổ tiên chúng ta đã chịu khổ ở Ai Cập như thế nào nên hàng năm, cứ vào ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta đều giết mổ cừu và ăn bánh không men.

“Ồ, hóa ra là như vậy”. Sala có vẻ hiểu ra.

“Đúng vậy, mỗi người chúng ta đều không được quên ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta phải ghi nhớ rằng tổ tiên chúng ta đã từng chịu khổ như thế nào. Con hiểu chưa?”. Mẹ hỏi con gái.

Sala gật đầu, nói: “Con hiểu rồi thưa mẹ”.

Cha mẹ Do Thái dạy con cái về sự khó khăn vất vả của tổ tiên mình từ khi trẻ còn rất nhỏ. Trong tác phẩm “Talmud” có câu: “Bắt đầu trong ánh sáng, kết thúc trong bóng tối thì không hay bằng bắt đầu trong bóng tối và kết thúc trong ánh sáng”. Câu nói răn dạy mọi người trước tiên hãy chịu khổ sở, sau đó mới hưởng sung sướng. Có rất nhiều người muốn trốn tránh khó khăn, không muốn thử sức, nhưng người Do Thái biết có trải qua khó khăn mới có được động lực và sức mạnh, mới hiểu được ý nghĩa thực sự của nó. “Lễ Vượt Qua” chính là ngày lễ quan trọng giáo dục tinh thần chịu khó chịu khổ của người Do Thái.

Đúng như lời của mẹ Sala nói, Lễ Vượt Qua là để kỷ niệm Moses đã đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi Ai Cập. Qua ngày Lễ Vượt Qua, cha mẹ sẽ kể cho con cái nghe những trải nghiệm khó khăn, gian khổ của tổ tiên, cùng ăn những món ăn đặc biệt để trẻ nếm trải những khó khăn của cha ông. Trong ngày Lễ Vượt Qua, cha mẹ thường làm những món cho cả nhà ăn gồm: Bánh không men, đùi cừu nướng, trứng gà nướng, rau đắng, rau cần, bốn cốc rượu. Ăn những món ăn này là để tưởng nhớ những khó khăn, vất vả mà ông cha đã trải qua.

Cha mẹ cũng thường dùng một câu nói trong cuốn “Talmud” để dạy con cái mình: “Có 10 phiền não sẽ tốt hơn có 1 điều phiền não. Vì người có 10 điều phiền não sẽ không còn sợ phiền não nữa, còn người có 1 điều phiền não sẽ luôn bị phiền não đó chi phối”. Đó chính là thái độ sống của người Do Thái: Đau khổ mới là hành trình của cuộc đời. So với người luôn được hưởng hạnh phúc, người từng trải qua khó khăn gian khổ sẽ trân trọng và biết ơn cuộc sống hơn. Trong lịch sử, người Do Thái đã trải qua vô vàn gian nan thử thách: Sống cuộc đời lang bạt, bị kì thị, nhân cách bị làm nhục, tính mạng không được đảm bảo… Những điều này đều nhắc nhở người Do Thái rằng: Chỉ có trải qua những thử thách khó khăn, cuộc sống mới phát triển, dân tộc mới hưng thịnh. Do vậy, giáo dục khó khăn là bài học cần thiết cho cả cuộc đời của trẻ. Qua sự giáo dục này, cha mẹ Do Thái nhấn mạnh rằng: Lúc nào con người cũng nên sẵn sàng chuẩn bị nếm trải vất vả, khổ cực, chỉ có tự lực tự cường, con người mới từng bước vượt qua khó khăn.

❃ Giúp trẻ hiểu được sự khó khăn, vất vả

Từ khi con còn rất nhỏ cha mẹ Do Thái đã kể cho con nghe về những khó khăn mà tổ tiên đã phải trải qua. Qua những năm tháng lịch sử và những câu chuyện này, cha mẹ để cảm trẻ nhận được rằng, cuộc sống khó khăn là điều rất bình thường. Nếu muốn có được thành công, cần phải trải qua nhiều khó khăn hơn người khác. Qua sự giáo dục này, trẻ em Do Thái đều có tâm lí sẵn sàng chịu khó, chịu khổ. Vì thế, khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trẻ em Do Thái đều bình tĩnh, kiên cường hơn các bạn nhỏ khác.

❃ Để trẻ cảm nhận sự khó khăn, vất vả

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái luôn tạo cơ hội để trẻ nếm trải khó khăn.

Ví dụ, vào ngày lễ, ngày tết, cha mẹ đều kể cho con nghe những khó khăn mà bản thân đã trải qua. Lễ Vượt Qua được coi là ngày lễ long trọng và lớn nhất của người Do Thái. Ngày lễ này giúp trẻ hiểu những gian khổ mà tổ tiên đã từng trải qua. Cha mẹ Do Thái cũng ý thức rằng, nên để trẻ cảm nhận được những khó khăn. Để nâng cao khả năng chịu khó chịu khổ của trẻ, giúp trẻ tự tin chiến thắng mọi hoàn cảnh.

❃ Tạo trở ngại thích hợp cho trẻ

Trong cuộc sống, cha mẹ Do Thái luôn tạo cho trẻ những khó khăn nho nhỏ, ví dụ để trẻ đi bộ đến trường, khi ra ngoài để trẻ tự xách hành lí… Qua những việc nhỏ này, cha mẹ Do Thái để trẻ cảm nhận được sự vất vả khó khăn, rèn luyện bản lĩnh vượt qua khó khăn. Những khả năng này sẽ giúp cho trẻ ngày càng hoàn thiện và trưởng thành hơn, chúng sẽ trở thành chiếc áo giáp vững chắc bảo vệ trẻ vượt qua mọi khó khăn.

Nhớ lại những khó khăn, gian khổ là cách giúp người Do Thái học được tinh thần kiên cường trong cuộc sống, không bị khuất phục, gục ngã trước mọi khó khăn, luôn cố gắng vươn lên để chinh phục thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.