Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Suy nghĩ có thể mang lại trí tuệ vô biên cho con



Buổi tối cuối tuần, cô bé Do Thái Jennifer đến bên giường mẹ đòi kể chuyện.

Mẹ tiện tay cầm cuốn truyện bên cạnh, nói với Jennifer: “Mẹ có thể kể chuyện cho con nghe, nhưng khi mẹ kể xong con phải trả lời mẹ một câu hỏi, được không?”.

“Được ạ, con hứa”. Jennifer gật đầu đáp.

“Ngày xưa, có một con quạ nhặt được một miếng thịt tươi ngon, nó tha miếng thịt đậu trên một cành cây to…”. Giọng mẹ truyền cảm kể cho Jennifer nghe câu chuyện “Cáo và Quạ”. Cô bé nghe rất chăm chú, còn mở to mắt nhìn mẹ và thỉnh thoảng cười phá lên thích thú.

Sau khi kể xong chuyện, mẹ gấp sách lại và nói: “Câu chuyện mẹ đã kể hết rồi, Jennifer đến lượt con trả lời câu hỏi nhé. Trong câu chuyện này, Quạ nên làm thế nào để không mắc lừa Cáo?”.

Jennifer suy nghĩ một lát rồi mạnh dạn đáp: “Thật ra có rất nhiều cách để Quạ không bị mắc lừa Cáo, ví như nó có thể không tin lời nói đường mật của Cáo, không mở miệng, cũng không hát, hoặc có thể ăn hết miếng thịt sau đó mới hát, đương nhiên nó cũng có thể treo miếng thịt trên cây rồi mới hát ạ”.

“Ha ha, Jennifer của mẹ thật là giỏi, con có thể nghĩ ra nhiều cách như vậy, con giỏi lắm”. Mẹ khen ngợi.

“Mẹ cũng phải giữ lời hứa, mẹ kể cho con một câu chuyện nữa đi”. Jennifer vội vàng giục.

“Được, được, mẹ sẽ kể cho con nghe câu chuyện “Con quạ khát nước” nhé”.

Nói xong, mẹ lại bắt đầu giọng đọc trầm bổng…

Thế nào? Đọc xong ví dụ trên bạn cũng khâm phục trí tuệ của cô bé Jennifer phải không? Quả thật người Do Thái không chỉ tôn thờ trí tuệ, mà còn rất chú ý đến việc bồi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập cho trẻ. Họ cho rằng, học tập thật sự cần dựa trên cơ sở suy nghĩ, chỉ có suy nghĩ thì mới giúp chúng ta đạt được trí tuệ vô biên.

Chính vì vậy, người Do Thái có câu: “Không là con lừa cõng trên lưng nhiều sách”. Câu này ý nói nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chưa đủ, bởi như thế ta chỉ giống như con lừa cõng trên lưng nhiều sách không thể đi xa. Mà chỉ có học cách độc lập suy nghĩ, thông qua suy nghĩ để mở mang trí tuệ, người ta mới có thể trở thành con ngựa hay chạy nghìn dặm. Cho nên, khi giáo dục con cái, người Do Thái luôn chú ý cùng trẻ trao đổi suy nghĩ, họ sẽ thường hỏi căn hỏi vặn cặn kẽ một vấn đề khiến trẻ buộc phải chủ động tìm tòi suy nghĩ về nó.

Không chỉ có người Do Thái chú ý bồi dưỡng khả năng suy nghĩ của trẻ mà nhiều chuyên gia giáo dục cũng vô cùng chú ý đến khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Các chuyên gia đều cho rằng tri thức được cấu trúc làm ba lớp: lớp ngoài, lớp giữa và lớp trong. Tri thức lớp bên trong chính là phần tri thức nâng cao thu được qua quá trình suy nghĩ trên cơ sở lớp tri thức quan sát, học tập được. Cho nên muốn loại bỏ nghi ngờ, giải quyết khó khăn và hiểu được bản chất của vấn đề, phải không ngừng suy nghĩ. Dưới đây, chúng ta sẽ xem các bậc cha mẹ Do Thái bồi dưỡng khả năng suy nghĩ cho con cái họ như thế nào nhé!

❃ Cổ vũ trẻ đặt câu hỏi

Trẻ em Do Thái đến tuổi đến trường, cha mẹ và thầy cô thường xuyên khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, sau khi tan học về, câu hỏi đầu tiên của mẹ thường là: “Con yêu. Hôm nay ở trường con có hỏi thầy cô câu nào không? Con đã hỏi câu gì vậy?”. Có thể trẻ sẽ đáp là: “Hôm nay con hỏi cô giáo tại sao cô lại mặc cái váy màu đỏ, con còn hỏi cô giáo là cái mũi của cá vàng ở đâu?”.

Có lẽ những câu hỏi này của trẻ thật ngây ngô, nhưng khi lớn lên, độ khó trong câu hỏi của trẻ tăng lên, đến cuối cùng thậm chí ngay cả một số giáo sư chuyên gia cũng không thể trả lời những câu hỏi này. Khi đặt câu hỏi hoặc nghĩ cách giải quyết vấn đề, đại não của trẻ sẽ phải vận hành nhanh hơn. Cho nên mới nói, đặt câu hỏi là sự khởi đầu của việc tiếp nhận kiến thức, suy nghĩ sẽ giúp trẻ bồi đắp trí tuệ.

❃ Làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ

Người Do Thái không chỉ thích cùng đọc sách với con, cùng con thảo luận một số vấn đề mà họ còn thường đưa con đến nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn khác nhau, từ đó tiếp xúc và giao lưu với nhiều người mới… Ví dụ khi

rảnh rỗi cha mẹ Do Thái thường đưa con đến phòng hòa nhạc, triển lãm tranh, chợ đấu giá… mục đích là để trẻ thoát khỏi môi trường quen thuộc, tiếp xúc với những sự vật mới, từ đó kích thích và bồi dưỡng khả năng độc lập suy nghĩ của trẻ.

❃ Hạn chế tính ỷ lại của trẻ

Mặc dù người Do Thái rất thích đọc sách, nhưng sau khi đặt câu hỏi cho con, họ không ủng hộ con ngay lập tức tìm sách vở hoặc vào mạng tra tìm đáp án.

Ngược lại cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích trẻ trước tiên tự suy nghĩ và tìm ra đáp án, cho dù lúc đó trẻ có thể chưa hoàn toàn độc lập suy nghĩ hoặc suy nghĩ, của trẻ không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng của tin tức bên ngoài nhưng như thế cũng là hạn chế thói lười suy nghĩ tăng khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Cho nên, phàm là chuyện gì cũng cần hạn chế thói ỷ lại của trẻ vì chỉ có không ỷ lại trẻ mới không tư duy theo lối mòn để cố gắng tìm ra cách nhìn và cách làm mới hiệu quả hơn.

Sở dĩ người Do Thái có trí thông minh ưu việt như vậy là vì ngoài việc thích đọc sách, ham học hỏi kiến thức, thì họ còn có thói quen tự suy nghĩ. Mặc dù, cha mẹ Do Thái thường áp dụng những phương pháp khác nhau trong việc giáo dục con cái, nhưng mục đích cuối cùng của họ là muốn tăng khả năng độc lập suy nghĩ cho con. Vì thế, chúng ta nên học tập các cha mẹ Do Thái, để phát triển trí tuệ một cách toàn diện cho trẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.