Pippi Tất dài

Chương 16: Pippi đi Hội chợ



Trong thị trấn nhỏ đang có hội chợ. Mỗi năm hội chợ được mở một lần, và lần nào tất cả lũ trẻ của thị trấn cũng sướng mê vì lại có dịp vui chơi thoả thích. Vào ngày hội chợ thị trấn trông khác hẳn ngày thường. Người tấp nập mọi nẻo, cờ quạt chăng khắp phố, trên quảng trường chợ dựng lên cơ man là quầy hàng, nơi bạn tha hồ chọn mua những món hàng tuyệt vời nhất. Thị trấn sôi động và nhộn nhịp đến nỗi chỉ đi trên phố không thôi đã thấy vui và nhớ mãi. Nhưng thú vị nhất trong tất cả là khoảng trống vui chơi rộng lớn ngay bên Sở Thuế với những chiếc đu quay, những quầy bắn súng, nhà bạt biểu diễn và nhiều trò vui không đếm xuể khác. Rồi còn bầy thú của gánh xiếc với đủ các loài vật nữa chứ: nào hổ, nào trăn, nào khỉ, nào sư tử biển. Khi đứng trước khu vực này, bạn sẽ nghe những tiếng động kỳ lạ, những tiếng gừ gừ, những tiếng gầm mà bạn chưa từng nghe thấy trong đời. Nếu có tiền, bạn có thể đi vào bên trong và nhìn ngắm tất cả.
Chẳng có gì lạ, vào sáng hôm hội chợ, khi Annika diện váy áo tề chỉnh rồi, chiếc nơ trên đầu cô bé cứ run lên vì nó quá hồi hộp. Còn Thomas vội vã đến suýt nuốt chửng cả miếng bánh kẹp pho-mát. Mẹ của Thomas và Annika hỏi chúng có muốn cùng bà đi chơi hội chợ không, nhưng cả hai đứa cứ ngần ngừ lảng tránh rồi nói rằng nếu mẹ không phản đối, chúng muốn đi với Pippi hơn.
“Vì em biết không, anh nghĩ sẽ vui hơn nhiều nếu có Pippi bên cạnh,” Thomas nói khi hai anh em lách mình qua cánh cổng vườn Biệt thự Bát nháo.
Annika cũng nghĩ thế.
Pippi đã ăn mặc chỉnh tề, đứng giữa bếp chờ hai đứa. Cuối cùng thì Pippi cũng đã tìm thấy chiếc mũ to như bánh cối xay của nó. Té ra chiếc mũ nằm trong kho củi thật.
“Tớ quên mất là mới đây tớ đã đội nó khi khuân củi vào kho,” Pippi vừa nói vừa ấn chiếc mũ sụp xuống mắt. “Trông tớ không tuyệt lắm sao?”
Thomas và Annika không thể phủ nhận điều đó. Pippi đã dùng than tô đen lông mày, môi và móng tay thì bôi phẩm đỏ. Rồi nó diện một chiếc váy vũ hội rất đẹp dài quét đất. Cổ váy xẻ sâu, để lộ chiếc áo lót đỏ chóe. Bên dưới gấu váy thò ra đôi giày đen to tổ bố của Pippi, đôi giày nom đỏm dáng hơn bình thường vì cô chủ đã thắt ngang chúng những dải nơ màu xanh lá cây chỉ được sử dụng trong những dịp long trọng.
“Theo tớ, cần phải có vẻ ngoài như một-quý-bà-thật-sự-thanh-lịch khi đi hội chợ,” Pippi nói và bước loi choi trên phố, duyên dáng hết mức có thể trên đôi giày to đùng to đoàng. Tay nâng gấu váy, chốc chốc Pippi lại thốt lên bằng cái giọng lạ tai so với hàng ngày:
“Tuyệt diệu! Mê hồn!”
“Cậu tấm tắc khen cái gì mê hồn thế?” Thomas hỏi.
“Là tớ đấy!” Pippi hài lòng đáp.
Với Thomas và Annika, mọi thứ trong ngày hội chợ đều tuyệt vời. Thật sung sướng khi được chen lấn xô đẩy giữa dòng người trên phố, được đi hết quầy này qua quầy khác, thoả thích ngắm nghía tất cả những thứ bày ra ở đó. Pippi mua tặng Annika một chiếc khăn quàng cổ bằng lụa đỏ, còn Thomas được một chiếc mũ lưỡi trai đúng như chiếc mũ cậu vẫn ao ước bấy lâu nhưng mẹ không chịu sắm cho cậu. Tại một quầy khác, Pippi mua hai lọ thuỷ tinh hình tròn đựng đầy những viên đường màu hồng và màu trắng.
“Ồ, cậu đáng yêu quá, Pippi!” Annika thốt lên, tay ghì chặt lọ đường của nó vào bụng.
“Ồ phải, tuyệt diệu, mê li!” Pippi vừa nói vừa hãnh diện nâng gấu váy.
Một dòng người đang đổ về phía Sở Thuế, trong đó có Pippi, Thomas và Annika.
“Ở đây mới náo nhiệt làm sao!” Thomas phấn chấn kêu lên. Tiếng nhạc phát ra từ những chiếc hòm quay tay, đu quay xoay tròn, rồi mọi người cười đùa, gọi nhau í ới. Trò chơi ném lao và đập vỡ đồ sứ đang lúc sôi nổi nhất. Người ta chen chúc bên những quầy bắn súng để trổ tài thiện xạ.
“Tớ muốn xem trò này gần hơn một tí,” Pippi nói, tay kéo Thomas và Annika đến trước một quầy bắn súng. Đúng lúc này ở đây chẳng có khách nào, còn cái bà đứng phát súng và thu tiền thì mặt mũi đến là cau có. Ba đứa trẻ không phải những vị khách mà bà ta mong đợi, thành thử bà ta chẳng mảy may để ý đến chúng. Pippi thích thú ngắm nghía tấm bia. Đó là hình một ông già to béo bằng bìa, mặc áo choàng xanh lơ, mặt tròn xoay như hòn bi và giữa mặt là cái mũi đỏ chóe. Đó chính là cái đích cần bắn trúng. Nếu ai đó không thể bắn trúng mũi, thì chí ít cũng phải cố bắn trúng gần quanh đó. Những phát đạn không trúng mặt bị coi như trượt.
Dần dần người đàn bà phát cáu vì mấy đứa cứ đứng đấy không chịu đi. Bà ta muốn thấy những vị khách biết bắn súng và biết trả tiền kia.
“Bọn bay vẫn đứng ì thần xác ra đấy à?” Bà ta tức tối hỏi.
“Đâu ạ, chúng cháu đang ngồi trên quảng trường chợ cắn hạt dẻ đấy chứ,” Pippi đáp.
“Sao bọn bay cứ đứng trố mắt ra thế?” Bà ta càng tức tợn, hỏi. “Hay bọn bay đợi có người đến để xem họ bắn súng?”
“Không, chúng cháu đợi xem bà trồng cây chuối đấy chứ,” Pippi nói.
Đúng lúc đó một khách hàng bước đến. Gã ăn mặc bảnh bao, chiếc dây chuyền vàng lõng thõng trước bụng. Gã cầm một khẩu súng, nâng nâng trên tay ước lượng nặng nhẹ.
“Phải bắn liền một tràng hay không đây?” Gã hỏi, cốt khoe mình am hiểu chuyện súng ống.
Gã nhìn quanh, muốn xem xem mình có khán giả không. Nhưng chẳng có ai ngoài Pippi, Thomas và Annika.
“Nhìn đây, bọn nhóc!” Gã nói. “Bây giờ chúng mày có thể chiêm ngưỡng bài học đầu tiên về nghệ thuật bắn súng. Người ta làm thế này đây!”
Gã nâng khẩu súng lên sát má. Phát đạn đầu tiên bắn ra – trượt quách! Phát thứ hai – cũng trượt. Phát thứ ba, rồi thứ tư – lại bay vèo đi đằng nào! Phát thứ năm trúng mãi dưới cằm người đàn ông bằng bìa.
“Súng như dở hơi,” gã đàn ông bảnh bao tức giận quăng khẩu súng đi. Pippi nhặt lấy và lắp đạn.
“Ôi, ông chú mới tài làm sao!” Nó nói. “Để lần khác tớ sẽ làm y như chú đã dạy chúng mình. Chứ không phải làm như thế này!”
Pằng, pằng, pằng, pằng, pằng! Cả năm viên đạn găm trúng mũi người đàn ông bằng bìa. Pippi đưa bà chủ quầy một đồng tiền vàng rồi bỏ đi.
Đu quay đẹp ơi là đẹp, đến nỗi vừa thoạt nhìn thấy, cả Thomas và Annika đều sững sờ đến nín thở. Có những chú ngựa gỗ màu đen, trắng và nâu để trẻ con cưỡi lên. Chúng có những cái bờm ra bờm và trông chúng gần như ngựa đang sống hẳn hoi. Chúng lại còn đủ cả yên cương. Trẻ con tha hồ chọn con nào mình thích. Pippi mua hết một đồng tiền vàng vé đu quay. Người ta đưa nhiều vé đến nỗi Pippi không nhét nổi vào chiếc ví to của nó.
“Tớ mà trả thêm một đồng vàng nữa, chắc tớ làm chủ luôn cái đu quay này,” Pippi bảo Thomas và Annika lúc đó đang đứng đợi nó.
Thomas chọn một con ngựa ô, Annika một con ngựa bạch. Pippi đặt Ông Nilsson lên một con ngựa ô trông thật dữ dằn. Ông Nilsson lập tức bới bờm con ngựa tìm xem có bọ không.
“Ông Nilsson cũng đi đu quay à?” Annika ngạc nhiên hỏi.
“Tất nhiên!” Pippi đáp. “Giá mà biết sớm, có phải tớ đã tha cả con ngựa của tớ theo rồi không. Thay đổi không khí một chút chỉ tốt cho nó. Một con ngựa cưỡi một con ngựa, đó hẳn sẽ là điều hết sức đặc biệt!”
Nói đoạn Pippi nhảy phắt lên lưng một con ngựa màu nâu, và chỉ nháy mắt sau đu quay bắt đầu chuyển động trong khi chiếc hòm quay tay phát ra lời hát: “Bạn còn nhớ đến tuổi thơ của chúng ta chăng?
Thomas và Annika thấy trò đu quay thật tuyệt. Pippi xem ra cũng hài lòng. Nó trồng cây chuối ngay trên yên ngựa, hai chân chổng lên trời, khiến chiếc váy dạ hội vốn dài chấm gót tuột dồn hết xuống cổ. Những người đứng xem bên đu quay giờ chỉ còn thấy trên mình Pippi độc chiếc áo lót màu đỏ và chiếc quần con xanh lơ chấm trắng, hai cẳng chân gày gò dài nghêu của nó bên xỏ tất đen, bên xỏ tất sọc ngang, còn đôi giày đen to tướng cứ khua loạn xị.
“Một quý-bà-thật-sự-thanh-lịch thì phải đi đu quay như thế chứ!” Pippi nói khi hết vòng quay đầu tiên.
Ba đứa chơi đu quay suốt cả tiếng đồng hồ, nhưng rồi Pippi bắt đầu hoa mắt và kêu rằng thay vì một chiếc đu quay nó lại trông thấy những ba chiếc!
“Thật khó quyết định sẽ chọn chiếc nào trong ba chiếc,” nó nói. “Nên tớ nghĩ tụi mình đi chỗ khác thôi.”
Còn thừa bao nhiêu vé Pippi đem cho hết bọn trẻ con đang đứng chầu quanh đấy nhưng chưa được lên đu quay chỉ vì không có tiền.
Một người đàn ông đứng trước một căn lều bạt gần đó, miệng rao:
“Màn trình diễn mới sẽ bắt đầu sau năm phút nữa! Xin quý vị chớ bỏ lỡ dịp thưởng thức vở kịch hấp dẫn có một không hai: “Vụ sát hại nữ bá tước Aurora” hay còn gọi là “Ai đang rình rập trong bụi rậm?”
“Nếu có kẻ đang rình rập trong bụi rậm thì tụi mình phải tìm cho ra hắn là ai, và tìm ngay lập tức,” Pippi bảo Thomas và Annika. “Nào, tụi mình vào xem thôi.”
Nó đi đến quầy vé.
“Cháu có thể vào rạp mà chỉ trả nửa tiền vé, nếu cháu hứa sẽ chỉ xem bằng một mắt không ạ?” Pippi bỗng nổi máu tiết kiệm, hỏi. Nhưng cô bán vé không chịu.
“Tớ chẳng thấy bụi rậm nào, cũng chẳng thấy ai rình rập sất,” Pippi nói vẻ không vui, khi nó cùng Thomas và Annika đã ngồi vào chỗ ngay trước màn sân khấu.
“Thì đã bắt đầu diễn đâu,” Thomas bảo.
Đúng lúc đó màn mở và người ta trông thấy nữ bá tước Aurora đang đi đi lại lại trên sân khấu. Bà vặn hai bàn tay vào nhau, vẻ rất đau khổ. Pippi theo dõi tất cả với sự chăm chú căng thẳng.
“Chắc bà ấy đang buồn,” nó bảo Thomas và Annika, “hoặc một cái ghim băng ghim đâu đó trong váy áo bà ấy bị bung ra và đâm vào người bà ấy.”
Nhưng nữ bá tước Aurora đang buồn. Bà ngước mắt lên trần nhà, than vãn:
“Trên đời này liệu có ai bất hạnh đến độ như ta? Họ đã bắt những đứa con của ta đi, chồng ta thì biến mất, còn ta đang bị vây quanh bởi những quân đểu cáng và bọn kẻ cướp luôn muốn giết ta!”
“Ôi, phải nghe điều này thật kinh khủng quá,” Pippi nói, mắt đỏ hoe.
“Ta ước gì được chết đi!” Nữ bá tước Aurora kêu lên.
Thế là Pippi ràn rụa nước mắt.
“Thưa bà quý mến, xin bà chớ nói như thế,” nó nức nở. “Mọi chuyện rồi sẽ lại tốt đẹp thôi mà. Các con bà sẽ tự xoay xở được và nhất định bà sẽ kiếm được một người chồng mới. Trên đời thiếu gì đ-à-àn ô-ô-ng,” nó nghẹn ngào trong nước mắt.
Nhưng ông giám đốc rạp hát, chính là cái ông ban nãy đứng trước rạp rao to quảng cáo vở diễn, đi đến và bảo rằng nếu Pippi không chịu ngồi yên, nó sẽ phải ra khỏi rạp ngay tức khắc.
“Cháu sẽ cố ạ,” Pippi vừa nói vừa quệt mắt.
Vở kịch căng thẳng kinh khủng. Thomas ngồi dán mắt lên sân khấu, cậu liên tục vày vò chiếc mũ trong tay vì quá hồi hộp. Annika thì ép chặt hai bàn tay trước bụng. Hai mắt Pippi đẫm lệ, không rời nữ bá tước Aurora lấy một giây.
Tình cảnh của nữ bá tước Aurora mỗi lúc càng thêm tồi tệ. Bà cứ đi đi lại lại trong khu vườn của lâu đài mà không hề linh cảm chuyện dữ sắp xảy ra. Bỗng ai đó kêu thét lên.
Đó là Pippi. Nó vừa phát hiện một gã đàn ông nấp sau một bụi cây, mặt mũi chẳng lấy gì làm tử tế.
Hẳn nữ bá tước Aurora cũng nghe thấy tiếng gì sột soạt, vì bà thảng thốt kêu lên:
“Có ai đang len lỏi trong bụi cây vậy?”
“Cháu có thể mách cho bà!” Pippi hăng hái nói. “Đó là một gã nham hiểm và ghê tởm, có bộ ria mép màu đen. Bà hãy bỏ chạy mau lên, hãy trốn vào kho củi rồi khoá trái cửa lại!”
Giờ thì ông giám đốc rạp hát đi đến chỗ Pippi, bảo nó ngay lập tức biến ra khỏi rạp.
“Ra khỏi đây, bỏ mặc bà bá tước Aurora ở lại với tên đê tiện kia sao! Thế thì bác không biết tính cháu rồi,” Pippi nói.
Trên sân khấu, vở diễn vẫn tiếp tục. Bất thình lình cái gã ghê tởm nọ nhô ra khỏi bụi cây, lao bổ vào bà bá tước.
“Ha, giờ tận số của ngươi đã đến,” gã rít lên qua hai hàm răng.
“Để xem!” Pippi nói và nhảy phắt lên sân khấu. Nó tóm lấy tên đểu cáng, quăng xuống khán đài. Nó vẫn còn đang khóc.
“Sao anh lại có thể làm như thế chứ!” Nó nghẹn ngào. “Vì cớ gì mà anh thù ghét bà bá tước nào? Hãy nghĩ đến việc chồng con bà ấy đều đã bỏ đi hết cả! Bà ấy hoàn toàn cô-ô đơ-ơn!”
Đoạn nó đến bên bà bá tước đang bất tỉnh rũ người trên chiếc ghế vườn.
“Bà có thể đến Biệt thự Bát nháo ở với cháu, nếu bà muốn,” nó nói với giọng an ủi.
Pippi vừa khóc nức nở vừa lảo đảo rời khỏi rạp hát, theo sát nó là Thomas và Annika. Cả ông giám đốc rạp hát cũng theo ra. Ông ta nắm chặt hai nắm đấm sau lưng Pippi. Nhưng khán giả trong rạp đều vỗ tay và cho rằng vở diễn vừa rồi rất hay.
Pippi vui sướng khi đã ra khỏi rạp, nó hỉ mũi vào vạt váy và bảo:
“Thôi, bây giờ tụi mình phải kiếm trò gì vui vui đi. Ban nãy buồn chết lên được.”
“Bầy thú làm xiếc!” Thomas sực nhớ. “Tụi mình chưa đến chỗ bầy thú làm xiếc.”
Cả ba bèn đi tới đó. Nhưng trước đấy chúng còn ghé một tiệm bánh mì bơ, và Pippi mua cho mỗi đứa sáu chiếc bánh mì kẹp thịt và ba chai nước chanh.
“Hễ vừa khóc xong là tớ lại đói kinh khủng!” Pippi nói.
Ở chỗ bầy thú có bao nhiêu thứ để xem: một con voi và hai con hổ trong một cái chuồng, rồi mấy con sư tử biển đang chơi bóng, rồi một lũ khỉ, một con linh cẩu và hai con trăn. Pippi lập tức cùng Ông Nilsson đến chỗ chuồng khỉ, để Ông Nilsson có thể chào những người bà con của mình. Một con hắc tinh tinh già rầu rĩ đang ngồi đó.
“Nào, Ông Nilsson, hãy chúc nó một ngày tốt lành đi!” Pippi nói. “Tao nghĩ nó hẳn là chắt của người dì của bà em họ của ông nội mày đấy!”
Ông Nilsson ngả chiếc mũ rơm và cố chào thật lịch sự. Nhưng con hắc tinh tinh chẳng thấy cần thiết phải chào lại.
Hai con trăn cuộn mình trong một chiếc hòm lớn. Mỗi giờ chúng lại được cô nuôi dạy trăn tên là Paula lôi ra đem trình diễn. Bọn trẻ gặp may, đến đúng lúc màn trình diễn mới sắp bắt đầu. Annika rất sợ trăn, cứ bấu chặt lấy cánh tay Pippi. Cô Paula nhấc một con trăn – một quái vật vừa to vừa gớm ghiếc – giơ lên cao và quấn nó vào cổ y như một chiếc khăn quàng.
“Con này có vẻ thuộc giống trăn-khăn-quàng-cổ,” Pippi thì thầm với Thomas và Annika. “Tớ muốn xem con kia là giống gì.”
Nó liền đi đến bên chiếc hòm, nhấc con trăn thứ hai lên. Con này trông còn to và gớm ghiếc hơn con trước. Pippi quấn nó lên cổ, đúng như cô Paula đã làm. Mọi người có mặt ở đấy rú lên vì kinh hãi. Cô Paula quẳng vội con trăn vào hòm, lao bổ đến chỗ Pippi để cứu nó khỏi cái chết đã cầm chắc. Tiếng rú hét khiến con trăn trên cổ Pippi hoảng sợ và tức giận, nó cũng không hiểu tại sao mình lại nằm trên cổ một con bé tóc đỏ mà không phải trên cổ cô Paula mà nó hằng quen. Con trăn bèn quyết định dạy cho cái con bé tóc đỏ này một bài học. Nó gồng mình với một sức mạnh đủ nghiền nát cả một con bò mộng.
“Đừng thử giở cái trò cũ rích ấy ra với tao,” Pippi nói. “Tao từng gặp những con trăn còn to bằng mấy mày, hãy tin tao đi! Mãi tít bên Ấn Độ cơ.”
Nó gỡ con trăn vất trả vào hòm. Thomas và Annika mặt cắt không còn hột máu.
“Đó cũng chỉ là một con trăn-khăn-quàng-cổ, tớ đã đoán ngay mà,” Pippi nói, tay buộc lại một bên nịt tất bị tuột ra.
Cô Paula mắng té tát một hồi bằng một thứ tiếng nước ngoài nào đó. Đám khán giả thì thở phào. Nhưng họ đã thở phào quá sớm, bởi hôm nay đúng là một ngày có lắm sự cố.
Sau này không ai biết sự việc đã bắt đầu như thế nào. Những con hổ vừa được cho ăn những tảng thịt tươi to tướng. Còn người coi thú sau đó khẳng định rằng bác ta đã chốt cửa chuồng rất cẩn thận. Thế mà lát sau bỗng nghe có tiếng la thất thanh.
“Một con hổ sổng chuồng!”
Đúng thế thật. Bên ngoài song sắt, con thú dữ lông vàng vằn đen nằm ở tư thế thu mình sẵn sàng chồm lên. Mọi người bỏ chạy tứ phía. Riêng một bé gái đứng nép vào một góc rất gần chuồng hổ.
“Cháu hãy đứng thật yên vào!” Người ta chỉ biết vặn hai tay vào nhau mà than.
“Hãy gọi cảnh sát,” ai đó đề nghị.
“Hãy báo động cho lính cứu hoả,” người khác lại bảo.
“Hãy gọi Pippi Tất dài!” Pippi dõng dạc nói và bước lên trước. Đến cách con hổ vài mét, nó ngồi xổm xuống và bắt đầu dỗ dành:
“Miu, miu, miu!”
Con hổ phát ra tiếng gầm gừ dễ sợ, nhe hàm răng nhọn sắc đến ghê hồn. Pippi dứ dứ ngón tay trỏ đe nẹt:
“Mày mà cắn tao, tao sẽ cắn lại mày cho mà xem. Cứ tin như vậy đi.”
Thế là con hổ chồm lên, nhảy xổ vào Pippi.
“Này, làm trò gì vậy hả? Mày không biết đùa hay sao?” Pippi vừa nói vừa gạt phăng con hổ ra.
Với một tiếng gầm khủng khiếp mà ai nghe thấy cũng phải sởn da gà, con hổ lần nữa chồm tới vồ Pippi. Có thể thấy rõ là nó toan cắn đứt cuống họng con bé.
“Đành chiều mày vậy,” Pippi nói. “Nhưng hãy nhớ mày chính là đứa gây sự đấy nhé!”
Đoạn Pippi đưa một tay bóp cứng hàm con hổ, rồi âu yếm bế nó trở lại chuồng, miệng ngân nga: “Bạn có nom thấy mèo xinh của tôi, mèo xinh của tôi, mèo xinh của tôi?”
Mọi người lại thở phào, còn cô bé ban nãy sợ quá nép vào trong góc thì chạy ra với mẹ và nói rằng nó không bao giờ muốn đi xem bầy thú làm xiếc nữa.
Con hổ đã xé rách phần dưới váy của Pippi. Pippi săm soi những mảnh vải tơi tả và hỏi:
“Có ai có kéo không ạ?”
Cô Paula có một cái kéo, cô cũng đã hết giận Pippi.
“Kéo của em đây, cô bé can đảm,” cô nói.
Pippi bèn cắt xoẹt gấu váy cộc tớn lên đến trên đầu gối.
“Được rồi,” Pippi hài lòng nói. “Bây giờ trông tớ còn bảnh hơn khi nãy. Trên cổ dưới gấu đều cắt xẻ cả, còn lâu mới lại có cái váy nào mốt đến thế nhé!”
Nó cất bước, yểu điệu đến nỗi mỗi bước đi hai đầu gối lại va vào nhau.
“Mê hồn!” Nó tự xuýt xoa.
Hẳn mọi người nghĩ rằng rốt cuộc từ bây giờ hội chợ sẽ yên bình trở lại. Nhưng đã là hội chợ thì làm sao mà thật sự yên bình được. Và thực tế cho thấy, lại một lần nữa mọi người đã thở phào quá sớm.
Trong thị trấn nhỏ bé có một gã lang thang có sức phi thường. Tất cả trẻ con đều sợ gã. Mà chẳng riêng gì trẻ con, ai cũng sợ gã hết. Ngay đến cảnh sát còn muốn tránh mặt một khi gã lang thang Laban nổi xung nữa là. Không phải lúc nào gã cũng độc ác. Chỉ những lúc bia vào, gã mới sinh sự. Mà gã thì vừa nốc đẫy bia ở hội chợ. Gã ngất ngưởng đi dọc phố chính, miệng gầm thét, hai cánh tay khỉ đột vung nắm đấm ra xung quanh.
“Xéo ngay, tránh đường cho Laban đi, lũ chấy rận!”
Mọi người sợ hãi dạt sang hai bên, nép vào các bức tường nhà. Nhiều đứa trẻ hoảng quá oà khóc. Chẳng thấy cảnh sát đâu. Laban thủng thẳng nhằm hướng Sở Thuế. Trông gã thật gớm ghiếc với mái tóc đen dài thượt xoã trước trán, cái mũi cam sành đỏ tía và một chiếc răng vàng khè chìa ra khỏi mồm. Những người tụ tập gần đấy cho rằng trông gã còn kinh khủng hơn cả con hổ.
Tại một quầy hàng nhỏ, một ông già nhỏ bé đứng bán xúc xích. Laban đi đến đó, đấm tay xuống bàn, thét lên:
“Cho một xúc xích đây! Nhanh lên!”
“Hai lăm xu một chiếc ạ,” ông già rụt rè nói.
“Lại còn đòi trả tiền xúc xích nữa hả?” Laban hùng hổ. “Được bán xúc xích cho người sang như ta là phúc lớn cho nhà lão rồi! Đồ không biết ngượng. Thêm một xúc xích nữa đây!”
Ông già bèn đáp rằng gã hãy trả tiền chiếc xúc xích mà gã đã cầm đi đã. Thế là Laban cứ thế véo hai tai ông lão mà lắc.
“Đưa xúc xích ra đây! Ngay tức khắc!”
Ông già không dám từ chối gã lần nữa.
Những người đứng quanh đấy làu bàu ra vẻ bất bình. Thậm chí một người còn bạo gan lên tiếng:
“Thật nhục nhã khi ức hiếp một ông già đáng thương như vậy.”
Thế là Laban quay phắt ngay lại, nhìn mọi người bằng cặp mắt vằn những tia máu:
“Đứa nào vừa ho he gì hả?”
Nhưng mọi người đều phát hoảng, toan bỏ đi.
“Đứng lại!” Laban gầm lên. “Đứa nào nhúc nhích, tao đập vỡ sọ. Đứng lại, tao bảo! Vì bây giờ Laban này sẽ trình diễn một tiết mục nho nhỏ.”
Đoạn gã bốc một vốc xúc xích và bắt đầu chơi trò tung hứng. Gã tung những chiếc xúc xích lên cao, rồi hứng một phần bằng mồm, một phần bằng tay, nhưng phần lớn bị rơi xuống đất. Ông già bán xúc xích chực khóc.
Đúng lúc đó một hình hài bé nhỏ bước ra khỏi đám đông.
Pippi dừng lại ngay trước mặt Laban.
“Cậu bé con nhà ai thế này?” Nó nhẹ nhàng hỏi. “Mẹ cậu sẽ nói sao nếu cậu cứ nghịch ngợm, ném thức ăn lung tung như thế?”
Laban gầm lên một tiếng khủng khiếp, rồi thét:
“Chẳng phải tao vừa nói là tất cả đứng yên hay sao?”
“Bao giờ anh cũng mở loa to cỡ tận bên nước ngoài cũng nghe được như vậy sao?” Pippi hỏi.
Laban dứ nắm đấm hăm dọa, miệng thét:
“Nhãi ranh! Im mồm! Hay mày muốn tao phải nghiền mày ra bã thì bảo?”
Pippi đứng đó, hai tay chống nạnh, nhìn gã lang thang đầy thích thú.
“Anh vừa biểu diễn với những cái xúc xích như thế nào ấy nhỉ?” Nó hỏi. “Như thế này phải không?”
Nó ném luôn Laban lên cao và chơi trò tung hứng với gã một hồi. Mọi người hò reo cổ vũ. Ông già bán xúc xích cứ vỗ hai bàn tay nhỏ bé nhăn nheo vào nhau mà cười.
Khi Pippi ngừng tay, gã Laban sợ hãi ngồi bệt dưới đất mà ngó quanh trong bộ dạng vô cùng bối rối.
“Tớ nghĩ đã đến lúc tay vô lại về nhà được rồi,” Pippi nói.
Laban không phản đối.
“Nhưng trước đó phải trả tiền cho bao nhiêu là xúc xích nữa,” Pippi thủng thẳng.
Thế là Laban đứng dậy, ngoan ngoãn trả tiền mười tám cái xúc xích, rồi lẳng lặng bỏ đi. Kể từ ngày đó, gã thay đổi hẳn tâm tính.
“Pippi muôn năm!” Mọi người tung hô.
“Hoan hô Pippi!” Thomas và Annika đồng thanh.
“Chừng nào chúng ta còn có Pippi Tất dài, thì khỏi cần cảnh sát trong thị trấn này,” một người nói.
“Đúng thế!” Người khác phụ hoạ. “Pippi thừa sức trị cả bầy hổ lẫn bọn lưu manh.”
“Cố nhiên chúng ta vẫn cần cảnh sát,” Pippi bảo. “Nếu không có cảnh sát, thử hỏi ai sẽ là người trông nom khi tất cả xe đạp trong thị trấn này đều dựng trái nơi quy định đây?”
“Ôi Pippi, cậu mới tuyệt vời làm sao chứ!” Annika nắc nỏm trên đường về nhà.
“Ồ phải, mê hồn!” Pippi gật gù. Đoạn nó nhón tay nâng gấu váy chỉ còn ngắn đến nửa bắp đùi lên. “Đơn giản là mê hồn!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.