Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội

Kết Luận



Xứ sở Diệu Kỳ

Xã hội của chúng ta chỉ tôn vinh và đề cao cách sống hướng ngoại, coi đó là chuẩn mực đạo đức. Chúng ta ngăn cản, kiềm chế con người trong hành trình khai phá cõi nội tâm, hành trình kiếm tìm một trọng tâm thực sự bên trong mình. Do đó, chúng ta tự đánh mất trọng tâm của mình, và rồi lại phải bỏ công kiếm tìm nó một lần nữa.

— ANAÏS NIN

Bất kể bạn có phải là một người hướng nội, hay là một người hướng ngoại yêu quý, gắn bó hoặc cộng tác với một người hướng nội; tôi đều hy vọng rằng bạn sẽ thấy những hiểu biết được trình bày trong cuốn sách này hữu ích với cuộc sống riêng của mình. Dưới đây là một phác thảo sơ bộ để bạn mang theo bên mình:

Tình cảm mới là thứ thực sự quan trọng, bạn không cần bắt buộc phải hòa đồng với tất cả. Trân trọng những người bạn gắn bó và thương yêu; cộng tác với những đồng nghiệp mà bạn yêu mến và tôn trọng. Kiếm tìm trong tất cả những người mới quen biết, ai là người bạn yêu quý, và ai là người làm bạn thấy thích thú mỗi khi ở bên. Và đừng bận tâm đến việc phải làm thân với tất cả mọi người. Có thêm những mối quan hệ quả thực đem lại cho ta nhiều hạnh phúc, điều này đúng với cả những người hướng nội; nhưng hãy nhớ rằng, chất luôn cao hơn lượng.

Bí quyết của cuộc sống là bạn phải biết đặt mình dưới đúng loại ánh sáng thích hợp. Với một số người, đó là ánh hào quang của sân khấu; với một số khác, đó lại là ánh đèn học bên một chiếc bàn giấy. Hãy tận dụng sức mạnh bẩm sinh của chính mình—sức mạnh của sự nhẫn nại và chuyên cần, của khả năng tập trung cao độ, của cái nhìn thấu hiểu bản chất, và của sự nhạy cảm, tinh tế—và dùng chúng để làm những việc mà bạn ưa thích, những công việc thực sự có ý nghĩa: giải quyết vấn đề; đào sâu tư duy; hay sáng tạo nghệ thuật.

Hãy cố tìm ra và làm điều phù hợp nhất với năng lực của bản thân mà bạn có thể cống hiến cho xã hội. Hãy cứ làm, kể cả khi nếu việc đó đòi hỏi bạn phải diễn thuyết trước đông người, gặp gỡ và tạo dựng các mối quan hệ, hay bất kỳ một hoạt động nào khác khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nhưng hãy chấp nhận rằng chúng sẽ rất khó khăn; vậy nên hãy tìm cách rèn luyện và phát triển những kỹ năng để khiến chúng dễ dàng hơn, và hãy tự tưởng thưởng cho mình khi công việc khó khăn đó đã hoàn tất.

Bỏ công việc làm dẫn chương trình TV đi nếu nó không phải thứ bạn muốn, thay vào đó hãy đi lấy một tấm bằng về khoa học nhân văn. Nhưng nếu dẫn chương trình TV lại là việc bạn ưa thích, thì hãy học cách tạo cho mình một tác phong thật hướng ngoại để vượt qua được những khó khăn của công việc. Hãy nhớ quy tắc này khi tạo lập một mối quan hệ: một mối quan hệ chân tình đáng giá gấp trăm lần một đống những tấm danh thiếp lạnh lẽo. Hãy về nhà thật nhanh sau giờ làm, ngả người ra thoải mái trên chiếc ghế sofa. Hãy tận lực khai thác những “điểm phục hồi”.

Tôn trọng nhu cầu giao tiếp của những người bạn yêu thương; và tôn trọng ở chính bạn niềm ham thích hướng đến sự tĩnh lặng, đơn độc (hoặc ngược lại, nếu bạn là một người hướng ngoại).

Hãy dùng thời gian rảnh của mình làm những thứ mà bạn thích, chứ không phải những thứ mà bạn nghĩ mình nên làm. Hãy cứ ở nhà vào dịp Năm mới, nếu đó là điều làm bạn thấy thoải mái. Dẹp hết những cuộc họp hội đồng. Băng qua đường thật nhanh để khỏi phải tán gẫu những câu chuyện vô nghĩa với một người quen nào đấy có thể tình cờ bắt gặp bạn. Đọc sách đi. Nấu ăn. Hoặc chạy bộ. Viết một cuốn sách. Hãy tự đặt ra một thỏa thuận với bản thân về một số lượng tối thiểu những sự kiện xã hội bạn phải tham gia, để đổi lại không phải cảm thấy tội lỗi khi rút lui khỏi các sự kiện khác.

Nếu con bạn là một đứa trẻ trầm tính, hãy giúp đỡ để chúng có thể ứng phó tốt với những tình huống bất ngờ hay những người chúng mới gặp lần đầu; nhưng ngoài những việc đó ra, xin hãy cứ để cho chúng là chính mình. Hãy vui mừng khi con mình có một tư duy độc đáo. Hãy tự hào bởi chúng sẽ có một lương tâm lành vững và những tình bạn trung thành. Đừng mong cho chúng biết chạy theo số đông; thay vào đó, xin hãy tạo điều kiện để chúng có thể theo đuổi đam mê của chính mình. Và hãy mừng cho con khi chúng gặt hái được thành quả từ những đam mê đó, dẫu cho chúng có là thành quả trên dàn trống của một ban nhạc, thành quả ở môn bóng mềm, hay thành quả trên những trang sách.

Nếu bạn là một giáo viên, hãy luôn trân trọng những học sinh hòa đồng, thân thiện và có ý thức tham gia cùng tập thể. Nhưng hãy đừng lãng quên cả những học sinh nhút nhát, hiền lành, thích làm việc độc lập; những em có niềm đam mê xuất phát hoàn toàn từ sở thích của bản thân với các dung dịch hóa học, với sơ đồ phân loại điểu học của loài vẹt, hay với nền nghệ thuật của thế kỷ 19. Đó chính là những nghệ sĩ, những kỹ sư, những bộ óc của tương lai.

Nếu bạn là một nhà quản lý, hãy nhớ rằng, một phần hai tới một phần ba trong số nhân lực của bạn rất có thể là những người hướng nội, bất kể là họ có thể hiện ra ngoài điều đó hay không. Hãy nghĩ thật kỹ trước khi bạn quyết định không gian làm việc của văn phòng công ty mình. Đừng mong chờ việc những người hướng nội sẽ hào hứng về những “văn phòng mở” hoàn toàn không có biên giới, hay, cũng như thế, về những bữa tiệc, hay những hoạt động xây dựng nhóm (team-building). Hãy biết dùng đúng sức mạnh của những người hướng nội—đây là những người sẽ giúp bạn trong những hoạt động phải đào sâu suy nghĩ: tư duy và phân tích, xây dựng chiến lược kinh doanh, giải quyết những vấn đề phức tạp, và tìm thấy mỏ vàng ở những nơi bạn ít ngờ tới nhất.

Và, hãy biết nhận rõ sự nguy hiểm của Tư duy Nhóm Mới. Nếu sự sáng tạo là thứ mà bạn cần, hãy yêu cầu các nhân viên của bạn làm việc một cách độc lập trước khi chia sẻ ý kiến của họ. Nếu bạn muốn trí tuệ của đám đông, hãy tập hợp họ lại qua mạng Internet, hoặc yêu cầu họ trình bày ý tưởng dưới dạng viết, và đảm bảo rằng mỗi người chỉ được biết đến ý tưởng của người khác sau khi tất cả mọi người đều đã có cơ hội được đóng góp ý kiến của riêng mình. Giao tiếp mặt-đối-mặt đúng là rất quan trọng, bởi nó xây dựng lòng tin giữa các thành viên, nhưng ảnh hưởng của đám đông cũng tạo nên những cản trở không thể tránh khỏi tới tư duy sáng tạo. Hãy sắp xếp để các nhân viên chỉ phải giao tiếp một-đối- một, hoặc trong những nhóm nhỏ, thân thiện. Đừng nhầm lẫn giữa khả năng hùng biện và sự tự tin với những ý tưởng tốt. Nếu bạn có một tập thể nhân viên xông xáo, hăng hái, chủ động (và tôi hy vọng là bạn có một tập thể như thế), hãy nhớ rằng họ có thể sẽ hoạt động tốt hơn dưới sự điều hành của một lãnh đạo hướng nội biết lắng nghe, hơn là dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của một người hướng ngoại sôi nổi thu hút và kiểm soát đám đông.

Bất kể bạn là ai, hãy nhớ đinh ninh rằng hình thức không phải bao giờ cũng hoàn toàn phản ánh nội dung. Có một số người hành xử như những người hướng ngoại, nhưng những nỗ lực đó làm tiêu tốn của họ rất nhiều năng lượng, làm sai lệch tính xác thực trong các hành động, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của họ. Những người khác có vẻ thiếu hòa đồng và ít thân thiện; chẳng cần gì đến ai; nhưng cõi tư duy của họ lại là miền đất vô cùng rộng lớn và đầy hấp dẫn. Vậy nên nếu lần tới bạn gặp một ai đó với gương mặt bình thản và một giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành; có thể ngay lúc đó, trong đầu cô ấy đang phá giải một phương trình, sáng tác một bản xô-nát, hoặc thiết kế một chiếc mũ. Cô ấy, rất có thể, đang khai phá sức mạnh của sự lặng im.

Chúng ta đã biết đến trong truyền thuyết và trong truyện cổ tích rằng có rất nhiều loại sức mạnh khác nhau trên thế giới này. Đứa trẻ này có thể được trao cho một thanh gươm ánh sáng, trong khi với đứa trẻ kia, đó lại là sự giáo dục từ một vị pháp sư tài ba. Bí quyết thực sự không phải là cố tập hợp tất cả mọi loại sức mạnh khác nhau mà bạn có thể tiếp cận, mà là sử dụng thật đúng và tốt loại sức mạnh mà bạn được thiên phú cho. Những người hướng nội là những người được trao cho chiếc chìa khóa giúp mở cánh cửa tới những khu vườn bí mật rộng lớn và màu mỡ. Sở hữu một chiếc chìa khóa như vậy cũng giống như Alice khi cô bé rơi xuống Hang thỏ. Alice không hề lựa chọn việc mình sẽ đến Xứ sở Diệu kỳ—nhưng cô bé vẫn biến chuyến đi đó trở thành một cuộc phiêu lưu mới lạ, kỳ diệu, và độc nhất của riêng mình.

Lewis Carroll cũng là một người hướng nội đấy, tiện thể bạn cũng nên biết. Nếu không có ông, chúng ta đã chẳng có “Alice ở Xứ sở Diệu kỳ”. Và nếu bạn đã đọc đến đây, thì chắc điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nữa nhỉ?

Lời đề tặng

Ông tôi là một người đàn ông với giọng nói nhỏ nhẹ và một cặp mắt hiền từ; cùng một niềm đam mê mãnh liệt với sách và những ý tưởng. Ông luôn xuất hiện trong bộ đồ comple đen, và có một cách khéo léo đến tuyệt vời để tìm thấy và khen ngợi bất cứ thứ gì đáng khen ngợi ở mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ở khu Brooklyn nơi ông phụng sự với tư cách thầy tu rabbi (một thầy đạo Do Thái), trên hè phố luôn có một hàng dài những người đàn ông với những chiếc mũ đen, những phụ nữ với váy dài chấm gối, và cả những đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép—mặc dù có thể không phải lúc nào chúng cũng như vậy. Trên đường đến nhà thờ để giảng đạo, ông tôi sẽ luôn chào những người đi qua, từ tốn khen ngợi trí thông minh của một đứa trẻ này, chiều cao của đứa kia, hay hiểu biết của một đứa khác về những tình hình thời sự. Trẻ em yêu quý ông, người kinh doanh kính trọng ông, và những kẻ lạc lối tìm đến ông.

Nhưng thứ mà ông thích làm nhất là đọc sách. Trong căn hộ nhỏ của mình, nơi kể từ sau khi góa vợ ông đã sống một mình suốt hàng chục năm, tất cả mọi đồ đạc đều phải rời bỏ công dụng ban đầu của chúng để phục vụ như những chỗ đễ chứa đựng hàng chồng sách. Ông tôi sẽ ngồi đó, dưới hàng ánh đèn huỳnh quang sáng rực rỡ bên chiếc bàn bếp, nhấp một ngụm trà Lipton và nhấm nháp một miếng bánh ngọt, với một cuốn sách để mở rộng trước mặt trên tấm khăn trải bàn trắng muốt. Trong những bài giảng đạo của mình, ông sẽ chia sẻ với các đạo hữu thành quả từ những cuốn sách mới mình đã nghiền ngẫm nghiên cứu suốt một tuần trước đó. Ông là một người nhút nhát, luôn gặp khó khăn khi phải nhìn thẳng vào mắt khán giả, nhưng luôn rất tự tin và không ngần ngại trong hành trình khai phá tôn giáo và tri thức của mình. Khi ông nói, người kéo đến đông tới độ người ta chỉ có thể đứng chen chúc trong phòng giảng đạo chật chội để được nghe ông.

Những thành viên còn lại trong gia đình tôi đều chịu ảnh hưởng từ ông. Trong nhà chúng tôi, đọc sách là hoạt động gia đình thường xuyên nhất. Cứ mỗi chiều thứ Bảy chúng tôi sẽ túm tụm với nhau lại bên những cuốn sách, trong căn phòng nghỉ của gia đình. Đó là điều tuyệt vời nhất của cả hai thế giới: Bạn có được cảm giác ấm áp an toàn khi có gia đình ở bên, nhưng bạn cũng được tung hoành khắp nơi trong mảnh đất phiêu lưu rộng lớn ngay trong chính tâm trí mình.

Vậy nhưng đến những năm sắp bước vào tuổi thành niên, tôi đã bắt đầu phải tự hỏi liệu tất cả những việc ham thích đọc sách này có đánh dấu tôi là “quá khác biệt” trong mắt mọi người khác không, một nghi ngờ có vẻ đã được xác thực trong một chuyến đi cắm trại với lớp năm tôi mười tuổi, khi tôi thấy một cô bé với cặp mắt kính dày, trán cao, kiên quyết từ chối buông quyển sách mình đang đọc xuống để tham gia cùng mọi người vào ngày đầu tiên (cũng là quan trọng nhất) của kỳ cắm trại, và ngay lập tức đã bị tẩy chay, những ngày cắm trại còn lại với cô bé ấy phải nói là một địa ngục bởi sự cách ly của xã hội. Tôi cũng cực kỳ muốn được đọc sách lúc đó, nhưng đã quyết định sẽ không chạm đến những cuốn sách mình mang theo trong balô (một việc khiến tôi cảm thấy rất tội lỗi, như thể những cuốn sách ấy cần đến tôi, và tôi đã lại bỏ rơi chúng). Tôi đã thấy cô bé cứ tiếp tục đọc đó bị coi là “mọt sách” và “nhút nhát”; những đặc điểm mà chính tôi cũng có, và biết rằng mình phải tìm cách để che giấu.

Sau kỳ nghỉ hè đó, tôi bắt đầu thấy có chút kém thoải mái hơn với sở thích đọc sách của mình. Đến cấp III, rồi đến đại học, và rồi đến khi làm một luật sư trẻ, tôi đã luôn cố gắng hết sức để khiến mình trông có vẻ hướng ngoại hơn và ít “mọt sách” hơn mình thực sự là.

Nhưng rồi khi lớn dần lên, tôi học tập từ chính tấm gương của ông mình. Ông tôi là một người trầm tính, và là một người vĩ đại. Khi ông mất ở tuổi 94, sau sáu mươi hai năm đứng sau bục giảng kinh, sở cảnh sát thành phố New York đã phải cấm tất cả mọi phương tiện lưu thông trên các con đường xung quanh khu Brooklyn nơi ông sống, để có thể có chỗ đứng cho hàng đoàn dài những người đến tiễn đưa ông lần cuối cùng. Ông hẳn sẽ phải rất ngạc nhiên nếu được biết điều này. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, một trong những điều vĩ đại nhất ở ông chính là sự khiêm tốn của mình.

Cuốn sách này được dành tặng, bằng tất cả tình yêu, đến gia đình tuổi ấu thơ của tôi. Tới mẹ của con, với lòng nhiệt thành vô bờ bến của mình về những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng bên bàn ăn; mẹ đã tặng cho chúng con tình thân gia đình ấm áp. Con thật may mắn khi đã có một người mẹ tận tâm với gia đình mình đến nhường vậy. Tới bố của con, một bác sĩ tận tụy, người đã bằng hành động của chính mình dạy cho con niềm vui khi ngồi hàng giờ bên bàn học, săn đuổi kiến thức; nhưng cũng là người sẵn sàng ngừng tay khỏi công việc, để giới thiệu với con một bài thơ yêu thích, hay một thí nghiệm khoa học hấp dẫn. Tới anh và chị của em, người tới ngày hôm này vẫn chia sẻ với em sự nồng ấm yêu thương khi được lớn lên trong gia đình nhỏ và trong căn nhà đầy không khí văn chương của chúng ta. Tới bà của con, vì sự quả quyết, dũng cảm, và tình yêu thương bà đã dạy cho chúng con.

Và để tưởng nhớ tới người ông đã khuất của con người đã nói bằng cách thật tuyệt vời của mình, ngôn ngữ của sự lặng im.

Vài ghi chú về các từ ngữ ‘Introvert’ và ‘Extrovert’

Cuốn sách này là về sự hướng nội (introversion) từ một góc nhìn văn hóa. Mối quan tâm chủ yếu của nó là về sự phân cực đã có từ rất lâu giữa “con người của hành động” (man of action) và “con người của suy nghĩ” (man of contemplation), và về việc chúng ta có thể giúp thế giới này trở nên tốt hơn đến thế nào nếu có một sự cân bằng hơn về quyền lực giữa hai loại người này. Nó chú tâm vào những người tự nhận ra mình đang nằm đâu đó trong tập hợp những phẩm chất sau: thích suy nghĩ sâu sắc, vận dụng trí óc, ham đọc sách, khiêm tốn, nhạy cảm, thận trọng, nghiêm túc, hay trầm ngâm, tinh tế khôn khéo, sống nội tâm, hướng vào bên trong, hiền lành, điềm tĩnh, thích tìm sự đơn độc, nhút nhát rụt rè, ngại mạo hiểm, dễ bị tổn thương bởi lời lên án hoặc xúc phạm (thin-skinned). “Im lặng” cũng còn là về tập hợp những người đối lập hoàn toàn với những con người kể trên nữa: những “con người của hành động”, những người sôi nổi tự tin, quảng giao, thân thiện và dễ gần, thích giao tiếp, dễ phấn khích, thích áp đảo và chi phối, mạnh mẽ quả quyết, chủ động, thích mạo hiểm, không ngại bị lên án hay xúc phạm (thick-skinned), hướng ra bên ngoài, vui vẻ nhẹ nhàng không quá nghiêm túc, gan dạ, và thoải mái khi ở vị trí trung tâm của mọi sự chú ý.

Đây là những phạm trù rất rộng lớn, tất nhiên. Rất ít cá nhân nào lại nhận diện mình hoàn toàn chỉ thuộc về một nhóm này hoặc một nhóm kia. Nhưng hầu hết chúng ta đều nhận ra những dạng người này ngay lập tức, bởi họ đóng những vai trò rất có ý nghĩa trong nền văn hóa của chúng ta.

Các nhà tâm lý học tính cách hiện nay có thể có khái niệm về sự hướng nội và hướng ngoại khác với cách tôi dùng trong cuốn sách này. Những người ủng hộ cách phân loại Ngũ Đại (Big Five) thường coi những nét tính cách như xu hướng thiên về tư duy, có một thế giới nội tâm phong phú, một lương tâm mạnh mẽ, có một vài mức độ lo lắng (đặc biệt là sự nhút nhát), và một bản chất ngại-mạo-hiểm như là những thứ thuộc về các lĩnh vực tâm lý khá tách biệt với tính hướng nội. Với họ, những đặc điểm tính cách này có thể rơi vào nhóm “mức độ cởi mở với trải nghiệm” (openness to experience), “mức độ tận tụy” (conscientiousness), và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” (neuroticism).

Cách dùng từ ngữ “hướng nội” (introvert) của tôi là cố ý dùng theo một nghĩa rộng hơn, lấy từ những kiến thức trong tâm lý học Ngũ Đại, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả những suy nghĩ của tâm lý học Jung (Jungian psycology) về thế giới nội tâm “hấp dẫn đến vô tận” và những trải nghiệm độc lập của người hướng nội; các nghiên cứu của Jerome Kagan về mức độ phản ứng và lo lắng cao (xin xem chương 4 và 5); các công trình của Elaine Aron về sự nhạy cảm trong xử lý thông tin từ thụ cảm (sensory processing sensitivity), và mối quan hệ của nó với sự tận tụy, những cảm xúc mạnh mẽ, sự hướng vào bên trong, và mức độ sâu sắc trong việc xử lý thông tin/cảm giác (xin xem chương 6); cũng như rất nhiều các nghiên cứu khác về sự kiên trì và mức độ tập trung của người hướng nội trong việc giải quyết vấn đề, rất nhiều trong số chúng đã được tóm tắt một cách tuyệt vời trong các công trình của Gerald Matthews (xin xem chương 7).

Quả thực vậy, trong hơn ba nghìn năm, nền văn minh phương Tây đã liên kết những phẩm chất trên đây với hàng loạt các tính từ. Như nhà nhân chủng học C. A. Valentine đã viết:

Các truyền thống văn hóa phương Tây bao gồm cả sự đa dạng trong con người cá nhân, thứ có vẻ đã tồn tại rất lâu, đã lan truyền và bám rễ sâu sắc trong văn hóa. Dạng thức phổ biến nhất của nó là khái niệm về “con người của hành động”, một con người thực dụng, thực tế, hoặc quảng giao, trong thế trái ngược với “con người của suy nghĩ”, kẻ tư duy, người mơ mộng, kẻ lý tưởng hóa, hoặc những cá nhân nhút nhát rụt rè. Những danh tính được dùng rộng rãi nhất gắn với truyền thống này là “người hướng ngoại” và “người hướng nội”.

Cách định nghĩa của Valentine về sự hướng nội bao gồm cả những dấu hiệu mà các nhà tâm lý hiện nay sẽ phân loại vào “mức độ cởi mở với trải nghiệm” (“kẻ tư duy”, “kẻ mơ mộng”), “mức độ tận tụy” (“lý tưởng hóa”), và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” (“những cá nhân nhút nhát rụt rè”).

Một loạt các nhà thơ, nhà khoa học, và các triết gia cũng đồng thời có xu hướng gộp các đặc điểm tính cách này lại với nhau. Suốt từ sách “Chúa sáng thế” (Genesis), cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh, chúng ta đã có Jacob thích tư duy (một “người đàn ông lặng lẽ ở trong lều”, người sau này trở thành “Israel”, nghĩa là “kẻ vật lộn với Chúa”) trong cuộc đấu anh em với người anh trai của ông, Esau hung hăng (một “thợ săn tài năng” và “con người của nơi đất rộng”). Trong quá khứ xa xưa điển hình, những người thầy thuốc Hippocrates và Galen đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng là tính cách chúng ta—và cả định mệnh của chúng ta—là một hệ quả đặc biệt của những loại dịch cơ thể của chúng ta, rằng việc có thừa máu và “mật vàng” giúp chúng ta lạc quan hoặc nóng tính (tức hướng ngoại ổn định hoặc hướng ngoại lo lắng); và việc có nhiều đờm dãi cùng “mật đen” khiến chúng ta bình tĩnh hoặc u sầu (tức hướng nội ổn định hoặc hướng nội lo lắng). Aristotle đã ghi lại rằng một tính cách hay u sầu thường đi cùng với sự nổi tiếng trong những lĩnh vực như triết học, thơ ca hay các môn nghệ thuật (ngày nay chúng ta có thể phân loại điều này vào nhóm “mức độ cởi mở với trải nghiệm”). Nhà thơ thế kỷ mười bảy John Milton khi viết Il Penseroso (“Kẻ Tư duy”) và L’Allegro (“Người Vui vẻ”) đã so sánh “con người hạnh phúc” vui vẻ ở thôn quê và hào hứng khi ở thành thị với “con người suy nghĩ” thường rảo bước trầm ngâm qua những khu rừng đêm và nghiên cứu trong những “tòa tháp cô độc”. (Lại một lần nữa, ngày nay, những lời miêu tả của Il Penseroso sẽ đúng không chỉ với tính hướng nội mà còn cả với “mức độ cởi mở với trải nghiệm” và “mức độ dễ hoảng loạn lo lắng” nữa). Triết gia người Đức thế kỷ mười chín Schopenhauer đã đối chiếu giữa những “người tinh thần tốt” (đầy sinh lực, chủ động, và dễ cảm thấy chán) với loại người ưa thích của ông, “người thông minh” (nhạy cảm, giàu trí tưởng tượng, và u sầu). “Hãy nhớ kỹ lấy điều này, tất cả những con người của hành động kiêu hãnh kia!”, người đồng hương của ông, Heinrich Heine, tuyên bố. “Tất cả các người rốt cuộc thì cũng chẳng là gì ngoại trừ là những công cụ vô thức cho những con người của tư duy!”.

Bởi vì sự phức tạp trong các cách định nghĩa này, lúc đầu tôi đã định sáng tạo ra cách gọi tên của riêng mình cho tập hợp những nét tính cách này. Sau cùng thì tôi lại quyết định không làm thế, một lần nữa cũng lại bởi vì những lý do văn hóa: các từ ngữ introvert (hướng nội) và extrovert (hướng ngoại) có lợi thế là được biết đến rộng rãi và có tính khơi gợi cao. Mỗi lẫn tôi thốt ra chúng tại một bữa tiệc tối, hoặc với một người ngồi cùng hàng ghế trên máy bay, lập tức có ngay một cơn lũ ào ạt những lời tâm sự và chiêm nghiệm đến từ họ. Cũng vì những lý do tương tự, tôi đã chọn dùng cách viết phổ thông “extrovert” thay vì “extravert”như bạn vẫn hay thấy xuất hiện nhiều trong những văn bản nghiên cứu khoa học.

Lời ghi nhận

Tôi sẽ không thể hoàn tất được Im lặng nếu không có sự giúp đỡ của vô số bạn bè, người thân trong gia đình, cũng như các đồng nghiệp, trong đó bao gồm: Richard Pine, còn được biết đến (với tôi) như “Super-Agent RSP”: người đại diện văn học (literary agent) thông minh nhất, hiểu biết nhất, và tốt bụng nhất mà một tác giả sách có thể hy vọng được làm việc với. Richard hoàn toàn tin vào Im lặng, thậm chí còn rất lâu trước cả tôi. Và anh vẫn tiếp tục giữ niềm tin đó, trong suốt 7 năm trời ròng rã mà tôi cần để tiến hành các nghiên cứu và viết nó. Tôi coi anh không chỉ như một người đại diện, mà còn là một đồng sự trong sự nghiệp của tôi. Tôi cũng đồng thời rất vui khi được làm việc với đội ngũ ở InkWell Management, trong đó có Ethan Bassoff, Lyndsey Blessing, và Charlie Olsen.

Tại nhà xuất bản Crown (Crown Publishers), tôi đã có vinh hạnh được làm việc cùng Molly Stern phi thường và tập thể nhân viên siêu-hạng của cô. Rachel Klayman thì có lẽ phải là biên tập viên xuất sắc và tận tâm nhất trong cả ngành công nghiệp xuất bản. Cô đã ở đó từ hai giờ chiều cho tới hai giờ sáng, phát hiện từng chỗ sai nhỏ trong cách lập luận và từng lỗi bé nhất trong cách diễn đạt của tôi, và đã đấu tranh cho cuốn sách này một cách không mệt mỏi. Tôi đồng thời cũng vô cùng biết ơn sự hào phóng vô cùng của Mary Choteborsky và Jenna Ciongoli, cùng với tài năng biên tập đến tuyệt vời của họ. Và tôi cũng đã rất may mắn được làm việc cùng với một biên tập viên bên ngoài như Peter Guzzardi, người có một năng lực bẩm sinh cực tốt trong việc khiến những lời phê bình nghe thật dễ chịu. Xin gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng tới tất cả các bạn. Cuốn sách này sẽ chỉ bằng một góc cái bóng của nó bây giờ nếu không có những nỗ lực của mọi người.

Cũng đặc biệt cảm ơn Rachel Rokicki và Julie Cepler cho sự sáng tạo và nhiệt tình họ đã mang tới cho mục đích của Im lặng. Và cảm ơn cả Patty Berg, Mark Birkey, Chris Brand, Stephanie Chan, Tina Constable, Laura Duffy, Songhee Kim, Kyle Kolker, Rachel Meier, Annsley Rosner, và tất cả mọi người khác nữa trong tập thể tuyệt vời ở Crown.

Tôi cũng đã hết sức may mắn được cộng tác với Joel Rickett, Kate Barker cùng toàn bộ các thành viên xuất sắc của Viking/Penguin U.K.

Những con người tuyệt vời ở TED đã trân trọng ý tưởng trong cuốn sách này, và cho tôi một cơ hội để nói về chúng tại buổi hội thảo tại TED Long Beach vào năm 2012. Tôi rất biết ơn Chris Anderson, Kelly Stoetzel, June Cohen, Tom Rielly, Michael Glass, Nicholas Weinberg và toàn thể TED team.

Brian Little, người mà các công trình tôi đã trích dẫn ở chương 9, đã trở thành một người thầy và một người bạn tuyệt vời của tôi. Tôi gặp Brian ở giai đoạn đầu trong công tác nghiên cứu của mình, khi tôi đến xin ông một cuộc phỏng vấn. Ông đã cho tôi không chỉ cuộc phỏng vấn mà cả, trong các năm sau đó, một lớp seminar của riêng tôi về tâm lý học tính cách. Tôi tự hào khi được là một trong số rất nhiều học trò và bạn của của ông.

Elaine Aron, người có công trình tôi đã trích dẫn ở chương 6, đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều với công trình cả đời của bà; và đã cho tôi rất nhiều thời gian, kiến thức, và cả các câu chuyện cuộc đời của bà nữa.

Tôi đã nhờ đến sự ủng hộ và những lời khuyên hữu ích của vô số bạn bè, trong đó có: Marci Alboher, Gina Bianchini, Tara Bracco, Janis Brody, Greg Bylinksy, David Callahan, Helen Churko, Mark Colodny, Estie Dallett, Ben Dattner, Ben Falchuk, Christy Fletcher, Margo Flug, Jennifer Gandin Le, Rhonda Garelick, Michael Glass, Vishwa Goohya, Leeat Granek, Amy Gutman, Hillary Hazan-Glass, Wende Jaeger-Hyman, Mahima Joishy, Emily Klein, Chris Le, Rachel Lehmann-Haupt, Lori Lesser, Margot Magowan, Courtney Martin, Fran và Jerry Marton, Furaha Norton, Elizabeth O’Neill, Wendy Paris, Leanne Paluck Reiss, Marta Renzi, Gina Rudan, Howard Sackstein, Marisol Simard, Daphna Stern, Robin Stern, Tim Stock, Jillian Straus, Sam Sugiura, Tom Sugiura, Jennifer Taub, Kate Tedesco, Ruti Teitel, Seinenu Thein, Jacquette Timmons, Marie Lena Tupot, Sam Walker, Daniel Wolff, và Cali Yost. Đặc biệt, đặc biệt cực kỳ cảm ơn tới Anna Beltran, Maritza Flores, và Eliza Simpson.

Tôi đặc biệt biết ơn sự kiên nhẫn của một vài trong số những người bạn lâu nhất và thân thiết nhất của tôi: Mark Colodny, Jeff Kaplan, Hitomi Komatsu, Cathy Lankenau-Weeks, Lawrence Mendenhall, Jonathan Sichel, Brande Stellings, Judith van der Reis, Rebecca và Jeremy Wallace-Segall, và Naomi Wolf, người vẫn ở gần bên tôi dù chúng tôi không có mấy thời gian trò chuyện, chứ chưa nói đến chuyện đến thăm nhau trong suốt những năm tôi viết cuốn sách này và sinh hai con của tôi.

Cám ơn cả các bạn nữa, những đồng thành viên với tôi tại Invisible Institute, những người đã thường xuyên cho tôi cảm hứng và liên tục khiến tôi kinh ngạc: Gary Bass, Elizabeth Devita-Raeburn, Abby Ellin, Randi Epstein, Sheri Fink, Christine Kenneally, Judith Matloff, Katie Orenstein, Annie Murphy

Paul, Pamela Paul, Joshua Prager, Alissa Quart, Paul Raeburn, Kathy Rich, Gretchen Rubin, Lauren Sandler, Deborah Siegel, Rebecca Skloot, Debbie Stier, Stacy Sullivan, Maia Szalavitz, Harriet Washington, và Tom Zoellner.

Cho những nguồn cảm hứng mà tôi sẽ sẵn sàng đóng hộp lại và bán nếu có thể, xin cám ơn những chủ nhân của căn nhà nhỏ tại Amagansett: Alison (Sunny) Warriner và Jeanne Mclemore. Vì lý do tương tự với Evelyn và Michael Polesny, chủ sở hữu của quán café kỳ diệu Doma Café tại Greenwich Village, nơi tôi đã viết hầu hết cuốn sách này.

Cũng đồng thời cám ơn những người đã giúp đỡ trên rất nhiều phương diện để cuốn Im lặng có thể được ra mắt độc giả: Nancy Ancowitz, Mark Colodny, Bill Cunningham, Ben Dattner, Aaron Fedor, Boris Fishman, David Gallo, Christopher Glazek, Suzy Hansen, Jayme Johnson, Jennifer Kahweiler, David Lavin, Ko-Shin Mandell, Andres Richner, JillEllyn Riley, Gretchen Rubin, Gregory Samanez-Larkin, Stephen Schueller, Sree Sreenivasan, Robert Stelmack, Linda Stone, John Thompson, Charles Yao, Helen Wan, Georgia Weinberg, và Naomi Wolf.

Tôi nợ một món nợ đặc biệt lớn với những người tôi đã trích dẫn, một vài trong số họ đã trở thành bạn của tôi: Michel Anteby, Jay Belsky, Jon Berghoff, Wayne Cascio, Hung Wei Chien, Boykin Curry, Tom DeMarco, Richard Depue, Tiến sĩ Janice Dorn, Anders Ericsson, Jason Fried, Francesca Gino, Adam Grant, William Graziano, Stephen Harvill, David Hofmann, Richard Howard, Jadzia Jagiellowicz, Roger Johnson, Jerry Kagan, Guy Kawasaki, Camelia Kuhnen, Tiffany Liao, Richard Lippa, Joanna Lipper, Adam McHugh, Mike Mika, Emily Miller, Jerry Miller, Quinn Mills, Purvi Modi, Joseph Newman, Preston Ni, Carl Schwartz, Dave Smith, Mark Snyder, Jacqueline Strickland, Avril Thorne, David Weiss, Mike Wei, và Shoya Zichy.

Còn rất nhiều, rất nhiều người nữa mà tên họ không được nhắc đến trong Im lặng, nhưng đã rất hào phóng cho tôi thời gian và hiểu biết của họ, thông qua các cuộc phỏng vấn và những phương pháp tương tự khác, và những người đã giúp thay đổi lớn các suy nghĩ của tôi: Marco Acevedo, Anna Allanbrook, Andrew Ayre, Dawn Rivers Baker, Susan Blew, Jonathan Cheek, Jeremy Chua, Dave Coleman, Ben Dattner, Matthew Davis, Scott Derue, Carl Elliott, Brad Feld, Kurt Fischer, Alex Forbes, Donna Genyk, Carole Grand, Stephen Gerras, Lenny Gucciardi, Anne Harrington, Naomi Karten, James McElroy, Richard McNally, Greg Oldham, Christopher Peterson, Lise Quintana, Lena Roy, Chris

Scherpenseel, Hersh Shefrin, Nancy Snidman, Sandy Tinkler, Virginia Vitzthum, E. O. Wilson, David Winter, và Patti Wollman. Xin cám ơn tất cả.

Trên tất cả tôi cám ơn gia đình mình: Lawrence và Gail Horowitz, Barbara Schnipper, và Mitchell Horowitz, những người tôi đã viết về trong Lờ i đề tặng ; Lois, Murray, và Steve Schnipper, những người đã khiến thế giới này trở thành một nơi ấm áp hơn; Steve và Gina Cain, những người anh chị em tuyệt vời của tôi tại bờ Tây, và người không ai sánh bằng, Heidi Postlewait.

Đặc biệt cám ơn tới Al và Bobbi Cain, những người đã cho tôi những lời khuyên, các địa chỉ liên lạc, và những tư vấn chuyên môn quý giá trong quá trình tôi viết và nghiên cứu, và là những người đã liên tục khiến tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ là một người thông gia tận tâm và hỗ trợ cho một người trẻ nào đó như họ đã làm với tôi vậy.

Và cho Gonzo yêu thương của tôi (a.k.a. Ken), người có thể là kẻ hào phóng nhất trên Trái Đất, và cũng là người bảnh bao nhất. Trong suốt những năm tôi viết cuốn sách này, anh đã biên tập bản thảo giúp tôi, mài sắc các ý tưởng giúp tôi, pha trà cho tôi, chọc cho tôi cười, mang cho tôi sôcôla, chăm sóc vườn cây của chúng tôi, làm lộn tung cả thế giới của anh lên để tôi có thời gian viết lách, giữ cho cuộc sống của chúng tôi luôn rực rỡ và vui tươi, và đã đưa chúng tôi biến khẩn cấp khỏi Berkshires. Anh cũng, tất nhiên, cho tôi Sammy and Elishku, những “kẻ” đã chất đầy ngôi nhà chúng tôi với xe tải đồ chơi, và chất đầy trái tim chúng tôi bằng tình yêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.