Rượu độc lóng lánh

Chương 19



Bà Rees-Talbot không thể tin vào mắt mình:

– Ôi ông đại tá đây à? Tôi không gặp lại ông từ lâu quá rồi! Chính xác là từ khi ông biến mất một cách bí ẩn ở Allahabad ? ông có việc gì đến đây? Đừng nói là ông đến đây để thăm tôi, tôi không tin đâu! Ông đâu phải người có thời gian để đi lại thăm nom. Hãy cho tôi biết và không cần nghi lễ ngoại giao đâu, tôi xin ông đấy!

– Các nghi lễ đó thì có ích gì đối với bà, Mary thân mến, tôi vẫn biết thế. Tôi biết là bà đọc được cả suy nghĩ trong đầu người khác!

Thôi đừng khen ngợi nữa, tôi xin ông và hãy vào vấn đề chính đi!

Race mỉm cười:

– Tôi đến đây vì cô hầu phòng, tên cô ấy là Betty Archdale phải không?

– Đúng vậy! Ông đừng có nói cô gái đó là một người lao động đặc biệt và một nữ điệp viên tầm cỡ quốc tế vì tôi sẽ không tin đâu?

– Không có chuyện đó!

– Và cũng đừng nói là cô ta làm việc cho Cụộc tình báo Anh vì tôi cũng không tin đâu!

– Chúng ta hoàn toàn nhất trí với nhau. Cô gái đó chỉ là một cô hầu phòng không hơn không kém!

– Ông quan tâm đến những cô hầu phòng bình thường từ bao giờ vậy? Không hẳn là bình thường vì Betty rất tinh tế và ranh mãnh. Ông cần gì ở cô ấy?

– Tôi nghĩ rằng cô ta có thể cho tôi vài thông tin mà tôi cần.

– Nếu ông hỏi cô ta một cách khôn khéo thì ông sẽ nhận được tin tức, cô ta luôn đứng ngay cạnh cửa khi có việc gì đó thú vị cần nghe. Ngoài ra thì “M” có thể làm giúp ông việc gì?

– “M” có thể mời tôi uống chút gì đó và vì vậy bấm chuông gọi Betty đến để ra lệnh.

– Và khi Betty mang đồ uống đến, “M” có thể lặng lẽ lui ra…

– Và đứng rình nghe ở cửa phải không?

– Nếu thấy thích.

– Và liệu bà ấy sẽ nghe được tin tức gì? Tin tức giật gân về cuộc khủng hoảng cuối cùng ở châu Âu.

– Tôi cho là không. Đây không phải là chuyên chính trị.

– Vậy thì tôi thất vọng đấy!: Nhưng thôi mặc kệ! Tôi vẫn vào cuộc.

Bà Rees-Talbot: một phụ nữ tóc nâu khả ái chỉ hơn 40 tuổi một chút, gọi cô hầu phòng lên để ra lệnh. Hai phút sau, cô Betty Archdale trẻ đẹp quay lại phòng, mang theo một cái khay trên có Whisky-Soda cho đại tá.

Bà Rees-Talbot báo cho Betty biết là đại tá muốn hỏi cô ta vài câu rồi đi ra.

Betty nhìn người đàn ông cao lớn tóc bạc vẻ rụt rè. Cô ta thấy không thoải mái lắm, có cái gì đấy bồn chồn trong mắt cô.

Race cầm cốc, mỉm cười, bắt đầu câu chuyện:

– Cô đã đọc báo hôm nay chưa?

– Rồi ạ, thưa ông.

– Cô đã thấy ông Barton đã chết tối qua. Ở Luxembourg , một quán rượu, rồi chứ?

– Rồi ạ, thật là buồn!

Mắt cô ta long lanh lên chứng tỏ cô nghĩ điều ngược lại.

– Cô đã làm việc ở nhà ông ấy phải không?

– Vâng, thưa ông. Tôi đã đi khỏi đó mùa đông năm ngoái sau cái chết của bà chủ.

– Cũng chết như ông chủ ở Luxembourg phải không?

– Vâng. Cũng hay phải không ông?

“Hay” chưa hẳn là chính xác nhưng ông hiểu cô ta muốn nói gì.

– Tôi thấy là cô thông minh lắm. Ông nghiêm nghị nói.

Cô ta cười, thích chí và hỏi:

– Cả ông ta cũng đã bị giết à? Tờ báo không nói chính xác…

– Tại sao cô lại nói là “cũng”? Cuộc điều tra về cái chết của bà Barton đã kết luận là bà ta tự sát.

Cô ta liếc mắt nhìn ông. Tất nhiên. Ông ta không còn trẻ nữa nhưng vẫn rất tráng kiện. Một người trầm tĩnh. Một người quân tử đích thực! Chỉ tội ông ta định đi đến đâu?

– Vâng, cô nói, cuộc điều tra đã kết luận là tự sát.

– Nhưng cô, cô không tin điều đó à?

– Không, thưa ông, không bao giờ!

– Thế thì tại sao?

Cô ta lưỡng lự, tay mân mê cái tạp dề.

– Hãy nói cho tôi, Betty! Điều đó có thể rất quan trọng đấy!

Cô thấy ông có giọng trầm tuyệt hay, ông rất lịch sự, nói năng nhã nhặn. Ông cho cô cảm giác thấy mình là quan trọng và cô muốn làm ông hài lòng. Vả lại trong cái chết của Rosemary, cô chả có gì đáng trách cả. Cô đã nghĩ là cô muốn nhưng chưa nói ra với ai.

– Người ta đã giết bà ấy, thưa ông. Ông không nghĩ thế à?

– Điều ấy rất có thể. Cái gì làm cô nghĩ vậy?

– Đấy là vì một mẩu đối thoại mà tôi đã vô tình nghe được.

– Thế à? Thật thú vị!

Được khuyến khích bởi giọng nói thân mật, cô kể tiếp:

– Cánh cửa đã không đóng hẳn. Tôi nói thế vì tôi không muốn rằng ông nghĩ tôi nghe trộm! Tôi đang đi trong hành lang đến phòng ăn để sắp đặt một số đồ dùng bằng bạc mà tôi đang mang trên khay. Họ đã nói rất to… Đấy là bà Barton đang nói với ông Anthony Browne, bà ấy biết rằng đây không phải là tên thật của ông ta… Vậy là ông ấy đột ngột trở nên rất hung tợn! Tôi đã không thể tin đó là ông ấy vì bình thường ông ấy rất tốt bụng và ôn hoà. Ông ấy nói là ông ấy sẽ rạch mặt bà ta bằng mũi dao nếu không nghe theo lời ông ấy và bà ta cũng đừng quên rằng bà ta cũng có thể sẽ bị “hạ gục”. Vậy đấy thưa ông, tôi không bịa ra chút nào đâu? Sau đó điều gì đã xảy ra thì tôi không biết vì cô Iris đang đi xuống cầu thang và tôi phải đi tiếp. Lúc đó tôi đã rất bất ngờ, rồi sau đó khi người ta nói rằng bà ấy đã bị hạ sát và ông ấy cũng đã dự bữa tiệc thì tôi thấy lạnh cả sống lưng!

– Nhưng cô đã không nói gì cả à?

– Tôi không muốn liên quan đến cảnh sát. Điều tôi biết chắc đã có ích gì? Vả lại biết đâu nếu tôi nói thì ông ta cũng “hạ gục” tôi. Hoặc là cho đi dạo mát trong ô tô… Một cuộc “dạo chơi” mà không có đường về?

– Tôi hiểu cô, Betty.

Vẫn bằng giọng thân mật ông hỏi tiếp:

– Và vì thế mà cô đã gửi một lá thư nặc danh cho ông Barton phải không?

Cô ta sững sờ vẻ không hiểu.

– Ông nói gì vậy: Một lá thư nặc danh? Tôi ư? Không bao giờ!

– Đừng sợ. Betty, tôi hiểu cô rất rõ và ý nghĩ cũng không tồi. Cô báo cho anh ta mà không để lộ mặt. Rất khéo léo?

– Nhưng tôi không viết cho ông ta? Tôi thậm chí còn không nghĩ tới. Ông muốn nói là tôi viết cho ông Barton để báo rằng vợ ông ấy đã bị giết à?

– Tôi thề rằng điều đó chưa bao giờ tôi nghĩ tới?

Cô ta nói với vẻ quả quyết đến nỗi ông thấy lung lay. Thật đáng tiếc vì điều đó thật “khớp”! Tất cả đều được giải thích rõ ràng nếu cô ta là tác giả của bức thư? Nhưng cô ta phủ định và cô có vẻ rất chân thành. Cô ta không bực bội, không bối rối nhưng cô ta quả quyết rằng không dính dáng gì đến lời cánh báo mà Barton nhận được. Hơi tiếc nhưng ông thấy phải tin lời cô ta.

Ông chuyển câu chuyện sang hướng khác.

– Cô đã nói với ai về điều đã nghe thấy?

– Không ai cả, thưa ông. Tôi nghĩ là tốt nhất không nên nói gì và tôi đã cố quên đi. Chỉ một lần duy nhất tôi buột mồm là khi tôi xin nghỉ việc ở chỗ bà Drake. Bà ấy làm tôi không chịu nổi và nói nhiều quá mức, bà ấy lại còn muốn tôi đi cùng để chôn vùi ở nông thôn, trong cái xó ấy chẳng có cả ô tô lẫn tàu hoả! Tôi thà bỏ việc còn hơn. Tức giận, bà ấy nói rằng sẽ cho tôi một bản chứng nhận tồi, rằng tôi đã đánh vỡ những gì và trả lời ra sao! Lúc đó để cho bà ấy biết tôi chả coi bà ấy ra gì, tôi đã nói rằng tôi sẽ tìm được một chỗ lắm việc mà ở đó các ông bà chủ sẽ không bị “chầu trời” như thế. Ngay lập tức tôi đã thấy là đã quá lời nhưng tôi lại yên tâm vì bà ta có vẻ không để ý… Ông nói rằng đáng lẽ tôi nên nói ra vào lúc đó nhưng biết đâu điều tôi biết lại là nói đùa thì sao? Nhiều lần, để vui vẻ họ đã nói lăng nhăng đủ điều và ông Browne rất thích cười đùa… Không, thưa ông, tôi thật khó nói ra. Ông không thấy thế à?

Ông đồng tình.

– Bà Barton đã cho rằng tên thật của ông ta không phải là Anthony Browne. Vậy bà ta có nói đến cái tên thật đó không?

– Có. Và ông ta đã nói là bà ta phải quên cái tên đó đi, cái tên Tony. Tony gì nhỉ? Tôi không nhớ nữa. Một cái tên buồn cười, làm tôi nghĩ đến lột loạt mứt anh đào…(1)

– Tony Cerisay? Hay Cerisier

– Không. Một cái tên lạ hơn thế và nó bắt đầu bằng chữ M.

– Đứng tìm nữa Betty, cô sẽ nhớ lại vào lúc nào đó và cho tôi biết. Đây là danh thiếp của tôi. Nếu cô nhớ lại cái tên hãy viết cho tôi theo địa chỉ này.

Ông đưa cho cô ta cái danh thiếp kèm theo một tờ giấy bạc.

– Xin cảm ơn ông và hãy tin tưởng ở tôi.

Cô ta đi ra và tự nhủ rằng cô đã không nhầm, cô đã được làm quen với một người quân tử; ông đã cho cô hẳn một bảng trong khi cô chỉ mong có 10 si ling.

– Thế nào, bà Rees-Talbot hỏi khi trở lại phòng khách, ông hài lòng chứ?

– Rất hài lòng. Chỉ còn một vấn đề nhỏ làm tôi áy náy nhưng tôi hy vọng bà sẽ giúp tôi giải quyết.

– Bà có biết một cái tên người nào mà lại làm cho ta nghĩ đến một loại mứt anh đào không?

– Câu hỏi lạ thật!

– Hãy nghĩ đi. Mary! Tôi thì tôi không thạo việc bếp núc. Đây là một loại mứt quả cụ thể là mứt anh đào?

– Người ta không hay làm loại đó.

– Tại sao vậy?

– Vì nó thường quá ngọt, nếu không được làm từ loại anh đào được xử lý đặc biệt, như loại anh đào Morelli.

– Chúng ta tìm ra rồi! Ông kêu lên. Tôi cuộc là chúng ta đã tìm ra!

Ông đứng lên.

– Tạm biệt. Mary! Tôi vô cùng biết ơn bà! Bà cho phép cô hầu phòng tiễn tôi chứ?

Ông đi thẳng ra cửa.

– Đi đi kẻ phụ bạc! Bà nói với theo. Nhưng ít nhất cũng nói cho tôi có chuyện gì chứ?

– Tôi hứa sẽ đến kể cho bà vào một hôm khác!

Betty đợi ông ở chân cầu thang. Cô giúp ông mặc áo khoác, đưa mũ và gậy cho ông rồi theo ông ra đến cửa. Ông dừng lại trên ngưỡng cửa:

– Betty, cái tên đó có phải là Morelli không?

Mặt cô sáng lên:

– Đúng vậy, thưa ông! Đúng hơn là Morelli. Tony Morelli, đấy là cái tên mà ông ta đã nói bà ta phải quên đi. Lúc nãy tôi không nghĩ ra là ông ta nói ông ta đã ở tù nữa?

Ông đi ra và mỉm cười.

Ông vào trạm điện thoại đầu tiên và gọi cho Kemp.

Cuộc nói chuyện rất ngắn gọn.

– Đồng ý, – Kemp nói để kết luận – Tôi sẽ đánh điện ngay. Chúng ta sẽ xác định trong thời gian ngắn và tôi sẽ thấy nhẹ người nếu ông đã thấy đúng!

– Chúng ta sẽ chờ xem, – Race nói. – Nhưng tôi hy vọng thế và tôi nghĩ rằng tôi bắt đầu thấy rõ sự việc.

Chú thích:

(1) Anh đào: tiếng Anh là Cerise.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.