Sao Chiếu Mệnh

Chương 19



Gian phòng vũ hội của khách sạn Waldorf Astoria đông chật những người bảo trợ của Hội trường Carnegie. Lara nhớ lại cuộc đàm thoại vài ngày trước đó

– Chào cô Cameron, tôi là Phillip Adler. Cổ họng nàng đột nhiên khô lại.
– Tôi xin lỗi là đã không cảm ơn cô ngay được về việc cô góp một khoản tiền cho Quỹ. Tôi mới ở châu Âu về nên bây giờ mới biết tin.

– Tôi rất vinh hạnh được đóng góp vào Quỹ, – Lara nói. Nàng cố kéo dài cuộc đàm thoại để được nghe giọng nói của chàng. – Và… và thật ra tôi còn muốn biết thêm về hoạt động của Quỹ. Tôi có thể gặp ông trao đổi về việc đó được không, thưa ông Adler?

Đầu dây bên kia im lặng một lúc.

– Sắp có bữa tiệc từ thiện ở khách sạn Waldorf vào tối thứ Bẩy này. Ta có thể gặp nhau tại đó. Cô có rảnh tối hôm ấy không, thưa cô Cameron?

Lara liếc nhanh vào lịch làm việc. Tối thứ Bảy nàng đã hẹn dùng bữa với chủ nhà băng Texas. Nàng quyết định rất nhanh.

– Được. Tôi rất vui được đến đó.

– Tuyệt vời. Tôi sẽ để sẵn một giấy mời cho cô ở chỗ người soát vé. Lúc đặt điện thoại xuống, Lara mặt mày rạng rỡ.
Lara không thấy Phillip Adler đâu. Nàng đi khắp cả gian phòng rộng, lắng nghe những câu chuyện bàn tán của mọi người. Họ bàn luận, bình phẩm về Stravinsky, Bartok, Chopin… bằng thứ ngôn ngữ Lara không hiểu. Kia rồi? Nàng đã nhìn thấy Phillip đang bị vây chặt giữa những người hâm mộ chàng.

Lara lách qua đám đông. Một cô gái trẻ đang nói:

– Lúc ông đàn bản Sônát si bêmol thứ, tôi tưởng như Rachmaninoff đang mỉm cười. Tiếng đàn của ông, những luyến láy đúng là kỳ diệu… Kỳ diệu – Cảm ơn, – Phillip cười. Và chàng đã nhìn thấy Lara.

– Ôi, xin lỗi. – Chàng nói.

Chàng bước đến chỗ nàng đứng, nắm bàn tay nàng. Sự đụng chạm hai làn da làm Lara rạo rực.

– Chào cô Cameron. Rất mừng thấy cô đến.

– Cảm ơn, – nàng nhìn xung quanh. – Ở đây đông người quá.

– Đúng vậy, – chàng nói. – Tôi thấy rõ cô yêu nhạc cổ điển, đúng thế không, thưa cô Cameron? Lara nghĩ đến những bản nhạc nàng quen nghe hồi nhỏ. Toàn là những ca khúc hoặc nhạc Jazz.
– Ồ vâng, – nàng nói. – Cha tôi dạy tôi yêu nhạc cổ điển.

– Một lần nữa tôi xin cảm ơn cô về sự hảo tâm.

– Quỹ của ông có mục đích rất cao quý. Tôi muốn được biết thêm về tôn chỉ, hoạt động của Quỹ. Nếu như…

– Ôi, Phillip yêu quý. – Đám người hâm mộ lại bâu lấy chàng. Lara cố nói to để chàng nghe thấy được.

Nếu như ông rảnh một buổi tối nào đó trong tuần tới? – Phillip lắc đầu:

– Rất tiếc. Mai tôi phải bay sang Rome. Lara đột nhiên thấy hụt hẫng.
– Nhưng ba tuần nữa tôi sẽ có mặt ở đây. Có thể đến lúc đó…

– Tốt quá! – Lara nói.

– Ta sẽ dành một buổi tối trao đổi về âm nhạc cổ điển… Lara cười:
– Vâng. Tôi sẽ rất nóng lòng mong đến ngày đó.

Câu chuyện giữa họ bị hai ông trung niên đến cắt ngang. Một người buộc tóc sau gáy, một người đeo máy nghe ở một bên tai.

– Phillip? Anh phân xử hộ cho vụ này. Lúc anh đàn Liszt, anh coi thứ nào quan trọng hơn: gõ phím mạnh để tạo mầu sắc hay lướt nhẹ để tạo thanh thoát?

Lara không hiểu họ nói chuyện gì. Họ tranh luận rất lâu và nàng nhận thấy vẻ sôi nổi trên khuôn mặt Phillip lúc chàng nói và nàng thầm nghĩ. Đó là thế giới của chàng. Mình phải cố gắng để đi vào được thế giới ấy.

Sáng hôm sau, Lara đến Trường nhạc Manhattan. Nàng nói với bà thường trực ở quầy tiếp tân.
– Tôi muốn gặp một giáo sư âm nhạc.

– Cụ thể là ai?

– Tôi chưa biết nên gặp ai.

– Thôi được. Cô chờ cho một lát, – bà nhân viên sang một phòng khác. Vài phút sau, một người đàn ông tóc hoa râm, nhỏ thó ra tiếp.
– Chào cô, tôi là Leonard Meyers. Tôi có thể giúp gì được cô?

– Tôi muốn đi vào âm nhạc cổ điển.

– Vậy là cô muốn vào học? Cô chơi nhạc cụ gì?

– Tôi không chơi đàn. Tôi chỉ muốn học để hiểu âm nhạc cổ điển thôi.

– Tôi e cô đến không đúng chỗ rồi. Đây là trường dạy cho những người mới học.

– Tôi xin trả ông năm ngàn đô- la để ông dành cho tôi hai tuần lễ. Giáo sư Meyers sa sầm nét mặt:
– Tôi rất tiếc thưa cô… À, xin lỗi, tôi chưa được biết quý danh.

– Tôi là Cameron. Lara Cameron.

– Cô muốn trả tôi năm ngàn đô- la để tôi trao đổi với cô về âm nhạc cổ điển trong hai tuần lễ? – Ông ta lắp bắp mãi mới nên lời.

– Vâng, đúng thế. Giáo sư có thể dùng số tiền đó làm gì tùy ý. Có thể tặng cho quỹ học bổng chẳng hạn.

Giáo sư Meyers hạ thấp giọng:

– Điều đó không cần thiết. Đây chỉ là chuyện giữa tôi và cô, được chứ, cô Cameron?

– Vâng, được.

– Vậy bao giờ… bao giờ cô muốn bắt đầu?

– Ngay bây giờ.

– Bây giờ tôi đang lên lớp. Nhưng thôi được. Cô đợi cho năm phút. Lara và giáo sư Meyers ngồi trong phòng học bỏ trống.
– Ta đi từ đầu. Cô đã biết gì về âm nhạc cổ điển chưa?

– Ít lắm.

– Tôi hiểu. Vậy thì… có hai cách để hiểu nhạc cổ điển, – giáo sư bắt đầu nói. – Nhận thức bằng óc và cảm bằng tim. Có người đã nói, nhạc gợi lên cho người nghe những cảm xúc thầm kín mà bình thường họ không thấy được. Những nhà soạn nhạc thiên tài làm được công việc đó.

Lara chăm chú lắng nghe.

– Cô có quen nghe nhạc của một nhạc sĩ sáng tác nào không, cô Cameron? Lara mỉm cười:
– Ít lắm.

Vị giáo sư cau mày:

– Nếu quả vậy thật tôi chưa hiểu tại sao cô lại quan tâm đến nó?

– Tôi muốn có những hiểu biết cơ bản để có thể trò chuyện với một nhạc công chuyên nghiệp về nhạc cổ điển. Tôi… tôi đặc biệt quan tâm đến đàn piano.

– Tôi hiểu, – giáo sư Meyers suy nghĩ một lát. – Tôi sẽ hướng dẫn cô cách bắt đầu. Cô hãy nghe một số đĩa.

Ông đến tủ, lấy xuống một số đĩa hát compact.

– Ta bắt đầu bằng đĩa này. Tôi muốn cô nghe cẩn thận đoạn allegro trong bản Concerto dành cho piano của Mozart số 21 gam đô, số hiệu K.467 và đoạn adagio trong bản Concerto sô 2 gam đô thứ dành cho piano của Rachmaninoff, số hiệu 18, và cuối cùng là đoạn romanze trong bản Concerto số 1 của Chopin dành cho piano. Tất cả đều đã được đánh dấu.

– Vâng.

– Cô có thể đem về nhà nghe và vài ngày nữa mời cô quay lại đây…

– Mai tôi sẽ quay lại.

Hôm sau, lúc Lara đến Trường nhạc, nàng đem theo nửa tá đĩa các bản Concerto và Rectal do Phillip Adler đàn.

– Hay lắm! – Giáo sư Meyers nói. – Nhạc sư Adler thì nhất rồi. Cô thích nghệ thuật trình diễn của ông ta lắm phải không?

– Vâng.

– Nhạc sư Adler có in khá nhiều đĩa sonat do ông ta biểu diễn.

– Sonat?

Giáo sư Meyers thở dài:

– Cô không hiểu thế nào là sonat ư, cô Cameron?

– Tôi e là không.

Sonat là nhạc phẩm có nhiều loại tiết tấu và lấy một mô hình âm nhạc nhất định làm nền tảng. Và khi mô hình đó được ứng dụng vào nhạc phẩm cho một cây đàn độc tấu, thí dụ piano hoặc violon thì nhạc phẩm đó gọi là sonat. Còn giao hưởng là sonat dùng cho toàn bộ dàn nhạc.

– Tôi hiểu, – Thì ra phạm vi hiểu biết để tiếp thu âm nhạc cũng không đến nỗi mênh mông lắm. Cây đàn piano thoạt đầu được hiểu là piano – forte, tiếng Italia có nghĩa là “dịu dàng và mạnh”…
Hai thầy trò dùng mấy ngày tiếp theo vào việc phân tích những đĩa do Phillip biểu diễn nhạc của Beethoven, Liszt, Bartok, Mozart, Chopin.

Lara lắng nghe, thấm từng lời và ghi nhớ.

– Ông ấy thích Liszt. Giáo sư nói tôi nghe về Liszt đi.

Và cứ thế, giáo sư Meyers kể dần với nàng về Liszt, Beethoven, về Chopin và những nhạc sĩ thiên tài khác. Ông giảng cho nàng hiểu đặc điểm tính cách và những giá trị sáng tạo của từng nhà soạn nhạc, về sự khác nhau giữa họ.

Một lần giáo sư Meyers giảng cho nàng tỉ mỉ về đặc điểm của nghệ thuật trình diễn, tất nhiên chủ yếu về cây đàn piano. Ông nói:

– Có sự khác nhau giữa các nhạc công piano Pháp và nhạc công piano Mỹ. Người Pháp thích rõ ràng, trong sáng, lịch sự, còn người Mỹ thích truyền cảm.

Và những lời giảng của giáo sư đều kèm theo thí dụ cụ thể trên đĩa. Hai thầy trò vừa trao đổi, vừa nghe. Cuối tuần lễ thứ hai, giáo sư Meyers nói:

– Tôi phải thú nhận rằng tôi đã rất ngạc nhiên. Cô là người học trò chăm chỉ, thông minh và thật sự tha thiết muốn hiểu biết, cô Cameron. Có lẽ cô nên học một thứ nhạc cụ nào đó chăng?

Lara cười vang:

– Ta không nên đi quá xa, – nàng đưa giáo sư tấm ngân phiếu. – Xin cảm ơn giáo sư. Nàng không thể ngồi nhà chờ cho đến lúc Phillip quay về New York được


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.