Sát Nhân Mạng

CHƯƠNG 3



Đó thật sự là một cú hack hay ho.
Nhưng không hề khó khăn như hắn đã nghĩ.
Phate – cái tên giả danh của hắn, theo đúng kiểu đánh vần của hacker là Ph chứ không phải F – giờ đang lái xe về căn nhà ở Los Altos, nằm trong trung tâm Thung lũng Silicon.
Hắn đã bận rộn cả buổi sáng hôm nay: Hắn đã vứt bỏ chiếc xe tải màu trắng với vệt ố màu máu mà hắn lợi dụng để khơi lên nỗi sợ hãi hoang mang trong lòng Lara Gibson ngày hôm qua. Và hắn đã quẳng đống đồ hóa trang – mái tóc tết lọn, chiếc áo khoác dã chiến và kính râm trong vai kẻ theo dõi và bộ đồ của nhân viên công ty máy tính vô hại dành cho vai diễn Will Randolph, anh họ của Sandy Hardwick.
Giờ thì, hắn là một kẻ hoàn toàn khác. Tất nhiên, không phải tên thật hay nhân dạng thật của hắn – Jon Patrick Holloway, chào đời cách đây hai mươi bảy năm ở Upper Saddle River, New Jersey. Không, lúc này hắn là một trong sáu hay bảy nhân vật hư cấu mà hắn mới tạo ra. Với hắn, họ như những người bạn, có đủ bằng lái xe, thẻ nhân viên, thẻ an sinh xã hội và tất cả các giấy tờ cần thiết không thể thiếu để xác nhận danh phận trong thời buổi này. Thậm chí hắn còn phân vai cho các nhân vật của mình bằng giọng nói và các nhân cách khác nhau mà hắn cần cù luyện tập.
Bạn muốn là ai nào?
Câu trả lời của Phate cho câu hỏi này là: Giống với bất cứ ai trên thế giới này.
Nhớ lại vụ hack Lara Gibson, hắn thấy thật quá dễ dàng để tiếp cận người quá tự hào về việc bản thân là nữ hoàng tự vệ chốn thành thị.
Và đã đến lúc nâng mức chơi lên một chút rồi.
Chiếc Jaguar của Phate di chuyển chậm rãi trong làn giao thông dày đặc buổi sáng trên đại lộ Interstate 280 và Junipero Serra Highway. Hướng về dãy núi phía tây nhấp nhô trong làn sương mù mờ ảo đang trôi về hướng Vịnh San Francisco. Những năm gần đây, hạn hán đã biến thung lũng trở nên cằn cỗi, nhưng hầu như cả mùa xuân năm nay, hôm nay chẳng hạn, trời lại mưa và khắp nơi là một màu xanh bát ngát của cỏ cây hoa lá. Nhưng đối với Phate, khung cảnh tươi đẹp ấy chẳng hề quyến rũ chút nào. Hắn đang nghe một vở kịch trên chiếc máy phát CD – Cái chết của một người bán hàng (Death of a Salesman). Đó là một trong những vở kịch yêu thích của hắn. Đôi lúc, miệng của hắn mấp máy theo lời thoại (hắn thuộc tất cả các phần).
Mười phút sau, lúc 8:45, hắn lái xe vào trong gara của căn hộ riêng bề thế tại khu đô thị Stonecrest bên đường El Monte Road ở Los Altos.
Hắn đỗ xe, rồi đóng cửa lại. Hắn để ý thấy một giọt máu hình dấu phẩy của Lara Gibson trên sàn nhà sạch bong. Quá bất cẩn vì đã để sót vệt máu này, hắn lẩm nhẩm tự trách mình. Hắn lau chùi vết máu rồi bước vào trong, đóng cánh cửa và khóa lại.
Căn nhà vẫn còn mới, chỉ khoảng sáu tháng, và vẫn còn phảng phất mùi keo trên thảm cùng mùi sơn rất thơm.
Nếu những người hàng xóm đến thăm để chào hỏi và đứng ở hành lang phía trước, nhìn vào phòng khách, họ sẽ thấy những thứ thường có trong cuộc sống thoải mái của một gia đình trung lưu, nhờ số tiền mà ngành tin học mang lại cho nhiều người ở thung lũng này.
Chào, rất vui được gặp cô… Vâng, đúng thế, mới chuyển tới tháng trước thôi… Tôi đang làm cho một công ty mạng mới thành lập ở Palo Alto. Họ đón tôi và nửa đống đồ đạc từ Austin đến trước, Kathy và lũ trẻ sẽ tới đây vào tháng Sáu sau khi năm học kết thúc… Họ đấy. Bức ảnh này được chụp trong kỳ nghỉ ở Florida vào tháng Một. Troy và Brittany. Thằng bé bảy tuổi rồi. Còn con bé thì sẽ tròn năm tuổi vào tháng tới.
Trên bệ lò sưởi, bàn cà phê cùng bàn ghép so-fa đắt tiền là hàng tá ảnh của Phate chụp cùng một người phụ nữ tóc vàng, đang làm dáng trên bãi biển, cưỡi ngựa, ôm nhau trên đỉnh núi ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, và nhảy múa trong lễ cưới của họ. Các bức ảnh khác chụp hai vợ chồng với lũ nhóc. Các kỳ nghỉ, luyện tập bóng đá, Giáng sinh, Lễ Phục sinh.
Anh biết đấy, tôi cũng muốn mời anh ăn tối hoặc đi đâu đó nhưng công ty mới này bắt tôi làm việc như điên vậy… Tốt nhất là đợi đến khi cả nhà tôi đến đây. Kathy thực sự là một nhà hoạt động xã hội tài ba… Và một đầu bếp tuyệt vời nữa, hơn tôi rất nhiều. Được rồi, bảo trọng nhé!
Và những người hàng xóm có thể chào đón anh ta bằng những chai rượu, bánh quy hay những cây thu hải đường rồi quay về nhà, mà không bao giờ có thể đoán ra rằng, ở trình độ tối cao của kỹ thuậtsocial engineering đầy sáng tạo, tất cả những gì hắn dựng nên chỉ là giả, như kịch bản một bộ phim vậy.
Giống những bức ảnh hắn đã cho Lara Gibson xem, chúng được tạo ra từ máy tính của hắn: Mặt hắn được ghép vào thay thế khuôn mặt của người mẫu nam, còn mặt của Kathy là khuôn mặt phụ nữ bất kỳ được cóp từ một người mẫu trong Self. Những đứa nhóc thì từ tờ Vogue Bambini. Cả căn nhà cũng chỉ là bề ngoài, phòng khách và hành lang là nơi duy nhất có đồ đạc (để lừa gạt những kẻ ngốc ngếch chỉ đứng ở ngưỡng cửa). Trong phòng ngủ có một chiếc giường nhỏ và cái đèn bàn. Trong phòng ăn – phòng làm việc của Phate, chỉ có một chiếc bàn, đèn, hai chiếc máy tính xách tay, và một chiếc ghế văn phòng. Trong tầng hầm…, chà, tầng hầm thì chứa một vài thứ khác, nhưng chắc chắn chúng không được dùng để trưng bày.
Nếu cần thiết, khi hắn biết khả năng đó có thể xảy ra, hắn có thể bước ra khỏi cánh cửa ngay tức khắc, vứt bỏ mọi thứ. Tất cả những vật sở hữu quan trọng – những linh kiện quan trọng, những chiếc máy tính cổ lỗ sỹ mà hắn sưu tập, chiếc máy tạo thẻ căn cước, những bộ phận siêu máy tính mà hắn mua bán để kiếm lời nằm trong một nhà kho cách đó hàng dặm. Và chẳng có gì ở đây có thể dẫn cảnh sát tới địa điểm ấy.
Giờ hắn bước tới phòng ăn và ngồi xuống bàn, bật máy tính lên.
Màn hình bừng sáng, dòng gợi ý C:… nhấp nháy trên màn hình, sự xuất hiện của ký hiệu nhấp nháy ấy khiến Phate như được hồi sinh.
Mày muốn là ai nào?
Chà, lúc này, hắn không còn là Jon Patrick Holloway hay Will Randolph, Warren Gregg, James L. Seymour hoặc bất cứ ai trong số các nhân vật mà hắn đã tạo ra. Giờ hắn là Phate. Không còn là nhân vật tóc vàng, cao một mét tám với thân hình nhẹ nhàng, trôi nổi vô định giữa những ngôi nhà, cửa hàng, những chiếc máy bay 3D hay vỉa hè bê tông trên đường cao tốc với bãi cỏ màu nâu có hàng rào sắt bằng chất bán dẫn, cây cối, những dãy chợ bán thú nuôi và con người, con người, con người…
Đây mới là Thế giới thực của hắn, thế giới bên trong chiếc máy tính.
Hắn gõ vài lệnh và với một sự khuấy động đầy hứng khởi giữa hai chân, hắn nghe thấy tiếng rít lên rồi im bặt phát ra từ chiếc modem khi nó bắt đầu kết nối điện tử (Hầu hết những tay hacker thực thụ sẽ chẳng bao giờ dùng loại modem chậm như rùa và những đường dây điện thoại như thế này, mà sẽ chọn một đường dẫn trực tiếp, để lên mạng. Nhưng Phate có một giao ước, tốc độ không bao giờ quan trọng bằng việc vẫn online, có thể di động và che đậy dấu vết qua hàng triệu dặm đường dây điện thoại trên khắp thế giới).
Sau khi kết nối Internet, hắn kiểm tra email. Chẳng có tin gì từ Shawn cả, nếu không thì hắn đã đọc ngay rồi, những cái khác thì hắn sẽ xem sau. Hắn thoát chương trình e-mail và gõ một lệnh khác. Một menu hiện lên trên màn hình.
Khi hắn và Shawn viết phần mềm Trapdoor năm ngoái (Tạm dịch là “cửa sập”, ở đây được dùng để chỉ một lỗ hồng được gắn vào một hệ thống an ninh cho phép những nhà lập trình đi vào lại được bên trong máy tính để sửa chữa các lỗi mà không cần mật khẩu truy cập), hắn đã quyết định rằng, dù sẽ không có ai sử dụng nó, hắn sẽ tạo ra một menu thật đơn giản, thân thiện với người dùng bởi đó là điều những lập trình viên tài ba thường làm.
TRAPDOOR
Mainmenu
1. Bạn có muốn tiếp tục phần trước không?
2. Bạn có muốn tạo mới/mở/chỉnh sửa một file nền không?
3. Bạn muốn tìm kiếm một mục tiêu mới?
4. Bạn muốn giải mã một mật khẩu hay một văn bản?
5. Bạn có muốn thoát khỏi hệ thống không?
Hắn lăn chuột tới dòng thứ ba và nhấn nút Enter.
Một giây sau, phần mềm Trapdoor từ tốn hỏi một cách lịch sự:
Xin hãy nhập địa chỉ email của mục tiêu
Hắn gõ tên một user trong trí nhớ và nhấn Enter. Trong vòng mười giây, hắn được kết nối tới máy tính của ai đó và hắn có thể thoải mái quan sát mà người dùng chẳng chút nghi ngờ. Hắn đọc một lúc rồi bắt đầu viết nhanh các ghi chú.
Lara Gibson là một vụ hack hay ho, nhưng vụ này có khi còn ra trò hơn.
 
o O o
 
“Hắn đã làm ra thứ này”, viên giám ngục nói với họ.
Cảnh sát đang đứng trong phòng kho của nhà tù San Ho. Nằm xếp hàng trên kệ là dụng cụ để chơi chất gây nghiện, đồ trang trí kiểu Đức Quốc xã và các tấm biển của quốc gia Hồi giáo, các vũ khí tự tạo – dùi cui, dao và vòng sắt đeo hình nắm đấm, thậm chí cả vài khẩu súng. Đây là căn phòng đựng chiến lợi phẩm và những vật dụng ghê rợn được tịch thu từ đám tù nhân cứng đầu của nhà tù trong vài năm qua.
Dù vậy, rõ ràng cái mà viên giám ngục đang chỉ chẳng giống một thứ có thể gây sát thương hay làm chết người chút nào. Đó là một chiếc hộp gỗ kích thước khoảng 60×90 centimet, bên trong chứa đầy những sợi dây điện lấy từ chuông cửa, kết nối hàng tá linh kiện điện tử.
“Cái gì thế?”, Bob Shelton hỏi bằng giọng nghiêm trọng.
Andy Anderson cười lớn và thì thào, “Chúa ơi, đó là một chiếc máy tính. Một chiếc máy tính tự tạo”. Ông chúi người về phía trước, xem xét sự giản đơn của dây điện, những chỗ vặn xoắn dây được nối với nhau một cách hoàn hảo thay cho mối hàn, sự tận dụng không gian một cách hiệu quả. Nó thực sự đơn giản, sơ đẳng nhưng tính tế đến kinh ngạc.
“Tôi không biết rằng anh có thể tạo được một chiếc máy tính”, Shelton nói. Frank Bishop còm nhom thì chả buồn mở miệng lời nào.
Viên giám ngục nói, “Gillette là kẻ nghiện ngập tồi tệ nhất mà tôi từng thấy, mà chúng tôi đã có những gã xì ke ma túy thâm niên rồi. Chỉ có điều, cái hắn nghiện lại là những thứ này – máy tính. Tôi dám đảm bảo rằng hắn ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để được online. Và hắn có khả năng làm hại người khác để đạt được điều đó. Ý tôi là làm hại người khác một cách khủng khiếp. Hắn làm ra thứ này chỉ để lên mạng”.
“Nó có một cái modem ở bên trong sao?”, Anderson hỏi, vẫn còn cảm giác choáng váng với thiết bị đơn giản này. “Đợi đã, đây rồi.”
“Bởi vậy mà tôi cần phải cân nhắc về việc đưa hắn ta ra ngoài.”
“Chúng tôi có thể kiểm soát cậu ta”, Anderson nói, miễn cưỡng rời mắt khỏi sáng chế của Gillette.
“Anh nghĩ mình có thể làm thế ư”, viên giám ngục nói, nhún vai. “Những kẻ như hắn sẽ nói bất cứ điều gì phải nói để được lên mạng. Như những kẻ nghiện rượu vậy. Ông biết về vợ hắn chứ?”
“Hắn đã có gia đình rồi sao?”, Anderson hỏi.
“Đã từng. Hắn đã cố dừng việc hack lại sau khi lập gia đình nhưng không thể. Rồi hắn bị bắt và họ mất tất cả để chi trả cho luật sư và tiền phạt. Cô vợ ly hôn với hắn hai năm trước. Tôi đã ở đây khi hắn nhận được thủ tục ly hôn. Hắn thậm chí còn chả thèm quan tâm.”
Cánh cửa mở ra và một viên gác ngục bước vào với chiếc cặp tài liệu cũ sờn. Anh ta đưa nó cho viên giám ngục, rồi viên giám ngục lại chuyển nó cho Anderson. “Đây là tài liệu mà chúng tôi có về hắn. Hy vọng nó sẽ giúp ông quyết định xem có thực sự cần hắn hay không.”
Anderson lướt qua tập tài liệu. Tên tù nhân đã từng có tiền án tiền sự từ nhiều năm trước. Dù vậy, việc bị tạm giam thời niên thiếu không phải do tội gì quá nghiêm trọng: Gillette đã gọi đến văn phòng chính của Pacific Bell từ một bốt điện thoại công cộng – thứ mà những tay hacker gọi là pháo đài điện thoại và lập trình để nó giúp hắn gọi những cuộc gọi đường dài miễn phí. Các pháo đài điện thoại được coi là trường tiểu học của những hacker trẻ tuổi, sử dụng để xâm nhập vào hệ thống các công ty điện thoại, chẳng khác gì một hệ thống máy tính khổng lồ. Nghệ thuật của việc xâm nhập vào các công ty điện thoại là để kiếm những cuộc gọi miễn phí, hoặc chỉ để nếm trải thử thách, được gọi là Phreaking (Phreak: Xâm nhập vào hệ thống điện thoại chủ yếu với mục đích tạo các cuộc gọi miễn phí, nghe trộm hoặc cắt dịch vụ. Từ này cũng được dùng để miêu tả người tham gia vào hoạt động này). Những ghi chú trong hồ sơ cho thấy Gillette đã gọi đến các số điện thoại tra cứu thời gian, nhiệt độ ở Paris, Athens, Frankfurt, Tokyo và Ankara. Điều đó cho thấy hắn xâm nhập hệ thống chỉ vì tò mò muốn biết mình có làm được hay không. Chứ không phải vì tiền.
Anderson tiếp tục lướt qua hồ sơ của Gillette. Có điều gì đó rõ ràng về những lời mà viên giám ngục đã nói, hành vi của Gillette giống một kẻ nghiện ngập. Hắn đã từng bị thẩm vấn vì dính líu tới mười hai vụ hack lớn trong suốt tám năm. Trong bản án về vụ hack hệ thống của công ty Western Software, bên khởi tố đã trích dẫn câu nói từ một thẩm phán, người đã ra phán quyết với tên hacker nổi tiếng Kevin Mitnick, nói rằng Gillette là một kẻ “nguy hiểm khi được vũ trang bằng một bàn phím máy tính.”
Tuy nhiên, hành vi liên quan tới máy tính của tên hacker không có đặc thù tội ác, Anderson cũng nhận thấy điều đó. Hắn đã từng làm việc cho cả tá công ty ở Thung lũng Silicon và luôn nhận được những báo cáo sáng sủa về kỹ năng lập trình của mình, ít nhất thì hắn đã bị sa thải vì không đi làm hay ngủ gật trong giờ do đã mất cả đêm để mày mò máy tính. Hắn cũng viết rất nhiều phần mềm miễn phí tuyệt vời và các Shareware (Các phần mềm cho phép dùng và chia sẻ)– những chương trình phần mềm cho bất cứ ai cần sử dụng và đã thuyết trình tại các hội nghị về những hướng phát triển mới trong an ninh cùng ngôn ngữ lập trình máy tính.
Rồi Anderson phải nhìn lại một lần nữa và mỉm cười ngạc nhiên. Ông đang nhìn vào bản sao của một bài báo mà Wyatt Gillette đã viết cho tạp chí Online vài năm trước. Bài báo này khá nổi tiếng và Anderson nhớ rằng mình đã đọc khi nó mới được xuất bản nhưng ông lại chẳng thèm để ý xem ai là tác giả. Tiêu đề bài báo là Life in the Blue Nowhere – Cuộc sống ở Miền xanh thẳm vô định. Chủ đề xoay quanh việc máy tính là phát minh công nghệ cao đầu tiên trong lịch sử, có ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống con người, từ tâm lý, giải trí tới kiến thức hay thỏa mãn vật chất, thậm chí là cả tội ác, và vì nó, con người và máy móc sẽ tiếp tục gắn bó với nhau ngày càng khăng khít. Có nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng có rất nhiều nguy cơ. Từ “Blue Nowhere” – Miền xanh thẳm vô định, được dùng để thay thế cho “Cyberspace” (không gian số), chỉ thế giới của những chiếc máy tính, hoặc cũng được gọi là Thế giới máy tính – Machine World. Trong cụm từ mà Gillette nghĩ ra, “Blue” (xanh da trời) ám chỉ hệ thống điện để máy tính hoạt động. “Nowhere” – vô định, ý nói đó là một nơi không tồn tại, không có thật.
Andy Anderson cũng tìm thấy vài bản sao của những tài liệu từ vài vụ án gần đây nhất của Gillette. Ông thấy hàng tá những bức thư được gửi tới các thẩm phán, mong muốn sự khoan dung trong phán quyết. Mẹ của tay hacker đã qua đời vì một cơn trụy tim bất ngờ khi bà mới khoảng năm mươi tuổi, nhưng nghe có vẻ như chàng trai trẻ này và cha anh ta có một mối quan hệ tốt đến đáng ghen tị. Cha của Gillette – một kỹ sư người Mỹ làm việc ở Ả-rập Saudi, đã email vài bức thư khẩn cầu vô cùng cảm động tới thẩm phán để xin giảm nhẹ hình phạt cho con trai. Anh trai của tay hacker, Rick – một viên chức Chính phủ ở Motana, đã giúp đỡ em mình bằng vài bức thư được fax tới bồi thẩm đoàn, cũng tha thiết cầu khẩn sự khoan dung. Rick Gillette thậm chí còn đề nghị một cách thống thiết rằng em trai của anh ta có thể đến sống với anh ta và vợ “ở một vùng núi lạc hậu và khắc khổ”, như thể không khí trong lành và lao động chân tay có thể chữa lành bản tính tội phạm của tay hacker.
Anderson cảm động vì điều này nhưng cũng rất ngạc nhiên, phần lớn các tay hacker mà Anderson từng bắt giữ đều đến từ những gia đình không bình thường.
Ông đóng tập hồ sơ lại và đưa nó cho Bishop, anh ta đọc nó một cách im lặng, dường như gặp khó khăn với những thuật ngữ liên quan tới máy tính. Viên thám tử lẩm bẩm, “The Blue Nowhere?”. Một lát sau, anh ta bỏ cuộc và trả tập hồ sơ cho cộng sự.
“Lịch trình thả anh ta ra như thế nào?”, Shelton hỏi, lướt qua các trang hồ sơ.
Anderson đáp, “Chúng ta có một tập hồ sơ thủ tục hành chính đang chờ sẵn ở tòa án. Ngay khi chúng ta có thể lấy được chữ ký của thẩm phán bang vào đó, Gillette là của ta”.
“Tôi chỉ cảnh báo ngài thế này thôi”, viên giám ngục nói một cách đầy nghi ngại. Anh ta hất đầu về phía chiếc máy tính tự tạo. “Nếu ngài vẫn muốn thả hắn ra, đó là việc của ngài. Chỉ là ngài phải coi hắn như một con nghiện ma túy đã không được đụng đến kim tiêm hai năm rồi.”
Shelton nói, “Tôi cho rằng ta nên gọi FBI. Chúng ta có thể đưa vài đặc vụ vào vụ này. Và sẽ có thêm nhiều người để mắt đến anh ta”.
Nhưng Anderson lắc đầu. “Nếu chúng ta nói với họ thì Bộ Quốc phòng sẽ biết và bất ngờ về việc chúng ta thả kẻ đã phá vỡ Chương trình Standard 12 của họ. Gillette sẽ bị tống trở lại xà lim chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Không, chúng ta cần phải làm một cách lặng lẽ. Lệnh thả sẽ được thực hiện như với một tội phạm bình thường.”
Anderson nhìn về phía Bishop, thấy anh ta lại đang kiểm tra chiếc điện thoại im lìm của mình một lần nữa. “Anh nghĩ sao, Frank?”
Viên thám tử gầy guộc lại nhét áo vào quần và cuối cùng cũng nói được vài câu hoàn chỉnh. “Chà, thưa ngài, tôi nghĩ chúng ta nên đưa hắn ta ra ngoài càng sớm càng tốt. Cái tên sát nhân ấy chẳng chịu ngồi yên mà tán gẫu như chúng ta bây giờ đâu.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.