Sau Tang Lễ

Chương 18



Hercule Poirot đang ngồi gần lò sưởi trong thư viện, ông quan sát nhóm người trước mắt ông.

Suzan ngồi ngay ngắn bên phải ông, mặt phấn khích, chồng cô ngồi kế bên vẻ mờ nhạt, tay vân vê một mẩu giấy; George Crossfield cũng ở đó, nhu nhược nhưng hài lòng về mình ra mặt, anh ta đang kể với Rosamund về bọn cờ bạc lừa đảo trong những chuyến du hành đường biển xuyên Đại Tây Dương. Cô em họ hỏi lại một câu ngớ ngẩn, rõ ràng cô ta chẳng hề quan tâm đến những gì George đang kể:

– Ồ hay thật đấy! Nhưng mà tại sao?

Poirot tiếp tục cuộc khảo sát của mình: Michael, hơi có vẻ thiếu tự tin nhưng rất điển trai; Helen, tinh tế, ngồi hơi riêng ra một góc; Timothy ngồi một cách thoải mái trong chiếc ghế bành tốt nhất, lưng được chèn bởi một chiếc gối; Maude, mạnh mẽ, rắn rỏi, vẻ rất tập trung, chờ đợi, và cuối cùng, ngồi hơi lui về phía sau mọi người nhưng không có vẻ gì là khiêm tốn: Cô Gilchrist, mặc một bộ áo cánh duyên dáng lạ lùng. Poirot nghĩ rằng cô ta sẽ sớm đứng dậy, nói nhỏ vài lời xin lỗi rồi lên phòng mình. Cô Gilchrist rất biết vị trícủa mình, ông nghĩ vậy.

Hercule Poirot từ từ uống ly cà phê và ngầm quan sát mọi người với con mắt chuyên nghiệp.

Họ có mặt đủ cả, như ông đã muốn. Và giờ đây, ông chợt cảm thấy chán vụ này và tự hỏi sẽ làm gì với họ. Phải chăng ông đã bị ảnh hưởng bởi thái độ thụ động chịu đựng của Helen? Bà ấy không thích đào bới những chuyện xung quanh cái chết của Richard lên. Tại sao nhỉ? Tại sao ông lại có cảm giác muốn làm theo ý bà ấy?

Những gì mà ông Entwhistle đã nói về các thành viên của gia đình này rất chính xác. Ông đã nói với Hercule Poirot về từng người một cách cụ thể và thông minh. Nhưng theo kinh nghiệm, Hercule Poirot vẫn muốn tự mình gặp mặt họ. Ông nghĩ rằng nếu ông nói chuyện trực tiếp với tất cả, ông sẽ có thể biết được chính xác câu trả lời cho câu hỏi: “Ai?” của câu chuyện này. Vì, cũng như những người chơi tranh biết nhận ra họa sĩ, Poirot nghĩ mình có thể nhận ra những kẻ giết người nghiệp dư sẵn sàng phạm tội nếu cần thiết.

Những việc đó, trong vụ này, không phải là dễ dàng. Bởi vì mỗi thành viên trong gia đình này đều có khả năng là một tên giết người được. George có thể giết người vì liều lĩnh; Suzan, lạnh lùng và có hiệu quả, cũng có thể giết người để thực hiện một dự định; Gregory, tính tình bệnh hoạn và cục cằn, anh ta có thể giết để trừng phạt; anh chàng Michael thì tham lam và tự phụ, anh ta có cái kiêu căng và tự phụ của một tên tội phạm, Rosamund, nông cạn một cách thảm hại; Timothy thì công khai căm ghét, đó kị anh trai mình và bất bình vì không được thừa hưởng toàn bộ gia tài; Maude coi Timothy như một đứa trẻ, bà có thể trở nên rất tàn nhẫn vì đứa trẻ của bà; và cô Gilchrist nữa chứ, cô ta cũng có thể sẵn sàng giết người để lập lại phòng trà của mình.

Thế còn Helen? Poirot thực sự không nghĩ rằng Helen có thể giết người. Bà ấy sống xa lánh với mọi ý nghĩ bạo lực và là một người quá hiểu biết nên không thể làm chuyện đó. Hơn nữa, bà và chồng bà vẫn rất quý mến Richard Abernethie.

Hercule Poirot thở dài. Cách lập luận này vẫn chưa dẫn đến sự thực được, cần phải áp dụng một biện pháp chậm và chắc chắn hơn. Ông sẽ nói chuyện với từng người, có thể sẽ giả vờ giảng giải cái sai để biết cái thật, rồi sớm hay muộn thủ phạm sẽ phải phạm sai lầm.

Helen đã giới thiệu Hercule Poirot với từng người và ông đã cố gắng thân thiện với họ để xóa đi sự khó chịu gây ra bởi sự có mặt của một người lạ trong nhà. Ông đã quan sát, nghe ngóng, đôi khi nghe trộm, nhìn nhận những quan hệ thân thiện hay đối nghịch, nhất là qua những lời mà họ đã nói qua khi chia của; ông đã khéo léo tạo được những cơ hội để nói chuyện riêng với người này, đi dạo với người kia. Với cô Gilchrist, Poirot đã khéo gợi lại sự thành công ngày xưa của phòng trà của cô, hỏi han cô về những thứ bánh mà cô thích làm, về những món ăn. Còn Timothy thì đã nói chuyện với ông hàng tiếng đồng hồ về chủ đề duy nhất: sức khỏe của ông ta và cái khó chịu của mùi sơn.

Mùi sơn ư? Poirot nhíu mày. Ai đã nói với ông về mùi sơn rồi ấy nhỉ? Entwhistle chăng?

Poirot cũng đã có một cuộc nói chuyện khác, về tranh của Pierre và Cora Lansquenet. Điều đó đã làm cho cô Gilchrist rất hãnh diện nhưng Suzan thì lại rất coi thường. “Vẽ theo bưu thiếp”, cô ta đã nói như vậy. Câu nói đó đã làm cho cô Gilchrist rất tức giận và khẳng định lại là bà Lansquenet của cô luôn vẽ theo cảnh thực.

– Tôi vẫn tin chắc bà ấy đã ăn gian, Suzan đã lại khẳng định với Poirot như vậy sau khi cô Gilchrist đã rời khỏi căn phòng, nhưng tôi không nói ra trước mặt cô gái già này vì điều đó sẽ làm cô ta phật lòng.

– Nhưng làm sao cô lại dám chắc là như vậy? Poirot hỏi lại, vừa nhìn chăm chú cái cằm rất xinh của cô gái vừa nghĩ thầm: “Cô ta rất tự tin, có lẽ là đôi khi quá tự tin.”

– Đây là những lý do của tôi, nhưng ông đừng nói gì với cô Gilchrist đấy nhé. Cô Cora đã vẽ một bức về cảng Polflexan với vịnh bờ đá, ngọn hải đăng và tường chắn sóng. Nhưng, bức tường chắn sóng đã bị phá hủy trong chiến tranh, như vậy là bức tranh đó không thể là đã được vẽ theo cảnh thực được vì cô Cora mới vẽ nó cách đây hai năm. Thực ra trên những chiếc bưu thiếp về cảng mà người ta bán tại chỗ vẫn có bức tường chắn sóng ấy và tôi đã thấy một bức như vậy trong phòng ngủ của bà ấy. Như vậy có lẽ là Cora đã bắt đầu vẽ bức tranh tại chỗ rồi bí mật hoàn chỉnh sau ở nhà, trong phòng ngủ. Thế đấy, con người ta thế nào thì cuối cùng cũng bị lòi đuôi ra. Thật là lý thú phải không?

– Đúng, đúng thế. Thật là lý thú, như cô đã nói.

Poirot im lặng một lát rồi nghĩ rằng thời cơ ông chờ đợi đã đến,ông lên tiếng nói:

– Cô không biết tôi, nhưng tôi thì tôi vẫn nhớ cô. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô.

Suzan nhìn dò hỏi. Poirot gật đầu và nói:

– Đúng thế đấy, đúng thế đấy. Lần trước tôi đang ngồi trong xe và tôi đã nhìn thấy cô qua cửa kính, còn cô thì đang nói chuyện với những người thợ máy của bãi để xe. Cô thấy đấy, người ta rất dễ nhớ một cô gái trẻ và rất ưa nhìn như cô ngày hôm đó. Vậy nên khi gặp lại cô ở đây tôi đã kêu thầm lên: Thật là một sự tình cờ lý thú!

– Một bãi để xe? Khi nào vậy? Và ở đâu?

– Ồ, chưa lâu lắm đâu. Cách đây một tuần, ờ không, hơn một tuần một chút. Nhưng mà, tôi không còn nhớ là ở đâu nữa. Tôi đã đi rất nhiều vào thời gian gần đây. – Poirot nói dối, tất nhiên là ông nhớ rất rõ bãi để xe của quán trọ King’s Arms.

– Ông đi tìm một ngôi nhà cho những người tị nạn của ông?

– Vâng. Tôi đã phải đi rất nhiều vì cần phải tính đến nhiều tiêu chí: giá, địa điểm, khả năng tu sửa.

Poirot ngừng một lát rồi hỏi:

– Cô có buồn vì nhìn thấy ngôi nhà gia đình này… rơi vào tay người nước ngoài như thế không?

– Tất nhiên là không – Suzan có vẻ vui vẻ – Ngược lại, tôi thấy rằng đó là một ý kiến rất tuyệt, lập những khu chung cư cho người tị nạn. Về phần tôi, tôi không có tình cảm nào gắn bó với ngôi nhà này. Đó đâu phải là nhà tôi. Bố mẹ tôi đều đã sống ở London và chúng tôi chỉ thỉnh thoảng mới đến Enderby vào dịp Noen. Hơn nữa tôi thấy nơi này xấu xí và chẳng có vẻ gì là một ngôi đền giữ tiền cả.

– Có thể, nhưng tiền vẫn có những ngôi đền của nó đấy chứ. Nếu tôi không lầm thì – tôi xin lỗi nếu như thế là quá tò mò – cô sẽ quyết tâm xây dựng một trong những ngôi đền đó, dựa trên xa xỉ phẩm phải không?

– Ồ, không hẳn là một ngôi đền đâu – Suzan vừa cười vừa trả lời – Chỉ là một chỗ để làm ăn thôi mà.

– Không quan trọng tên gọi. Hình như dự án đó sẽ đòi hỏi đầu tư khá nhiều đúng không?

– Quả là tất cả đều đắt khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ rằng cũng đáng công đấy.

– Hãy nói với tôi về dự án của cô đi. Tôi vẫn rất thích thú khi được gặp những phụ nữ trẻ đẹp thực tế và tài giỏi. Thời tôi – tôi cũng phải thừa nhận là đã lâu rồi – các phụ nữ đẹp thường chỉ quan tâm đến vui chơi và sắc đẹp của mình mà thôi.

– Ồ, họ vẫn rất để ý chăm sóc đến sắc đẹp của mình đấy chứ. Và chính dựa trên điều đó mà tôi định làm ăn đây.

– Hãy kể cho tôi đi…

Suzan hào hứng nói với Poirot về những dự định của mình một cách rất chi tiết. Poirot khâm phục cô gái này vì đầu óc kinh doanh sắc sảo, các dự định táo bạo, sự thông minh và có thể một chút tàn nhẫn của những nhà tổ chức táo bạo.

Vừa quan sát cô, Hercule Poirot vừa nói:

– Tôi tin rằng cô sẽ thành công và tiến xa đấy. Rất may là cô đã không nản chí trong khó khăn như nhiều người khác. Quả thực là người ta chẳng làm được gì nhiều khi không có vốn. Có những ý kiến sáng tạo mà đành phải bó tay vì thiếu tiều thì hẳn là khổ sở lắm.

– Rơi vào hoàn cảnh đó tôi nghĩ là tôi sẽ không chịu được. Nhưng nhất định tôi sẽ tìm được vốn cần thiết, ai đó đầu tư cho tôi.

– Tất nhiên. Ông chú của cô, chủ cũ của ngôi nhà này, rất giàu có. Ngay cả nếu như ông ấy không chết thì hẳn là ông ấy cũng đầu tư cho công việc làm ăn của tôi.

– Ồ, không đâu. Đối với phụ nữ, chú Richard rất cổ hủ. Ôi, nếu như tôi là đàn ông… – Vẻ tức giận hiện rõ trên mặt cô gái – Ông ấy đã làm tôi rất tức.

– Tôi hiểu… tôi hiểu…

– Người già không nên cản trở giới trẻ như thế. Ồ tôi xin lỗi.

Hercule Poirot cười một cách thoải mái và vân vê ria mép.

– Tôi già thật, nhưng tôi không làm gì cản trở giới trẻ cả. Cũng chẳng có ai phải đợi tôi chết đi cả.

– Thật là một ý nghĩ ghê tởm – đợi cái chết của ai đó!

– Nhưng mà cô, một người thực tế, chắc hẳn cô cũng phải thừa nhận rằng trên đời người trẻ tuổi, hoặc đã trưởng thành, đang đợi, đôi khi quá nôn nóng, cái chết của ai đó, vì cái chết ấy sẽ mang lại cho họ sự thịnh vượng hay ít ra là cơ hội…

– Cơ hội! – Suzan thở hắt ra và kêu lên – Đó đúng là điều mà tôi cần.

Poirot nhìn ra phía sau cô nói một cách vui vẻ:

– A chồng cô đến góp phần vào cuộc tranh luận của chúng ta đây. Chúng tôi đang nói về “cơ hội”, ông Banks ạ, về cái thứ quý giá mà người ta phải vội bắt lấy bằng cả hai tay khi nó xuất hiện ấy. Hãy cho chúng tôi biết ý kiếncủa anh đi.

Nhưng Poirot không thể biết được ý kiến của Gregory Banks, về “cơ hợi” hay về bất cứ điều gì khác. Thực ra, ông đã nhận ra rằng không có cách nào nói chuyện với anh ta được. Anh ta có một khả năng kỳ lạ: bởi ý muốn của chính mình hay của vợ, Gregory Banks có vẻ không có một chút thiên hướng nào đối với những cuộc đối thoại hay tranh luận nghiêm chỉnh. Không, không thể nào nói chuyện được với anh ta.

Ngược lại, với Maude, Poirot đã không gặp khó khăn gì để gợi chuyện. Họ đã nói về mùi sơn. Bà ấy không giấu niềm vui. Ồ, thật may là Timothy đã chịu đến Enderby và Helen thật tốt đã mời cả cô Gilchrist nữa.

– Vì cô ấy giúp cho chúng tôi rất nhiều, Maude đã nói như thế. Cô ấy thường tự mình hâm lại đồ ăn cho Timothy vì ông ấy rất hay đói. Chúng tôi rất ngại nhờ người ở của người khác phục vụ. Cô ấy rất tận tâm. Và thế là tôi phải cám ơn trời đã làm cho cô ấy không dám ở lại nhà một mình, mặc dù tôi cũng phải thú nhận là lúc đó cô ấy đã làm cho tôi giận.

– Cô ấy đã không dám ở lại một mình?…

Poirot vội hỏi, vẻ rất quan tâm đến điều vừa nghe được. Maude kể lại chuyện cô Gilchrist đã đột nhiên rất hoảng sợ khi nghe tin mình phải ở lại trông nhà một mình. Poirot lắng nghe một cách chăm chú.

– Cô ấy đã sợ à? Và bà không hiểu được tại sao, đúng không? Hay đấy. Rất hay đấy. Ông lẩm bẩm như nói một mình.

– Tôi cho rằng ấy là vì cô ta vẫn còn bị sốc.

– Cũng có thể là như vậy.

– Một hôm, trong chiến tranh, một quả bom đã rơi xuống cách nhà chúng tôi một dặm, tôi nhớ là Timothy đã…

Maude kể lại chuyện về Timothy, nhưng Poirot chẳng để ý gì đến chuyện đó.

– Bà hãy nhớ lại xem, có điều gì đó đặc biệt đã xảy ra ngày hôm đó không?

– Ngày nào? Maude không hiểu hỏi lại.

– Ngày mà cô Gilchrist đã tỏ ra hoảng sợ ấy.

– À ngày hôm đó… Không, tôi nghĩ rằng không. Có lẽ là cô ấy đã bị sợ như thế từ khi cô ấy rời Lytchett St-Mary. Ít ra thì cô ấy cũng đã nói với tôi như vậy. Trước đó cô ta đâu có đến nỗi nhát gan.

Với một miếng bánh ngọt tẩm thuốc độc, Poirot nghĩ, thì cũng dễ hiểu là sau đó cô Gilchrist hay lo sơ. Nhưng tại sao sự lo sợ ấy vẫn tiếp tục, thậm chí trở nên trầm trọng hơn nữa, ở Stanfield Grange yên tĩnh? Cô ta đã từng sống bên cạnh một người hoang tưởng khó tính (một bà cô) lẽ ra điều đó phải làm cho cô ta trở nên mạnh mẽ hơn chứ.

Chắc chắn là có cái gì đó trong ngôi nhà ờ Stanfield Grange ấy đã làm cho cô Gilchrist hoảng sợ. Nhưng mà điều gì nhỉ? Liệu chính cô ta có biết không?

Ngay khi có cơ hội gặp riêng cô gái già, Hercule Poirot đã vội đi thẳng vào vấn đề với vẻ tò mò thái quá.

– Cô sẽ hiểu cho tôi chứ, nếu như tôi nói với cô rằng tôi không dám hỏi chuyện những người trong gia đình về vụ giết người ấy? Nhưng tôi rất tò mò. Mà ai lại không tò mò cơ chứ? Một họa sĩ nhạy cảm bị giết hại một cách dã man tại một ngôi nhà ẩn dật… điều đó chắc hẳn phải là thật kinh khủng đối với gia đình. Và chắc là đối với cô cũng vậy, đúng không? Ông Abernethie đã cho tôi biết là cô đã sống ở đó, ngày xảy ra vụ án.

– Đúng thế, tôi đã ở đó. Nhưng hãy tha lỗi cho tôi, ông Pontalier, tôi không muốn nhắc lại chuyện đó.

– Tôi hiểu, tôi hiểu.

Poirot im lặng. Và cũng đúng như ông đã dự đoán, cô Gilchrist bắt đầu tự mình kể về vụ án.

Tất nhiên cô ta chẳng cho ông thông tin gì, ngoài những gì mà ông đã biết rồi. Nhưng ông vẫn tỏ vẻ rất quan tâm, ông nghe rất chăm chú và đôi khi buột miệng kêu lên xuýt xoa. Điều đó lại càng làm cho cô Gilchrist thích thú.

Khi cô kể hết chuyện, đã nói hết về những gì mà cô nghĩ, những nhận xét của bác sĩ, sự tốt bụng của ông Entwhistle… Poirot bắt đầu, một cách thận trọng, hỏi về chuyện mà ông muốn biết.

– Tôi cho rằng cô đã đúng đắn khi quyết định không ở lại một mình trong ngôi nhà đó.

– Tôi không thể tiếp tục ở lại đó được, ông Pontalier, thực sự không thể.

– Tất nhiên rồi. Tôi hiểu, sau chuyện đó cô không còn dám ở nhà một mình nữa, ngay cả ở một nhà khác, nhà ông Timothy Abernethie…

Cô Gilchrist tỏ vẻ xấu hổ.

– Về chuyện đó, tôi lấy làm xấu hổ. Thật chẳng ra làm sao. Đột nhiên tôi đã thấy hoảng sợ mà chẳng hiểu tại sao.

– Ồ, sao lại không biết tại sao? Ai cũng biết cả. Cô vừa thoát khỏi một vụ đầu độc hèn hạ mà.

Cô Gilchrist thở dài và than rằng cô không hiểu tại sao lại có người muốn đầu độc cô.

– Đơn giản là vì tên giết người nghĩ rằng cô có thể biết những thông tin có hại cho hắn.

– Nhưng tôi có biết gì đâu cơ chứ? Một tên du côn hay điên khùng nào đó…

– Chưa chắc đã phải là một tên côn đồ. Tôi cho là ít có khả năng đó.

– Xin ông, ông Pontalier! – cô Gilchrist tỏ rõ vẻ phiền lòng – Xinong đừng nói những điều như thế. Tôi không muốn tin.

– Cô không muốn tin điều gì?

– Tôi không muốn tin rằng đó không phải là… đó là… – cô dừng lại nửa chừng bối rối.

– Cô không muốn tin như thế nhưng cô lại tin đấy. Poirot tiếp tục vẻ say sưa.

– Ồ không, không!

– Có đấy. Và bởi chínhvì thế mà cô sợ – mà cô vẫn còn sợ. Tôi nói có đúng không?

– Không. Tôi không còn sợ nữa từ khi tôi đến đấy. Ở đây có nhiều người, không khí gia đình thật dễ chịu. Không, ở đây tôi không thấy sợ.

– Có lẽ là ở Stanfield Grange đã có một cái gì đó đánh thức sự sợ hãi trong cô dậy mà cô không biết. Các bác sĩ cũng đã thừa nhận rằng tiềm thức có một vai trò rất quan trọng.

– Vâng, vâng. Tôi biết điều đó.

– Vậy thì tôi nghĩ là sự hoảng sợ tiềm thức của cô đã được vật chất hóa trong mộ sự kiện nào đó cụ thể, một sự kiện bên ngoài nào đó đãcó thể làm bộc phát ra sự hoảng sợ của cô.

Cô Gilchrist cóvẻ lắng nghe rất chăm chú những lời nói của Poirot.

– Tôi tin rằng ông đã nói đúng.

– Thế theo cô thì cái sự kiện ấy là gì?

Cô gái già ngẫm nghĩ một lúc rồi đột nhiên đưa ra một câu trả lời bất ngờ:

– Ông Pontalier, tôi nghĩ rằng sự kiện đó là một bà sơ.

Hercule Poirot chưa kịp phản ứng gì thì Suzan cùng chồng cô đi vào và ngay sau đó là Helen.

“Một bà sơ? Xem nào, tôi đã nghe nói đến điều này rồi thì phải.” Hercule Poirot nghĩ thầm rồi quyết định ngay trong buổi tối nay sẽ phải trở lại câu chuyện về những bà sơ này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.